021007 GÓP PHẦN ĐÍNH CHÍNH VỀ NĂM SINH
VÀ
NĂM MẤT CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC
Phạm Quang Ái
1. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong tứ
trụ danh nhân văn hóa (Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ)
không chỉ của xứ Nghệ mà còn là của cả nước trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX.
Cuộc đời, sự nghiệp y học và sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế
một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế. Chúng ta đã và đang ra sức khảo cứu, kế thừa
và phát huy những di sản quý báu của ông để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng một
nước Việt Nam cường thịnh, văn minh sánh tầm với các cường quốc năm châu. Tuy
nhiên, do những khó khăn khách quan và chủ quan, xung quanh những gì liên quan
đến thân thế, sự nghiệp và trước tác của Đại danh y còn nhiều vấn đề chưa được
làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề đó là việc xác định năm sinh và năm mất của
ông, hiện nay, đang làm cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc bối rối.
2. Từ các
công cụ tra cứu trên mạng internet, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu
có chứa đựng thông tin về năm sinh của ông nhưng không có sự đồng nhất. Hiện
nay, phần lớn tài liệu đều ghi năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là
1720 và năm mất là 1791. Đó cũng là tư liệu chính thức được Lương y Lê Trần Đức
và những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế dùng trong lần kỷ niệm 250 năm sinh Đại
danh y vào năm 1970.(1). Từ đó đến
nay, tất cả các lần tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại danh y ở tầm địa phương
hoặc tầm quốc gia đều lấy năm 1720 làm năm sinh của ông và trong hầu hết các
tài liệu chính thống viết về Lê Hữu Trác cũng như sự ghi chép ở các tấm bia,
tượng đài, tượng thờ, tranh ảnh của ông đều thống nhất ghi năm sinh như trên.
Trong khi đó, ở một số tài liệu khác lại đưa ra những thông tin khác nhau về
năm sinh, năm mất của ông, tuy không phổ biến.
Về năm sinh, năm mất của Lãn Ông,
trước hết phải kể đến thông tin của dịch giả, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883
– 1940) trong bài Một nhà danh – nho và
danh – y của nước ta ngày xưa – cụ Lãn ông, viết về Hải Thượng Lãn Ông,
đăng liên tục trong hai số Tạp chí Nam
Phong 69 & 70 năm 1923 [và sau đó, trong các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924) của Tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật đã công bố trọn vẹn bản dịch Việt ngữ tác phẩm Thượng kinh ký sự]. Trong bài viết trên,
Nguyễn Trọng Thuật cho biết… “Cụ là con
thứ bảy quan Thượng-thư họ Lê, làng Liêu-xá 遼舍, huyện Đường-hào 唐豪, tỉnh Hải-dương (bây giờ thuộc về huyện Yên-mĩ, Hưng-yên),
tục gọi cậu “Chiêu Bảy”, sinh ở đời vua Giụ-tôn nhà Hậu-Lê, ngang lịch tây năm
1721, thọ ngoài 70 tuổi, chưa tường mất năm nào”(2). Năm 1959, NXB Văn học in bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ, Bùi Kỷ duyệt lại. Trong
lời Tựa, dịch giả ghi rõ năm sinh của Lãn Ông là 1720
nhưng không ghi năm mất mà chỉ ghi là “Ông
mất thọ 70 tuổi”. Dịch giả Phan Võ ghi như vậy, nếu tính tuổi âm lịch thì
năm mất của Lãn Ông là 1789, còn tính theo tuổi dương lịch là 1790. Cũng như
Nguyễn Trọng Thuật, khi đưa ra thông tin về năm sinh và tuổi thọ của Lê Hữu
Trác, Phan Võ không cho biết là căn cứ từ đâu. Năm 1974, Ứng Nhạc Vũ Văn Đình cho ra mắt bản Việt dịch thứ ba
in trong Tập san Sử Địa (số 26, 27
& 28) ở Sài Gòn. Trong Lời giới thiệu của dịch giả, Vũ Văn Đình có nêu tóm tắt tiểu sử Lãn
Ông nhưng không có thông tin về năm sinh và năm mất.
Trong
khi đó, từ năm 1971, trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm –
nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam tập
1 của học giả, nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, Thư Viện Quốc Gia xuất bản (Hà
Nội, năm 1971), sau đó, Nxb Văn Hoá tái bản (Hà Nội, 1984), ở mục số 211, khi
khảo về bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông
Y tông tâm lĩnh toàn trật, Trần Văn Giáp cho biết: Lê Hữu Trác “…sinh năm Giáp Thìn đời Lê Dụ Tông niên hiệu
Bảo Thái thứ 5, ngày 12 tháng 11 tức là ngày (27 – 12 - 1724), tại quê mẹ và
mất ngày 15 tháng Giêng, năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung (17 – 2 – 1791), thọ
67 tuổi”(3) . Thông tin về ngày tháng năm
sinh và ngày tháng năm mất mà Trần Văn Giáp đưa ra trong tài liệu kể trên là
căn cứ vào sách Văn Xá Lê tộc gia phả
(Trần Văn Giáp, sách đã dẫn, mục 147, tr. 314-316) và về cơ bản là giống với
thông tin trong các bộ gia phả họ Lê bằng quốc ngữ ở Liêu Xá (Hải Dương).
Như
vậy, thông tin về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông hiện tại có những số liệu như
sau: 1720, 1721 và 1724 và năm mất là: 1789, 1790 và 1791. Điều đáng nói là trừ
học giả Trần Văn Giáp (tuy ông không dẫn chứng một cách tường minh), còn các
tài liệu khác đều đưa thông tin một cách mặc định, không nêu căn cứ cũng như sự
khảo đính.
3.
Trước tình trạng như vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải tìm cho được những tư
liệu, bằng chứng có giá trị để hiệu khảo, đính chính về năm sinh và năm mất của Đại danh y.
Trước
hết, chúng tôi tự xác định rằng: nếu tìm được những thông tin do chính Hải
thượng Lãn ông tiết lộ trong các trước tác của ông thì đó sẽ là những chứng cứ
đích đáng nhất. Thậm chí, trong những trường hợp, cảnh huống đặc định, những
thông tin do chính tác giả bộc lộ sẽ có giá trị cao hơn, đáng tin cậy hơn là
thông tin trong gia phả. Vì ngày xưa,
phần lớn gia phả được chép bởi những người thuộc các thế hệ sau trong gia tộc
nên khó mà biết được một cách chính xác những thông tin như ngày tháng năm sinh
hoặc ngày tháng năm mất.
Từ sự
định hướng nói trên, chúng tôi đã đọc kỹ bộ Hải
thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh qua bản dịch của Đình Thụ Hoàng Văn Hòe
(xuất bản ở Sài Gòn năm 1972) và bản dịch của tập thể dịch giả miền Bắc trước
năm 1975 (do NXB Y học xuất bản năm 2005). Đặc biệt, chúng tôi đã chú trọng
tiến hành rà soát một cách tỉ mỉ thiên tùy bút – tự truyện Thượng kinh ký sự. Trong quá trình tìm tòi tỉ mẫn đó, chúng tôi đã
phát hiện được hai chi tiết đắt giá. Chi tiết thứ nhất được tiết lộ trong đoạn
Lê Hữu Trác thuật chuyện sau khi vào Trịnh phủ, thăm mạch, kê đơn cho Trịnh Cán
lần thứ nhất, ông tìm cách khước từ mọi chức tước, bổng lộc để về quê. Không
gặp được Huy Quận công Hoàng Tố Lý, là người đã bố trí cho ông vào chữa bệnh
cho nhà chúa, ông tìm cách gặp viên Quận hầu là con trai Quận Huy để thăm dò
tình hình và trình bày nguyện vọng. Lãn Ông đã nói với viên Quận hầu như sau: “Tôi vốn có chí hồng-nghê từ thủa nhỏ mà
không gặp thời, phải về nương-náu chỗ sơn-cùng thủy-tận cho được dưỡng-nhàn.
Nay tuổi đã sáu mươi rồi, mắt hoa tai điếc, còn làm gì được mà cầu tiến nữa…”(4). Cũng theo tác giả cho biết ở phần mở đầu
thiên tùy bút thì ông được điều động về kinh đô để chữa bệnh cho chúa là vào “Năm Nhâm-Dần, niên hiệu Cảnh-hưng
景興 thứ 43 (1782), tháng Mạnh-xuân (tháng Giêng)”(5).
Và sau gần một năm ở
kinh đô Thăng Long, ông được
trở về
nhà vào ngày 02 tháng 11 cùng năm (1782). Ở thời điểm
nói trên, ông nói mình đã 60 tuổi là theo cách tính tuổi âm lịch
chứ tuổi
dương
lịch thì ông mới 59 tuổi;
như
vậy, năm sinh của ông sẽ
là: (1782 – 59) + 1 = 1724.
Từ một tài liệu khác do
chính Lãn Ông viết, cũng cho chúng ta dữ liệu để tính ra năm sinh của ông. Đó là trong
lời tựa của chính
Lãn Ông viết ở đầu quyển thủ của bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông
Y tông tâm lĩnh toàn trật, ông cho biết “Tôi lúc mười lăm tuổi, tiên nghiêm (tức là
cụ thân sinh, Tiến sỹ Lê Hữu Mưu) tạ thế…”(5). Theo sách Gia phả họ
Lê, bản sưu tầm và biên dịch của ông Lê Tràng Thành năm 1959, cũng như các
bản gia phả khác, thì cụ thân sinh Lê Hữu Trác là Tiến sỹ Lê Hữu Mưu sinh năm
1685 và mất năm 1739. Vậy từ năm mất của cụ Lê Hữu Mưu, sẽ tính ra năm sinh của
Lê Hữu Trác là 1724.
Cũng trong Gia phả họ Lê (do Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch 1959), có một
bằng chứng khác sẽ giúp ta dễ dàng bác bỏ cái thuyết Lê Hữu Trác sinh năm 1720
hoặc 1721 là cụ bà Bùi Thị Thưởng, thứ thất cụ Lê Hữu Mưu, sinh được 6 người
con là: Châu, Tựu, Chuân, Ngoạn, Trác, Tố. Gia
phả cho biết cụ thể: “Lê Hữu Tán, húy
Tựu sau đổi là Đình Ngạc, làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri phủ Anh Đô, hiệu là
Thạch Trai, sinh năm Canh Tý 1720, mất năm Bính Ngọ 1786, thọ 67 tuổi, húy ngày
12 tháng 2, Ngài vào ở quê mẹ làng Phúc Tuy, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn,
tỉnh Hà Tĩnh”. Như vậy người con thứ hai của bà Thưởng là ông Tựu sinh năm
1720, sau ông Tựu còn những hai người anh, chị nữa rồi mới đến Lê Hữu Trác. Rõ
ràng, Lê Hữu Trác không thể sinh vào các năm 1720 hoặc 1721. Sở dĩ có sự nhầm
lẫn giữa năm sinh của ông anh Lê Hữu Tán (tức Tựu) với năm sinh của Lê Hữu Trác
là vì Gia phả cũng như một số tài
liệu địa phương chí Hán Nôm ở Hải Dương chép Lê Hữu Trác lúc trẻ có tên gọi
thân mật là cậu Chiêu Bảy (ông là con trai thứ 7 trong số 8 người con trai
trong gia đình) nhưng xét theo thứ tự năm sinh của 12 người con trai và gái của
cụ Lê Hữu Mưu thì ông anh Lê Hữu Tán lại đứng thứ 7 và Lê Hữu Trác đứng thứ 11.
Về năm mất của Hải Thượng Lãn Ông,
ngoài việc nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã nói rõ là “…thọ ngoài 70, chưa tường mất
năm nào” và dịch giả Phan Võ cho biết rằng “Ông mất thọ 70 tuổi” (vì thế khó xác định được là mất năm 1789 hay
năm 1790), còn hầu hết các bộ Gia phả của
dòng họ và các tài liệu hiện hành đều thống nhất ghi là năm 1791. Về ngày tháng
sinh và ngày tháng mất của Lãn Ông, các bộ Gia
phả đều chép giống như trong tài liệu của học giả Trần Văn Giáp mà chúng
tôi đã dẫn ở trên.
4. Từ các căn cứ đã được phân tích,
đối chiếu nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu
Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm
Giáp Thìn (27 – 12 - 1724) và mất ngày 15 tháng Giêng, năm Tân Hợi (17 – 2 –
1791), thọ 67 tuổi. Việc xác định đúng năm sinh của Lê Hữu Trác không chỉ góp
phần đính chính một sự kiện trong tiểu sử của ông, quan trọng hơn, sẽ góp phần
trong việc nghiên cứu thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Đại danh y. Hơn thế,
đây cũng là căn cứ quan trọng để chúng ta đề xuất với các cơ quan chức năng
trong nước và các tổ chức quốc tế để lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải
Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 300 năm sinh của ông vào năm 2024.
Chú thích
•
Năm 1970, nhân kỷ niệm 250 năm ngày
sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1970). Nhà Nước giao cho Bộ Y tế chủ
trì các công tác kỷ niệm ngày Đại Lễ này. Xem:
- Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB
Y học, Hà Nội, 1966;
– Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,
NXB Y học, Hà Nội, 1970;
•
Nguyễn Trọng Thuật, Một nhà danh y và danh nho của nước ta ngày
xưa - cụ Lãn ông, Nam Phong tạp chí số 69 năm 1923, trang 193;
•
Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm –
nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam, tập
1, bản in lần thứ 2, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1984, tr.428;
•
Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB
Y học, Hà Nội, 1966;
•
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn
Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77
năm 1923, trang 463. Xem thêm bản dịch Thượng
kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài
Gòn; tr.226 và bản dịch Thượng kinh ký sự
của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y
tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.558;
•
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn
Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77
năm 1923, trang 372. Xem thêm bản dịch Thượng
kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài
Gòn; tr.199 và bản dịch Thượng kinh ký sự
của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y
tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.539;
•
Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, quyển nhất,
Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972; tr.32.
.
Tài liệu tham khảo
•
Gia
phả họ Lê, Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch, 1959 (anh
Lê Hữu Khánh cung cấp)
•
Lê
Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Phan Võ, Bùi Kỷ hiệu đính, NXB
Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1989;
•
Lê
Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Ứng
Nhạc Vũ Văn Đình, Tập san Sử - Địa số 26-28, Sài Gòn, 1974;
•
Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, 5 tập, Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà
sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972;
•
Lê Hữu Trác, Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, 2 tập, NXB Y học, Hà Nội, 2005
•
Nam
Phong tạp chí các số 69 – 70 và các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924)
•
Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,
NXB Y học, Hà Nội, 1970;
•
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Địa chí Hải Dương qua tư liệu Hán – Nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét