http://thuyhavan.blogspot.com/2021/12/giai-ma-huyen-thoai-lac-long-quan-au-co.html
HỒNG BÀNG THỊ TRUYỆN, CUỐN SỬ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT TỘC
Hà Văn Thùy
Trên trang Boxit
Việt Nam ra ngày 23/04/2021, PGS-TS Chu Mộng Long có bài Tinh thần
“Dĩ Bắc vi trung” trong huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ. Bài viết
được Giáo sư Nguyễn Huệ Chi giới thiệu: “Bài của anh Chu Mộng Long có
kiến giải rất mới về huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ lâu nay ta vẫn coi là
truyền thuyết về nguồn gốc người Việt. Tác giả dựa trên ý kiến của Ngô Thì Sĩ
trong Việt sử tiêu án, đồng thời tìm thấy một truyền thuyết trong La Province
Muong de Hoa Binh của Pierre Grossin có những motif tương đồng để chỉ ra đâu là
sơ đồ gốc của truyền thuyết và đâu là sự xuyên tạc của nhà nho thời Bắc thuộc
khiến cho truyền thuyết bị bóp méo bởi ý đồ lấy phương Bắc - Hán tộc - làm
trung tâm (dĩ Bắc vi trung); đó là ý đồ tệ hại nhất mà hàng nghìn năm qua trí
thức người Việt đã thiếu cảnh giác nên nhận lầm.”
Thế là thêm một lần
huyền thoại gốc của tộc Việt bị chà đạp. Lần này được các nhà khoa bảng hàng
đầu dìm xuống bùn đen. Tôi, Hà Văn Thùy, phó thường dân Sài Gòn, vốn ít học,
không có bùa sư sãi, chỉ là gã tay ngang viết sử xin được thưa lại đôi lời.
Mỹ học dạy rằng,
huyền thoại không phải là lịch sử nhưng là ánh xạ của những sự kiện trọng đại
xảy ra từ quá khứ, lắng đọng trong tâm thức cộng đồng rồi được truyền tới mai
sau. Trong các loại huyền thoại thì có ý nghĩa nhất là huyền thoại về cội
nguồn. Đó là ước mơ, là khát vọng của tuổi thơ con người ngưỡng vọng về tổ
tiên, dòng giống. Đó cũng là tờ giấy khai sinh của một dân tộc. Huyền thoại cội
nguồn với mọi dân tộc đều thiêng liêng. Nhưng với người Việt, huyền thoại Lạc
Long Quân-Âu Cơ còn có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều.
Xin hỏi, trong suốt
nghìn năm Bắc thuộc, người Việt bám víu vào đâu để tồn tại? Mất nước là
thảm họa nhưng có lẽ chưa đáng sợ bằng mất gốc. Nước mất còn
có cơ đòi lại nhưng khi mất cội nguồn, con người thành kẻ không hồn không vía,
bơ vơ lạc loài như con thuyền giữa biển đêm đen không biết bờ bến để tìm về.
Mất cội nguồn là mất tất cả, mất vĩnh viễn! Vì vậy, trong cái đêm
trường dạ tối tăm trời đất ấy, Người Mẹ Việt ru con:
"Công cha như núi Thái
Sơn,
Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra."
"… Gió Tiền Đường mẹ ru
con ngủ,
Trăng Động Đình thức
đủ năm canh.
Bổng bồng bông, bổng bồng bông,
Võng đào mẹ ẵm con rồng cháu tiên…"
Từ tiếng ru bước
ra, đứa trẻ Việt được nghe kể về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân-Âu Cơ, về dòng
giống Tiên Rồng; về bọc trăm trứng làm nên đồng bào, về cánh đồng Tương nơi
những người con của cha Long Quân gặp lại nhau… Chính những dòng huyền thoại ảo
diệu ấy nâng niu, an ủi trái tim người dân Việt, giúp họ trì chí bền gan quẫy
ngược dòng để giành lại đất nước. Vô hình trung, huyền thoại Lạc Long Quân-Âu
Cơ trở thành những trang sử đầu tiên của người Việt! Thời ấu thơ, con
người nguyên sơ hồn nhiên coi huyền thoại là lịch sử.
Khi giành được
nước, những nhà nho đầu tiên của dòng giống Việt từ huyền thoại viết
nên lịch sử của dân tộc. Đấy là lúc Lĩnh Nam Chích quái, Việt
điện u linh ra đời, ghi lại những huyền thoại truyền thuyết lưu truyền trong
dân gian. Rồi trên cơ sở đó, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên… viết những
dòng đầu tiên của sử Việt. Không phải các vị đó không biết rằng, người không
thể đẻ ra trứng. Cũng không phải không biết bấm ngón tay để hiểu cái vô lý khi
18 đời vua lại trị vì suốt 2600 năm … Nhưng bằng tâm cảm, các vị hiểu rằng,
trong cõi mơ hồ ấy tất có “hồn” của sự thật nên mạnh dạn ghi Hồng Bàng thị
truyện vào chính sử. Hậu thế coi đó là công lao lớn với dân tộc vì đã không để
những ký ức vô giá bị trôi đi.
Năm tháng qua đi,
có nước rồi, có sử rồi, người trí thức Việt cũng trưởng thành để có trí lực
bình sử, xét lại những điều tiền nhân ghi trong chính sử. Tin vào trí tuệ của
mình, các học giả dùng tri thức
lịch sử để giải mã huyền thoại. Không
có gì bất thường khi Hồng Bàng thị truyện được đem ra mổ xẻ đầu tiên. Bắt đầu
bằng Hoàng giáp Ngô Thì Sỹ, qua ông vua Tự Đức đến “tứ trụ” Lâm - Lê - Tấn -
Vượng, Tạ Chí Đại Trường, Liam Kelley, Trần Trọng Dương và hôm nay là Chu Mộng
Long. Nếu nhà nho Trung đại chỉ phản bác những điều quái dị “ma trâu thần rắn”
thì hôm nay, học giả “tân tiến” nhiều lý sự hơn. PGS người Mỹ Kelley và theo
chân ông là cậu học trò nói leo Trần Trọng Dương cho rằng: “Hồng Bàng thị
truyện được diễn xưng từ tiểu thuyết Tàu.” Rằng, “Các trí thức
Hán hóa thời Trung Đại cố tạo dựng ra lịch sử Việt theo mẫu hình Trung Hoa:
lịch sử Trung Hoa dài bao nhiêu thì sử Việt dài bấy nhiêu. Lịch sử Trung Hoa có
việc gì thì sử Việt có chuyện đó…” Và nay thì nảy nòi chủ thuyết “dĩ Bắc vi
trung” (!)
Xin được hỏi, cái gọi
là tri thức lịch sử của chư vị có đáng tin? Người
Việt là ai, người Hán là ai vẫn còn mờ mịt! Nội hàm của “phương Bắc” là gì chưa
được tường minh! Lịch sử, văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của
cộng đồng người. Khi chưa biết cộng đồng ấy là ai, có gốc gác thế nào và trải
quá trình ra ra sao để có mặt như hôm nay thì tất cả những cái được gọi là “tri
thức lịch sử” về cộng đồng ấy cũng chỉ là giả tạm! Sẽ ra sao khi dựa vào tri
thức giả tạm để lập thuyết? Lấy cái quy củ, chuẩn tắc, cái khuôn mẫu giả tạm để
soi xét, để đánh giá cái bồng bềnh như sương khói là huyền thoai liệu có khôn
ngoan?!
Để có thể bàn một
cách nghiêm túc về lịch sử, văn hóa Việt, trước hết, xin chư vị trả lời:
người Việt là ai? Dám chắc rằng hoặc quý vị nói theo sách Tàu,
sách Tây: “Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt. Con cháu Việt Vương Câu Tiễn
chạy xuống Bắc Việt Nam làm nên dân cư Việt Nam,” hoặc tân kỳ hơn, quý vị nói
theo Phan Huy Lê, đại sư của sử học quốc doanh rằng: “Thời Tiền sử của người
Việt kéo dài tới 800.000 năm. Khoảng 140.000 năm trước, người “đi” thẳng (đi
chứ không phải “đứng” thẳng!) Homo erectus chuyển hóa thành người Việt hiện
đại, tổ tiên của chúng ta” (!) Tôi cũng tin, chư vị hoàn toàn không biết tới
khám phá thực sự khoa học về nguồn gốc người Việt Nam được đưa ra từ năm 1983
trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á: “Thời đồ đá trên đất Việt Nam
xuất hiện hai đại chủng Autraloid và Mongoloid. Họ lai giống với nhau và con
cháu họ lai giống tiếp, sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian,
Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang
thời kim khí, người Mongoloid xuất hiện và trở thành chủ thể trên đất này.
Người Australoid hoàn toàn biến mất, không hiểu do di cư hay đồng hóa.” Đấy
là kết quả chính xác nhất từ khảo sát 70 cốt sọ thời đồ đá và thời kim khí tìm
được ở Việt Nam. Tuy phân loại chính xác các cốt sọ nhưng giáo sư Nguyễn Đình
Khoa cũng không hiểu được là từ đâu và thời gian nào người tiền sử
xuất hiện? Ông cũng không trả lời được những câu hỏi thiết yếu: người Mongoloid
từ đâu ra và vì sao người Australoid biến mất? Sử Việt bế tắc là do
vậy! Năm 1983 tình cờ tôi mua được cuốn sách của Nhà xuất bản Đại học và Trung
học chuyên nghiệp tại thị xã Rạch Giá, một cuốn sách bìa màu xi măng, giấy bổi
đen nhèm. Mua để kỷ niệm một thời học trò chứ khi đọc tôi hầu như không hiểu!
Nhưng năm 2004, khi tiếp cận tài liệu Genetic Relationship of population in
China của Giáo sư Chu và cộng sự tại Đại học Texas, biết được việc người từ
châu Phi di cư tới Việt Nam, thì cuốn sách trở thành cẩm nang dẫn đường thông
tuệ giúp tôi tìm ra cội nguồn dân tộc.
Tri thức mới nhất
của khoa học nhân loại giúp khám phá rằng, hai đại chủng Australoid và
Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại Việt Nam, họ gặp gỡ và
hòa huyết, sinh ra bốn chủng người Việt cổ thuộc loại hình Australoid. Nhưng
không hiểu vì lẽ huyền vi nào mà trong khi đa số tìm đến nhau thì lại có những
nhóm nhỏ Mongoloid đi lên Tây Bắc Đông Dương, sống săn bắn hái lượm trên vùng
giá lạnh. 40.000 năm trước, khí hậu được cải thiện, người Việt cổ đi lên Quảng
Đông, Quảng Tây. Trong khi đó, cộng đồng Mongoloid theo “Thục đạo nan” tới đất
Mông Cổ. Khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ thuần hóa gia súc và chuyển sang sống du
mục trên đồng cỏ Bắc Hoàng Hà. Tại lưu vực Dương Tử người Việt cổ sáng tạo văn
hóa nông nghiệp trồng lúa, trồng kê, nuôi gà, chó, lợn. 9000 năm trước, mang
nghề nông lên lưu vực Hoàng Hà. 7000 năm trước, mang cây kê lên trồng trên cao
nguyên Hoàng Thổ. Tại làng Bán Pha gần Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, người
Việt cổ Australoid gặp gỡ, hòa huyết với người Mông Cổ du mục, sinh ra chủng
người mới Mông Cổ phương Nam (South Mongoloid). Sau này được gọi là người Việt
hiện đại, là tổ tiên trực tiếp của toàn bộ dân cư châu Á hiện nay. Do ưu thế di
truyền, người Việt hiện đại tăng nhanh nhân số, thay thế người Australoid, trở
thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, kế tiếp cha ông, xây dựng văn hóa Ngưỡng
Thiều, Long Sơn với hai trung tâm lớn Thái Sơn và Trong Nguồn. 6500 năm trước,
Phục Hy - Nữ Oa, vị Tổ đầu tiên (có tên tuổi) của người Việt xuất hiện và hoàn
thành công trình sáng tạo kinh Dịch của tộc Viêt, có tên là Liên sơn dịch.
Khoảng 5200 năm trước, vị Tổ thứ hai Thần Nông ra đời. Không chỉ là người “làm
nông nghiệp giỏi như thần” như ông Long hiểu mà được tôn làm nhân thần thiêng
liêng của nghề nông phương Đông, được vinh danh thành chùm sao Thần Nông trên
dải Ngân hà. Có sự thật này mà ít người biết: Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông là tổ
của người Việt. Khi cha ông chúng ta rời Núi Thái-Trong Nguồn về phương nam thì
những người ở lại kế thừa thờ phụng. Đến khi trở thành người Hán, họ coi là tổ
của riêng họ. Những người Việt hiểu lịch sử, nhận tổ Phục Hy, Thần Nông lại bị
chính đồng bào mình cho là nhận vơ, thấy người sang bắt quàng làm họ!
Từ Hồ Bắc, Thần
Nông xuống Lương Chử vùng Thái Hồ cửa sông Chiết Giang lập nước. Sau 80 năm
khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử (1936-2016), học giả Trung Quốc phát
hiện, Lương Chử là kinh đô của nhà nước đầu tiên ở phương Đông, với diện tích
hơn một nửa nước Trung Quốc. Đây là nhà nước có nền văn hóa phát triển cao: đồ
đá mài sắc bén, đồ gốm tinh xảo với độ nung cao. Đặc biệt là bộ sưu tập đồ ngọc
thờ và trang sức lớn nhất thế giới, thể hiện sự phân tầng xã hội cao. Nông
nghiệp đạt trình độ cày bằng trâu bò. Lật lại quan niệm truyền thống, học giả Trung
Quốc thừa nhận: “Văn hóa Lương Chử là cội
nguồn của văn minh Trung Quốc.” Nghiên cứu cũng khám phá, chủ nhân Lương
Chử là người Lạc Việt, mã di truyền O3M122, được gọi là Vũ nhân hay Vũ dân (羽人或羽民), thờ vật tổ kép là
chim và thú… Từ kết quả nghiên cứu văn hóa Lương Chử so với truyền thuyết, ta
có cơ sở để nhận định Lương Chử là kinh đô của nhà nước Xích Quỷ mà chủ nhân là
họ Hồng Bàng, thuộc dòng giống Tiên Rồng.
Khoảng 4879 năm
trước, diễn ra việc Đế Nghi dòng dõi Thần Nông chia đất, phong vương cho Đế Lai
trị vì châu thổ Hoàng Hà. Lạc Long Quân trị vì nước Xích Quỷ lưu vực Dương Tử.
Tuy chỉ thấy trong truyền thuyết nhưng đó là sự thật bởi lẽ, truyền thuyết ghi
biên giới Văn Lang “phía tây giáp Ba Thục.” Điều này ám chỉ phía tây Văn Lang
là nước Ba Thục. Nay khảo cổ văn hóa Gò Ba Sao xác nhận, nhà nước Ba
Thục do vị vua huyền thoại Tàm Tùng thành lập 5000 năm trước. Ba Thục trải qua
các thời đại Bách Quán (Boguan 柏 灌), Ngư Phù (Yufu 鱼 凫),
Đỗ Vũ (Duyu 杜宇),
tồn tại qua thời Thương và cuối cùng là gia tộc Khai Minh, kết thúc năm 316 TCN
do cuộc xâm lăng của nhà Tần. Tránh họa diệt vong, hậu duệ của dòng họ Khai
Minh là Thục Chế, Thục Phán mang theo 30.000 người trở về quê cũ Việt Nam, cùng
người Việt chống quân Tần rồi lập nước Âu Lạc, xây dựng thành Cổ Loa theo hình
tượng tòa thành cũ Gò Ba Sao đất Tứ Xuyên.
Dòng gene Mongoloid
được Đế Minh truyền tới Lương Chử. Từ Lương Chử, dòng máu thiêng lan xuống
phương nam, chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid
phương Nam. Điều này có nghĩa là, người Nam Trung Quốc và Việt Nam vốn là người
Việt cổ Australoid đã nhận được gen Mongoloid từ Thần
Nông qua kinh Dương Vương, Lạc Long Quân để trở thành người Việt hiện đại
Mongoloid phương Nam. Như vậy, mặc nhiên, dù muốn dù không, mọi
người Việt Nam đều là con cháu các cụ Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc
Long Quân và các Vua Hùng. Cụ thể hơn, di truyền học minh định:
Trong quá trình sinh sống, trên đất nước ta còn lại hai chủng Indonesian và
Melanesian. Khi nhận thêm máu Mongoloid, người Indonesian chuyển thành
chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Đó là các sắc tộc Dao, Mường,
Thái, Tày, Nùng… Trong khi đó, người Melanesian chuyển thành dạng
Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Chúng ta có thể nhận ra
điều này qua nước da và tóc của đồng bào Chăm, Khmer, Tây Nguyên. Ông Chu Mộng
Long tuyên bố, là người Mường nên không có tổ là Kinh Dương Vương, càng không
có chung cội nguồn với người Trung Quốc là cách nói vội vàng do hiểu sai rằng
người Mường và người Kinh là hai dân tộc khác nhau!
Một câu hỏi: sao
lại có chuyện nhận tổ quy tông vào lúc này? Theo phong tục, tổ chỉ xuất hiện
khi một nhánh mới của dòng tộc ra đời. Một người rời quê quán đi tới nơi khác
lập nghiệp, ông ta trở thành tổ của dòng họ nơi đất mới. Thời điểm nước Xích
Quỷ ra đời, đánh dấu việc người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam từ lưu vực
Hoàng Hà đi xuống dựng cương thổ mới. Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân chính là
người đầu tiên mang nguồn gen Mongoloid xuống lưu vực Dương Tử tạo nên một dòng
giống mới. Cần phải ghi lại sự kiện này nên huyền thoại ra đời. Đây không phải
lần đầu tiên người Việt sáng tạo truyền thuyết cội nguồn. Ban đầu, với quan
niệm nguyên sơ về thế giới, cho rằng “vạn vật hữu linh,” “vạn vật như nhau” (tề
vật luận) nên cái cây có thể sinh ra con người. Trong tiếng Việt từ châu Phi
đưa tới thì bí bầu (people) là bậu, là bạn, là con người nên dân gian nảy sinh
huyền thoại quả bầu mẹ. Về sau, do “văn minh” hơn nên nhận ra, cái cây vô tri
không thể sinh ra con người. Lúc này xuất hiện huyền thoại Chim Ây cái Ưa,
trứng chim nở ra người. Cuối thời Đá mới, văn minh hơn, cho rằng chỉ con người
mới sinh ra con người nên người Việt ở Lương Chử mượn từ truyền thuyết Chim Ây
cái Ưa của tổ tiên chi tiết trứng chim nở thành người để sáng
tạo ra bầu thai Mẹ Âu Cơ! Theo thời gian, những tộc người cổ hơn thì giữ câu
chuyện cổ, sắc tộc “tiến bộ” hơn giữ huyền thoại mới hơn. Vì thế, người Dao giữ
truyện Trái bầu, người Mường nhớ truyện Chim Ây, cái Ưa, người Kinh mang huyền
thoai Một bọc trăm trứng từ bên Hồ Động Đình về. Cũng phải kể tới chuyện Quả
bầu mẹ theo người Việt cổ lên lưu vực Hoàng Hà. Nhưng ở đây, do tiếp xúc với
người Mông Cổ, nhiễm thói quen “nói ngược” nên quả bầu thành Bầu quả. Bầu
quả biến âm tiếp thành Bàn Cổ. Quả bầu đã thành người, thành
ông Bàn Cổ! Vẫn chưa hết, tới lúc nào đó Bàn Cổ thành ông Bành Tổ. Ta
vẫn cho là huyền thoại Tàu mà không biết đó là “hàng” Việt. Chỉ mới đây, khi
đọc chuyên luận về Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương của Jacquese Duornet tôi
mới biết, tại Tây Nguyên có Truyền thuyết Gliu và Gla –
một phiên bản cổ của Truyện Tấm Cám! Từ đó nhận ra cái gốc dòng giống Việt sâu
xa đến vậy! Huyền thoại Hồng Bàng thị cũng gửi cho ta thông điệp: với một trăm
con trai được sinh ra, có nghĩa là quan hệ họ đằng cha, một hình thái của văn
minh du mục từ lưu vực Hoàng Hà đã lan xuống. Từ đây, xã hội Việt Nam chuyển
sang phụ hệ. Câu chuyện cũng phản ánh một thực tế mà sau này bằng công nghê
tinh vi, di truyền học khám phá: quá trình chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam
và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid là kết quả truyền giống do cuộc di cư của
người cha.
Xin nói một chút về
nguồn gốc người Kinh. Học theo Viễn Đông Bác cổ, nhiều học giả Việt Nam tin vào
công thức sau: Hai nhánh Chứt, Pọng sinh ra Tiền Việt Mường; sau đó thành
Việt-Mường chung. Khi tiếp xúc với nhóm Tày Thái cổ, phân hóa thành Việt và
Mường. Nhưng theo khảo cứu của chúng tôi, khoảng 300 -500 năm TCN, nước biển
rút, phần chủ thể của đồng bằng sông Hồng hình thành. Người Lạc Việt từ miền
Trung ra, từ trung du, miền núi phía Bắc xuống, từ Nam Dương Tử về, cùng chung
tay khai thác đất mới. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế phát triển, dân
cư đông đúc, đô thị ra đời. Người dân hình thành lối sống với phong tục tập
quán mới, được gọi là người kẻ chợ, dân kinh kỳ. Đến thế kỷ XIII được gọi là
người Kinh. Trong khi bà con, dòng tộc của họ vẫn sống ở trung du, miền núi
thành những bộ lạc thiểu số Mường, Thái, Tày, Dao…
Đấy là người Việt.
Còn người Hán là ai?
Ở trên đã nói,
người Việt hiện đại trở thành chủ thể lưu vực Hoàng Hà với hai trung tâm kinh
tế văn hóa Thái Sơn, Trong Nguồn. Người từ Thái Sơn-Trong Nguồn trở về Việt Nam
mang theo nỗi nhớ quê hương trong câu Công cha … Còn người ở
lại Trong Nguồn-Thái Sơn thì sao? Đến thời Chu, Trong Nguồn trở thành Trung
Nguyên, đất của nước Sở, con sông Nguồn mang tên Hán Thủy. Trong cuộc chiến
chống Tần, Lưu Bang người nước Sở lập công, được phong vương. Hạng Vũ lấy tên
con sông quê Hán Thủy để phong cho Lưu Bang làm Hán vương. Nhà Hán ra đời.
Người nhà Hán thành người Hán. Mặc nhiên quốc danh thành tộc danh. Như vậy là
người Việt ở lại Trung Nguyên thành người Hán. Trong khi đó cũng dân Trong
Nguồn-Thái Sơn di cư xuống phương Nam trở thành người Việt Nam. Tuy cùng một
dòng giống nhưng không phải là đồng nhất. Di truyền học xác khám phá, người về
Việt Nam, nhận bộ gen gốc của tổ tiên Australoid 70.000 năm tuổi nên đa dạng
sinh học cao nhất châu Á. Trong khi người Hán non trẻ là lứa con muộn màng với
tuổi 7000 năm!
Phân tích trên giúp
ta hiểu “Bắc” là Thái Sơn-Trong Nguồn, là đất hương hỏa, nơi chôn nhau cắt rốn
của người Việt hiện đại. Bắc cũng là Động Đình Hồ, là Cánh đồng Tương nơi người
Việt một thời quần tụ dựng xây nhà nước Xích Quỷ-Văn Lang. Khi trở về Việt Nam,
phải biệt xứ xa quê, cha ông ta nhớ về đất tổ. Vì thời gian quá xa nên không ai
còn biết tới chuyện thủy tổ đen cháy từ châu Phi tới những bảy vạn năm trước.
Ký ức sâu xa nhất của con người chỉ còn nhớ được Núi Thái-Trong Nguồn với những
vị tổ Phục Hy-Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân-Âu Cơ... Tất cả
những điều thiêng liêng ấy in sâu trong tâm khảm người dân Việt hồn hậu để
thăng hoa thành truyền thuyết cội nguồn. Nếu có “dĩ Bắc vi trung” thì
chính là cái “Bắc” này, đâu phải như cách hiểu nông nổi của Giáo sư Nguyễn Huệ
Chi: “là sự xuyên tạc của nhà nho thời Bắc thuộc khiến cho truyền
thuyết bị bóp méo bởi ý đồ lấy phương Bắc - Hán tộc - làm trung tâm (dĩ Bắc vi
trung).” Không, truyền thuyết đó nảy sinh từ nhân dân, dân dã mà không
phải của các nhà Nho. Càng không phải của Sỹ Nhiếp như ông Chu Mộng Long suy
luận vô sở cứ. Và nó cũng ra đời khi trên đất Đông Á toàn là người Việt, hàng
nghìn năm trước khi người Hán xuất hiện. Vì vậy, cái “dĩ Bắc vi trung” -
nếu có, hoàn toàn là niềm hoài vọng cội nguồn thiêng liêng của người Việt!
Còn vì sao tên
người, tên đất được ghi bằng chữ Hán? Trước hết phải khẳng định, truyền thuyết
được sinh ra trên lưu vực Dương Tử, bên Hồ Động Đình chứ không phải trên đất
Việt Nam. Khi trở về Việt Nam, người Việt mang theo câu chuyện qua truyền khẩu
vì chưa có chữ. Nhưng vẫn còn rất nhiều người Việt sống ở đồng bằng Dương Tử,
sau này thành dân các nước Sở, Hán, Đường… Người Việt Đông (đến nay còn nhận
mình là người Việt) vẫn nhớ truyền thuyết gốc của tổ tiên. Tới thời Đường các
nghệ nhân chuyển thành Kinh kịch, Lý Triều Uy sáng tác thành tiểu thuyết Liễu
Nghị truyện (柳毅傳).
Cố nhiên, các tên đất, tên người, muộn nhất từ thời Hán được ghi bằng chữ Hán.
Có những nhà nho từ Giang Nam mang sách xuống, có những đoàn sứ bộ Việt Nam đưa
sách về. Vì vậy, trong Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, tên người tên đất
đều là chữ Hán.
Nhận thức là một
quá trình. Thời thơ ấu, con người từ huyền thoại để viết ra cuốn sử của mình.
Đến khi tự coi là trưởng thành, con người duy lý dùng tri thức lịch sử để “giải
huyền thoại.” Suốt 200 năm qua có một “trường phái” từ Ngô Thì Sỹ qua Tự Đức,
tới các sử gia đương đại diễn ra quá trình giải huyền thoại, tập trung công
kích Hồng Bàng thị truyện. Kết quả là huyền thoại cội nguồn bị trục xuất khỏi
sách sử, lịch sử 4000 năm chỉ còn lại 2700 năm, biên giới lịch sử của quốc gia
co lại như tấm da lừa. Lịch sử dân tộc bị cắt xén, bị xuyên tạc, bị bóp méo trở
thành kỳ hình dị dạng. Mối nguy mất lịch sử đã hiện ra trước mắt.
Với những người chỉ
sống tới cuối thế kỷ XX thì quan niệm như vậy còn có thể hiểu vì khi đó, do hạn
chế của khoa học nên thời tiền sử nhân loại còn mơ hồ, hỗn độn giữa thực và ảo
đã giúp cho đám học giả duy vật duy sử thắng thế, nhân danh “khoa học” bài bác
những điều mà họ chưa hiểu. Nay đang ở thập niên thứ III của thế kỷ XXI. Với
những khám phá của di truyền và khảo cổ về nguồn gốc loài người và các chủng
tộc, khoa học đã đưa ra hàng tấn cứ liệu bác bỏ những quan niệm nhân học và
lịch sử lỗi thời của thế kỷ XX. Có thể nói, sau năm 2000, khoa học nhân văn thế
giới đã lột xác để trở thành một khoa học chính xác. Những bí ẩn lịch sử từng
giấu kín trong máu người cũng như trong lòng đất lần lượt được đưa ra trước ánh
sáng, giúp Con Người lần đầu tiên khám phá lịch sử chân thực của mình. Nhờ vậy
chúng tôi đã viết được những cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt
(Văn học, 2006); Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn học, 2008). Để bạn
đọc tiếp cận tài liệu mới của thế giới, chúng tôi đã dịch những tài liệu giá
trị nhất rồi in thành cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học,
2011); Khám phá lịch sử Trung Hoa (Hội Nhà văn, 2016); Góp phần
nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (Hội Nhà văn, 2016); Tiền sử
người Việt (Hồng Đức); Out of Vietnam explore in the world (Nhân Ảnh, San jose,
2021); Rewriting Chinese History; The Formation Process
Of The Origin And Culture Of The Viet people (Nhân Ảnh, San Jose,
2021); Đối thoại soi sáng lịch sử I,II (Nhân ảnh, San Jose
2020); Riêng vấn đề Hồng Bàng thị truyện, do có được tư liệu mới và
giá trị, chúng tôi viết thành cuốn Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến
hiện thực (Hội Nhà văn, 2017).
Với bằng chứng thuyết phục, những
sách đó chứng minh rằng, Việt Nam là nơi đầu tiên trên đất châu Á mà người hiện
đại đặt chân đến, sinh sôi rồi từ đó đi ra mở mang thế giới... Những tư tưởng
mới mẻ đó không chỉ đến với hàng triệu người Việt mà còn được học giả quốc tế
thừa nhận. Người đọc Việt Nam đã biết tới Liam Kelley, Phó giáo sư Đại học
Hawaii in Manoa với tên Việt Lê Minh Khải và trang Leminhkhai’s blog. Năm 2010,
đọc một bài viết của chúng tôi trên BBC tiếng Việt, nói rằng “người từ Việt Nam
lan tỏa ra thế giới,” ông la lên: “Đó là những điều quái lạ, tôi chưa từng
được học qua từ bất cứ khóa huấn luyện nào, cũng chưa thấy ghi trong sử Việt” rồi
nổi đóa: “BBC điên rồi sao?” (BBC gone mad?)
Từ đó, ông ra sức bài
bác: “Hà Văn Thùy thiếu chuyên nghiệp”... Nhưng 10 năm sau, trong bài
viết The centrality of “fringe history” Diaspora, the Internet and a new
version of Vietnamese prehistory (Trung tâm “lịch sử bên lề”: tạm cư, internet
và phiên bản mới của tiền sử người Việt) đăng trên Tạp chí International
Journal of Asia Pacific Studies số ra ngày 30 January 2020, ông thừa nhận: “Có
một nhóm “sử học bên lề” viết phiên bản mới cho lịch sử Việt Nam, đang trở
thành trung tâm.” Trong khi đó rất nhiều vị khoa bảng đang là những bậc
thầy tại các trường, các viện cố tình không biết những khám phá không chỉ giúp
viết lại sử Việt mà còn góp phần thay đổi vận mệnh dân tộc.
Công việc bức thiết
hiện nay là viết lại cuốn sử chân thực của tộc Việt. Không phải 4000 năm, càng
không phải 2700 năm mà bắt đầu từ 70.000 năm trước, khi người Khôn ngoan từ
châu Phi di cư tới Việt Nam, sinh ra tổ tiên chúng ta để rồi người Việt lan tỏa
ra mở mang thế giới.
Với ông Chu Mộng
Long, chúng tôi xin thưa,
Là giáo sư Ngữ văn,
công việc của ông là học tri thức khoa học nhân văn để dạy học trò. Kiến thức
ông học dựa trên sự hiểu biết về con người từ xa xưa đến cuối thế kỷ XX. Nhưng
sang thế kỷ mới, những hiểu biết về con người cơ bản đã thay đổi. Trong khi đó,
không cập nhật tri thức mới mà ông cứ mang những điều xưa cũ ra rao giảng. Từ
vai trò người thầy khai sáng, ông tự biến mình thành kẻ bảo thủ truyền bá ngu
dân. Bài “Tinh thần…” không chỉ ngu dân mà còn phản tộc. Là người thông
minh, trung thực, có tâm với dân với nước, ông nghĩ sao về một cơ sự như vậy?
Sài Gòn 21.11.2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét