Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CÁCH TIẾP CẬN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU


013012
                              
CÁCH TIẾP CẬN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

       Công trình Khai quật Văn Hóa Việt Nam từ thái cổ của các nhà nghiên cứu Việt Nho/ Đạo Việt An Vi với nhiều công cụ, phương pháp và bút pháp khác nhau. Thuật ngữ dùng trong các công trình là rất đa dạng, rất mới lạ, tuy nó từ thời thái cổ nhưng lại mới với hiện tại, bởi mới là cái cũ chưa biết, ngược lại những từ ngữ, thuật ngữ mới nảy sinh trong quá trình nghiên cứu, do các nhà nghiên cứu tự đặt hoặc từ thuật ngữ nước ngoài được phiên dịch và phiên âm theo tiếng Việt cổ, Nam/Nôm ngữ, Hán ngữ hay Hán-Việt. Những thuật ngữ, từ ngữ này không hề có trong từ điển Tiếng Việt nói chung và chỉ lác đác trong từ điển Từ nguyên (nhưng cũng bị sai lệch bởi xuất xứ khác nhau). Cho nên, việc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết. Phần lớn là hơn bốn mươi tác phẩm của Triết gia Kim Định với hơn tám nghìn trang chứa đựng vô số thuật ngữ, từ ngữ, bút pháp cần được giải nghĩa từ nhiều góc độ, mới mong thấu hiểu.
     Song song với việc chú giải từng bài cụ thể, chúng tôi tự lập một Từ điển An Vi nhằm phục vụ tra cứu khi tiếp cận các công trình nghiên cứu và tác phẩm về Văn Hóa Việt Nam của trường phái An Vi. Đây là một việc lớn và lâu dài, rất mong sự cộng tác của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, độc giả và công chúng mến mộ Văn Hóa Việt Nam.
     Như lời giới thiệu của tác giả An Vi Lão Thành Việt Nhân Nguyễn Cảnh Hậu về những tác phẩm trong Tổng tập 7 cuốn Văn Hóa Đông Nam của mình và về Kim Định:
“Thực ra tôi chỉ lấy Bột của Cụ Kim Định theo liều lượng khác nhau, mà khuấy ra bẩy chén Hồ mà thôi.”
     Âu cũng là lời khiêm nhường của tác giả Việt Nhân cũng theo cái Đức của Khổng Tử khi miệt mài đi vào rừng cổ sử, cổ văn của Việt thái cổ, từng trước thư lập ngôn nhiều pho sách nhưng cũng chỉ khiêm tốn trong câu: "Thuật nhi bất tác"(=Ta không sáng tác gì, mà chỉ thuật lại Ðạo của người xưa). Ở chỗ khác, Ngài hé cho chúng ta thấy "người xưa" đó là người ở phương Nam: "Nam phương chi cường giả, quân tử cư chi". Đó là Đạo của người quân tử thời nào cũng vậy. Cho nên, đọc Việt Nhân với độc giả, nhất là người trẻ sẽ kiệm được nhiều thời gian vì tác giả trình bày gọn ý, hệ thống và xắp xếp các đề mục để tiện tra cứu. Tác giả tóm tắt những tư tưởng chủ đạo, đường hướng nghiên cứu, gợi ý những phần còn bỏ ngỏ để người sau tiếp bước …

I.   Những điều kiện cần để tiếp cận có hiệu quả Văn Hóa Việt cổ/Việt Nho/     An Vi qua các tác phẩm.
     Trong các lời dẫn nhập tác phẩm, Triết gia Kim Định tự giới thiệu: “ chúng tôi chuyên về triết sử khi nghiên cứu Văn Hóa Việt Cổ như, huyền thoại, truyền thuyết, truyền kỳ hay nhân thoại, cổ nghệ, khảo cổ, di truyền …”
     Tiếp bước Kim Định, Việt Nhân tổng kết những phương pháp và cách thức của Kim Định trong đường hướng nghiên cứu Văn Hóa Việt Cổ (VHVC), xem đây là Văn Hóa Dân Tộc xuyên suốt chiều dài hơn một vạn hai ngàn năm, từ văn hóa Hòa Bình, Hoàng Nho, Việt Nho tới nay. Còn phần văn học và nghệ thuật chỉ là thứ yếu mà Triết Lý Nhân Sinh là chủ đạo. Cho nên, tiếp cận VHVC cần phải có kiến thức Minh Triết, Triết Lý Nhân Sinh từ cội nguồn VH Việt. Lần lượt chúng tôi sẽ hướng dẫn cách tra cứu các tác phẩm để độc giả đỡ mất công, phí thời gian và dễ nản lòng.
Tất cả các tác phẩm của Kim Định đều có trên các trang mạng :vietnamvanhien.net , minhtrietviet.net và anviettoancau.net .
1. Về Minh Triết và Triết Lý Nhân Sinh
Xin tìm đọc “Việt Triết Nhập Môn”, “Gốc Rễ Triết Việt”, “Những dị biệt triết lý Đông Tây”.
2. Triết lý Nhân Sinh được xây dựng trên nền tảng Dịch Lý cũng như Thiên Lý, cho nên Dịch Lý là chìa khóa vạn năng của mọi lĩnh vực đời sống. Thiếu kiến thức cơ bản này chẳng khác nào tìm chim dưới biển, tìm cá trên trời.
Nên nhớ, học Dịch Lý là nắm vững bản chất, nguyên lý biến hóa của Dịch chứ không phải đi vào chi tiết các Quẻ, rồi bốc phệ … không phải mục đích của môn học VHVC.
Xin tìm các tác phẩm “Dịch Kinh Linh Thể”, “Chữ Thời”, “Triết lý An Vi”.
3. Tổng quan VH, tìm đọc “Việt Lý Tố Nguyên”, có thể hiểu như yếu tố nền tảng, nguyên gốc, tinh túy nguyên bản, chất sống và trường tồn của nền văn hóa. Nó như mạch sống ngầm lưu trường từ thái cổ cho tới ngày nay. Tiếp đến là “Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt”, “Cửa Khổng”.
4. Tiếp cận VHVC theo cách nào. Đây là vấn đề công cụ, phương tiện và phương pháp, cách thức. Đây là cách độc đáo của triết gia Kim Định khi đi vào rừng Cổ học. Ngoài việc khảo cứu những tác phẩm xưa về Văn học, Nghệ thuật, KĐ còn dùng tinh thần Triết Đông phương đi vào nhiều lãnh vực Đông, Tây, Kim, Cổ để tìm cho đến Gốc tới Ngọn.
- Phương pháp Huyền sử, khác với Duy sử.
- Phương pháp Cơ cấu luận của Levi Strauss. Cơ cấu Văn hoá là bộ số huyền niệm, nét Lưỡng nhất lại là nền tảng của Dịch lý theo tinh thần VH  Việt . Kim Định đã liên hệ cấu trúc của Vật lý vi tử có nguồn gốc từ Dịch lý.
- Khoa Tân Nhân văn như Cổ Nghệ, Khảo Cổ, Di Truyền. KĐ chỉ dùng những khám phá của khoa Tân nhân văn như là cái bàn nhún để nhờ tinh thần triết mà vươn lên những giá trị cao hơn. Tuy có những kiện chứng thuộc tiểu tiết chưa được đầy đủ và phải kiểm chứng.
- Dùng ánh sáng của khoa Tâm lý miền sâu để đi vào Huyền sử, Tâm lý miền sâu là miền U linh man mác thuộc nguồn Tình của thế giới Tâm linh, thuộc Vô thể, nên ta không thể  dùng lý luận rõ ràng khúc chiết của khoa học hay lăng kính khoa học mà soi xét và chứng minh, bởi trong Vũ trụ thì năng lượng tối đã chiếm đến 73%, Khoa học chỉ chiếm phần rất nhỏ trong phần còn lại. Nghĩa là, con người còn quá nhỏ bé trước thế giới tự nhiên và chính mình, cho nên chân trời khoa học vẫn  vô tận phía trước.
- Nền Văn hoá của chủng Việt không là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà là dùng những biểu tượng về Đồ hình và Số độ để từ Biểu tượng vươn lên Linh tượng hầu tiếp cận với nguồn Tâm linh là nguồn Sống và nguồn Sáng, cũng như đi vào nếp sống của con người và các Cơ chế xã hội cân xứng để tìm đường mưu hạnh phúc chung.
     Theo Kim Định, vì nền Văn hoá  Tổ tiên vừa mới kết tinh xong phần  nền tảng thì bị quân Du mục thôn tính, cướp đoạt, tuy Tàu đã có công viết thành Kinh điển, nhưng phần nền tảng là quan trọng nhất, còn phần dùng văn tự để công thức hoá thì chỉ là hình thức, thứ yếu.
     Xin tham khảo tác phẩm « Cơ cấu Việt Nho » , các tác giả Pháp như Levi Strauss, Althusser, Michel Foucault, Lancan.
     Như vậy vừa nhập môn, vừa đi sâu dần vào từng chương, mục cẩn thận, kỹ lưỡng ví như “dùi mài kinh sử”, ắt thu được kết quả mong muốn.
     Như vậy sau khi đọc xong từ ba đến năm cuốn đã dẫn thì độc giả có thể nhận diện quá trình hình thành đất nước, con người, chủng tộc và văn hóa Việt Nam qua từng thời kỳ. Những điều tối quan trọng là phân biệt được đâu là Văn Hóa Nông Nghiệp, đâu là Du Mục, đâu là Việt đâu là Hoa/Tàu, đâu là Việt Nho, đâu là Tần Nho, Hán Nho, Tống Nho, Đường Nho …, đâu là Vương Đạo, đâu là Bá Đạo, nguồn gốc Kinh Dịch, văn tự, chữ Nam/Nôm (kết thằng, chân chim/điểu tự (Tiên), con quăng (Rồng), hỏa tự/khoa đẩu, chữ vuông). Tất cả đều quy tụ vào Tinh thần Văn Hóa Việt tộc còn gọi là Hồn Thiêng sông núi được vận hành qua Tam Tài Thiên Địa Nhân, Nhân Trí Dũng là Mẹ Tiên – Tình, Cha Rồng – Lý, các con Trai Tài, Gái Đảm (Dũng), trở thành nhân sinh quan động – Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh.
     Tinh thần văn hóa ấy đã trở thành bảo vật, tinh hoa như dòng máu Việt âm thầm, lặng lẽ thấm  sâu vào huyết mạch của từng con dân Đất Nước Việt, lưu trường cả vạn năm cho tới ngày nay. Điều đó lý giải tại sao, một dân tộc đã từng là chủ nhân của nền văn hóa nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, qua bao thăng trầm lịch sử, nhất là luôn bị thế lực Bá Đạo dồn nén, lấn át nhưng vẫn an nhiên tự tại trường tồn.
     Song sự trường tồn này thực chưa thỏa đáng mỗi khi chúng ta tự ngắm mình. Thiết nghĩ, nếu tinh thần văn hóa dân tộc quý giá và linh thiêng như vậy mà bị lãng quên thì chẳng có duyên nào có thể kết nối chúng ta với thiên hạ được.

II. Phần tài liệu tham khảo
Lưu ý, trước khi tiếp cận VHVC nên tìm hiểu những thông tin mới về nguồn gốc loài người – Hành trình của Nhân loại từ những kết quả nghiên cứu ADN của các Trung tâm Tân Nhân Văn thế giới như :
- Về nguồn gốc và hành trình chiếm lĩnh trái đất của loài người: xem các trangalice-roberts.co.uk với youtube.com/watch?v=vwa6o-s1Yvs - Hành trình vĩ đại của nhân loại- Châu Á - The Incredible Human Journey.bradshowfoundation.com và Birmingham University.
- Về chủ nhân văn hóa và nông nghiệp đầu tiên trên thế giới – Đề tài Đa dạng di truyền người Trung Quốc, nghiên cứu Cổ nhân học bằng xét nghiệm ADN của Nhóm Giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc Chu J.Y, Texas University et al: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci. USA 1998 No. 95, p. 11763-11768.
Nắm được thế giới ở đâu, mình ở đâu thì mới có thể xác định được thân phận mình, diện mạo của mình và đường hướng cho mình.
- LI YIN, Distribution of halotypes from a chrosmosomes  21 Region - distinguishes multiple prehistotic human migrations - Proc.of Natl. Acad. Sci - USA, Vol.96, pp. 3796-3800 (1999).
- Stephen Oppenheimer, Địa đàng ở Phương Đông bản PDF free trên mạng, sách NXB VH 2004.
- Triết gia Kim Định, 41 tác phẩm (còn gọi Kinh Việt Nam) và các nghiên cứu của nhiều tác giả về Văn Hóa Việt Nam - anviettoancau.net, dunglac.org, minhtrietviet.net, laclong.tk, vietnamvanhien.net
- Hà Văn Thùy, “Tìm lại cội nguồn văn hóa” 2005, “Hành trình tìm lại cội nguồn” NXB Văn Học 2008, “Tìm cội nguồn qua di truyền học” NXB Văn Học 2011.
- Nguyễn Đình Khoa, Về vấn đề nguồn gốc người Việt. Khảo cổ học số 3-4/12.1969. Con người thời Hùng Vương. Khảo cổ học số 9-10/06.1971.
- Madelaine Colani, giáo sư khảo cổ người Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ EFEO – Đông Dương, sau nhiều năm nghiên cứu vùng Hòa Bình, năm 1929 đưa ra thuật ngữ “Văn Hóa Hòa Bình” .
- Prof. Dr Trần Đại Sĩ , Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam, Viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique/ IFA), thuvienvietnam.com                          
- F. Jullien, Minh Triết Phương Ðông & Triết Học Phương Tây , NXB Ðà Nẵng,VN, 2003 , tr. 42 dịch từ "Un sage est sans idée ou lautre de la philosophie", Du Seuil, Pháp 02/1998.
- Civilization, Cambrige University - A History of Chinese Civilization
- The Cambridge History of Ancient China
- Ballinger, S. W et al: Southeast Asian mitochrondrial ADN Analysis  reverals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 No.130, p. 139-145.
- Việt Nhân, Văn Hóa Đông Nam, vietnamvanhien.net

Việt Nhân & Lê An Vi


015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...