THÂN
MẪU TÂM LINH
Kim Định
Nhân vật
sau cùng cần nhắc đến là “Âu Cơ Nghi Mẫu” người đã gặp Bố Lạc trên cánh đồng
Tương. Đó chính là hình ảnh của nét song trùng, của hài hòa, của vài ba. Âu Cơ
Nghi Mẫu chính là hiện thân của nguyên lý mẹ: đem tình thương cốt nhục ràng
buộc mọi người trong nước để tất cả coi nhau như cùng một bọc, gọi nhau bằng
những danh xưng trong gia đình: “bà con cô bác”, đem tình yêu thương tương trợ
thấm nhuần mọi mối nhân luân, nhờ đó mà tránh được sự đấu tranh từ nền tảng.
Nói theo triết là gạt bỏ được mầm mống cho mọi thuyết nhị kháng (dualism) đã
làm hư hại biết bao nền đức lý cũng như triết lý, rồi tràn ra xã hội bên có bên
không, thế là xui nên bên chủ bên nô, bên thống trị bên bị trị và ngày nay hiện
hình một cách thảm khốc vào hai khối tư sản và cộng sản. Trái lại dưới bóng mẹ Âu
là tinh thần hài hòa lưỡng hợp, tinh thần công thể tương trợ, coi nhau như thân
nhân phát xuất từ cùng một bọc.
Hai chữ đồng bào gây đầy âm vang cụ thể vào xã hội chứ không chỉ là lối
nói suông. Thí dụ, trong kinh tế là bình
sản, trong nghệ thuật là nét song trùng, trong triết lý là thế lưỡng hợp… khiến
cho xã hội không làm bằng tranh đấu bóc lột mà bằng cộng tác tương thân. Đó
gọi là tâm linh sử quan, được biểu thị bằng cô Liên trong truyện Trầu Cau. Hai
anh em đã biến thể thành cây cau và hòn đá coi như không thể hòa lại, vậy mà
nhờ cô Liên biến thành dây trầu không quấn quít lấy cả hai, nên mối tình lại
trở thành đỏ thắm. Đỏ thắm chính là màu sắc tâm linh. Cô Liên là bóng dáng
nguyên lý mẹ. Bóng dáng đó còn được biểu hiệu dưới nhiều tên khác từ Nữ Oa, Vụ
Tiên, Giáng Tiên, Tiên Dung trải qua các Lê Thị, Phan Thị, Trần Thị cho tới
Thiên Mụ, Bà Đen, Bà Chúa Xứ tức nguyên lý mẹ vẫn còn chờn vờn khắp nẻo non
sông để tiêm sức sống mãnh liệt cho Văn Lang có được tinh thần thống nhất làm
bằng yêu nước thương nòi, nên dầu trải qua hàng ngàn năm bắc thuộc vẫn chiến
đấu cả trong mặt trận văn hóa lẫn quân sự chính trị để duy trì tinh thần Văn
Lang cao cả.
Có nhìn chung lịch sử nhân loại ta mới nhận ra sự cố gắng bảo tồn truyền
thống Văn Lang quả là có lý do sâu xa, bởi vì Văn Lang là một thành tích lớn
lao ít có trong xã hội lòai người; ở các nơi khác hầu hết là thống trị với nô
lệ và bất bình đẳng. Đang khi Văn Lang là một công thể mà mọi thành viên vẫn
được hưởng tự do và bình đẳng. Đó chính là lý tưởng của biết bao tâm hồn quảng
đại yêu thương mà những người đã thiết lập nên các nền đức lý, triết thuyết,
tôn giáo, rồi cả các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền đều đã thiết tha mong
mỏi, cố gắng như vậy, nhưng mãi tới nay mới đạt được một phần nhỏ, thế mà Văn
Lang quốc đã thực hiện được một thời gian dài tới ba bốn ngàn năm thì đủ biết
tinh thần Văn Lang quốc đáng quý biết bao. Làm thế nào mà
được như thế? Câu thưa nằm trong chỗ ba vị nói trên đã đặt tay ấn mạch trúng
các điểm then chốt làm thăng tiến con người. Hỏi đó là những điểm nào?Các
nhà cổ nhân học đã nhận ra hai biến cố làm cho con vượn người trở nên người
đích thực, con người khôn sáng (homo sapiens) đứng biệt lập ra khỏi cái khối
vượn người đã xuất hiện trước đây nhiều triệu năm, và cứ tiến dần, tiến dần cho
đến lúc cuối cùng cách đây lối trăm ngàn năm thì con người khôn sáng mới tách
hẳn ra khỏi khối đó. Vậy hai yếu tố kèm theo biến cố quyết liệt này là lao tác
và tình nhà.
Với
hiện tượng thứ nhất là lao tác, con người vượt ra khỏi tình trạng ăn sẵn để đi
sang tình trạng ăn làm với rất nhiều hệ quả kéo theo. Ăn sẵn thời hái lượm, săn
bắt. Vì thức ăn không có sẵn và nhất là thất thường nên con người phải tiêu quá
nhiều năng lực vào việc kiếm ăn, không còn giờ dư dành cho văn hóa tinh thần.
Đã vậy lại còn gây ra những cuộc tranh dành cướp đọat: mạnh lấn yếu… Với ăn làm
trái lại con người bớt lệ thuộc vào thiên nhiên vì sản xuất được nhiều đồ ăn
không những đủ cho việc định cư, khỏi lang thang nay đây mai đó, lại còn dành
ra được nhiều thì giờ rảnh rang để có thể phát huy óc sáng tạo, phát minh ra đồ
dùng, các phép chăn nuôi, làm nhà, dệt vải… để nâng cao đời sống con người, cũng
như phát huy chiều kích mỹ thuật, văn hóa. Đó là con đường đi lên: từ ăn giật
cướp đoạt chuyển sang tự làm ra, càng ngày càng tinh xảo, nhờ vậy thức ăn vừa
thêm nhiều vừa tinh tế hợp khẩu vị. Một sự biến chuyển rõ rệt từ võ lực đi lên
tinh thần.
Điểm
hai là tình nhà. Đây là điểm quan trọng làm con người
khác thú vật. Nơi thú vật không có tình nhà. Không cả tình mẫu tử nữa. Tuy con
mẹ có bảo vệ đòan con nhưng hòan tòan vì sinh lý: gà chăn con đến lúc con tự
túc được thì liệu hôn với mẹ: đến gần sẽ bị mổ. Cá chuối chăn con cũng vậy, lớn
lên đủ sức tìm của nuôi mà không trốn khỏi mẹ thì bị mẹ nuốt. Con vật không có
tình, không thể làm nên được gia đình. Cộng sản chủ trương vô gia đình là điều
rất thuận lợi với lý duy vật. Đã đặt nền tảng trên duy vật thì sự trở lại lối sống
của lòai súc sinh là lý đương nhiên.
Trái lại nơi
con người tình người kết thành tình gia tộc rồi lớn lên thành thị tộc, rồi dân
tộc tức mối liên hệ sinh lý huyết thống được phát huy thành mối tình nhân loại,
vươn lên đến đợt Đại Ngã tâm linh có tính chất bao quát rất hiệu nghiệm nhờ đó
đã trở thành nền tảng mới cho sự tổ hợp xã hội. Thay vì xây trên sức mạnh đấu
tranh bóc lột thì nay xây trên tình người, trên sự cộng tác tương trợ. Thay vì
coi nhau như sài lang theo kiểu ác thú tranh mồi, thì nay coi nhau như ”thân
nhân” giúp nhau cùng sống. Đây lại là một bước tiến về tinh thần hơn nữa: từ họ
hàng huyết thống đi đến họ hàng thiêng liêng của nhân loại.
Trên đây là hai yếu tố mới xuất hiện cùng với hiện tượng người (phénomem
humain) gọi là văn hóa. Thời văn hóa này kéo dài cho tới lúc con người bước vào
văn minh cách đây lối mười ngàn năm thì dần dần thờ ơ với hai yếu tố trên nên
không thiết lập nổi triết lý lao động, hoặc coi nhẹ tình nhà vì vậy xã hội loài
người về mặt tinh thần lại lui về thời vượn, tức chỉ có sức mạnh nên nảy sinh
đấu tranh giai cấp và bóc lột lẫn nhau.
Trái lại ta thấy ở Văn Lang vẫn bảo tồn được hai sự kiện trên.
Trướt hết là nhờ Lạc Long Quân đã triệt phá những trò quỷ mị huyền hoặc thường
đưa con người tới chỗ vong thân mà cụ thể là quên làm ăn, quên tình nhà để
hướng lòng lên cõi lý giới mơ mộng. Nhờ vậy vua Hùng thay vì hướng vào việc xây
dựng quân đội để gây chiến tranh chiếm nô lệ, cướp phá các bộ lạc khác, thì ở
đây lại hướng trọn lực lượng sản xuất vào việc phụng sự con người một cách tích
cực cụ thể: bạt núi, húi rừng, xẻ sông làm xuất hiện bà lúa, bà nành, bà dâu,
bà đậu… để làm cho đời lên cao, đạt độ phong lưu cũng như dẫn tới tinh thần làm
việc đốc kính an vi; thay vì xâm chiếm chiến tranh, thì ở đây là những lễ hội
đình đám tưng bừng kéo dài cả hàng tháng. Mẹ Âu thì đem tinh thần ruột thịt nhuần thấm mối liên hệ giữa
người với người khiến xã hội thị tộc nguyên thuỷ bước lên được xã hội nông thôn
với tinh thần công thể, nghĩa là tài sản quân phân định kỳ mà tình người phát
triển thành ngũ luân, với những đức tính cao thượng của nhân nghĩa liêm sỉ làm
nội dung cho mối tình huynh đệ phổ biến. Đó là hậu quả của sự việc đặt tay đúng
vào những điểm làm cho con người tiếp tục trên thang nhân linh hóa.
Trái
lại nếu bị đặt sai căn bản thì sau khi đã bước vào quy chế người khôn sáng một
thời con người lộn trở về với thời dã thú xưa như tranh cướp, ăn thịt lẫn nhau,
còn xã hội thì tổ hợp theo lối đoàn lũ hóa, tức ràng buộc bằng bạo tàn với luật
pháp khắt khe mà bên trong là sự thiếu tình người làm tiêu tan hoặc công bằng
hoặc tự do, hoặc luôn cả hai. Vì thế một mặt con người tiếp tục tiến lên các
bước văn minh (hết nông nghiệp thì đến kỹ nghệ rồi công nghệ, và đang lăm le
bước lên đợt cuối cùng của con người phong lưu), nhưng mặt khác vẫn duy trì
cung cách thú vật là cướp đoạt, tranh mồi, nên văn minh thiếu nội dung người
hoặc nói gọn thì văn minh hiện nay là một nền văn minh rừng rú.
Vì thế Văn Lang
quốc theo nghĩa rộng có thể gọi được là một phép lạ vì không đâu có được tình
người thâm sâu và bền bỉ đến thế. Người ta quen gọi văn minh Hy Lạp là một phép
lạ nhưng đó là một phép lạ khác, vì nó chuyên chú vào vật thể, còn Văn Lang thì
chú vào nhân tính, chú vào tình người, vào tinh thần tức cái chi vi tế. Chính
bởi thế mà cho tới nay không được các học giả chú ý. Thế nhưng tình
trạng hiện nay của loài người lại đang nghiêng ngửa vì óc khoa học đã vượt quá
xa tình người, nên cung cách tranh mồi kiểu dã thú, cũng như lối tổ hợp kiểu
đoàn vật càng ngày càng lan xa đến độ đe dọa an ninh loài người, thì tinh thần
Văn Lang quốc rất đáng được nghiên cứu một cách thâm sâu hơn cũng như rộng hơn.
Quyển Sứ Điệp tiếp theo sẽ nhằm đóng góp vào hướng đó.
Kinh Hùng Khải Triết