Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Chứng Cứ Lịch Sử

013058    VỤ HIẾP DÂM LỊCH SỬ LỚN NHẤT CHƯA ĐƯỢC TUYÊN ÁN

     Bàn về văn minh Hy Lạp ông W. Durant có mở đầu một câu “khó có thể thiết lập một nền văn minh mà không cướp phá, cũng như khó có thể duy trì văn minh mà không phải dùng đến nô lệ” (Civ II.10). Đó là câu đáng ghi nhớ vì nó thực cho hết mọi nền văn minh. Chữ văn minh ở đây xin được hiểu theo nghĩa chuyên biệt ngược lại văn hóa. Văn hóa đi với nông nghiệp vốn tính hiền dịu và tổ hợp theo lối thôn làng được cai trị bằng tục lệ. Văn minh trái lại đi với thành thị, quân đội, nhà nước, pháp luật. Phân biệt này tỏ ra rất thuận tiện trong việc tìm về nguồn gốc, nhất là trong khảo cổ, nên được dùng nhiều trong bộ triết lý An Vi này.

Hôm nay xin nói về một vụ cướp đoạt lớn nhất mà văn minh Tàu đã phạm đối với văn hóa Việt: đó là vụ Nữ Oa Thái Mẫu bị Hoàng Đế hiếp. Sự vụ rất phiền toái cần được một lần phanh phui để thấy rõ cổ sử Tàu ra sao, Việt bị ăn hiếp như thế nào.
Ta đã biết ba cột cái của Việt là số 2, 3, 5 Nho công thức thành âm dương, tam tài, ngũ hành. Đó là những ý niệm bao la trừu tượng đã được cụ thể hóa bằng đặt cho những tên huyền sử: Tam tài trở nên Tam Hoàng là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông đại diện cho trời, đất, người. Người chỉ bằng Nữ Oa trong tay cầm cái quy ┼ cũng gọi là thập tự nhai thành bởi hai nét ngang dọc, nét ngang chỉ đất, nét dọc chỉ trời, hai nét hợp lại chỉ Người được định nghĩa là Thiên Địa chi đức. Còn ngũ hành được cụ thể hóa bằng Ngũ Đế là Thái Hạo, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Trong bảng ngũ hành, hành Thổ quý nhất do địa vị trung ương, được xếp đặt như sau:
             Thủy
 Kim      Thổ      Mộc
             Hỏa
Đó là lối xếp cơ cấu với ý nghĩa siêu hình dành cho Thổ địa vị siêu lên khỏi bốn hành chung quanh để chỉ Con Người Đại Ngã làm chủ vũ trụ. Đó là lý tưởng, còn trong thực trạng ngũ hành cũng như âm dương đã bị lạm dụng theo nghĩa ma thuật dị đoan.
Ngũ hành cũng được dùng vào lịch sử để làm dáng cho triều đại, bắt họ với những tổ huy hoàng. Theo đó quý nhất là Tam Hòang, thứ nhì là hành Thổ, thứ ba mới tới 4 hành xung quanh. Con người ai chả sính làm đẹp cho dòng tộc, người Tàu cũng theo luật đó, nhưng đã nổi bật trong vụ này vì có thuyết Tam Hoàng và Ngũ Đế trợ lực: gia phả quý nhất là móc nối được với Tam Hoàng, nếu không được thế cũng phải cố níu lấy một Đế nào đó mới chắc có Thiên mệnh trước mặt dân chúng vì các Đế kế tiếp theo thứ tự tiên thiên ngũ hành, nên móc nối dòng tộc vào được ngũ đế là chứng minh được thiên mệnh cho dòng tộc. Triều đại nào lên ngôi đúng vào hành Thổ thì sang vô cùng. Vậy ta hãy xem các triều đại xếp đặt theo thứ tự các hành, các hành theo thứ tự các mùa như sau:
Mộc chỉ mùa                Xuân                màu xanh
Hỏa chỉ mùa                 Hạ                    màu đỏ
Thổ chỉ mùa                  Tứ Quý            màu vàng
Kim chỉ mùa                 Thu                  màu trắng
Thủy chỉ mùa                Đông                màu đen
Đó là thứ tự vòng sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Ngũ Đế đầu tiên xếp theo vòng sinh này mở đầu bằng Thiếu Hạo cũng gọi là Kim Thiên. Ngược lại thứ tự khắc: Thủy khắc hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.  Cuối đời Chu đã bắt đầu lập lệ đặt gia phả triều đại, nhà nào cũng cố móc nối với một ông lớn như Nghiêu Thuấn, Chuyên Húc, Hoàng Đế. Tư Mã Thiên có lẽ vì nể Đạo Lão đã dùng vòng kháng khắc đặt Hoàng Đế lên đầu ở hành Thổ, ông Granet gọi đó là tội gian lận bắt được quả tang đổi huyền thoại ra sử ký. Theo bảng này nhà Chu ở vào hành Hỏa, dùng màu đỏ (màu Chu). Nhà Hán kế tiếp Chu phải là hành Thủy (thủy khắc hỏa) nhưng hành Thủy tầm thường không xứng với nhà Hán đã mở mang bờ cõi rộng lớn chưa từng có trong lịch sử Tàu, vậy phải xoay trở thế nào cho được hành Thổ. Khó chi đâu chỉ việc đẩy Tần Thủy Hoàng ra, chữ Thủy vừa có nghĩa là thứ nhất mà cũng có nghĩa là nước: Tần Hòang thờ Hà Bá. Vậy khắc Thủy phải là Thổ. Thế là nhà Hán diệt Tần nhận hành Thổ, đúng điềm triệu xuất hiện khi lên ngôi trong đó có sâu đất (Thổ) vô kể!
Tuy sự tráo trở đó gọi được là xuôi, vì thứ tự Ngũ Đế trước chưa phổ biến lắm, nhưng cũng không qua mắt được một số Nho gia trong đó có Lưu Hàm và con là Lưu Hưởng đã lập lại bảng sinh với hai điều đổi mới, một là đẩy xa hơn: các người trước như Trâu Diễn hoặc Tư Mã Thiên chỉ đi đến Hoàng Đế là tận cùng. Trái lại cha con Lưu Hâm gồm cả Thần Nông và Phục Hy vào nữa. Hai là thêm vào một ít triều đại tùy bằng “hành thủy đệm” để cho dễ xếp chỗ ngon cho thần tượng của ông như sau:

HÀNH                         NHÀ CAI TRỊ
Mộc                             Phục Hy
(Thủy đệm)                   Cung Công
Hỏa                              Thần Nông
Thổ                              Hoàng Đế
Kim                              Thiếu Hạo (Kim Tân)
Thủy                             Chuyên Húc
Mộc                             Đế Cốc
(Thủy đệm)                   Đế Chí
Hỏa                              Đế Nghiêu
Thổ                              Đế Thuấn
Kim                              Hạ Vũ
Thủy                             Thương
Mộc                             Chu
(Thủy đệm)                   Tần
Hỏa                              Hán
Thổ                              Vương Mãng
Theo bảng trên Hán bị mất ghế Thổ phải ra ngồi ghế Hỏa, làm sao được Hán triều hoan nghênh, Lưu Hâm súyt bị thiệt mạng là thế. Nhưng khi Vương Mãng lên nắm chính quyền liền tuyên dương bảng trên vì mình được vào trung cung hành Thổ (Hỏa Hán sinh Thổ Vương Mãn), thế là sang hơn nhà Hán: không thèm móc nối Đế Nghiêu như Hán nữa mà với Hoàng Đế, tức lên một bậc: tự Đế nhảy lên Hoàng! Hoàng Đế trị theo Thổ đức, Vương Mãng cũng trị theo Thổ đức với màu vàng chói. Nay ta phân tích thì thấy rõ sự giả tạo, nhưng xưa ít ai nhận ra nhất là khi Vương Mãn đổ thì lưu truyền đã ăn sâu lại được biên cả vào Tiền Hán Thư, thế là bảng trên được công nhận chính thức, được tin tưởng cho đến đầu thế kỷ hai mươi không một ai đặt vấn đề.
Trong bảng trên ta thấy Hoàng Đế được tôn vinh cùng cực: vừa lên bậc Hoàng, còn Đế thì ở địa vị Thổ. Không thể tôn vinh Hoàng Đế hơn được nữa. Hoàng Đế được tôn vinh tức là dân Tàu được lên theo, được tôn vinh đến cùng tột nên Lưu Hướng có đổi bảng khắc ra bảng sinh, có đưa thêm vào nhiều cải cách cũng vẫn theo Tư Mã Thiên dành chỗ tốt nhất cho Hoàng Đế. Điều đó không lạ: dân nào cũng có thể làm thế nhưng ở đây sự tôn vinh kéo theo một sự ăn hiếp là đẩy Nữ Oa ra để có chỗ trống cho Hiên Viên được tham dự vào đợt Hoàng, nhưng đây là vụ ăn cướp không kịp cạo số. Vì theo huyền thọai Tàu không bao giờ có tên Hoàng, mà chỉ có Việt mới gọi là Hoàng Việt. Việt bắt đầu bằng Hoàng kỷ, Tàu khởi ở Đế kỷ. Vậy chữ Hoàng thêm vào cho Hiên Viên là giả tạo, đồ nghề giả tạo là thuyết Tam tài, ngũ hành. Đấy là điểm một.
Điểm hai sự giả tạo nọ làm mất tính chất cân đối âm dương ở bộ ba đầu là lưỡng long chầu nguyệt: Nguyệt là Nữ Oa làm nguyên lý mẹ ngự giữa hai long là Phục Hy và Thần Nông theo luật Kinh Dịch “quả vi chủ” (ít làm chủ) được biểu thị bằng quẻ li của Việt tộc. Phục Hy và Thần Nông là hai hào dương phải nhường chức chủ tịch cho Nữ Oa ở giữa. Cả ba đều là Việt. Theo phương pháp phân tích máu văn hóa thì Phục Hy, Nữ Oa đều họ tiên rồng. Phục Hy có họ phong (gió: liên tưởng tới chim) cũng có tên gọi là Thanh Tinh, rồng xanh, cũng họ rồng như Lạc Long Quân. Còn Nữ Oa sinh tại Đồ Sơn tên cũ của Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang, lúc qua đời hóa thành chim Tinh Vệ (cùng họ tiên (chim) như Âu Cơ). Huyền thoại nói: chim Tinh Vệ tha đá “lấp bể Đông” vì đã chết đuối ở bể. Đó là nói liều, vì Nữ Oa có nghĩa là loài ở dưới nước (nhái, ốc, cá) ta gặp hình bà đầu người mình rắn, hoặc cá… làm sao chết đuối được; bà tha đá bỏ xuống biển là dấu nhớ thương Phục Hy, nhớ thương Thanh Tinh. Chữ Tinh Vệ nói lên sự muốn duy trì bảo vệ mối liên hệ với Thanh Tinh tức với rồng xanh, vì đó là liên hệ nền tảng. Huyền sử nói bà là em hoặc vợ của Phục Hy, cả hai chữ chỉ tỏ mối tình thắm thiết, đồng thời nói lên mẫu đề huyền thoại một số dân Đông Nam Á anh em lấy nhau. Thêm một lẽ Nữ Oa thuộc văn hóa Đông Nam của Việt tộc. Mối liên hệ thắm thiết ấy bị Hoàng Đế phá vỡ, đẩy Nữ Oa ra ngoài, tức văn minh bỏ nguyên lý mẹ để trở nên duy dương du mục. Đó là tính chất nổi trong văn minh Tàu.
Tàu thờ Hậu Tắc (Lord Millet) làm điền tổ. Tắc là lúa ruộng khô (pannicled millet) đối với mễ (oriza sativa), ruộng nước mà điền tổ là Thần Nông. Thần Nông bị đẩy do Hậu Tắc (thành ra xã tắc) thì vào ẩn ở nông thôn. Nông thôn là tổ của văn hóa, duy trì nguyên lý mẹ. Còn văn minh ở tỉnh thành chú ý nguyên lý cha. Văn minh du mục thắng thì nguyên lý mẹ bơ vơ mất chỗ đứng, chỉ còn cách bù trừ bằng lương tri: nói bóng là gửi những viên đá xuống biển đối với việc đội đá vá trời. Đá chỉ nơi ở của chim tiên ở trên núi (đá) tức ở giữa trời cùng đất để làm mối liên hệ với cả hai: cả trời (đội đá vá trời) cả đất chỉ bằng nước bằng hình trên trống đồng, chim âu (cơ) lao xuống miệng rồng đặt cái hôn sâu thẳm, cái hôn giao cấu để sinh ra trăm con đang nhởn nhơ múa hát trên thuyền. Vậy thì Tinh Vệ không có ý lấp bể Đông mà là cố nối lại phần nào mối liên hệ đằm thắm cũ, nó phảng phất 4 câu thơ do tiềm thức cộng thông linh hứng qua ngọn bút tài tình của thi bá Nguyễn Du:
“Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng bóng hồng lúc gieo.
Tình thương bể thắm lạ điều
Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào.”
Đó! Hồn Tinh Vệ không tha đá lấp bể, mà là gửi cánh hồng về thăm chồng để phần nào cố duy trì “tình thương bể thẳm” là nguyên lý mẹ. Nhờ sự cố gắng tha đá bỏ bể đó mà văn hóa Việt Nho chưa đến nỗi đốc ra đực rựa tức còn giữ được phần nào nguyên lý mẹ như sự mềm dịu, nhu nhã đi với tình người. Còn văn minh do Hoàng Đế lãnh đạo vì đẩy Nữ Oa ra thì Tam Hoàng trở nên đực rựa: ba cái đực rựa thì quả là duy dương, văn minh trở nên du mục, võ biền, chuyên chế. Người lập ra bảng này cũng cảm thấy có sự bất ổn nên thêm tên Cộng Công tuy dòng dõi Thần Nông nhưng đã làm nứt trời khổ công Nữ Oa phải vá đi vá lại, nên phải kể là Việt gian không thể thay thế Nữ Oa được. Vả Cộng Công là đực rựa thêm vào thì ra 4 góc: mất cả chữ ba cao trọng của Tam Hoàng. Vì thế bảng trên không được công nhận khắp hết.
Ta thấy trong các sách Tàu kể thứ tự Tam Hoàng Ngũ Đế không hợp nhau. Ngũ Đế có Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Tam Hoàng thì có Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa. Mỗi sách có bảng riêng (1). Đây là bài tổng quát không tiện đi vào chi tiết, chỉ cần biết có sự khác biệt trong các sách để không ngạc nhiên khi nghiên cứu. Sự dị biệt chỉ nói lên chứng tích của vụ ăn hiếp. Cần ghi nhận nữa là vụ ăn hiếp này có tầm ảnh hưởng vô biên vì nó không là trò chơi gia phả vô tội vạ mà là đại diện cho trào lưu chung của nhân loại là văn minh du mục đàn áp văn hóa nông nghiệp, và tự đấy đã chôn táng nguyên lý mẹ mà chúng ta cần phải phục hoạt (xem bài Còn Mẹ trong Kinh Hùng). Đó là một việc dài hơi. Ở đây ta hãy nhận định tóm lược rằng sử Tàu chỉ đáng tin cậy là tự năm 721 trên nữa thì nhận tạm được đến nhà Thương, ngoại giả đều là huyền thoại, đừng tin là lịch sử, cần phải phân biệt thực hư vì điều này rất quan trọng đến việc tìm về nguồn gốc văn hóa Việt tộc.
(1) Ông Eberhard có lên sổ được cả trăm bảng khác nhau như bảng của nhóm Am Dương, của Hồng phạm của Trâu Diễn, của Nguyệt Lệnh, của Tố Văn (Hoàng đế nội kinh) của Lễ ký v.v… Need II. 264
Việt nho chỉ có ý bênh vực con người chống lại du mục đã hiện thân vào du mục, và du mục bên Viễn Đông đã bắt tay phần nào với Tàu nên Tàu đã vô tình tư sản hóa những mẫu mực của Việt. Năm 1919 Tàu làm cuộc cách mạng văn hóa tưng bừng ở tại dùng tiếng Bạch thoại thường dân làm ngôn ngữ văn học, nhân đó nhiều nhóm nhiều đại học đã đi tìm lại những chuyện cổ tích, những huyền thoại của thôn dân, của các sắc tộc thiểu số, thu thập và in ra nhiều ngàn truyện xưa, nhưng sau Tưởng Giới Thạch đã chặn đứng trào lưu đó, một trong các lý do có lẽ chính cốt là sự tìm kiếm đó làm lu mờ  hoặc phá hủy hẳn những trang đầu oai nghi của “ngũ thiên niên sử Tàu”, vì các Hoàng Đế cao cả bị ánh sáng khoa học soi vào thì chỉ còn là những anh hùng thần thoại nghĩa là giả tạo (Hoàng Đế thí dụ) hoặc là những vật tổ của các bộ lạc man Di. (xem chi tiết trong quyển Folktales of China by Wolfram Eberhard. The University of Chicago 1965 p.XXXIV).
Vua Quang Trung xưa có giấc mơ đòi lại hai tỉnh Lưỡng Việt đã bị gọi bằng tên không liên hệ đến chủ quyền cũ nay đổi ra Quảng Đông Quảng Tây. Ta cần nối chí Quang Trung trong lãnh vực tinh thần là thâu hồi lại chủ quyền của các truyện huyền sử đã bị coi là của Tàu: như truyện Bàn Cổ, Tam Hoàng… Hiện bầu khí rất thuận lợi vì được sự trợ lực của các khoa học tân nhân văn: khảo cổ, dân tộc học, nhân tộc học, xã hội học, cổ sử, cổ nghệ, cơ cấu luận. Do đó từ 1970 năm xuất bản quyển Việt Lý Tố Nguyên tới nay tôi đã viết rất nhiều, quan trọng nhất là Sứ Điệp Trống Đồng. Nhưng xem lại thấy lực bất tòng tâm: cánh đồng mênh mông mà phương tiện và sức không đủ, nên chỉ xin coi các sách trên là mấy tiếng kèn ra trận gửi đến các nhà chuyên môn mai hậu để hợp lực viết lại những trang sử thời sơ khai của nước nhà, những trang sử đầy ứ chất văn hóa cao cả mà bấy nay chưa được khai quật đúng cung cách.
Hiện thế giới đang có những cố gắng khai quật như vậy nhưng sự việc không được sai trái như đối với Việt Nho. Bởi văn hóa Việt đã có lâu đời được thành lập vững bền trước khi Hòang Đế xâm nhập nên đã để lại ấn tích sâu đậm trong dân gian, nhờ đó nhà nghiên cứu có được nhiều tiêu điểm đánh dấu bước đường truy căn. Sau đây chỉ xin đưa ra tục tả nhậm làm thí dụ.
Tả nhậm nghĩa siêu hình là hướng theo trời, là chỉ “tình thương bể thẳm”. Kinh Thư nói “Tứ Di tả nhậm”. Bốn Di theo tục tả nhậm. Bốn Di cũng là tứ hải theo sách Nhĩ Nhã là bốn dân quanh nước Tàu tức là Việt tộc. Tiền nhân cất nhà có lể thượng đòn Đông, lấy hướng Đông làm trọng (tức là tả nhậm). Con gái ở phòng Đông, con trai ở phòng Tây, đó là theo lúc Nữ Oa còn làm nội tướng. Các điển chương như Lạc Thư, trống đồng đều tả nhậm (tiến theo vòng tay tả). Kinh điển Nho chứa đầy lộn xộn khi đề cao tả, lúc đề cao hữu (như đã bàn trong Việt Lý Tố Nguyên) những sự lộn xộn đó là những ấn tích quý hóa cho việc truy tầm nguồn gốc. Đại để ban đầu Hoa tộc đề cao bên hữu, khinh rẻ bên tả, gọi là trái (tay trái) là hèn (tả đạo là tà đạo) nhưng sau bị Việt cảm hóa dần dần: coi trọng bên tả, khi tiếp khách thì để khách bên Đông tức bên tả là có ý trọng kính. Đi đường đàn bà bên tả đàn ông bên hữu (nam tử do hữu, nữ tử do tả. Lễ ký III. 515). Sau còn coi trọng bên tả bên Đông đến độ dành phòng Đông cho Thái tử kế vị gọi là Đông cung Thái tử. Nay ta quen nói nam tả nữ hữu là vô tình đi theo Hán nho. Chứ theo Lạc Thư thì về ngay bên hữu “nam tử do hữu”, chàng ràng bên tả làm chi đây, chực theo đóm Hoàng Đế ăn tàn du mục hay sao?
Tóm lại vì văn hóa Việt xuất hiện lâu đời trước, đã để lại những rễ lớn như Lạc Thư, trống đồng, tục tả nhậm, gái ở phòng bên tả… nên nguyên lý mẹ vẫn còn họat động được phần nào. Huyền sử chỉ bằng tích:
Nữ Oa đội đá vá trời, tha đá lấp bể.
Âu Cơ nghi mẫu lâu lâu gặp Lạc Long Quân trên cánh đồng Tương.
Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm có hội…
Do vậy việc “Phục Việt” trở thành một ngành nghiên cứu đầy hứng thú có bằng chứng thi vị mà vững chắc. Hơn nữa đó cũng là làm việc đóng góp tích cực vào nền văn hóa loài người đang cố gắng làm sống lại nguyên lý mẹ để tẩm nhuận cho nền văn minh hiện đại đượm thêm tình người. 

Kim Định, Hùng Việt Sử Ca



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...