TRIẾT LÝ SỐ BA
Một trời hai đất ba người.
Ba người là một nét đặc
trưng cho triết lý An Vi, coi người như một tài ngang với trời đất, nên cũng
gọi là “Tham thông” cả ba tham dự: nếu trời làm, đất làm thì người cũng làm. Có
làm mới là tham thông mới là một tài trong ba tài. Con người khác muôn vật ở
chỗ tham dự, cùng làm đó, nên còn gọi là nhân chủ: con người làm chủ sự vật,
không giữ được điều đó thì là vật chủ tức con người để cho sự vật sai xử, thí
dụ coi tiền tài sản vật cao hơn mình, hơn người, hơn những mối nhân luân, đấy
là phí đất. Còn phía trời thì là tất mệnh, định mệnh, đặt trọn tin tưởng vào số
kiếp định mệnh, con người không còn giữ lại cho mình quyền lực nào để có thể
sửa đổi được thân phận mình, đấy gọi là thiên chủ, thần chủ. Tóm lại, triết có
thể chia ra ba loại là thiên chủ, nhân chủ, vật chủ. Nền tảng văn hóa Việt là
nhân chủ, được biểu thị trong những câu như:
“Có trời mà cũng có ta”
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều…”
Đấy là những câu kết tinh
của một lịch trình tranh đấu dẻo dai trong đêm trường khuyết sử và được phản
ánh lại trong những huyền số cũng như huyền thoại và hơn thế nữa cả văn học.
Trong sách tự điển đầu tiên của Nho là quyển Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đã
ghi ý nghĩa nhất là trời, nhì là đất, ba là người. Đến khi xem vào những truyện
truyền kỳ ta cũng thấy địa vị con người được đề cao xuyên qua những nhân vật
chính thường là người nghèo khó cùng tột, nhưng biết tự cường tự lực nên đã
xoay đổi được số kiếp như An Tiêm, như Tiết Liệu, và vô số truyện của các dân
tộc thiểu số đề cao những vụ thành công rực rỡ đề cao những người nghèo, xấu,
thất thế. Những truyện đó hàm ý rằng chính con người mới là chủ chốt, còn giàu
sang, xinh đẹp, quyền thế chỉ là phụ thuộc. Vì thế kèm theo đó là những truyện
trọng nghĩa khinh tài, như truyện Tiên Dung tuy là công chúa mà không ngại lấy
người nghèo cùng cực. Tất cả đều đề cao những nhân vật biết vượt qua vòng địa
lợi: coi thường tài sản danh vọng. Đó là thoát được cái bệnh trục vật
(chosisme), không để cho sự vật sai xử mình.
Ngược lại bên thiên đạo nếu
không được nâng đỡ bằng quan niệm nhân chủ tất sẽ rơi vào chỗ phục tùng quá
đáng để trời choán hết phần quyền của con người để trở thành nạn nhân của tất
mệnh: hoàn toàn thụ động. Vì thế tuy Việt Nho coi trời rất trọng như được chứng
tỏ trong lễ tế Nam Giao không còn gì trọng hơn, hay triết lý chữ thời cũng
chính là đạo thuận thiên, nhưng lại vẫn có những truyện hạ thấp trời xuống một
ít để trời không choán hết chỗ người, thú vị nhất là truyện “Con cóc là cậu ông
trời”. Đây là một hòn đá ném hai con chim là vua và trời. Vua xưng mình là con
trời. Nhưng dân nói “con trời đâu đã bằng cậu ông trời”. Trong chế độ mẫu hệ,
địa vị ông cậu rất to lớn, vì thay mặt cho cha, nên nói có là cậu ông trời cũng
ngang nghĩa với cậu cóc là cha trời. Do đó mới có những lần cóc kiện trời, mà
trời lại thua! Rồi trời tức quá động binh thì cóc đưa dân quân lên đánh tan tác
quân nhà trời. Thế là trời thua cả lý cả lực. Tinh thần này sau xuất hiện trong
truyện Tôn Ngộ Không nhiều lần cũng đánh quan thiên đình. Dân Bana có truyện Đam Dông đánh tan thần sét, bắt sét chặt ra từng khúc, nên các thần, kể cả thần
mặt trời đều sợ run lập cập, tê cả chân không chạy chốn nổi. Đam Dông bắt mặt
trời phải dừng lại ở độ cao hơn 3 ngọn núi
cho anh giết giặc xong mới được phép lặn.
Dân Ca Tu có truyện trời
thua trận rồi buồn thiu. Đó là truyện Song Pế bắn trời bị thương ở mắt, điều
trị mãi chẳng được phải mời Song Pế lên chữa. Xong việc trời đề nghị gả con gái
nhà trời cho, nhưng Song Pế không nhận, vì cũng giống như Từ Thức không chịu ở
lại trên trời, nhất định trở về đất để nuôi bà. Nuồi bà là nói lên mối tình
người rất quan trọng không nên để cho tình trời lấn át.
Đó là thuyết nhân chủ diễn
đạt bằng truyện cổ tích truyền kỳ. Đó là nói vòng ngoài cho dễ hiểu, nhưng muốn
đi sâu thì phải dùng đến cơ cấu, tức nói bằng số: thay vì nói đạo nhân thì nói
bằng số ba. Dùng số Ba là một sự cự tuyệt triết học duy lý Tây Phương cho là
không thể có trường hợp thứ ba. La Tinh nói tertium non datur, Pháp gọi là
nguyên lý triệt tam- tiers exclu, Mỹ kêu là excluded middle. Trái lại Việt lại
nói có số ba ở quãng giữa, nên đã không triệt tam mà còn tôn số ba lên bậc
triết lý, tức là khước từ cả nguyên lý đồng nhất cũng như nguyên lý triệt tam,
không cho chúng tham dự vào cõi nhân sinh. Nói nôm na thì với sự vật có là có,
không là không, nhưng với con người là vật uyển chuyển thì có mà không, không
mà vẫn có, nói bằng huyền số thì đó là số Ba. Tất cả túi khôn Đông phương nằm
trong chữ Ba đó. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề nhiêu khê này trong quyển Sứ Điệp,
ở đây chỉ xin kể thêm vài chuyện liên hệ đến số ba để chứng tỏ ngay từ đầu Việt
tộc đã quan trọng hóa số ba đến mức nào.
Dân Bana có chuyện sông Ba đầy phép màu, rồi chuyện Tía Ông Tư với chim
đại bàng. Câu truyện chỉ dài chừng mươi trang mà đếm sơ sơ đã có tới hai mươi
lần số 3. Thí dụ nhà rông chứa được ba trăm con sông, tiếng trống trèo qua ba
quả núi, con trâu có sừng bằng ba con voi; bờm nó tốt như bụi nứa làm được ba
nhà rông. Họ trồng lên ba cái cột. Trong truyện Đam Dông kể về con quỷ có cái
gương thần, hễ nó quay ngửa lên trời xoay ba vòng thì trời nóng như đốt. Khi nó
úp gương xuống xoay ba vòng thì trời đất tối như mực v.v…
Hầu như không mấy truyện mà
không có những con số lơ mơ mà nổi bật nhất là số ba. Do đó chúng ta có thể suy
đoán là lúc xưa, mấy số này đóng vai trò linh thiêng (từ ma thuật đến triết
lý). Do vậy, khi nghiên cứu triết xưa mà coi thường các số, là bỏ lỡ cái chìa
khóa mở vào kho tàng ẩn giấu di sản vậy. Việt Nam có câu:
“Mồng ba cá đi ăn thề
Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn”
Phải đoán đây không phải là
những số cầu âu, mà tiên tổ xưa đã muốn xuyên qua các số nọ nói lên cái chi
trầm trọng lắm. Ta có thể ngờ điều đó trong chữ ăn thề: chữ ăn thề ở đây hàm
ngụ cái gì linh thiêng vượt ra ngoài cõi hiện tượng hữu hình, nơi mà có đối với
không, sáng chọi tối, vuông chọi tròn, luôn luôn đề kháng mà không có hòa hợp,
nói theo triết đó là nhị nguyên đối kháng thí dụ nước với lửa không sao hợp
được, và đó là nguyên lý của triết Tây. Triết Việt trái lại xây trên số Ba mà
ta có thể gọi là lưỡng hợp hay là lưỡng nhất tính, hai mà là ba, ba mà là một, nhưng
cho được thấy điều “kỳ lạ” đó thì phải có con mắt thứ ba cũng gọi là con mắt
minh triết, hay huệ nhãn, thiếu huệ nhãn thì hai là hai đối kháng kịch liệt nên
gọi là Nhị Kháng (dualism) mà không thể có nét song trùng hay là lưỡng hợp để
đi lên số 3.
Vậy muốn vượt lên số 3 thì
phải dùng con mắt thứ ba tâm linh là cái biết thâm sâu chạm vào mối liên hệ nằm
ngầm nối 2 lại thành 3, cho nên 2 mà lại 3, vuông mà tròn, có mà không, sáng mà
tối, tức là nói lên sự vươn lên khỏi nhị nguyên đối kháng thuộc tai mắt để tiến
vào đợt tâm linh và chỉ từ đấy tâm thức mới tiến lên được đợt tam tài. Tài là
tác, tức con người được định nghĩa bằng tác hành, mà tác hành cao sâu nền tảng
hơn cả là tác hành tâm linh gọi là chí thành như thần, tức con người phải tiến
tới đợt như thần. Huyền thoại chỉ thị điều đó bằng ba bước tiến hóa của long:
Long chỉ đức người phải tiến từ thấp lên cao, nói bóng tự cá lên long, nên sau
ngư long (*) thì còn ba thể long khác là bàn long, quỳ long và phi long.
Bàn long cũng gọi là Bàn Quỳ
hay là long cuộn khúc.
Quỳ long hay quỳ văn: khởi
đầu múa cặp đôi: giao long.
Đến Phi long thì bay lượn
khắp nơi gọi là “phi long tại thiên”.
Đó là nhờ đã bước vào số ba tâm linh, nên đạt “vũ trụ chi tâm” (tâm bao la như
vũ trụ) rồi vậy.
(*) Ngư long chưa hẳn là
long vì mới ở bước đầu biến hóa. Trong Kiến Văn Tiểu Lục (trang 52) có ghi mũ
các vị thần thượng đẳng thì áo có hai rồng, trung đẳng áo một rồng, hạ đẳng thì
áo chỉ có ngư long.
Đến đây ta có thể hiểu tại
sao tiền nhân quý trọng số ba, coi như số linh thiêng siêu việt, vì thế dặn con
cháu nắm giữ từ khi sinh ra cho tới chết trong câu phương ngôn triết lý sau:
“Cố sao giữ trọn đạo Ba
Sau dù có thác cũng là thơm danh”.
Và để con cháu thấm nhuần
thì ngay tự lúc sinh ra đã gọi “ba sinh”, đến lúc chết cũng còn cho ngậm ba
đồng tiền gọi là phạm hàm. Rồi ở giữa biết bao là số 3 rải khắp trong đời, cũng
như đã phổ cập trong nhân gian, dưới vô số huyền thoại đầy số 3. Vì đã từ lâu
lắm, lâu đến nỗi nó đã chìm xuống tiềm thức không ai để ý nữa nên phải dùng cơ
cấu mới nhìn ra được.
Sở dĩ tiền nhân xa xưa đã
quan trọng hóa số ba cùng cực đến thế vì nó biểu thị bước tiến lên nhân chủ hay
nói theo huyền thoại là đi từ thần thoại lên nhân thoại. Ở thần thoại thì thần
làm chủ, còn với nhân thoại thì nhân làm chủ và đây là một phân biệt rất quan
trọng mà xưa nay chưa được ai nêu ra vì ít nơi có nhân thoại. Một trong hai
vinh hiển của Lạc Việt là không có thần thoại (và không có anh hùng ca theo
kiểu võ lực như sẽ nói sau). Vậy đây chính là chìa khóa cho câu hỏi đã có người
đặt ra nhưng chưa ai tìm được câu trả lời, vì chưa ý thức được ý nghĩa sâu xa
của con số 3. Hỏi rằng tại sao huyền sử nước Việt không có những truyện về sáng
thế ký, ít ra không có nhiều bằng các chi khác trong Bách Việt, chẳng hạn như
Thái có chuyện Ai Lậc Cậc khai thiên lập địa, gieo giống người, lập địa bàn cư
trú, làm ăn và sáng tạo văn hóa Thái; dân Mao (Mán) có truyện Bàn Vũ hoặc Bàn
Hồ xếp đặt trời đất và sinh ra loài người. Tại sao Việt không có những truyện
như thế, hay nếu có thì cũng không lưu ý tới? Thưa vì Lạc Việt đã tiến mạnh hơn
trên con đường nhân thoại. Chứng cớ là Ai Lậc Cậc của Thái lớn lao đến độ có
thể dựng lên trời đất… vậy mà sau bị “ông chống trời” của Việt quơ tay bẻ gãy giò
bắt bỏ vào giỏ, nên bị chết, thì rõ rệt là nhân thoại của Thái chưa cao bằng
bên Việt, nơi có những ông chống trời lên để làm nhà, hiểu là tự tay mình xây
lấy nhân tính chứ không để cho “trời” ngãng trở quyền làm người của mình, nên
ta thấy tính chất nhân thoại toàn triệt (các nơi khác bị “trời” ngãng trở nên
không có nhân thoại mà chỉ có thần thoại).
Tóm lại, khi tìm hiểu các
huyền thoại của Bách Việt ta thấy đầy khí thế của nhân thoại, của những ông
khổng lồ làm được những việc lớn lao ơn ích cho con người. Đó là tính thần nhân
bản đích thực. Tinh thần này đã manh nha và phát triển trong toàn chủng Việt,
nhưng đến Lạc Việt thì tinh thần đó còn đi xa hơn nữa vì đã biến tính chất
không lồ thân xác để đưa vào tâm linh tức các ông khổng lồ Lạc Việt không còn to
xác nữa mà là to hồn, vì thế mà không giữ truyện những ông có thân xác khổng lồ
với những việc biểu thị sức mạnh gân thịt, mà chỉ chú ý đến những việc tinh
thần như an bang, tế thế kiểu Lạc Long Quân hay Hùng Vương như sẽ bàn sau.
Trở lên là một số huyền
thoại hay tục ngữ, bây giờ chúng ta thử đi vào vùng khảo cổ để tìm vết tích,
thì cũng thấy tràn ngập. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một bằng chứng, đó là những
bộ ba cái chạc gặp được trong 6 ngôi mộ ở Lũng Hòa thuộc giai đoạn Phùng
Nguyên. Chạc là vật hình cốc (cái ly uống nước) nhưng lại có hai chân dạng ra
như cành cây nên gọi là chạc (trạc) còn lòng cốc lại có lỗ, nên không thể dùng
để đựng nước mà chỉ dùng làm vật tuỳ táng (vật chôn theo người chết). Các nhà
khảo cổ suy luận rằng như vậy là tục khi cúng tổn tiên rót ba chén rượu, đốt ba
nén hương, vái ba cái… đã có từ đời ấy rồi. Như thế ngay khảo cổ cũng đã chứng
minh sự lâu đời cũng n hư sự quan trọng của số 3, chứ không phải đợi tới thuyết
tam tài thì số ba mới được chú ý.
Sau bằng chứng khảo cổ xin đưa
thêm một bằng chứng xã hội, đó là sự kính trọng tuổi già. Đấy là một trong
những hậu quả của số ba. Như trong câu đố đã nói số 3 chỉ lúc tuổi già phải
chống gậy làm thành chân thứ ba, nên các cụ xưa thường được gọi là “lão trượng”
(trượng là gậy) nhưng rồi theo “tâm linh sử quan” thì gậy trở nên tiêu biểu cho
minh triết hay nói nôm na là kinh nghiệm sống mà nơi quy tụ là người sống trước
quen gọi là tiền nhân hay tiên nhơn, hoặc tiên. Đó là nền tảng cho truyền
thuyết gậy thần của Hùng Vương, tức một ẩn dụ chỉ cây gia phả (the penealogical
tree or the ancestor pole) để nói lên di sản thiêng liêng của tiên tổ truyền
dòng nối dõi qua muôn thế hệ gọi là Việt Thường. Nên chú ý là các tiên thường
xuất hiện với cây gậy trong tay là nằm trong bầu khí đề cao kinh nghiệm sống,
kính tuổi già.
Trường cổ nhất của Việt có
tên là Động Đình Hồ. Hồ tròn (số 3) giữa có cái đình vuông (số 4). Việc dạy
trong đó không ở tại ở việc truyền đạt một mớ tri thức như nay, nhưng là dạy
múa bài Hàm Trĩ (**), còn giáo sư là các bô lão. Thoạt mới xem ta cho là kỳ lạ:
tại sao lại đưa các bô lão vào đó dạy múa? Gân cốt chùn hết rồi múa đâu có nổi.
Nhưng không sao, vì múa đây không phải là giật gân mà là giật giây hướng dẫn sự
sống hay là múa trong cuộc đời cần đến kinh nghiệm sống, nó phải ngấm dần vào
không những chân tay mà cả đến tâm can tỳ phế, ngũ tạng tức là đời sống tâm
linh mà tổ tiên xa xưa chỉ bằng các điệu múa (sẽ bàn sau). Vì thế cần phải là
những người sống lâu mới có đủ kinh nghiệm tâm linh (số 3) để dạy cho đời (số
4).
(**) Hàm Trĩ có nghĩa là
ao ngậm: hồ ngậm đình.
Vì kinh nghiệm đời sống tinh
thần cao hơn đời sống sinh lý, nên xưa có bậc thang “quân, sư, phụ” trong đó
đặt thầy trước cha là vì vậy. Cha mới đẻ ra con người xác thân số 4. Sư mới
giúp sinh ra người tâm linh số 3. Ba phải trên bốn: bán dày phải trên bánh
trưng: tròn phải bao lấy vuông, Hàm Trĩ hay Động Đình Hồ là vậy.
Xã hội Tây Phương theo triết
số 4-1 (sẽ nói sau) mà cụ thể nhất là lối đầu phiếu bách tiền, tức ai có tiền
nhiều trăm ngàn thì được bỏ nhiều phiếu, ít trăm thì ít phiếu, không trăm nào
thì không được bỏ phiếu, khôn ngoan mấy cũng mặc. Đó là đề cao tiền tài trên
hết, gọi tắt là Vật chủ hay Địa chủ (gọi là bách tiền centuric, do tiếng Latin
centum là trăm). Chính tinh thần trọng tài khinh nghĩa ấy đã truyền đến nay
dưới hình thức coi khinh tuổi già, kể như đồ vô dụng, vì hết khả năng sản xuất
rồi, giá trị con người tính theo khả năng sản xuất cao thấp. Đông Tây khác nhau
ở chỗ đó, nói bằng số thì Tây số 4 còn Đông số 3.
Huyền
thoại là những nét chấm phá lung linh phác họa sử trình văn hóa của một dân,
trong đó bước quan trọng hơn hết là vươn lên đến số 3, cha ông ta đã vượt qua
được như ghi trong truyện mẹ Âu Cơ đẻ con sau thời kỳ cưu mang dài 3 năm 3
tháng 10 ngày. Ta thấy con số 3 được đặt nổi tới hai lần. Còn cái gậy đi kèm số
3 được biểu thị bằng số 10 của “thập thiên can”. Can là gậy, trong truyện Hùng
Vương có truyện gậy thần thì phải hiểu là nét dọc tâm linh giúp sống vươn lên
tận trời: tức đợt Đại ngã vậy.
Vì thế bên cạnh bàn thờ thổ
thần bao giờ cũng cố trồng một cây gọi là cây linh, cũng có khi gọi là “ông
chống trời”. Ta thấy tang chứng rõ rệt của câu nói “những tư tưởng lớn gặp
nhau”. Cái gậy trong Sphinx hàm tàng trong huyền sử nước ta là theo lẽ đó.
Vậy sự có được cái gậy tâm
linh là lý tưởng của cả nhân loại mà tiên tổ Lạc Việt đã có lần may mắn đạt
được, nên trong huyền sử nước ta mới có nhiều gậy, từ gậy thần của Hùng Vương
qua gậy của các tiên ông tiên bà cho đến những cây linh trên gò đống là ngầm đề
cao minh triết số 3. Không may về sau con cháu mất ý thức về ý nghĩa mới chạy
theo văn minh Thái Tây xây trên số 4, nên xảy ra những chuyện làm sụp đổ cột
trời như trong tích Cộng Công húc vào cột chống trời. Việt Cộng nay không những
húc cho đổ cột trời, mà còn đào cả móng cả nền, cạo rửa cả chút di sản trời
tròn còn sót lại để nằm sát đất toàn triệt.
Sau vụ Cộng Công phá hỏng
thì may thay có bà Nữ Oa đội đá vá lại liền nên dân ta vẫn còn có trời để che.
Không biết sau khi bọn Cộng sản rước triết Tây số 1-4 về dầy mồ tiên tổ, liệu
rồi chúng ta có tìm ra được những con cháu đích tôn của bà Nữ Oa vá lại trời
tròn chăng? Mong quá hỡi hồn con cháu Lạc Việt.
Chú thích: Bài một nói về số
2 (nét song trùng). Bài ba đặt nổi số 3 nói lên đạo nhân chủ hay là tác động
cao cả nhất uyên nguyên nhất là hoà trời với đất. Trời số 1 đất số 2 hoà lại
thành 3. Như vậy ta đã tạm có ý niệm sơ sài về cơ cấu nền tảng con người tiên
thiên. Từ chương sau chúng ta sẽ đi vào “hậu thiên” để xem con người Đại ngã
tâm linh động ứng ra sao như sẽ được biểu thị bằng các số 2-3 và 5 với 9.
Kim Định
(Kinh Hùng Khải Triết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét