013051a ĐỊA
VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA TIẾNG DÂN
TRONG VĂN HOÁ VIỆT NHO
Đi vào nền
văn hóa Viễn Đông người tinh ý sẽ nhận thấy điểm đặc trưng này là có một nền
thống nhất văn hóa lạ lùng giữa dân gian và quý tộc là điều không thể tìm ra
được ở nơi khác. Nét đặc trưng đó được biểu lộ trong địa vị nổi vượt của ca dao
đến nỗi nó là phần chính của kinh điển, và khi các học giả tìm trở lại nội dung
chân thực của các kinh điển thì nhận ra phần lớn là ca dao, vốn đã là ca dao,
hay đã biến thành ca dao ngạn ngữ vì nhiều đời đã cùng học một sách như vậy, và
đều chấp nhận một cách thâm tín như từ trong tiềm thức và đó là điều làm nên ca
dao. Cho nên một là ca dao hai là được ca dao hóa thì đàng nào cũng chơi vai
trò ca dao. Chúng ta biết rằng ca dao là một hình thức văn học thịnh hành trong
dân gian. Vì dân gian phải lao tác không có nhiều rảnh rỗi để nghe những bài
dài nói quanh co, nên cần phải nói trực chỉ ngay vào sự việc và hơn thế nữa
phải đúc vào những câu gọn hết sức để dễ nhớ và dễ chuyển từ miệng này sang
miệng khác. Đấy là điều mà khoa tuyên truyền thời nay đã khám phá ra và áp dụng
dưới hình thức khẩu hiệu với rất nhiều hiệu nghiệm. Bí quyết này đã được người
xưa áp dụng bằng ca dao ngạn ngữ, và đó là lý do giải nghĩa địa vị cần thiết
của ca dao. Ngoài ra còn một lý do khác sâu xa hơn nằm trong lời trực chỉ.
Những nhà giáo dục chân chính đều nhận ra rằng sự dạy dỗ muốn trung thực thì
không phải là bằng sách nhưng chính là bằng lời truyền khẩu “miệng đối miệng,
lòng đối lòng”, lúc ấy mỗi câu nói mang theo một sự hiệu nghiệm vượt xa sách
vở. Chính vì thế mà các vị hiền triết xưa viết ít hoặc không viết chi cả, nhưng
ảnh hưởng các ngài bền lâu tận tới nay. Đó là những lý do giải nghĩa giá trị
của ca dao trong mọi nền văn học.
Tuy nhiên
nó chưa giải nghĩa được tại sao ca dao lại có địa vị lớn trong nền văn học Việt
nho hơn hẳn bên Âu và bên Ấn. Lý do nằm ở chỗ nền văn hóa của Viêm Việt đã
thắng văn hóa Hoa tộc, mà do đó địa vị của Viêm Việt cũng nắm vai trò quan
trọng. Điều này đã không xảy ra bên Âu hay Ấn. Bên Âu Châu cổ đại tức là La Hy,
phái quý tộc đã tràn vào nhà đạp hẳn lên nền văn hóa của dân bản thổ, nơi mà
trước đây cách ba bốn ngàn năm cũng đã xảy ra một sự kiện y hệt bên Trung Hoa
cổ đại nghĩa là cũng có những dân tộc xâm lặng tràn vào chiếm đất của dân Thổ
trước. Nếu bên Viễn Đông có Viêm Việt, thì bên Hy Lạp có dân Minoens, bên Ấn Độ
có Dravidien, và cả ba nơi dân bản thổ đều bị cướp đoạt, nhưng với số phận khác
nhau. Bên Hy Lạp chẳng hạn khi người Hellens thuộc dòng Ấn-Âu (indo-européene)
tràn vào xứ Hy Lạp thì những người Minoens hoặc bị tàn sát hoặc bị bắt làm nô
lệ, nên từ đấy văn hóa cha ông của họ bị chuyển hẳn sang tay kẻ xâm lăng và
người Minoens đã không còn được đóng góp tiếng nói nào trong việc duy trì và
phát huy nền văn hóa tổ tiên, trái lại nó bị thao túng do người xâm lăng để
biến thành công cụ bóc lột người Minoens. Chính nền văn hóa Hellens này đã để
ảnh hưởng sâu đậm nhất trong văn hóa Âu Tây. Người Aryens khi xâm nhập Ấn Độ
còn xử với cựu dân Dravidiens tệ hơn nữa, tức không thừa nhận họ là một giai
cấp, mà chỉ coi là một thứ lạc loài, không vào thành phần nào hết. Vì thế mà
nền văn học dân gian cũng bị đè bẹp luôn. Sau này có nhiều yếu tố quý giá của
dân nông nghiệp Dravidiens được thâu hóa vào nền văn học cổ Ấn Độ, nhưng việc
làm đó hoàn toàn do quý phái Aryens, còn dân Dravidiens vẫn bị nằm bẹp dưới ách
nô lệ trải qua hằng bốn ngàn năm không có một bàn tay nào nghĩ đến giải thoát
họ, vì thế giữa văn học quý phái Aryens và văn học dân gian Dravidiens đã không
có được nền thống nhất lẫm liệt như bên Viễn Đông.
Bên Viễn
Đông kẻ xâm lăng tuy cũng dở đủ các thủ đoạn như Hellens, và Aryens nhưng họ
gặp một nền văn hóa quá cao và một khối dân gian quá đông, nên chính kẻ xâm
lăng bị đồng hóa, và dân gian vẫn giữ vai trò sáng tạo văn minh, và vì thế mới
có được một nền thống nhất văn hóa đặc biệt trong đó ca dao nắm một địa vị cao
chưa đâu bằng: nghĩa là chúng không còn nằm tản mác đó đây như bên Âu hay Ấn,
nhưng đã được đưa vào kinh điển, cũng như kinh điển do chính dân gian sáng tác.
Câu quyết đoán này thoạt nghe như có vẻ vu khoác, và dẫu sao thì vẫn còn lờ mờ
vì người ta còn có thể đưa ra nhiều vấn nạn chẳng hạn, nếu thực sự dân gian
sáng tác ra kinh điển thì tại sao kinh điển lại chép bằng văn ngôn là tiếng quý
phái mà không bằng tiếng dân gian là bạch thoại. Và tại sao kinh điển chỉ được
giới sĩ phu học hỏi mà thôi, vì thế phải gọi là văn chương quý phái, bác học mà
không là văn chương bình dân. Thưa điều đó có thực, nhưng chỉ xảy đến về sau vì
thế nó không ngăn lấp nổi sự thực sâu xa hơn là từ đầu dân gian đã sáng tác
kinh điển. Tuy nhiên có nhiều rắc rối về sau mà ta cần bàn từng điểm và trước
hết là vấn đề ngôn ngữ. Kinh điển chép bằng văn ngôn mà văn ngôn là của quý
phái nên chỉ có các nhà quý phái bác học mới hiểu được. Điều đó thật nhưng chỉ
thật từ đời Tần Hán về sau, còn trước đó thì văn ngôn chính là tiếng nói của
dân gian. Ai cũng biết rằng tiếng nói là một thực thể sống động nên chỉ ít trăm
năm thì đã biến đổi đến nỗi sau này chỉ còn có học giả mới hiểu được tiếng nói
thông thường cách đây một ngàn năm, chẳng hạn người Pháp nay hầu không hiểu
được văn của thế kỷ 16. Còn người Ai Cập hiện đại thì không còn hiểu gì nữa đối
với ngôn ngữ cổ Ai Cập của họ, căn cớ là tại tiếng nói luôn luôn biến chuyển,
trái lại, kinh điển một khi đã chép vào sách thì bắt đầu ngừng lại ở đấy, chứng
cớ là ngay các sách viết bằng bạch thoại như Tam Quốc, Thuỷ Hử… thì bạch thoại
đó đã khác hẳn bạch thoại đang được dùng hiện nay rất nhiều rồi. Vậy thì sự
dùng văn ngôn không ngăn trở để bảo kinh điển do dân gian khởi sáng. Ta nên
phân biệt hai chữ quý phái và bác học hay bị lẫn lộn. Ở trường hợp kinh điển là
bác học chứ không phải quý phái. Gọi là văn học quý phái khi nội dung ít ăn
nhằm tới những mối bận tâm của dân gian của con người, còn bác học thuộc hình
thái như ngôn ngữ. Thí dụ có những sách bên Tây nói về những truyện rất thông
thường trong dân mà nguời Việt không hiểu được, muốn hiểu phải trở thành bác
học tức phải học tiếng Tây. Vì thế tuy bác học không đi đôi với bình dân về ngôn
ngữ, nhưng rất có thể đi đôi về nội dung. Cũng như ngược lại sách vở quý phái
dù có viết bằng lối văn bình dân thì nội dung cũng vẫn là quý phái không thể đi
đôi với bình dân bởi nó bàn những truyện xa lạ với dân gian. Chữ bình dân hay
dân gian đây phải hiểu trong bầu khí Việt nho bao gồm cả học giả: vì rất nhiều
Nho gia suốt đời chỉ là dân gian nhiều người làm quan nhưng tâm hồn vẫn dân
gian, nên không nên đồng hóa dân gian với vô học như bên Âu Ấn, nơi dành độc
quyền học vấn cho quý phái, chưa có “hữu giáo vô loài” như bên ta.
Phân biệt
như thế rồi chúng ta có thể nói kinh điển của Việt nho hiện nay có xa dân chúng
thì chỉ vì ngôn ngữ, vì bác học chứ không vì tính chất quý phái của nó. Bạn sẽ
lại vấn nạn là kinh điển có tính chất quý phái ở chỗ phò vua quan, phò chính
quyền.
Thưa rằng
điều ấy có nhưng đấy là do vua quan, do quý tộc đã tìm cách xuyên tạc kinh văn
bằng xen giặm những câu nói của pháp gia bồi bút của óc chuyên chế, hoặc bằng
phủ lên trên cả một hệ thống chú sớ thuận lợi cho quý tộc cho vương triều. Tuy
nhiên việc đó cũng chỉ che đậy được phần nào, vì hễ ai có mắt nhìn sâu liền
nhận ra được cái hồn kinh điển, hồn đó là hồn của dân gian cũng là nhân gian,
hồn của thành hiền, nên vẫn chống đối óc chuyên chế quý tộc, phong kiến vì thế
nhiều ông vua độc tài vẫn nghi kị kinh điển. Tần Hoàng đã ghét cay ghét độc
kinh điển nhất là Thi và Thư nên truyền đốt đi. Nhưng đốt đi không hết nên nhà
Hán đã tìm cách xuyên tạc bằng lập thư viện “Thạch Cừ”, bằng bãi bách gia chư
tử để tôn sùng Nho giáo. Sự thực thì chỉ là tôn sùng óc chuyên chế của Vương
triều, của Hán Nho, vì lối tôn sùng Hán Nho đó làm cho không ai phân biệt được
nữa đâu là Việt nho đâu là Hán Nho và nhờ đó hơn hai ngàn năm văn học bị lùa
hết vào cái rọ Hán học. Tuy nhiên nếu ai tinh ý vượt qua được các câu xen giặm,
những chú sớ tùm lum thì sẽ nhận ra bản chất của kinh điển, đó là bản chất thân
dân. Chứng cớ rõ rệt nhất là sự đầy ắp những lời của dân, tức là những câu ca
dao, đồng diêu, tục ngữ, ngạn ngữ (xem Danses). Điều này rất rõ trong kinh
Dịch, kinh Lễ và nhất là kinh Thi. Hãy lấy thí dụ bài Thất Nguyệt là bài có tự
lâu đời nhất của kinh Thi mà cũng vào hạng dài nhất (8 chương) nhưng nó có thể
coi là bản tóm của nguyệt lệnh. Nếu ta đọc nguyệt lệnh hay bài Thất nguyệt thì
sẽ bù đầu vì chữ với nghĩa, nhưng nếu có người biết tóm ý chính cả hai bản văn
cho ta nghe thì đại để chỉ toàn là ca dao: cũng một kiểu như bài:
“tháng giêng
ăn tết ở nhà…
tháng tư giồng đỗ nấu chè…”
Tất
cả đều thiết thực cụ thể, cho nên nếu hiểu được chữ Nho thì liền thấy rung động
trước những câu nói bề ngoài coi như cổ hủ lỗi thời. Khi hiểu ra thì chính là
những kinh nghiệm của bao thế hệ tiên tổ đã kết tinh vào trong những câu nói
kiểu bia ký. Vì thế từ những bài ca dao, tục ngữ của ta lên đến những câu trong
kinh Thi, rồi chuyển qua kinh Dịch hay kinh Lễ nhất là thiên nguyệt lệnh chúng
ta thấy cũng một hơi hưởng, cùng một nhịp tim. Học giả Granet (P.C. 61) kể lại
vào tháng 2 năm 1922 đã được dự mấy buổi hát trống quân ở Bắc Việt: bắt đầu hát
mấy câu kinh Thi rồi tiếp liền đấy là phần sáng tác của hai bé nam nữ đối cảnh
sinh tình, ứng khẩu ra những câu thơ của mình, thế mà vẫn liên tục với kinh
Thi, một thứ liên tục sống động trong tâm tư, tình ý, tức là nội dung, mặc dù
về ngôn từ thì có sự cách biệt giữa văn ngôn và bạch thoại Việt Nam. Về kinh
Thi thì có lưu truyền rằng: những bậc thánh vương đã sai các quan đi thu lượm
các bài hát trong dân gian để hiểu biết ý dân nên nó là của dân gian sáng tác.
Điều đó dễ thấy khi ta đọc quốc phong. Nhưng cả đến những kinh khác nhất là
kinh Dịch tiền nhân cho là đã được truyền khẩu qua nhiều đời từ Phục Hy mãi tới
Văn Vương mới được viết thành văn, đến sau Khổng Tử mới thêm “truyện”. Vậy có
nghĩa là phải một quãng thời gian trên dưới hai ngàn năm mới sáng tác xong quyển
kinh Dịch và những người sáng tác là dân chúng nên mới có rất nhiều ca dao tục
ngữ ở trong.
Câu hỏi
rằng có thực Văn Vương hay Khổng Tử đã san định kinh Dịch chăng và san định vào
lúc nào thì đó là vấn đề làm bù đầu mấy học giả. Làm bù đầu vì hầu hết họ xét
theo phạm trù Tây phương nghĩa là căn cứ vào ngôn ngữ học, mà không biết căn cứ
vào sự kiện thói tục và thể chế. Ông Granet (Civ. 17) nói rất trúng rằng văn
minh Tây phương chuyên về nói thì căn cứ trên ngôn ngữ học là phải, còn văn
minh Đông phương là văn minh chuyên về làm thì phải căn cứ trên sự kiện xã hội
mới trúng và lúc ấy thì vấn đề tác giả và thời kỳ viết ra đâu còn quan trọng
như bên Tây. Sở dĩ vấn đề tác giả quan trọng cho Tây là vì các tác phẩm của họ
hầu hết do một cá nhân sáng tác, còn bên Viễn Đông thì trước hết do toàn dân
thai nghén ấp ủ, nói đi kể lại cả từng ngàn năm rồi sau cùng “tác giả” mới xếp
đặt lại để lên khuôn. Trước khi La Quán Trung viết ra Tam Quốc hay Ngô Thừa Ân
viết Tây Du Ký diễn nghĩa hoặc Thi Nại Am viết Thuỷ Hử, Tây Du, Tam Quốc, Trần
Thế Pháp viết Lĩnh Nam trích quái… đã được từng trăm ngàn người kể đi kể lại,
tô điểm thêm thắt… Cũng thế trước khi Khổng Tử san định kinh điển thì kinh điển
đã được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng. Cho nên những người căn cứ vào
thời kỳ Trần Thế Pháp mà chối là truyện Lĩnh Nam trích quái không có trước,
hoặc đổi chữ trích ra chích để đề cao phần “sáng tác” của tác giả là theo phạm
trù cá nhân Tây Âu, ít chú trọng phần sáng tác của dân gian và vô tình làm giảm
mất tính chất u linh thâm viễn cổ kính của bản văn. Khi Khổng Tử nói ông chỉ
thuật lại chứ không sáng tác là ông đã nói lên một sự thực rất lớn lao: tức ông
không phải là tác giả. Tác giả chính là dân gian: Viêm tộc, Bách Việt, Lạc
Việt… Nói vậy không có ý hạ giá thiên tài của Khổng Tử, của La Quán Trung, Thị
Nại Am. Vì nếu không là thiên tài thì không thể nào tô tạo nên những hình thái
bất hủ như thế được. Dân gian chỉ cung cấp có chất còn việc làm của tác giả
cuối cùng là phải tìm ra dạng thức nhất định gọi là văn. Biết chọn trọn đống
chất liệu bộn bề những điều giá trị trường cửu và xếp đặt theo một ý nghĩa gọi
là văn sao cho “văn chất bân bân” hòa hợp thì ngoài thiên tài ra không ai làm
nổi. Phải là thiên tài kiêm thánh triết mới có thể “thuật nhi” nghĩa là viết
thành “kinh điển”. Thiếu những tư cách ấy thì chất liệu có dồi dào, dữ kiện có
phong phú đến mấy cũng không tự nhiên thành kinh điển hay cổ điển được. Tuy
nhiên tài cao đến đâu cũng không lấn át được chất tức là phần đóng góp âm thầm
lâu dài và công cộng của toàn dân, cho nên những thời mà trí thức quá xa lìa
dân gian thì không làm nên chuyện gì, thí dụ không có văn học nhà Tần và Sơ
Hán, vì họ xa dân. Bởi thế phải coi dân gian là gốc rễ sâu xa, là một mố cầu
đối với thiên tài là mố bên kia. Cả hai mố đó đem lại cho kinh điển cũng như cổ
điển Đông phương một nền thống nhất uy linh nối liền dân gian với kẻ sĩ: hai
bên có cao thấp về học vấn nhưng chất liệu như nhau nên không có quãng cắt đứt
giữa dân gian và trí thức như bên văn hóa Tây phương. Cũng vì thế sau này kinh
điển dầu đã bị Hán Nho đánh đĩ bằng xen giặm các yếu tố nguỵ trung, ngu hiếu,
chuyên chế, phò vua quan… vậy mà dân gian vẫn cảm thấy rung động. Đến nỗi cả
những người như Henri Maspéro cũng phải công nhận rằng “Khi những dân miền Nam thâu nhận văn hóa Tàu trong thời mới thì coi
như chỉ là sự lại đặt họ vào một cái gì cố cựu quen thuộc từ xưa mà nay vừa đỗi
mới lạ. Đó là một tình trạng tiền sử lúc mà các dân hiện cư ngụ trên đế quốc
Trung Hoa còn tham dự vào một nền văn minh chung”. La conquête des pays du sud par la civilisation chinoise dans les temps
récents semble n’être que la réinstallation sous une forme moderne, d’un état
préhistorique òu presque tous ceux qui peuplent actuellement l’empire chionis
partageaient dejà une civilisation commune” (La Chine antique p.17). Nói
kiểu khác đó chỉ là việc Viêm tộc nhận trở lại cái di sản cha ông mình đã sáng
tác xưa, và bởi vậy dẫu chống đế quốc Tàu mà không bao giờ ruồng bỏ Nho là vì
tiềm thức họ nhìn thấy Nho là của mình. Cho nên chính Nho giáo mới là căn bổn
của nền quốc học Việt Nam ,
và nhổ Nho đi tức cũng là nhổ gốc rễ của mình, là bỏ mất những huyết quản tiếp
sức sống cho mình. Chính vì đó mà tự ngày bãi bỏ Nho giáo ta thấy cái học của
thế hệ mới trở thành nông cạn và luẩn quẩn, không sao nhìn ra được lối thoát
cho nền văn học hiện đại đang đi vào ngõ bí gây nên do sự chia li giữa chất gia
và văn gia, giữa dân gian và trí thức: dân gian thiếu người hướng dẫn, trí thức
toàn bàn những chuyện đâu đâu bằng những ngôn từ lạ lẫm.
Đã từ hơn
một thế kỷ nay rất nhiều người trí thức khởi đầu nhận ra điều đó nên đã cố gắng
dùng tiếng nói thông thường để viết triết, thí dụ Hồ Thích đã dùng bạch thoại
để bàn về triết là ở trong trào lưu đó. Nhiều triết học gia còn dùng cả những
hình thức hấp dẫn hơn như tuồng, kịch, tiểu thuyết để truyền đạt tư tưởng với
hảo ý bắt liên lạc trở lại với dân gian. Thành công chăng? Thưa chỉ tổ phơi
thêm ra trước mắt đại chúng cái lẩm cẩm của triết học gia, chẳng thà cứ dùng
ngay những tiếng kinh kiệu xa xôi, để cho người ta không nhìn thấy được nội
dung, may ra còn kính nể. Đàng này nói toạc ra bằng ngôn ngữ thông thường thì
hết thảy đều thấy rõ toàn là những vấn đề xa lạ không ăn nhằm chi tới thân tâm
con người. Chúng ta biết rằng triết Tây đã được hình thành trong bầu khí quý
phái trưởng giả nên các vấn đề đưa ra đều nặng mùi trưởng giả theo nghĩa không
ăn nhằm chi tới thế giới của những con người đang sống động trong xương trong
thịt; chỉ cần đọc lại những sách vở bàn về triết học kể cả những sách giáo khoa
triết thì đủ thấy chúng giúp đắc lực biết bao vào việc đào sâu hố chia rẽ trí
thức ra khỏi dân gian.
Đấy là chỗ người Cộng sản đã nhìn ra rõ và
đã hành động phản lại không những bằng dùng tiếng nói thông thường, mà còn bằng
cách trao vào tay thợ thuyền quyền lãnh đạo. Mong rằng như thế thì văn học sẽ
bám sát đời sống, và không làm cho con người vong thân nữa. Nhưng giải pháp
Cộng sản đã thất bại ít ra vì chưa được thi hành. Trước hết vì chưa trao cho
thợ thuyền mà chỉ trao cho đảng viên đôi khi trá hình là thợ thuyền để dễ nắm vững
giới thợ thuyền hơn; hai là các cán bộ phải tuân theo ý hệ Mácxít, mà Mácxít là
một ý hệ trưởng giả theo nghĩa là sách vở, phản khoa học, mơ mộng về ngày chung
thẩm và độc tài (eschatologique, autoritaire), do đó duy trì và phát triển cùng
cực các sản phẩm của xã hội quý phái là đấu tranh giai cấp. Nuôi dưỡng đấu
tranh giai cấp là đi ngược hẳn lại chủ trương nối hai mố cầu dân gian và trí
thức. Vậy nên từ trong bản chất Mác xít chỉ là ý hệ nhằm đào sâu thêm hố chia
ly mà thôi chứ không sửa chữa lại được cái hỏng của triết cổ điển.
Như thế là
chúng ta phải đi lối khác. Lối nào đây? Một số học giả đã hô hào trở lại với
văn chương bình dân, trong đó tất nhiên ca dao được đề cao, như thế hy vọng sẽ
bắc được nhịp cầu thông cảm. Được chăng? Thưa được nhưng là cầu tre nghĩa là
chưa vượt qua trình độ văn học và chỉ là những vấn đề khuôn mình trong văn
chương chữ nghĩa, ví được với những chậu cảnh dăm ba bức họa để treo trên nhà.
Nhưng đâu là nhà để có thể treo tranh bầy cảnh? Chúng ta biết rằng ca dao, tục
ngữ hay cả ngạn ngữ chỉ là những viên gạch hay cả là viên ngọc đi nữa nhưng nếu
không có nhà tức một cơ sở tinh thần để cố kết lại thì sẽ không làm nên chuyện
chi hết và chắc chắn sẽ bị tiêu hao tản mác trước làn sóng ý hệ khác cuốn trôi
đi. Không phải hễ cứ có gạch, ngói, xi măng… là có nhà, còn cần một mô hình nữa
để xây lên. Có nền văn hóa nào thiếu ngôn ngữ ca dao đâu, sở dĩ ca dao của
chúng ta có giá trị đặc biệt là vì chúng đã được đứng vào một cơ sở tinh thần,
và vì đấy vẫn trường tồn cho đến nay. Đề cao ca dao và ruồng bỏ Nho giáo là
chặt gốc đào rễ, có ghì ôm những cành lá xum xuê hoa nụ thì rồi cũng sẽ héo khô
vì không còn được tiếp tế sinh lực và chỉ còn là chuyện chơi cảnh khô, có thâu
quét về nhiều tới đâu mà thiếu cơ sở tinh thần thì ca dao cũng không làm tròn
sứ mạng của nó, chỉ còn là những “quân hồi vô phèng, vô tướng”. Cũng giống như
triết gia coi thường cái hồn ca dao tức hồn dân tộc, thì cũng chỉ là tướng vô
quân hay nói sát vào đây là văn vô chất, thứ văn vô chất đó đã là tai họa cho
hai nền văn hóa Âu Tây và Ấn Độ là hai nền văn minh mà dân gian đã không có đại
diện trong chính quyền, không có tiếng nói trong văn hóa, nên hai giới vẫn xa
cách nhau như trời với vực. Vì thế nên ta chưa biết họ sẽ giải quyết ra sao.
Ngược lại, văn hóa Viễn Đông ngay từ sơ khởi dân gian đã có tiếng nói, nói to,
thì vấn đề đã hàm chứa sẵn lối thoát miễn biết linh động khai thác. Nói khác từ
dân gian không đi học đến kẻ sĩ bù đầu trong sách vở chỉ có khác nhau về trình
độ học vấn chứ không về bản chất, nên không có hố chia li ra hai bờ xa cách như
trong văn hóa Tây phương.
Vấn đề sẽ được giải quyết khi biết cách
trở lại với tinh thần cố hữu của tiên tổ, một tinh thần thống nhất toàn dân
trong một nền văn hóa vừa sâu vừa rộng: rộng cho đại chúng, sâu cho triết nhân
mà nhiệm vụ phải là linh hoạt được cơ cấu tinh thần, để cho các câu ca dao, tục
ngữ có nơi nương tựa.
Kim Định, Việt
Lý Tố Nguyên