Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Diễn Đàn Văn Hóa

014005                         LẠM BÀN VỀ CHUYỆN “THOÁT TRUNG”
Hà Văn Thùy

     Trên điễn đàn gần đây khá ồn ào chuyện “thoát Trung”, thậm chí có cả một hội thảo về chủ đề này. Tuy nhiên có cảm tưởng là, chưa ý kiến nào “lọt tai” để có thể biến thành hành động thực tế! Cân nhắc những phát ngôn giầu nhiệt huyết, có vẻ trí tuệ này lại thấy, phần nhiều được nói theo cảm tính, không có sự minh triết cần thiết. Vì sao vậy?  Sau khi suy nghĩ cẵn kẽ, tôi nhận ra, nguyên nhân cơ bản nhất là, người nói chưa hiểu điều mình nói ! Miệng nói “thoát Trung” còn đầu chẳng biết: Việt là gì? Trung là gì?! Muốn thoát một cái mà mình chưa hiểu nó là gì, khác nào kẻ đi đêm chạy trốn bóng ma?!
     Sáu chục năm trước, đứa bé 10 tuổi là tôi trong khi điếu đóm hầu các cụ, nghe lỏm được: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng”. Không hiểu sao câu nói đó thành nỗi ám ảnh khôn nguôi: vì sao chúng ta lại đồng chủng đồng văn với kẻ thù truyền kiếp? Gần suốt cuộc đời đi hỏi nhiều người nhưng chưa câu trả lời nào khiến tạm yên bụng. Phải đến ngoài tuổi nhi nhĩ thuận tôi mới tìm được lời giải cho mình!
     Từ rất xa xưa, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa.
     4000 năm TCN, tổ tiên ta xây dựng trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử nền văn minh lúa nước rực rỡ nhất thế giới. Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ đánh chiếm vùng cao nguyên Hoàng Thổ ở trung  du Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Thắng trận nhưng do văn hóa chưa phát triển và nhân số ít, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa. Lớp con lai Mông-Việt ra đời, được gọi là Hoa Hạ, mang dòng máu Việt, bú sữa Mẹ Việt, học tiếng nói, cách trồng kê, trồng lúa cùng phong tục tập quán Việt. Sau bốn đời, vua Đế Khốc đã là người Việt với nước da đen và tên của loài chim Cốc.
Được thụ hưởng hai dòng máu và hai văn hóa, người Hoa Hạ có phẩm chất vượt trội, trở thành tầng lớp ưu tú lãnh đạo cộng đồng Việt, sáng tạo thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông từ Nghiêu, Thuấn tới Hạ, Thương, Chu. Nhận được tư liệu lịch sử từ triều Thương, Chu, thiên tài Khổng Tử đã đúc kết tinh hoa của văn minh tổ tiên Việt trong những bộ kinh điển kỳ vĩ…
    Suốt 2000 năm, do sự khuất lấp của lịch sử, chúng ta không biết rằng, chẳng những kinh điển ấy do người Việt sáng tạo mà chữ vuông tượng hình cũng do tổ tiên ta làm ra. Càng không ngờ rằng, trong khi các giáo sư danh tiếng dạy “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán” thì trên thực tế, “tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa!” Chả có gì khó hiểu nếu ta biết rằng, người Hán chiếm 93% dân cư Trung Hoa, chính là người Việt.               Cái nhóm người được gọi là Hoa Hạ chỉ tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử để rồi hòa tan trong khối dân Việt khồng lồ. Lưu Bang, cao tổ nhà Hán chính là người Việt được sinh ra ở đồng bằng Trong Nguồn của nước Ư Việt cổ, nơi có con sông Nguồn. Về sau, con cháu không phát âm được vần “ng” nên nói trại thành Hon, Hòn, Hớn. Khi phong cho Lưu Bang, Hạng Vũ đặt tên là vua Hòn, sau chuyển thành Hán vương. Nước Hán cùng tộc Hán ra đời như vậy! Là người Việt 100% nhưng Lưu Bang và đồng bào của ông vẫn tự nhận là Hoa Hạ! Lượng máu Hoa Hạ ít ỏi hòa tan trong máu Việt nhưng danh xưng Hoa Hạ thì còn và bị các vương triều Trung Hoa tiếm dụng!
     Đấy là Trung Quốc! Còn người Việt?
     Trước đó ba lục thập hoa giáp (181 năm), là năm 2879 TCN, Nhà Nước Việt Cổ đầu tiên ra đời với tên Xích Quỷ của Kinh Dương Vương và Hồng Bàng Thị, kéo dài đến 258 TCN. Trong khi đại bộ phận người Việt vùng Núi Thái Sông Nguồn ở lại quê hương thì một bộ phận theo Lạc Long Quân vượt Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum, Ngàn Hống. Tại đây vua Hùng lập nước. Đó là cuộc đổi quốc hiệu Xích Quỷ thành Văn Lang và rời đô từ Ngũ Lĩnh tới Việt Trì. Người Mongoloid trong đoàn di tản hòa huyết với người Austrtaloid bản địa, sinh ra người Mongoloid phương Nam văn hóa Phùng Nguyên, là tổ tiên chúng ta hiện nay.
     Vậy là người Trung Hoa cùng với chúng ta một dòng máu. Không chỉ thế, còn chung tiếng nói, chữ viết và những thành tựu văn hóa vĩ đại khác. Do nhận chân điều này nên cha ông chúng ta từ xa xưa ghi nhớ: Việt Hoa đồng văn đồng chủng.
     Có một điều khác: trước đây chúng ta được dạy rằng người Trung Hoa đồng hóa dân Việt về máu huyết lẫn văn hóa. Nay thì khám phá sự thật trái ngược: người Trung Hoa là con cháu của người Việt, được thừa hưởng từ tổ tiên Việt không chỉ dòng máu, tiếng nói, chữ viết mà cả nền văn hóa rực rỡ. Mọi thành tựu văn hóa được tạo dựng trên đất Trung Hoa đều bắt nguồn từ văn hóa Việt.
     Một câu hỏi nảy sinh: Vậy “thoát Trung” là thoát ở chỗ nào? Sự thực, cho tới nay chưa có ai phân định được chuyện này. Khổng Tử dạy học trò: “Người phương Nam khác ta là họ trồng lúa nước, ăn gạo, còn ta ăn kê mạch.” Cái khác này nếu có cũng chỉ là về phương thức sinh hoạt, không mang tính bản chất. Nhưng thực ra điều này không đúng: cả kê, cả lúa đều do người Việt đưa lên. Nhưng vì cao nguyên Hoàng Thổ khí hậu khô không hợp với lúa nước nên cây kê thành cây trồng chính của dân cư văn hóa Ngưỡng Thiều cho tới thời Khổng Tử. Có lẽ, cái khác biệt Nam-Bắc thực sự là câu nói này của Khổng Tử trong sách Trung Dung:
“Tử-Lộ vấn cường. Tử viết: “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức chi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi. Cố quân tử hoà nhi bất lưu: cường tai kiểu; trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu, quốc hữu đạo bất biến tắc yên, cường tai kiểu; quốc vô đạo chí tử bất biến, cường tai kiểu”!
Tử Lộ hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói:
“Là cái cương cường của người phương Nam ư? Hay là nói cái cương cường của người phương bắc? Hay là nói cái cương cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cương cường của người phương nam, người quân tử giữ sự cương cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cương cường của người phương bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cương cường này! Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cương cường chân chính.”

     Chính ở đây, Khổng Tử chỉ rõ cái khác nhau giữa phương Nam và phương Bắc, những phẩm tính được hình thành trong lịch sử. Sự hòa hợp văn hóa Việt Mông đã tạo nên thời Hoàng Kim Nghiêu, Thuấn. Đến cuối triều nhà Hạ, yếu tố du mục trỗi lên trong dòng máu Hoa Hạ, sinh ra vua Trụ tàn bạo, dẫn tới cuộc chiến khốc liệt lập nhà Thương. Rồi như sự tất yếu, nhà Thương lặp lại sai lầm của nhà Hạ, dẫn tới cuộc chiến tranh lập nên nhà Chu. Suốt thời gian này, người du mục xâm nhập, góp phần chuyển hóa văn hóa Hoa Hạ, đem tới sự thắng thế của tinh thần du mục, điều mà tác giả Khương Nhung thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Totem Sói. Dòng máu sói dẫn tới những cuộc chiến tranh tàn khốc thời Chiến Quốc. Không hề dừng lại, nó tiếp tục chảy trong huyết quản các hoàng đế Trung Hoa từ Tần Hán tới Tống, Nguyên, Thanh và được tăng cường dưới ngọn cờ chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mao hôm nay! Kho tàng minh triết Việt được kết tinh trong những kinh thư của Khổng Tử bị giới trí thức xu phụ vương quyền chuyển hóa thành Hán Nho, Tống Nho, Minh, Thanh Nho phục vụ triều đình, đàn áp nhân dân, mở rộng xâm lăng chiếm đoạt, nô lệ các dân tộc khác trong khi lừa mị bằng uy danh Hoa Hạ cùng “sứ mệnh” khai hóa các dân man di! Không chỉ người dân Trung Quốc lĩnh đủ cái cương cường hoang dã của dòng máu sói mà bên cạnh Trung Hoa, Việt Nam cũng nếm mùi cay đắng.
    Tuy là người phương Nam, thấm nhuần tư tưởng Khoan nhu dĩ giáo” nhưng không phải trong huyết quản chúng ta không có máu sói. Không thể kể hết những tội ác của vương triều Việt Nam gây ra với người dân trong nước cũng như đồng bào Khmer, đồng bào Chăm. Đó chính là “tội tổ tông” mà chúng ta mặc nhiên phải gánh chịu!
     Xin hãy trả lời tôi: trong bối cảnh phức hợp lịch sử-văn hóa đó, thì “thoát Trung” là thoát cái gì? Làm sao mà “thoát Trung” khi đồng văn đồng chủng?    
     Chối bỏ học thuyết Khổng Tử trong văn hóa tâm linh  cũng vô nghĩa như
chối bỏ dòng máu Mông Cổ trong huyết quản vậy! Càng hoang đường hơn khi có người kêu gào “thoát Á để phát triển!” Làm sao mà “thoát Á” khi Việt Nam là trung tâm sản sinh con người và văn hóa châu Á?! Một ý tưởng hư vô tại hại, dẫn người ta lạc lối.
     Do suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng, không nên làm những việc không thể làm! Không cần phải “thoát” Trung mà chúng ta cần hiểu chân thực về Trung Quốc, về bản thân mình để đương đầu với vận mệnh mà lịch sử đã sắp đặt!
     Tổ tiên chúng ta từng di chúc: “Yêu nhau rào dậu cho chắc!” Cách ứng xử này không chỉ với hàng xóm mà cả với lân bang. Một quân đội hùng mạnh đủ để giữ gìn đất nước. Một biên giới vững vàng như thành đồng vách sắt. Một thể chế chính trị tự chủ. Một nền kinh tế độc lập. Thực hiện lời dạy của Khổng Tử: “Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục”.  Làm được như vậy, không cần phải “thoát” cái gì cả, chúng ta sẽ sống vững vàng với người anh em đồng văn đồng chủng, núi liền núi, sông liền sông.
                                                                
 Sài Gòn, 22.06.2014

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...