Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

021007 NĂM SINH NĂM MẤT CỦA LÃN ÔNG

 021007                  GÓP PHẦN ĐÍNH CHÍNH VỀ NĂM SINH

VÀ NĂM MẤT CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

                                                                               Phạm Quang Ái




1. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong tứ trụ danh nhân văn hóa (Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ) không chỉ của xứ Nghệ mà còn là của cả nước trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX. Cuộc đời, sự nghiệp y học và sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế. Chúng ta đã và đang ra sức khảo cứu, kế thừa và phát huy những di sản quý báu của ông để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, văn minh sánh tầm với các cường quốc năm châu. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan và chủ quan, xung quanh những gì liên quan đến thân thế, sự nghiệp và trước tác của Đại danh y còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề đó là việc xác định năm sinh và năm mất của ông, hiện nay, đang làm cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc bối rối.

2. Từ các công cụ tra cứu trên mạng internet, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu có chứa đựng thông tin về năm sinh của ông nhưng không có sự đồng nhất. Hiện nay, phần lớn tài liệu đều ghi năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1720 và năm mất là 1791. Đó cũng là tư liệu chính thức được Lương y Lê Trần Đức và những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế dùng trong lần kỷ niệm 250 năm sinh Đại danh y vào năm 1970.(1). Từ đó đến nay, tất cả các lần tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại danh y ở tầm địa phương hoặc tầm quốc gia đều lấy năm 1720 làm năm sinh của ông và trong hầu hết các tài liệu chính thống viết về Lê Hữu Trác cũng như sự ghi chép ở các tấm bia, tượng đài, tượng thờ, tranh ảnh của ông đều thống nhất ghi năm sinh như trên. Trong khi đó, ở một số tài liệu khác lại đưa ra những thông tin khác nhau về năm sinh, năm mất của ông, tuy không phổ biến.                                                                                                             

Về năm sinh, năm mất của Lãn Ông, trước hết phải kể đến thông tin của dịch giả, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940) trong bài Một nhà danh – nho và danh – y của nước ta ngày xưa – cụ Lãn ông, viết về Hải Thượng Lãn Ông, đăng liên tục trong hai số Tạp chí Nam Phong 69 & 70 năm 1923 [và sau đó, trong các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924) của Tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật đã công bố trọn vẹn bản dịch Việt ngữ tác phẩm Thượng kinh ký sự]. Trong bài viết trên, Nguyễn Trọng Thuật cho biết… “Cụ là con thứ bảy quan Thượng-thư họ Lê, làng Liêu-xá 遼舍, huyện Đường-hào 唐豪, tỉnh Hải-dương (bây giờ thuộc về huyện Yên-mĩ, Hưng-yên), tục gọi cậu “Chiêu Bảy”, sinh ở đời vua Giụ-tôn nhà Hậu-Lê, ngang lịch tây năm 1721, thọ ngoài 70 tuổi, chưa tường mất năm nào(2). Năm 1959, NXB Văn học in bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ, Bùi Kỷ duyệt lại. Trong lời Tựa, dịch giả ghi rõ năm sinh của Lãn Ông là 1720 nhưng không ghi năm mất mà chỉ ghi là “Ông mất thọ 70 tuổi”. Dịch giả Phan Võ ghi như vậy, nếu tính tuổi âm lịch thì năm mất của Lãn Ông là 1789, còn tính theo tuổi dương lịch là 1790. Cũng như Nguyễn Trọng Thuật, khi đưa ra thông tin về năm sinh và tuổi thọ của Lê Hữu Trác, Phan Võ không cho biết là căn cứ từ đâu. Năm 1974, Ứng Nhạc Vũ Văn Đình cho ra mắt bản Việt dịch thứ ba in trong Tập san Sử Địa (số 26, 27 & 28) ở Sài Gòn. Trong Lời giới thiệu của dịch giả, Vũ Văn Đình có nêu tóm tắt tiểu sử Lãn Ông nhưng không có thông tin về năm sinh và năm mất.

Trong khi đó, từ năm 1971, trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam tập 1 của học giả, nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, Thư Viện Quốc Gia xuất bản (Hà Nội, năm 1971), sau đó, Nxb Văn Hoá tái bản (Hà Nội, 1984), ở mục số 211, khi khảo về bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, Trần Văn Giáp cho biết: Lê Hữu Trác “…sinh năm Giáp Thìn đời Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 5, ngày 12 tháng 11 tức là ngày (27 – 12 - 1724), tại quê mẹ và mất ngày 15 tháng Giêng, năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung (17 – 2 – 1791), thọ 67 tuổi(3) . Thông tin về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất mà Trần Văn Giáp đưa ra trong tài liệu kể trên là căn cứ vào sách Văn Xá Lê tộc gia phả (Trần Văn Giáp, sách đã dẫn, mục 147, tr. 314-316) và về cơ bản là giống với thông tin trong các bộ gia phả họ Lê bằng quốc ngữ ở Liêu Xá (Hải Dương).                                                                   

Như vậy, thông tin về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông hiện tại có những số liệu như sau: 1720, 1721 và 1724 và năm mất là: 1789, 1790 và 1791. Điều đáng nói là trừ học giả Trần Văn Giáp (tuy ông không dẫn chứng một cách tường minh), còn các tài liệu khác đều đưa thông tin một cách mặc định, không nêu căn cứ cũng như sự khảo đính.                                                                                                

3. Trước tình trạng như vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải tìm cho được những tư liệu, bằng chứng có giá trị để hiệu khảo, đính chính về năm sinh và năm mất của Đại danh y.

Trước hết, chúng tôi tự xác định rằng: nếu tìm được những thông tin do chính Hải thượng Lãn ông tiết lộ trong các trước tác của ông thì đó sẽ là những chứng cứ đích đáng nhất. Thậm chí, trong những trường hợp, cảnh huống đặc định, những thông tin do chính tác giả bộc lộ sẽ có giá trị cao hơn, đáng tin cậy hơn là thông tin trong gia phả. Vì ngày xưa, phần lớn gia phả được chép bởi những người thuộc các thế hệ sau trong gia tộc nên khó mà biết được một cách chính xác những thông tin như ngày tháng năm sinh hoặc ngày tháng năm mất.                                                                                              

Từ sự định hướng nói trên, chúng tôi đã đọc kỹ bộ Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh qua bản dịch của Đình Thụ Hoàng Văn Hòe (xuất bản ở Sài Gòn năm 1972) và bản dịch của tập thể dịch giả miền Bắc trước năm 1975 (do NXB Y học xuất bản năm 2005). Đặc biệt, chúng tôi đã chú trọng tiến hành rà soát một cách tỉ mỉ thiên tùy bút – tự truyện Thượng kinh ký sự. Trong quá trình tìm tòi tỉ mẫn đó, chúng tôi đã phát hiện được hai chi tiết đắt giá. Chi tiết thứ nhất được tiết lộ trong đoạn Lê Hữu Trác thuật chuyện sau khi vào Trịnh phủ, thăm mạch, kê đơn cho Trịnh Cán lần thứ nhất, ông tìm cách khước từ mọi chức tước, bổng lộc để về quê. Không gặp được Huy Quận công Hoàng Tố Lý, là người đã bố trí cho ông vào chữa bệnh cho nhà chúa, ông tìm cách gặp viên Quận hầu là con trai Quận Huy để thăm dò tình hình và trình bày nguyện vọng. Lãn Ông đã nói với viên Quận hầu như sau: Tôi vốn có chí hồng-nghê từ thủa nhỏ mà không gặp thời, phải về nương-náu chỗ sơn-cùng thủy-tận cho được dưỡng-nhàn. Nay tuổi đã sáu mươi rồi, mắt hoa tai điếc, còn làm gì được mà cầu tiến nữa…”(4). Cũng theo tác giả cho biết ở phần mở đầu thiên tùy bút thì ông được điều động về kinh đô để chữa bệnh cho chúa là vào “Năm Nhâm-Dn, niên hiu Cnh-hưng 景興 th 43 (1782), tháng Mnh-xuân (tháng Giêng)(5). Và sau gn mt năm ở kinh đô Thăng Long, ông được tr v nhà vào ngày 02 tháng 11 cùng năm (1782). Ở thi điểm nói trên, ông nói mình đã 60 tui là theo cách tính tui âm lch ch tui dương lịch thì ông mi 59 tui; như vậy, năm sinh của ông s là: (1782 – 59) + 1 = 1724.                                             

T mt tài liu khác do chính Lãn Ông viết, cũng cho chúng ta d liu để tính ra năm sinh ca ông. Đó là trong li ta ca chính Lãn Ông viết đầu quyn th ca b Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, ông cho biết “Tôi lúc mười lăm tuổi, tiên nghiêm (tức là cụ thân sinh, Tiến sỹ Lê Hữu Mưu) tạ thế…”(5). Theo sách Gia phả họ Lê, bản sưu tầm và biên dịch của ông Lê Tràng Thành năm 1959, cũng như các bản gia phả khác, thì cụ thân sinh Lê Hữu Trác là Tiến sỹ Lê Hữu Mưu sinh năm 1685 và mất năm 1739. Vậy từ năm mất của cụ Lê Hữu Mưu, sẽ tính ra năm sinh của Lê Hữu Trác là 1724.                                                                                                                             

Cũng trong Gia phả họ Lê (do Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch 1959), có một bằng chứng khác sẽ giúp ta dễ dàng bác bỏ cái thuyết Lê Hữu Trác sinh năm 1720 hoặc 1721 là cụ bà Bùi Thị Thưởng, thứ thất cụ Lê Hữu Mưu, sinh được 6 người con là: Châu, Tựu, Chuân, Ngoạn, Trác, Tố. Gia phả cho biết cụ thể: “Lê Hữu Tán, húy Tựu sau đổi là Đình Ngạc, làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri phủ Anh Đô, hiệu là Thạch Trai, sinh năm Canh Tý 1720, mất năm Bính Ngọ 1786, thọ 67 tuổi, húy ngày 12 tháng 2, Ngài vào ở quê mẹ làng Phúc Tuy, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”. Như vậy người con thứ hai của bà Thưởng là ông Tựu sinh năm 1720, sau ông Tựu còn những hai người anh, chị nữa rồi mới đến Lê Hữu Trác. Rõ ràng, Lê Hữu Trác không thể sinh vào các năm 1720 hoặc 1721. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa năm sinh của ông anh Lê Hữu Tán (tức Tựu) với năm sinh của Lê Hữu Trác là vì Gia phả cũng như một số tài liệu địa phương chí Hán Nôm ở Hải Dương chép Lê Hữu Trác lúc trẻ có tên gọi thân mật là cậu Chiêu Bảy (ông là con trai thứ 7 trong số 8 người con trai trong gia đình) nhưng xét theo thứ tự năm sinh của 12 người con trai và gái của cụ Lê Hữu Mưu thì ông anh Lê Hữu Tán lại đứng thứ 7 và Lê Hữu Trác đứng thứ 11.                                                                                                   

Về năm mất của Hải Thượng Lãn Ông, ngoài việc nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã nói rõ là “…thọ ngoài 70, chưa tường mất năm nào” và dịch giả Phan Võ cho biết rằng “Ông mất thọ 70 tuổi” (vì thế khó xác định được là mất năm 1789 hay năm 1790), còn hầu hết các bộ Gia phả của dòng họ và các tài liệu hiện hành đều thống nhất ghi là năm 1791. Về ngày tháng sinh và ngày tháng mất của Lãn Ông, các bộ Gia phả đều chép giống như trong tài liệu của học giả Trần Văn Giáp mà chúng tôi đã dẫn ở trên.

4. Từ các căn cứ đã được phân tích, đối chiếu nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (27 – 12 - 1724) và mất ngày 15 tháng Giêng, năm Tân Hợi (17 – 2 – 1791), thọ 67 tuổi. Việc xác định đúng năm sinh của Lê Hữu Trác không chỉ góp phần đính chính một sự kiện trong tiểu sử của ông, quan trọng hơn, sẽ góp phần trong việc nghiên cứu thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Đại danh y. Hơn thế, đây cũng là căn cứ quan trọng để chúng ta đề xuất với các cơ quan chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế để lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 300 năm sinh của ông vào năm 2024.


Chú thích

         Năm 1970, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1970). Nhà Nước giao cho Bộ Y tế chủ trì các công tác kỷ niệm ngày Đại Lễ này. Xem:

- Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB Y học, Hà Nội, 1966;

Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Y học, Hà Nội, 1970;

         Nguyễn Trọng Thuật, Một nhà danh y và danh nho của nước ta ngày xưa - cụ Lãn ông, Nam Phong tạp chí số 69 năm 1923, trang 193;

         Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam, tập 1, bản in lần thứ 2, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1984, tr.428;

         Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB Y học, Hà Nội, 1966;

         Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77 năm 1923, trang 463. Xem thêm bản dịch Thượng kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài Gòn; tr.226 và bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.558;

         Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77 năm 1923, trang 372. Xem thêm bản dịch Thượng kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài Gòn; tr.199 và bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.539;

         Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, quyển nhất, Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972; tr.32.  .                                                                                                                                                                                             

Tài liệu tham khảo

         Gia phả họ Lê, Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch, 1959 (anh Lê Hữu Khánh cung cấp)

         Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự,  bản dịch của Phan Võ, Bùi Kỷ hiệu đính, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1989;

         Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự,  bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26-28, Sài Gòn, 1974;

         Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, 5 tập, Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972;

         Lê Hữu Trác, Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, 2 tập, NXB Y học, Hà Nội, 2005

         Nam Phong tạp chí các số 69 – 70 và các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924)

         Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Y học, Hà Nội, 1970; 

         Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Địa chí Hải Dương qua tư liệu Hán – Nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009

 

 

 02201  KỶ NIỆM 300 NĂM NGÀY SINH HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC 

(1724-2024)

THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Tri ân Đấng Sinh Thành - Trời, Đất, Tổ Tiên,

Xin thắp nén Tâm Hương, dâng Hoa thơm ngát !

Lời dẫn 

     Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một Thầy thuốc của Nước ta, được nhân dân và giới y học tôn vinh là Nhà Tư Tưởng, Nhà Văn Hóa Lớn và Đại Danh Y.

      Ngài sinh vào thời Hậu Lê, niên hiệu Bảo Thái thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) giờ Dần, mất về thời Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung thứ tư (1791), năm Tân Hợi ngày Rằm tháng Giêng, thọ 67 tuổi.

       Gia phả Họ Lê Hữu ở Liêu Xá có ghi: … Người anh của Ngài là người con thứ 7 trong 12 người con của Cụ Lê Hữu Mưu, tên là Lê Hữu Tán sinh năm Canh Tý (1720), tháng 2, ngày 14, giờ Tý. Lê Hữu Trác là con thứ 11, tính theo con trai là con thứ 7, nên tục gọi là Chiêu Bảy. (Chúng tôi cho rằng, vì lầm lẫn giữa người con thứ 7 với con trai thứ 7 cho nên mới viết năm sinh của Lê Hữu Trác là 1720).

     Lê Hữu Tán (1720-1786), húy Tựu, hiệu  Thạch Trai, đậu nho sinh. Làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri Phủ Anh Đô. Sinh năm Canh Tý, mất năm Bính Ngọ, thọ 67 tuổi, húy 12 tháng 2. Vợ là Nguyễn Thị Báo, sinh 1 con là Lê Hữu Thiệu. (Lê Hữu Dự Đời thứ 15, viết năm Duy Tân III, tháng 6 năm 1909. Bản chữ Nho & Quốc ngữ Latin).

     Trong suốt gần bốn mươi năm làm nghề y, Hải Thượng Lãn Ông đã đem hết tâm trí của mình với sứ mệnh cứu nhân độ thế, trị bệnh cứu người vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân.

     Cũng với tinh thần đó, Ngài nhận rõ ý thức trách nhiệm với tương lai của nghề y Nước Nhà. Xây dựng nền móng, cơ sở truyền y Đạo, đồng thời sưu tập, tổng hợp, hệ thống và viết sách lưu truyền kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ thầy thuốc và nền y dược cổ truyền tương lai.

    Trên nền tảng Dịch lý, những vấn đề cơ bản mang tính nền tảng nghề y như Y đức, Y thuật và Y lý được đúc kết, Ngài đã cho ra đời bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” một pho Bách khoa toàn thư về Y Dược học cổ truyền dân tộc, một công trình được biên soạn suốt cuộc đời với ý thức xây dựng một nền Đông Y Việt Nam bằng phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo, phản biện và tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với con người và hoàn cảnh đất nước.

     Nhờ đâu mà Hải Thượng Lãn Ông đạt được những thành tựu lớn lao như vậy. Câu hỏi được trả lời từ một số nhà nghiên cứu với những góc độ và lăng kính khác nhau, nhưng chưa phác họa thấu đáo chiều sâu minh triết, triết lý nhân bản tâm linh trên tinh thần Văn Hóa thái hòa uyên nguyên và vi diệu của dân tộc Việt từ cội nguồn. Đó là nền Văn Hóa Nông Nghiệp lúa nước của Đại Chủng Viêm Việt, Việt Thường, Bách Việt và Văn Hóa Hòa Bình được khởi nguyên ở Thái bình Dương, rồi di chuyển lên miền Trung Nguyên nước Tàu, trải rộng từ đồng bằng sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử, cách nay khoảng một vạn hai ngàn năm.

     Nền văn hóa Việt cổ này, chúng tôi gọi là kho báu chứa Minh Triết  được kết tinh qua hơn vạn năm của Việt tộc, từ những Sơ nguyên tượng và Tiềm thức cộng thông của Nhân loại, là chất liệu nền móng tạo nên Tòa Tháp Văn Hóa Việt Nam.

     Tinh thần văn hóa thái hòa huyền diệu này nó âm thầm lưu trường trong tâm thức của dân tộc, nó ngấm sâu vào huyết mạch mỗi chúng ta rất an nhiên tự tại. Hơn thế nữa, nó được nung nấu và thăng hoa trong tâm hồn, trí tuệ và hành động của mỗi kẻ sĩ, đặc biệt trong những kẻ sĩ dũng hoạt và bản lĩnh quyết tâm gìn giữ Hồn thiêng Sông Núi và Hào khí dân tộc. Điều đó lý giải tại sao, một dân tộc nhỏ bé nhưng vẫn đủ tâm lực và trí lực đương đầu với những siêu cường để trường tồn suốt hơn một vạn năm nay. (1)

A.   Thân thế 

     Cách đây 300 năm, trên mảnh đất Xứ Đông địa linh nhân kiệt đã sinh ra cho Dòng họ, cho Quê hương một Người con, cho Dân tộc một Nhà tư tưởng, một Nhà Văn Hóa lớn và một Đại Danh Y -  Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

     Cổ Liêu Hương, xã Liêu Xá, phủ Thượng Hồng trấn Hải Dương, nay là làng Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nơi sinh ra Hải Thượng Lãn Ông, tọa lạc trên đất hình quả bầu. Theo ghi chép của Cụ Lê Hữu Hành tức Tràng Thành, Đời thứ 17, trong cuốn “Gia Phả Họ Lê” năm Kỷ Hợi 1959, có dẫn:

  “Vào đời Hậu Lê, Tả Ao Tiên Sinh là một thầy địa lý có tiếng, đi qua Cổ Liêu Hương thấy phong thủy đẹp, nào dòng Hồ Lô giang điền uốn quanh, nào gò đống ẩn hiện vây lấy dải đất hình quả bầu … và kết một câu: “Cổ Liêu cái bầu thiên kim nan cầu” tức vùng đất cái bầu Cổ Liêu ngàn vàng khôn kiếm”.

     Xung quanh Cổ Liêu Hương là những cánh đồng lúa xanh bát ngát và cũng là vựa lúa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

     Xứ Đông, vùng đất địa linh, gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất nước như Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390), Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1385), Danh Thần Nguyễn Trãi (1380-1442), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Diên Hà Bảng Nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784)…

     Hưng Yên, trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Cái, đắc địa với ý nghĩa vừa Hưng Thịnh vừa Yên Bình được ghi danh vào Quốc sử - Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ  nhì Phố Hiến.

     Cụ Khởi Tổ dòng họ Lê Hữu, các cụ hay gọi là cụ Thủy Tổ dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá (vì cụ về Liêu Xá sinh sống và phát triển), trong Gia phả ghi:

    ”Lê Quý Công tên chữ Phúc Tiên, là Giám sinh Quốc Tử Giám thời Hồng Đức không ghi năm sinh, năm mất. Xét sổ Tiên Hiền xã ta, đầu chép quan Hiến Sát Sứ, hiệu Nham Khê là ông Tiên Sinh họ Vương; Quan Tham chính, hiệu Mậu Hoành là ông Tiên Sinh họ Nguyễn; Sinh Đồ Đạo An, Tiên Sinh họ Đỗ; Sinh Đồ hiệu Mai Giang là ông Tiên Sinh họ Đỗ; Quan Giám Sinh, hiệu Phúc Tiên là Tiên Sinh họ Lê; cách 22 tên, ông Sinh Đồ hiệu Chính Đạo là Tiên Sinh họ Lê; lại cách 1 tên, ông Sinh Đồ hiệu Chính Tiến (Tín) là Tiên Sinh họ Lê… ” (Thời Hồng Đức 1460-1497)”                                                

     Lãn Ông xuất thân trong gia đình dòng dõi trâm anh và truyền thống khoa bảng. Lần lượt từ ông nội, đỗ Hoàng giáp, bác, cha, chú, anh và em đều đỗ Tiến sĩ và đều được phong các tước Hầu, Công, Bá và chức sắc quan trọng trong các Triều vua Lê, chúa Trịnh. Tấm bảng vàng ghi rõ trên câu đối nhà thờ Cụ Quận Công Lê Hữu Kiều: 

“Lịch Triều phong tặng Hầu, Công, Bá

Kế thế đăng khoa Phụ, Tử, Tôn ”

               [ Các Triều đại phong tặng Hầu Tước, Công Tước, Bá Tước / Các thế hệ Cha, Con, Cháu nối tiếp nhau đỗ đạt Đại khoa].

     Ngài là con của Tướng Công Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (1685-1739), hiệu Phác Trai và bà Bùi Thị Thưởng (1685 Ất Sửu), là Trác Thất (vợ kế đầu) - Phong Ấm Thận Nhân, là con gái viên Quan Đô đốc Đặng Phùng Hầu, Phi Phúc Tham Đốc - Bùi Tướng Quân, quê ở Đông Thành, Nghệ An. Thân sinh của Ngài từng đỗ Đệ Tam Giáp Tiến sĩ, làm Thị Lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, nhập Kinh Diên. Mất ở Chu Thước môn (Cửa Đỏ) Kinh thành, được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739).      

I. Trau dồi Văn nghiệp 

      Lớn lên từ nếp gia phong, ảnh hưởng sâu sắc nền giáo dục Nho Giáo. Và chính cái nền giáo dục chính thống từ tinh thần văn hóa dân tộc nguyên bản ấy đã vun đắp nên nhân cách cậu bé Chiêu Bảy sau là chàng thư sinh Thuần Chẩn với những tư chất tài năng vượt trội để nuôi chí lớn.              

     Chàng thư sinh Thuần Chẩn với đức tính ham học, miệt mài chuyên sâu Dịch lý, Tứ Thư, Ngũ Kinh, thiên văn, địa lý, phong thủy, độn số, văn chương, quân cơ, võ bị, tu luyện thể chất và tinh thần để hoàn thiện các chuẩn mực giáo dục nhân cách kẻ sĩ đương thời với Bát Môn - Nho, Y, Lý, Số, Cầm, Kỳ, Thi, Họa.

      Những năm bốn mươi đến nửa cuối của thế kỷ XVIII, nước Đại Việt trong bối cảnh có nhiều biến động lớn, vua Lê ở thời mạt, Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước lâm vào nội chiến loạn lạc.

     Trong cuốn Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã cực tả cái hình ảnh “Hỗn loạn Canh Thân, Tân Dậu (1740-1741), khắp một vùng rộng lớn, người chết vạ vất đầy đường, người đói phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn, có khi ăn thịt lẫn nhau. Số phận của nhiều hạng người bị đảo lộn, ngay cả những bà góa, tiền của chất như núi cũng chịu ôm tiền mà chết …”

     Đó là câu chuyện những năm chàng trai Thuần Chẩn chưa đầy hai mươi tuổi.

Cũng vào thời gian đó, chàng thư sinh họ Lê còn được chứng kiến trong những biến cố đặc biệt nổi trội, đó là các phong trào khởi nghĩa của nông dân từ Bắc chí Nam. Chỉ tính trong vòng mười năm, suốt từ Nghệ An đến Hải Dương, đã có ngót hai mươi thủ lĩnh nông dân liên tiếp nổi dậy.

Đây là thời kỳ bùng phát tâm lý “Lòng người ước ao loạn lạc”(?). Thời đại mà số phận của những ông chúa thần quyền nghiêng thiên hạ, bỗng dưng bị tung lên, hất xuống trong tay đám kiêu binh chẳng khác trò đùa. Còn nhân dân thì không cam tâm ngồi chờ chết, quyết vùng lên đánh cược với số phận, ra đâu thì ra. (2)

     Đây là một dấu ấn bi kịch lịch sử khó quên thời Trung Đại Việt Nam. 

II. Rèn luyện Võ công 

     Chàng thư sinh Thuần Chẩn lại nghe tiếng vọng: “Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn há chịu ngồi mãi trong thư phòng sao???”. (Tựa Y Tông tâm lĩnh)

     Chàng thư sinh liền gác văn học võ, theo học Binh Thư Võ Bị suốt hai năm, các môn Thiên-Nhân, Âm-Dương thuyết  áp dụng vào binh thư, luyện võ nghệ, bài binh bố trận đều thông suốt. Từng là môn đệ của Võ Sư họ Vũ ở làng Đặng Xá. Ngay sau đó, tòng quân gia nhập quân đội Triều đình thời Lê Trịnh. Ngài đã từng bầy binh bố trận, đánh đâu thắng đó, giành chiến công lớn, được cấp trên ghi nhận và tỏ ý muốn thăng quan và ban thưởng. Nhưng Ngài đã từ chối khéo vì đã nhận ra chân tướng của cuộc chiến huynh đệ tương tàn vô nghĩa. Binh lính cũng là nhân dân đều thiệt mạng để vua chúa hưởng lợi.

                                                           B. Sự nghiệp                                                                                            

I. Khởi đoan Y Đạo

   Ngẫm lại lời tự thuật: “Tôi vốn là con nhà dòng dõi trâm anh, thuở nhỏ thường chăm chỉ sách đèn, những muốn làm nên sự nghiệp lớn…” (Thượng Kinh Ký Sự).

     Vậy sự nghiệp lớn là gì khi cố gắng chăm chỉ đèn sách để thi đậu rồi làm quan trong một thực trạng xã hội rối ren đang ở bờ vực của suy tàn thì không phù hợp với tâm chí. “… tôi chạy nay đây mai đó, không thể làm người cao đạo trong đời loạn, học thói giàu có trong cái năm nghèo đói được.”  (Tựa Y tông tâm lĩnh).

   Thật là một nan đề lớn của cuộc đời.

     Ở đây ta nhớ lại giai thoại “Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà bác học”.        

     Lê Hữu Trác và Lê Quý Đôn cùng dự thi Hương ở Sơn Nam Hạ năm Quý Hợi 1743. Kỳ thi trong bốn ngày bắt đầu từ mùng 8 đến 28 tháng 8.

Đầu đề bài văn sách như sau:

“Cai trị thiên hạ nên có phương pháp: chăm sóc đời sống cho dân, cẩn thận về các chính thể, kén chọn tướng có tài, nghiêm túc việc dùng quân. Đều là những việc trọng yếu của việc cai trị đó”.

     Quyển thi của Lê Hữu Trác được nộp lên. Các quan trường xem ai nấy đều khen ngợi, nêu tinh thần rất xác đáng, lời bàn thấu đáo, rõ ràng. Nhưng nếu vị giám khảo  nào tinh ý cũng đều nhận thấy ẩn hiện một nỗi niềm đau xót, chán chường trước thời cuộc hiện tại trong bài thi. Cuối cùng Lê Hữu Trác chỉ trúng Tam Trường, Lê Quý Đôn đỗ Giải Nguyên. (3)

     Có nhiều bình luận về sự kiện này trong bước ngoặt cuộc đời Lãn Ông, đa số cho rằng, vì chán cảnh thế sự rối ren nên Ngài bẻ tên, cởi giáp đi về ở ẩn, âu cũng phù hợp với cái tâm lý tránh bon chen của kẻ sĩ “Thời trị làm quan, thời loạn ở ẩn”(?).

     Nhưng sự thực không phải vậy, một mặt vì nuối tiếc công lao đèn sách, thế sự rối ren, chí lớn không đạt, mặt khác Lãn Ông lúc đó gặp phải sự cố gia đình khi có tin người anh trai Lê Hữu Đề mất sớm, để lại ba đứa con thơ và mẹ già đã bảy tuần ở chốn quê Hương Sơn. Lãn Ông liền bẻ tên cởi giáp trở về quê chịu tang anh, phụ dưỡng mẹ già và đàn cháu nhỏ.                                           

     Ngài nuối tiếc: ”Tuy đã mải miết lo toan ngược xuôi, việc mài gươm tuốt kiếm, đọc sách, khí hồng nghê muôn trượng khó bề thực hiện, khi ấy tôi có bài thơ ngẫu cảm:                                                                                                                                                                                                                   “ Thập niên ma nhất kiếm

Phong nhận chính quang mang

Sát khí xung ngưu đẩu

Uy nghiêm động tuyết sương

Nhập Tần kỳ bất khả

Quy Hán diệc vị hoàng

Hải hồ không phiêu đãng

Tráng chí thành đại cuồng.

Dịch:

Mười năm mài lưỡi kiếm

Mũi nhọn tỏa hào quang

Sát khí xông Ngưu Đẩu

Oai hùng động tuyết sương

Vào Tần đã chẳng được

Về Hán cũng chưa màng

Biển hồ trôi dạt mãi

                                                  Chí lớn thành cuồng ngông.”                                                                                                                                                                                                       Lãn Ông tiếp dẫn:                              

     “Ngờ đâu trăm điều ràng buộc, tâm lực ngày một hao mòn, bị bệnh nặng mất vài năm. Sau đi tìm được thầy Trần Độc ở núi Thành để nhờ chữa bệnh (thầy Trần ở làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tinh thông kinh sử nhưng thi không đậu, sau về ở ẩn làm thuốc rất thạo). Độ hơn một năm, có một hôm nhân lúc rỗi rãi tôi ngồi mở đọc sách Cẩm Nang Phùng Thị, những chỗ sâu sắc về dịch lý âm dương trong sách thuốc đều thấu suốt cả. Thầy Trần thấy tôi có năng khiếu bèn muốn dốc hết cả kiến thức của thầy cho tôi. Khi ấy tôi chưa quyết tâm học, nhưng trong khi bàn luận về những chân lý bí ẩn cũng có những điều hiểu biết thấu đáo. Vừa khi ấy, Hải tướng quân đang vây quân địch ở vùng Bào Giang. Bè bạn tòng quân nhiều. Có người đề bạt tôi, rồi tướng quân cho đem lễ vật tới triệu mời, nhân đó tôi mới yết kiến ở cửa quân. Tướng quân  bí mật bàn giao cho tôi đem đem quân dạt biển, quặt phía sau lưng địch từ phía Cao Châu xông ra, đánh úp viện quân của địch. Ngài lại nhủ rằng, việc bái tướng phong hầu chính là ở chuyến này.

Tôi thầm nghĩ, trường đời danh lợi đã gửi cho nước cuốn mây trôi từ lâu rồi, liền cố ý từ chối vì còn mẹ già không thể đi xa được.” (Tựa Y Tông tâm lĩnh) 

     Thế là y nghiệp bắt đầu từ đây. Ngài về Hương Sơn, làm nhà dưới rừng, quyết chí học nghề y. Tìm tòi sách vở, miệt mài ngày đêm, vô cùng khó khăn vì không có thầy hay đồng nghiệp để hỏi han, trao đổi, duy chỉ có cách tự vấn và tự đáp qua thực tiễn.

     Đến lúc cần nâng cao, đã từng lên Kinh tìm thầy nhưng không có duyên để gặp thầy giỏi, sách hay rồi ngậm ngùi trở về chốn quê.

      Về lại Hương Sơn, Ngài lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, Lãn Ông nghĩa là Ông Lười không sống theo lối “Khảng khái tùng Vương dị“  mà  là Ông Siêng theo lối  “Thung dung tựu Nghĩa nan”, (có nghĩa ghét bỏ lối dễ dãi khảng khái phục tùng nhà vua, mà chăm lo việc ung dung làm tròn đại nghĩa) nên ông già Lười xứ Hải Thượng không màng danh lợi, nhưng để  vừa dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, vừa tận tâm chữa bệnh cho mọi người, sau mười năm, tiếng tăm đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu.

     Năm Bính Tý 1756, Lãn Ông lên Kinh Đô Thăng Long để tìm thầy cao minh và tinh thông nghề thuốc mong muốn học hỏi nâng cao tay nghề và trình độ y lý, nhưng duyên không thành. Nhân cơ hội gặp lại Diên Hà Thừa Chỉ Lê Quý Đôn sau mười ba năm cách biệt, hai tư tưởng lớn đều thành danh vui mừng khôn xiết, tâm đắc chuyện trò, xướng họa thơ ca, trà dư tửu hậu … Một thành danh nơi quan trường, một ở chốn núi rừng thâm sâu cùng cốc, cũng nổi danh như một đại y sư, tiếng vang vọng tới triều đình. Hai quan điểm sống trái ngược nhưng vẫn đạt đỉnh thành tựu trong cuộc đời.

Giây phút chia tay nhau, Hàn lâm viện Thừa Chỉ Tiên Sinh than vãn :

“Giữa thời buổi người ta xô chen giẫm đạp lên nhau mà chết chốn trường thi, thế mà bác Thuần Chẩn một người tài cao, học rộng lại không màng gì với công danh, phú quý để trở thành lão già lười đất Hải Thượng, tinh thông y lý, chuyên tâm trị bệnh cứu người thì quả là một sự lạ lùng!” (4)

     Đây là dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam về tình bạn tri âm, tri kỷ quý hiếm giữa một Đại Danh Y và một Danh Thần Bác học. Hai tư tưởng, hai bản lĩnh, hai trí tuệ và hai con đường khác nhau, nhưng cùng đến một đích nhân bản và nhân văn - Chân, Thiện, Mỹ.

     Điều đó chứng tỏ Lãn Ông đã không tìm nơi nương thân ở ẩn, ngược lại cố tránh xa Cửu trùng để yên thân an hành chính Đạo. Lãn Ông không xuất thế, tức từ bỏ đời thường, không nhập thế, tức vào quan trường để màng công danh, mà Ngài đã vượt lên cả hai hành động xuất và nhập để an hành xử thế. Bởi bản chất Đạo Việt là xử thế.  An vi chính là an hành, là hành động an nhiên tự tại, thái hòa, hành động pháp tự nhiên để thành tựu, trái với cưỡng hành ở những cộng đồng cá lớn nuốt cá bé và lợi hành ở những cộng đồng nặng về tư lợi, ích kỷ.

 II. Dịch Lý 

     Lãn Ông sinh ra, lớn lên và được học hành trên nền tảng giáo dục Nho giáo truyền thống với một tri thức cơ bản và toàn diện. Một trong những chìa khóa quan trọng nhất để tiếp cận và khám phá thế giới tự nhiên và xã hội đó là Dịch lý, Âm Dương Ngũ Hành cũng gọi là Thiên lý. Trong lời tiểu dẫn cuốn “Y gia quan miện”, Ngài dẫn lời di huấn của các bậc hiền triết xưa: “Học Kinh Dịch đã rồi mới có thể nói tới việc làm thuốc”, làm nghề y mà không tinh thông Dịch lý thì chớ có theo mà uổng công vô ích. Bởi Dịch lý là Đạo Trời, Đất, Người, không hiểu nó thì khác nào tìm chim đáy biển, tìm cá trên trời. Lãn Ông hướng dẫn cách học Kinh Dịch như thế nào để nắm được gốc rễ và bản chất của môn học.

      Ngài tiếp: “Nhưng nói Kinh Dịch không phải là học các hào, các quẻ hay thoán/soán từ của Kinh Dịch mà chỉ cần nắm được quy luật biến hóa của Âm Dương, sinh khắc của Ngũ hành tựa như vòng xoáy chôn ốc không đầu, không cuối, Động Tĩnh đều chung một lẽ duy nhất bởi, trong Trời Đất, vạn vật từ các loại sinh con hay đẻ trứng, hình hóa hay khí hóa, côn trùng hay thảo mộc loài nào cũng đều bẩm thụ được tinh túy của Ngũ hành rồi mới có sự sinh trưởng. Huống chi con Người là loài khôn hơn vạn vật, hấp thụ được toàn bộ tinh túy Âm Dương, đầy đủ phát dục của Ngũ hành… mà không tinh thông Dịch lý và Âm Dương Ngũ Hành thì làm sao mà hành nghề y, chữa bệnh cứu người.” (Tiểu dẫn Y Gia Quan Miện) 

     Cho nên, Lãn Ông đưa mục Âm Dương Ngũ Hành lên đầu sách rồi lần lượt đến các bộ vị tạng, phủ, kinh lạc, mạch yếu … để mở đầu cho việc bước vào nghề y.

Từ nhãn quan vũ trụ động, Lãn Ông đã chiếm lĩnh chìa khóa Dịch lý để tiến xa hơn, đi sâu nghiên cứu các triết thuyết cổ nhân mà ngày nay gọi là Đạo học Phương Đông cơ bản như: thuyết Ngũ Hành Âm Dương, Minh Triết-Triết lý Nhân bản, Đạo Nguyên Nho, Phật Pháp (Thiền), Y lý, Thiên văn, Độn số, Địa lý, Văn chương, Thơ phú, Binh pháp, quân cơ … làm cơ sở vững bước vào thực tiễn nghề y.

     Cổ nhân phương Đông ta có câu “Ngắm trời mà minh thời” rồi “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu nhân tình”, mới mong thành tựu (5), là kinh nghiệm được lưu truyền từ văn hóa vạn năm để muôn thế hệ biết bảo nhau mà trau dồi kiến thức. Đây là một trong những tinh thần của môn Vận Khí, Tam Tài Bí Chí, Vận Khí Tầm Nguyên kết hợp với Dịch lý để Lãn Ông viết thành cuốn “Vận khí bí điển”.

     Nắm bắt lời dạy của tiền nhân, Lãn Ông tập hợp được kiến thức xưa và thuật lại nguyên văn, sau mới có lời bình xét ở đoạn kết. Một tinh thần công minh trong học thuật và học tập đáng ghi nhận và noi theo.

     Một trong những biệt tài của Lãn Ông là cách tìm huyệt đất và long mạch trong thuật phong thủy, làm các nhà phong thủy ngày nay ngả mũ thán phục. Tìm hiểu Lãn Ông, chúng ta thấy cách bài trí nhà cửa, sân vườn trong khu Vườn đào nơi Lãn Ông và gia đình sinh sống. Ta thấy Lãn ông bố trí một trật tự phong thủy hài hòa để sống khỏe và hành nghề, ngoài khu ở, tiếp khách, chữa bệnh, lầu Tỵ huyên (nơi yên tĩnh), nhà Di chân (nơi vui thú tự nhiên) còn có Đình nghênh phong để đón gió, vọng khí, có hồ bán nguyệt và hòn non bộ, nuôi chim để nghe  hót, bên hồ cắm một cây sào và buộc diều để nhìn hướng gió, nghe sáo diều để biết lực gió.

     Thử xem Lãn Ông tìm huyệt đất và long mạch thế nào. Lãn Ông bắt đầu bấm độn, xem ngày giờ, quan sát thời tiết và vọng gió. Đúng giờ và cho thả diều, diều bay và rơi chỗ nào thì đó chính là cái mình cần tìm. Đây là một môn học rất khó bởi tính độc đáo và chuyên biệt, nó kết hợp cả khoa học thực nghiệm và tâm linh. Thực ra, tâm linh cũng chẳng khó hiểu, nhưng đòi hỏi phải có một trực giác nhạy bén và sinh động, sử dụng giác quan thứ sáu để nhận biết cái tượng, cái tướng hay cái hồn của sự vật, hiện tượng, sau đó dùng các dụng cụ, lý thuyết kể trên để hành sự, sau cùng là kiểm chứng kết quả. Thuật này, Lãn Ông tuân thủ và áp dụng đúng nguyên lý ”Tại Thiên thành Tượng, tại Địa thành Hình” của Dịch Lý. Việc này không thấy có “Âm vận khí án” (?). 

III. Mạch sống ngầm Dân tộc 

     Đến nay nhiều người vẫn cứ tin Nho giáo là do Tàu truyền dạy cho Tổ tiên ta, nhưng qua sự khai quật của Triết gia Kim Định (1915-1997) thì ngược lại.

     Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu phía bắc được cải thiện. Người Việt cổ đi lên chinh phục đất Trung Hoa, từ lưu vực sông Dương Tử tới lưu vực Hoàng Hà. Từ hơn 7000 – 5000 năm TCN, Đại chủng Viêm Việt đã là chủ nhân nông nghiệp trồng lúa với Tam Hoàng hay Tam Vương - Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông. Năm 2879 TCN, Nhà Nước đầu tiên của Viêm Việt ra đời là Xích Quỷ ở nam Sông Dương Tử.

Năm 2679 Hiên Viên thủ lĩnh tộc Thiểu Điển từ phương Bắc xâm chiếm Viêm Việt. Trong cuộc xâm lăng này, người Du mục hòa huyết với người Việt bản địa sinh ra giống con lai mới, gọi là Hoa Hạ hay Hoa Di. Sau này người Trung Quốc phong cho Hiên Viên là Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa (thuộc Đế Kỷ với Ngũ Đế).

     Nho giáo được thai nghén từ nền Văn Hóa Hoà Bình, qua Thao thiết về Vũ Hóa và Hóa Long, tới thời Tam Hoàng, rồi Nguyên Nho của Khổng Tử, mà Nguyên Nho lại  do Đức Khổng “Tổ thuật  từ nền Văn hoá phương  Nam của Đại chủng Việt.”    

     Nền tảng của  Nho giáo là Dịch lý, mà Biểu tượng là “Tiên Rồng gặp nhau trên cánh Đồng Tương“  nét Lưỡng nhất này xuyên suốt nền Văn Hóa Việt .

     Trong  các cuộc xâm chiếm Việt Nam, khi nào người Tàu cũng tịch thu sách vở, thu gom trống đồng, bắt hết nhân tài, nên Tổ tiên Việt, một mặt đã đem tinh thần Nho vào Văn chương truyền khẩu như Ca dao, Tục ngữ, cùng các Truyền kỳ để giúp cho người bình dân Chất gia trau dồi Nhân Nghĩa; mặt khác về phương diện Nho gia gọi là Văn gia thì Tổ tiên chúng ta cũng đã cất dấu nền tảng Nho trong Huyền thoại Tiên Rồng, trong  Linh cổ Trống Đồng Đông Sơn, Hoàng Hạ, người Tàu  tuy chiếm được  Văn hoá nhưng chỉ hớt được cái ngọn 64 quẻ Dịch phần nhiều chỉ dùng để bốc phệ  (bói toán), nhâm cầm độn toán, mà không mò ra được triết lý Nhân sinh trong Nho, đó là cái tinh túy của Nho. Nhìn qua vật biểu của Tàu và Việt thì rõ, trong khi vật biểu của Việt là Tiên Rồng tức là Âm Dương, là nền tảng của Dịch, còn vật biểu của Tàu thời Hiên Viên là chim Cú, đời nhà Thương là Bạch mã là phương tiện di chuyển của Du mục, rồi  Đến đời Nhà Hán mới nhận Rồng, Rồng là Đực rựa,“ Độc Dương bất sinh “

Từ nền tảng đó mà hai nền Văn hoá Việt Tàu khác nhau : bên Việt thì “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo“, còn Hán Nho của Tàu thì “Dĩ Cường lăng Nhược“.

Đây là sự phân biệt nền tảng, nên khi đánh chiếm, người Tàu tịch thu sách vở bắt cống nhân tài để huỷ diệt Văn Hoá Việt, nhưng  mọi âm mưu tiêu diệt Văn Hoá của Tàu đều thất bại, dù không  có sách vở, nhưng mạch sống dân tộc đã được kết tinh trong văn chương truyền khẩu như ca dao, tục ngữ, các truyền kỳ…, mạch sống Nhân Nghĩa bình dân này cứ ngầm cuộn chảy trong huyết quản dân Việt, do đó mà hơn bốn ngàn năm Tàu không bao giờ khuất phục nổi. 

     Hải Thượng Lãn Ông là  một Văn gia, nhưng lại sống với Bình dân nơi thôn dã, nên hai dòng Văn Hóa  Văn gia và Chất gia  kết tụ nơi Ngài, nên Ngài trở thành con Người Nhân chủ  ( Hùng Vương ) là Tinh hoa của Trời Đất, của Tiên Rồng. (6)

     Con người là chủ thể đồng thời là đối tượng của các quan hệ tự nhiên và xã hội.

Nhân sinh quan của Đạo Việt biểu hiện trong con người và nhân cách Lãn Ông.

     Con người và Nhân cách Lãn Ông là tổng hòa các nét đẹp thiên nhiên, dân tộc và Văn Hóa Thái Hòa Việt Nam, với những nét đặc trưng :  

Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh, những đặc tính này xem ra luôn bám sát suốt cuộc đời và sự nghiệp của Ngài.

     Nền Văn Hóa Thái Hòa này đặt trên nền tảng Âm Dương hoà, cũng là nền tảng của Y lý, từ Âm Dương phát triển qua Tứ Tượng, Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư, Cửu Trù, Hồng Phạm. Đồ hình và số độ Ngũ hành được dùng như Biểu tượng để diễn tả lò Tạo hóa/Tạo hóa lư hay bộ máy Huyền cơ để khám phá ra Thiên lý của Vũ trụ hòa.

Ngoài  Đồ hình và Số độ của Ngũ hành, đồ Hình Lạc Thư cũng diễn tả sự tạo Thiên lập Địa chẳng khác nào Thời - Không - Liên của Einstein, chỉ khác nhau ở chỗ bên Lạc Thư thì dùng cặp đối cực  Lẻ/Chẵn, còn Einstein thì dùng cặp đối cực Thời gian/Không gian. 

A.   Cơ cấu Văn Hóa Đông Nam

I. Dịch: Nghịch số chi lý

                                                                               Nam

                                 Hỏa                                          2

                                   │                                            │

                   Mộc ― Thổ ― Kim           Đông 3 ― 5 ― 4 Tây

                                   │                                            │

                                 Thủy                                        1

                                                                                Bắc

 

 

                                                                                                                                                                           

  

Đồ hình & Độ số Ngũ Hành 

     Để hiểu Dịch Lý chúng ta phải vận dung đến Đồ hình Ngũ Hành. Ngũ hành có 4 hành xung quanh, ghép thành hai cặp đối cực :

     *Cặp đối cực hàng Dọc Thuỷ Hỏa, tượng trưng cho Nước Lửa. Nước được gán cho là nguồn gốc của Vạn vật (Thuỷ : vạn vật chi nguyên) là nguồn sống, Hỏa được xem là nguồn sáng. Hai hành đều là nguồn Năng lượng/Vật chất .

     *Cặp đối cực hàng Ngang  Mộc Kim tượng trưng cho sinh vật và khoáng chất.

Do tương tác với nhau mà các cặp đối cực tạo nên Vạn vật, cho nên khung Ngũ hành có thể xem như lò Tạo hoá hay Tạo hoá lư, tức là thế giới Hiện tượng, thế giới Hữu (4 hành xung quanh).  Các cặp đối cực đạt tỷ lệ quân bình động theo tỷ lệ 3/2 : Đông/Nam (Tham Thiên lưỡng Địa nhi ỷ số).  Đó là cơ cấu  của nền Văn Hoá Thái Hoà Đông Nam của Đại Chủng Việt.

     *Còn Hành Thổ ở giữa đóng vai trò Dung hóa giúp cho các cặp đối cực hoà hợp mà biến hoá khi đạt trạng thái quân bình động, Thổ tượng trưng cho Thế giới Vô. (Hành Thổ ở giữa, xem sau).  Người Tàu không bàn tới những thứ nền tảng này.

     Lấy một ví dụ, đun nước bằng nồi đất hay nồi kim loại để uống, để thấy cặp đối cực tương khắc Thủy Hỏa, nhưng thông qua trung gian Thổ hay Kim mà đạt hiệu quả bình thường. Mặt khác, khi các cặp đối cực tương khắc trực tiếp giao nhau, có hai trường hợp xảy ra, một là xảy ra xung lực ở trạng thái nổ, vỡ tung hay tan rã, hai là hòa với nhau, tức“Âm Dương tương thôi“ để đạt trạng thái “Âm Dương hòa” mà Biến hoá.

     Đây là sự vận động tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ, luôn luôn tồn tại theo quy luật hỗ căn tức nương tựa vào nhau, tiêu trưởng lẫn nhau rồi hòa với nhau để đạt thế Quân bình độngCho nên, có đồng hóa và dị hóa, có ức chế và hưng phấn thì mới phát sinh và phát triển. Trong y học truyền thống chúng ta thấy có những sự tương tác thường xuyên của cơ thể con người, thời tiết và các vị thuốc như: tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ.

     Các Thiên thể trong Không gian nhờ  sự quân bình giữa sức Ly Tâm và Quy Tâm, mà di chuyển không ngừng trong Không gian. Trong Vũ trụ nhìn đâu chúng ta cũng thấy sự biến hoá bất biến của các cặp đối cực.

                                 II. Thái  hòa 

     Thái Hòa là sự giao hòa của các cặp đối cực  của vạn vật tồn tại trong Vũ trụ , các cặp đối cực như Âm-Dương, Khôn-Càn, Cái-Đực, Lẻ-Chẵn, Tụ-Tán, Tĩnh- Động, Tình-Lý, Yêu-Ghét… Các cặp đối cực như Âm Dương là Nghịch số, Dịch lý là  Lý  của “Âm Dương hoà“, Đó là Nhất lý, có “Nhất lý thông“ , thì “Vạn lý minh“.

     Theo quy luật “Tham Thiên Lưỡng Địa nhi ỷ số“ (hai-ba/ba-hai), là độ chênh lệch giữa đối cực ít nhất, nên có thể xô đẩy níu kéo nhau để tạo nên thế quân bình động, nhờ thế mà Tiến hoá và Trường tồn, tạo nên cảnh Thái Hòa.

Tỷ lệ cân bằng là vài ba (2 Đất 3 Trời hay 3 Tình 2 Lý ) hay Tham thiên lưỡng Địa (3 Trời 2 đất, 2, 3 là con số co dãn tuỳ từng trường hợp, không phải là con số Toán học, bởi vài ba khác 2, 3 ).

    Ví dụ như Big Bang (centrifugal) gây ra sự Dãn nở, tức là sức Ly tâm  cần được cân bằng với sức hấp dẫn vũ trụ, tức là sức Quy tâm (universal attraction: centripetal), hai lực đó có đạt trạng thái quân bình động thì các thiên thể được treo lơ lửng trên không và di chuyển theo hướng vô cùng vô tận.

Số 2 được mang ý nghĩa Thái Hòa, Nho đã dùng biểu đồ Thái cực viên đồ, (biểu tượng Âm Dương trong hình tròn). Khi các cặp đối cực đạt thế Quân bình động thì Âm Dương hoà, nghĩa là Thái hòa.  

     Thái hòa, giản dị là biểu hiện của đạo xử thế An Vi - Nhân Hoà qua Tình Lý hài  hòa, khi đạt nhịp sống Thiên sinh, Địa dưỡng,  Nhân hoà thì có  Thái Hòa.

     Lãn Ông đã sống an bần lạc đạo, ứng xử như Đạo Lạc/Đạo Nước/Đạo Nác của Tổ Tiên Lạc Việt. Sống và ứng xử  sao cho  Nhu – Cương được kết hợp như Nước thì đã đạt chân lý rồi.

     Hãy xem phong cách Lãn Ông có phải là Lạc dân /dân nước xuất thân từ quê hương lúa nước? Có phải Lãn Ông thường uống nước mưa, tắm nước sông, bắt cua cá trên ruộng  lúa nước, để rồi uyển chuyển, mềm mại như nước, lãng mạn một chút thì ướt át như nước.

Hễ cần thì mạnh mẽ như hồng thuỷ, cuốn trôi mọi rác rưởi, bình thường thì cuộc đời an nhiên tự tại như gió heo may thoảng trên Trời trong, hay dòng nước lững lờ bên suối vắng. Người Lạc Dân an nhiên là vậy !

III. Nhân chủ 

     Nhân Chủ là hệ quả của cặp đối cực Thiên/Địa kết thành, Thiên: 1 (Lẻ), Địa: 2 (Chẵn) , Nhân : 3 (1+2 = 3). Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân, Tài Nhân cũng ngang hàng và bình đẳng với hai tài Thiên, Địa, bởi con người cũng là một Tiểu Vũ Trụ.

     Bài vịnh Tam tài của Chi sĩ Trần Cao Vân cho chúng ta hiểu rõ về Tam Tài :

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...