Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi

LOA THÀNH ĐỒ THUYẾT
Kim Định

Mục Lục
I.        Ôn Cố Tri Ân
II.      Từ Linh Tượng Tới Biểu Tượng
III.     Từ Phân Tâm Tới Uyên Tâm
IV.    Thắp Đuốc Uyên Tâm Đi Tìm Hồn Ốc
V.      Loa Pháp
VI.    Ý Thành
VII.   Tình Thâm
VIII.  Nguyên Lý Mẹ
IX.    Chí Sĩ
X.     Ba Loại Thiên Tài
XI.    Quá Trình Gieo Gặt
XII.   Thời Triệu Tâm Linh
VIII.  Tổng Kết

Tựa
Những cuộc thám quật hiện thực gần đây tại Non-nok-tha bên Thái Lào và Hang Thần bên Miến Điện đã phát giác thêm nhiều dữ kiện mới về nền văn minh Hòa Bình, Bắc Sơn trong đó phải kể tới nghệ thuật kỷ hà học với các vòng xóay trôn ốc cũng như những hình tam giác… Những yếu tố đó cũng đã thấy có xuất hiện ở thời phôi thai nghệ thuật Ngưỡng Thiều và cả Long Sơn (Creel 91) nhưng rồi biến mất. Trong huyền thoại nước ta có truyện xây đắp rồi sụp đổ của Loa thành, nếu xét về biểu tượng thì đó cũng là một biểu tượng liên can tới nền văn hóa có nghệ thuật xoáy ốc. Vậy có phải truyện Loa thành ghi lại sự sụp đổ của một nền văn hóa xa xưa đã gắn liền với nền văn hóa của tổ tiên chúng ta? Câu hỏi có thể làm phát khởi lên những cuộc tìm kiếm về nhiều phương diện: nghệ thuật, khảo cổ, dân tộc học, ý nghĩa huyền sử…
Quyển này muốn khởi công làm một trong những cuộc thám hiểm đó về phương diện huyền sử. Đứng ở phương diện này thì họa đổ Loa thành cũng chính là họa đồ tâm thức con người. Nếu Loa thành có ba vòng xoáy ốc với chín tầng chồng lên nhau thì cơ cấu tâm thức con người cũng có thể quan niệm ba vòng như thế tức tính tự ngoài vào trong là ý thức, tiềm thức, vô thức… và mỗi vòng lại có thể chia ra ba đợt nhỏ thành chín. Rồi cũng như lối vào thành Loa tiến kiểu xoáy ốc thì đây cũng vậy: càng tiến thì lại càng đi sâu thêm cũng như cao thêm lên mãi cho tới tận trung cung là nơi ủ ấp và phát sinh mọi nền hòa hợp thống nhất. Nói theo tâm tư thì đó là lối suy luận giữa hai hàng ý thức và tiềm thức. Tiềm thức kêu là long, ý thức kêu là tư, vị chi là Tư long, một tên khác của Loa thành. Nếu thế thì công cuộc khai quật thành Tư long sẽ là cuộc thám hiểm rất ơn ích cho con người thời đại đang bị chứng tán hồn (Schizophrénie = dissociation de l’âme) cũng như cho cả nước đang bị nạn phân hóa cùng cực.

I. ÔN CỐ TRI ÂN
1. Ôn Cố
An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục nhân cầu hôn với con gái vua Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được, nên sinh lòng oán hận mới cử binh sang diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc xây đắp thành ở đất Việt Thường. Hễ xây xong thì thành lại đổ. Sau có ông già hiện ra bảo muốn xây được thành thì phải theo kế hoạch của Thanh Giang sứ giả sẽ xuất hiện từ Đông phương. Nói đoạn cáo từ. Rạng ngày Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng từ hướng Đông mà bơi lại. Rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người.
“Lập đông môn vọng chi.
Kiến kim quy tòng Đông nhi lai.
Tự xưng Thanh Giang sứ giả.”
(Chữ hán)
Rùa tự xưng là Thanh Giang sứ giả, vì biết rõ lẽ trời đất, âm dương quỷ thần.
Vương bèn rước thần vào thành, mời ngồi trên điện hỏi vì cớ chi mà thành không đắp được. Kim Quy nói: “Ở đây có con gà trắng sống ngàn năm hóa thành yêu  tinh ẩn ở núi Thất Diệu, nó là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đây ngủ nhờ, thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ bắt con gà trắng giết đi thì tinh quái sẽ hết.
“Sát nhĩ bạch kê nhi tế.
Quỷ tinh tận tán.”
(Chữ hán)
Vương làm theo nên xây được thành dài rộng nghìn trượng. Xoáy tròn như hình con ốc. Lại đặt tên là Tư Long.
“Kỳ thành diện quảng thiên trương, 
Bàn hoàn như Loa hình.
Hựu viết tư long thành.”
(Chữ hán)
Thành xây xong Vương hỏi cách cai trị. Thần trả lời: quốc tộ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được.
“Quốc tộ tụ đoản,
Xã tắc an nguy
Thiên chi vận
Nhiên nhân năng tu đức
Khả dĩ diên chi.”
(Chữ hán)
Rồi thần trút móng chân trao cho mà dặn nếu dùng làm nỏ, khi có giặc tới thì không gì đáng lo ngại. An Dương Vương liền làm nỏ gọi là Linh quang kim trảo thần nỏ, chữ hán. Nhờ đó mà mỗi khi Triệu Đà đến công thành đều bị thua phải rút quân về đóng ở núi Trâu Sơn, không dám đến đánh nữa. Sau Triệu Đà lập mưu cho con là Trọng Thủy sang cầu hôn với Mỵ Châu. Cưới xin rồi Thủy mới dỗ vợ cho xem nỏ, rồi lén lấy vuốt mà giấu đi, về báo cho cha. Triệu Đà được nỏ rất mừng, liền phát binh đánh Vương. Vương không lo phòng bị chỉ mê đánh cờ.
“Vương bất thiết bị,
Viên kì tự nhược.”
(Chữ hán)
Nghe giặc đến Vương cười mà nói: Đà không sợ nỏ thần sao. Nhưng khi đem nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất. Vương thua chạy, liền chở Mỵ Châu mà trốn về hướng Nam, đến bờ biển thì phải kêu thần Kim Quy cứu. Thần hiện lên bảo giặc ngồi sau lưng nhà vua đó. Vương liền tuốt gươm chém Mỵ Châu rồi theo Kim Quy cầm sừng Văn Tê bảy tấc đi vào biển. 
Trọng Thủy theo lốt lông chim Mỵ Châu thường mang trong mình lấy rải ra làm dấu, nhờ đó tìm được xác vợ ôm về chôn ở Loa thành hóa làm giếng ngọc. Trọng Thủy thương cảm vô cùng nên nhảy xuống giếng mà chết.
Sau này ai được ngọc châu ở Đông Hải cùng múc nước giếng ấy lên mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi Ngọc Châu là Đại cưu tiểu cưu (chữ hán) vậy.
Trở lên là một trang huyền sử rất giàu ý nghĩa, mà tập sách này sẽ cố gắng khai quật lên một số với phương pháp của Việt Nho.

2. Phương pháp Việt Nho.
Việt Nho không chỉ có nghĩa là của người Việt xét như con dân đất nước Việt Nam dù rằng trong quá khứ tổ tiên ta có đóng góp vào việc hình thành Nho giáo đến đâu đi nữa. Vậy Việt Nho nói ở đây nhằm nghĩa là đạo lý của những người biết vượt qua những cái bé nhỏ, biết siêu lên, biết đi mãi trên con đường tiến hóa, một cuộc tiến hóa không biên cương, không bờ bến, không nói ra được, nên nhiều khi dùng tới lời âm u co giãn là thần thoại, huyền thoại.
Huyền thoại có nhiều tầng nghĩa. Tầng nhất là nghĩa đen nói đến cái gì thì hiểu về cái ấy, nói cái bọc trăm trứng thì hiểu là có một cái bọc với trăm quả trứng. Đó là nghĩa trá hình, tức sáng lên trọn vẹn ở hình tích hiện tượng, đàng sau không còn chi nữa.
Tầng hai chỉ những cái không hiện lên hình nên có khả năng nhập thể ở nhiều trạng thái khác nhau, lúc đó sự việc dù có thể là thực, nhưng còn nhằm nói một cái gì khác cao hơn. Thí dụ Đế Minh gặp tiên trên Ngũ Lĩnh có thể chỉ việc trai Bắc lấy gái Nam, nhưng đồng thời còn chỉ tinh thần Bắc phương giao thoa với văn hóa Nam phương. Với ý này chúng ta gọi là huyền sử: đó là một loại Minh triết nhưng trình bày bằng những mảnh vụn lịch sử.
Đây là ý nghĩa thuộc tầng thứ ba liên hệ tới con người xét là người không kể thuộc dân nước nào cả, thí dụ Bàn Cổ, Nữ Oa không còn là mảnh vụn của sử nữa mà là những sơ nguyên tượng của một nền nhân chủ trung thực.
Trên đây là ba tầng ý nghĩa mà một câu truyện thần thoại hay truyền kỳ có thể bao hàm, nên thuộc cả ý thức lẫn tiềm thức. Duy lý là chủ thuyết xây trọn vẹn trên ý thức nên chỉ chấp nhận có nghĩa đen, vì thế bao nhiêu thần thoại đều bị họ gạt đi như những truyện nhảm, phải vượt qua duy lý mới nhận ra ý nghĩa sâu hơn. Trong tập này chúng ta chú ý đến nghĩa tầng hai và ba nhất là ba. Vì nghĩa tầng hai đã nhấn mạnh trong các quyển Việt Lý tố nguyên và Dịch kinh linh thể rồi. Những tác giả được nhắc tới trong tập này thuộc tâm phân và uyên tâm nhất là của Karl Jung. Đó là những tác giả sẽ giúp chúng ta phần nào trong việc trình bày kiểu lý giải (ít ra ở đợt đối chiếu) về cái miền âm u bất khả ngôn mà chúng ta lại cứ muốn ngôn. Bởi chưng ở trong những tầm sâu thẳm thì biên cương giữa khả ngôn và bất khả ngôn nhập nhằng trồi sụt, thế mà lý trí con người cứ phải tiến mãi nên phải đẩy xa mãi khả năng khai triển của mình ít ra tới hết mức có thể trong việc muốn vượt sang cõi vô biên. Đấy là chỗ Việt Nho khác duy lý. Duy lý định cư lại trên lý trí. Việt Nho cũng lý trí nhưng không phải là để ở lại đấy song là để đạt tới cái mênh mông, đặt nhịp cầu hội thông giữa ý thức và tiềm thức, nói kiểu xưa là giữa nội với ngoại, giữa thiên với địa, giữa âm với dương. Dù gọi bằng tên chi đi nữa nhưng chính là sự giao thoa giữa hai đối cực đó làm nên nhân tính và đạo làm người chính là giúp hiện thực được sự giao thoa động đích đó. Thành tựu là thành nhân, thất bại là sa đọa. Xét như vậy thì câu truyện Loa thành chính là huyền sử của con người. Nó cũng là một trang huyền sử nước nhà vì xây bằng mảnh vụn lịch sử nước ta, nên tôi lấy làm thí dụ chính trong sách này và cho mang tên là Loa thành đồ thuyết.

3. Ý nghĩa Loa thành
Loa là biểu tượng tổng hợp của hai đường lực ngang dọc, ý thức với tiềm thức đúc kết làm nên đường mới không ngang không dọc nhưng là xoáy ốc.
Thành là sự hình thành sống động, là giai thoại diễn biến của câu truyện xây thành mà chính cũng là quá trình kiến tạo nhân tính, nói kiểu bình dân là công tu luyện nên con người.
Đồ là sơ đồ, tức những nét cơ bản đồng nghĩa với chữ cơ. Chính chữ Cơ có nghĩa là động mà chưa hình hiện ra ở khoảng hữu với vô, vì thế cơ thì vi tế cho nên u ẩn, tiềm tàng.
Thuyết là logos, là bàn giải lý luận. Đấy là một nét mới có thể nói là vay mượn một phần của triết Tây tức là dùng lối văn luận giải để bàn về những cái không thể luận giải. Triết Tây xưa thì đặc chú về luận giải, nhưng lại không ngờ đến cõi tâm linh nằm ngoại khả năng luận giải, còn triết Đông thì có hé nhìn thấy tâm linh nhưng lại không mấy dùng văn diễn giải mà chỉ dùng lối văn chỉ thị. Điều đó hợp cho những người xưa sống nhàn nhã giữa cảnh thiên nhiên có nhiều rảnh rỗi để suy nghĩ, nhưng không còn hợp nữa cho phần lớn con người thời nay sống trong cảnh ồn ào nhộn nhịp. Vì thế cần đến lời diễn giải. Đấy là một việc khó nhưng cũng phải bắt đầu làm. Sở dĩ trước đây Đông phương không lý giải vì tâm linh u ẩn không bờ cõi xác định, nên không thể nói ra, vì hễ đã nói ra là xác định. Bởi thế chỉ còn có lối văn chỉ thị liên hệ với thái độ sống sao cho hợp đạo. Còn nói về đạo thì chỉ có cách nói gián tiếp bằng giai thoại, nhân thoại với muôn hình vạn trạng từ âm dương, thiên địa, tiên rồng, sơn tinh, thủy tinh, ngư tinh, hồ tinh cho tới Trọng Thủy, Mỵ Châu… tất cả đều nói lên một khía cạnh nào đó của cái cơ cấu uyên nguyên. Chính vì uyên nguyên nên nó vượt không thời gian tức vô cổ vô kim, không Đông không Tây nhưng ở đâu cũng thật, nên mới gọi là tiềm thức cộng thông của toàn thể nhân loại, vì thế nên cũng thông với tất cả trời đất người. Chính vì vượt thời không nên bao giờ cũng thật, và hợp với rất nhiều giai tầng thực tế như vài thí dụ sau chứng tỏ.

4. Văn học nước nhà
Thí dụ truyện Loa thành xây đi xây lại mãi mà vẫn không xong, hễ gần xong thì lại đổ đem áp dụng vào nền văn học nước nhà cũng thấy rất thật. Từ lối năm 1930 tới nay quang cảnh văn học nước ta cũng bày ra câu truyện y hệt “xây đi xây lại mãi mà vẫn không xong”. Tính tự tờ Nam phong cho tới nay đã biết bao mộng xây thành “Cổ Loa” nhưng hễ gần xong thì lại đổ. Phạm Quỳnh đổ ra làm quan. Tự lực văn đoàn đổ ra tha lực toàn cóp nhặt lãng mạn của Tây. Việt Minh xây gần xong thì đổ ở chỗ cả trí thức lẫn dân chúng bỏ chạy trốn thành, vì không phải là Cổ Loa xoáy ốc mà là thành nằm ngang chưa cần đổ đã ngột ngạt không thể ở. Các nhóm linh tinh theo Sartre, F.Sagan chưa kịp treo cờ thì đã gẫy cột. Vài tên như vậy đủ để nghĩ đền biết bao nhóm khác cũng đang cố gắng xây, nhưng xây đâu đổ đấy…

5. Thế giới
Áp dụng vào thế giới ta thấy cũng không ra ngoài luật phổ biến đó được. Trong một công trình nghiên cứu tỉ mỉ của ngót 20 học giả tên tuổi quốc tế cỡ Oppenheimer, Heisenberg , Louis de Broglie dưới nhan đề “khoa học và tổng hợp” Science et synthèse (col, idées).
Các vị đều nhận xét rằng Âu Tây đang dẫn nhân loại vào bốn cái lầm lỡ chí tử sau:
Lầm lỡ quân sự: sản xuất bom có thể tiêu diệt toàn thể văn minh con người.
Lầm lỡ kinh tế: đặt trên sự chạy đua sản xuất mà không trên công ích, nên dẫn tới chỗ khai thác triệt để các tài nguyên thế giới và các dân tộc thất thế.
Lầm lỡ chính trị: vì đặt trên nguyên lý đua tranh sẽ đưa đến sự cách bịệt bi thảm giữa những nước giàu và nghèo.
Lầm lỡ sinh lý: để cho sinh sản ra quá độ sẽ bít hết đường lối tiến triển và đưa đến sự hạ giá đời sống con người. Đó là bước mở màn cho các nước văn minh phải trở lại thời tiền sử chịu cảnh đói khát, bệnh hoạn, và tất cả sinh lực phải đổ trọn vẹn vào việc duy trì sự sinh tồn suông. Đây là hậu quả một sự sa sút bệnh hoạn quen gọi là giai đoạn khoa học (déclin morbide, il faut l’appeler la phase scientifique p.68). Bởi xem tứ bề đều thấy có khoa học cơ khí mà không thấy được một ngọn hải đăng dẫn lối trong buổi chiều tà ảm đạm của cuộc sống, hầu đem lại cho nó một ý nghĩa. Nói cách khoa học thì chúng ta hiện đang cần một mẫu lý tưởng với những khả năng đang diễn biến của nó, cần một cái nhìn mới mẻ về vận mệnh, về cứu cánh con người toàn diện và được đông người chấp nhận… Chỉ có cái nhìn tổng quan đó mới đủ giúp con người vượt lên khỏi cơn khủng hoảng hiện nay đặng bước vào thời đại canh tân.
“L’absence de tout fanal qui servirait à nous guider en ce lugubre crépuscule de l’existence qui donnerait un sens à la vie des hommes et les inspirerait dans l’action. 
En termes scientifiques, ce qui est requis c’est un modèle supérieur de l’homme et de ses capacités évoutives ou en termes plus humains une vision de la deistinée de l’homme qui soit neuve, complète et genéralement adoptée. Cette vision peut seule nous aider à surmonter la crise présente et à entrer dans une phase de renouveau” p.79

6. Nguyên nhân
Tại sao con người đang thiếu cái dạng thức lý tưởng về con người? Thưa là bởi con người “bị nghèo nàn hóa, bị giản lược hóa vào một chiều kích là duy lý: impoverished, being reduced to one dimension: raison” nên không sao xây dựng nổi một mẫu người. Có bao nhiêu nền nhân bản là có bấy nhiêu nấm mồ chôn mẫu người chưa kịp thai nghén xong đã chết yểu. Lý do then chốt là tại duy dương, y như An Dương Vương vậy. Phải có cả hai mới là đạo, có nhất âm nhất dương mới xây nổi thành nhân tính. An Dương Vương chỉ xây nổi thành tự lúc giết con gà trắng. Gà trắng là gì? Trắng chỉ phương Tây, gà là cung dậu cũng phương Tây, chôn ở núi Thất diệu tức số 7 cũng là Tây (bắc) ba lần Tây vị chi là quá dương: duy lý, duy ý thức, quay lưng lại với tiềm thức. Cần phải có thần kim quy “tự Đông lại” để quân bình Đông Tây để chữa cái bệnh của An Dương Vương hay duy dương cũng là một. Bởi vậy khi chủ quán thấy An Dương Vương không chết vào tay quỷ tinh thì sấp mình xin học bí thuật. An Dương Vương trả lời: “rằng hãy giết con gà trắng mà tế thì con quỷ (là các thứ duy vật) sẽ hết”, “sát nhĩ bạch kê nhi tế, quỷ tinh tận tán”. Lúc ấy và chỉ lúc ấy thôi mới xây được thành Cổ Loa là sự thành tựu của hai nét dọc ngang để nó nương nhau mà vươn lên làm thành đường xoáy ốc vào vô biên. Bởi đó Cổ loa cũng gọi là thành “Tư long” tức là suy tư theo lối rồng là lối vượt qua 6 bậc như đã nói trong quẻ  Kiền. Lên đến hào 5 thì là “phi long tại thiên”. Long có “phi tại thiên” thì mới nên đại nhân có khả năng xây đắp. Đó gọi là “đại nhân tạo dã”. Tạo cái chi?
Thưa là tác tạo nhân đạo tượng bằng “ngón chân kim quy”. Ngón chân chỉ phần tinh hoa nhất của một vật, còn Kim quy chính là “Thanh giang sứ giả” có tài thấu biết được thiên địa cũng như các lý sâu thẳm của quỷ thần “Minh tri thiên địa, âm dương, quỷ thần chi lý”. Lý đây không còn là duy lý ý thức, bởi nó thuộc về Tư Long là lối suy tư thấu đến chỗ “quỷ thần chi hội”. Đấy mới là cái mẫu lý tưởng của con người mà các nhà khoa học nhận ra đang còn thiếu cho nhân loại. Hiện nay mới chỉ có một quan niệm quá bé nhỏ về con người, nhỏ đến nỗi còn bên dưới cả sự vật, đúng hơn chính là con của sự vật như người cộng sản quen nói “hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng”. Với câu trên cộng sản tỏ ra là con trưởng nam của nền duy lý truyền kiếp của Âu Tây trải bao thế kỷ nuôi dưỡng quan niệm con người yếu hèn phải luôn luôn lệ thuộc ngoại lực… Tất cả đều xa cách mẫu người của thần kim quy một mẫu người “cùng trời đất tham tán” như một tài trong tam tài. Nếu thiên địa có việc của thiên địa, thì nhân cũng có việc của nhân. Nên thần Kim Quy mới nói “xã tắc an nguy” là do vận trời, nhưng người biết tu đức thì có thể kéo dài cuộc trị an. 
"Xã tắc an nguy thiên chi vận
Nhiên nhân năng tu đức Khả dĩ diện chi.”
Nói về nước thì cũng là nói về người hay là về thế giới vậy. Đấy là bài học đáng ghi nhớ muôn đời. Đấy là cái mẫu mực cao siêu của con người. Đó mới chính là cái Hồng Phạm mà lẽ ra con người phải đời đời minh tâm khắc cốt. Thế nhưng không may An Dương Vương đã quên đi, đã không “an đức” mà chỉ mảng dồn hết tâm lực vào cuộc cờ: cờ đời, cờ chính trị, cờ danh lợi bày bày xóa xóa nằm bò sát hàng ngang mà quên đi cái đạo làm người hàng dọc vươn lên như Cổ loa pháp, để đến nỗi thành lọt vào
tay ngoại bang và tự đấy Hán Nho ngự trị trải qua bao đời chịu nằm sấp một cho tới khi Tây dương đặt ách đô hộ thì lại đẩy cái bệnh một chiều đến cực độ, khiến cho Loa thành sụp đổ, nước bị chia đôi, anh em cùng một bọc Âu Cơ giết nhau từ hơn hai chục năm rồi mà chưa tìm ra họa đồ để xây nước. Hôm nay cung kính mở sách xưa, ôn lại truyện cũ mong tìm lại ít tia sáng soi đường cho bản thân, cho quê nước, cho con người. Người ơi!

II. TỪ LINH TƯỢNG TỚI BIỂU TƯỢNG

1. Trích quái hay chích quái
Nếu nói Lĩnh Nam trích quái thì hiểu là những câu truyện thần thoại truyền kỳ có sẵn cả rồi, Trần Thế Pháp chỉ cần trích lấy một số truyện rồi kể lại bằng lối văn riêng của mình theo một thứ tự nào đó. Còn “chích quái” thì kể như chưa có truyện hay nếu có thì cũng lạc chạc không nói lên được gì lắm nên tác giả cần phải “sáng tạo” ra. Vậy hỏi phải nói trích quái hay chích quái? Đáp câu này có hai lối một của văn học sử là tìm xem Trần Thế Pháp đã dùng chữ nào, hai là lối triết lý phải xét tiên thiên xem cứ lý nên dùng chữ nào cho ổn. Lối triết này chưa được bàn tới ở đâu cả nên chúng tôi đề cập phớt qua ở đây vì nó có những hậu quả rất quan trọng như sẽ thấy sau.
Vậy theo triết ít ra triết Đông thì phải nói là trích quái mới hợp với mạch lạc của văn hóa Việt Nho vì đó là nền văn hóa do dân gian sáng tạo, còn tác giả cuối cùng chỉ thu lượm kiểu bộ “nạp ngôn” trong “Nghiêu điển” hay “Thái thi” đối với Kinh Thi. Ngược lại chích quái thì nói lên cái công của một cá nhân. Vậy nên tránh chữ này vì có thể nó làm cho người ta coi những truyện trong Lĩnh Nam không có thực như kiểu duy sử đã làm mà không thấy rằng đó là những sự thực thuộc đợt cơ cấu tiềm thức của toàn dân. Chính vì thế nó chứa đựng một nền Minh triết thâm sâu mà chỉ có sự đóng góp của tâm linh, của tiềm thức cộng thông mới nói lên được, nói bằng huyền thoại, truyền kỳ toàn là những phương tiện thông đạt của dân gian, vẫn gần tiềm thức hơn trí thức. Dân gian chỉ cần cốt truyện chứ không cần lèo lá văn chương. Levi Strauss đã nhận xét đích đáng rằng “dịch là diệt” (traduttore = tradittore) câu đó không còn ý nghĩa nữa với những huyền thoại, vì văn chương dịch thuật thuộc đợt ý thức cá nhân bé nhỏ, còn cốt truyện thuộc tiềm thức cộng thông to lớn, có đời sống độc lập ngoài tầm cá nhân, nên cốt truyện của nó cũng ngoài tầm sức tô tạo của cá nhân (xem
Anthropologie Structurale tr.232 và xem thêm Jung: Psychology and Religion). Chính những yếu tố đó mới nói lên được nền Minh triết uyên nguyên. Điều này trước đây đã không được nhận ra vì quá duy lý. Nhưng nay thì ngay bên Âu Tây cũng đang chuyển hướng và bắt đầu khám phá ra vai trò của tiềm thức biểu lộ qua những thần thoại, truyền kỳ như được bày tỏ trong những khoa uyên tâm, cơ cấu luận… những khoa mới này sẽ giúp chúng ta trở lại khai thác nền văn hóa nước nhà xưa kia đã có thời vận hành trên hai bờ u linh và ý thức, nhưng sau bị Hán nho chèn ép nên sụp đổ, và chỉ còn biết vận hành trong lơ mơ nên đã dễ dàng chạy theo ảnh hưởng Tây Âu trong việc đưa nhân loại vào tai họa một chiều kích: là đầu tối cho mọi bế tắc của con người hiện đại. Đây là một quá trình sa đọa mà việc nhận thức giúp rất nhiều cho sự thoát ra và đi lên. Đó là đại để sự giải minh phía triết, và vì vậy nếu Trần Thế Pháp viết trích quái thì hợp với tinh thần “thuật nhi bất tác” còn nói chích quái thì tỏ ra tự đắc đề cao cá nhân mình và trở nên một kẻ diệt tượng.

2. Từ linh tượng tới biểu tượng
Nói linh tượng là đã rậm lời, chính ra thì chỉ một chữ tượng đã đủ khi hiểu đúng ý uyên nguyên của nó là:
“Tại thiên thành tượng
Tại địa thành hình.”
Chữ hán
Theo nghĩa đó thì tượng “chưa” thành hình, và tự khi thành hình thì liền lọt vào quỹ đạo của giác quan lý trí bé nhỏ “có thành có diệt” không còn trong vòng sinh sinh của tượng. Vì thế nếu hiểu đúng thì tượng chưa thành hình nên không thể nói lên bằng lời, vẽ ra bằng ảnh: nên muốn nói đến phải dùng dấu hiệu để chỉ gián tiếp. Đây là ý nghĩa của chữ tượng (symbole) nhằm đưa tâm thức tự cái hữu hình tới cái vô hình. Như thế linh tượng phải là một sự khải linh (épiphanie) tức làm xuất hiện lên cái không thể nói ra bởi trong phạm vi chính của nó thuộc tiềm thức, siêu hình, siêu nhiên, siêu thực. Tượng phải là sự khải linh ra cái gì to lớn, nó cũng như nghệ thuật dùng cái hữu hạn để khải phát ra cái vô hạn. Nói khác tượng có cả hữu hạn lẫn vô hạn và chính vì nửa hữu hạn này mà tượng có tính chất cụ thể. Nhưng cần có nửa vô hình nữa mới là biểu tượng. Vô hình tức là mở sang c õi vô biên, vô tế bao gồm những phẩm chất không thể biểu thị và chính vì thế có tính cách hàm hồ với khả năng mang rất nhiều ý nghĩa, và mỗi lần kể lại có thể mặc một ý nghĩa khác, nhưng chẳng bao giờ múc cạn hết ý nghĩa của nó. Tôi muốn gọi nó là “tổ thuật” phần nào giống chữ redondance của Tây chỉ một thứ lắp lại nhưng không lắp lại suông nhưng là một cố gắng đi sâu mãi vào nội dung vô tận. Đó chính là hình ảnh xoáy ốc của Loa thành: mỗi lần lắp lại một vòng là một lần đưa đến gần trung tâm hơn với những  khả thể mới mẻ khác hẳn vòng trước. Đó cũng là điều người nay đang mong thực hiện bằng tác động tái chu kỳ hóa = recyclage để có thể dùng mãi mãi mà không nhàm, nhờ đạt được cái đức luôn đổi mới tăng trưởng, “nhật tân chi vị thịnh đức” theo lời Kinh Dịch.  Tóm lại khi nói đến tượng theo nghĩa uyên nguyên thì phải có tính chất vừa sinh động vừa linh động nhờ tiếp cận với cái chi vô biên, nếu không được như vậy thì chỉ là phù hiệu (emblème), thí dụ vẽ hình ông quan tòa thì đó là tiêu biểu cho người bảo vệ luật pháp, còn cái cân là phù hiệu chỉ sự công bằng. Như vậy biểu hiệu cũng như phù hiệu đều chỉ cái gì biết được nên có thể nói ra nhưng vắng mặt, còn linh tượng thì nói về cái gì vô hình vô dạng, không thể vắng mặt, vì không có mặt để mà vắng. Vì thế tượng dễ đốc ra biểu hiệu, cũng như siêu hình đốc ra siêu thị, siêu giác (suprasensible) tức là nói đến cái có hình nhưng vắng mặt, mắt không xem thấy hình nhưng lý trí vẫn bám sát hình của nó là ý niệm, nên vẫn còn thuộc loại hiện tượng hàng ngang lý trí. Những câu truyện biến ngôn (fable) hay ẩn dụ (allégorie) cũng thuộc loại này vì nó dùng con vật nói về truyện người là những truyện nói lên được nhưng không muốn nói thẳng nên mượn sự vật thay vào. Tất cả không phải là linh tượng. Vậy để tránh những hiểu lầm đáng tiếc tự đây sẽ gọi là linh tượng thay cho chữ tượng uyên nguyên, còn biểu tượng để chỉ dấu hiệu, phù hiệu, ẩn dụ có tính cách xác định của lý trí.
Nhưng đó cũng là phương tiện từ ngữ không quan trọng bằng sự nhận thức cảm nghiệm. Để giúp vào việc này chúng ta sẽ đặt một cái nhìn cái quát trên lịch sử Tây để thấu rõ hơn sự sa đọa từ linh tượng trụt xuống biểu tượng, biểu hiệu, ẩn dụ.

3. Những kẻ diệt tượng
Diệt Tượng dịch từ chữ Iconoclaste (kép bởi eikhon: tượng, khazein: đập phá) mà một số học giả Tây phương hiện nay hay dùng để chỉ những người duy kiện (positivistes). Những người này đã không ngờ đến cõi tâm linh nên bao nhiêu linh tượng đều bị xóa bỏ vì thế người nay gọi họ là diệt tượng với ý nghĩa là họ đập phá tượng linh, tức chối cõi vô hình. Tôi thích gọi họ là “đúc tượng” có lẽ đúng với việc làm của họ hơn vì họ không chối tượng suông, nhưng thay tượng vô hình bằng những biểu hiện tức làm cho sinh tượng lung linh phải đồng hóa với cái tượng hình do con mắt xem thấy, rồi lý trí giữ lại mà gọi là ý tượng (idea) tức cũng là cái nhìn của lý trí. Dùng ý tượng mà xây đắp siêu hình là giản lược sự vật phiền tạp phong phú vào có một chiều kích của lý trí mà bỏ sót các chiều kích khác thuộc tâm tình ý chí, mà triết nho kêu là thể nghiệm. Chữ thể nói lên toàn thể con người cùng nghiệm, nó rộng hơn siêu thị gấp bội. Chính vì siêu hình của triết Tây có tính cách siêu thị nên nay đang sụp đổ tận nền móng (xem thí dụ quyển “Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương” của Lê Tôn Nghiêm). Những người phải mang trách nhiệm về sự đi trật đường này thì phải kể trước hết tới Descartes vì ông đã giúp đắc lực vào sự toàn thắng của phe duy kiện dưới phù hiệu của toán học, cơ học đến nỗi linh hồn cũng bị đo đếm như một vật hiện hình. Đó là việc làm có tính chất duy lý cùng cực và chính nó đã ngự trị trên các đại học Tây phương nhất là nước Pháp, nên đáng tên là con trưởng nữ của Auguste Comte và cháu gái của Descartes với chủ trương không những thế giới có thể khám phá cách khoa học mà còn hơn nữa: chỉ có phương pháp khoa học mới có độc quyền trí thức. Chính vì chủ trương duy lý như thế nên trong suốt hai thế kỷ óc tưởng tượng bị “phạt vạ rút phép thông công” vì bị cho là thiếu nền móng khách quan. Thế giá Descartes mạnh đến nỗi cả Pascal cũng coi khinh hội họa cho là sản phẩm của tưởng tượng. Do đó họa sĩ bị bỏ rơi và nghệ thuật bó buộc phải đi vào biểu tượng thuộc duy lý kiểu ẩn dụ (allégorie) như quen làm trong thời Phục Hưng. Tiếp sang thế kỷ 17-18 thì nghệ thuật đốc ra lối trang trí tức là hội họa chỉ còn biểu thị một cái gì rõ rệt xảy ra trong lịch sử với niên kỷ ghi chép rành mạch mà không còn là hội họa trung thực có sứ mệnh gợi cảm để đưa tâm hồn thanh thoát bay lên nhập với luồng sống bao la của cõi linh tượng. Đây là một sa đọa trầm trọng đến nỗi mãi tới tận nay cũng chưa sao phục hồi lại được sức mạnh của ý nghĩa đầy đủ như trong các xã hội yêu linh tượng của Byzance hay nhà Tống bên Tàu (Durand 23).
Nếu đi sâu vào dĩ vãng tất sẽ nhận thấy khuynh hướng diệt tượng này nằm trong sự thắng thế của Aristote (1) mà Descartes, Kant, Auguste Comte chỉ là những đồ đệ đã nối dài cái vũ trụ quan của Aristote, một vũ trụ quan giống hệt vật lý nên không sao ngóc đầu lên khỏi giác quan. Người ta có kể những bằng chứng cho sự sa đọa này là việc gọi khoa siêu hình (ontologie= hữu thể học). Gọi như thế là thú nhận siêu hình hết còn là siêu hình lung linh của động tự uyên nguyên nhưng đã trở nên hữu hình hay gọi cho oai là hữu thể học. Thể đây phải hiểu là hình thể vắng mắt nên tuy mệnh danh là siêu hình mà kỳ thực là hữu hình, nên thay vì nâng tâm hồn lên nó dẫn con người đi trong cái hữu hình qua trung gian của những ý niệm tức ý tượng (image) của những vật thể hiện hình. (1) Thật ra người đầu tối chính là Platon như đã bàn trong quyển Chữ Thời. Ở đây chúng tôi theo lối nhìn phần nào gần lịch sử nghệ thuật của Tây phương và chỉ nói phớt qua vì giả thiết vấn đề đã bàn nơi khác.
Sự trụt dần từ linh tượng xuống biểu hiệu được thấy rõ trong việc chuyển hướng của nghệ thuật từ Roman di sang Gothique. Ở nghệ thuật Roman người ta  còn gặp được nhiều tư tưởng gián tiếp theo lối linh tượng Đông phương, nhưng thời đại Roman đã chóng vánh so với ba thế kỷ dài dằng dặc của nghệ thuật Tây phương gọi là Gothique hòan toàn trực tiếp tức lấy hữu hình để biểu thị hữu hình (Durand 27). Tự linh tượng trụt xuống tượng hình (Il glisse de l’Incone à l’image) đến cuối cùng đốc ra khoa trang trí thường làm bằng ẩn dụ (allégorie). Tự thế kỷ 13 trở đi nghệ thuật bỏ mất nhiệm vụ dẫn khởi đến một ý nghĩa, mà chỉ còn mải lo “sao chép thiên nhiên”. Quyển Thi luật Aristote sẽ là thánh kinh cho khoa thẩm mỹ Âu Tây thế mà nó dựa trọn vẹn trên quan niệm “bắt chước”; nhưng bắt chước chỉ là đứa con lạc loài của sự tổ thuật thuộc linh tượng (l’imitation n’est que l’extrême abartardissement de la redondance, Durand 29). Tổ thuật (redondance) có tính cách sống động, độc đáo vì cần phải luôn luôn độc sáng nên mỗi lần “nhắc lại kiểu tổ thuật” là mỗi lần đóng góp thêm vào di sản cũ một ít những sáng tạo mới, đưa ra những mối tương quan chưa được phát hiện bao giờ. Thiếu điều đó thì chỉ là bắt chước suông, một việc làm máy móc có thể sản xuất từng lọat những cái y hệ như nhau nhưng không nói lên được gì mới. Như vậy là đánh mất ý nghĩa của chữ nhiệm mầu trong từ ngữ Hy Lạp theo đó có sự mở lên trời, sự kính nể những cái bất khả ngôn, một sức mạnh tưng bừng… là những đức tính không thể tìm thấy được trong phép luận lý có mực thước cách xác thiết như pháp luật Roma (Durand 30). Óc pháp luật giết chết những nguồn cảm hứng tư riêng bay bổng trong
chốn viên mãn tròn đầy không cần đến những công thức ước định. Vì thế những khuynh hướng chủ trương thực nghiệm kiểu gnostique hay ưa đề cao tinh thần tiên tri, nhất là vai trò phụ nữ như Sophia, Barbelo, Hélène… khó tìm ra đất sống dưới phủ việt của pháp hình.
Tóm lại thì vòm trời văn hóa Tây Âu nặng chĩu một bầu khí duy kiện với những tên tuổi như Aristote, Descartes, Auguste Comte… tất cả đều là những tay “phá tượng” triệt để. Họ đã san phẳng bình diện tri thức không còn để lại một mô cao nào có thểm làm thang leo lên
hàng dọc tâm linh. Đó là một sự hiểu lầm từ nền tảng (missdeutung) mà theo Heidegger nó đã chi phối trọn vẹn nền triết học Tây Âu, khiến cho hễ truyền bá tới đâu thì gieo đau thương tang tóc tới đó.

III. TỪ PHÂN TÂM TỚI UYÊN TÂM

Triết lý Việt Nho thoát thai tự nhân gian. Tiếng nói của dân gian là ca dao và huyền thoại. Ca dao còn giữ được rất nhiều trong kinh điển Nho giáo, nhưng huyền thoại đã bị Hán nho tước bỏ, và ra sống ngoài dân. Thực ra sự hiện diện của huyền thoại cũng không mấy cần thiết vì tinh hoa Việt nho đã được đúc kế trong ca dao, phương ngôn, tục ngữ: tất cả cùng phát xuất từ tiềm thức, quê tổ của huyền thoại.
Đến nay chúng ta lại cố khai quật huyền thoại là vì Việt Nho đang bị ruồng bỏ cần làm phục hoạt lại, vậy cũng cần làm phục hoạt những huyền thoại có thể giúp vào việc đó. Huống hồ là nay có những khoa tâm lý mới giúp phương tiện canh tân việc giải nghĩa huyền thoại. Vì thế trong chương này chúng ta bàn về mấy nét lớn của phân tâm  và uyên tâm có liên hệ đến việc tìm kiếm Loa pháp. Khi nói đến phân tâm là nói đến tiềm thức. Và ở đây không có ý nói đến tiềm thức lý thuyết của triết gia Carus hay Janet… mà chỉ có ý nói đến tiềm thức thực nghiệm của Freud và nhất là Jung.
Với phân tâm tôi muốn chỉ đợt tiềm thức cá nhân do Freud khám phá, nó kết tinh do những ước muốn không được thỏa mãn nên bị dồn nén xuống làm thành tiềm thức. Phương pháp chính để khám phá là chiêm bao. Nhờ giải nghĩa chiêm bao mà Freud khám phá ra tiềm thức là một thế giới mà cho tới đó người ta không biết, nên có người ví Freud với Christophe Colomb tìm ra thế gian mới. Tiềm thức này có thể vẽ đại khái như sau: nếu ví ý thức như một vòng tròn duy nhất gọi là Y thì nay với Freud còn phải thêm một vòng bên trong nữa gọi T (tiềm thức) và giữa Y và T phải đặt một vòng lót K (kiểm duyệt) mà Freud kêu là thượng thức (surmoi). Thượng thức được kết tinh do những húy kị của xã hội, ức chế của luân lý của giáo dục, tôn giáo, tục lệ… nó có nhiệm vụ đứng chắn không cho những yếu tố của tiềm thức T nhô lên mặt ý thức Y. Những yếu tố T ban đầu chỉ bao gồm những thúc đẩy sinh lý (les pulsions) những ý nghĩ thèm muốn đủ loại, nhất là thèm muốn dục tính (đến sau Freud thêm vào những thèm ước phá hoại (Thanatos) đã không được thỏa mãn và bị ý thức dồn nén xuống đó, rồi bị thượng thức K kiểm duyệt không cho trồi lên mặt ý thức Y, nên chúng lên men và gây ra những rối loạn thần kinh,  hoặc nhẹ như những sự nhỡ lời, nhỡ chữ, sảng sốt, hay là những giấc mơ màng, hoặc nặng hơn thì là những bệnh thống kinh, tức những bệnh không hiện lên cơ thể, nên không thể chữa trị theo lối thông thường. Thí dụ có người mỗi khi giơ tay ra toan cầm ly nước để uống thì tay liền bị tê liệt không cử động nổi, chữa thuốc nào cũng không hết. Sau nhờ phép phần tâm, y sĩ tìm ra căn do là tại lúc nhỏ con sen đã lấy cái ly cô ta quen dùng để cho chó uống. Việc đó gây nên trong tâm thức cô ta một vết thương (traumatisme) sau này vết thương đó trầm trọng thì làm tê liệt cánh tay mỗi khi cô ta toan cất lấy ly nước. Sau khi cô ta biết duyên cớ như trên thì liền hết bệnh. Như vậy muốn chữa bệnh thống kinh cần phải lôi ra khỏi tiềm thức những yếu tố đã dồn nén xuống đó. Nhiều khi lôi lên rồi là khỏi. Theo Freud thì những nhu yếu bị dồn nén như thế, gần hay xa đều quy về một mối là dục tình, vì thế chủ trương của ông được người đời gọi là toàn dục (pansexsuel) cái gì cũng giảng nghĩa theo tình dục. Trẻ con mút ngón tay cũng cho là tìm thỏa mãn tình dục, người theo tôn giáo kính mến thần linh cũng là để thỏa mãn tình dục, nghệ thuật cũng chỉ là tình dục thăng hoa… Cho nên nguyên ủy các bệnh thống kinh là do sự dồn nén tình dục… Bởi thế muốn chữa trị bệnh từ căn để thì nên tránh sự dồn nén. Vì thế mà thuyết của Freud có vẻ là một lời hô hào tháo khoán cho tình dục tràn lên như vỡ bờ. Thực ra đấy chỉ là một phản động chống lại nền luân lý thanh giáo cổ điển cũng phạm tội duy như Freud tức là quy hầu hết tội lỗi cho dục tình, vì thế đóng con dấu tội lỗi lên trên bất cứ cái gì có liên hệ gần hay xa đến dục tình. Thuyết thanh giáo này cùng với thuyết thả lòng của Freud tuy chống nhau kịch liệt nhưng cả hai cùng nằm trên một bình diện, đều cho dục tình là căn nguyên mọi tội lỗi hoặc bệnh hoạn… Chính vì chỗ một chiều đó mà thuyết Freud đã gây nên chống đối mãnh liệt, trong số có Adler đã gỡ trọng tâm ra khỏi tình dục để đặt sang Ý chí quyền lực (volonté de puissance) tức là mọi việc con người làm đều do lòng ham quyền lực. Khỏi nói thì ai cũng nhận thấy quan niệm này cũng lại là một thứ duy mới chỉ khác có tên: thay vì duy tình dục thì là duy quyền năng. Bởi thế vẫn còn hẹp như Freud, cần phải có một người thứ ba để đặt phân tâm vào một lối giải nghĩa rộng lớn hơn, và đó là Karl Jung. Ông chủ trương không nên giản lược sinh lực con người vào bất cứ một chiều kích nào dù mạnh như dục tình hay ý chí quyền năng nhưng phải tùy trường hợp mà giải nghĩa và thay vì để phân tâm trong viễn tượng bệnh lý thì ông đặt sang nhân tính toàn diện mà ông gọi là Đại ngã (Soi). Và vì thế khác hẳn chiều hướng sinh lý của Freud: Jung dùng phương pháp văn hóa tỉ giáo tức đối chiếu những thần thoại và biểu tượng của nhiều văn minh và nhờ thế ông đã đóng góp rất nhiều vào phân tâm. Trong đó phải kể đến việc khám phá các sơ nguyên tượng (archétypes) của tiềm thức cộng thông vì chúng có tính chất nhân loại, nghĩa là nội dung tiềm thức không chỉ là những mảnh rơi rụng của ý thức như Freud nghĩ, vì thế nội dung của nó không thể không lệ thuộc vào ý thức cá nhân, tức những yếu tố tư tưởng gắn liền với nơi và thời xảy ra có thể nhớ lại v.v… Còn tiềm thức cộng thông theo Jung thì thuộc toàn thể nhân loại nên có tính cách phổ biến như vũ trụ như những yếu tố thời gian, núi, sông, biển, sao, trăng với những chiều kích bao la vĩ đại, những biểu tượng chung trong nhân loại cổ sơ mà dân nào cũng thấy thí dụ nước chỉ nguồn sống cũng như chỉ tiềm thức. Lạc Long Quân ở thủy phủ, Jona bị vứt xuống biển rồi bị cá nuốt vào bụng là bị tiềm thức lất át, hoặc những hình vuông hay tròn được thấy trong giấc mơ do rất nhiều người tuy họ không hề biết đến những điều đó (chứng tỏ chúng không có tính cách cá nhân) vì thế Jung đã chia tiềm thức ra hai đợt: một thuộc cá nhân có 2 nửa thì một nửa giống của Freud thành bởi những yếu tố tự ý thức dồn xuống, còn một nửa là những mặc cảm không tùy thuộc cá nhân. Hai là tiềm thức chung của nhân loại mà ông gọi là tiềm thức cộng thông (inconscient collectif). Vì ở đâu đâu văn minh hay cổ sơ đều có cả, nên kết luận là của chung nhân loại và khi xét nó thì có thể biết được phần nào tâm trạng con người, vì chúng nói lên trình độ của nhân loại trong một nơi một thời. Hiện nay nhân loại cũng đang mất quân bình nên đâm ra khủng hoảng. Khủng hoảng là bệnh thống kinh của nhân loại, y như thống kinh là cơn khủng khoảng của một cá nhân. Với sự khám phá này Jung đã đưa phân tâm tiến thêm một bước nữa đi vào chiều sâu, nên nhiều người như Bleuler là thầy và cũng là cộng sự viên của Jung gọi đợt tiến này là uyên tâm (psychologie des profondeurs) còn đợt của Freud là phân tâm. Tôi theo lối gọi của Bleuler cho tiện mặc dầu không cho danh xưng là quan trọng vì chính Jung thường dùng chữ analyse de l’inconscient nhường chữ phân tâm psycho-analytique lại cho môn phái Freud. Vì chữ này đã dính liền với chủ trương toàn dục. Còn Jung quan niệm tiềm thức của ông rộng hơn nhiều, nên ngay về việc chữa trị cũng hiệu nghiệm hơn: đã có trường hợp chữa được cả bệnh điên. Riêng về mặt triết thì Jung sâu xa hơn rất nhiều nhất là ông đi vào hướng văn hóa tỉ giáo rất hợp thời gặp gỡ của các nền văn hóa nên được các nhà phân tâm hiện đại như Horney, Fromm, Kardiner, Sullivan… đang cố gắng tiếp tục. Người ta quen gọi đây là môn phái văn hóa (cultural school) vì chủ trương rằng trong các yếu tố chữa bệnh, ngừa bệnh cũng như hiện thực nhân tính thì văn hóa là yếu tố nổi nhất. Về mặt khám phá tiềm thức ngoài chiêm bao ra, Jung cố dùng đến thần thoại của rất nhiều dân, do đó ông có rất nhiều phát kiến mới như tiềm thức cộng thông với các sơ nguyên tượng, với thuyết linh lực (énergétique) tức những biểu tượng có tính chất phổ biến và sống động. Rồi thuyết Đại ngã với quá trình nhân cách hóa được coi như trọng tâm trong
công trình vĩ đại của ông. Chính vì bước tiến đó mà sách của Jung tỏa lên một giá trị nhân bản chân thực, một thứ triết lý rất cụ thể. Keyserling tiên đoán rằng đối với thế hệ đang lên thì sách của Jung sẽ chiếm chỗ xưa dành cho Platon. Tôi cho câu tiên đoán đó có nền tảng. Hiện nay sách ông đã được dịch hết sang tiếng Anh và tiếng Đức. Tiếng Pháp mới được chừng một nửa.
Hãy tóm lược cơ cấu tâm thức con người theo Jung vào một lược đồ có ba vòng (xem hình cuối sách)
Vòng ngoài cùng Ý thức gồm 4 việc nền tảng là cảm, tình, nghĩ, thấu.
Vòng nhì là Chí hay là cái nhân của con người ý thức gọi là tiểu ngã.
Vòng ba có hai đợt:
Tiềm thức cá nhân gồm những mảnh vụn ý thức bị dồn nén cũng như những mặc cảm.
Tiềm thức cộng thông do kinh nghiệm sống của nhiều triệu năm để ấn tích lại, và thường biểu lộ bằng những sơ nguyên tượng. Sơ đồ trên phần nào vẽ theo tư tưởng của Karl Jung (Xem thí dụ Ame tr.131) 4 việc của ý thức cũng là do Jung đưa vào để phác họa lên không gian tâm thức của con người:
Cảm: sensation để chỉ những việc của giác quan như xem, nghe, sờ, để biết có một vật. 
Nghĩ: pensée để biết vật đó là cái gì.
Tình: vật đó có giá trị nào chăng?
Thấu: intuition, trực thị về nguồn gốc và sự tiến triển của sự vật (Ame 97).
Đó là 4 việc nền tảng làm nên bình diện ý thức, và tùy mỗi người chú ý đến tác năng nào đó trong 4 mà có xu hướng khác nhau tự cá nhân nọ đến cá nhân kia, cũng như tự dân này đến dân khác làm nên khuôn mặt văn hóa của mỗi dân. Nói chung thì Tây nổi về cảm, nghĩ, còn Đông về tình, thấu.
Bốn chức năng đó nằm trên nền tảng chung là Chí (volonté) mà hình thức thường của nó là ý tứ hay cũng gọi là chú ý. Chính chí phân phát nghị lực, nên có thể tập trung vào một chức năng nào đó hoặc là tỏa ra mọi tác năng đồng đều tùy nghi. Vì thế chí là chủ chính, nó làm nên cá tính của mỗi người. Sau chí thì đến tiềm thức. Có hai đợt là cá nhân gồm những mảnh ý thức bị dồn nén xuống khỏi bình diện ý thức: nhưng nó vẫn sống trên ven ý thức, và xuất hiện có khi bằng những lỡ lời, lỡ bút, những động ứng có thể nói là vô thứ như chiêm bao, những mặc cảm. Mặc cảm là một cảm nghĩ không hiện hình nhưng lại giàu chất súc động, tác hành, có tính cách độc lập ngoài quyền ý chí của cá nhân. Khi nào xuất hiện mạnh thì làm cho phạm vi ý thức thâu hẹp lại gây ra chia trí, không chú ý đúng mức, và thường gây căng thẳng làm cho thở nông, nên lâu lâu phải bù bằng thở dài, nên phân tâm có thể nhìn ra. Freud đã khám phá ra tiềm thức cá nhân nhất là bằng chiêm bao. Cũng trong thời gian đó Jung dò tiềm thức bằng phương pháp liên tưởng, và chính ông đặt tên là mặc cảm được thông dụng ngày nay. Ngoài ra ông còn đi sâu hơn một độ nữa là khám phá ra đợt tiềm thức cộng thông. Phương pháp thăm dò đợt này phải là các thần thoại, huyền thoại của mọi dân, càng biết nhiều càng hay để tìm ra những yếu tố phổ biến đâu đâu cũng có, và ông gọi là sơ nguyên tượng, tức là những hình tượng đầu tiên và uyên nguyên nên
có sức sống động thí dụ xuất hiện trong chiêm bao nhiều người vì thế tôi cũng gọi là sinh tượng, cũng có khi là linh tượng là muốn nói đến cái sức mạnh tác động. Nếu biết thâu hóa rộng được nhân cách nên uyên tâm giúp vào đạo học rất nhiều.
Giữa tiềm thức cá nhân của Freud và tiềm thức cộng thông của Jung, tôi đặt thêm tiềm thức dân tộc và gọi là Huyền sử. Đây cũng là một loại tiềm thức cộng thông, nhưng được trình bày cách riêng biệt bằng những mảnh vụn lịch sử của một dân. Thí dụ hình vuông tròn tuy là của chung nhân loại, nhưng được trình bày theo hình xoáy ốc (Loa) với những nhân vật riêng biệt của Việt Nam như Trọng Thủy, Mỵ Châu v.v… làm tỏa ra một bầu khí riêng gọi là huyền sử. Huyền sử với nhiều dân không được rõ ràng lắm nên nhiều tác giả chối đi và chỉ chấp nhận có ý nghĩa phổ biến của tiềm thức cộng thông. Tuy nhiên riêng với Việt Nam thì chúng ta có thể chấp nhận ý nghĩa đợt hai của huyền sử và dùng huyền sử như những bước khởi đầu đặng tiến đến tiềm thức cộng thông. Như thế đường về dân tộc cũng chính là đường về với nhân tộc, mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương sau. 

IV. THẮP ĐUỐC UYÊN TÂM ĐI TÌM HỒN ỐC

Theo uyên tâm thì tiềm thức là cõi mênh mông bao gồm rất nhiều chất liệu tâm thức của biết bao đời xưa chồng chất lại, nên có kinh nghiệm dài hơn cá nhân cũng như mãnh lực hơn sức cá nhân, nên thường tác động bên ngoài ý thức và ý muốn cá nhân, gọi được là uy linh (majestueux et puissant) có thể lẫn với cõi thần linh của tôn giáo. Bởi thế những sơ nguyên tượng (archétypes) làm nên cơ cấu tâm thức để hướng dẫn tác động của bản năng: nó cùng một đợt với bản năng, khác chăng là bản năng thuộc bình diện sinh lý còn sơ nguyên tượng thuộc bình diện tâm thức: nó là một thứ ý tưởng trong cõi bản năng. Như thế chúng là những dạng thức, những ảnh hình hướng dẫn bản năng tác động. Bản năng bắt đầu tác động khi khởi lên trong tâm thức hình ảnh sơ nguyên tượng ám hợp cho tác động đó, rồi hình ảnh này lại trở nên động lực cho những động ứng khác của tác nhân. Những sơ nguyên tượng hiện diện ngay từ buổi đầu tiên của đời sống và sẽ trì tồn mãi y như những bản năng, nên chính sơ nguyên tượng mới làm nên những cơ cấu của tâm thức, đó là phần vô thức nên cũng là nền tảng, vì vô thức có tính chất sinh động mạnh mẽ hơn hẳn ý thức. Vì thế đó là phần quan trọng cho sức khỏe cả thể xác lẫn tâm thần. Khi cơ cấu tiềm thức một người không ổn định thì sinh bệnh thống kinh có thể đến điên loạn, cần có y sĩ tâm phân giúp chữa trị. Nói về một dân tộc cũng như một cá nhân, một dân lâm nạn phân hóa thì là dấu cơ cấu sơ nguyên tượng của nó đã trật đường rầy. Cần phải làm một cuộc phân tích tỉ mỉ, để tìm ra đâu là những sơ nguyên tượng của dân tộc, đâu là chỗ trật đường rầy, để chỉ ra bài thuốc ứng hợp. Những dân tộc giàu sức sống cũng là những dân có nền văn hóa ứng hợp với các sơ nguyên tượng của mình. Ngày xưa nhờ những hiền triết có khả năng thấu thị chỉ ra rồi mọi người tuân theo. Nhưng đến nay những lời giáo huấn đó không còn giàu sức kích động tâm trạng người mới nên hết xài. Cần một phương thế khác có lý giải và đó là khoa uyên tâm. Một trong những phương tiện của khoa này là nghiên cứu và đối chiếu thần thoại và biểu tượng của các dân, vì đã nhận ra đó là lối biểu thị những cơ cấu tâm thức cũng như những nguồn phát ra sinh lực thâm sâu của một dân, những sức mạnh của một linh hồn tập thể. Nhân đó mới nhận ra đường lối của một nền văn hóa,  và những nét dị biệt của chúng phần nhiều lại là những nét đặc trưng vẽ lại con đường đặc thù mà mỗi dân phải đi.
Sứ mạng con người là hiện thực được nhân tính. Và đó còn là cứu cánh của mọi con người bất kỳ ở đâu và bao giờ. Nhưng ở đâu và bao giờ lại khác nhau nên có những lối hiện thực khác nhau, và những dị biệt đó cũng quan trọng, như những khế ước mà mỗi dân đã ký kết với khu vực sinh sống đầu tiên của mình. Đổi khác là thất ước, nên cũng là sa đọa. Sa đọa tức là bệnh hoạn, làm cho bớt sống đi. Sống mạnh là khi không có bệnh hoạn, nên sinh lực không bị li tán, không bị ứ đọng vào một nơi nào, nhưng phát triển đồng đều để tiến lên.  Hiện nước nhà đang bị li tán mạnh đó là triệu chứng bệnh nặng, báo hiệu một cái gì trục trặc trong cơ cấu tâm thức của dân nước. Vì thế trong khóa giảng này chúng ta nhằm tìm ra cái cơ cấu uyên nguyên của nước nhà để xem nó đã lỗi khế ước ra sao đặng tìm đường chữa trị. Chúng ta sẽ dùng phương thế huyền sử nên phần lớn là áp dụng phương pháp của khoa uyên tâm. Khoa này kể được như mũi dùi bén nhọn nhất của phân tâm, nên có những nét giống như Việt nho, chẳng hạn lấy sự sống làm tiêu chuẩn chân lý khác hẳn triết học cổ điển xưa. Với uyên tâm sống mạnh là khi thoát gỡ khỏi những mặc cảm trái khoáy. Dân sống mạnh là khi có một cơ cấu tâm linh quân bình mạnh mẽ, ám hợp cho hoàn cảnh riêng. Vậy theo uyên tâm muốn biết cơ cấu tâm linh của một dân cần tìm hiểu những sơ nguyên tượng căn bản hơn hết của dân ấy. Sơ nguyên tượng phải kể tới trước hết là hình ảnh người mẹ. Đây là hình ảnh đã in dấu sâu đậm hơn hết trên tâm khảm mỗi con người, vì khi vừa ra đời tâm thức còn như miếng sáp mềm sẵn sàng nhận những hình ảnh đầu tiên. Và đó là hình ảnh người mẹ. Vì thế đây là hình ảnh phổ biến nhất không dân nào không có và đã trở thành những  sơ nguyên tượng căn bản nhất những vạn vật chi mẫu, Grande Mère, Magna mater… hình ảnh cha cũng có nhưng không sâu đậm bằng vì đến sau, và thường mang theo chất uy nghi trang trọng của thần minh có phần xa xôi. Đối với huyền sử nước ta thì hình ảnh Mẹ là Âu Cơ. Còn Lạc Long Quân chỉ xuất hiện trong những lúc khẩn cấp. Hình ảnh sâu đậm thứ hai là lúc lập gia đình, tự đứng ra gánh vác trách nhiệm, cũng là lúc đời sống con người trải qua một khúc rẽ với những hồi hộp, cảm xúc mạnh, nên hình ảnh “ý trung nhân” đã in sâu đến độ trở thành phổ quát và đó là hình ảnh vợ chồng. Trong huyền sử nước ta là Đế Minh với Vụ Tiên là Ngưu Lang với Chức Nữ, là Sơn Tinh với Mỵ Nương và nhất là Mỵ Châu với Trọng Thủy…
Hình ảnh thứ ba là mối giao liên giữa cha mẹ, vợ chồng nó là dạng thức cho mọi mối nhân luân. Đối với nước ta đó là cái bọc của mẹ Âu Cơ hay quả bầu trăm hột v.v… và được kiểu thức hóa thành Tỉnh Điền hay Lạc Thư… tất cả đều nói lên tính chất công thể của mối giao liên, khác với lối cá nhân ở nhiều nền văn hóa khác.
Trong các mối giao liên thì căn bổn nhất là ý thức với tiềm thức mà vì tiềm thức thì ẩn nên được biểu thị rất nhiều như hình con rắn mà Ấn Độ kêu là naga, rồi nhất là nước cũng là sơ nguyên tượng vừa chỉ tiềm thức vừa chỉ làn sóng sinh sinh luôn luôn chảy bất cùng. Tiên tri Jona bị nuốt vào bụng cá, cũng như An Dương Vương đi vào lòng biển đều là ý thức bị tiềm thức trấn át. Bên tả cũng chỉ tiềm thức: Tây Âu cho là xấu (sinistre), Việt nho cho là sáng láng = Chiêu… như thế cũng hợp số phận với rồng cũng chỉ tiềm thức nhưng bên Tây cho là xấu bất hạnh (Ame 307) còn bên Việt nho không những cho là lành mà còn dẫn đầu cuộc tiến hóa = khi ẩn lúc hiện, lúc khác bay lượn (nhớ lại ba thế rồng ở quẻ Kiền). Sự khác nhau dễ giảng nghĩa: bên Đông là ý thức giao thoa với tiềm thức (hợp ngoại nội chi đạo) bên Tây duy lý nên cản đường tiến của tiềm thức, và tiềm thức phải gây bệnh thống kinh báo thù, nên coi rồng là xấu. Tuy nhiên đây chỉ là truyện huyền sử nghĩa là phải vượt lên rất cao để xem toàn diện thì thế, chứ  nếu đi vào chi tiết thì muôn vàn mẹo trừ. Vì thế cần dè mặt mỗi khi dùng đến. Còn thể kể ra nhiều hình ảnh khác, nhiều biểu tượng khác nhưng mấy hình ảnh trên có thể coi là then chốt trong việc nhận diện một nền văn hóa. Loa thành đồ thuyết cũng là một thử thách mới trong việc nhận diện nền văn hóa Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi chọn câu truyện Loa thành làm lược đồ vì nó nói lên một biến cố quyết liệt trong dòng sử mệnh của Việt Nam.
Đọc theo lối huyền sử thì cuộc phiêu lưu của cặp Mỵ-Thủy chính là khúc rẽ của tiến trình giao thoa của những cặp đôi nền tảng khác làm nền văn hóa Việt nho như về tâm lý là tình ý, về xã hội là vợ chồng, về văn hóa là Việt nho, Hán nho… Đó là những cặp đôi làm nên khung văn hóa của nước Giao chỉ. Nói theo uyên tâm thì chỉ trời là tiềm thức cộng thông, còn chỉ đất là ý thức cá nhân và lý tưởng là hai chỉ đó phải giao thoa trong mức độ thế nào để không bên nọ lấn át bên kia, nhưng nương nhau mà tiến. Được như thế thì gọi là Giao chỉ hay là quân thiên sẽ giúp con người biết thích nghi với cả hai đầu trái ngược như thủy với hỏa, chung với riêng… Đạt được như thế thì con người sẽ phát triển đến cùng tột những khả thể riêng biệt của nhân tính mình, đồng thời chu toàn nhiệm vụ chung của dân con trong nước, cũng như của thiên hạ tức trở nên công dân thế giới. Ai cũng thấy ngay đó là lý tưởng cao nhất nhưng cũng khó nhất nên hầu hết đều nghiêng lệch không quá chung như người cộng sản, thì lại quá riêng như tư bản, không quá lý thì lại quá tình, ít khi đạt độ giao chỉ là mức độ trung hòa lý tưởng ở đợt minh triết. Ở đợt này con người cư xử theo cả hai đợt ý thức cũng như tiềm thức. Tiềm thức chiếm phần trội gọi bóng là ba trời đối với hai đất chỉ ý thức. Nói khác chính tiềm thức mới là chủ lò minh triết, nên gọi là minh triết bằng bản năng nó dẫn dắt đời sống con người cách êm thắm. Lâu lâu khi gặp những trường hợp khó khăn thì tiềm thức phát ra cho ý thức một nhật lệnh đặc biệt mà huyền thoại gọi là:
Hà xuất đồ
Lạc xuất thư…
Hà hay lạc chỉ miền tiềm thức, còn đồ hay thư chính là sứ điệp nó gửi lên cho ý thức giúp cho ý thức mở rộng tầm hiểu biết. Sứ điệp trong lúc xây Loa thành là:
Thần kim quy, cũng gọi là Thanh Giang sứ giả. Ở đây Thanh Giang thay cho Hà cho Lạc. Kim quy thay cho đồ hay thư, cả hai cùng mang một cơ cấu là tròn vuông hòa hợp mà cặp bánh giầy bánh chưng có thể coi là một việc cụ thể hóa sứ điệp ấy. Vậy Kim quy cũng chỉ là một sứ điệp nhưng được gửi đến trong một hoàn cảnh nhất định, nên có dạng thức đặc trưng là mang sứ điệp ở ngón chân, vì là sứ giả của nước Giao chỉ có nghĩa đen là 2 ngón chân giao nhau. Sau sứ điệp Kim quy thì hai chỉ hết còn giao nữa, vì tự đấy theo về Hán nho mộ chiều. Huyền sử biểu thị bằng cặp Mỵ-Thủy nằm chết dưới đáy giếng, chữ nho kêu là tỉnh. Xin đừng hiểu tỉnh ở đây là chế tỉnh điền. Đó chỉ là một áp dụng đến sau và có hay chăng cũng không quan trọng. Quan trọng là chính ý nghĩa uyên nguyên của nó là tinh thần công thể của nền văn hóa nông nghiệp vốn mang đậm con dấu của nguyên lý Mẹ nên cũng gọi là cái bọc mẹ Âu. Nhưng cái bọc khó biểu thị không bằng chữ tỉnh, dễ vẽ dễ viết hơn nhiều, vì thế mà nó được dùng thay cho cái học và sự thay này xảy ra từ cõi sơ nguyên tượng, nên chữ tỉnh có tính cách sinh động, tức lắp lại nhiều lần ở những nơi then chốt chẳng hạn.
- Như ngôi sao tỉnh mở đầu chòm sao chu tước chỉ phận đã Lạc Việt.
- Như hai lần trong lĩnh nam: một ở truyện Việt tỉnh và một ở truyện Kim quy.
- Như một lần trong kinh dịch quẻ tỉnh, mà đạo nó là “dưỡng nhi bất cùng”.
- Và như nhiều lần trong dân gian. Thí dụ trong Tây du kí ông tiên như ý chiếm tỉnh không cho ai kín nước hay việc trồng cây quanh miệng giếng để cho rễ cây ngáng việc kín nước (trong Hoài Nam tử)… Hình ảnh tỉnh xuất hiện nhiều lần như thế đủ tỏ rõ tính chất sống động linh hiệu của nó, tức nó có sứ mạng nói lên nét đặc trưng quý nhất của nền minh triết Việt nho là công thể. Thế nhưng tự ngày cặp đôi Mỵ-Thủy chết thì giếng bị bỏ hoang, tức nền minh triết Việt nho không còn được chăm sóc tài bồi. Hậu quả là đưa dẫn nước nhà đến bao cảnh phân hóa như đã có nói trong Cái Đình và hiện còn lưu nọc độc đến tận ngày nay. Nói theo uyên tâm thì chúng ta đang bị bệnh thống kinh nó hệ tại sự tan rã tâm linh gây nên những xô xát nội tại làm hao hư hầu hết sinh lực của tâm thức. Còn về nước thì đó là bệnh li lìa khỏi hồn nước, tiếng uyên tâm kêu là Schizophrénie tức là dissociation de l’âme. Nói đơn sơ là đạo nước trở nên yếu liệt không còn đủ mạnh để quy tụ dân con lại trong cái bọc Âu Cơ như xưa nữa. Muốn quy tụ lại thì cần tu sửa giếng, Kinh dịch kêu là Tu tỉnh. Đó là việc hết mọi người dân con phải làm. Quyển Loa thành này muốn đóng góp một viên gạch vào việc chung đó. Đây cũng là một cuộc trở về nguồn nhưng không phải tìm cho biết ta có họ với ai
nhưng không phải tìm cho biết ta có họ với ai nhưng là nhằm giúp chúng ta sống đời sống con người sung mãn hơn. Bởi vì con người chỉ sống sung mãn khi nhịp theo với tiềm thức cộng thông. Khi hai bờ ý thức với tiềm thức hòa nhịp thì đạt sức mạnh với đời sống sung mãn, và do đấy giàu sức sáng tạo… Vì sáng tạo phát xuất từ tâm linh (tiềm thức) chứ ý thức chỉ có xếp đặt lại mà thôi. Vì thế trong sách có nói đến sáng tạo… Đó là về cá nhân, còn công dân và nền quốc học thì đây cũng là một lối tìm lại căn bản thống nhất cho nước cùng non. Bởi chưng sau khi đã đẩy cái học của nước quá xa trên nẻo ý thức lý trí thì sự tìm trở lại với tiềm thức với bản năng quả là một việc làm ơn ích lắm vậy.
Hiện nay nước ta đã từ bỏ nền văn hóa cân đối của tiên tổ để theo cái học trục vật của Tây phương. Chương trình giáo dục vẫn đề cao phần chuyên viên mà thiếu chủ đạo, nên bao nhiêu những sơ nguyên tượng như rồng, tiên, Hồng bàng… đều trở thành một kỷ niệm mờ nhạt chết khô. Giếng vẫn bị bỏ hoang. Lạc thư vẫn chỉ là những tờ giấy trắng không còn giúp chi vào việc móc nối lại với nền minh triết uyên nguyên nữa.
Ở nước Egypte cổ đại xưa khi một người bị con vật cắn thì thầy tư tế chỉ có đọc một đoạn kinh thánh kể lại truyện thần minh đã chữa bệnh cách linh thiêng chứ không cho thuốc chi cả. Vậy mà bệnh nhân có thể khỏi. Ay là nhờ đưa ý thức tham dự vào bình diện của tiềm thức cộng thông biểu lộ bằng niềm tin mãnh liệt tức là đặt ý thức vào cái toàn thể để nó tràn sức khỏe sức sống ra mọi phần thân thể. Lúc ấy họ còn tin trọn vẹn vào kinh thánh nên dễ dàng trầm mình vào bầu khí u linh của tiềm thức nên mỗi lời, mỗi động ứng của nhà tư tế đều gây âm vang mạnh vào tâm hồn dễ dàng đem lại sức khỏe. Nước Việt Nam cũng đang bị chứng mất hồn: do văn hóa ngoại lai ăn cắp. Hôm nay chúng ta cùng mở lại quyển kinh điển nước nhà đọc lên và giải nghĩa câu truyện Loa thành cũng là mong dầm mình trở lại với nền minh triết tâm linh muôn thủa.
Nhưng con người không còn trong giai đoạn bái vật nữa để mà đặt niềm tin vào huyền thoại coi như một tín ngưỡng. Vậy chỉ còn trông vào triết học, nhưng vì duy lý nên triết học thiếu mố cầu bắc sang tiềm thức. Vì thế mà có sự ngăn cách đôi bờ. May thay Việt nho lại là nền nhân bản tâm linh nên đã có đường thông với tiềm thức, và hơn thế nữa để thâu hóa tiềm thức, nhờ đó mà biến thần thoại ra nhân thoại. Tức không coi những truyện trong huyền thoại là truyện bên ngoài con người đã xảy ra lâu rồi ở một nơi xa xôi nào đó, trái lại xem huyền thoại chính là những biểu lộ tâm thức của dân nước, nó nói lên con đường riêng biệt mà ta phải đi để chu toàn sứ mạng của dân con cũng như của nhân loại và tôi gọi đó là huyền sử. Huyền sử là một phương pháp mà chính tiền nhân ta đã đặt nền tảng vào lúc thần thoại nhường bước cho nhân thoại. Bước đường ấy nay lại được Tây Au tiếp nối với tâm trạng khoa học hơn, tức xác định bằng lý chứng nhiều hơn, đó là khoa uyên tâm với các khoa nhân văn mới. Vì thế chúng sẽ giúp ta rất nhiều trong việc tiếp nối con đường huyền sử của tổ tiên. Huyền sử cũng là một thứ huyền thoại nhưng dùng nhiều mảnh vụn của lịch sử, vì là mụn mảnh nên muốn khám phá nội dung cần đến sự kiện nhiều hơn sách vở. Thí dụ tên Mỵ có phải do Mễ chăng, thì không nên chú trọng vào cách đọc cho bằng xét xem nó có diễn tả nội dung của nông nghiệp lúa mễ hay chăng, thí dụ phải tìm xem địa vị đàn bà trong văn hóa đó ra sao, và khi ta biết là cao rồi mà thấy chung quanh Hùng Vương chỉ xuất hiện nhiều lần Mỵ nương thì đã có thể coi đó như một loại lý chứng nói lên nội dung văn hóa của Mễ nàng. Như thế thì lối đi tìm di tích cổ Loa của huyền sử không chỉ còn là vác quốc đi đào bới nữa nhưng có thể bằng cách bay bổng để nhìn bao trùm cả một vùng mênh mông của nền văn hóa có nỏ thần, có áo lông chim, có giếng ngọc, có vòng xoáy ốc, tức là toàn thể miền đất Viễn Đông của nho giáo nguyên thủy, trong đó nước Tàu là lớn nhất. Chính sự lớn lao thống nhất đó đánh lừa người đọc yên trí rằng nước Tàu từ xa xưa đã như vậy, mà không ngờ rằng đó là trận tuyến giao thoa của hai nền văn hóa nông du lớn hơn hết và cũng đặc trưng hơn hết nên nó đã phản chiếu vào mọi địa hạt chính trị, kinh tế, nghệ thuật cả huyền thoại nữa, trong đó truyện Cổ Loa là một. Cho nên đi tìm vết tích Cổ Loa chính cũng là đi tìm khuôn mặt Việt nho. Việt nho là nền văn hóa phôi thai của những dân vào nước Tàu trước như Mêlanê, Tam Miêu, Bách Việt… tất cả đều kể được như đứng trên cùng một trận tuyến nông nghiệp lúa Mễ. Bên kia là du mục. Xin đừng lẫn với súc mục (pastoral) ở đâu cũng có, ngay trong phần đất Viêm Việt. Thứ súc mục này không khác lắm với nông nghiệp. Vậy du mục nói ở đây thường là đi với kị mã mà biên cương hoạt động của họ là tự núi Oural đến sông Amour và sự di chuyển của họ gây âm vang trên ba đế quốc lớn xưa là Tàu, An và Iran (Style p.II). Nhân đó cũng liên hệ tới văn hóa Trung Đông và La Hy tức là trên toàn thể nhân loại, khiến ta có thể coi nông du là tiêu điểm sơ nguyên dùng để định tính một nền văn hóa: văn hóa khác nhau là do pha độ nông du khác nhau. Du mục là phụ hệ, đề cao tù trưởng, sức mạnh. Nông nghiệp thì mẫu tộc, có tính chất công thể, ưa nhu nhã…
Nói chung thì đâu đâu du mục cũng lấn át nông nghiệp. Riêng bên Viễn Đông tuy có xô xát nhưng rồi hòa nên cuối cùng cả hai bên mất ý thức như cặp Mỵ Thủy nằm chết dưới đáy giếng. Mỵ châu hay Mễ nàng đại diện cho nông nghiệp lúa Mễ của Âu Lạc. Âu cũng gọi là Thái mà đế quốc lớn xưa là Ba Thục, nơi không bao giờ biết nạn đói nên đã là vùng phát khởi văn hóa sớm nhất, nền văn hóa nông nghiệp Viễn Đông cũng như là cửa ngõ của khối dân lớn lao là Bách Việt đi vào nước Tàu. Vì thế mỗi chi có mang theo một số ấn tích của nền văn hóa sơ khởi đó, nó mang tính chất nhu nhã ôn hòa như tiên nữ, như chim bay.
Nước ta mang ấn tích trong danh hiệu Hồng Bàng (Lạc bộ chuy) với chòm sao mang tên chu tước. Mỵ châu luôn luôn mang áo lông chim trên mình, tức là đại diện cho văn hóa buổi sơ nguyên nọ. Sau này sẽ tiến xuống vùng Hồ quảng nơi có nhiều giao long thì nhận thêm hèm rồng, hèm mã (Long mã phụ đồ) để cho thêm đầy đủ non nhân nước trí. Đấy là nền văn hóa đã phát triển ở giai đoạn thị tộc, bộ lạc, và còn đang cố vươn lên đợt bang rồi liên bang thì gặp văn hóa du mục từ phía Tây Bắc tràn xuống xảy ra cuộc chống đối cũng như giao thoa: với những mảnh vụn lịch sử như hoàng đế chiến Si Vưu, như Đế Minh “tuần thú”
phương Nam, như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh giành Mỵ nương hay là như ở đây với cặp Mỵ Thủy. Mỵ châu là non nhân, Trọng Thủy là nước trí, trí lấn át nhân, nhưng trí không nhân thì hết quân bình và thế là cả hai nằm chết trong đáy giếng. Thành Cổ Loa còn hay bị phá không nói tới nữa: cuộc hôn phối hai nền văn hóa bị bỏ quên luôn, nên giếng là bản kết đúc hai nền văn minh đó cũng bị bỏ hoang. Trong truyện Loa thành văn minh Au Lạc được biểu thị bằng số ba xuất hiện 4 lần trong truyện:
- Vương lập đàn cầu đảo 3 tháng. 
- Ngày mồng 7 tháng 3 bỗng thấy một ông già theo phương Tây (số 7).
- Quy ở lại với vương 3 năm.
- Rải lông ngỗng trên các ngã 3 đường.
Con số này liên hệ với Đông phương, với chim và tiên nữ, nên cũng liên hệ với số 5 và 9 mà bản tóm là Lạc Thư, một thứ Tỉnh đã được quảng diễn đến cũng cực đưa đến nhân đạo, tức không còn đặt trọng tâm trên trời hay dưới đất nhưng trong người, được biểu hiệu bằng Thần Kim Quy. Nên khi hỏi đến bí quyết lâu dài thì Kim Quy nói: “Quốc tộ tu đoàn, xã tắc an nguy” là vận của trời nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được. Đó là:
“Đạo cao long hổ phục.
Đức trọng quỷ Thần kinh.”
Và câu truyện quỷ mị ở núi Thất diệu đã không làm hại nổi An Dương Vương khi Vương theo kế hoạch của Thần Kim Quy, tức theo đạo người “có trời mà cũng có ta”. Thế nhưng sau này Mỵ châu đã phải chết để đền tội phản bội vì đã trót dại theo văn hóa Bắc phương tượng trưng bằng số 7 (thất diệu). Số 7 chỉ Bắc phương thì là biểu hiệu chung nhân loại nên Tây gọi Bắc là phương số 7 (septentrion: chỉ số 7 sao bắc hùng) ưa dùng võ lực, trong truyện chỉ thị bằng sừng con tê 7 tấc. Khi nói người nữ có 9 vía, đàn ông có 7 “nam thất nữ cửu” là vậy. Lý tưởng phải là nam nữ hòa hợp, hay là cương nhu thông hội.
Nói bóng là xây Loa thành. Loa là hình xóay ốc, là sự chung đúc của hai nét ngang (cương) dọc (nhu) cùng nhau vươn lên. Hình ảnh kết thằng, hay đan lát đã được dùng như biểu hiệu trang trí ở thời tân thạch, mà trong lịch sử nghệ thuật còn ghi được nhiều ở đồ gốm có in hình kết thằng (corded pattern. Archeo 111) hoặc lốt đan nong, ni, rổ, thúng tức có hai nét ngang dọc. Đấy là những bước sửa soạn đưa đến hình Loa, hay những biểu tượng con chim 8 cánh một chân. Tất cả nói lên sự hòa hợp ngang dọc, 8 ngang hiện tượng 1 dọc tâm linh nơi hòa hợp tất cả lại một mối nên kêu là “quỳ nhất túc”. Đó cũng chính là hình ảnh của chữ tỉnh, cũng là của Lạc thư, sách của Lạc dân, cũng gọi là con Quy, hình ảnh của sự hòa hợp mà quê hương là miền sông Dương Tử, nơi phát xuất các tay thợ đúc (Danses 610): đúc kiếm, đúc đỉnh cũng như đúc trống. Hình ảnh của sự đúc này trong truyện là cái nỏ. Nỏ khác cung ở chỗ có cái dọc, thành hình thập tự (Huard 118). Đó cũng là biểu hiệu của nhà chữ đinh có cột ở giữa và chữ tỉnh cũng có 2 nét ngang và 2 nét dọc. Kim Quy cũng thế: lưng tròn chân vuông… 
Tóm lại là sự đúc kết được biểu thị rất đầy đủ từ ngang dọc qua tròn vuông, hai số 3, 7 cho tới hình xoáy ốc là cùng tột nói lên ý thức xoắn xuýt với tiềm thức tâm linh. Thế nhưng sự sa ngã của các tổ phụ (Adong Eva chẳng hạn) nói lên sự đứt quãng với tiềm thức bản năng gây nên tai họa biểu thị bằng bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, còn ở đây Mỵ Thủy bị chết. Kim Quy lại trở về biển y như kiếm mất, đỉnh bị chìm vậy. Và thế là tự chiều hôm ấy giếng bị bỏ hoang, và tự ngày Loa thành thất thủ không được ai nói đến nữa. Có thể chăng được “kỷ niệm” bằng lối bới tóc uốn vòng lên kêu là Loa Kế của mấy bà hoặc cái nón uốn chéo
lên giống hình một số ốc đan bằng nan tre rất khéo của mấy bà Giao chỉ mà Mã Đoan Lâm khen ngợi là rất khôn ngoan dè dặt hơn hẳn đàn ông (Mã 358) hay lối búi tó kiểu búa của mấy ông (Mã 366). Những kiểu trang sức nọ nếu có phát xuất do một linh cảm nào đó chăng thì sau này cũng mất luôn ý thức.
Đại để đó là câu truyện thành Loa nói lên cuộc sa đọa tinh thần là bị đánh bật ra khỏi quê hương tinh thần sau khi đã bị đánh bật ra khỏi đị bàn tổ (xem Vấn đề nguồn gốc chương VII). Hôm nay thắp đuốc đi tìm hồn Loa, thì chính là đi tìm lại nền tảng văn hóa của nước Văn Lang cổ cựu vậy.

V. LOA PHÁP
1. Loa pháp đại cương
Loa là con ốc, và hình xoáy ốc là tiêu biểu cao nhất về con người cấu thành bởi hai đường lực ngược chiều, một ngang một dọc tạo nên đường tiến hóa xoáy ốc bao gồm cả bản tính đồng nhiên hay tiềm thức cộng thông (vòng tròn) cả những dị biệt cá tính ý thức (vòng ngang). Tuy trái ngược thế nhưng cả hai phải hòa hợp trong thế quân bình động đích đi lên làm cho mỗi vòng tiến hóa sau vừa lặp lại những nét căn cơ mà đồng thời lại khác xưa do thời không đã biến đổi. Vì thế cũng là lý trí mà ở giai đoạn bái vật thì bị chèn ép, lên giai đoạn ý hệ thì làm chủ, đến giai đoạn tâm linh thì nó hòa hợp với tâm linh. Như vậy trong cả ba giai đoạn đều có lý trí nhưng dưới những trạng thái khác nhau: nô lệ ở giai đoạn nhất, cô đơn ở giai đoạn hai, hòa đồng ở giai đoạn ba: idem sed aliter = cũng là một nhưng xuất hiện cách khác, đó là yếu tính của xoáy ốc gọi tắt là Loa. Thành Loa là thành nhân, mà thành nhân là thành tính theo con đường xoáy ốc đó “thành chi giả tính dã”. Thành tựu điều đó (nối kết âm dương) thì là tính con người tức là việc cao quý nhất xứng hợp cho sứ mạng con người. Gọi là sứ mạng vì để thành tựu nó đòi phải có những đức tính riêng biệt mà rất ít khi người ta hội đủ. Vì Loa pháp là một tác động cần rất uyển chuyển, để bao gồm được cả. Lấy thí dụ toán mà nói thì nó không chỉ là cộng hay trừ hoặc nhân hay chia, nhưng là tất cả. Muốn đi đúng hướng Loa pháp phải biết trừ rồi cộng sau đó rồi nhân rồi chia. Chính vì tác động bao gồm những yếu tố trái chiều như thế nên việc hiện thực Loa pháp trở nên quá hiếm hoi. Chỉ cần xem rảo qua triết sử sẽ thấy liền. Triết học lý niệm nằm hầu trọn vẹn trên hàng ngang ý thức tức chỉ biết có cộng, còn triết vô vi thu mình vào hàng dọc tiềm thức thì chuyên môn trừ; hầu như không gặp được nền triết nào đi trọn được cả 4 phép cộng, trừ, nhân, chia nói trên. Riêng phần triết Việt với quyển Dịch Kinh may mắn đã một lần đạt được điều đó, và huyền sử gởi vào truyện xây Loa thành. Loa thành chỉ đã thấy xuất hiện có 1 lần và được truyền tụng là đã xây trên phần đất Việt Nam cổ đại. Đấy là một câu nói có vẻ tự phụ, nên cần được xét cẩn thận không phải
chỉ để biện minh câu nói cho bằng thấu hiểu sự việc vì nó liên hệ tới cứu cánh con người. Chúng ta có đạt cứu cánh làm người hay chăng thì bước quan trọng hơn hết chính là sự biết đó. Vì thế ta hãy khởi công nghiên cứu cái mô hình của Cổ Loa.
2. Mô hình xoáy ốc trong Việt Lý
Chúng ta đã bàn đến khía cạnh tiến hóa ở nhiều nơi. Vì đây đang nói đến cơ cấu nên chỉ bàn đến lối tiến xoáy ốc riêng biệt được biểu thị bằng cơ cấu Loa đồ trong một số chiều kích thiết thực. Sự thiết thực này cần thiết, vì nếu chỉ nói xoáy ốc theo biểu tượng thì bất cứ nền văn minh nào không cho là mình có đủ bấy nhiêu, nhưng trong thực tế chỉ những sự hiểu biết cụ thể mới đưa con người đạt nền Minh triết. Vì thế rất cần đi vào một số khía cạnh căn bản mới trông phân định được rõ rệt.
Trước hết là mô hình của xoáy ốc được biểu thị trong thái cực đồ. Xem thái cực đồ các sơ sài thì không thấy đâu là xoáy ốc cả. Nhưng nhìn kỹ lại mới thấy tự ngoài đi vô có chỗ khác nhau: đó là từ vòng 64 ô qua vòng 32, 16, 8, 4 rồi đến vòng 2 ô, vậy là đi từ to tới nhỏ, từ phiền tạp tới giản đơn, vì như thế là đúng phương trình “thái cực đồ chính là hình xoáy ốc”.
(Hình)
Đó cũng là sự cụ thể hóa câu nguyên lý “nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng lớn”. Càng đi vào thì nội tâm càng nhỏ tức số ô càng ít. Trong thực tế có nghĩa là càng đi sâu vào đường tâm linh thì càng bớt ham danh lợi mà lòng yêu người càng mở. Cho đến lòng thánh nhân thì rộng như vũ trụ: “ngô tâm tiện thị vũ trụ”. Dấu hiệu bên ngoài là đơn sơ thâm trầm ung dung. Sự đơn sơ biểu lộ nội hàm nhỏ, còn thâm trầm có nghĩa là bao gồm rất rộng. Chính vì sự bao gồm này mà sách Trung Dung kêu là “vạn vật có đủ nơi ta”, “vạn vật giai bị ư kỉ, chữ hán”. Tâm trạng như có đầy đủ vạn vật nơi mình giúp cho con người có thái độ ung dung tự tại. Ở bái vật con người xin xỏ cùng khắp tỏ ra rất yếu hèn lệ thuộc. Lên đến ý hệ con người đâm ra chống đối thần minh. Lên đến tâm linh thì con người tham dự cùng trời đất, cao hơn đợt bái vật đã đành mà cả đợt ý hệ chống đối. Chống đối là còn tỏ ra chưa vững tâm về quyền lực của mình, nên còn phải đề phòng, tự vệ nhưng khi đã đạt tâm linh thì không còn cần dè dặt chống đối nhưng tham dự cùng trời đất để giúp vào việc hóa dục thiên hạ.  Đấy là tang chứng của sự tiến hóa xoáy ốc có thực, nhưng chính vì có thực với các trạng
huống nhiều vô kể ở đời, Việt nho lại cũng biểu lộ ngay nét biến hóa này trong hình thái biểu tượng nghĩa là cũng chỉ dùng có hai nét âm dương mà biến ra hàng trăm biểu tượng và mỗi biểu tượng lại là linh tượng nên có thể biểu thị rất nhiều sự chứ không chỉ một sự kiểu ẩn dụ nơi các triết thuyết khác. Ở đấy vì thiếu uyển chuyển tính nên mỗi biểu tượng đứng trong thế cô đọng không thể biến hóa ra nhiều hình thái khác, thế mà sự biến thái này rất cần vì có biến thái thì nhất mới có đa = un et multiphe, cũng như mới hiệu nghiệm vì đời sống có muôn mặt nên chỉ linh tượng mềm dẻo đa dạng mới có khả năng nhập thể, vì thế mà âm dương biến ra tròn vuôn, bánh giầy bánh chưng và trong việc kiến trúc là Loa thành.
Đấy là nét đặc trưng thứ hai. Gọi là đặc trưng vì không tìm thấy ở đâu nữa. Nơi khác có tròn có vuông nhưng nằm riêng biệt không đúc vào nhau để thiên biến vạn hóa như vậy.
3. Nội dung chân thực
Nét đặc trưng thứ ba là có nội dung chân thực chứ không dừng lại ở đợt biểu tượng. Cái luật xoáy ốc là thế này: hết mọi đợt tiến sau đều bao hàm các đợt trước theo lối đếm 1, 2, 3, 4, 5. Năm gồm bốn, bốn gồm ba, ba gồm hai, hai gồm một. Đây là luật “thiên nhiên không nhảy cẫng” natura non facit saltus: không nhảy tự một sang ba. Vì nếu thế thì ba bỏ một và hai: trái lại ở Loa pháp thì ba bao gồm 2, 1 tức đợt sau bao gồm đợt trước như đã lấy thí dụ trên kia về lý trí được hàm ngụ trong tâm linh. Bây giờ ta đem áp dụng vào một vài trường hợp xã hội cho dễ nhận: cộng sản quen nói tam vô là nằm bên ngoài Loa pháp
vì đợt sau không bao hàm đợt trước: đợt quốc tế không bao hàm được đợt quốc gia, đợt khoa học không bao hàm đợt tôn giáo, đảng không bao hàm được gia đình nên còn chú ý đến gia đình quốc gia thì bị cho là phản động. Sau này nếu chú ý thì là xét lại rồi. Phe chống cộng Tây phương không tìm được một nền triết lý đủ mạnh vì họ cũng như cộng sản đều là con đẻ của nền triết lý phi loa là loại triết đã mang sẵn mầm mống tam vô trong mình tự đầu. Cái mới nơi người cộng sản chỉ nằm trong chỗ quá đáng, tức: chối bỏ cách triệt để cách có hệ thống và kèm thêm sự ép buộc bằng bạo hành. Chứ còn nền móng đã có sẵn trong văn hóa Tây âu mãi tự xa xưa: nó tiềm ẩn trong nguyên tắc chống mâu thuẫn: chọn một bỏ một, đã chọn hồn bỏ xác, đã chọn đảng thì thôi gia đình, đã chọn quốc tế thì thôi quốc gia. Đó là điều đi ngược Loa pháp không đẩy lui nhưng hòa hài. Đợt trước được duy trì làm nền tảng cho các đợt tiếp sau: gia đình làm nền cho quốc gia, quốc gia làm nền cho quốc tế… vì thế mà đạt thái bình cũng là hòa bình với mọi người: không nhân danh đẳng cấp hay tôn giáo mà khai trừ một ai.  Như vậy là bảo chứng đã hiện thực được phần nào Loa pháp vào thâm tâm cũng như gia đình và tổ quốc. Các đợt trước giúp cho đợt sau và tất cả được điều lý hòa hợp để làm nên một nhất thể, có tính cách sống động như một thân thể. Vì thế nét đặc trưng của nó là trì ngự tại trung cung được coi như suối nguồn của đức hóa giải (an thổ đôn hồ nhân). Một loại triết lý tránh hết các thứ duy bằng đề cao tính chất đa diện. Chính vì thế mà lướt nhẹ trên các mâu thuẫn để đặt trọng tâm trên đức hòa (an thổ).
4. Nhạc và thái thất
Chính vì đặt trong tâm trên hòa nên triết lý Việt nho không chú trọng đến danh lý mà lại chú trọng vào nghệ thuật. Danh lý đặt nền trên lý trí là đầu tối của phân ly chia rẽ. Nghệ thuật trái lại có bản lĩnh rất hòa hợp. Bởi vậy chúa nghệ thuật là nhạc vì nhạc nói lên sự hòa hợp hơn hết, nên nhạc đã được nâng lên hàng Kinh. Đấy là điểm không đâu có. Còn một nét đặc thù nữa là nói đến Thái thất. Trong các biểu tượng được Lévi Strauss chú trọng hơn cả phải kể đến nhà ở: ông nhận thấy trong các xã hội cổ truyền thì cơ cấu nhà ở với cơ cấu xã hội giống nhau, cả đến tôn giáo, luật lệ, các nghi tiết cho người sống cũng như cho người chết, đâu đâu cũng một cơ cấu ấy hiện diện. Điều này không lạ vì là những nền văn minh chưa bị cắt lìa khỏi tiềm thức. Cũng như hiện nay các nền triết nào đi sâu vào tiềm thức cũng sẽ nói đến nhà (xem lại bài Thái thất trong Chữ Thời) và đó là dấu của thời đại, báo hiệu sự sửa soạn bước vào giai đoạn tâm linh, mà tính chất căn bản là thống nhất. Ơ giai đoạn ý hệ không thể nói đến nhà vì nó dừng lại ở nhị nguyên chọn một bỏ một: đã bỏ một thì làm sao có thống nhất, mà không thống nhất thì không có nhà, vì nhà nói lên sự quy tụ vào một mối. Hơn thế nữa, nhà còn nói lên nét thân mật: người cùng một nhà có tình ruột thịt coi nhau như cùng một thân thể. Minh triết xưa coi tha nhân là thân nhân, xem vạn vật là nhất thể là bởi đức tính thống nhất đã được thực thi đến chỗ cùng cực. Nếu thân mật cũng đạt độ nhất thể, thì thất cũng trở nên Thái thất. Thái thất cũng là nhà Minh đường hoặc là Bích Ung… tất cả là biến thể của Động Đình Hồ, nơi bô lão truyền dạy cho thanh thiếu niên biết đạo sống. Đạo sống chính là nghệ thuật sống, vì thế nhạc dạy ở nhà Minh đường không những được ca mà còn được vũ nữa. Đó cũng là cố gắng tiêu biểu đời sống đến cùng cực vậy.
Nét thứ ba của nhà là thâu nạp. Hiện nay đâu đâu cũng nói đến đa phương, đa diện, nhưng đó chỉ là lý với thuyết nếu không tìm ra mối nhất quán để xâu lại. Và đây mới là cái khó: thâu quén bừa bãi những yếu tố mâu thuẫn hay rời rạc không liên kết nhau, thì đó là cái nạn chung, vì đãkhông hiện thực nổi câu sách Kinh Dịch: trinh bền với nhất: “trinh phù nhất”. Chữ trinh đây rất khó nó không phải thứ đồng trinh của những người ở vậy đó mới là khía cạnh tiêu cực. Tích cực phải hiểu như Kierkegaard khi gọi sự trong trinh tâm hồn là ở tại muốn cái một: la pureté du coeur consiste à vouloir un. Muốn cái một cách trinh bền không ngoại tình với đa tạp. Khó thay là cái chữ trinh này: trinh phù nhất. Khó là vì không phải cái nhất đơn thuần có nhân hay chi với 1 cũng mã chỉ là 1, nhưng là cái nhất gắn liền với đa, nên thiên biến vạn hóa. Có vậy nhất mới trung thực vì thiên biến vạn hóa cũng cần y như một. Nếu cái một là đơn thuần thì dễ, nhưng đó là cái nhất chết khô của biểu tượng thế mà chúng ta bị sống trong thế giới biến dịch đa dạng phải làm thế nào để vừa trinh với nhất vừa bao gồm tất cả đa dạng. Đấy là bài toán oái oăm nên biết bao kẻ vì muốn trinh với nhất phải chối đời. Hầu hết các nền triết học là vậy. Bởi không biết Loa pháp tức là đi theo đường xoáy ốc. Theo đường xoáy ốc là trinh với nhất, còn tiến là thâu nhận đa. Mà vì đa nên không là một, mỗi thời khác nhau theo đợt tiến. Lấy thí dụ Minh triết mà nói, ở đợt bái vật thì Minh triết chỉ cần hồn nhiên trục phát như các hiền triết xưa vậy là đủ. Nhưng sau giai đoạn ý hệ thì lý trí đã phát triển mạnh, đã thọc sâu mũi giùi phân tích vào sự việc thì Minh triết tuy vẫn cần vẫn phải “trinh phù nhất” nhưng cái nhất ở giai đọan này khác, nó phải mang tính cách phê phán và minh giải. Chỉ với hai đức tính này nó mới trông bước vào giai đoạn mới kêu là tâm linh. Và vì là tâm linh nên chỉ có thứ Minh triết đó mới đủ uy tín hướng dẫn con người. Mọi nền đức lý cũng như tôn giáo có theo được mới trông tồn tại. Để giúp bước vào đợt này ta hãy phân tích một số yếu tố có thể dẫn vào tâm linh.
5. Nội dung chữ Triết
Chữ triết viết với ba bộ khẩu, cân, tài. Ta có thể dùng để chỉ ba yếu tố cần thiết cho một nền triết trung thực đó là ý, tình, chí. Đây là ba khía cạnh hay là ba cơ năng con người mà ta gặp thấy ở rất nhiều nơi như ba loại Yoga của Ấn: Jnana (ý) Bhakti (tình) Karma (chí); còn bên Viễn Đông là trí, nhân, dũng hoặc địa, nhân, thiên đều liên hệ với ba yếu tố kia. Tất cả nói lên những thành tố cấu tạo nên con người toàn diện kêu là triết gia, nghĩa là người vừa có ý thức về sự vật đa tạp cái nọ khác với cái kia, nhưng đồng thời phải có tính hòa hợp, mà chỗ hòa hợp cùng cực là chí. Nếu ta theo các nhà tâm phân mà vẽ ra một lược đồ
bao gồm những thành tố của tâm trạng thì ta có thể chia ba đợt cũng tương đương với ý, tình, chí như sau:
Ý: là ý thức gồm lý trí, và ý chí (volonté). Những gì còn trong quyền lực của lòng muốn cá nhân như sự chú ý đều nằm trong vùng này. Ta có thể gọi là vòng ngoài.
Tình: gồm những lớp trên của vô thức nhưng nằm giáp giới ý thức gọi là tiền tiềm thức gồm những yếu tố nằm trên ngưỡng cửa (subliminal) của ý thức như phóng tượng (phantaisie) óc tưởng tượng (imagination), chiêm bao cá nhân, chiêm bao dân tộc.
Chí: viết với bộ tâm thì không còn là ý chí như chữ volonté của triết Tây, nhưng phải nói là tâm chí, tức ăn sâu vào vùng vô thức mà nội dung xuất hiện của nó là những sơ nguyên tượng archétypes. Nó vừa có tính chất uyên nguyên nguồn gốc (originel), vừa xuất hiện ngay từ buổi ban sơ. Sơ ở đây không có nghĩa là khởi đầu rồi thôi nhưng là thủy chung vĩnh cửu, đời nào cũng có nên xuất hiện ngay từ đầu mà cũng sẽ còn mãi mãi, bất cứ thời nào và ở đâu. Việt nho quen gọi đó là toàn thể, là Thiên là Minh triết, là cõi tiên… tức toàn thể những linh tượng của tiềm thức cộng thông nhân loại (ensemble des images
primordiales). Nhưng chính vì tính chất cộng thông thâm sâu phổ biến đó nên không thể xuất hiện trong những hình thái rõ ràng cố định mà trong thần thoại, hay những tiên ông tiên bà, thường hay hiện ra cứu nhân độ thế hoặc như những con số 3, 4, 5, 9… những yếu tố vũ trụ như nước, lửa… Tóm lại là những gì ngoài vòng kiểm soát của lý trí và ta có thể gọi là vòng trong cho nên triết học duy lý không hay biết, và vì thế tất cả việc học hành nghiên cứu đổ trọn vẹn vào đợt khẩu: là ngôn từ, danh lý, ý hệ, không thèm kể đến đợt cân là tình cảm mà biểu thị là nghệ thuật, với các tác viên là mơ, mộng, phóng tượng, tưởng    tượng … tất cả là những nhịp cầu dẫn sang mố chí. Với Chí thì người học không cần tự gò ép mình trong những tri thức lý luận suông, cũng không mơ mộng tình cảm mung lung nhưng kết hợp cả hai cho khẩu là trí thức trở nên kẻ sĩ và tình lãng mạn trở nên tình thâm hướng dẫn sự biết đến chỗ đốc hành làm nên một triết lý “ngôn cố hành hành cố ngôn, chữ hán” T.D 13. Coi hành là quan trọng tối hậu. Chính tác động là phương tiện hay nhất giúp con người đạt được nhân tính, nó còn bên trên cả sơ nguyên tượng, ý tượng. Vì thế mà đưa ra bậc thang giá trị là:
Thứ nhất lập đức (chí)
Kỳ thứ lập công (tình)
Kỳ thứ lập ngôn (ý)
Các nhà giáo dục hiện nay dành rất nhiều giờ cho văn chương, mà không lo đến truyện “bất thành nhân” là đi theo lối thờ lời nói vậy. Trở lên là tạm phác họa qua ba yếu tố làm như ba nấc thang hướng dẫn cuộc tiến hóa xoáy ốc mà một nền triết lý muốn trung thực cần bàn đến từng điểm trong các chương sau.
VI. Ý
(H.l. quẻ khôn với con đường sáng tạo)
1. Phân loại ý tưởng
Con người gọi là đại nhân hay tiểu nhân không vì sức vóc của thân xác nhưng vì ý tưởng. Ý tưởng quảng đại con người cũng quảng đại, ý tưởng sống động con người cũng sống động. Vì thế ý tưởng phong phú bao la là “những ý tưởng có khả năng hướng dẫn thế giới”. Xem vậy đủ biết ý tưởng vừa là phần cốt cán của con người, hơn nữa còn chỉ huy nhân loại, nên sự vun tưới ý tưởng trở thành cần thiết. Thế tại sao các ý hệ chuyên  vun tưới ý tưởng lại vấp ngã ở đợt này. 
Thưa là vì đã không biết phân biệt mà cứ lấy đại bất kỳ ý nào. Vì thế việc tối hệ trọng là phải biết phân loại ý tưởng. Nhìn vào tư tưởng nhân loại ta có thể phân ra ba loại là luận lý, du tưởng, sáng tạo.
Ý tưởng luận lý vận hành theo lối quy nạp (déductive) căn cứ trên những dữ kiện đã biết để đạt đến những mối liên hệ chưa biết. Nó là kết quả thâu lượm của giác quan tai mắt, nên rất nhỏ bé, bì phu và nằm trọn vẹn dưới quyển của ý thức nghĩa là lý trí và ý muốn. Mục tiêu chính của nó là thích nghi với những thực thể khách quan để chiếm đoạt cho được, vì thế nó rất cần thiết cho khoa học cho đời sống ăn làm, nó giúp cho việc bảo toàn đời sống sinh lý tư riêng, gọi vắn tắt là bảo sinh. Địa vực của nó thuộc ý thức cá nhân nằm trong quyển điều khiển của ý muốn và nếu nói theo Kinh Dịch thì nó thuộc trứ hình, đôi khi cũng gọi là địa đạo có tính các riêng lẻ, rõ rệt, vòng ngoài, vì nó là ý tưởng biểu tượng quá ít nội dung.
Ý loại hai thuộc những cái vươn lên để tìm tự do bay bổng có lẫn những cảm tình dấn thân, dâng hiến đầy quảng đại được phát lộ qua những mối tình yêu thương nhân loại, cảm xúc thiên nhiên, rất quen thuộc với các thi sĩ, tôi gọi là du tưởng, phóng tượng (phantaisie) tức những hình ảnh rất thong dong ít chịu điều kiện nào của địa đạo, của sự vật hữu hình. Có thể nói chung là vỏ ngoài của tiềm thức cộng thông, vì không tìm ra được nơi nhập thể, chưa lọt vào được địa vực của hiện thực, nên còn như những đám mây lững lờ bay trên chân trời “trôi thây về xa tận cõi vô biên”. Chính loại ý tưởng vô biên này giúp con người bay bổng, vươn lên nhưng nếu theo quá thì mất chân đứng trên mặt đất, không đi đúng được câu: “tham thiên lưỡng địa” theo đó nên để cho thiên ba còn dành cho địa hai. Lưỡng địa là hai chân đứng liền trên mặt đất. Như vậy ý 2 chỉ địa, thiên 3 chỉ tình. Nếu tình không linh phối được với ý thì thiếu thiết thực, để rồi thiếu hiện thực, nên ví được với người cụt mất hai chân vậy. Vì thế cần đến ý tưởng loại ba để giàn hòa hai loại trên vì chúng là hai đối cực của cùng
một thực thể, và thực thể đó chỉ sống động là khi nào nó đạt được thế bình quân động đích giữa hai miền vừa phổ biến bao la mà cũng đồng thời xác định cụ thể. Có vậy mới đạt ý tưởng sáng tạo. Gọi là sáng tạo khi đặt nền trên vô biên (thiên) đồng thời chiếu tỏa xuống miền đa tạp (địa) hầu tiêm sinh lực để làm thành phong phú. Nhưng đấy là việc khó vì phải đạt quân bình động đích. Nếu là quân bình cố định như loại ý tưởng trong triết học duy niệm thì dễ, nhưng lại cứng khô thiếu sinh khí; còn khi quá lu mờ phiêu bạt thì được “tiêu dao du” nhưng chỉ là ý thơ không thể hiện thực vào đời sống. Xưa nay chưa mấy nền triết
lý lọt nổi vào tư tưởng lọai ba là vì vậy.
2. Bất tập
Sở dĩ như thế là có một số luật rất quan trọng nhưng ít khi cả triết học gia lẫn thi sĩ nhìn ra, nên ở đây chúng ta sẽ bàn tới, nó nằm ẩn trong quẻ khôn như quặng kim cần phải chắt lọc dưới ánh sáng của toàn thể. Câu sách quan trọng nhất trong quẻ khôn là “tiên mê hậu đắc, chữ hán” trước phải mê rồi sau mới đắc, hoặc là “đi trước thì mê đi sau mới đắc đạo”. Câu nói nghe kỳ cục nên một là người ta đọc trượt qua, hai nữa là hiểu sai không đưa tới đâu. Chữ mê ở đây phải hiểu là không theo ý riêng mà làm, cần phải “bất tập” (without purpose).
Tập là tập tục, là những thành kiến, những điều truyền tụng… hễ theo nó riết thì làm cho người ta xa nhau. “Tập tương viễn”. Vậy cần phải lìa bỏ, việc đó kêu là xả. Chúng ta biết rằng theo Kinh Dịch thì có hai vòng biến hóa thẩm thấu vào nhau đó là sinh diệt và sinh sinh mà ta có thể ví với ý và chí. Ý thuộc vòng sinh diệt, ý thức, còn chí thuộc vòng sinh vô thức. Vì thế tự ý bước sang chí là cả một thế giới xa lạ ngược chiều như một sáng một tối, một ra một vô, một tiến một thoái. Tất cả quan trọng nằm trong việc điều lý được cả hai dòng ngược chiều đó. Vì có vậy mới đạt được cái toàn thể. Nếu không thì chỉ có được một
bên quen gọi là duy, mà đã duy là chết, vì sống chỉ có trong toàn thể. Con người chỉ sống bao lâu dầu còn gắn liền với thân thể: khi đầu lìa hoặc khi một số cơ năng nào tê liệt là hại cho toàn thân. Triết lý muốn cho sống thì cũng phải làm thế nào để đạt được cái toàn thể.
Vì vậy sau quẻ Kiền là làm, là khởi sáng, thì đến quẻ Khôn là không làm, không khởi sáng, nên quẻ Khôn không có tiến trình riêng do đó gọi là “tiên mê”. Người thường không biết đến luật tiên mê nên cứ theo đà sẵn mà đi hoài, nhưng đi hoài đi hủy rồi cùng đường cũng rơi vào duy. Muốn thoát cần đi ngược lại: ai cũng thích tiến thì mình phải biết lùi, ai cũng thích ánh sáng thì mình phải biết ưa tối, gọi là tiên mê. Vì tiên có mê thì hậu mới đắc, tức mới đón nhận được đối cực bên kia là âm. Vậy mà đạo của Khôn là đón nhận. Cho được thế cần phải biết tuân theo, “đạo khôn là thuận theo”. Càng tuân theo được với nhiều sự thì
càng thâu nhận được nhiều như antenne càng nhạy cảm với nhiều tần số thì càng bắt được nhiều đài ở xa. “Khôn thuận dã, chữ hán” là thế (thuyết quái 9, VI).
Vậy nếu ở lỳ lại cõi dương thì mới đạt tầm ý thức. Cần phải mở sang phía tiềm thức. Mở sang là đi ngược chiều và đó là bước quan trọng nhất trong dịch lý, nên nói là “dịch nghịch số chi lý, chữ hán”. Đó là nền móng cho những câu “ai muốn giữ sự sống mình thì sẽ mất sự sống”. Mới nghe qua tưởng như sai hay ít ra chỉ là câu nói đảo lý để kéo chú ý. Kỳ thực đó là một chân lý siêu đẳng của luật “dịch nghịch số chi lý”. Theo luật này muốn đạt minh triết thì trước hết phải “mê”. Mê là tác động xả tức không bám víu vào những điều đã học qua nghe biết, vì chúng thuộc hàng ngang ý thức của con người tiểu ngã, tất cả những sự việc ăn làm, giao tiếp, những kiến thức về khoa học, văn học v.v… đều căn cứ trên những dữ kiện này, và khi người ta chú ý trọn vẹn vào đấy thì gọi là con người của lương tri, có thể tốt: trở nên “thiện nhơn” nhưng không vươn lên đợt minh triết đặng trở thành “hiền nhân quân tử”. Muốn lên thì bước đầu tiên là phải “bất tập” tức không nên câu chấp vào những gì đã có ở vòng thành, mới trông nhập vòng sinh. Đường tiến của con người gồm một xuất một nhập, được tiêu biểu bằng các con số từ 1 đến 9.
Xuất từ số 1 tới số 9.
Nhập từ số 9 tới số 1 (đấy là 18 đời Hùng Vương). Tất cả khó khăn của đợt nhập nằm trên con số 6. Xuất từ 1 ra 9 là truyện thường, còn trở về nguồn là từ số 9 qua số 6 để vào 5 thì rất khỏ vì nếu đến đấy mà cứ theo chiều cũ (9-6) thì không sao nhập vào được vòng trong để đạt số 5 mà huyền sử kêu là gặp tiên trên ngũ lĩnh. Vì thế mà ca dao hát:
Con sông lục đẩu sáu khúc
Nước chảy một chiều anh ơi!
Câu này chỉ hiểu thấu được khi ta xem bảng hai vòng sinh thành (trong Chữ Thời bài Ngũ hành). Con số 6 là chặng chót trên đường trở về từ 9-6. tất cả chảy theo một chiều: chiều đất gọi là lục đẩu, chữ đẩu vừa có nghĩa là sao bắc đẩu ở phía bắc, mà cũng có nghĩa là bé nhỏ hạn hẹp, nếu không biết vượt qua để vào vòng bao la chỉ bằng số 5 thì không biến hóa, nhưng số 5 thuộc vòng số ngược chiều, chiều tay trái cũng gọi là thiên. Vì thế mà phải mê hay rời ra khỏi vòng thành mới bước được vào vòng sinh. Xả khác với phê bình; phê bình cũng còn là bám víu ít ra để phá vỡ, nhưng đàng nào cũng còn là bám lấy nên không
vươn lên được do luật “mạnh chống mạnh chấp”. Xả là buông hẳn không quyết không chối, không bù đầu óc vì những lý với lẽ, nhưng lùi ra xa cho tâm hồn thanh thóat để sẵn sàng chờ giây phút “thiên hựu” tức là một lúc nào đó đột nhiên nảy lên một tia sáng, một cảm tình hay ý nghĩ như từ cõi xa xôi gởi đến thì chú ý trọn vẹn vào đó, đón nhận lấy và nuôi dưỡng ấp ủ cho tâm hồn mở thêm ra. Đấy là hai đức tính tích cực của quẻ Khôn: nhận lấy và nuôi dưỡng, sau bước “bất tập”. Nó không dẫn đầu, hễ dẫn đầu là lầm, là lạc đạo: “tiên mê thất đạo, chữ hán”. Đạo của Khôn là “hậu thuận đắc Thường, chữ hán” = đi sau, thuận theo thì sẽ đắc đạo Thường. Vì thế nó chỉ cần mở rộng “bác hậu” để đón nhận và nuôi dưỡng vạn vật, hiểu là những cảm tình hay ý tưởng bột phát, để đưa đến độ sáng láng “hàm vạn vật nhi hóa quang, chữ hán” và lúc ấy gọi là hòa hợp với đức vô biên cương “đức hợp vô cương, chữ hán” tức hợp với cái nguồn sinh lực nơi mình, hòa hợp với “vô cương” hiểu là tiết điệu uyên nguyên của vạn vật không thể có bờ cõi nào cả. Đấy là ý câu:
Khôn đạo kỳ thuận hồ,
Thừa thiên nhi thời hành.
(Chữ hán)
Đạo Khôn là thuận theo không dẫn đầu, không làm trọn vẹn những cái ý nhỏ bé thuộc vòng thành, nhưng phải bỏ đi để đón chờ thiên mệnh thuộc vòng sinh tức mệnh lệnh của toàn thể và khi nhận được thì hàm dưỡng để đức sinh tẩm nhuận vòng thành.
3. Hàm Dường
Sách nói “địa đạo vô thành, chữ hán”. Địa đạo ở đây hiểu là đã hiện ra hình tích cụ thể làm nên đối tượng cho tai mắt. Tất cả đều hạn cục vì đã hình thành nên có suy hủy, vậy đừng nằm trọn ở đây, như kiểu triết học lý niệm đã làm thành ý hệ, vì sẽ đâm ra cố chấp hẹp hòi tù túng trong những lâu đài chết cứng do ý hệ xây lên. Ngược lại cần phải xả bỏ cho lòng thanh thoát nhẹ nhàng không bám víu vào bất cứ ý kiến nào hay niềm tin này nọ đã nhận được từ ngoài, nhưng luôn luôn giữ một thái độ thung dung không để cái chi điều khiển đặng cho lòng quang đãng chờ phút đón nhận những đợt thần hứng của vòng sinh sinh, đầy chất sống, chất linh hứng. Thế gọi là “thừa thiên nhi thời hành”. Luôn luôn tuân theo trời mà cử động hành xử. Được như vậy thì kêu là hồn nhiên là tự nhiên tức là phát xuất tự tiềm thức cộng thông chứ không do tư ý tư dục nào điều động. Lúc đó mỗi tác động là mỗi tự nguồn sống phát khởi như một sáng tạo. Quẻ Khôn nói: “Quân tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại, chữ hán”. Thái độ quân tử phải nhìn rộng (bất tập) cung kính tiếp nhận những nguồn sáng soi đột nhiên xuất hiện trong lòng để giúp mình đi sâu vào miền tâm linh. Rồi theo đó mà thi hành ra ngoài thì gọi là nghĩa, có làm việc nghĩa thì ngoài mới hợp với trong, địa mới hợp với thiên, mới có thể vâng ý cha dưới đất (nghĩa ngoại) bằng ở trên trời (trực nội). Khi giữ được cả hai đầu trong ngoài: cả kính lẫn nghĩa thì lúc ấy cái đức của mình không còn là cô lập, nhưng hòa nhịp với “vô cương” tức với tiết điệu sơ nguyên của vũ trụ. Lời kinh nói rằng “Kính nghĩa lập, nhi đức bất cố, chữ hán” là thế. Nhờ thái độ kính tôn sẵn sàng thì đức không bị cô lập riêng lẻ: không địa ra địa thiên ra thiên, nhưng thiên địa giao thoa. Đó gọi là trung. Dịch nói tiếp:
“Quân tử hoàng trung thông lý.
Chính vị cư thể
Mỹ tại kỳ trung
Nhi sướng tứ chi.” (quẻ Khôn)
(Chữ hán)
“Người quân tử nắm vững được đức trung thì sẽ thông đạt được lý của trời đất. Lấy đó làm “nơi ở” (tức chú ý đến điều do thiên hựu khải thị chứ không bám víu ý hệ). Rồi bao nhiêusự tùy phụ khác sẽ vì đó mà được thấm nhuần ơn ích. Quẻ nói bóng là “cái đẹp ở tại chỗ trung mà tỏa chiếu ra tứ chi.”
4. Nhận xét về triết học lý niệm
Nói chung thì triết học lý niệm không hay biết chi đến vòng trong thuộc tiềm thức nên không lo xây cầu thông cảm với bờ bên kia tức là tôi luyện ý khí. Huyền sử kêu đó là ngăn lấp sông Tương, còn lại có sông Lục đẩu nước chảy một chiều như sông Lethé. Hậu quả là đã không hay biết gì đến bước “bất tập” mà lại đặt nền trên tập, trên ý tượng, bàn tùm lum sinh ra muôn vàn ý hệ. Xưa nay hễ đã bàn đến điều không biết thấu thì bao giờ cũng bàn rất nhiều và cũng vì thế có biết bao ý kiến, ý hệ, biến triết học thành mê hồn trận không tìm sao
được lối ra. Đọc triết học lý niệm dễ cảm thấy mệnh hệ của nó đã được tiên đoán trong câu truyện chàng Edipe khi biết mình đã kết hôn với mẹ thì liền tự móc mắt và trở nên mù lòa.
Mẹ biểu thị đất “tại địa thành hình, chữ hán” lấy mẹ là lấy ý niệm biểu tượng làm nền tảng: đặt bốn địa trên một trời (4-1) tức đặt lý trí trên tâm linh, nên quả là tự móc mắt, tức làm mất khả năng “nhìn” ra cõi tâm linh tiềm thức nên không thể nghiệm được sự thực của đời sống. Spengler đã dám gọi tất cả các triết học gia là đui mù (tous nos philisophes sont aveugles. Déclin). Lý do sâu xa là bởi đã đặt lý trí lên làm đầu. Sở dĩ như vậy vì một phần do sự ỷ lại vào tôn giáo, cho là đã có tôn giáo chuyên lo về thế giới bên kia, thiết lập ra mố cầu cho chữ Tương rồi. Nhưng điều đó chỉ có ơn ích bao lâu niềm tin tôn giáo còn vững.
Nhưng lúc tâm hồn nào khởi sự coi các tôn giáo như thần thoại thì tôn giáo mất dần hiệu nghiệm. Sự hiệu nghiệm nền móng chỉ có được trong mối liên hệ chân thực với tiềm thức tâm linh. Thiếu niềm tin thì những nghi lễ, những nhiệm tích sẽ dần dần chỉ còn mang có ý nghĩa biểu tượng mà không còn là linh tượng. Từ đấy bao nghiêu thiện chí cải tạo đổi mới cũng không tài nào thay thế cho niềm tin trọn vẹn lúc xưa. Nói thí dụ sự suy gẫm cũng chỉ là một lối tập trung tư tưởng rất ơn ích và rất cần thiết nhưng chỉ cần cho bước đầu, đó mới là bước định, còn thiếu ba bước sau là tĩnh, an, lự.
Tĩnh: ví với bất tập hay xả.
An: tương đương với cư kính chú tâm thành khẩn đến ý thành, đến những tiếng nói của
tiềm thức u linh.
Lự: đi với quyền biến trong đốc hành.
Nếu không đi qua những bước đó mà cứ diên trì lại ở định thì về đàng triết sẽ là ý hệ, về niềm tin sẽ dễ biến ra cuồng tín, cả hai đều thiếu sự tiến hóa, thiếu sự uyển chuyển thanh thoát trong suy tư cũng như trong lối hành xử.
5. Hán Nho
Nói chung Hán nho còn giữ được phần nào 4 bước định, tĩnh, an, lự, là nhờ vào một phần cốt tủy của Kinh điển. Tuy nhiên còn lâu mới đạt độ lý tưởng là vì hầu hết bị cái học trường ốc chi phối nó bắt phải chuyên lo trích cú tầm chương, không được rảnh rang tâm trí để nhìn ra cái căn bổn của Kinh sách. Như vậy là chỉ vun tưới có một lối suy tư bằng trí nhớ còn mấy lối sau như hồi niệm (do đó có phê bình) và phát minh rồi sáng tạo đều không tài bồi. Trí nhớ rất cần để cung cấp cho ta một số công thức, một số giải đáp có điều kiện đặng giúp tâm hồn bớt phải suy nghĩ về hết mọi sự mọi việc, hầu cho tâm trí rảnh rang có thể
phát kiến ra những mối liên hệ mới, sáng tạo ra những dạng thức hợp thời. Như vậy luyện tập trí nhớ là cần thiết, người thời mới không nhận ra điều đó muốn bỏ tuột trí nhớ trong việc giáo dục là lầm. Sự lạc đường của Hán nho không ở tại nhấn mạnh trí nhớ, nhưng ở tại nhấn mạnh quá đáng. Lẽ ra nên vun tưới trí nhớ ở tuổi thơ, rồi đến tuổi thiếu niên thì vun tưới óc suy luận, sau đó đến tài bồi óc sáng tạo; đàng này cứ diên trì mãi ở trí nhớ nên bày ra quang cảnh ứ đọng, đọc chữ thánh hiền cách máy móc và câu nệ, là tại bê trể việc phát huy tất cả mọi năng khiếu con người ở những lớp tuổi khác nhau. Ngoài ra bay lượn
lan man trong du tưởng, không hiện thực được chữ cư Kính để đặt nền móng tâm linh vững chắc, thành ra trong lối sống có được ít nhiều mà trong lối suy tư thì lại thiếu phong phú. Bởi thế đã không làm xuất hiện lên được một cơ sở tâm linh đủ sức chống chọi với các tư trào ngoại lai khiến cho cả một nền văn hóa uy linh chịu sụp đổ trước những ý hệ không mấy giá trị.
6. Sứ mạng con rồng cháu tiên
Chính là tăng trưởng mối liên hệ uyên nguyên giữa hai bờ ý thức và tiềm thức, giữa mẹ và cha, làng và nước v.v… tức là tài bồi lưỡng nhất tính cần thiết cho mọi nền văn hóa. Văn hóa nào giữ được thì là có Minh triết, và văn hóa Việt Nam xa xưa đã đạt và còn giữ được phần nào ở các đời sau. Chính nhờ thế mà nước nhà được duy trì cho đến tận nay. Nhưng vì bị thực dân tròng lên đầu cổ cái văn minh duy lý nên kể như tự móc mất huệ nhãn không còn khả năng nhận ra cõi tâm linh, cho nên nước mỗi ngày phân tán chia ly vì hết thấh đường tiến bước. Đấy chính là lúc phải mở lại sách thần chép rằng: “nhân dân nước Nam
khổ về sừ phiền nhiễu không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân nên mới cùng nhau kêu lên rằng: Bố ở phương nào nên mau về cứu nhân dân.” Gọi bố ở đây là nại đến tâm linh. Không thể tiếp tục đường cũ nữa: vì mọi điều kiện sinh hoạt đang biến đổi mau lẹ và sâu xa: mọi quy luật của các nền đức lý, cũng như tín điều của các tôn giáo, những triết thuyết, những ý hệ… tất cả như đang mai một, vì nền móng cũ không còn hợp thời nên có đưa vào đó bao thiện chí cũng không cứu nổi, cần phải đổi mới, phải gọi bố tâm linh trở lại. Đấy là sứ điệp mà hồn tiên tổ trối lại. Nếu người Việt biết lắng nghe  tiếng gọi của thâm tâm thì phải cùng nhau hợp sức gọi bố về. Phải thiết lập tức thời một kế hoạch kiến quốc theo nền đạo lý tâm linh, mà bước quan trọng tiên khởi là chương trình giáo dục.
7. Phương pháp gọi bố
Gọi bố là tìm ra những lời giải đáp mới mẻ cho những vấn đề đang bế tắc. Nếu làm theo quẻ Khôn thì đại lược như sau: trước hết hãy đem hết tâm hồn vào vấn đề để tìm tòi học hỏi và mường tượng ra cùng đích cũng như lối thoát của nó cách rất rõ rệt như thể xem thấy (gọi là quan). Vì thế có kèm theo hình ảnh càng rõ rệt càng tốt, nếu lại phác họa ra hình ảnh bằng du tưởng càng tốt nữa. Để cho hợp thời đại nên tìm cách công thức hóa ý tưởng cho càng trở nên xác định chi tiết. Đó gọi là định là bước thứ nhất. Tĩnh: là bước thứ hai ở tại xả bỏ hẳn vấn đề đó đi y như thể là để gieo ra (giá) cho ý tưởng trên vượt khỏi tiểu ngã của vòng thành đặng vươn ra ngoài quyền lực của ý thức cũng như ý chí cá nhân, đặng phó dâng trọn vẹn cho vòng trong để chờ đợi phút trời giúp “thiên hựu”.
Đó là thực thi câu nói “tận nhân lực nhi quy thiên số”. Tận nhân lực là ở bậc ý thức mình phải suy tư tìm tòi hết cỡ, nhưng rồi không tin vào đấy nữa, không bám víu vì sợ nó còn mang quá nhiều chất của vòng tiểu diễn sinh diệt, vì thế mà phải buông ra. Chính sự buông lửng này (gọi là xả, là bất tập) mới là tác động gieo ra (giá) rất quan trọng trong Việt nho, khiến cho những tư tưởng, ý nghĩ, dự phóng như được thoát khỏi bàn tay ý thức của cá nhân để theo luật tuần hoàn tiến theo vòng xoáy ốc đặng quyện theo những tư tưởng “đồng thanh đồng khí” có khả năng làm cho nó lớn hơn, chính đính hơn và nhất là trở nên hiệu
nghiệm vượt xa lúc trước, vì đã nhịp với vòng trong “sinh sinh” của vũ trụ mạnh mẽ hơn vô vàn. Vì thế lúc cái ý ban sơ trở lại với ta ít khi ta nhận diện ra được chúng là của ta. Vì nhiều khi nó xuất hiện như một thần hứng, hay như một cái nhìn trực thị, nên quẻ Khôn kêu là “Đắc Thường” nghĩa là đạt được Đạo Thường. Từ lúc đó sứ điệp của thế giới “bên kia” trở nên rõ rệt chói chang, đến nỗi người nhận như luôn luôn đối thoại với mọi vật, mọi cảnh, mọi biến cố, tất cả đều mang một bộ dang sâu xa hơn, mới mẻ hơn, lạ lùng hơn. Quả là “một trời mới đất mới” hay nói chính xác: không phải là sự vật mới nhưng cái nhìn đã đổi mới, đã trở thành sắc bén để nhận ra rất nhiều mối liên hệ mà trước kia mình không ngờ đến. Đó là đợt cao ít khi đạt. Còn thường thì chỉ xuất hiện qua những câu nói hoặc sách vở gặp “vô tình” hoặc nữa là lối du tưởng. Tất cả bấy nhiêu là những tiếng nói yếu ớt bé nhỏ của thế giới tâm linh mà đây là bước ba gọi là an nằm trong An vi nó là cốt tủy của Việt nho. Đạo nho là đạo nhu, mà Judo (Nhu đạo) là một thế võ đánh bằng thuận theo. Bí thuật ở tại mau lẹ lựa theo đường lực gặp phải để thi thố năng lực của mình tiếp vào đó đẩy cho đường lực đi đến chỗ quá đáng. Làm thế vừa có thể lướt qua khối sức mạnh rất lớn, đồng thời gây thế mất quân bình cho đối phương để mình nắm được phần thắng. Judo chỉ là sự
áp dụng vào bình diện võ trường nguyên lý chính của Việt nho là “thuận tính mệnh chi lý” nghĩa là “thuận theo (nhu thuận) đường hướng của tính mệnh”. Mệnh là tiếng nói, là năng lực của Tính, nhiếu khi như gắt gỏng khó chịu thì ta gọi là định mệnh, còn khi hợp ý thì gọi là tính mệnh, nhưng đàng nào thì cũng không xa nhưng từ trong thâm  tâm phát xuất, và sở dĩ làm cho ta khổ là vì ta đã đi trật tiết điệu uyên nguyên, nay bắt ta trở lại theo con đường của vũ trụ thì tất nhiên có sự li cách thói cũ gây ra đau thương. Vì thế muốn theo được lối
“tính mệnh” cần phải thanh thoát, cần phải “an tư” phải tỉnh thức nghe được tiếng nói của tiềm thức u linh để mỗi ngày mỗi theo sát gần vào quỹ đạo sinh sinh (nguyên, hanh, lợi, trinh) của vòng đại diễn đầy chất sáng tạo. Được như vậy là thoát khỏi ý hệ thuộc vòng sinh diệt (thành, thịnh, suy, hủy) để nhởn nhơ trong vũ trụ bao la man mác của nguyên lý mẹ an vi bất tức.

VII. TÌNH THÂM
1. Sự vô hiệu của ý
Có một điểm đã được nhiều người nhận xét đó là triết học lý niệm rất phong phú về ý niệm, về tư tưởng nhưng lại hầu như không gây được ảnh hưởng nào vào cuộc sống. Thí dụ ý niệm bản tính con người là bình đẳng đã có ngay từ bên Hy Lạp với danh từ Isonomia (528 Need II) và đã được truyền tụng qua Châu Âu suốt thời Trung cổ đuợc lặp đi lặp lại đến độ thành sáo ngữ mà không hề được thực thi, nên vẫn nằm chình ình bên cạnh chế độ nô lệ, chế độ tư sản tuyệt đối và óc kỳ thị… tức là bấy nhiêu cái ngãng đường không cho hiện thực sự bình đẳng chân thực. Một mặt triết học cứ nói bình đẳng, mặt khác cũng chính triết học cứ chứng minh để bảo vệ chế độ nô lệ, tư sản… ngay ở cấp tối thượng của nguyên lý cũng như các nền đức lý. Trong quyển “Tâm phân học với tôn giáo” (sẽ trưng theo bản dịch của Trí Hải) ông Erich Fromm đã chứng minh điều đó bằng ghi lại một cuộc kiểm kê mới đây như sau.
Họ gởi tới những người da trắng ở Bắc và Nam Mỹ hai câu hỏi sau:
Mọi người sinh ra có bình đẳng không? Người da đen có bình đẳng với người da trắng chăng. Ngay ở miền Nam nước Mỹ nơi có óc kỳ thị rất mạnh cũng thâu được đến 61 phần trăm trả lời có cho câu nhất, nhưng chỉ được 4 phần trăm cho câu hai: còn ở miền Bắc được tiếng là dân chủ hơn thì có tới 79 phần trăm trả lời có cho câu 1 và 21 phần trăm cho câu 2. Ta dễ thấy 61 trả lời có mà chỉ được 4% là ưng hiện thực, thì ra 57% là nhớ thuộc lòng câu sách đã học ở trường, nhưng nó không liên can chi tới điều người ấy cảm thức, và vì thế không gây ảnh hưởng chi trên hành động họ cả. Erich Fromm nhận xét: “ngày chủ nhật trẻ
con học rằng sự lương thiện, thành thật và sự quan tâm đến phần hồn phải là những nguyên tắc dẫn đạo sinh hoạt… Trong khi chính cuộc đời dậy ta rằng tuân theo những nguyên tắc ấy chỉ làm cho chúng ta trở thành nhiều nhất là những người mơ mộng không thực tế (tr.12). Đấy là một sự xung đột giữa ngôn và hành. Khi tình trạng “ngôn bất cố hành” này kéo dài quá lâu thì gây nên tâm trạng gần giống chứng thống kinh phân liệt (schizophrenia) trong đó mối liên lạc với thực tái đã mất và tư tưởng người mắc bệnh bị tách rời khỏi cảm giác. Erich Fromm ghi nhận thêm “thật là thú vịkhi nhớ lại một tấm hình chụp tình cờ trong báo Life trình bày một đoàn người đang đợi đèn xanh ở một góc đường
phố. Điều làm người ta kinh ngạc là những người trong hình đều có vẻ kinh hoàng nhớn nhác đã không chứng kiến một tai nạn gì khốc liệt cả mà chỉ là những người dân thường đang đi công việc họ” (tr.11). Đó mới là một thí dụ nhỏ nói lên cả một cuộc khủng hoảng lớn lao trầm trọng hiện đang làm phân hóa nhân loại, gây nên do sự thiếu tình người. Vì thế mà chúng ta phải kiểm điểm lại một lượt để hỏng đâu chữa đấy.
2. Vị trí của tình
Sở dĩ tình bị triết học lý niệm gảy bỏ là tại nó gây nên những thiên lệch, nó làm hại óc khách quan, mà đã thiếu điều đó thì làm sao có được khoa học. Chính vì vậy mà triết học không dám chấp nhận tình… Hãy nhận xét rằng suy luận như vậy là tại đã lẫn tình cảm với tâm tình, tình cảm vâng theo những xúc cảm xác thân gây nên do những dữ kiện khách quan thâu lượm (sense-percept) là những dữ kiện thuộc đợt tiền thức (préconscient) có thể làm nên những ý nghĩ bé nhỏ của cái tôi ý thức nên dễ đưa đến những sai lầm; còn tâm tình hiểu là đã vươn lên trên những bé nhỏ đó để hòa nhịp với tiết điệu phổ biến  cao cả vì thế phải gọi là hậu ý thức (postconscient). Nhiều triết gia hiện đại như Heidegger càng về cuối đời càng đi vào thi ca càng đề cao cảm thức hay sự hợp tình (stimmung) thì rõ rệt đó là thứ tình hậu ý thức. Vì thế chúng ta cần tìm hiểu hơn vị trí  của thứ tình này mà ta cũng gọi là tâm tình hay tình thâm.
Quan sát đời sống con người theo luật “nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng to” ta có thể phân ra ba đợt.
Đợt ngoại hàm cực nhỏ chỉ gồm có cá nhân
Đợt nhì ngoại hàm lớn như gia đình, quốc gia
Đợt ba ngoại hàm lớn hơn nữa như quốc tế vũ trụ.
Cá nhân là ngoại hàm nhỏ nhất đi với lý trí có thể hợp với cái mà người xưa kêu là hồn lý trí (âme intelligbile). Vì lý trí phân tích sự vật ra nhiều phần nên nội hàm rất lớn và vì vậy chỉ hợp cho từng cá nhân không thể vươn ra bao cả loài người. Đợt nhì rộng hơn đi với tình. Nói khác nó là hồn cảm xúc (âme sensitive) gồm cả cảm giác lẫn cảm tình. Nó khác với lý trí ở chỗ âm u thiếu góc cạnh do sự chưa phân tích. Vì thế nội hàm của nó nhỏ hơn về các nét dị biệt nên ngoại hàm của nó bao quanh rộng hơn gồm cả loài vật vì dựa trên tình, cảm tình. Đợt ba là hồn thảo mộc (âme végétative) thì còn tổng quát hơn nữa, bao được cả yếu
tố sống vô thức. Vì nội hàm đơn giản như thế nên ngoại hàm bao quát cả loài vật lẫn cỏ cây, tức là bước đầu đi vào chỗ hòa đồng với thiên nhiên với nguồn gốc sinh sinh man mác đã có lâu đời trước lúc loài người xuất hiện, cũng như cùng khắp nơi trên núi cao hút cũng như dưới lòng biển sâu. Xem ba đợot trên ta có thể ví như ba nấc thang con người có thể nương theo để mỗi ngày mỗi tiến mạnh vào sự đơn giản của nội hàm để ngoại hàm mở rộng ra mãi.
Ba đợt tiến đó phần nào tương đương với ba cơ năng ý, tình, chí đã bàn ở trên. 
Ý: hoàn toàn nằm trong phạm vi ý thức của con người vì thế quá hạn hẹp: rất ít người có thể suy tư và những người đó cũng rất ít khi suy tư thực sự.
Tình: ngược lại không ai là không có tình, khi hiện lộ, khi u ẩn lan man cả ngày lẫn đêm, triền miên khắp thân mình, vì thế ta cho là tình nằm kề với tiềm thức.
Chí: là khí lực của Tính mà Tính là mệnh lệnh của trời đã có từ bao xưa và sẽ còn mãi mãi nên mênh mông vĩnh cửu. Bởi thế Chí cũng biểu lộ bằng sự bền gan vững chí, trải qua bao cuộc đổi thay biến cải mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Khi nhận ra mối liên hệ trên thì cũng là nhận ra còn đường phải tiến khi muốn noi theo Loa pháp tức mặt trong càng đi vào tổng hợp thì mặt ngoài bao quát càng to. Theo luật tâm phân chỉ khi nào cái tiểu ngã ý thực vắng mặt hay yếu đi thì tiềm thức mới nhô lên, thí dụ tiềm thức chỉ xuất hiện trong lúc ngủ tức trong thời vắng mặt của ý thức. Nếu vậy ta có thể liệu cho ý thức nhường bước cho tiềm thức phần nào tùy ý và triết Nho đã làm việc đó bằng hai lối một là “bất tập” hai là dùng đủ các nghệ thuật nhất là thi ca nhạc để đôn hậu tình người. Và nếu căn cứ trên những lối tổ hợp xã hội hoặc trên cá nhân như Tây Âu hay trên công thể (gia đình) như Viễn Đông thì ta nhận thêm một bằng chứng về chỗ nhấn của mỗi bên. Tây Âu nhấn mạnh trên ý. Viễn Đông nhấn mạnh trên tình, Ấn Độ trên “chí” (xã hội tổ chức theo quan niệm tôn giáo). Và
như vậy là thấy rõ con đường phải tiến nếu muốn theo đúng Loa pháp. Lý tưởng của nó là đạt chí nhưng khởi đầu là ý. Bước trung gian bác cầu giữa hai mố phải là tình: Tình có thâm thì văn mới minh, tức là mới có cải hóa tâm hồn nhờ sự lặn sâu vào đến tầng năng lực do sự tiếp tay của các tầng dưới. Đó là lý sâu xa giải nghĩa tại sao tình cảm bao giờ cũng tác động trên ta, nó kéo ta lại gần hay đẩy ta lùi xa khỏi đối tượng. Hai hướng đó làm nền móng cho bao mối tình muôn mặt kể từ yêu ghét đến vui buồn, từ giận dữ đến an lạc…
Nhiều tới đâu thì cũng còn giống nhau ở chỗ tác động trên ta và hậu quả là làm ta gần lại hay lùi xa đối tượng. Điều đó không có trong ý. Ý để ta y nguyên trước sau trong vị trí cũ, tình không thế, một ki đã tác động là nó làm cho ta đổi thái độ sống, và nếu là chính đáng thì nó giúp ta bước lên đường của Loa pháp ở tại không còn chối bỏ bên nào, không hữu không vô nhưng vươn lên và các mâu thuẫn tự nhiên được hòa giải bằng bị vượt qua, vì tâm thức đã đi lên bình diện trên rồi, nên những mâu thuẫn ở đợt dưới trở thành bé nhỏ không cản trở sự đôi bên được thống nhất. Như thế sự hiện diện của tình ví được với trọng lực. Trọng lực là một đường lực vô biên xuất hiện trên những vật thể tư riêng hữu hạn. Vì
thế tình là lực hấp dẫn vạn vật làm cho tất cả quy tụ để làm ra vật và để nhiều vật quy tụ lại với nhau: thiếu nó thì mọi vật sẽ tan rã, sự sống cũng không còn. Trái lại có tình thì mới có đoàn tụ, càng có nhiều thì càng đoàn tụ chặt, vì nó là một lực nên là đầu mối mọi tác động, vì cho được tác động thì cần phải có năng lực. Bởi vậy những triết học duy lý vì thiếu tình không thể áp dụng được, nên không thể cải hóa con người cũng y như khoa học thiếu phần áp dụng thì không thể biến đổi thế giới. Muốn biến đổi thì khoa học phải có phần áp dụng. Triết cũng thế. Vậy mà để có thể áp dụng cần phải có lực, muốn có lực cần phải được thai nghén trong lò tình rồi phải có phương thế nuôi dưỡng vun tưới sao cho ngày càng trở nên lớn mạnh để vươn tới những vòng lớn; tự bản thân đến gia đình rồi tới quốc gia. Có tình thì thân mới tu, tình phải mở sang đến lân nhân thì gia đình mới tề. Tình phải bao quát được mọi người trong nước thì quốc gia mới trị. Tình phải vươn tới khắp nhân loại thì thiên hạ mới bình. Tu, tề, trị, bình đều là những tác động mạnh gây nên thống nhất: từ nhỏ tới to mỗi bước tiến đếu cần đến mối tình rộng mở như hệ thống đèn điện mở rộng thì phải mở thêm lò sinh điện, nếu không thì chỉ là lời rỗng ý suông. Kinh tế, chính trị chỉ còn là cái cần câu cơm mà thôi chứ không còn ý nghĩa kinh bang tế thế nữa. Chính bởi vậy
mà những nền triết lý muốn đi theo đường tiến hóa xoáy ốc cần chú ý đến hợp tình cũng như hợp ý, chú ý đến cảm thức nhiều hơn ý thức. Ý thức là việc của lý trí của suy tư còn cảm thức là việc của tình lý tương tham, của suy tư và cảm nghiệm. Muốn cho những chữ đó có được nội dung chân thực cần phải theo dõi sự un đúc tình qua nhiều phương diện: nuôi dưỡng, cơ sở, biểu tượng v.v…
3. Cơ sở sinh tình
Tình là tác động, tác động là do sức sống. Sống chỉ thể có trong toàn cơ thể, khi cơ thể bị chặt ra thì hết sống tức cũng là hết tình. Vậy muốn có một cơ sở sinh tình thì triết phải có tính cách cơ thể. Luật cơ thể là sự liên hệ thâm sâu giữa các phần tử: cái gai đâm vào chân làm đau ran cả mình, tâm thần cũng bị tác động, không có gì riêng lẻ. Chính sự thực đó chống lại sự phân chia con người thành hai phần đến độ li cách: xác thân một bên và linh hồn bên kia, để rồi có thể coi nhất bên trọng nhất bên khinh. Phải sao cho cảm tình không lìa ý tưởng, vậy nên không phân li chân khỏi thiện, khỏi mỹ. Lý tưởng phải là chân thiện mỹ hay nói về chủ thể là ý, tình, chí. Vậy ý, tình, chí là một cơ thể, không nên phân li (nên cả ba chữ đều có bộ tâm). Duy có điều nếu cần chú trọng thì nên đặc biệt chú trọng đến tình. Không phải để phân tích kiểu triết cổ điển, nhưng như cửa ngõ đi vào chí. Sở dĩ có như vậy vì ý chỉ “tác động” phần mớ, nó vẫn còn để ta như trước không khác = indifférent. Ngược lại chí quá cao không phải là khởi điểm cho bằng đích điểm. Vậy chỉ còn có tình là phổ biến ở cả khởi điểm lẫn tận cùng, ở cả người học thức lẫn thôn dân lao lực, ai cũng có tình, tình người. Vì thế khi đặt nặng chú ý đến tình là triết đã bước liền vào đợt áp dụng. Kế đó ta biết tình không là một yếu tố độc lập, nhưng là nằm trong một cơ cấu, hơn nữa một cơ thể: nên hễ cái gì xảy ra cho bất cứ phần nào đều âm vang vào toàn cơ
thể. Vì thế mà chúng ta phải đem hết tâm hồn vào việc tu luyện tâm tình. Gương người xưa như việc vun tưới tứ đoan của Mạnh Tử (trắc ẩn, tu ố, từ nhượng, thị phi) với những câu
rất cụ thể như người quân tử nên xa lánh bếp núc để traánh phải xem thấy sự giết chóc “quân tử viễn bảo trù, chữ hán” để giữ cho lòng khỏi mất sự nhạy cảm với những mối tình chân chính. Đó là điều rất hay nếu không thể thi hành với hết m ọi người (nhà bếp bó buộc giết giống vật) thì ít ra nơi những nhà thức giả, những người có thể tránh.
4. Cơ phận
Cũng chính vì thế mà lối suy tư bên ta chú ý đến bụng hơn đầu. Tây nói có bao nhiêu đầu có bấy nhiêu ý, còn ta thì nói trẻ người non dạ. Non dạ cũng là non nghĩ, vì nghĩ bên ta làm bằng tình nhiều hơn bằng ý. Câu nói “bụng cứ rốn” có thể hiểu sâu xa là suy tư phải lấy trung cung làm cứ. Khoa sinh lý ngày nay công nhận bụng là bầu tình, còn đầu là cơ sở ý niệm. Vì thế “bụng cứ rốn” là lối suy tư sâu xa ăn thấu đến cả xác thân, thớ thịt, ruột non, ruột già, toàn thể con người hợp tác trong suy tư để gây nên cái mà Việt nho kêu là thể nghiệm, tức toàn thân thể đều nghiệm được, chứ không chỉ có mắt thấy như ở triết học biểu tượng. Giáo dục mà chỉ chăm lo nhồi nhét cho đầy kiến thức bác vấn mà không có tu luyện tâm tình thì giúp vào việc đào tạo ra óc xảo trí quỷ quyệt hại nhân hơn là giáo hóa.
5. Nuôi dưỡng
Cơ sở nuôi dưỡng tình là gia đình. Gia đình là xã hội tình thuần túy. Chỉ có trong gia đình mới tìm ra được nhiều mối tình chân thực, lòng hy sinh không đếm kể giữa vợ chồng, giữa mẹ cha, con cái. Chính gia đình mới là vườn ươm tình cho lớn lên để sau này dùng với người trong khắp nước, khắp “thiên hạ”.
Chính vì thế mà triết lý Việt nho chú trọng đến gia đình hơn hẳn bên Au An. Chính sự thờ ơ với gia đình của Tây Au trong mọi cấp bậc đã là lò sản ra thuyết vô gia đình của cộng sản.
Trọng Thủy đã đưa óc trục lợi xảo quyệt vào làm hoen ố mối tình phu phụ mà gia đình Mỵ Nương sụp độ kéo theo sự sụp đổ của nước Văn Lang. như vậy ta có nên quay lưng lại với lý trí chăng. Thưa không, bởi vứt bỏ hẳn lý trí là trái Loa pháp: Loa pháp là thâu nhận thẩm thấu. Mà để được thâu nhận thì các dữ kiện trước phải được chuyển hóa tức bỏ tính chất độc hữu tuyệt đối, có vậy mới đứng chung với các yếu tố khác được. Vì thế Loa pháp là đi lối Dịch pháp. Dịch pháp với biện chứng thoạt coi tưởng như nhau vì cả hai đều có sự động giữa hai đối cực, cả hai đều có đợt tổng hợp, nhưng xét kỹ thì khác nhau vì tổng hợp của
biện chứng thuộc lý trí, cùng một bình diện nên xoay quanh sự vật và nhấn đến hủy thể thay vì thâu hóa; chỉ có tổng hợp của Dịch pháp mới thâu hóa mà không thủ tiêu, vì nó hướng mạnh vào người. Biện chứng khởi từ có sang không để rồi tổng hợp, tức chỉ có có Dịch pháp không theo chiều đó: nên thay vì từ có tới không, thì bước không lại là bất tập hoặc xả: nó không chối bỏ hủy diệt mà chỉ coi nhẹ để rồi thâu hóa. Do đó tất cả những cái rõ rệt phân minh của thường thức, của tập tục, thường được triết học lý niệm coi  là tuyệt đối thì Việt nho cho là tương đối nghĩa là chỉ hòa nhưng bất đồng. Tôi hòa với tập tục, tức tôi chỉ coi là tương đối chứ không cần đồng ý. Sự đồng này chỉ dành cho đợt trí tri. Vì chỉ
lên đến trí tri thì mới cách vật tức sở tri và năng tri mới đồ ng được. Còn ở dưới chỉ có hòa.
Như vậy bước hai bất tập rất quan trọng. Chính nó đem lại cho con người nhận thức ra mình, để khỏi tha hóa vào tập tục hay những sự hiển nhiên thông thường. Chính sự xa lìa đó cũng gọi là “xả” gây nên sự cảm ứng mạnh mẽ, huy động được nhiều năng lực hơn ở đợt đầu (gọi là có, hoặc chính đề). Nhiều cán bộ cộng sản hăng say làm việc gấp mấy lần cán bộ quốc gia là do bởi cán bộ quốc gia mới là công chức, còn ở đợt có, đang khi cán bộ cộng sản đã bước vào đợt vô. Vậy thi ta phải theo cộng sản chăng? Không được, vì cộng sản còn ở lại trên cùng bình diện với bước đầu. Họ có say sưa mấy đi nữa cũng không bền bĩ bằng văn hiến, nhất là ít lâu sau cái hăng say của họ sẽ tan rã, lúc đó họ chỉ còn dựa vào thế lực, uy quyền để giữ địa vị, không thể nào ví được với cái lòng hăng say chân thành bền bỉ của văn hiến và chỉ có làm ơn cho lân nhân chứ không chà đạp lên người khác như cộng sản. Khác nhau như vậy là tại một bên có tình một bên không. Cả hai bên cùng phải bước vào đợt hai mới tiến lên đợt ba được. Nhưng văn hiến bước vào đợt hai bằng xả bằng bất tập bất đồng (hòa nhi bất đồng) nhẹ nhàng thanh thoát và nhờ đó có lúc sẽ bỏ được gọng kìm hữu vô để vươn lên bình diện trí tri của siêu thức, một bình diện vượt lên trên những giao động của mâu với thuẫn để an nhiên trong mối tình mênh mang của vũ trụ.
Như thế bảo tình cảm là linh hồn đời sống không ngoa.

VIII. NGUYÊN LÝ MẸ
Từ ít lâu nay người ta đã nói đến vai trò phụ nữ, giải phóng phụ nữ, đề cao đàn bà đến nỗi nhiều khi có cảm tưởng đàn bà sắp thay thế vai trò đàn ông. Ngược lại, có những người không phải thường như Nietzsche, Keyserling (Journal I. 190) lại đề cao những đức tính đàn ông, lên án gắt gao những đức nhu nhuận: khiên nhường, vâng phục, từ bi… cho rằng đó là những đức tính đàn bà mà Âu châu đã quá theo trong hai ngàn năm qua. Từ nay Âu Tây phải nhận ra bản chất của mình chính là đứa con trai sống giữa đoàn con gái. Vậy phải từ bỏ đức tính con gái ưa bảo thủ để mạnh dạn làm con trai đặng đẩy đà tiến lên cùng cực.
Nếu phải vì đó mà gây đau khổ cho tha nhân, không đếm kể đến tình người thì cũng chẳng nên bận tâm.
Đại để đó là những điều nhận thấy trong đời sống cũng như sách vở Âu Tây. Nó đưa lại cho chúng ta một cảm tưởng li loạn thiếu hướng: người giảng các đức đàn bà, người lại đề cao đức tính đàn ông: mỗi bên đều có lý của mình gây nên lộn xộn. Sự thực thì tình trạng lộn xộn này xảy ra đã từ xa xưa lúc mà La Hy đánh mất liên lạc với dòng truyền thống tâm linh dựa trên cả hai nguyên lý mẹ lẫn cha hòa hợp. Nhưng từ lúc lạc đường truyền thống thì thiên hẳn sang nguyên lý cha nên có thể gọi là du mục phụ hệ (monadism patriarcal) đề cao lý trí, khinh rẻ tình cảm xác thân. Và đó là nguồn suối của những quá đáng lệch lạc mà trong đó phải kể đến cái lý tưởng “đàn bà tính” của Tây Âu bị Nietzsche lên án. Sự thực thì không nên nói lý tưởng đàn bà, mà chỉ nên nói là nước son đàn bà phủ bên ngoài hầu che đậy sự thiếu sót của nguyên lý mẹ nhưng không đủ sâu để chữa tự tính tàn bạo của văn hóa du mục Tây âu, mà mỗi thời mặc một bộ mặt khác, khi thì như giai cấp hay đẳng cấp (caste), khi thì như thực dân chủ nghĩa chủ trương tiêu diệt các dân bản thổ, khi thì như kỳ thị chủng tộc, khi thì như chủ nghĩa phát xít hoặc cộng sản tất cả đều mang đậm tính chất duy dương du mục. Thế chưa đủ sao lại còn muốn cổ võ cho óc tàn bạo bằng lên án mấy đức khiêm nhu, vâng phục, từ bi. Đành rằng trên phương diện siêu hình thì mấy đức nọ thiếu nền móng nhân bản, nhưng có còn hơn không. Bởi vậy điều cần phải làm không phải cỗ võ cho sự cứng rắn, óc thản nhiên trước đau khổ của tha nhân, nhưng là phải đề cao nguyên lý mẹ: tức cũng là đề cao tâm tình, tiềm thức, bản năng, lòng yêu thiên nhiên, sự săn sóc cho thân xác… Đó là bấy nhiêu nhu yếu thâm sâu cần được thỏa mãn tự nền. Thiếu nó thì văn hóa chỉ còn là lò ương tính tàn nhẫn. Sở dĩ con người tàn ác là vì không được thỏa mãn. Những nhu yếu bất mãn càng ở sâu thì tính ác độc càng thâm. Văn hóa Tây Au vì duy dương, nên khắc nghị đề cao khổ hạnh do vậy bỏ quên việc làm thỏa mãn những nhu yếu thâm sâu của con người (tình cảm, tiềm thức, bản năng).
Căn do mọi hư hỏng nằm ở chỗ đó, không thấy mà lại đi cổ võ cho sự tàn bạo được mệnh danh là Virilité thì chính là đổ dầu thêm. Điều cần phải làm hiện nay không phải là đả kích mấy đức nhu nhuận khiêm cung kia nhưng là phải cố đạt cái toàn thể của con người gồm cả mẹ cả cha, cả âm cả dương, trong nam có nữ tính cũng như trong nữ có nam tính. Chỉ khi hiện thực được cả hai trong độ lượng ứng hạp thì mới đạt đức Dũng hay Hùng của con người viên mãn. Hùng là con đẻ của lý trí cũng như tâm tình. Bỏ lý thì ngu si, bỏ tình thì thô bạo. Con người toàn vẹn phải có tình lý lương tham, cương nhu tùy lúc. Khiêm tốn và tư
lực, tư đạo tùy bình diện mới là lý tưởng. Chính trong chiều hướng đó mà chúng ta bàn về sứ mạng phụ nữ, xét như đại diện cho nguyên lý mẹ, cho những gì dịu dàng ấm cúng thanh lịch của một nền văn hóa.
Nếu đàn ông đại diện cho lý trí thì đàn bà đại diện cho cảm tình. Cảm tình vì gần kề bản năng với tiềm thức nên là mố cầu bắc sang tâm linh bởi vậy đàn bà vẫn được các dân cổ xưa dùng làm đại biểu cho Minh triết. Người Hy Lạp kêu là Sophia, tương tự với Nữ Oa, Âu Cơ bên ta. Sở dĩ như vậy vì Minh triết đặt cơ sở trên tâm linh u ẩn, mà cấu thức của đàn bà là nội dương ngoại âm nên dễ bắt gặp những luồng tia sáng của tâm linh. Nhưng chính đàn ông vì nội âm ngoại dương nên có tài tổ chức những cái thoạt nhìn kia lại cho thành quy củ.
Dương ở đây hiểu là những cái nhìn bao quát nên dễ nhận ra những dạng thức để tổ chức, còn đàn bà nhìn theo lối âm tán vào từng sự vật nhỏ nên cụ thể nhưng thiếu những dạng thức lớn cần thiết cho việc kinh luân sắp xếp. Vì vậy mà có nhiều thiên tài ông hơn bà. Sự thực thì những tác phẩm có tính cách trường cửu là công trình chung cả hai, nhưng vai trò đàn bà vẫn tàng ẩn. Chính nhờ sự xoắn xuýt với Nữ Oa mà Phục Hy đã có thể sáng tác được Kinh Dịch. Sáng tác Kinh Dịch là thiết lập ra kinh luân tức đạo làm người nên về sau tiên Nho đổ khuân vào câu “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”. Muốn hiểu câu đó tới đợt sơ nguyên tượng thì phải lên tới cặp uyên ương đầu tiên Phục Hy Nữ Oa là cặp phu phụ tiên khởi, cả hai đều đóng góp vào việc thiết lập ra nền Minh triết nông nghiệp rất cân đối: có chung có riêng, có trời có đất, có non vững đứng, có nước chảy lưu linh. Việt Nam là nước kế tự nền văn minh nông nghiệp này bên Viễn Đông nên huyền sử nước nhà có rất nhiều những cặp đôi như vậy:
Đế Minh- Vụ Nữ 
Chức Nữ –Ngưu Lang
Âu Cơ – Lạc Long Quân
Mỵ Nương – Sơn Tinh
Mỵ Châu – Trọng Thủy…
Tuy nhiên những cặp này ít nhiều phản ánh chiếu thời xung đột với nền văn minh du mục vì thế mang vết đau thương. Lẽ ra phải nói Chức Nữ Ngưu Lang thế mà người ta lại quen nói Ngưu Lang Chức Nữ, thì chính bởi đã có sự rạn nứt giữa cặp đôi này: một năm gặp nhau được có một lần thì còn chi gắn bó. Thế rồi Thịnh Cơ sớm bỏ Mục Vương. Đến đôi Mỵ Nương Sơn Tinh đã gây nên bao sóng gió. Và nhất là đến cặp Mỵ Châu Trọng Thủy thì kéo theo sự sụp đổ của cả lâu đài nước Văn Lang làm chết lịm đi nền văn minh cân đối gữa “Nam Nữ đồng tế”, để đi vào giai đoạn đực rựa thiên lệnh bạo hành tràn đầy đàn áp: đàn
áp đàn bà, cũng chính là đàn áp tình cảm, cũng chính là đàn áp kẻ thất thế bắt làm nô lệ.
Cho đến nay tâm thức con người tiến triển nhiều hơn mới nhận ra được sự thiết yếu phải sửa lại tình trạng chênh lệch kia gây nên do nền triết học lý niệm đã đẩy tình ra thi cũng là đẩy đàn bà ra khỏi cơ cấu uyên nguyên, khiến cho văn minh chỉ còn theo nguyên lý cha vòng ngoài, nên đầy tính chất vũ phu bạo hành mà không còn là những sự tế vi của tình người nữa. Tất cả đều tính theo sức mạnh, theo lượng số, theo khả năng sản xuất khiến cho thế giới trở nên ngột ngạt vì tranh đua chiếm đoạt. Bởi vậy ngày nay mới có cuộc phản động lại đề cao đàn bà nhưng vì chưa đạt triết chân thực nên sự đề cao kia không đi xa mấy khỏi sự khai thác xác thân đàn bà. Đấy chỉ là một việc làm do óc vụ lợi nhỏ nhen rồi cũng lại như Trọng Thủy đánh lừa Mỵ Châu sẽ đưa đến chỗ đổ vỡ. Muốn cho sự đề cao kia đáp ứng được những nhu yếu của con người có lý mà còn có tình thì cần phải xem sứ mạng phụ nữ ở đâu.
Có nhiều thuyết chủ trương rằng sứ mạng phụ nữ là làm mẹ, và đấy là tất cả cứu cánh của người đàn bà, đến nỗi mục đích duy nhất của hôn nhân là sinh con đẻ cái. Nói như vậy là hậu quả của đầu óc ích dụng quen hạ thấp đàn bà xuống đến hàng dụng cụ “sản xuất” ngầm hiểu rằng đó chỉ là một con mái để đẻ: vậy là đã múc cạn sứ mạng của người đàn bà, khỏi cần tìm xa hơn. Chủ trương như thế là bắt đàn bà lệ thuộc trọn vẹn vào đàn ông, nhiều khi trở thành “của” đàn ông, đến nỗi có nơi khi đàn ông chết thì đàn bà phải chết theo. Đấy là óc phụ hệ cùng cực, nó ở tại lẫn lộn bình diện trên và dưới hay trong và ngoài, linh tượng với hình tượng. Bình diện ngoài là hiện tượng thuộc đàn ông thì đàn ông làm chủ “dương tại ngoại âm chi sử” = dương ở ngoài thì dương sử âm, tức dương chủ
động vì khả năng sức mạnh của hiện tượng thuộc quyền dương. Nhưng trên bình diện linh tượng thì đàn bà đi trước như đã nói trên: đàn bà có tài trực thị được những cái thuộc tế vi thuộc tiềm thức, có bộ thần kinh mẫn nhuệ đối với những yếu tố không hiện hình, vì thế Kinh dịch nói nhất âm trước: “nhất âm nhất dương chi vị đạo”. Nói âm trước vì Dịch là nói số nghị tức số sinh thuộc vòng trong: “âm tại nội dương chi chủ” âm ở trong thì âm làm chủ dương, để giữ gìn sự điều hòa, vì thế Nữ Oa ôm quy biểu thị cái biết trực thị, cái biết cụ thể. Nên với đàn bà đã không thấy thì có lý luận cũng chẳng tiến bao nh iêu, vì lý luận thuộc vòng ngoài lý trí. Lý trí vốn dừng lại ở bề mặt nên đi từ cái này sang cái kia để nối lại. Đàn bà đại diện cho tâm tình, cho tiềm thứcít phải chịu điều kiện của không gian và thời gian, nên có tài thấy thẳng hơn đàn ông. Nhiều bà dẫu không có học cao nhưng đã giúp chồng những nhận xét cụ thể như vợ Stuart Mille giúp chồng những cái nhìn thiết thực để ông có thể viết những lý thuyết rất hay về kinh tế mặc dù trí khôn bà rất thường. Nhiều học giả đã ca ngợi vợ về việc nhận xét như vậy chẳng hạn ông Payot đã khen vợ mình như vậy trong quyển Education de la volonté p.164. Điều đó chứng tỏ nguyên lý Kinh dịch rất vững: kiền cha bay bổng cung mây nếu không có khôn mẹ nhận xét những cái cụ thể thì cái biết của cha dễ đốc ra trừu tượng xa thực tế, như triết Tây là sản phẩm của duy ông chứng tỏ. Rõ ràng Nữ Oa giúp Phục Hy viết Kinh dịch. Vậy không được nói sứ mạng đàn bà chỉ là để sinh con đẻ cái, để rồi một mình các ông hí hoáy lập đạo! Triết Tây mà quá trừu tượng mất chân đứng trên đất là vì mấy ông tướng đều đã không vợ lại còn khinh miệt đàn bà, nên
sản ra một thứ triết duy dương: về ý hệ thì đồ sộ mà nội dung nhận xét cụ thể vào đời sống thì rất nghèo nàn như thí dụ Platon, Kant, Descartes, Spinoza. Bởi thế mà đọc học người ta thấy khô khan cứng ngắc. Chúng ta có thể nói là thiếu sức lôi cuốn, thiếu duyên.
Bây giờ chúng ta nói đến duy của đàn bà: đàn bà là giống có duyên, nhưng duyên là cái gì?
Cái đó mới rầy: thưởng thức thì dễ chứ bắt phải xác định thì thánh hiểu. Chỉ biết lơ mơ nhưng lại tác động mạnh vì thế tôi thích định nghĩa đàn bà là ê kíp làm đêm, tức chả có cái chi rõ cả thế mà lại lôi kéo mạnh gây nên khoái cảm, thuận theo. Tiếng Pháp kêu duyên là grâce (ân sủng) cũng là một danh từ để chỉ ân sủng do Thiên Chúa ban. Khi một tâm hồn tiếp nhận ân sủng thì sẵn sàng làmnhững việc vị tha cao cả nhiều khi rất khó. Khi người đàn ông bị chinh phục vì duyên người đàn bà cũng trở nên ngoan ngoãn sẵn sàng làm theo ý “phái yếu” tùy tiện sai bảo mà còn coi đó như một ân sủng… Cái duyên là dấu bên ngoài của cái quy trong tay Nữ Oa tức là cái gì linh thiêng cao cả tiềm ẩn trên bình diện siêu thức, nên rất khó nói ra vì nó thuộc toàn thể, mà chính vì vậy nên nó mới là nguồn suối sinh ra ân sủng hay là duyên. Cho nên duyên chân thực không ở sắc đẹp, lối đi lại nói năng hiền dịu.
Bấy nhiêu có thể giúp vào việc biểu lộ cái duyên còn chính nguốn gốc của duyên nằm tận mãi trong cõi tâm linh sâu thẳm. Người nào muốn có duyên phải theo Âu Cơ nghi mẫu trèo lên núi Phong Châu để bay bổng như Bạch Hạc, muốn có duyên mà chỉ lo sửa sắc đẹp thì không khác mấy người tập làm văn tưởng văn ở tài mài giũa trau chuốt mấy câu nói, không biết rằng văn là người: tu nhân mới là tu văn thực.
Duyên cũng thế, nguồn gốc của nó nằm trong sâu thẳm tâm hồn đồng hóa nó với trẻ đẹp là cái lầm do vu ngoại! Cái duyên là kết tinh của xác ít hồn nhiều, nó liên hệ mật thiết với lối sống. Chính lối sống mới thâu lượm và tích luỹ những tinh hoa vào nụ cười, khóe mắt, gương mặt làm nên cái duyên. Đời sống càng phong phú, thâm sâu, giàu đức độ, bao dung, đảm lược thì duyên càng đậm. Muốn có duyên chân thực bền vững thì phải lo nâng cao tâm hồn nuôi dưỡng những cảm tình thanh tao cao cả. Đó mới là con đường đạt được duyên chân thực, thứ duyên không thể nói ra, nên nó huyền vi lôi kéo làm cho những tác động tản mát quy tụ lại chung quanh cái nguồn sáng tạo, nguồn cảm hứng, cái mà Lão Tử gọi là “thực mẫu”, Goethe kêu là l’Eternel feminin đã làm nguồn sáng tạo cho bao thi sĩ nghệ sĩ. Kinh Dịch kêu là “khôn”, tức nguyên lý mẹ. Chính nó mới linh nhuận cho văn hóa trở nên uyển chuyển hợp cho tình người. Có làm được như vậy thì phụ nữ mới chu toàn sứ mạng của mình là đem tình người mà nhu thuận lại cái thế giới duy vật bạo hành vì đã bao đời tôn thờ những triết thuyết duy lý của những thằng đàn ông rục, thiếu sự đóng góp của
Nữ Oa nghi mẫu, nên không thể sinh (độc dương bất sinh) tức làm cho người học tiến hóa.

IX. CHÍ SĨ
Chí là rễ cái của con người. Chính nhờ nó đâm vào thẳm cung tâm hồn mà con người có thể thành nhân. Bởi vậy chữ Chí quen đi với thành, gọi là Chí thành. Ai đạt đợt Chí thành thì Kinh dịch kêu là như thần, tức là chí cực rồi vậy.
Trong kiểu nói thông thường người ta hay hiểu chí thành là thành thực có sao nói vậy không lèo lá úp mở. Đó mới là nghĩa luân lý mặt ngoài. Mạnh Tử bàn về chí cao hơn một bậc như sau: “này chí là chủ súy điều khiển cái khí, mà khí là sự sung mãn của thể. Vì thế chí là chỗ cao cả nhất. Còn khí là phần tiếp theo đó. Cho nên phải giữ cho bền chí mà đừng làm hư hại khí. Chí mà chuyên nhất thì động tới khí, khí mà chuyên nhất thì động tới chí”.
Phù: chí khí chi súy dã
Khí thế chi sung dã
(Chữ hán)
Phù: chí khí yên
Khí thứ yên.
Trì kì khí, vô bạo bì khí
Chí nhất tắc động khí
Khí nhất tắc động chí dã.
(Chữ hán)
Theo đó thì chí là nguồn sinh lực tự trong Tính phát ra, còn khí là đã phát ra thể xác rồi.
Như vậy chí khí là một nhưng trong hai trạng thái khác nhau: chí ẩn mà khí hiện. Vì khí dính liền với chí, mà chí là năng lực của tính tức là cái gì rất bao la như vũ trụ, nên Mạnh Tử kêu khí là hạo nhiên tức là cái gì rất cương kiện lớn lao, nó khác hẳn cái khí chất bên ngoài vật thể. Vì khí thuộc cơ thể nên cũng sinh ra, lớn lên và có thể chết. Nó chết là khi bị người ta quan niệm như cái gì khách quan có thể chiếm đoạt ôm giữ như một vật lấy tự ngoài. Quan niệm lối đó là làm hại khí. Khí không phải là vật tự ngoài như vậy nhưng là một cái gì sinh ra tự nội. Phải làm nhiều việc nghĩa để rồi nó tự sinh ra và khi đã sinh ra phải biết tuân theo lẽ phải mà bồi dưỡng, để khí nó lớn lên lan ra khắp trong khỏang trời đất này, nghĩa là có tầm vóc bao la như vũ trụ, nhờ đó mà con người đạt độ hợp với đức của đất trời “dữ thiên địa hợp ki đức” tức là bậc chí thành vậy.
Vì thế điều quan trọng hơn hết để đào tạo nên những bậc chí thành không ở trong chỗ luyện lý trí nhưng ở trong chỗ tôi luyện chí khí. Chính nhờ sự tôi luyện chí khí mà con người có được khí phách bền giai là điểm sửa soạn cho những công việc vĩ đại. Trong bất cứ phương diện nào cũng vậy chìa khóa thành công chính là một chí khí kiên trì. Bởi vì không có việc phi thường nào mà không đòi phải hiện thực dài lâu, vì thế phải khắc phục biết bao khó khăn cản trở. Thiếu chí khí can trường quả cảm gan lì làm sao thành tựu nổi.
Goethe đã để ra 30 năm viết quyển Faust. Người ta hỏi ông bí thuật ông trả lời là nghĩ tới đó luôn. “En y pensant toujours”.
Trong Kinh Thư (Đại Vũ mô câu 6) có khẩu hiệu “bách chí duy hí”, hãy làm cho trăm cái chí của mày được ngay thẳng và hưng thịnh. Làm cho hưng thịnh tức là thành khẩn hăng say (enthousiasme). Trên đời này không có kỳ công kiệt tác nào mà không do lòng thành khẩn hăng say “c’est l’enthousiasme qui fait les grandes choses”. Chính lòng hăng say bền bỉ làm nên những việc lớn lao, và chính những việc lớn lao là bóng dáng của vĩ nhân. Cho nên chí thành chính cũng là chỗ cùng cực của con người.
Như vậy Chí mới chính là mũi dùi của đường tiến xoáy ốc tức là con đường đưa đến chỗ chí cực trên mọi phương diện. Emerson đã có lý để viết “trong thế giới chỉ có một điều đáng sợ là một ý chí. Xã hội này trở nên tôi mọi là tại thiếu một ý chí. Có ý chí thì chưa cần phương tiện vật chất tự nó đã trở nên người lập pháp, khiến các sự xét đoán trong xã hội biến đổi dần. “La seule chose formidable dans le monde est une volonté. La société est servile parce qu’elle manque de volonté. Une énergie indompatable la domine, sans moyens matériels et d’elle même devient législateur. Les appréciations sociales changent”.
Câu trên chính là một cảm thức được sự thực trên kia do một triết gia Mỹ đã bắt tay với triết Đông. Đó cũng là khuynh hướng hiện nay của những phần tử ý thức nhất của Âu Châu. Phần đông họ đang tìm cách để vươn lên khỏi hàng ngang duy lý như ta thấy phần nào trong triết Hiện sinh đang cố gắng mặc cho ý niệm thêm gân thêm thịt. Jaspers nói: “Hiện sinh không chống với tư duy miễn là phải tư duy cách hăng say nồng nhiệt. La philosophie existentielle ne s’oppose pas à la pensée pourvu que cette pensée soit intense et passionée” (Pensée de l’existence J.Wahl p.20).
Song song với Hiện sinh ta thấy xuất hiện phân tâm, cơ cấu luận… Đó là những sáng chế mới: mỗi thứ sẽ giúp một phần vào việc nhìn ra cơ cấu con người như đã bàn trên. Tuy nhiên nói chung những cố gắng đó còn dừng lại nơi phương pháp luận, tức là còn nằm trên bình diện tri thức. Tổng đề của biện chứng pháp ban đầu cũng tưởng là một mũi dùi vượt ra khỏi chính đề và phản đề nhưng cuối cùng vẫn nằm trên bình diện lý trí, nên vừa tr ừu tượng vừa bám sát sự vật mà không sao dùi sâu vào được tâm hồn. Thành ra cuối cùng lại cũng thất bại. Có lẽ vì những thất bại chồng chất trong việc cố sức vươn lên bình diện tâm linh này mà Keyserling cho là người Tây Âu quá ít óc triết và không biết đến tình yêu như một nghệ thuật trung thực (aux têtes si peu philosophiques des occidentaux. Journal 23. L’Occidental n’a jamais connu l’amour comme l’art véritable. Journal 206) là vì những cái đó đòi phải thấu vào tới nội ngã tâm linh, nguồn suối mọi sáng tạo. Sở dĩ như vậy vì có sự khác biệt tế vi giữa ý chí và chí khí. Ý chí nếu dịch đủ ra thì là intellet – volonté tức là những khả năng thuộc ý thức, nên vẫn còn thuộc hàng ngang, thuộc cái hiểu biết phân tích hiện tượng. Còn chữ Chí của Việt nho viết với bộ tâm chỉ năng lực của Tính nên thuộc hàng dọc, thuộc cái biết trí tri là một thứ tổng hợp siêu hình. Cho nên Chí không có đối
tượng; nó chỉ là năng lực phát xuất tự Tính. Ngược lại ý chí thì có đối tượng: muốn là muốn một cái gì. Chính vì chỗ khác biệt đó mà chữ Chí không thể dịch ra các tiếng Tây Âu vì chúng thiếu phần thông sang cõi tiềm thức (lúc ấy chưa khám phá ra). Trong Kinh Thư (III 49) Jame Legge dịch chữ Chí bằng một câu là tư tưởng hăng say nồng nhiệt thought earnest ardent. Đó là lối dịch bớt dở nhất, nhưng còn xa nội dung chữ Chí bằng cả một khối tâm linh nên đã có sức vượt biểu tượng để đạt linh tượng như ta có thể nhận thấy trong Lạc Thư.
1. Lạc Thư mũi dùi của Loa pháp
Tôi thích coi Lạc Thư (cũng gọi là Hồng phạm) như mũi dùi của Loa pháp vì nó thay thế cho cả một bộ phận thần thoại đã từng bao trùm bầu trời văn hóa các dân tộc cổ sơ dọc dài thời bái vật. Sau đó có nền văn hóa thoát ra ngoài bằng chối bỏ thần thoại, nên vẫn bị chi phối bởi thần thoại theo luật “mạnh chống mạnh chấp” vì vẫn nằm trên cùng bình diện nhưng dưới dạng thức ý hệ như đã bàn ở chương trên. Riêng Việt nho đã vượt lên trên thần thoại bằng giải pháp tâm linh, và ấn tích của sự vượt này nằm trong thiên Hồng phạm.
Hồng phạm là cách áp dụng Ngũ hành vào đời sống để trong mọi việc đều đi đến chỗ cùng cực. Đấy là một bước tiến thứ ba sau nhân thoại và thần thoại. Ở thần thoại thì thần minh
làm việc, con người vắng bóng hay nếu có thì cũng thụ động. Đấy là thời bái vật, thời mà người ta còn tin tưởng ở các thần y nguyện, nên chỉ kể lại, diễn lại việc các thần theo một nghi thức nào đó, chứ con người không làm gì. Sang đến nhân thoại thì không những con người đã có mặt mà còn giữ vai trò tích cực vì
thế nhân thoại cũng kêu là huyền sử. Trời đất trong thần thoại do trời làm ra còn trong huyền sử thì do người làm ra: Bàn Cổ tự đảm nhiệm việc phân ra âm dương, Nữ Oa đội đá vá trời, Đại Vũ đào sông bạt núi… tất cả đều là những việc tầy trời. Vì thế ở nhân thoại người ta không chỉ cốt kể lại, diễn tả truyện các thần nữa nhưng cố bắt chước các việc của nhân thần vì cho rằng những việc đó đã theo được tiết điệu uyên nguyên nên người làm theo đó là hợp được với thời trời. Như thế đã là một bước tiến xa hơn thần thoại rồi. Thế mà sự kết tinh uyên áo nhất của những cử chỉ đó là thiên Hồng phạm, một cố gắng cơ cấu hóa các việc hợp điển tiết kia vào khung ngũ hành. Hãy lấy một thí dụ về ngũ sự nằm trong Hồng phạm. Lời Kinh rằng:
Mạo viết cung
Ngôn viết tòng
Thị viết minh
Thính viết thông
Tư viết duệ
Cung tác túc (gravité)
Tòng tác nghệ (ordeliness)
Minh tác triết (perspicacity)
Thính tác mưu (counsel)
Tư tác thánh (wise)
(Chữ hán)
(xem chữ Thời trang 250)
Nhìn bảng trên ta nhận ngay ra tính chất toàn diện của nó: mở đầu bằng dung nhan bằng phong thái (mạo) tức đã là cái gì toàn diện chứ không đề cao thị (con mắt) như triết học biểu tượng. Sau đó mới đến ngôn, thính, thị mà cái nào cũng phải tới cùng cực gọi là tư:
ngôn phải tòng,
thính phải thông
thị phải minh. Vì
có tòng mới nghệ
có thông mới mưu
có minh mới triết.
Điều kiện tất cả là tư phải đạt duệ tức là cùng cực và quen gọi là duệ trí. Như vậy ta thấy tất cả năm tác động đều xoáy vào trung tâm, nên có thể đặt theo cung ngũ hành như sau:
(Hình chữ hán)
Nhìn theo bảng trên ta dễ nhận ra sự khác biệt giữa triết học lý niệm ngừng lại nơi mắt còn đây là ngũ quan tất cả đều tiến theo hình xoáy ốc của Loa thành tức là vượt lý trí sang tâm linh duệ trí. Có hiện thực được bước đi lên đó mới là đạt Đạo. Nếu đem bảng trên đối chiếu với bảng của Jung ta có thể xếp:
Tình
Thấu Chí Nghĩ
Cảm
Và quan trọng nằm trong chữ Chí. Chính nó là nhịp cầu bác tự hữu thức (ý thức) sang mố vô thức (nên vô biên). Và vì việc gắn liền với Chí nên hễ việc nào bất cứ mà làm đến chỗ chí cực cũng giúp người làm cảm thông với nguồn suối vô biên, nên có sức giải thoát. Như thế mọi tác động cần được quyết định ở đợt Chí, mà không ở đợt ý. Ý chỉ để phân tích học hỏi, tình là con đường chuyên chở những nhận xét. Chí mới chính là tổng hành dinh quyết định và thông báo cho mọi cơ năng khiến mọi tác động đếu có tính chất toàn thể. Đấy là lý tưởng của triết lý An vi. Việc của hữu vi quyết định ở tầng ý chí, còn An vi ở tầng Chí khí. Có đạt Chí khí thì năng lực con người ở Tính được hiện thực ra ngoài như được biểu thị trong Hoàng cực, nơi mà số 5 tỏa ra các số thành là 6, 7, 8, 9 qua trun g gian các số sinh là 1, 2, 3, 4… Vì thế hiện thực đúng ngũ hoàng cực cũng có nghĩa là hiện thực được mọi khả năng trong con người đến độ trọn hảo. Những khả năng đó sẽ dần dần khai mở trên đường tiến xoáy ốc: mỗi bước giúp nhìn ra những khả năng khác trước, để dần dần nhập sâu vào triều sinh sinh tiến hóa vô cùng. Đó là hậu quả của lối tiến Loa pháp. Tiến theo Loa pháp là biến vượt thần thoại, vượt biểu tượng mà vẫn giữ được tinh hoa của thần thoại của biểu tượng. Đó là tiến hóa theo lối thâu hóa: không bỏ thần thoại nhưng xả bỏ các yếu tố xa lạ con người để chỉ còn giữ có cái mẫu mực, cái Hồng phạm nên vẫn đi được với lý trí. Sở dĩ biện chứng của triết học chạy vòng quanh vì đã không tìm ra được lối nhân thoại hóa nên phải đi theo lối hủy thể tức vứt bỏ thần thoại. Các người kế vị Aristote, Auguste Comte… đều đi theo lối diệt tượng, không đáp ứng được như yếu linh tượng nơi người nên đã đưa con người vào đường cách mạng đầy hủy thể = đầy máu và nước mắt như ta thấy cộng sản đang hiện thực, là bởi không tìm ra lối đi vào chí cực, chí thành.
2. Quân Thiên
Có một điểm cần minh định là câu “chỉ ư chí thiện, chữ hán” dừng lại nơi chí thiện. Nói dừng mà không sợ ứ đọng vì đây không là chỗ yên lặng như những điểm quân bình vòng ngoài, nhưng đây là quân bình vòng trong, có thể gọi chí thiện là quân thiên vì nó đầy tính chất động đích, luôn luôn tiến hóa, khác chăng là không còn theo nhịp bé nhỏ nhưng theo tiết điệu uyên nguyên của cuộc đại diễn vũ trụ. Như thế là tham dự vào quỹ đạo của con đường xoáy ốc rồi. Luôn luôn biến động đầy sinh sinh thuộc vòng trong gọi là trung dung khác hẳn với quân bình thường mang đầy chất tĩnh. Nhiều người không thấy được hai thứ quân bình đó nên bảo câu “chỉ ư chí thiện” là sai vì ngừng nghỉ, nhưng thực ra đâu có ngừng nghỉ, vì thiện ở đây phải hiểu theo nghĩa Kinh dịch là đong đưa giữa âm dương: kế chi giả thiện dã, đi theo đạo âm dương là thiện. Như vậy thì không là tĩnh chỉ nhưng là biến hóa theo tiết nhịp tự đất lên trời, tự âm đến dương luôn luôn sinh hóa nên cũng trở thành mạnh mẽ bằng tầm vũ trụ có khả năng giúp trời đất trong việc hóa dục: “tán thiên địa chi hóa dục”, hóa là tiến lên những vòng trên của đất trời tức là nuôi dưỡng hoài những dạng thức mới sinh ra nọ bằng những nội dung sinh động cụ thể không cùng, nên sách Trung Dung nói tiếp:“không ngơi nghỉ nên bền lâu, bền lâu nên sẽ sáng, sáng tức sẽ chiếu xa, cương:
Cố chí thành bất tức
Bất tức tắc cửu
Cửu tắc trưng
Trưng tắc du viễn
Du viễn tắc bác hậu
Bác hậu tắc cao minh
Bác hậu phối địa
Cao minh phối thiên
Du cửu vô cương
Như thử giả bất hiện nhi chương
Bất động nhi biến
Vô vi nhi thành “ (T.D 26)
Xem thế đủ biết tiền nhân ta đã có lúc nghĩ tới cái đỉnh chót vót của cuộc tiến xoáy ốc. Và đã gửi vào trong huyền sử nước nhà, tức là lý tưởng đã có một lúc hình thành và được ghi lại trong việc xây được thành Cổ Loa, nhưng rồi lại sa đọa trong câu truyện ăn trộm nỏ làm suy sụp mất con đường ý tình chí là con đường giúp từ mố biểu tượng sang mố linh tượng để đạt miền vô tượng là Chí thành. Do đó mà trong Việt nho có tiếng chí sĩ dành cho những bậc có nhân cách cao quý với tấm lòng quảng đại bao la, hi hiến thân tâm cho quê nước cho văn hóa. Cũng như trong huyền thoại có những điển hình của chí sĩ. Vợ Can Tương là Mạc Đa đã nhảy vào lò đúc kim khí để cho chồng có thể rèn được đôi gươm quý nói trong Ngô Việt Xuân Thu. Biện Hòa người phương Nam (nước Sở) đã phải mất cả hai chân mới làm cho vua Sở nhận ra ngọc quý… Những truyện tương tự chỉ là ẩn dụ nói lên cái chí cùng cực không một trở ngại nào cản ngăn nổi. Vì thế mà nó được biểu thị bằng hạt ngọc quý, hay bằng lưỡi gươm thiêng truyền đời, cả hai đều chỉ cái chí đã được cụ thể hóa cũng là một bảo vật truyền đời là văn hóa vì văn hóa chỉ sinh ra khi có cái ch í của con người can thiệp. Bao lâu chí chưa xuất hiện thì bấy lâu chưa có văn hóa. Và văn hóa sâu hay nông là do cái độ sâu nông của cái chí. Khi nói văn hóa Việt nho cao cả chính là vì cái chí của nó đâm sâu đến tận miền tiềm thức cộng thông. Đây mới chính là nền văn hóa của Hùng thị đại diện cho nền triết lý phương Nam đặt trọng tâm trên điểm nối kết ngoại ý thức với nội tiềm thức, chí nối với khí để gây nên cuộc thái hòa. Chí là một thứ mũi dùi riêng biệt của Loa pháp nói lên nơi tập trung nghị lực của con người: đó là cuộc sống, nói cụ thể hơn đó là những tác động của con người nhằm trọn hảo hóa chính con người. Đó là lý tưởng tối cao, tận cùng của cuộc tiến hóa của tâm thức con người khởi tự xa mà về đến gần, khởi từ sự vật ngoài mình để cuối cùng thì trở lại tận thẩm cung lòng mình. Triết học khởi từ sự vật khách quan bên ngoài như từ bản chất của nước, lửa, khí, khi nói về thần linh thì ở trên cung Đầu xuất, trên đỉnh núi Méru, Olympe. Nói về linh hồn thì như một bản thể riêng biệt, như ma quỷ cong đuôi chạy bên ngoài… phải lâu lắm tâm thức mới tán những vật thể đặc đó ra chất lỏng, chất khí, chất tế vi hầu có thể tiêu hó, thâu hóa vào mình, và tự đấy thì thiên lý không còn ở ngoài nữa nhưng tại nhân tâm; tâm lý trở nên vô hồn (psychologie sans âme) mà chỉ còn là tâm lý hình thái, tâm lý điệu bộ, động ứng, cuối cùng trở nên tâm lý về tiềm thức. Các quỷ đều rụng đuôi, cả đầu lẫn mình! Biến mất? Không đâu, chúng đã trở thành mặc cảm, và sự vụ người xưa kêu là quỷ ám thì người nay nhận ra đó chỉ là sức tác động của mặc cảm, mạnh quá thì là quỷ ám, là điên rồi, mạnh vừa vừa thì là thống kinh là hystérie, và sâu xa là những sơ nguyên tượng, mà hễ con người thâu hóa nổi thì mở rộng nhân cách giúp chóng bước tới đợt chí thành tức là thành con người trọn vẹn mà  biểu
hiệu là tự lực, tự cường. Không còn ý nại cậy dựa vào ngoại lực nữa. Một trong những phương thế là chú ý trọn vẹn vào chí. Chí sĩ chính là những người tu đạo Loa, mà khẩu hiệu là “quân tử vô sở bất dung kì cực”.
Có một dạo người ta loay hoay không biết phải dịch chữ chí sĩ làm sao. Đây là một chữ không thể dịch sang các tiếng Âu Mỹ hay cả Ấn Độ nữa. Vì văn hóa Tây Âu chĩa mũi dùi vào ý niệm suy tư để khám phá cõi hiện tượng. Văn hóa Ấn Độ thì chú vào tình thâm hay vào huyền niệm để khám phá cõi siêu hình. Cả hai đã đạt những thành quả lớn lao: Âu Tây là khoa học, Ấn Độ là siêu hình và tôn giáo; tuy thế vẫn còn là vong thân tức chưa hướng về con người toàn diện, về tác động về nhân sinh. Theo khoa sinh lý có thể nói trong những nhà tư tưởng, tôn giáo, thì sĩ có rất nhiều yếu tố (gènes) tâm lý chống lại những yếu tố hoạt động. Vì thế người Tây nổi về tư tưởng, nhưng triết học của họ lại chỉ là triết học salông, nên bị coi như một xa xỉ phẩm. Còn với người Ấn thì biết và sống là hai truyện tách biệt hẳn: triết Ấn ít gây ảnh hưởng vào đời sống dân Ấn . Điều này đã có nói trong quyển Vấn đề quốc học (muốn tìm thiêm xin xem những nhận xét của Keyserling y hệt trong Journal I p.350-357). Chỉ có Việt nho là chú ý tới. Việc viết hoa tức là chú ý đến cái dạng thức phổ biến mà hết mọi việc phải theo, đó là ngũ hoàng cực mà tinh hoa củanó là phải tìm cái cùng
cực, cái trọn hảo ngay trong mọi công việc mình làm, bất cứ việc nào. Đấy là mũi dùi của Loa đạo: nó cộng cả hàng ngang hiện tượng của Tây Âu vào với hàng dọc siêu hình của Ấn  Độ làm thành một nét xoắn xuýt như dây thừng, hoặc như hình xoáy ốc: càng lên cao càng rút nhỏ diện tích, càng đơn thuần, càng phác tố tâm linh, tức là càng thu gọn lại nơi sâu thẳm con người để con người hiện thực được đạo nhân hoàng, có địa vị ngang hàng cùng trời đất. Vì thế Loa thành chính là hình ảnh Hồng phạm của Lạc Thư được bày tỏ bằng sinh tượng. Không ở đâu chân lý thiên nhân tương dữ được diễn đạt đầy đủ bằng ở Hồng phạm, lý tưởng của Lạc Thư mà cái nhân là ngũ hoàng cực. Tức đối với ngũ hành Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ thì có năm việc của người: mạo, ngôn, thị, thính, tư. Tư đến cùng cực gọi là duệ (tư viết duệ) mà duệ làm cho nên thánh (duệ tác thánh), mà thánh là thánh, mà chí thành như thần. Nên có thần Kim Quy hiện ra. Quy là người đối với Long là Thiên, mã là địa (Danses 588). Trong truyện không nói tới Long Mã đội Hà Đồ Lạc Thư. Trong năm động tác của con người thì Tư là cùng cực, mà cùng cực là đạt siêu thức, Kinh dịch kêu là Long nên Loa thành cũng gọi là Tư Long: “Long phi tại thiên. Thánh nhân tác dã”
(quẻ Kiền) là vậy.

X. THIÊN TÀI
Con người đạt Nhân theo Loa pháp phải có đủ ý, tình, chí nghĩa là phải có một đầu óc minh mẫn giàu khả năng lý luận bén nhạy với một tâm hồn đầy ắp những mối tình bao la cao thượng và một ý chí sắt đá can trường. Tất nhiên những điều đó  hiện nay chỉ được coi như lý tưởng xa xôi trong lý thuyết, nếu không phải là cổ hủ. Con người hiện đại nghĩ đến những mẫu người khác, những thiên tài nổi vượt về một mặt nào đó, chứ không còn mấy ai nghĩ đến con người đạt thân theo lối toàn diện nữa.  Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì các chương trình giáo dục hiện nay mới chú trọng đến có ý, một chút tình (qua văn chương) còn thiếu hẳn chí khí qua một đạo học, một nền triết lý nhân sinh. Tức là còn thiếu sót phần căn bổn hơn hết. Vì thế cần phải sửa đổi. Bàn về các loại thiên tài cũng là một cách giúp vào việc sửa đổi nói trên. Có một điểm tối quan trọng nhưng lại thường bị bỏ quên trong khi bàn đến thiên tài đó là sự phân loại. Vì thiếu phân loại nên người đời hay ưa đề cao có một loại duy nhất, mà lại thường là ngoại lệ nhưng được coi là thiên tài viết hoa (le génie et non un génie). Vì thế mà xảy ra sự việc tai hại này là mỗi khi có người nổi máu nóng muốn trở nên thiên tài là lao ngay đầu chạy theo lối của những ngoại lệ vì tưởng lầm đó là lý tưởng.
Theo tam tài có thể chia ra ba loại thiên tài là Thiên tài, Địa tài, Nhân tài.
Thường người ta hay dùng chữ thiên tài theo nghĩa chung để chỉ những bậc siêu quần trong một phương diện nào đó.
Thiên tài ở đây chúng ta tạm hiểu, chỉ những người có khả năng vượt bực dành riêng cho những nghệ sĩ trong giới thi ca văn nghệ nhất là loại lãng mạn. Theo nghĩa riêng này thì Rimbaud là thiên tài mà Jung thì không.
Địa tài: là những nhà khoa học, những người có tài năng siêu vượt về ngành chuyên môn nào đó như Einstein, Planck…
Nhân tài: là những người có nhiều đức tính được phát triển đến cao độ và ở thế quân bình cả ba ý, tình, chí. Họ có thể là những triết gia, đồng thời bằng cách này hay cách khác có khả năng đi từ triết sang đến thi, đến nhạc, cũng như có thể đi vào các ngành chuyên môn, nhưng điều quan trọng nhất đối với họ là làm người trong cái nghĩa đầy đủ nhất của nó, tức là có liên hệ hàng dọc với trời đất và trong hàng ngang với con người, nói theo xưa là cả nội thánh lẫn ngoại vương. Và đó mới là những chí sĩ. Vì thế họ chú trọng đến sự biết sống cái sống của dân con với gia đình, quốc gia, thiên hạ cũng như tu luyện thân tâm.
Nhà phân tâm học Otto Rank phân ra ba loại người:
bình hành, thống kinh (nevrotic) và nghệ sĩ sáng tạo.
Bình hành (normal) là người chấp nhận các ước định xã hội như là của mình, nên sống như tất cả mọi người một cách tận tình. Đó là loại hiện thực được chữ hòa nhi nhưng thiếu chữ bất đồng. Đợt cao nhất của loại này là Thiện nhơn. Thứ đến là Thống kinh. Đây là loại người bất đồng với xã hội nhưng lại không hòa được với mình, không đủ tự lực tự cường, để vững đứng độc lập hầu thể hiện hết mọi khả năng tiềm ẩn của mình. Vì thế mà mang mặc cảm đủ thứ nhất là loại tự ti. Đây là loại người muốn vượt đợt thiện nhơn nhưng thất bại từ trong nội tâm, nói theo xưa có bất đồng mà thiếu hòa nhi. Loại ba là nghệ sĩ sáng tạo (creative artist) là người tự cường tự lập, hòa hợp với khả năng và lý tưởng của mình. Đây không là một sự chiết trung (compromis) nhưng là một nhân cách tự cường mới mẻ được xây dựng với ý chí độc lập biểu lộ một sự hội nhập cao độ nhất giữ ý chí và tinh thần, đó là một công trình hoàn toàn sáng tạo có cả hòa nhi với xã hội nhưng lại bất đồng để có thể tạo dựng được những dạng thức mới. 
Nhân tài trong Việt nho gần nhất với loại ba này, vừa hòa hợp được với xã hội ít ra trong một liều lượng cần thiết tối thiểu, để không ghế sang lối lãng mạn kiểu Hippi, nhưng một trật để có thể hiện thực được những khả thể tư riêng nhất hầu làm người hết cái cỡ độc sáng hơn cả. Do đó đối với luân lý, tục lệ họ theo nhưng không cho là quan trọng ít ra cách tuyệt đối. Với họ không thể có luân lý xã hội tuyệt đối. Vì thế họ khác với loại người bình hành của Rank mà lý tưởng được múc cạn ngay ở chỗ đồng lưu: conformisme social. Dồn cả 5 vào việc sống như người. Nhân tài cũng khác loại thống kinh ở chỗ giồn cả 5 vào chỗ
khác người nên đâm ra lập dị, mà tâm hồn lại không đạt cơ sở chính trực. Nhân tài đi theo liều lượng “tham thiên lưỡng địa” = ba trời hai đất. Hai đất hay là hai hòa hợp với xã hội với tha nhân, với công thức, nhưng còn ba trời là dành cho việc thể hiện tư cách, nhưng đức tính ứng hợp cho khuynh hướng với môi sinh của mình. Có như thế mới trông mình tìm được mình cũng như minh đóng góp vào trăm thứ hoa đua nở. Trăm thứ hoa chứ không phải trăm hoa cùng một thứ như trong các chế độ ưa đồng nhất hóa tất cả.
Đó là đại để ba loại thiên tài mà ta có thể gọi bằng ba tên khác là tài cán, tài hoa và tài ba.
Tài cán: thuộc ý như những nhà khoa học kỹ thuật (địa tài)
Tài hoa: thuộc tình chỉ các văn nhân thi sĩ nghệ sĩ lãng mạn.
Tài ba: thuộc chí chỉ những nhà lãnh đạo những tay kinh bang tế thế, những con người đầy đủ, những triết gia nhân sinh.
Thường tình người nay chỉ chú trọng đến hai loại trên. Địa tài thì được tôn sùng trong giới khoa học đến độ át các tài khác. Ngoài ra người ta cũng chú trọng đến thiên tài nhất là những đầu óc lãng mạn khác thường, đến độ đồng hóa tính lập dị cũng như điên loạn với thiên tài, bởi thứ thiên tài loại này thường có nhiếu chất điên dại (xem chẳng hạn The insanity of Genius, London 1893) chỉ có loại ba là ít được chú trọng. Thế mà nếu đặt câu hỏi nước ta cần đến loại nào? Thì hầu chắc phải thưa là nhân tài. Thiên tài không phải không đáng ước ao, nhưng có thể nói đó là những mảnh sao băng đột nhiên từ trời rớt xuống, không có sửa soạn, không hẹn trước, vì thế nó ở ngoài tầm sức con người, không thể dùng chương trình giáo dục mà sản ra thiên tài loại này được. Trái lại còn nên tránh là khác. Vì tài hoa thường nằm sát ngõ ba hoa, những lời quyết đoán hay chối bỏ của họ không mấy giá trị: quyết đó rồi chối đó không có chí bền vững, họ là loại
người đầy tình cảm mơ mộng mà thiếu chí, nên nếu đề cao những mẫu người này thì là giúp vào việc làm điên đầu thanh niên lúc nào không biết. Bởi vì trong óc các thiên tài loại đó thường rất giàu tài nhưng phân phối có thiên lệch: tài hoa phát xuất do sự giốc trọn bầu năng lực vào một cơ năng nào đó biến thiên tài thành một thứ quái dị: une faculté vampire absorbe toutes les autres fait de l’arttiste de génie un monstre = phải nói như Karl Jaspers rằng đó chỉ là những mẹo trừ chứ không phải là gương mẫu. Ce sont des exceptions, non des modèles. Hầu hết các thiên tài Âu Tây từ lối một thế kỷ nay đều là ngoại lệ cả, không cần bắt chước mà cũng không thể bắt chước. Ngạn ngữ La tinh nói “Quod licet Jovi, Non licet Bovi”.
Câu nói chơi trên hai chữ bovi (bò) và jovi (thần Jupiter): cũng là một việc mà thần Jupiter làm được, còn bò thì không nên. Cùng là cái nhăn mà Tây Thi nhăn thì làm lăn như điếu cả vua cả chúa, còn người vô duyên mà cũng đòi nhăn thì ra ma mút. Không thể thấy Rimbaud, Faulkner điên loạn sống bê tha mà rồi hô hoán để thanh niên có thể bê tha bừa bãi. Bởi chưng không phải vì lối sống bất chấp làm nảy ra tài kia mà chính bởi có tài kia nên mới có những khuyết điểm này. Vì không hiểu như vậy nên hàng ngũ Hippi mới trở nên đông đảo, và đó là một tai họa. Ở những nước giàu thình thì tai họa có thể bù đắp bằng nhiều lối, chứ như nước nhà bần hàn hậu tiến mà cũng đua hơi lối đó thì quả thực là một sự hư hại lớn lao. Riêng về địa tài hay là khoa học gia hoặc các chuyên viên thì đó là điều chương trình cần chú ý. Tiền nhân ta đã nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh thì chính là nói đến địa tài. Cho nên ở điểm này không có gì đáng ngần ngại. Trái lại ta có quyền sững sờ hỏi tại sao các nhà lãnh đạo nước ta không chú ý đến việc đào tạo gấp các loại kỹ sư như các nước tân tiến. Điều đáng mong ước là trong việc đào luyện chuyên viên nên dành chỗ cho việc học
đạo làm người để các chuyên viên khỏi đốc ra những người máy trút hết tình người chỉ biết cắm đầu hùng hục tìm sống cho riêng cá nhân mình mà thôi. Muốn thế cần chú ý đến loại tài thứ ba là nhân tài. Có thể nói đây mới chính là loại đặc sắc của Viễn Đông, mẫu người mà hầu hết các triết gia học giả lớn trên thế giới đều cho là bền vững nhất,thành tựu hơn cả cũng như tới gần lý tưởng hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới (Journal II.104) và đó mới chính là mẫu mực nên treo cao vì mọi người có khả năng tham dự vào việc hình thành nó ở một mức độ nào đó.
Theo Thorndike thì nhân tài có thể nhận diện theo ba tiêu điểm:
- Một là tác động mẫn tiệp (vitesse des opérations).
- Hai là sâu sắc đi từ nguyên lý xuống tới những hệ quả cuối cùng (la profondeur: qualité du génie allant aux conséquences ultimes).
- Ba là tài uyên bác, nhìn rộng thấy xa (l’étendue, embrassement large).
Đó là những đức tính thường được tổ tiên ta vun tưới. Trước hết là sự mẫn tiệp hay là khả năng trực giác được Việt nho tài bồi nhiều hơn hẳn óc la tập lý luận vì lối này đi chậm, còn trực thị tập được thì như thần: “không vội mà mau” (bất tật nhi tốc). Th ứ đến là sự thâm sâu đi đến cùng cực thì đó là lý tưởng đi từ cơ đến dụng = từ nguyên lý tối cao xuống đến từng chi tiết cũng đều được thấm nhuần linh lực của cơ. Vì thế khẩu hiệu của người quân tử là “quân tử vô sở bất dụng kỳ cực” ĐH 3 cùng nghĩa với câu “tout génie est radical”. Ba là quảng bác thì đó là hai bước đầu trong 5 bước học hỏi: bác học, quảng vấn là hai bước
phải đi trước ba bước sau là thận tư, minh biện, đốc hành. T.D. Nếu đi vào gọi là Minh là cao, thì đi ra gọi là bác là hậu. Nếu “Cao minh phải phối thiên” thì “bác hậu phải phối địa”. Và đó không là chi khác hơn là tinh hoa của đạo làm người được biểu thị bằng ngón chân thần Kim Quy bao gồm cả trời lẫn đất, cả khả năng bay bổng cung mây như tiên, cả tài lặn sâu vào lòng đất như rồng, gọi giồn lại là “con rồng cháu tiên”. Là cháu tiên phải biết bay bổng như các nghệ sĩ, là con rồng phải có địa tài như các nhà bác học khoa học kỹ thuật.
Vì người là nơi hội tụ của trời đất hay nói theo Loa thuyết con người phải có cả ý, tình, chí phát triển đến cùng mức độ có thể của mỗi người. Nếu ở thiên tài lấy sự bay bướm làm nồng cốt, lấy cơ năng du tưởng phóng tưởng (phantaisie) làm chỗ đặc chú (đó gọi là tham thiên) thì tài cán cần đến óc khách quan, bám sát thực tại, nói bóng là đứng cả hai chân trên mặt đất: đó gọi là “lưỡng địa”. Còn nhân tài thì có cả đầu đội trời như thi sĩ, mà chân đạp đất như nhà bác học, cho nên đức tính quan trọng nhất là thích nghi (types 64). Biết chú trọng đến cả hai loại giá trị trên kia để ước tính độ lượng phải pha trong từng trường hợp. Không thể như thiên tài coi thường tất cả những gì thực tế chẳng hạn những bước tiến trên phương diện nhận thức, cũng không như địa tài coi tất cả những du tưởng là vô lý. Nhân tài phải biết điều lý cả hai. Nếu gọi thi sĩ là văn gia còn bác học là chất gia thì nhân tài phải kiêm cả văn cả chất sao cho “văn chất bân bân nhiên hậu quân tử”. Muốn cho ý niệm về nhân tài được đầy đủ thì ngoài ba đức tính Thorndike kể trên có thể thêm hai nữa một là toàn diện tức cố gắng phát huy mọi cơ năng, không để cho một cơ năng nào choán hết chỗ lẽ ra phải dành cho các cơ năng khác. Hai là sự nhất trí trong hành vi tư tưởng: tất cả quy tụ lại một mối. Khi sự nhất trí bị rạn nứt, pha tạp, lung tung thì là người thường. Còn khi sự nhất trí vững chắc lâu bền, uyển chuyển thì đấy là phong thái của đại nhân, và đấy mới là loại nhân tài cần thiết cho nước cũng như cho bản thân và vì thế tiền nhân ta đã gói ghém vào truyện thần Kim Quy để dối lại cho con cháu muôn đời.
Đấy lẽ ra phải là hướng đi mà các nhà soạn thảo chương trình giáo dục cần để ý. Vậy mà thế hệ vừa qua chỉ toàn chú ý có thiên tài và địa tài mà không nói chi đến nhân tài. Nếu cứ đà này mà tiến thì một đàng sẽ thêm được những bác sĩ, bác học, kỹ sư vô hồn chỉ biết sống hùng hục như trâu mộng: ngoài đời sống sinh lý ra không còn biết chi đến những mối tình cao cả của con người, của tâm linh tiến hóa. Còn một số nữa thì chạy theo đủ loại thiên tài điên loạn trên thế giới, nếu không có gì quân bình lại thì phải lè lẹ mở rộng nhà thương điên ra gấp vô số lần như gương Âu Mỹ hiện nay.
Thế nhưng Âu Mỹ giàu vô kể, nên cũng có vô vàn khả năng tiến triển trước mặt, chứ như Việt Nam túng xác túng xơ chỉ còn một chút vốn liếng đạo làm người mà cũng vất bỏ thì còn chi nữa để mà xây Loa thuyết.

XI. QUÁ TRÌNH GIEO GẶT
Gieo gặt hay giá sắc là hai tiếng tối quan trọng nên đã chiếm trung cung ở ngũ hành để cùng nằm tàng ẩn trong Hồng phạm như hai động mạch và tĩnh mạch của tim đưa máu ra nuôi thân hút máu về để bồi bổ. Vì thế Kinh Dịch gọi là “thiên địa chi tâm”. Con người đạt “thiên địa chi tâm” khi nào tâm thức vượt khỏi biên cương cá thể, thí dụ không còn bị những rao động theo tư ý tư dục nhưng nhịp theo tiết điệu của vũ trụ vạn vật tức là vận hành theo đà của toàn thể, khiến những rao động gặp trong cuộc sống như bị nuốt trôi đi.
Vì thế con người đạt đạo thì sống với tâm hồn an lạc như bay lượn trong vũ trụ: tất cả đều trở thành thân thiện, đều trở nên như một với mình. Đó là trục tiến hóa mình phải theo nên cũng là lý tưởng tối đại của đạo học. Vì thế hai chiều giá sắc được nói đi nói lại nhiều lần bằng nhiều cặp danh từ khác nhau như giá sắc, hành tàng, nhất hạp nhất tịch. Nhất hạp: un engagement = đi vào xã hội.
Nhất tịch: un désengagement gỡ mình ra khỏi để vươn lên. Đấy là hai phong thái căn bản gặp thấy trong mọi nền văn minh với nhiều cách nhấn khác nhau. Ở văn minh Âu Mỹ thì nhấn trên giá, trên “nhất hạp” ta quen gọi là nhập thế. Còn ở văn minh An Độ thì nhấn mạnh trên sắc trên tịch = xuất thế. Văn minh Việt Nho bao hàm cả hai giá lẫn sắc, cả hành lẫn tàng, coi như nhau và cùng vâng theo một mục đích “hành tàng bất nhị quan”. Đây là một điều thọat nghe tưởng như trái tai, vì ngược với sự hiểu biết thông thường, bởi thường tình thì
Ra là ra
Vô là vô
Chứ không có cái chuyện nước đôi. Vì thế hầu hết mọi nền triết đều đi theo một chiều = đã hành thì thôi tàng, còn kiêm cả hành lẫn tàng thì đó là nét đặc trưng của Việt thời cũng gọi là Trung Dung và cũng vì thế mà đạo Trung Dung trở nên đức tính cao cả mà những người quân tử phải lấy làm cứu cánh và chỉ khi nào đạt được mới nhận ra đó là cái nhịp uyên nguyên phổ biến chứ không phải cái chi xa lạ cả. Vậy mà người ta cho là khó thì tại con người không hiểu được đạo lý, mà căn do không hiểu là tại chỉ nghe theo lý trí và tai mắt. Nhưng đó là những giác quan hạn cục, nên khi người ta chỉ dùng có chúng thì cũng chỉ
thấy cách hạn cục một chiều: đã thấy ra thì hết thấy vô. Mà ra cũng như vô đều chỉ là một mảnh không làm nên được cái toàn thể những là những phần thiết yếu vì thế bao giờ cũng có thể đề cao riêng rẽ hoặc giá hoặc sắc. Đề cao giá là đề cao óc thực tế, đề cao sắc là đề cao lòng thanh thoát trút bỏ, cả hai đều ơn ích đều cần thiết, nhưng khi thiếu cái nhìn toàn triệt thì mọi sự đề cao bên này sẽ dễ chối bỏ bên kia và như thế sẽ lâm vào nguy cơ căn bản là nhị nguyên. Nhị nguyên hỏng không ở tại sự phân biệt trong ngoài trên dưới, thị phi, nhưng ở tại nhận một bỏ một. Đã bỏ một thì là đánh mất đối cực cần thiết cho sự biến động
tức đánh mất xương sống của sự sống.
Bởi vậy nền triết lý chỉ đạt thân là khi nào giữ được thế quân bình động đích giữa hai đối cực: giữa giá và sắc. Một trong các phương tiện chính là sự bàn đến cả hai khía cạnh về phương diện quá trình hiện thực như trong Kinh Dịch đề ra đó là nhất hạp nhất tịch: hạp tịch tương kế hay là âm dương tương thôi, giá sắc tương nhập. Đấy là một chân lý ít được bàn tới. Đôi khi có thì cũng chỉ một chiều chứ không trong thế tương giao hai chiều. Chúng ta hãy đưa ra một thí dụ từ triết An.
1. Bốn đợt đạo tràng
Đọc triết An ta tưởng như đã có bàn đến hai chiều và hơn thế nữa một cách triệt để như
thấ hiện thực trong thể chế đạo tràng (ashram) gồm có 4 nấc:
Nấc 1 là lúc đi học đạo (cisya)
Nấc 2 làm chủ gia đình (grastha)
Nấc 3 vào rừng để tu (vânaprastha)
Nấc 4 trút bỏ trọn vẹn (bikhsu) (Z.42)
Hai nấc đầu tương đương với hai nét chữ Vạn trong Hồng phạm diễn tả chữ giá, hai sắc sau là hai nét Vãn diễn tả chữ sắc. Hai nét trên đi vào đời: nét trước học cho biết đời, nét sau thực sự kinh qua đời. Khi đã kinh qua đã nếm đủ mùi thì từ bỏ để giũ sạch bụi trần ai: ở nấc 4 cả hai vợ chồng cùng lìa nhau nốt, nhiều khi bỏ cả áo quần và không trú lâu duới một gốc cây đến ba ngày. Trút bỏ đến thế là cùng cực. Thể chế đạo tràng nói lên rất rõ cả hai chiều vạn vãn đầy đủ. Mới xem ta cho đấy là lý tưởng giá sắc, nhưng nhìn kỹ liền nhận ra là không hợp cho nền văn hóa nướcta, cũng như cho cả Tây Au. Hơn thế nữa ngay trên đất An nó cũng càng ngày càng trở nên xa lạ. Bởi đấy là một thể chế còn mang quá nặng sắc thái nhị nguyên, như ta có thể nhận xét trên hai điểm. Một là thể chế kia giả thiết sự phân chia đẳng cấp, nên chỉ lập ra cho tăng lữ mà thôi, thiếu tính chất phổ cập cho toàn dân. Hai là ngay trong việc thực thi nó cũng bao hàm nhị nguyên ở chỗ rút ra quá triệt để, đến độ chối bỏ đợt trước: cắt đứt mố cầu tương giao giữa hai đợt, và chỉ còn một chiều vãn thôi, đến nỗi nét đó trở thành yếu tố định tính văn minh Ấn Độ, y như văn minh Tây Âu được định tính bằng nét nhập: nhập đến độ dọc dài 25 thế kỷ triết học không thấy bàn tới sự trở lại với thân tâm, nên kể là cái học vong thân trục vật. Đối chiếu như thế ta sẽ nhận ra nét quân bình của Việt nho trong câu “xuân tế Đế thu tế Thường”. 
2. Xuân tế Đế, Thu tế Thường
Có thể nói văn minh Việt nho cũng chia ra 4 nấc và đặt tên theo mùa. Hai mùa ra gọi là Xuân tế Đế. Hai mùa vào gọi là Thu tế Thường (chữ hán) và như vậy là giống An Độ. Đế có nghĩa là chinh phục ở hàng ngang hiện tượng: như đi học, mưu sinh, lập gia đình giúp vào việc cải thiện xã hội… Còn tế Thường là chỉ đời sống tâm linh, văn hóa, đạo lý, song khác Ấn Độ ở chỗ không đi tìm Thường Hằng tự thân độc lập bên ngoài đời sống nhưng tìm ngay trong đời sống thường nhật, ngay trong việc ăn làm. Như vậy là có giống An Độ ở chỗ chú trọng đến chữ vãn, chữ sắc, chữ tàng. Nhưng lại khác với An Độ ở chỗ vãn không lìa vạn, sắc gắn liền với giá và “hành tàng bất nhị quan”. Nói khác thì với Việt nho:
Trong Đế có Thường
Trong Thường có Đế.
Chỉ khác nhau về mặt nhấn hầu cho thích hợp với những tiết nhịp uyên nguyên của vũ trụ vẫn gồm cả vô một trật, cũng như hợp bản chất lưỡng thê của con người có tụ có tán, y như thức ngủ chen nhau vậy. Đời sống con người triển diễn như một vật sống động, tất cả đều theo 4 nấc là:
Thành, thịnh, suy, hủy
Rồi lại có 4 bước vòng trong là:
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh
Nếu sống một chiều thì trọn đời tế Đế tức chạy vòng ngoài, còn khi sống đúng đời lưỡng thê thì phải chú ý đến cả hai: nửa đời về trước thì chú ý nhiều đến Đế, nửa đời về sau thì chú trọng nhiều tế Thường. Như vậy cũng là tế (tức nhấn mạnh) nhưng trên hai quỹ đạo khác nhau: nửa trước nhấn trên quỹ đạo bé nhỏ là ăn làm, nửa sau là quỹ đạo lớn lao thuộc thành nhân, thành thánh, thành thần. Cho nên sự thâu gặt (sắc) không còn nằm trong cùng một bình diện với nhất hạp nhưng là trên bình diện tâm linh gọi là sắc tức thâu hồi cái tâm đã phóng ra, đó là cùng đích của việc học. Mạnh VI.11: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ, chữ hán”. Đấy là lối sống no tròn hơn hẳn hai lối kia. Ở lối sống duy nhập thì cuối cùng sẽ thấy tất cả đều là sự trống rỗng. Tế Đế đến chừng 40, 50 tuổi thì được lắm; thi cử, ve gái, cưới vợ, làm áp phe, tiệc tùng, văn nghệ v.v… Tất cả đều có tính cách vui nhộn, rộn ràng, thích thú… nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu suốt một đời người từ bốn năm mười trở đi cũng vẫn một thị hiếu như trước, thì quả là đời sống vô nghĩa đáng buồn nôn, như nhiều học giả đã nhận định về đời sống hiện đại. Nhận định như vậy là đúng. Con người là vật cao cả mà đời sống chỉ bó quanh việc cầu cơm, du hí thì còn chi chán ngấy cho bằng. Bởi vậy từ 40 đến 50 tuổi thường xảy ra trong tâm hồn những hiện tượng của một cuộc hồi xuân. Tiếng hồi xuân thường hiểu về sự phục họat khả năng dục tính, nhưng thực ra đấy chỉ là tiếng cồng ra lệnh thu quân, bảo phải thu dọn chiến trường để bắt đầu lái đời sống đi lên một vòng xoáy ốc cao hơn, khác hơn trước. Thí dụ nếu là học giả thì cần đi tìm cái chân thực thâm sâu hơn là tiếp tục tìm những cái mới mẻ kỳ lạ lúc trẻ. Nếu không nhận ra sứ điệp trên mà cứ kéo dài tính tò mò vụn vặt, mỗi ngày vẫn đọc kỹ hai ba tờ nhật báo, một số tiểu thuyết văn chương… thì đó là một thảm trạng vì khó lòng đạt được cứu cánh con người, của con người lưỡng thê với hai quỹ đạo: cắm đầu chạy theo một chiều là làm hư cả một kiếp người. Bởi thế chính thiên nhiên cũng giúp đỡ con người bằng gởi đến cho những tín hiệu vào tuổi mà tôi gọi là lộn tóp chanh (xảy ra chung quanh tuổi 40-50) tức lộn một phần bên trong ra ngoài hầu giúp con người chú ý tới “đời sống nội tâm”. Bên trong của đàn ông là âm, bên trong của đàn bà là dương, nhưng đến tuổi lộn tóp chanh thì đàn ông một ít bày phía âm ra ngoài: mặt dịu hiền lại, bụng to ra… Còn đàn bà thì mặt có vẻ gia thêm cứng cỏi (virilisé), nhiều bà sửa soạn ngay từ tuổi 30, nên ca dao nói “gái 30 tuổi đã toan về già”. Chưa đâu, còn chán chơi, đó là mới sửa soạn xa thôi. Mạn Nam Pháp gặp thấy ba sơ mọc râu, có người cho là tại tiêm tinh dịch dương. Người biết chuyện thì hiểu là đã đến lúc các bà phải quay về nội tâm tiềm thức, mà tiềm thức đàn bà lại thuộc dương (âm trung hữu dương) nên mặt mất duyên dần nhiều khi có cả râu như đàn ông, thì đó là chuyện “hết nạc vạc đến xương”, hết thời ngoài âm đến thời ngoài dương, hết thời ý thức phải chú trọng đến tiềm thức. Vì thế nhiều người đến tuổi đó cảm thấy chán dần những công việc hay cuộc chơi mà trước đó họ lao hết mình vào. Sự chán ngấy này là dấu tâm linh hợp với những dấu sinh lý nói trên làm thành những tiếng gọi con người trở lại với mình. Sở dĩ thiên nhiên phải nhắc nhở như vậy vì việc trở lại đi ngược chiều nên là một công trình đòi lắm công phu. Nếu không một lần dứt khoát thì rồi lại tiếp tục sống như trước.
3. Cơ năng và đối tượng
Xét về cơ năng thì giai đoạn tế Đế cần đến ý chí theo nghĩa volonté. Cần chuyên luyện cho ý chí được cương quyết để sửa soạn gánh vác việc đời. Nhưng đến giai đoạn tế Thường thì lại chuyển sang sự liễu hiểu: compréhension tức là lối hiểu biết cả bên trong nữa (compréhension cùng bắt lấy cả bên trong gọi là Minh Triết). Nếu chỉ có bên ngoài thì là trí thức thuộc lý trí savoir. Phải có bên trong nữa mới là liễu hiểu mới là minh triết thuộc duệ trí. Vì thế mà có hai lối học khác nhau. Ở tế Đế là thâu lượm cho nhiều kiến văn kiến thức. Ở tế Thường lại là đi sâu. Ở tế Đế nhấn mạnh đến hai bước “bác học, quảng vấn” còn ở tế
Thường thì phải nhấn trên ba đợt thận tư, minh biện, đốc hành. Do đó trong lối hành xử cũng có sự khác nhau. Nếu lây câu “hòa nhi bất đồng” mà nói thì ở giai đoạn tế Đế hai chữ “hòa nhi” là trọng. Đó là đức tính thích nghi “principe d’adaptation” rất cần cho những người sửa soạn vào đời, tức là gia nhập cuộc sống mà trong đó có rất nhiều ý chí khác ý của mình, cũng như những cảnh ngộ, những biến cố xa lạ, có khi đi ngược hẳn với những điều mình dự tính: tất cả đều hợp lực để bó tay mình không cho hiện thực các kế hoạch đã cưu mang. Vì thế đối tượng ở giai đọan này là sự kết đoàn, là dòng tộc (famille, espèce) là hy sinh cho người khách, cùng với người khác. Bởi vậy đây là giai đoạn cần đến nguyên lý thích nghi, uyển chuyển, quyền biến. Người thiếu đức tính này rất dễ thất bại, nên hòa nhi là chữ tối quan trọng cho con người sống trong đoàn thể, gọi tắt là dân. Nhưng con người không chỉ là dân mà còn là nhân nên cần đến vế sau là bất đồng. Thiếu nó thì người ta dễ trở thành “đồng hồ lưu tục” tức cái gì cũng cố gắng làm như người khác không biết chi đến việc khẳng định nhân cách của mình. Người có nhân cách thì sẽ nhận ra sau “hòa nhi” phải biết “bất đồng”. Nhiều trường hợp cần phải bất đồng, nhất là trong những việc không thiết yếu cho đời sống công cộng thì có bất đồng mới duy trì được bản sắc riêng, và hơn nữa mới làm tròn sứ mạng của con người là đạt đợt tâm linh tức là phần linh thiêng vi tế. Con người là vật lưỡng thê có nội và ngoại. Ngoại là phần sinh sống tiếp cận với sự vật khách quan, nên càng đồng càng mạnh, nhưng phần nội đi vào chủ quan thì không ai giống ai, và chỉ có sự đi theo tiếng gọi thâm sâu của lòng mình mới giúp đặt chân được vào vòng sinh sinh tiến hóa.
Trong Lạc Thư Minh Triết đã nói đến hai đợt hồn khóm và hồn thần. Hồn khóm có tính cách đoàn lũ hợp cho bước ra làm dân; nhưng còn bước vào làm nhân thì cần hồn thần, mà thần không đồng hóa với bất cứ cái chi vì thế về điểm này cần độc lập, không nương dựa vào đâu. Chính vì đó nhiều người xưa xa lánh đời, thích những nơi vắng vẻ, cô tịch. Vậy nên ở giai đoạn trước thì giáo dục cần nhấn mạnh đến tính cách cộng đồng xã hội đoàn thể, còn ở giai đoạn hai văn hóa cần đến tự do, độc lập. Xã hội cộng sản là trình độ thái thậm của đoàn lũ hóa đi ra đến cùng cực. Thái độ của những người theo Thiên Tông, Lão Trang v.v… lẽ ra phải thuộc giai đoạn hai “bất đồng” nhưng nhiều người nhấn mạnh bừa bãi không trúng lúc, thí dụ đối với học sinh trung học đã hô hào giũ bỏ kỷ luật quy ước để nghe theo tiếng gọi của lòng, thì tỏ ra không biết đến thời gieo thời tác động mạnh của bản năng, rồi sau mới đến lý trí mà có lý trí thì mới có nội dung. Hô tự do sốm quá là tỏ ra chưa có vào đời, còn thiếu kinh nghiệm, để có nghiệm phải có kinh nghĩa là đã trải qua nên cũng gọi là từng trải, từng là đã trải qua. Có thế sự biết mới giàu nội dung: có kinh mới nghiệm.
Hô cho trẻ rút lui sớm quá thì như những người nữ tu thần lửa (vestal) cả đời son đẹ, thiếu nội dung phong phú. Còn nếu ở lỳ lại trong đoàn lũ, trong xã hội thì lại là tự nô lệ hóa. Vậy để cho đời vừa phong phú vừa đi sâu đến độ no tròn thì giai đoạn hành nên nhấn hai chữ hòa nhi, đến giai đoạn tàng thì cần “bất đồng” để gỡ mình ra khỏi đám đông, đặng chu toàn phần tâm linh đại ngã. Đấy là quan niệm sống trọn vẹn đã được trình bày trong Kinh Dịch.
Chúng ta cần đặt lại trước mắt để minh tâm khắc cốt.
4. Biểu tượng “sinh sinh”
Sinh sinh chi vị dịch, chữ hán
Tinh thần dịch là sinh sinh
Sinh sinh có nghĩa là hai lần sinh 
Một lần sinh vào lối sống dị biệt phồn đa
Một lần sinh vào đời sống thống nhất.
Thiếu đi một sinh là không thành tựu được tính bản nhiên con người vốn là lưỡng thê. Bởi vậy cần phải sống hai mặt, mặt ngoài ý thức lẫn mặt trong tiềm thức, mất đi bên nào là đời sống sẽ què quặt thiếu sót. Tất cả các triết thuyết trên thế giới cho tới nay đều thiếu sót, không viết nên nổi chữ Hòa: bên Au thì quá rõ với cái triết thuyết biểu tượng trục vật vòng ngoài, bên Ấn thì tưởng là có vòng trong vì tự đầu luôn luôn hô trở vô, nhưng vô sớm quá thì thiếu nội dung, vì đã ra đâu mà có thể trở vô? Khinh chê những giá trị bên ngoài thì lấy chi làm đối cực cho bề trong, bề nội. Một triết lý chân chính phục vụ thực sự con người phải là triết lý “hợp nội ngoại chi đạo” và đó là triết lý Việt nho biểu lộ tro ng sách Dịch. Ở đây bàn đến biểu hiệu lớn nhất là hai lối xếp 64 quẻ thành hai hình tròn vuông.
Vuông chỉ đất chỉ ngoại
Tròn chỉ trời chỉ nội
Xếp đặt như sau (hình dưới đây đã được đơn giản để dễ nhận ra chiều tiến hóa).
(Hình)
Hãy rút ra một vài chân lý hàm ngụ trong đồ biểu trên.
Tròn vuông đồng thời, đồng nơi, nên Tròn bao lấy vuông, mặc dầu Vuông tròn đi ngược chiều, nhưng cốt để chỉ Hai đợt sinh sinh xoắn xuýt lấy nhau.
1) Tròn chỉ trời chỉ nội tâm hiện diện đồng thời với vuông chỉ đất chỉ ngoại. Mặc dầu có phân biệt nội ngoại nhưng nội ngoại không bao giờ li cách, đó là nền tảng cho câu đạo không được lìa đời và lìa đời mà đi tìm đạo là chuyện huyễn hoặc. Chính vì liên kết không thể li lìa dù chỉ một giây “bất khả tu du lị dã” nên không nên c hia theo lối nhị nguyên một nửa lu bù ăn chơi trác táng đã đời rồi nửa sau sẽ đạo đức rũ cu li. Làm thế là lầm tưởng rằng đạo đời có thể li biệt.
2) Vì vậy không thể chọn một bỏ một mà chỉ có thứ lớp tôn ti tức là “tham thiên lưỡng địa” trời ba đất hai hay là lấy tâm (ba) trùm cảnh (hai) hoặc lấy tinh thần thấm nhuần thấm vật chất để cho vật chất và tâm linh thống nhất vì hai đàng không thể li biệt. Hầu hết con người lầm ở điểm này đề cao tinh thần đến coi khinh xác, tưởng vậy là cao, hóa ra cao tưởng tượng. Cao thật là tất cả đều lên, nội ngoại xoáy ốc cùng tiến lên. Không có cái vụ tinh thần đi lên một mình được.
3) Vì thế mà đồ biểu nói lên tính chất ngược chiều, ngoài đi ngược trong. Đấy là một sự ngược chiều quan trọng vì thiếu thì sẽ mất liên hệ biện chứng vốn cần hai cực. Đánh mất một cực là đánh mất biện chứng, đánh mất tương quan tức mất phạm trù nền tảng của triết lý nhân sinh. Thiếu nó là thiếu tất cả, là đánh mất nét gấp đôi và con người tất trở nên một chiều. Bởi vậy toàn quyển Kinh Dịch đều nhắc nhở rằng đời sống như là con đường có hai đợt, đợt ngoài khác đợt trong. Đợt ngoài mạnh về tán, đợt trong mạnh về tụ. Đợt đầu từ quẻ cấu (số 44) đi tới quẻ khôn (số 32) xoay về bên hữu chỉ chữ vạn. Quẻ cấu mới có một
chút âm bên ngoài (tận cùng) theo đường tiến đó thì âm thêm lần cho tới quẻ khôn thì toàn âm tức con đường tiến ra đa tạp, học hỏi, tất cả cho đến cùng độ là bác vấn, cũng như ăn làm cho tới lúc có cửa nhà, con cháu, chắt chít. Từ lúc ấy mà còn cứ tiếp tục bôn ba chao vát thì là trục vật, vì thế phải sửa soạn mừng lễ phục sinh (quẻ 24). Lễ Phục sinh của Triết xảy ra vào quãng quá nửa đời người chung quanh lúc có chắt. Vì có chắt là xong nợ với việc truyền giống để sửa soạn cuộc sinh thứ hai xảy ra vào quãng từ 40-50 tuổi. Quẻ Phục vừa thoát khỏi vùng khôn nên có một dương (cuối cùng). Từ đấy dương lớn lên dần cho tới quẻ Kiền thì toàn dương. Thế là theo luật tuần hoàn trở lại điểm đã phát xuất, có vậy mới đạt cứu cánh của con người. Cho nên tuổi hồi xuân là tuổi tối quan trọng, đấy là lúc thânxác đã phát triển đến cùng cực không thể lớn hơn hay phát huy thêm. Thế mà tâm thức vẫn muốn tiến, tiến nữa vì nó có tính cách vô biên. Bởi thế đó chính là lúc phải khai hỏa tầng thứ hai để thoát ra bay sang quỹ đạo vô biên của vũ trụ. Nếu không như thế thì sẽ dần dần thấy mình bất mãn với mình, vì không đi theo tiếng gọi sâu thẳm của con người Đại ngã, khiến cho những gì trước kia mang lại cho mình đầy thích thú, đến nay dần dần trở thành thói quen không mấy khêu gợi, nên càng lâu càng thêm chán ngán. Những gì trước đây mình cho là tối quan trọng thì bây giờ chẳng mấy quan trọng, ngược lại những cái tưởng không quan trọng thì lại thêm quan trọng. Nếu biết tuân theo sự ngược chiều đó thì sẽ khởi đầu cho cuộc tiến mới, một cuộc chinh phục khác trước, chinh phục trong cõi tâm linh, khiến cho đời sống trở thành một mùa xuân mới. Có thể gọi là trùng xuân vì nhận thức ra những khả năng mới lạ thuộc đợt tâm linh man mác, bơm một luồng sinh khí luôn luôn mới “nhật tân chi vị thịnh đức”. Đó là bí quyết tại sao nhiều người càng già càng giẻo càng giai càng vui tươi. Đó cũng là lý do khiến rất nhiều triết gia, học giả cho là Viễn Đông duy nhất đã tới gần được lý tưởng văn hóa: “Le seul peuple qui ait jamais approché l’idéal de la culture. Journal II.433 Keyserling. Là vì đã có một nền triết xây trên hai chiều giá sắc vậy.

XII. THỜI TRIỆU TÂM LINH
1. Ngập ngừng khi bước chân ra
Thế hệ các cụ xưa có thể yên tâm theo Tàu.
Thế hệ liền trước chúng ta có thể yên tâm theo Tây.
Nhưng đến lượt chúng ta thì hết rồi: sự yên tâm trước kia nhường bước cho nghi kỵ, chán chường, thất vọng để rồi trở thành lạc lõng. Bởi chưng Tây Âu hơn ta về văn minh kỹ thuật giàu sang thì đó là điều hiển nhiên; nhưng cũng lại hiển nhiên là sự kiện Tây Âu đang trải qua giai đoạn hoang mang cực độ đến nỗi nhiều người đã nói to lên rằng “La gloire de Dieuvient par la voie de l’Est” dit Ezechiel, Jérémie, Isaie et Psalmiste assurent à leurs lecteurs que tout le mal sous le soleil vient du Nord et de l’Ouest!... Ánh vinh quang của Chúa phát xuất từ phương Đông. Các tiên tri đồng thanh nói mọi sự dữ đều đến từ phía Tây Bắc. Đây không còn phải là việc khoe mẽ hay sĩ diện gì nữa, nhưng là sự liên lụy đến vận hệ tổ quốc chúng ta, vì câu trên không còn là một câu nói suông nhưng đang hiện thực trên quê nước này bằng máu và nước mắt. Rồi nếu giật lùi về dĩ vãng xem bao trùm dòng lịch sử nước nhà, ta cũng lại thấy tiên tổ từng đã bị những làn sóng xâm lăng Tây Bắc đổ xuống đàn áp phá hoại. Có lẽ vì thế mà huyền sử nói đến Thục An Dương Vương tự phía Tây đi lại, nói đến Trọng Thủy từ phía Bắc mà đến. Rồi ngày nay làn sóng cộng sản khởi lên từ Tây Âu
cũng tràn qua phía Bắc đến nước Việt Nam này, để kiện chứng câu trên và điều đó làm chúng ta đứng khựng lại trên bước tiến. Vì tiến như vậy cũng là tiếp tục gieo rắc trên quê hương đau thương và nước mắt. Thế nhưng bài trừ Tây Âu cũng không được vì Tây Âu còn biết bao giá trị chân thực nằm xen kẽ với những mầm mống gây chết chóc. Bởi vậy mới có tâm trạng ngập ngừng không biết nên theo hay nên bỏ.
2. Sơ đồ Loa quốc
Đang lúc phân vân lưỡng lự chúng ta như nghe tiếng u linh của “Thanh giang sứ giả” rằng lúc này đường lối không còn là Đông hay Tây nữa, những là tổng hợp trong một mô thức mới hẳn. Nếu muốn nói đại dương thì tổng hợp sẽ gồm cả cũ lẫn mới, cả cơ cấu toàn bích của sơ nguyên, cũng như các giá trị thiết thực của hiện đại. Nói khác Tây Âu có rất nhiều giá trị lẻ tẻ nhưng để rời rạc như nay thì mang tính chất phá hoại, còn khi tổ hợp vào mô thức sơ nguyên kia thì sẽ trở nên ơn ích cho con người.
Và mô thức đó có hình dạng của Loa thành. Lấy cơ năng con người mà nói thì Loa pháp gồm cả ý, tình, chí. Đó là ba tiêu điểm làm thành một vòng tròn. Nên khi tâm thức con người đạt được thì gọi là chu tri, tức là cái biết tròn đầy có sự tham dự của ý, tình, chí. Được như vậy là đạt một vòng và khi hết thì lại khởi đầu một vòng mới khác rộng hơn vòng trước với những khả thể mới cao hơn: cứ như thế mà chồng chất nhiều vòng lên nhau để làm thành đường tiến xoáy ốc có nhiều tầng. Khi nói Loa thành có 9 tầng thì là vậy. Nhưng trước khi bước lên một vòng mới thì có một cơn rao động khá mãnh liệt để đủ sức rũ bỏ vỏ cũ đặng thâu hóa những yếu tố mới rộng lớn hơn. Ta có thể phác họa đại cương con đường tiến như thế này. Bước đầu là ý thuộc vòng ngoài, vì đối tượng của ý là hiện tượng, thuộc quyền giác quan và biểu tượng của lý trí. Khi bước ngoài đã khá vững thì bước vào vòng trong là chí. Chí với Tính hay Tâm là một, gọi chung là Thể mà dụng là tình. Vì thế tình có thể coi như trung gian nối ý hiện tượng với Chí tâm linh. Khi ý đã nối được với chí, khi tâm linh đã nhuần thấm trọn vẹn phạm vi ý là hết một vòng tiến hóa. Bấy giờ lại sửa soạn một vòng tiến mới với ý lớn gấp đôi vòng trước. Vì ý vòng sau to hơn, nên tình lại cần tác động mạnh hơn nữa để ý được linh nhuận do chí đợt sau. Và cứ thế một ý một tình để đạt chí mà tâm thức con người tiến bước. Và tiến như vậy gọi là Loa đạo. Mỗi bước tiến mới phải rũ bỏ những vỏ cũ. Ý ở thời duy trí phải rũ bỏ tính chất độc tôn, độc hữu để nhận vỏ mềm giẻo do tình chí mới đưa lại. Nếu quan niệm như thế thì cơn khủng hoảng hiện nay có thể được coi như bệnh sốt rét vỡ da để trút vỏ cũ. Nếu muốn xác định phần nào tính chất của những yếu tố cần trút bỏ hiện nay thì ta có thể ý cứ vào điểm chuyên biệt của không thời, tức của mỗi khu vực văn minh như thời đại.
3. Tang tính tình
Bàn về nét đặc trưng của khu vực văn minh ta có thể nói rằng tuy nền văn minh nào cũng phải gồm cả ý, tình, chí nhưng nếu lấy về nét nhấn thì có thể định tính văn minh Tây Âu bằng ý, Ấn Độ bằng chí, Việt nho bằng tình.
Ý: được phát triển bằng khoa học và ý hệ, theo đó triết học được coi là hệ thống những ý niệm về sự vật.
Tình: được phát triển bằng nghệ thuật, triết lý xây trên nghệ thuật hơn trên lý sự.
Chí: là đạo học đặt trên tâm linh. Xem bảng trên ta có thể ví ý với đất, chí với trời. Nếu muốn bắc thang lên hỏi ông trời phải dùng tình. Ca dao ta quen hát “tình tang tính” cũng bao hàm ý đó: tự tình của con người đang sống giữe những hiện tượng cụ thể có tang tích mà vươn đến tính thiên mệnh. Bởi chưng tình là dụng của tâm, nên phải đi ngõ tình mới đạt tới tâm. Vì thế tình xuất hiện như gạch nối giữ ý và chí. Chính nhờ tình mà ý không la đà mặt đất, cũng như chí không trừu tượng cung mây. Cho tới nay ba nền văn minh đã phát triển trong những khu vực riêng biệt tứ có đủ môi trường để nhấn mạnh trên ý, tình hay chí. Nhưng từ vài thế kỷ vừa qua thì văn minh Tây Âu đã đem ý để đè bẹp hai nền văn minh tình chí của Đông phương. Vì thế đã làm mất hòa điệu nhịp nhàng của Tình tang tính, Tính tang tình.
Và như vậy văn minh tang nằm dài trên hiện tượng thiếu yếu tố nhân tình và thiếu tính. Nói theo lược đồ của Auguste Comte phác họa thì Âu Tây bước từ tôn giáo sang siêu hình (ý) rồi khoa học (cũng ý). Như vậy là đã nghiêng quá nặng về ý, cho nên gặp phải nhiều khó khăn không thể giải quyết: chạm vào vấn đề nào cũng bị mắc kẹt giữ hai gọng kìm nào là giữa tư bản với cộng sản giữa tự do với chuyên chế giữa ý hệ với tình rười ruợi…
Vài thí dụ trên đủ cho biết là nó quá tin vào lý trí. Nhưng lý trí chỉ tốt cho việc học hỏi, phân tích, khám phá hiện tượng… còn khi phải quyết định thì bao giờ cũng mắc vào gọng kìm nhị nguyên vì vậy đó phải là việc của toàn thể gồm cả ý, tình, chí, cũng gọi là tâm linh. Vấn đề được đặt ra ở đây là đã đến giai đoạn tâm linh hay chưa? Thưa rằng chưa, tuy nhiên ta có thể tìm xem đã có được những dự triệu nào báo tin giai đoạn ấy.
4. Những dự triệu của tâm linh
Hầu hết người ưa thời mẫn thế hiện nay đều ca thán về những suy đồi, những hiện tượng thiếu niên phạm pháp, sự mất hướng của con người. Điều đó có thức, nhưng nhận định như vậy chưa đủ sâu để nhìn ra những dấu hiệu định tính của thời đại, mà trong đó phải kể trước hết đến nỗi băn khoăn khắc khoải muốn đi lên của con người. Hãy lấy thí dụ Hippi mà nói: nhiều người tưởng Hippi toàn là tụi đàng điếm ăn chơi vui nhộn y như bao nhiêu đám phá bĩnh xưa kia. Thực ra không phải vậy. Nếu ta quan sát kỹ sẽ thấy đó không chỉ là tụi phá bĩnh kiểu không được ăn đạp đổ. Trái lại phần đông họ có được ăn nhưng không thèm ăn, họ là những con nhà giàu ở các nước giàu nhất trên đời. Họ phản kháng không vì thiếu nhưng vì thừa. Họ phá bĩnh là cốt để phỉ nhổ vào nền văn minh hiện đại mà họ cho là trống rỗng. Họ có quá nhiều lý do để phản kháng như vậy, vì cho tới nay chưa nền văn minh nào đã gây nên tâm trạng xao xuyến trầm trọng sinh ra vô số bịnh thống kinh bằng nền văn minh hiện nay nên rất đáng cho họ phá đi đặng thiết lập một xã hội mới. Như vậy sự phá đổ chỉ là để nói lên lòng chân thành muốn xây dựng. Đấy là một dấu báo hiệu thời tâm linh. Cho nên họ phá hoại vì không tìm ra hướng đi, không ai nói lên cho  họ hướng đi. Và đấy mới là then chốt. Chúng ta hãy rảo qua cửa mấy thực thể có nhiệm vụ chỉ đạo xem hiện tình đến đâu, và trước hết là đến gõ cửa triết học.
Nếu chúng ta chịu đọc kỹ các tác giả lớn của triết học như Schopenhauer, Nietzsche, Jaspers, Keyserling, Karl Jung, Heidegger… thì đều nghe phát ra tiếng thét la hoảng về sự trống rỗng tinh thần của triết. Spengler đã không ngần ngại tuyên bố tất cả các triết học gia Tây Âu đều đui mù trước đời sống (tous nos philosophes sont aveugles) (Déclin). Câu ấy tóm gọn và rất khéo tình hình triết học hiện đại. Tất cả đều hí hoáy với những vấn đề tủn mủn thuộc tri thức pháp, ngoài ra không đặt nổi được những vấn đề then chốt cho đời sống con người. Tôi bảo đó là những nền triết đã đánh mất liên lạc với Minh triết, nên trở thành bất lực trước cuộc đời.
Bây giờ chúng ta hãy ghé thăm tôn giáo: ngoài sự mất tín nhiệm với con người, chúng ta còn nhận thấy một tình trạng trầm trọng hơn nhiều đó là sự mất lòng tự tin. Trong hội nghị các tôn giáo tại Genève năm rồi (Congrès des églises à Genève 9/1970) có lời tuyên bố là các tôn giáo đã hết uy tín và thẩm quyền dạy luân lý. Nói thế là vì mọi nền luân lý trước đây đều mang tính cách địa phương và cấu kết với quyền bính thế tục, không còn thể hợp nữa cho con người đang bước vào giai đoạn toàn cầu với tư tưởng liên hành tinh, nên đang cần một nền luân lý phổ biến hơn, phóng khoáng hơn. Vì thế mà ở rất nhiều nơi người ta nhận thấy mọc lên từng trăm từng ngàn những nhóm nhỏ (under groupe) đứng độc lập bên ngoài mọi giáo quyền, với hy vọng có thể hướng về linh thiêng hiệu nghiệm hơn, mặc dầu chưa biết dạng thức như thế nào nhưng ít ra không bị ràng buộc trong những nghi thức đã trở thành trống rỗng và máy móc. Hiện nay hướng đi chung của họ là muốn quay về phụng sự con người cách chân thực. Vì thế trong sự đánh giá, người ta càng ngày càng căn cứ trên khả năng cũng như uy tín cá nhân nhiều hơn là trên chức nghiệp hay quyền uy như trước. Đấy cũng là dấu con người đang từ giã những hành ngơi bên ngoài để đi sâu vào nội tâm. Vì thế ta có thể nói nét đặc trưng của thế giới hiện đại không phải là sa lầy vật chất như các nền luân lý quen nói, nhưng là ở tại giũ bỏ các vỏ cũ để đi tìm những gì vươn lên. Còn những giá trị tinh thần cũ bất cứ thuộc tôn giáo, triết học hay văn hóa, luân lý, quyền uy nào, tất cả đều không được chấp nhận nữa.
5. Kim Quy đạo
Không chấp nhận vì cũ rồi, không hợp thời nữa: cố lắp lại là thiếu thành thực. Bởi thời trước nếu không là của thiên thời thì cũng là của địa thời. Đã đến lúc thiết lập nhân thời với những phức thức tâm linh tự lập. Bởi tâm linh tuy cũng là u linh nhưng không đặt căn cứ ở bên ngoài con người nhưng đặt ngay nơi người và trong thâm cung của nó. Đó gọi là “vuốt chân kim quy” hoặc là Kim Quy đạo hay Quy lịch nó ở tại chỗ giao thoa của đức trời đức đất (nhân giả kỳ thiên địa chi đức) tức là con người phải là nền tảng rồi tự đó mới vươn lên trời tỏa ra đất. Vì thế mà nhân đạo được biểu thị bằng Kim Quy là giống có lưng đội trời khom khom cật, chân đạp đất choãi choãi đều. Cho nên muốn xây được thành, tức thành nhân đạo thì phải “lập đông môn vọng chi” nghĩa là từ bỏ những cái gì quá đất cũng như quá trời để được thấm nhuần đạo người. Vì thế đây phải là nền tảng cho một nền quốc học nhập cuộc: có nét dọc tâm linh nhưng lại cắm thẳng xuống hàng ngang biểu tượng, làm thành vòng tiến xoáy ốc vo vô biên để tiếp cận với nguồn sống bao la bát ngát mà nguyên lý của nó là Chí Trung Hòa.
Và ta có thể diễn đạt lối khác là con đường tiến hóa phải tự xa vào gần như sau:
Người Thái cổ hầu như chưa phân biệt mình với sự vật bao quanh là tại đã chiếu giãi tiềm thức của mình trên ngoại vật: hòn đá, khóm cây, con vật… Do đó cái chi cũng biết nói, cũng cảm xúc như người. Đó là đợt bái vật chiếu ra xa nhất.
Nhưng tâm thức con người tiến dần về gần và dấu hiệu là thâu hồi cái tâm đã phóng ra kia: do đó sự vật, cây cối dần dần im tiếng cuối cùng không biết nói nữa, rồi trở nên câm lặng. Thế là dấu con người đã thu hồi được một mớ quyền năng tâm thức về cho mình. Tuy nhiên cuộc thâu hồi chưa xong: sự trở về với người chưa đủ sâu nên con người còn trì diên lại trên sự vật: trục vật, lo hoàn bị sự vật, kỹ thuật mà bỏ bê thân tâm. Hiện nay con người đã khởi đầu nhận ra tình trạng vong thân đó và đang làm một cuộc cách mạng ở tại đưa những cái bên ngoài về nội tâm. Chẳng hạn hiện tượng mà người xưa kêu là quỷ ám thì với tâm phân hiện nay chỉ còn là bệnh thống kinh tức nó xảy ra ở ngay nội tâm mình, chứ không còn phải là quỷ ma bên ngoài nữa. Thống kinh xảy ra là khi có sự nghiêng lệch giữa tiềm thức và ý thức khiến hai đàng mất liên lạc: ý thức thì nghiêng lệch vì kinh nghiệm vắn sức lực cạn, không thông được với tiềm thức thì trở nên yếu ớt, cái học duy trí không tìm cách móc nối với tiềm thức mà lại đặt quan trọng vào lời, còn tin vào sức huyền vi của lời nói như thời bái vật quen dùng đủ loại lời phù chú, thì đấy cũng còn là hướng ngoại vì thế ưa nói hơn ưa làm, tức chưa đạt chí vì không được trợ lực bởi tiềm thức nên không đủ sức dẫn tới hành, tới cái chí. Mà chính cái đó mới là then chốt cho sự lập lại quân bình. Nhưng vì không biết nên sinh ra nhiều mặc cảm, hoặc cả bịnh Thống
kinh, tâm hồn ly tán, khiến nên con người vẫn còn yếu đuối phải cậy dựa vào ngoại lực, vào dư luận, vào đại chúng… Càng dựa nhiều thì càng yếu đuối. Ngược lại càng tự chủ tự lực thì càng trở nên hùng cường. Cho nên câu “dĩ tu thân vi bổn” chính là triết lý của Hùng Thị. Hùng thị là dân tộc của chí, nên văn hóa Lạc Hùng cũng cao sâu hơn cả. Vì thế mà có nhiều nhân thoại hơn huyền thoại. Nhân thoại là bảo chứng của thần thoại đã được thâu hóa tức là đưa tự xa về gần: tự trời hay đất để đặt nơi con người. Vì thế mà có thể nói là về nguyên lý thì không thể tiến xa hơn, tuy nhiên vẫn còn tiến được, tiến mãi mãi về xác định về nhận thực và hiện thực, nhưng đường hướng thì đã rất chính xác rồi tức là đã đưa cái đích hoàn bị trọn hảo đặt ngay nơi mình rồi. Vì thế đó sẽ là nền triết lý có thể đóng góp vào việc hướng dẫn con người trong thời tâm linh đang ửng sáng.

TỔNG KẾT
Chúng ta đã mở đầu sách với ý định tìm lại cái dạng thức của nền văn hóa Cổ Loa. Và chúng ta đã tìm được một số mảnh vụn do một kiến trúc xa xưa đã tan vỡ nhưng còn cho thấy được thấp thoáng cái cơ cấu uyên nguyên của nó.
Trước hết là những mảnh vụn chứng tỏ đã có một sự sụp đổ của một nền văn hóa cổ xưa và có những kẻ đánh đổ mà bên Tây Phương kêu là những tay diệt tượng, bên Đông phương là Hán nho. Sau đó đến cơ cấu thì ta phải tái lập lại từ những biểu tượng trước kia đã là linh tượng tức đã xuất hiện nhiều lần, trong đó phải kể tới linh hồn của các Mẹ Âu Cơ, Nữ Oa, Mỵ Châu…
Như thế là ta biết nền văn hóa đó có tính chất công thể do sự gắn liền với nguyên lý mẹ, tức với Minh triết hay là tiềm thức cộng thông. Rồi những tác động xoáy ốc nằm ẩn trong truyện thanh giang sứ giả có tên là Kim Quy mà sứ điệp đã nhiều lần gửi tới nào qua h ình ảnh sao tỉnh, qua truyện Việt tỉnh hay qua ngũ hoàng cực… có liên hệ ngầm với hình thái cái nỏ, cái nhà chữ đinh, ngói tam giác, với rất nhiều số 3… tất cả đều nói lên cái đích điểm là ngũ hoàng cực, tức là những yếu tố làm nên cái sườn thành Loa. Nhưng rồi vì Cổ Loa thất thủ nên linh tượng đốc ra biểu tượng, sinh tượng trở nên phù hiệu chết, y như Mỵ -Thủy nằm chết dưới giếng vậy. Và tự đấy giếng bị bỏ hoang.
Tuy nhiên chúng ta còn thấy phần nào cái hương hồn Cổ Loa trong cái ý thành, cái tình thâm của các nhà chí sĩ với những câu nói tản mác đó đây hầu như vô thức, chẳng hạn “quân tử vô sở bất dụng kì cực” trong sách Đại học, hay câu nói của Vương Dương Minh: việc mà ý ở đó gọi là vật, nên cách vật chính cũng là cách việc tức là làm cho cùng cực bất cứ việc gì cần phải làm: ít ai ngờ rằng đó là cứu cánh của con người trên đường tiến hóa: tự xa tới gần, tự đặt để lý tưởng ở vật đích, ở bản thể bên ngoài mình cho tới khi gỡ ra đưa về đặt ngay nơi lòng mình, nơi mọi việc của mình, đó là ý tưởng của con đường tiến xoáy ốc. Vậy mà đó cũng chính là lý tưởng nhận ra được trên nẻo đường tìm về thành Loa tức cũng là đi tìm hồn xưa tiên tổ mà quyển này mới chỉ là mấy bước thăm dò mở lối.


015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...