Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT

GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT




TRIẾT LÝ NHÂN BẢN TÂM LINH
CỦA VĂN HÓA VIỆT & CHÚNG TA

A.      Vũ Trụ Quan
-        Vô Cực > Thái Cực > Lưỡng Nghi > Tứ Tượng > Bát Quái > Vô Cùng
-        Nhất Âm Nhất Dương Chi Vị Đạo
-        Đại Đạo Âm Dương Hòa
-        Vũ Trụ Vạn Vật Nhất Thể >> Ngũ Hành Cơ
-        Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân

B.      Lý và Huyền Số
-        Dịch Lý là Thiên Lý/ Dịch: Nghịch Lý Chi Số
-        Bộ Huyền số Vài, Ba, Năm >> Nhất, Vài, Ba, Năm, Cửu
-        Tham Thiên Lưỡng Địa (nhi ỷ số)
-        Vạn Giáo Nhất Lý
-        Thần Vô Phương

C.      Nhân Sinh Quan
-        Vũ Trụ Chi Tâm
-        Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh
-        Trông Trời Minh Thời  >> Chín Cái Trông
-        Biết Đủ Không Tham
-        Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng
-        Tình Lý Tương Tham << Âm Dương Tương Thôi
-        Lòng Nhân Ái  cứu cả Thế Giới
-        Tự Do, Dân Chủ, BÌNH SẢN
-        Trí Tuệ, Bản Lĩnh, DẤN THÂN.

     Trên đây là thứ tự các giá trị phổ quát của Văn Hóa Việt từ tầm vĩ mô Vũ Trụ Quan tới vi mô Nhân Sinh Quan thông qua các Phép/Nguyên Lý/Quy Luật của Dịch Lý và Lý Số/ Huyền Số, tạo nên bức tranh sinh động của Văn Hóa Việt, vận động và phát triển trong thế Quân Bình Động của vạn vật trong Vũ Trụ mênh mông.  

A.Vũ Trụ Quan

1.     Vô Cực > Thái Cực > Lưỡng Nghi > Tứ Tượng > Bát Quái > Vô Cùng
     Lời Phát đoan của Dịch: “Thái cực sinh Lưỡng Nghi (Âm Dương ), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng ( Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm Thiếu Dương ), Tứ Tượng sinh Bát quái, ( Kiền , Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài ), nhi Biến hoá vô cùng”.
2.     Cặp đối cực - nguyên lý Nhất Âm Nhất Dương Chi Vị Đạo.
   Âm Dương được dùng làm biểu tượng tổng quát cho các cặp đối cực trong Vũ trụ. Khi Âm Dương “tương thôi“, nghĩa là xô đẩy níu kéo nhau, không bên nào thắng hẳn… giúp luôn đạt tới trạng thái quân bình động, được gọi là “Đại Đạo Âm Dương hoà”. 
     Khi các cặp đối cực Giao thoa hay Giao chỉ, Giao hợp  để đạt trạng thái Quân bình động thì ta có nét Lưỡng nhất hay Song trùng lưỡng hợp.  Khi các cặp đối cực đạt thế Quân bình động thì có tính chất Tiến hoá và Trường tồn nghĩa là Thái Hòa.
     Theo Nho thì Quy tư và Suy tư là Nghịch lý, hay là cặp đối cực (opposite term), nếu cặp đối cực có được sự cách biệt thích hợp (3 / 2: Tham Thiên lưỡng Địa nhi ỷ số) thì trở nên một trong muôn vàn nét Lưỡng nhất, nét Lưỡng nhất ( dual unit )  là “Mạch lạc nội tại, là “Nét Nhất quán“ xuyên suốt nền Văn Hóa Việt.
     Đây là lối Sinh hoạt giúp con Người lập được mối liên hệ Hoà với Trời Đất, tức là mối liên hệ hàng Dọc, (Cao minh phối Thiên) nhờ vốn liếng quý giá này mà con Người có thể sống Hoà với nhau, (Bác hậu phối Địa)  đây là mối  liên hệ Hàng Ngang. Khi hai mối liên hệ Dọc Ngang hài hòa thì Vũ Trụ Hòa. (Cosmic rhythm : Tiết nhịp Hòa của Vũ trụ)
     Tổ tiên chúng ta dùng Biểu tượng Bình dân  (Chất gia) và câu văn Bác học  (Văn gia) để giúp người nào cũng có cách dễ tiếp thu Nguồn gốc của Văn Hoá :
- Biểu tượng “ Mẹ Tiên Âu Cơ: Non Nhân“ được dùng để  thay  cho câu  “Cao minh phối Thiên” của Văn gia. Mẹ Âu Cơ được ví như chim Tiên phải sống sao cho bớt Lượng thêm Phẩm cho nhẹ đi, mới bay được Lên Non cao  vắng vẻ yên tĩnh mà un đúc Lòng Nhân, Nhân là Tình Yêu bao la  (hay Lòng rộng) u linh man mác.
- Biểu tượng “Cha Rồng Lạc Long: Nước Trí“ thì được Văn gia gọi  là “Bác hậu phối Địa“. Cha Lạc Long được ví như Rồng, phải tung lên Không trung làm mưa làm gió và lặn sâu Xuống Biển biến động  của thế giới Hiên tượng để phát triển Lý Trí cho được Chu tri. (Trí sâu). Lý thì rõ ràng, khúc chiết.
- Biểu tượng “Con Hùng Vương: Hùng Dũng” là kết tinh của Mẹ Nhân, Cha Trí, nên được Hùng Dũng. Dũng (Nghĩa khí chi dũng) tức là Mạnh phần Hồn, Hùng là sức mạnh Thể Xác (Huyết khí chi dũng), có thế mới nên con Người Nhân chủ, có khả năng Tự Chủ, Tự Lực, Tự Cường để làm Chủ Vận hệ mình, Gia đình mình và Đất Nước mình.
     Vì vậy muốn là con cháu của Vua Hùng thì cũng phải bỏ “Tham, Sân, Si“ để có Lòng  rộng hay Nhân đồng thời phải lăn lộn vào Đời học hỏi không ngừng để có sự hiểu biết viên mãn, gọi là Trí sâu hay Nghĩa, không có Lòng rộng và Trí sâu thì mất Bản tính con Người, trở nên Vô thần, chỉ làm tôi đòi cho Ma Quỷ. Tiền Nhân cũng nhắn nhủ: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức quỷ thần chi hội”, tức Người là nơi hội tụ Đức Trời Đất, cũng là nơi hội tụ của Ma Quỷ.
3.     Tam Tài Thiên Địa Nhân
     Thiên Địa Nhân là cơ chế bình đẳng, hài hòa và đương nhiên ở thế Quân Bình             Động của vòng quay Vũ Trụ. Với tầm nhìn xuyên suốt hàng dọc Thiên Địa Nhân, Triết Lý An Vi cho rằng Trời là chủ, Đất là chủ thì Con Người cũng là chủ, bởi thế giới này tồn tại và trường tồn không thể thiếu một trong ba yếu tố trên. Âm/Đất/Mẹ tương thôi với Dương/Cha/Trời sinh ra Nhân/Người/Gái, Trai.
     Tổ Tiên ta đã gửi gắm êm đẹp Tam Tài trong hình tượng Mẹ/Non/Nhân, Cha/Nước/Trí sinh Con Hùng Dũng, Đảm Đang (Trai Tài, Gái Đảm).
     Nối tiếp cha ông, Cư sĩ Trần Cao Vân gửi gắm trọn vẹn trong bài thơ thất ngôn bát cú “Vịnh Tam Tài”, thể hiện Nhân Chủ Tính của Triết Lý Việt:
“Trời Đất sinh Ta có ý không
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ Đồng
Đất nứt  Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che chở Đất Ta thong thả
Trời Đất Ta đây đủ hóa công”.
     Và còn vô số những biểu tượng Triết Lý Nhân Bản trong đời sống Văn Hóa Việt từ cổ tới kim.  
4.     Vũ Trụ Vạn Vật Nhất Thể >> Ngũ Hành Cơ
     Vũ Trụ Vạn Vật Nhất Thể tạo nên cơ cấu Ngũ Hành.
                           Hỏa/Nam
                                   
Mộc/Đông ← Thổ/Trung Tâm → Kim/Tây
                                   ↓
                           Thủy/Bắc
Hồng Phạm có nhấn mạnh hành Thổ bằng cách thay chữ “Viết“ bằng chữ “Viên“;
Thủy viết nhuận hạ: Tính chất của nước là nhuần xuống
Hỏa viết viêm thượng: Tính chất của Lửa là bốc cháy lên
Thổ viết giá sắc: Thổ ở trong giá sắc ( Gieo gặt )
     Thổ không có việc thẳng mà chỉ ở trong hai việc của Người ( gieo gặt ) như thế là Thổ không có làm cũng y như là Thổ không có mùa riêng. Có Xuân, Hạ, Thu, Đông cho 4 Hành kia mà không có mùa thứ 5 cho Thổ, cũng như Thổ không có Phương Hướng thứ 5. Do đó mà có một số học giả cho Thổ là phụ thuộc vì không có Việc, không có Mùa, không có Phương ( Xem Legge S.29 + 230 ), nhưng với Triết Đông đó là chỗ đặc biệt của Hành Thổ. Chính vì Thổ không có phương nên mới Thần diệu. Vì Thần vô phương nghĩa là vượt Không Thời gian nên mới được tôn lên bậc Hậu Thổ, đại diện cho Hoàng Thiên ở chung một cung: Đó là danh dự không hề bao giờ dành cho các Hành kia. Chính vì Thổ là Hành vô địa, không Phương riêng, không Mùa riêng, nên Thổ mới có thể che chở mọi Hành và vượt lên mọi Hành để ở vào một bình diện khác hẳn tức là siêu việt, vô hình :           “ Hành vô hành “.

B.   Lý và Huyền Số
     Lý và Huyền Số là công cụ, phương tiện để luận và giải về con người, sự vật, hiện tượng của đời sống.
1   1. Về Lý 
      Khó mà kể hết, bởi có bao nhiêu sự vật hiện tượng thì có bấy nhiêu cái lý để lý giải chúng. Có thể bắt đầu từ Kinh Dịch, Thái Ất Thần Kinh/ Độn Giáp, Tử Vi, Tử Bình, Kỳ Môn Độn Giáp, Bát Tự, Phong Thủy, Tướng Số, Độn Toán, Bốc Dịch, Tướng Pháp, Cảm xạ - Tâm Linh đến Thông Thiên v.v.
     Điển hình căn bản nhất vẫn là Kinh Dịch, người Việt cổ gọi là Kinh Diệc, rồi Kinh Việt, sau có Kinh Dịch họ Hùng.
     Kinh Dịch có thể nói là một trong những Kinh Vô Tự còn gọi là Sách Ước Trời ban cho những cư dân đầu tiên sống trên vùng đồng bằng những con sông lớn như sông Cái (S. Hồng), đến Nam Dương Tử và lên mãi tới lưu vực sông Hoàng Hà của Đại chủng Viêm Việt, còn gọi là Viêm Chủng hay Nhật Chủng, gồm những tộc người Việt cổ đầu tiên như Tam Miêu, Cửu Lê, Tứ Di.
     5 giai đoạn của  Kinh Dịch:
Giai đoạn I . Dịch thiên nhiên hay Ðạo Dịch của Trời Ðất. 
     Tức hồn Dịch gặp được trong các Huyền thoại đầy chất Lưỡng Hợp như truyện Ông Cồ Bà Cộc, Núi Sông, Nước Lửa, Tiên Rồng . . .
Giai đoạn II. Dịch của Phục Hy
     Thành bởi nét Đứt ( - - ) và nét Liền (― ) ghép thành 8 quẻ đơn, mỗi quẻ có 3 nét. Ðó là bộ số Vài, Ba, Năm .
Giai đoạn III . Dịch của Ông Ðại Vũ đúc Cửu đỉnh
     Tức là thêm vào vòng Trong năm số Sinh bốn số Thành nữa là chín, cũng gọi là Cửu Lạc ( số Cửu/Chín của dân Lạc ) .
Giai đoạn IV.  Dịch của Văn Vương
     Bắt đầu có Văn tự, đó là những lời giải nghĩa 64 quẻ gọi là Hào từ hay Thoán/Soán từ.
Giai đoạn V.  Dịch của Khổng Tử có thêm Thập Dực.
     Nổi nhất trong đó là Hệ từ đại truyện có giá trị triết lý siêu hình.  Xưa nay người ta chỉ biết có giai đoạn IV và hầu hết nó đã trở thành sách bói toán và ma thuật. Giai đoạn V được chú ý chút ít. Chí như 3 giai đoạn trước thì hầu như không có ai nói gì tới và đấy là chỗ cắt nghĩa sự sa đọa của Nho là vì Ðạo là cái gì linh thiêng siêu việt không thể dùng ngôn từ hữu hạn mà nói được, “nói được thì không phải Ðạo thường hằng nữa ”, mà chỉ là Ðạo phù phiếm thuộc vòng ngoài.
     Vì thế “Tri giả bất ngôn” người biết Ðạo không nói mà chỉ dùng một hai dấu hiệu, vài ba con số để chỉ thị rồi yên lặng. Ðó là lý do tại sao các đạo lý Phương Ðông quý chữ Trống rỗng, Hư tâm, Vô thể. Vì thế Kinh Dịch khởi đầu chỉ có số vài và ba, đến sau mới thêm lời vào. Vậy mà các thế hệ sau lại chú ý nhiều về lời, thành ra chỉ chuyên ngọn mà bỏ gốc. Nay muốn tìm lại Ðạo Uyên Nguyên thì phải học về bộ huyền số trong Kinh Dịch.
2    2. Về Số
            Bộ Huyền Số Vài, Ba, Năm, Chín
     Trong hệ thống  thập phân thì những con số 2, 3, 5, 9 là quan trọng, những số đó là số nguyên tố, tức là số học trọn vẹn không thể chia cắt. Trong khi Tổ Tiên Việt đã dùng bộ Huyền số Vài, Ba, Năm, Chín vì nó mang theo trong mình ý nghĩa nền tảng của nền Văn Hóa, biểu tượng cho Thiên Lý hay Dịch Lý.
     Vì chưa  có Văn tự nên Tổ Tiên Đại Chủng Việt đã cất dấu bộ số Huyền niệm trong nhiều lãnh vực để khỏi bị mai một, nhất là chống lại âm mưu tiêu diệt Văn Hóa của Tàu .
-         Vài nói Hai, biểu hiện qua Ngọc Long Toại là cặp Trống Mái, được chôn dấu
trong đất mà tia sáng chiếu thẳng lên Trời, các nhà Vọng khí đều biết hòn Ngọc Long Toại còn ở phương Nam. Đây là lời nhắn gửi  kín cho cháu con cháu về nguồn gốc Văn Hóa Dân tộc, chỉ có con cháu mới hiểu, còn người ngoài khó nhận ra. ( Xin xem truyện Việt Tỉnh )
-         Vài Ba, nét Lưỡng Nhất
     Nữ Oa cầm cái Quy (┼: vẽ Vòng Tròn, compa), Phục Hy cầm cái Củ  (┘: vẽ hình vuông, êke), khi chết Nữ Oa biến thành chim Tinh vệ thuộc nòi Tiên, Còn Phục Hy biến thành Thanh tinh tức Rồng Xanh, hai bên giao chỉ nơi đuôi, hay giao thoa thành nét Lưỡng Nhất. Đây là hình ảnh của hình vuông ngoại tiếp, mà Cha ông ta đã ví von là “Mẹ Tròn con Vuông”.
   Tuy hai nhân vật Văn Hóa này có trong Cổ sử  Tàu, là do họ đem vào sử của họ, nhưng hai nhân vật này lại thuộc nòi Tiên Rồng của Chủng Việt. Không những Nữ Oa, Phục Hy, mà cả Thần Nông, Hữu Sào, Nghiêu, Thuấn cũng như Bàn Cổ  đều là những nhân vật Văn Hóa thuộc Nông Nghiệp, do các nhà sử Tàu mới đem vào sử của họ, nhân vật càng xưa lại được đem vào sau hết. Nhân vật xưa nhất là Bàn cổ được Từ Chỉnh đem vào thời nhà Hán.
     Hòn sỏi ở Ngưỡng Thiều, hai hòn để nhẵn, ba hòn để thô. Cây Phủ Việt: bên trên là hai Giao Long (Rồng) “cài hoa kết hoa”  nghĩa là giao thoa nhau,  bên dưới có hình ba người  đầu mang lông Chim (hoá trang thành Tiên), hay ba con nai chà  (nai  Lộc, Lộc Tục). Đây cũng là nơi tộc Việt cất dấu bộ số huyền niệm, hai-ba, vì là Cơ cấu của nền Văn Hóa Đông Nam (Mộc số ba, Hỏa số hai).  Cái Phủ Việt mang Danh tính là Việt  và Thể tính là hai-ba. Cái Tước hai quai, ba chân.
-         Ba là bộ ba cái Chạc (đồ tùy táng giống cái ly uống nước ), bao giờ cũng tìm được bộ ba. 
   Con số ba quan trọng đến độ định tính sự vật, nên biến thể nhiều vật như cóc và chim tìm được ở Ðông Sơn có miệng nhọn, tức ba góc, gà ba chân, cóc cũng ba chân. Để lên chức cậu ông trời ( phải rụng một chân ).
-          Năm là Ngũ Hành, Ngũ Sắc, Ngũ Luân, Ngũ Thường.
     Ðó là bộ số chỉ trỏ sự Quân bình Vũ Trụ : Trời ba , Ðất hai. Vẽ ra là hình Thập tự nhai ┼ gồm nét Ngang là hai Ðất, cộng với nét Dọc là ba Trời thành ngũ hành là số năm. Hoặc cùng vẽ là hình tức là Tròn trên Vuông hay Tròn bao lấy Vuông.  Xã hội theo quy chế Bình sản không có chế độ nô lệ. Hỏi ai là chủ bộ số hai – ba này trước thì đó là Việt.    
-         Cửu/Chín, là Cửu Cung, Cửu Đỉnh, Cửu Trùng… là số thành từ các số sinh bốn và năm hay ba tầng của Ba là Chín/Cửu. Cửu cũng là số Trời.

C.   Nhân Sinh Quan
1.  Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh           
     Trên thế giới chỉ có Việt Nam có nền Văn Hóa sóng đôi thống nhất của Chất gia và Văn gia. Chất gia có kho tàng Huyền Thoại, Ca dao, Tục ngữ, Lời du…  Cả hai đều đồng quy vào  “Gốc Nhân Nghĩa“. Văn gia có Kinh Điển với Tứ Thư, Lục Kinh, (có phần khác với Hán Nho của Tàu),
     Vì sống theo Nghề Nông, Tổ Tiên chúng ta luôn quan chiêm Thời tiết / Trông Trời mà Minh Thời để việc gieo trồng được kết quả. Tổ tiên chúng ta chưa tiến tới nếp sống “đi trên đại lộ huy hoàng“ như  các Dân tộc Văn minh, mà chỉ “đi trên những con đường truyền thống“, bắt đầu làm những việc từ Gần tới Xa, từ Nhỏ tới To… mà từ từ vươn lên từ Lượng tới Phẩm giúp cho cuộc sống siêu việt (Dân tộc chọn tên Nước/Nác/Lác/Lạc là Tộc Việt ở phương Nam còn gọi Lạc Việt) để làm người Nhân Chủ, biết sống tự Chủ, tự Lực, tự Cường hầu làm Chủ Vận hệ mình, Gia đình mình và Đất Nước mình.  Nhờ thế, mà con dân trong nước có đủ Tư cách và Khả năng biết Yêu thương Đùm bọc lấy nhau, Đoàn kết với nhau để Dân tộc có đủ Nội lực mà Dựng Nước và Giữ Nước. Tạo nên những giá trị nhân bản mẫu mực và vững bền. Đó là:
Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh
     Nhân chủ như đã phân tích trong cơ cấu Tam Tài, Nhân Chủ tức người là chủ nhân của chính mình, gia đình mình, Đất Nước mình và chủ nhân của Thế Giới.
     Ngày nay, nhân chủ tính hay con người nhân chủ bị triệt tiêu bởi cơ chế vô hình mà chính chúng ta không vượt qua được. Câu hỏi đặt ra, Việt Nam có trí tuệ không? Tại sao không. Có bản lĩnh không? Tại sao không. Nhưng cái quan trọng nhất là quyết định Dấn Thân. Chúng ta chưa đủ can đảm để quyết định dấn thân, nên chúng ta cùng nhau, bám nhau để chìm xuống đáy.
     Trí khôn thì có đủ, song dũng cảm chưa tới thì phải nhờ Trời vậy thôi (!?)
     Thái Hòa là không gian để vạn vật hòa với nhau, tương tác mà phát triển trường tồn.
     Tâm Linh là là hệ quả của những việc làm từ nhân tâm, an nhiên tự tại, đã dâng hiến cho đời, trở thành cao quý, đáng trân trọng, vượt không thời gian và trở thành giá trị linh thiêng, là tấm gương cho muôn đời. Tâm Linh cũng là Nguồn Sống và Nguồn Sáng của cuộc sống chúng ta.
     Từ những giá trị nhân bản nền tảng, sản sinh ra hàng loạt những giá trị tiếp nối với những ý nghĩa thực tiễn đã đi sâu vào tiềm thức con người trong đời sống nông nghiệp từ buổi sơ khai.
     Biệt tài của người Phương Đông là “Trông Trời Minh Thời”. Thời đây là thời gian, thời thế, thời vận và thời tiết mang tính tổng hòa của triết lý nhân sinh hoàn hảo, áp dụng vào thực tế đời sống và đã đạt ngưỡng huyền đồng. Đơn cử một cách minh thời trong chín cái Trông của người Việt: “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông gió, trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tâm lòng”.
    Chín cái Trông thể hiện một Vũ Trụ Quan ứng dụng vào đời sống nông nghiệp lúa nước, để rồi từ đó cái kinh nghiệm sống này truyền cho muôn thế hệ, một khi con người vẫn có nhu cầu tới lúa. Đây cũng là nội dung giáo dục tính kiên nhẫn, cần cù và kính trọng sức lao động đáng quý của nhà nông – để có một hạt lúa phải mất đến Chín Cái Trông như vậy.
     Khi thấu hiểu quy luật xoay vần của Tạo Hóa, người Việt biết kiềm chế những yếu tố thái quá của nếp nghĩ ích kỷ, tiểu tiết, manh mún dẫn đến tranh giành, xung đột, mất đoàn kết trong triết lý “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” và cũng an ủi nhau một cách tế vi “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Đây là một nguyên tắc kiềm chế đối trọng để giữ công bằng xã hội, mang chuẩn mực nhân văn cao cả, tránh được cái nạn  “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” (hệt như bức tranh đang diễn).
     Một cái nhìn Minh Triết đã nâng cao Giá Trị Nhân Bản Tâm Linh Việt vượt không gian và thời gian, trở thành Giá Trị Phổ Quát Nhân Loại, đó là  “Biết đủ không tham”. Lẽ đương nhiên khi loài người biết đủ không tham thì thế giới sẽ an bình dài lâu.
     Xin thưa, trước cái lòng tham vô đáy của con người, vốn dĩ bản năng. Từ xa xưa, trong các phép ứng xử, người Việt đã biết toại lòng nhau bằng cách ăn ở phải người phải ta, rồi tình lý tương tham, để lòng nhân ái cứu cả thiên hạ. Người Việt cũng bảo nhau từ tốn, nhã nhặn và yên tâm trong triết lý “Cho là Nhận” một cách an nhiên tự tại. Đức tính này đã trở thành kinh điển trong lời dạy của Bụt để tránh tham, sân, si.
     Tất cả những giá trị Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh Quan được cụ thể hóa trong chính sách cai trị Đất Nước bằng cơ chế Bình Sản.
     Đây là vấn đề cũ rất cũ, cũ nhất trong những nền văn hoá xưa nhất của thế giới. Nhưng “Mới là cái Cũ chưa biết”, nên nó rất hợp với thời đại khoa học tân tiến ngày nay, vì gồm cả Khoa học Tự nhiên, (nhất là hệ thống Nhị phân: Binary system), Phép Lập trình và Khoa học Tân Nhân Văn như Cơ cấu luận, Tâm lý miền sâu, Khảo cổ học, Di truyền học. ..  
2Lưỡng Nhất Tính hay Nét Gấp Đôi của Nền Văn Hóa  
     Triết gia Kim Định đã  khám phá  ra vai trò quan trọng của “Nét Lưỡng Nhất” của Dịch lý trong Nho, nét này được tìm thấy trong Cơ cấu của Văn Hóa Đông - Tây, giúp chúng ta tiến tới một cuộc Tổng hợp Đông - Tây - Kim - Cổ. Nét Lưỡng nhất (dual unit) là nền tảng của nền Văn Hóa Thái Hòa Việt Tộc, giúp con Người sống Hòa với nhau.  
Nét Lưỡng nhất cũng là nền tảng của triết lý An Vi là triết lý Hoà giải của Triết gia Kim Định.
     Nét Lưỡng Nhất là các cặp Đối cực: Nhỏ / To, Gần / Xa, Đơn Giản / Phức tạp, Tầm thường / Phi Thường, Không gian / Thời gian, Vũ / Trụ, Tán / Tụ  Tinh vi / Vĩ đại. . . đều  được kết hợp hài hòa làm thành nét Lưỡng Nhất, nên trong Nhất có Đa và Trong Đa có Nhất.
     Nét Lưỡng nhất rất quan trọng, vì nếu không có các cặp đối cực như Gái / Trai, Cái / Đực, Mái / Trống, Nhụy Cái / Nhụy Đực kết hợp hài hòa với nhau mà “Sinh Sinh Hóa Hóa“ thì Quả Đất này chỉ là một bãi Sa mạc mênh mông.
    Trong lãnh vực Văn Hóa Dân tộc, ngoài triết gia Kim Định, ít nhà nghiên cứu Văn Hóa đi tới tận nền Cơ cấu. Việt Nho có :
1. Cơ cấu là bộ Huyền số: Vài - Ba, Năm
2. Nội dung : Thái Hoà, Nhân chủ, Tâm linh ( tức Vũ trụ quan và Nhân sinh quan )
3. Đạt quan :  Phong thái An Vi siêu thoát.

CHÚNG TA

LIÊN HỆ TỚI NGÀY NAY. Với chiều dài Lịch Sử Văn Hóa Vạn Năm, tự hào Văn Hiến Chi Bang, Ngàn Năm Văn Vật  và Văn Minh Trống Đồng, mỗi người cần làm gì cho Đất Nước đang lúc lâm nguy.
Nho đã mất tinh thần, Nho đã hủ lậu càng thêm hủ lậu, Dân Việt Nam đã ngủ say lại càng ngủ mê hơn!   Triết gia Kim Định đã ví von : "Hồn mất trước, Nước mất sau". Hồn đây là Hồn Nhân Nghĩa của Dân Tộc cũng là Tình Nghĩa Đồng Bào. Nước đây là quyền làm Chủ của Giang Sơn Gấm Vóc, được xây dựng từ thuở Vua Hùng.  Nói tóm lại sự sa đọa về Văn Hóa làm cho con Người mất hết Tư cách và Khả năng, không thể hành xử Hòa với nhau, mà phá tan mọi sự!
     Ngày nay, muốn thể hiện Nhân quyền thì mỗi người phải có Tự do căn bản, biết nhận những dị biệt của nhau mà cùng nhau chung Lòng, chung Trí và Góp sức Cứu Dân và Dựng Nước theo Tinh Thần của Hiến Pháp.
     Việc nâng cao Dân Trí, chấn hưng Dân Khí là trọng trách của các vị Lãnh đạo Tinh thần, các vị Trí thức, các nhà làm Văn Hóa Giáo Dục cũng như các vị làm Truyền Thông, đây là thành phần đầu tàu của dân tộc. Ngày nay các trang mạng, các bloggers đóng một vai trò quan trọng, nhưng các bloggers phải đồng thuận vào một Hướng chung của Dân Tộc mới có tác dụng tích cực.
     Cỗ máy đầu tàu Dân Tộc này không chuyển động, thì các toa tàu cứ nằm ụ với nhau. Các nhà Truyền Thông, các trang mạng không những truyền tải thông tin (Information) để mở rộng Kiến thức quần chúng (Khả năng), mà còn giúp phổ biến Tinh Thần của Tôn giáo và nhất là Văn Hóa chung của Dân Tộc (Formation) để un đúc Lòng Nhân (Tư cách) cho mọi người dân.
     Loan truyền Tin tức về Tình yêu thương và Lý công chính là sứ mạng cao cả, giá trị này chung cho cả Dân Tộc, nên Vô tư không thiên vị.
     Một Dân tộc có con Dân Tâm rộng, Trí sâu thì mới Kết Đoàn được, Kết Đoàn trong cách biết chấp nhận những Dị biệt của nhau hợp với tinh thần Nhân Ái và Lý Công Chính để cùng nhau Cứu Dân và Dựng Nước.!


Lê An Vi (tổng hợp từ Việt Nho và Triết lý An Vi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...