TRIẾT LÝ AN VI
TẠI SAO MINH TRIẾT
Ngô Sỹ Thuyết
Tôi nghiên cứu Minh Triết từ năm 2009, nhân dịp gặp gỡ các
thành viên của Trung tâm Văn Hóa Cội Nguồn tôi xin được chia sẻ một số hiểu biết của
mình về Minh Triết và một số vấn đề liên quan khác.
PHẦN A: HÀNH TRÌNH TÌM MINH TRIẾT
I- Vũ trụ, vạn vật dường như đã được “lập trình”
Tôi là dân IT, chuyên về lập trình. Từ cuối những năm 90,
tôi đã nhận thấy rằng, tin học là thứ rất quan trọng, mọi lĩnh vực đều có thể
là đối tượng phục vụ của công nghệ thông tin. Nói cách khác, có thể tin học hoá
mọi lĩnh vực trong xã hội, các phần mềm tin học đã và sẽ được dùng mọi nơi, mọi
lúc, mọi lĩnh vực và ngày càng tinh vi hiện đại. Những năm sau đó, khi có thời
gian nghiên cứu về triết học, văn hoá, tôn giáo,.. tôi lại thấy rằng ngoài những chương trình phần
mềm (do con người lập) có trong những chiếc máy tính hay thiết bị điện tử thì
“sự lập trình” (của thiên nhiên) dường như hiện hữu ở khắp nơi quanh ta trong mỗi
cái cây, ngọn cỏ hay muôn loài động, thực vật.
Trong mỗi hạt cây chắc chắn phải có một “bản thiết kế” hoặc
một “chỉ dẫn trỏ tới một bản thiết kế” giống như một phần mềm
(software/programe) nào đó đã được mã hoá để sẵn sàng cho một sự nảy mầm và
phát triển trở thành một cái cây hoàn chỉnh và chính cái software này (được
kích hoạt từ khi nảy mầm) lại tiếp tục quản lý, giám sát toàn bộ quá trình sinh
trưởng của cây đó một cách tinh vi và tài tình. Bản sao (copy) của bản thiết kế
lại được chép (copy) vào những hạt giống ở các thế hệ sau đó. Các nhà sinh học
đã giúp tôi hình dung và hiểu được phần nào thứ “ngôn ngữ lập trình” của thiên
nhiên qua chiếc thang xoắn ADN bằng sự tổ hợp, lắp ghép, sắp xếp theo một trật
tự, “cú pháp” nào đó của 4 chất bazơ A, T, G, C giống như 4 viên gạch cơ bản có
trong mọi sinh vật sống (từ hạt mù tạt, cỏ cây hoa lá cho đến con giun cái kiến
và cả con người chúng ta). Chiếc thang xoắn ADN giống như những đoạn mã lệnh
(code) của một phần mềm tin học vậy, chỉ cần một chút ít thay đổi về trật tự của
các kí tự, hoặc của một giá trị/ hằng số (contstant) là sự hoạt động của phần mềm
đã thay đổi nhiều khi rất lớn. Có thể coi ADN như là Ngôn ngữ lập trình của Tạo
hoá cho sự sống!.
Chúng ta có thể cảm nhận được sự kỳ diệu trong chính mình,
thật vậy, cơ thể mỗi người có chừng 80.000 tỉ tế bào các loại, mỗi tế bào là một
hệ thống vô cùng phức tạp vậy mà chúng vẫn được kiểm soát, quản lý một cách chặt
chẽ, tinh vi, tài tình và hoàn toàn tự động, và do vậy, phải có một “chương
trình phần mềm” (software) nào đó đã được kích hoạt và chạy bền bỉ từ lúc trứng
được thụ thai cho đến khi ta từ giã cõi đời. 80.000 tỷ tế bào mà không cái nào
bị bỏ sót, thực là kính sợ cái vi diệu của Tạo hoá, tôi hình dung mỗi tế bào đều
có một ID, một mã số riêng và chính chương trình phần mềm quản lý cơ thể đã sử
dụng thường xuyên để cập nhật, trao đổi thông tin dữ liệu về tình trạng mọi lúc
của mỗi tế bào về bộ xử lý trung tâm CPU. Có điều tôi còn băn khoăn là tại sao,
chỉ với 23 nhiễm sắc thể của người cha và 23 nhiễm sắc thể của người mẹ lại chứa
đựng nhiều thông tin di truyền đến vậy. Phải chăng mỗi chúng ta không phải là một
chiếc siêu PC đơn lẻ mà khi mới hình thành trong lòng mẹ đã được “nối mạng” với
siêu máy tính vũ trụ? Và có câu “Cha sinh con, Trời sinh tính” là vì vậy.
Gần đây, trong khi nghiên cứu về Minh Triết tôi có đọc cuốn
sách “The grand Design” (Cuộc đại thiết kế) của Stephen Hawking và Leonard
Mlodinow và cuốn “Triết lý tôn giáo” của William S. Sahakan và Mabel Sahakan
tôi đã phải thốt lên rằng: “Thượng Đế tồn tại và Ngài là Nhà lập trình vĩ đại
nhất, vũ trụ là công trình sáng tạo vĩ đại của Ngài, là đồ án được Ngài thiết kế
và triển khai, giám sát một cách hoàn toàn tự động bằng phần mềm “Chương trình
Tạo hoá”.
Có được phát hiện này là do tôi nỗ lực đi tìm kiếm cái CHUNG
NHẤT, cái BẢN CHẤT, cái TỰ TÍNH, cái BẢN THỂ, cái ĐẠO, cái CƠ TRỜI, cái THÁI CỰC,…
mà ai cũng có thể cảm nhận được sự tồn tại trong lòng các sự vật, hiện tượng mà
không thể mô tả hay gọi tên được.
Từ việc nhận thức thế giới sự vật hiện tượng qua lăng kính của
dân IT tôi tin rằng chúng ta có thể sử dụng hệ thống khái niệm và tri thức của
khoa học máy tính và công nghệ thông tin để giải thích, diễn giải hầu hết mọi sự
vật, hiện tượng xảy ra trong vũ trụ. Một điều thú vị là 20 năm trước, khi viết
cuốn “Lược sử thời gian” (A brief history of time, 1987) S.Hawking còn tin rằng
có Thượng Đế nhưng khi viết “The grand Design, 2010” ông lại quả quyết rằng triết
học đã chết và “Vũ trụ hình thành không cần đến Chúa”. Ở đây, tôi thấy được những
mâu thuẫn và khiếm khuyết trong lập luận của S.Hawking trong cuốn “The grand
Design” cũng như một số phát biểu gần đây của ông về Thượng Đế và Vũ trụ. Một
trong những khiếm khuyết đó là ông đã bỏ qua mối liên hệ về thông tin giữa mỗi
cá nhân với không gian thông tin toàn thể của vũ trụ (trí tuệ vũ trụ), chúng ta
được “nối mạng” online với “siêu máy tính vũ trụ”, giống như mỗi tế bào trong
cơ thể chúng ta được kết nối để trao đổi thông tin với bộ xử lý trung ương
(CPU) trong trí não của mỗi người.
Tôi trở nên có Đức tin về Thiên nhiên, về Tạo hoá còn do
lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm của bản thân về sự lập trình phần mềm, về những điều
chúng ta có thể học được ông Trời trong cách lưu trữ, quản lý, xử lý thông tin
số liệu là những hoạt động bình thường, phổ biến trong nền kinh tế tri thức.
Tôi có thể chứng minh, mô phỏng những điều mình nói bằng chính những thành quả
khoa học kỹ thuật của nhân loại và sản phẩm phần mềm đặc biệt của chúng tôi, vì
vậy tôi không sợ trở thành người quá “duy tâm, chủ quan”. Tôi sử dụng tri thức
và những thành tựu của khoa học công nghệ để làm phương tiện và sở cứ cho luận
thuyết của mình một cách nhất quán.
Việc “phát hiện” ra có Ông Trời chẳng phải là điều gì mới mẻ,
cái chính là phải làm sao để cùng nhau thấy được Ngài đã và đang làm gì, con
người đã học hỏi rất nhiều từ thiên nhiên, nay muốn vươn lên một tầm cao mới sẽ
phải tiếp tục học được những gì nữa để giải quyết những vấn đề lớn, những bế tắc
trước mắt và tương lai bằng chính sự nỗ lực sáng tạo của mỗi người và của cả
nhân loại.
II- Nghiên cứu về Minh Triết giúp gì cho đất nước
Trong cuốn “Giấc mơ hùng vĩ của người Trung Hoa” tác giả Lưu
Minh Phúc (Trung Quốc) viết: “Quốc gia hạng Nhất xuất khẩu văn hoá và giá trị;
Quốc gia hạng Hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc; Quốc gia hạng Ba xuất khẩu sản
phẩm và sức lao động”, dĩ nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực trỗi dậy để vươn lên
thành một quốc gia hạng nhất. Thực tế Trung quốc đã triển khai lập hơn 300 Học
viện Khổng Tử trên 70 quốc gia, khu vực để “xuất khẩu, truyền bá, giới thiệu
văn hoá – giá trị Trung Hoa” ra khắp thế giới. Mong rằng những “Học viện” này
chỉ giới thiệu, truyền bá những tinh hoa giá trị của văn hoá cổ Trung Quốc chứ
đừng nhắm vào tham vọng “bành trướng, bá quyền” xấu xa của chủ nghĩa Đại Hán.
Ngay người Mỹ, Anh, Pháp cũng vô cùng tốn kém người và của trong việc đem “những
giá trị phổ quát của văn hoá, giá trị” của mình tới khắp nơi trên thế giới.
Rõ ràng, ngày nay, nếu một quốc gia nào đó đủ tự tin để dám
“xuất khẩu tư tưởng, triết thuyết” thì đó mới là Quốc gia Siêu hạng. Các nhà
Minh Triết Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và khả năng để làm được
điều này. Chúng ta hoàn toàn có thể “xuất khẩu, truyền bá” tư tưởng Minh Triết
– thứ còn ngàn lần mạnh mẽ, quý giá hơn văn hoá và giá trị của bất cứ quốc gia,
dân tộc nào (dĩ nhiên nếu chúng ta có đủ … Minh Triết!).
Minh Triết lại là thứ báu vật đặt biệt, đặc biệt ở chỗ “cho
đi không vơi, khoe ra không (sợ) mất”, điều này khác hẳn với suy nghĩ của các
doanh nhân – lúc nào cũng lo lắng cạnh tranh, mất thị trường, thua lỗ,… Minh
Triết là báu vật mà không dễ bị đánh cắp, mà nếu có bị đánh cắp, thì đó chỉ là
một sự lan toả - Minh Triết sẽ nảy mầm thiện, sinh sôi, cảm hoá và tiêu trừ cái
xấu, cái ác trong chính những kẻ ăn cắp, đây thực sự là sức mạnh vi diệu, toàn
trí toàn năng của Minh Triết.
Minh Triết rất quan trọng bởi đó là đạo đức, là con đường dẫn
chúng ta đi đến hạnh phúc. Trong cuốn Dưới Chân Thầy - AT THE FEET OF THE
MASTER, tác giả ALCYONE (KRISHNAMURTI), Tủ Sách Thông Thiên Học viết: “Có
Minh triết bạn mới có thể giúp đời, còn Ý chí để dắt dẫn sự Minh triết, và Từ
ái lại gây ra Ý chí. Ấy là những điều kiện mà bạn cần phải có. Ý chí, Minh
triết, Từ ái là ba trạng thái của Ðức Thượng Ðế. Nếu bạn muốn hiến mình
phụng sự Ngài, thì bạn phải biểu lộ ba trạng thái ấy trong thế gian này”. Và
nói theo một ẩn dụ được sử dụng trong các kinh sách Phật giáo, thì chỉ có hơi ấm
của Lòng Trắc Ẩn hoà quyện với sự Minh Triết mới có thể làm tan chảy khối quặng
ở trong đầu óc của chúng ta để giải phóng ra vàng, tức bản chất sâu xa của
chúng ta.
III- Nhà Minh Triết sẽ phải làm gì?
Đã và sẽ còn rất nhiều cuộc tranh luận về Minh Triết, vì vậy
tôi thấy cần dẫn lời của Đạo sư Tây tạng Khuyentsé Rinpotché khuyên răn các học
trò của mình: “Dấu hiệu của sự Minh Triết
và sự kiểm soát được bản thân, và dấu hiệu cho biết người ta đã chín muồi trong
trải nghiệm tâm linh của mình là không còn những cảm xúc xung đột nhau. Điều
này muốn nói rằng khi người ta đã trở thành một nhà hiền triết và bác học, người
ta cũng phải trở thành, theo cùng một tỷ lệ, một người điềm đạm, ôn hoà và có kỷ
luật - chứ không phải là người buông thả, kiêu ngạo và lố bịch. Nên thường
xuyên kiểm tra rằng các ngươi đã sử dụng thành công các thực hành tâm linh để
chế ngự những cảm xúc tiêu cực của mình. Nếu một thực hành nào đó cho kết quả
ngược lại, nếu nó làm tăng sự ích kỷ của các ngươi, làm tăng sự lầm lẫn và các
suy nghĩ tiêu cực của các ngươi, thì tốt nhất các ngươi nên bỏ nó, nó không phải
là dành cho các ngươi”.
Yêu thích Minh Triết, tu rèn để trở thành “Nhà Minh Triết”,
tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta trước hết hãy nhớ đến lời khuyên trên của K.
Rinpotché, nên luôn là một người điềm đạm, ôn hoà và có kỷ luật chứ không phải
là một kẻ buông thả, kiêu ngạo và lố bịch.
Như vậy, nếu nhà Minh Triết hiểu được lẽ tận cùng của trời đất,
lại biết luận giải một cách thấu suốt những lý lẽ liên quan đến sự vật hay con
người thì rõ ràng khi đó chúng ta đã chạm tới một thuyết thống nhất và rõ ràng
về mọi việc (Theory Of Everything - TOE). Đề cập đến thời điểm xuất hiện Lý
thuyết thống nhất TOE, trong cuốn “Lược sử thời gian”, nhà vật lý thiên tài
Stephen Hawking viết: “Khi đó, tất cả chúng ta những nhà khoa học, triết học và
cả những người bình thường, có thể tham gia thảo luận câu hỏi về việc tại sao
chúng ta và cả cái vũ trụ này lại tồn tại. Nếu chúng ta tìm được câu trả lời
cho điều đó, đây sẽ là những chiến thắng tuyệt vời nhất của loài người – vì khi
đó chúng ta có thể biết được những suy nghĩ của Chúa”. Đồng thời, hẳn ước nguyện
của Immanuel Kant cũng được giải quyết, ông đã từng nói: “Có hai thứ làm tôi
ngày càng tràn đầy cảm giác kính nể, ngày càng mong ngóng và thiết tha tìm hiểu
chúng đó là: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy tắc đạo đức ở trong tôi”.
Ở tầm thế giới, để giải quyết những xung đột tôn giáo, Nhà
Minh Triết sẽ phải chứng minh một cách thuyết phục rằng Thượng Đế của người
Công giáo với Thánh Allah của người Hồi giáo là Một và cũng chính là Ông Trời của
người Á Đông chúng ta, loài người phải biết và tin vào điều đó. Với Phật giáo,
Nhà Minh Triết làm rõ hơn thế nào là Thức, là vô thường, là duyên khởi,…, là “sắc
sắc, không không”. Nhà Minh Triết nhìn thấu được bản chất của thế giới vì vậy
mà thấy được “Vạn giáo nhất lý”, thấy được những tinh hoa lấp lánh ánh Minh Triết
trong các tôn giáo nguyên thuỷ cũng như những hạn chế, sai lạc trong lịch sử
đau thương của mỗi tôn giáo.
Cố triết gia Linh mục Lương Kim Định đề xuất việc thống nhất
tôn giáo, tư tưởng với khẩu hiệu “Hỡi Người hãy đoàn kết lại“, ông đã viết: “Đó
là lời kêu gọi đầu tiên được nghe trên mặt đất này. Người ta sẽ không chỉ kêu gọi
“hỡi những người vô sản hãy đoàn kết lại” cũng như những lời hô “hỡi các người
cùng tôn giáo hãy đoàn kết lại” đã gây nên bao nhiêu cuộc chiến tranh giai cấp,
tôn giáo. Vì thế, lần này phải hô: hỡi Người mà không còn gì theo sau, chỉ biết
đến Người như một Nhân chủ. Vì là nhân chủ nên nó sẽ không nói “hỡi các công
nhân hãy đoàn kết lại”, hoặc “hỡi các người da trắng, hay hỡi các người da
vàng, hay hỡi những người nghèo, hỡi những người đang bị đàn áp bóc lột hãy
đoàn kết lại”. Mà chỉ nói có một tiếng Người tinh ròng không gì ngoại lai pha
vào đó, chỉ là nguời và chỉ trên cương vị đó con người phải đoàn kết lại, để
phá bỏ những xiềng xích do thiên hay địa tạo ra để con người trở lại ở nhà của
mình để mình tự làm chủ lấy, làm một ông vua trong ba vua là trời, đất, người.
Đây là địa vị vừa cao cả vừa quân bình nhất của con người mà cho tới nay chưa
có nền triết thuyết nào biết đạt nổi và vì vậy đây sẽ là điều chúng ta thử khởi
công trong quyển này dưới tiếng vang vọng của câu: HỠI NGƯỜI HÃY ĐOÀN KẾT LẠI”
(Nhân chủ, Lương Kim Định). Minh Triết do đó sẽ đem lại thương hiệu toàn cầu vô
giá cho dân tộc Việt Nam.
Trong phạm vi quốc gia, Nhà Minh Triết là người tham mưu
uyên bác giúp các nhà lãnh đạo đất nước trong việc quản lý xã hội, phát triển
kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng,… không loại trừ bất cứ một lĩnh
vực nào. Nhà Minh Triết không chỉ có triết thuyết vững vàng mà còn có công cụ,
phương tiện, giải pháp để thực thi, ứng dụng triết thuyết đó vào cuộc sống. Với
những vấn đề phức tạp, Nhà Minh Triết nói: “Hãy đi sâu vào bên trong, nắm lấy
cái hồn để chế ngự cái phức tạp. Mọi vấn đề đều có cốt lõi, bản chất, mấu chốt
của nó!; Phức tạp chỉ là một phạm trù tương đối, một việc khó đối với người này
lại có thể dễ dàng với người khác; Nhiều việc khó giai đoạn (thời điểm) này, lại
không còn khó vào giai đoạn ( thời điểm) khác; Một việc khó đối với ít người lại
trở nên dễ dàng với nhiều người,…”. Minh Triết giúp giải quyết mọi vấn đề vì
nhìn được vào bản chất cốt lõi của vấn đề!.
IV- Tương lai của đất nước
Tình thế hiện nay, rõ ràng chúng ta cần, cần lắm một phép
màu kỳ diệu để kết nối, huy động được sức sáng tạo của toàn dân tộc. Chúng ta cần
một luận thuyết thật Minh Triết trong việc quản trị, điều hành đất nước; thật
may là Ngành Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ có thể làm tốt được điều
này. Cụ thể, chúng ta phải sớm xây dựng được những kho số liệu cập nhật, chính
xác cao trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ những con số ít nhạy cảm, tiến tới
những con số nhạy cảm hơn, làm sao để từng bước mọi người được làm quen với việc
thống kê, báo cáo, thu thập thông tin số liệu qua mạng Internet, dĩ nhiên phải
bằng loại Phần mềm đặc biệt – sản phẩm sáng tạo của trí tuệ Việt Nam mà chúng
tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị trong một dịp khác.
Chính phần mềm mà sự sáng tạo của chúng tôi tạo ra làm nền tảng
và là cảm hứng cho sự “Chứng ngộ Minh Triết” của tác giả. Tôi tin rằng đó mới
thực sự là sức mạnh giúp chúng tôi đủ tự tin để luận bàn về Minh Triết cũng như
bất kì vấn đề nào khác với những lập luận nhất quán như trên về “Sự lập trình”
và “Chương trình Tạo hoá”.
PHẦN B: KẾT HỢP ĐỨC
TRỊ, PHÁP TRỊ VÀ KỸ TRỊ
ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Có nhận định rằng, sự tiến hoá của loài người phát triển
theo hình xoáy trôn ốc, vòng sau được lặp lại nhưng ở trình độ cao hơn các vòng
trước đó. Lịch sử nhân loại cũng đã ghi lại nhiều hình thái chính trị xã hội,
đó là xã hội đức trị, pháp trị và đang hình thành xã hội kỹ trị. Mỗi hình thái
“trị quốc” này đều có những điểm hay và những hạn chế nhất định, vì vậy, cần phải
biết kết hợp cả 3 lại với nhau để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.
Ở bất cứ xã hội nào, thời kỳ nào, vấn đề đạo đức cũng được
coi trọng. Chúng ta cũng đã được thấy trong lịch sử có nhiều triều đại, chế độ
mà ở đó các giá trị đạo đức con người được đưa lên hàng đầu. Một ông vua hiền,
có đức, có lòng yêu dân luôn được ngợi ca, sùng kính và do đó lôi cuốn, thu phục
được lòng dân trăm họ chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước.
Xã hội đức trị còn dựa trên sự tự giác của mỗi cá thể và đề
cao vai trò của dư luận trong xã hội về văn hoá, giáo dục ý thức, đạo đức, giá
trị tinh thần. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội thuần đức trị đến một ngưỡng
nào đó sẽ không còn phù hợp do những nguyên nhân, mâu thuẫn nội tại bản thân mỗi
người, nhất là khi có sự phát triển của xã hội vật chất và do đó đã dẫn đến sự
xuất hiện xã hội pháp trị quản lý điều hành đất nước bằng luật pháp.
Luật pháp được sinh ra để điều chỉnh các hành vi của con người,
hướng con người đến các sự quy củ, tuân thủ, trừng phạt để răn đe nhưng bản
thân luật pháp cũng rất thoáng, nhiều không gian, thời gian để con người có điều
kiện tự do sáng tạo, vận dụng. Do vậy, người tốt thì không sao, nhưng kẻ xấu lại
triệt để lợi dụng kẽ hở của luật pháp. Mà người xấu, người tham hiện nay không
ít (tôi nghĩ sự tham lam, ích kỷ là một loại virus nguy hiểm nhất đang từng giờ,
từng phút lan truyền, lây nhiễm giữa người sang người thậm chí giữa quốc gia
này với quốc gia khác, khu vực này sang khu vực khác).
Bản thân luật cũng là thực thể “sống”, luôn vận động, luôn tự
điều chỉnh để hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với muôn hình vạn trạng của cuộc sống
nhưng cái xấu, cái ác lan truyền quá nhanh, sự điều chỉnh của luật lại cần phải
có thời gian, nhiều khi không theo kịp với sự phát triển của xã hội.
Ở đây, tôi muốn bàn đến một khía cạnh thứ ba, đó là kỹ trị.
Kỹ trị ở đây được hiểu là sử dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản
lý, điều hành đất nước, xã hội. Việc kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo trên cả 3
khía cạnh: đức, pháp, kỹ sẽ là điều kiện tiên quyết để quản lý xã hội thành
công. (Trong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về 30 năm đổi mới, ngày
28/7/2015, có nhấn mạnh rằng cần phải “Cải cách hệ thống quản trị quốc gia một
cách toàn diện và sâu sắc” và “Một nền
quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, khuyến khích và nuôi dưỡng sáng tạo là nền
tảng thành công cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
ta trong điều kiện mới”).
Rõ ràng, nếu luật pháp quá hà khắc, dân chúng cũng cực khổ,
sự tự do, nhân quyền đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi chính những điều chúng ta
quy định ra mà nhiều khi không lường hết được những mặt tiêu cực do nó đem lại.
Còn nếu chỉ tuyên truyền, hô hào, giáo dục, lấy đức làm trọng cũng chỉ đem lại
những kết quả hết sức hạn chế.
Giải pháp có thể dung hoà được các mâu thuẫn ở đây là phải
triệt để sử dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, điều hành đất
nước, đó là kỹ trị.
Bằng ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ cao, công nghệ
thông tin, Nhà nước có thể đặt ra những quy định mà người dân có thể dễ dàng chấp
nhận hơn do tính khách quan, hợp lý, dễ điều chỉnh của nó. Các nước phát triển
đang ngày càng ứng dụng công nghệ cao trong quản lý xã hội: thương mại điện tử,
thanh toán qua thẻ, giám sát nơi công cộng bằng camera, khai báo thuế, chi tiêu
cá nhân qua mạng… do đó đã đem lại những thành quả to lớn.
Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là con người ngày càng
phụ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật. Tôi sẽ rất khó khăn nếu không có máy tính và
Internet để viết bài này trong việc lấy tư liệu và viết ra những suy nghĩ của
mình, nhất là sửa đi sửa lại ý tứ, câu chữ một cách thoải mái.
Tương lai không xa, hầu hết hoạt động của con người sẽ bị phụ
thuộc, thậm chí lệ thuộc hoàn toàn vào máy tính và Internet. Và chúng ta buộc
phải làm quen dần với khái niệm con người trở thành “nô lệ” của công nghệ, của
Internet. Phần mềm tin học, dịch vụ máy tính, dịch vụ Internet sẽ chi phối hầu
hết các hoạt động hàng ngày của con người, các thiết bị, phần mềm tin học sẽ âm
thầm, tự động giám sát, theo dõi, điều chỉnh hành vi của con người và là “nhân
chứng trong các phiên toà phán xử”.
May mắn thay, phần mềm tin học tuy có một sức mạnh vô cùng
to lớn nhưng lại do chính con người tạo ra, do vậy đều có mục đích, ý định, chức
năng rõ ràng và con người có thể kiểm soát được. Phần mềm hướng hoạt động của
con người ở bất cứ địa vị nào vào sự quy củ, tuân thủ theo những quy định của tổ
chức, của luật pháp xã hội.
Ở các nước phát triển, vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật rất
được coi trọng, công nghệ thông tin giúp cho việc điều hành, quản lý đất nước tốt
hơn. Hệ thống thông tin minh bạch, rõ ràng, đầy đủ giúp cho việc điều chỉnh
chính sách, luật pháp thậm chí hiến pháp được kịp thời, có cơ sở khoa học, đáp ứng
được đòi hỏi của thực tiễn xã hội. Xã hội phát triển cao là xã hội điện tử, xã
hội số, chính phủ điện tử, kỷ nguyên tri thức… đó là những khái niệm không còn
xa lạ với chúng ta.
Để phát triển đất nước, hội nhập thành công, chúng ta phải tự
hào là người Việt Nam, phải đề cao giá trị đạo đức, truyền thống văn hoá của
dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, đất nước con rồng cháu tiên, địa linh nhân
kiệt. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp để xây dựng Nhà nước
pháp quyền và bên cạnh đó không thể thiếu được những nhà kỹ trị với suy nghĩ
táo bạo, sáng tạo, dám áp dụng những công nghệ quản lý tiên tiến nhất, đặc biệt
là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành đất nước, quản lý xã hội
vì đó là cách đứng trên vai những người khổng lồ để đưa đất nước vươn lên./.
NST
Xin mời Quý vị tham khảo bài viết của một tác giả trong nhóm Minh Triết & Văn Hóa chúng tôi. Thiết nghĩ, đây là bức tranh tổng hợp những nguyên lý phổ quát về con người, vũ trụ, từ đó mỗi người bằng trí tuệ, tạo bản lĩnh và dũng cảm dấn thân xây dựng cuộc sống và cải tạo thế giới tốt đẹp hơn.
Trả lờiXóa