Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

013001a NHẬP MÔN

013001a   NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT


Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng như vậy, một dân tộc chưa hiểu nguồn cội cũng chưa thể là dân tộc trọn vẹn về văn hóa để tiến tới văn minh. Vì lẽ đó, từng con người, từng dân tộc luôn mong ước tìm biết cội nguồn. Là dân tộc có lịch sử lâu đời với nền văn hóa nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, có lẽ hơn ai hết, người Việt Nam càng khát khao tìm về nguồn cội. (1)

     Người Việt, Tiếng Việt và Đất Nước Việt trong nền Văn Hóa và Văn Hiến Việt Nam, chúng tôi gọi đó là những Mã Văn Hóa để tạo một quy ước chung, một chủ đạo trong nghiên cứu văn hóa dân tộc từ cội nguồn tới hiện đại.
     Trước hết chúng ta hãy tham khảo kết quả từ những nghiên cứu của các ngành khoa học thuộc các khoa Tân Nhân Văn thế giới cuối Thế kỷ XX, đầu Thế kỷ XXI về nguồn gốc loài người .
     Các nhà nhân chủng học hiện đại đang chấp nhận rộng rãi rằng người thông minh Homo sapiens được hình thành ở những đồng cỏ Châu Phi khoảng 200.000 đến 250.000 năm về trước, là hậu duệ của người đứng thẳng Homo erectus, tiếp tục mở rộng lãnh địa cư trú và thống trị lục địa Á-Âu và khu vực Thái Bình Dương vào khoảng 40.000 năm về trước, cuối cùng là châu Mỹ vào 10.000 năm trước. Chúng thay thế loài Homo neanderthalensis và loài Homo floresinesis vốn cũng là những hậu duệ khác của loài Homo erectus (chúng đã phát triển khắp lục địa Á-Âu vào hơn 2 triệu năm trước) do có sức sinh sản tốt hơn và tìm kiếm thức ăn tốt hơn.
     Người Việt, Tiếng Việt đã xuất hiện từ thời thái cổ tức khoảng từ một vạn năm ngàn năm đến hai vạn năm cách nay.
     Các nhà khoa học khảo cổ, nhân chủng, cổ sinh đã tìm thấy các di tích chứng minh loài người đã từng sống khắp khu vực Thái Bình Dương từ thời kỳ Đồ đá cũ là Đại Chủng Viêm Việt, còn gọi là Viêm Tộc, Viêm Việt, Nhật Chủng gồm các tộc Cửu Lê, Tam Miêu, Tứ Di, Man, Bách Việt, Việt Thường…
     Vào thời kỳ Đồ đá mới, các nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn tại vùng này đã phát triển về nông nghiệp lúa Mễ và chăn nuôi, đặc biệt là kỹ thuật trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đồ gốm... Những người Việt tiền sử trên vùng châu thổ sông Hồng - Văn minh sông Hồng  sông Mã đã khai hóa đất đai để trồng trọt, tạo ra một hệ thống đê điều trị thủy các con sông, đào kênh dẫn nước để trồng lúa và đã tạo nên nền văn minh lúa nước  văn hóa làng xã.
     Có nhiều cách hiểu khác nhau về Người Việt, Tiếng Việt và Đất Nước Việt trải qua suốt chiều dài lịch sử khoảng hai vạn năm, cho nên cần phải nói, phải biết và phải hiểu thấu đáo, bắt đầu từ những nhận biết sơ khai đến triết lý sâu xa của chúng.
     Sau những nghiên cứu cổ sinh học, khảo cổ học và di truyền học AND của các trung tâm khoa học thuộc Đại học Birmingham, Trung tâm  Bradshow Foundation tại Anh Quốc, các Đại học Texas, California, Los Angeles Hoa Kỳ, Australia, Sweden... Thuyết một trung tâm về nguồn gốc loài người (Theory of a center of human origins) thắng thế.
Bắt đầu những năm 1998 đến 2010 hàng loạt các kết quả được các nhà khoa học Tân Nhân Văn và các trung tâm nghiên cứu công bố với những quan điểm chung. Từ những điểm chung đó, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy kết nối với các nhà nghiên cứu khoa học & lịch sử như TS Nguyễn Đức Hiệp, cùng nhóm nghiên cứu cổ sử Việt Nam trong Tạp chí “Tư tưởng”- Nguyễn Văn Tuấn, Cung Đình Thanh ở Australia, tổng hợp và tóm lược một số điểm chính những sự biến trong cổ sử Việt Nam.
1. 70.000 năm trước: người tiền sử từ châu Phi tới quần đảo MalaysiaIndonesia rồi từ phía tây Borneo đi tới đồng bằng Hainanland, nay là thềm Biển Đông của Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc nhóm loại hình Australoid. Một số nhóm Mongoloid riêng rẽ đi lên Tây Bắc Đông Dương. Một số nhóm Mongoloid khác ven theo bờ Hoa lục tới vùng cửa sông Dương Tử.
2. Khoảng 50.000 năm trước, người Việt cổ di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, các đảo Nam Thái Bình Dương. Người Việt cổ cũng di cư về phía tây qua đất Myanmar tới Ấn Độ.
3. Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu phía bắc được cải thiện. Người Việt cổ đi lên chinh phục đất Trung Hoa, từ lưu vực sông Dương Tử tới lưu vực Hoàng Hà. Một nhóm từ Tây Nam Trung Quốc tiến vào Ấn Độ. Một dòng đi qua cao nguyên Tibet vào Trung Á rồi tới Châu Âu. Tại đây, người Việt cổ gặp người Europid từ Trung Đông tới. Hai dòng người hòa huyết sinh ra tổ tiên người Châu Âu.
Những nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc Đông Dương theo hành lang phía Tây Trung Hoa tới vùng Tibet và đất Mông Cổ. Do giữ được bộ gene Mongoloid thuần chủng, họ trở thành chủng Mongoloid phương Bắc. Những nhóm người Mongoloid từ cửa sông Dương Tử theo bờ biển đi lên đất Siberia, trở thành dân cư Siberia mang gene Mongoloid phương Bắc sau này.
4. Khoảng 30.000 năm trước, người Việt cổ từ Siberia vượt eo Bering sang chinh phục Châu Mỹ.
5. Khoảng 10.000 năm trước, thời kỳ Băng Hà chấm dứt, cao nguyên Gobi thành đồng cỏ. Người Mongoloid trên đất Mông Cổ chuyển từ săn bắt hái lượm sang thuần hóa gia súc, bắt đầu cuộc sống du mục.  
6. Khoảng 5000 – 6000 năm TCN, có sự tiếp xúc giữ người Mongoloid du mục và người Việt Australoid trồng kê ở vùng Ngưỡng Thiều phía nam Hoàng Hà. Do hai chủng người hòa huyết, chủng mới ra đời gọi là Mogoloid phương Nam. Tại duyên hải phía Đông Trung Quốc cũng  xảy ra hiện tượng tương tự: người Mongoloid đánh cá vùng cửa sông Dương Tử tiếp xúc với người Australoid trồng lúa nước, dẫn tới sự ra đời của người Mongoloid phương Nam. Tại văn hóa Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà và văn hóa Hà Mẫu Độ vùng của sông Dương Tử, người Mongoloid phương Nam tăng nhanh số lượng, dần trở thành chủ thể trong dân cư trên đất Trung Hoa.
7. Khoảng 3000 năm TCN, người Mongoloid phương Nam từ duyên hải Trung Hoa bắt đầu di cư sang Đài Loan, Philipine.
8. Khoảng năm 2700 TCN, xảy ra cuộc xâm lăng lớn của người Mông Cổ du mục vào đất của người Việt phía Nam Hoàng Hà. Thắng trận Trác Lộc, thị tộc Hiên Viên chiếm đồng bằng Trong Nguồn (Trung Nguyên) của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Trong liên quân Việt, Đế Lai tử trận, Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân người Trong Nguồn và vùng Sơn Đông theo thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào vùng Nghệ Tĩnh. Đoàn di tản của Lạc Long Quân được dân địa phương chào đón, Hùng vương được tôn làm vua. Người trong đoàn di tản mang gen Mogoloid phương Nam hòa huyết với người bản địa, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, đó là người Việt hiện đại, tổ tiên chúng ta ngày nay.
     Do sự bành trướng của người Mông Cổ, việc di cư của người Việt từ Trung Quốc về phía nam được tiếp tục: những dòng người từ duyên hải phía Đông Trung Hoa vượt biển bằng thuyền tới Philippine, Indonesia, Malaysia và đi tới các đảo Nam Thái Bình Dương. Một dòng người theo đường Việt Nam đi tới Malaysia. Do những cuộc di tản này, đại bộ phận dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á từ Australoid chuyển hóa thành Mongoloid phương Nam. Nhân chủng học gọi đây là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, hoàn tất vào khoảng 2000 năm TCN.

    Nhóm cư dân đầu tiên đã định cư ở vùng đồng bằng hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, phát triển nông nghiệp lúa Mễ, sau này các nhà nghiên cứu mới đặt tên cho họ là Viêm chủng, Viêm tộc, Đại chủng Viêm Việt, trong đó có tất cả các tộc người như Cửu Lê, Tứ Di, Man, Kinh, Khương, Nhung, Tạng, Hồi, Miến, Bách Việt, Việt Thường … ngày nay là Việt Nam. Cho nên trong các nghiên cứu cổ sử, khi nói đến tên Việt thì ngầm hiểu những cái tên đã dẫn ở trên.
Tên Việt gắn liền với ba mốc phát triển quan trọng.
Thứ nhất, thời kỳ sơ khai, người Việt đi khai phá bằng rìu đá và làm nghề nông, chữ Việt được ghi với biểu tượng hình cái qua (rừu đá) gọi là bộ chữ Qua  có gốc từ chữ Việt  trong Giáp cốt văn thời nhà Thương (xem “Phục hồi chữ Việt cổ” của Lê Văn Ẩn).
Thứ hai, thời kỳ phát triển nông nghiệp lúa mễ, chữ Việt  bằng bộ Mễ   (lúa, gạo).
Thứ ba, thời kỳ bị các tộc vùng Tây Bắc tràn xuống kiếm ăn và xua đuổi, người Việt phải vượt sông Dương Tử về phía Nam, chữ Việt  chuyển sang bộ Tẩu 走 (vượt, chạy).
Tiếng Việt được khẳng định và trở thành con dấu bản quyền qua các đại danh từ đặt tên các thời kỳ phát triển của Văn minh Nông nghiệp lúa Mễ theo trật tự chính trước phụ sau như: Toại Nhân, Phục Hy – Nữ Oa, Thần Nông; tiếng Việt với bản quyền đặt tên cuốn Kinh đầu tiên của nhân loại (Dịch lý cũng là Thiên lý) là Kinh Diệc, Kinh Việt sau đọc thành Kinh Dịch với các quẻ thuần tiếng Việt như Khôn – Càn, Khảm – Ly,  Cấn – Chấn, Đoài – Tốn. Tiếng Việt phát triển ở mức độ cao thành các Bộ Luật, Điều Luật được viết trên mu rùa ngàn tuổi khi sứ giả Việt mang tặng vua nhà Thương. Tiếp đến là thời kỳ văn minh lúa Mễ rực rỡ với nhà nước Văn Lang của các vua Hùng với biểu tượng Trống Đồng tuyệt mỹ của nhân loại.
Chữ Việt với nghĩa Siêu Việt tới Tâm Linh.
Tiếng Việt Cổ, chữ Việt Cổ còn gọi là chữ Nam, Nôm hay Nho. Sau đó ta thấy đổi thành chữ Lệ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu và thống nhất chữ viết là Nho (Thế kỷ III TCN). Trước đó có rất nhiều kiểu viết, nhưng nổi hơn cả là chữ con quăng (nét uốn lượn của rồng) cũng gọi là hỏa tự/khoa đẩu và trước nữa có chữ chân chim (điểu tích tự). Hai thứ chữ này là của Việt tộc, liên hệ ngầm với hai vật biểu tiên rồng của ta. Tiên là chim nên chữ gọi là chân chim; còn rồng là xà long, giao long, vì thế khi tượng hình thì ra như con nòng nọc gọi là quăng. Hai thứ chữ này có từ thời Hồng Bàng Thị. Khi Hoàng Đế thống nhất văn tự bắt dùng chữ Lệ nên chữ chân chim và con quăng tiêu trầm.
Bằng chứng sinh động còn lại của chữ Nam/Nôm là Bài “Việt Nhân Ca” cách nay 2.800 năm  và “Duy Giáp Lệnh của Việt Vương Câu Tiễn ” thời Xuân Thu - Chiến Quốc (~ năm 484) (xem “Phát hiện lại Việt Nhân Ca”& “Phục nguyên Duy Giáp Lệnh của Việt Vương Câu Tiễn”- Đỗ Thành).
Bài “Việt Nhân Ca” sau khi dịch ra hai bản văn tiếng Việt và tiếng Sở cho ra kết quả rất khác nhau về ngữ nghĩa, âm vị, hình vị và số từ. Người Sở nghe bản tiếng Việt thì không hiểu và yêu cầu dịch sang tiếng Sở. Nhưng rồi bản tiếng Sở được ký âm bằng chữ vuông Hán ngữ. Nếu dịch là diệt thì đây cũng là ví dụ tiêu biểu. Tiếng Việt cổ của 2.800 năm trước là ngôn ngữ đa âm, “bị” chuyển thành Hán tự đơn âm cách nay 2.000 năm là sự diệt. Dịch sai chữ dẫn tới mất nghĩa… Qua quá trình chuyển ngữ như thế, tất cả đều thay đổi. Nhìn khách quan, đó là hai bản văn khác nhau hầu như hoàn toàn về văn tự. Có lẽ chỉ chung nhau ở phong cảnh sông nước, nỗi quyến luyến của người chèo thuyền và chàng vương tử, vậy thôi! Hơn hai nghìn năm nay, giai thoại vẫn nằm trong sách…
Đó là sự khác nhau cơ bản giữa tiếng Việt và tiếng Tàu.                           Sau này nước Tàu bị Hán hóa bằng bạo lực của Bá Đạo về văn hóa, ngôn ngữ, đất nước. Tiếng nói bị “cả vú lấp miệng em” thành tiếng Hán, người  thành người Hán và văn hóa thành văn hóa Hán.
     Vì chữ Việt có nghĩa là vươn lên, sang qua, vượt qua, nên bao hàm nghĩa siêu hình kiểu “đáo bỉ ngạn” của chữ Paramita nhà Phật, và lúc ấy có nghĩa là vượt qua hai đợt tâm thức là bái vật và ý hệ, để đạt tới tâm linh. Tâm linh là siêu việt hay là bỉ ngạn, mà ít nền đức lý đạt tới, vì hầu hết đều dậm chân ở bờ bên này, nếu không bái vật thì ý hệ hoặc cả hai. Chữ bái vật ở đây hiểu theo nghĩa rộng, giống như chữ Thiên khởi trong quyển Nhân bản cũng có
nghĩa là bản gốc, bao gồm tất cả mọi nền đức lý xây dựng trên những tin tưởng đặt ở Trời hay ở Đất. Như vậy bái vật là một đợt tâm thức trong đó trí phê phán chưa đủ nảy nở vì bị bỏ bê hoặc bị đàn áp, nên con người ở đợt này sống bằng công cảm (sens commun), tức tốt xấu do thói tục định đoạt. Đó là một lối sống vong thân nên sẽ gây ra phản ứng chống đối kiểu vô thần chống hữu thần, hoặc kiểu triết học duy trí không chấp nhân siêu nhiên của tôn giáo. Đó là tâm trạng đợt hai mà mà chúng tôi gọi là ý hệ, tức giai đoạn đặt nền trên lý trí, mà  sản phẩm của nó là ý niệm được tôn trọng nên hệ thống hóa thành ý hệ. Nhưng theo luật “mạnh chống mạnh chấp” thì rồi ý hệ cũng sẽ ở trên cùng bình diện với bái vật, nghĩa là cũng sẽ nằm ở bờ bên này không mong đạt được bờ bên kia là tâm linh. Đây là đợt ba có tính cách siêu việt, tức vượt lên trên cả ý cả tình mà Việt Nho đã đạt đến, nên cũng đạt được sự quân bình toàn diện.
 (xem Cửa Khổng chương III, Việt Lý Tố Nguyên, chương XIII, bài “Từ Hà vu tới Hà lạc” - Kim Định). 
     Chữ Việt còn mang nhiều nghĩa khác cùng với khoảng gần 20 điển tự, điển tích có gốc từ chữ Việt gắn liền với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, kinh bang tế thế, văn hiến… trải qua suốt chiều dài lịch sử của Việt tộc.
     Thời kỳ này được ghi trong cổ sử Trung Hoa và Việt Nam là thời kỳ thuộc huyền sử với những dạng thức sơ nguyên của những thị tộc đầu tiên gắn với văn hóa nông nghiệp được gọi là Tam Hoàng hay Tam Vương thuộc thời Hoàng Kỷ (Kỷ nguyên các Hoàng, các Vương thuộc Vương Đạo) gồm:
-         Toại Nhân – Thiên Thần (6.000 TCN),
-         Hai vị Phục Hy & Nữ Oa – Địa Thần (4.483 – 4.369 TCN) và
-         Thần Nông – Nhân Thần (3.320 – 3080 TCN).
Tiếp đến là Ngũ Đế thuộc Đế Kỷ (Kỷ nguyên các Đế thuộc Bá Đạo) gồm:
-         Hoàng Đế (2.679 TCN), do tước đoạt danh xưng Hoàng của Hoàng Kỷ.
-         Thiếu Hạo (2.597 TCN)
-         Đế Húc (2.513 TCN)
-         Đế Nghiêu (2.356 TCN) và
-         Đế Thuấn (2.255 TCN)
(Giữa Đế Húc và Đế Nghiêu người ta còn kể thêm Đế Cốc (2.435 TCN) và Đế Chí (2.365 TCN).
     Tên Việt Nam hiện nay gắn liền với các giống Âu Việt và Lạc Việt là chủ yếu, cùng chung sống với những tộc người bản địa và những tộc người di cư từ lục địa Trung Hoa sau những cuộc xâm lấn, chiếm đoạt của Bành trướng Phương Bắc (khoảng 54 sắc tộc).
     Các Nho gia xưa đã đúc kết với một tinh thần chung cho các tộc người từng tồn tại trên khắp vùng Thái Bình Dương là “Đồng chủng đồng văn” rất vô tư, khách quan và vạn đại là vậy. Cho đến nay vẫn nguyên giá trị, bất chấp những biến đổi phần ngọn kiểu “quan nhất thời” trong tranh chấp chính trị.
     Chúng tôi cho rằng, những giá trị văn hóa mang tính nhân bản, nhân văn là trường tồn vượt không gian và thời gian. Nó là mạch sống tâm linh còn gọi là nguồn sống và nguồn sáng của nhân loại mà mỗi chúng ta là chủ nhân có bổn phận bảo tồn và phát triển.

Lê An Vi

(1) Theo ý văn của Hà Văn Thùy trong “Viết lại lịch sử Trung Hoa” (Chưa xuất bản)









     
    

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...