THÁI HÒA, NHÂN CHỦ, TÂM LINH TRÊN TRỐNG
ĐỒNG
Đạt Thái Hòa là khi nối được hai thái cực lại
thành một như nối Có với Không, Vô với Hữu. Đây là hai thái cực cùng tột và
thường được biểu thị bằng hình tròn với vuông, hoặc số chẵn với số lẻ, nghĩa là
những cái đối cực nhau mà có thể hình dung ra được, vậy mà phải hòa được với
nhau. Hễ hòa được thì gọi là Thái Hòa.
Đây là cái Hòa căn để sinh ra mọi cái Hòa bé
nhỏ khác, như trong xã hội không chia giai cấp chủ nô, hữu sản với vô sản.
Trong thực tế hầu không đâu đạt được nền Thái Hòa nọ, mà chỉ có một bên mất bên
kia, gọi chung là duy tâm hay duy vật trong triết gọi đó là nhị nguyên đối
kháng, gây ra biết bao chia rẽ đau thương. Vì khi triết đã duy vật một chiều,
thì dù muốn hòa mấy đi nữa vẫn không hòa được, như cộng sản càng chống giai cấp
thì lại càng gây thêm giai cấp mới. Vì thế mà ta không gặp thấy Thái Hòa đâu
cả.
Phải trở về mãi thời
thái cổ mới gặp được nét Thái Hòa, và gặp nhiều nhất là nơi Thái Bình Dương,
thí dụ: Thái Hòa thấy được trong trống đồng Đông Sơn rất là đầy đủ. Trước hết
khi xem toàn thể di vật thì thấy Thái Hòa giữa mặt trống và tang trống.
- Mặt trống với tang trống được trình bày như
hai đối cực: một ngang, một dọc, dọc là tang trống, ngang là mặt trống, Mặt chỉ
Tiên Mẹ, tang chỉ Rồng Cha. 50 con theo mẹ lên núi mặt, 50 con theo cha xuống
biển tang. Tiên Mẹ được biểu thị bằng các lọai chim nước như hải âu (Âu Cơ nghi
mẫu) hồng hộc (hạc) vụ, lộ. Còn tang là Rồng Cha biểu thị bằng 6 chiếc thuyền
đã biến thể thành 6 con rồng đang nằm ngửa há miệng chờ cái hôn sâu tới tận
họng.
- Thứ đến riêng mặt trống thì trung cung là
vầng nhật được bao quanh bởi 14 Tam giác gốc. Con số 14 chỉ 2 tuần trăng: 2 X
7= 14. Hai vừng nhật nguyệt biểu thị Thái cực sinh lưỡng nghi được chỉ thị bằng
hai bên chẵn lẻ.
- Chẵn ở bên chiêu: trên nóc nhà có hai chim
, đoàn người 6, đoàn chim 4 cặp . Lẻ ở bên mục: trên nóc nhà 1 chim, đoàn người
7, đoàn chim 3 cặp.
- Ngoài ra còn nhiều cặp đối chọi khác như
chim thì con to con nhỏ, con đứng con bay. Mười con hươu sao thì cứ một cái một
đực.
Tóm lại là hai đối cực được đặt nổi cách chói
chang, thế mà bao giờ cũng được nối lại cách rất chặt chẽ bằng cái hôn Giao Chỉ:
nên không thể chối cãi được là có Thái Hòa. Mà đã đạt Thái Hòa thì tất có khả
năng gây mọi cuộc hòa nhỏ để áp dụng vào cõi nhân sinh, như trong xã hội không
hề có chế độ nô lệ, không bên chủ bên nô, cũng không chia ra bên hữu sản với vô
sản, mà là Bình Sản cho hết mọi ngươì. Toàn dân chỉ có một nền văn hóa chung tự
vua chí dân y như nhau. Đó là văn hóa của Con Người Nhân Chủ.
Nhân Chủ là Con Người nối kết được Tiểu Ngã
với Đại Ngã, mà Đại Ngã là vô biên. Chính cái vô biên đem lại cho con người vị
trí cao cả ngang hàng với trời cùng đất như một vua trong ba vua: nếu Trời là
vua, Đất là vua, thì Người cũng là vua. Đó là ba quyền lực tối cao mà người là
một, quen gọi là cõi người ta trở nên một Tài trong tam Tài: Trời, Người, Đất.
Trời được đại diện do mặt Nhật ngự ở trung cung. Người chiếm hai vòng giữa:
vòng Tam giác gốc chỉ con người Đại Ngã, rồi đến vòng Tiểu Ngã là các người đi
kiệu đang ca nhảy múa hát.
Hai vòng ngoài cùng gồm toàn chim muông nên
chi thiên nhiên, tức tài Địa.
Thật là rõ ràng: có đủ ba cõi: Trời, Đất, Người.
Nhờ vậy con người không bị nô lệ cho trời kiểu định mệnh. Cũng không nô lệ cho
đất, không nô lệ cho địa lợi như duy vật. Cả hai đều gây khổ lụy cho con người
như ta thấy dọc dài qua ba mươi thế kỷ: những nước bị thứ triết lý duy đó đều
đói khổ, như duy tâm Ấn độ, hay duy vật cộng sản nay.
Còn điểm cuối cùng nữa là Tâm Linh
Tâm linh là cái linh đặt ngay trong tâm hồn
con người.
Nói kiểu tích cực thì phải tìm cái linh
thiêng cao cả ngay trong Tâm mình mà không được tìm cả bên ngoài nơi vật thể.
Bên ngoài là lý trí với hiện tương hữu hình, chỉ được chiếm 2, còn 3 phải dành
cho bên trong là Tâm tình, là Tính thể viên dung nguồn mạch mọi phúc lạc, nhưng
vì thiếu chữ Chí Trung không thấy được đâu là nguồn hạnh phúc, mới tìm ra bên
ngoài.
Nhưng tìm ra ngoài thì càng ra lại càng đói,
vì những cái hữu hạn dù có chồng chất lên bao nhiêu cũng không khỏa lấp nổi cơn
đói khát cái vô biên, nên thấy còn đói thì tưởng khối lượng trước chưa đủ, nên
lại thêm nữa, thêm nữa, càng ngày càng cần đến những khối lượng khổng lồ, mà
vẫn không no đủ, chỉ tổ gây thêm đau khổ muôn trùng. Những "nghệ
thuật" khổng lồ như Ziggurat (Đền Tháp Messopotami), kim tự tháp v.v. đã
mọc lên giữa muôn vàn đau khổ, y như những đội quân khổng lồ hiện nay vượt xa
tầm kích của nước thuộc cùng một loại khổng lồ tuy có khác hình thái nhưng vẫn
gieo đau thương khổ lụy như nhau.
Muốn tránh khổ lụy thì phải đi trở vào, càng
vào thì càng đi tới hòa hợp, làm cho tâm hồn được sảng khoái vô vàn. Vậy đó là
đường lối Trống Đồng, một di vật mà các nhà nghiên cứu gọi là nhạc khí vũ trụ vì nó chứa đủ trời,
đất, người, ấy thế mà nó lại được hiện thực vào hình thái của cái cối giã gạo
chày đứng, một vật dụng ăn làm hằng ngày trong tầm tay mọi người, không một
tham vọng lượng chất nào hết, đến nỗi các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự vắng
bóng kích thước khổng lồ làm nét đặc trưng Văn Hóa Đông Sơn.
Vậy đã là đặc biệt nhưng còn đặc biệt hơn nữa
là các hình vẽ đều hòa hợp với nhau để làm nên con đường xoáy ốc vào trung
cung. Sách Trung Dung thu gọn vào câu "Chí Trung Hòa". Câu đó có thể
giải rộng rằng: càng tiến vào trung bao nhiêu thì càng đi vào hòa bấy nhiêu.
Đây có Chí Hòa thì tất có vụ đang tiến vào cõi Chí Trung. Mà quả thật cả đoàn
đang tiến vào Trung Cung cách động đích.
Hãy xem vòng ngoài cùng có 36 chim vừa chỉ 4
phương 4 mùa, vừa chỉ 4 chiếc hoa quỳ 9 cánh. Gọi là hoa quỳ vì nó hướng dương
tức tiến về phía tả nhậm, là phía mặt trời mọc, nên nó như đoàn chim phượng
hướng tới để chào mặt trời ban mai, gọi là "Minh
phượng triều dương", hàm ý tiến vào cõi Tính thể. Nên khi ngắm đoàn
chim tiến ngược kim đồng hồ ta dễ liên tưởng tới câu phong dao:
"Hoa
quỳ chăm chắm hướng về Thái Dương."
Nhờ vậy mà cả đoàn có thái độ hoan lạc phong
lưu. Theo nguyên nghĩa thì phong là gió, lưu là nước, hai chữ chập lại chỉ lối
sống an vui thanh thoát được biểu thị bằng những cánh chim vươn dài như làm cho
tấm thân trở thành nhẹ nhõm lâng lâng như thân chim toan cất cánh, nó biểu lộ
tâm hồn siêu thoát thênh thang. Đó chính là kết quả của nền Minh Triết dựa trên ba nguyên lý đầy nhân
chủ tính là:
Thái
Hòa, được minh họa bằng mẹ tiên trên
mặt, cha rồng dưới tang. Giữa mặt trống là Nhật Nguyệt, rồi chia hai bên chẵn
lẻ. Chẵn số 2, lẻ số 1 mà vẫn hợp hòa khăng khít bằng cái hôn đắm đuối Giao
Chỉ.
Nhân chủ, được giới thiệu bằng vị thế Người đứng giữa Trời cùng
Đất. Tiếp với Trời là những Đại Ngã. Tiếp với Đất là những tiểu ngã đang ca vũ
làm thành một cõi người ta.
Tâm
linh, biểu thị bằng những vòng vũ xoáy
ốc vào trung cung nguyệt nhật thái hợp, thái hòa, tạo nên một nền Thống Nhất
lẫm liệt trên cấp vũ trụ.
Đó là ba nguyên lý của nền Minh Triết đã gây
dựng cho các dân nước biết noi theo được hưởng một nếp sống đầy an vui phúc
lạc. Nền triết này chắc sẽ góp phần lớn vào việc kiến tạo một nền văn minh mới thế
cho nền văn minh hiện nay thiếu nguyên lý mẹ, tức đang bị điều động bởi ba
nguyên lý vật thể là Đồng Nhất, Triệt Tam, và Nguyên ủy. Đó là bấy nhiêu sợi
dây cột chặt tâm thức con người vào vật thể làm cho đời sống nếu không đầy sầu
bi thống khổ, thì cũng tràn ngập lo âu khắc nghị: chỉ biết cắm trọn mắt vào cõi
hiện tượng, không biết ngẩng mặt lên nhìn "Hóa
Nhi Đa Hí Lộng" để biết sống cuộc đời an vui thanh thoát giống với
trống đồng: tung tăng như đàn cá nước, nhởn nhơ như những chim trời.
Dân tộc muốn đoàn hợp an vui, nhân loại muốn
thống nhất hòa lạc tưởng không thể tìm được biểu hiệu nào cao siêu và linh
nghiệm hơn chiếc Trống Đồng Đông Sơn vậy.
Kim Định, Cẩm nang Triết Việt