Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

TRUYỀN THỐNG

014003 TRUYỀN THỐNG

                                               Kim Định




     Truyền thống, trái với truyền chữ, truyền nghĩa, truyền sách, truyền vở. Vì Thống là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, nó liên tục và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói, tuy  thô mộc nhưng đều nhịp theo một tiết điệu. Phải hiểu được tính sinh động của làn sóng tâm linh luôn ngầm chảy, tỏa sáng, soi rọi và gợi dậy những tiềm năng đang nằm chết trong bóng tối do chữ nghĩa gây nên. Từ đó, phát động một lối suy tư mới, cảm nghĩ khác trước cho hợp với những hoàn cảnh mới xuất hiện. 

     Muốn được như thế thì không phải nhai sách vở cũ mà được, chữ nghĩa hay tới đâu cũng là đồ chết và chỉ có người sống mới làm cho chúng sống. Khổng viết: “Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí đã”. Cái đạo mới nghe qua tai ở đầu đường này vội đem ra thuyết với giảng ở đầu kia, chưa kịp suy tư un đúc lại, thì đấy là làm việc của người gánh rong ngoài đường (colportage) xê dịch sách vở có chút hồn sống nào đánh rơi đi hết. Như vậy có đạo có đức cũng chẳng bằng không có còn hơn. 

     “Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu yên năng vi vô, chữ hán” (L.N. XIX. 2). Giữ đức mà không hoằng đại ra. Tín đạo mà không đốc thật chân thành, thì dẫu có đọc trơn thập tam kinh đi nữa phải kể là có Truyền Thống hay là không có Truyền Thống? 
     Vậy thì Truyền Thống chúng ta bàn ở đây là có ý nó đến mối Quán Thông Thiên Địa, nó là linh hồn của cái học Truyền Thống cũng gọi là Nhân Bản Tâm Linh. Bao lâu chưa đặt lại được nền Nhân Bản và bao lâu chưa khơi được suối mạch tâm linh thì bấy lâu chưa có Truyền Thống, mà chỉ có lưu truyền, truyền tụng chi đó là những cái chỉ cần đọc đi cho biết, chứ không đòi đọc lại, nghĩa là từ những điều tiền nhân truyền lại không chịu tìm hiểu đến chỗ tinh vi để có thể nhập thần, để mà hoằng hóa thích nghi không những cho hợp với thời đại mà còn hướng dẫn đến những chân trời mỗi lúc mỗi mới mẻ mỗi bao la. Đấy mới là Thống. 
     Thống không là ngồi mà ôm mà ủ, nhưng là đi lên mãi trên con đường đạo tiến xoáy ốc vào Vô biên. Như vậy là một con đường đầy hứng khởi. 

     Do đó mà Nho giáo đã tìm lên được đến gốc nguồn “Tổ thuật” và ngày nay được kiện chứng bằng vị trí sao trăng (theo luật précession des équinoxes như sẽ bàn trong cảo luận Chữ Thời) một trật cũng đi vào nội tâm khám phá vũ trụ tâm linh. Thành ra một đạo lý có Thống kỷ trong ngoài cùng với những nguyên lý thật quân bình như tam tài, nhất thể, chí trung hòa, nhất âm nhất dương v.v… như sẽ được quảng diễn trong các cảo luận về sau. 

     Trước hết là Toynbee đại diện cho cái nhìn bao trùm 27 nền văn minh mà loài người đã biết được trong đó có 5 còn tồn tại. Tất cả mọi tìm tòi nghiên cứu của ông kết tinh trong quyển “An Historian’s approache to Religion”. Ở trang 263, Toynbee có tóm những điều chung cho các tôn giáo trên hoàn cầu vào ba điểm của Truyền Thống như sau: 
     Tất cả các tôn giáo đều nhận có một thực thể huyền bí cao hơn thế giới của các giác quan ta.  
b) Thực thể đó siêu vượt con người hiện tại, và người ta cần phải cảm 
    thông với. 
c) Con người chỉ làm được chuyện đó khi trút bỏ được khuynh hướng tự nhiên cho mình là trung tâm (self-centreness native). 
     Người thứ hai là Aldous Huxley. Cái nhìn của ông có tính cách đúc kết hơn xét cả về không gian cũng như thời gian. Ông chú ý đến Đông Phương hơn. Do đó cái nhìn trở nên xác thiết hơn đối với chúng ta. Ông đưa ra 4 điểm sau để làm nền móng cho triết lý Truyền Thống. 
a) Thế giới hiện tượng của vật chất và ý thức cá nhân (tức là thế giới của sự vật, của loài người và cả thần tiên) là sự xuất lộ của một Bản Thể thần linh. Chính nhờ Thần linh đó mà muôn vật được hiện hữu thực sự, ngoại giả không vật nào có thể có sự hữu được. 
b) Con người không những có khả năng hiểu biết về Bản Thể thần linh đó bằng suy luận mà còn thể nghiệm được sự hiện hữu của Bản Thể ấy bằng trực giác, là lối biết cao hơn lối biết bằng suy luận. Vì cách biết trực nghiệm này thống nhất năng tri với sở tri thành một (sujet objet coincident). 
c) Con người có một bản chất hai chiều: một chiều là cái tiểu ngã hiện tượng, chiều kia là đại ngã bất biến nó là con người nội tại, tâm linh, là tia sáng thần linh trong tâm hồn. Nếu muốn, người ta có thể đồng hóa với tâm linh vì như vậy là đồng hóa với bản thể thần linh cùng một thể tính với tâm linh (chí thành như thần). 
d) Đời sống con người trên mặt đất này chỉ có một mục đích, một cứu cánh tức là sự huyền đồng với đại ngã bất biến và như vậy là sửa soạn đi tới cái biết kết hợp với bản thể thần linh (B. Gita de Prabhavananda tựa, trang 7). Ông A. Huxley cũng còn là tác giả quyển La Philosophie éternelle rất có giá trị mà tôi coi là một bản tóm tắt cách thông minh tinh thần Truyền Thống (édition Plon 1952). 

     Kinh nghiệm lịch sử cổ kim đó giúp ta hiểu tại sao các bậc tiên hiền như “Vạn thế sư biểu” hay là “Đại bổn sư Phật” đáng được tiền nhân ta tặng cho những danh hiệu ấy là bởi vì các ngài đã trung thành với Truyền Thống. 

Khổng Tử với câu “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ  = Ta chỉ thuật lại mà không trước tác, tin vào đạo lý đời xưa”. (không trước tác = không sáng tác).
Lão với câu “Chấp cổ chi đạo dĩ ngự kim chi hữu = Cầm giữ đạo xưa để thống trị những cái hiện hữu ngày nay”;
Phật Tổ cũng có tên là Như Lai: Tathagata. Ông Humphreys chú thích chữ đó do Tatha-agata: “đến như thế”, hay là Tatha- gata: “đi như thế”, nghĩa là một vị đã đến và đã đi khỏi như các Phật thuở trước, tức là cùng dạy một chân lý, một con đường để tới đích (AB Manual p.179). Học giả Coomaraswami chú thích: “Giới răn thứ mười của Phật dạy lánh các sự tin rối như tin rằng Phật Tổ đã dạy một đạo lý mới” (Hindouisme et Boudhisme p.132). Platon: “Những người xưa trổi vượt hơn ta, đời sống các ngài gần Chúa hơn, các ngài đã lưu truyền lại chân lý cho ta như một mặc khải” (Philèbe 16). 
     Xem như thế chúng ta có thể rút ra nguyên tắc sau đây: Truyền Thống là một kho tàng chứa đựng những chân lý thiết yếu cho sự sống còn và sự tiến triển của con người. Lìa xa nó con người thoái hóa và bị khủng hoảng; móc nối lại được với nó là đi vào đường dẫn đến nguồn sinh lực, dẫn tới suối tinh thần. Sứ mạng người trí thức ở mỗi thời đại là phải đem một trí tuệ thông minh vào sự học hỏi Truyền Thống để từ đó triển khai ra những khả năng phong phú và được thích nghi với thời đại của mình. Muốn hiện thực điều đó, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nội dung khái quát của Truyền Thống. 
     Bao nhiêu luồng tư tưởng đã làm ơn ích cho đời là nhờ tiếp thông với nguồn suối đó. Ơn ích nhiều ít tuỳ mức độ tiếp thông nhiều ít. Càng nhiều càng ơn ích nhiều, càng ít ơn ích càng kém đi. Tôi không nói là mất hẳn, vì Truyền Thống không thể tiêu diệt, nếu không được vun tưới công khai nó cũng ngấm ngầm tác động qua lương tri và thói tục, qua tôn giáo… Những cái học bật rễ hẳn với Truyền Thống, tuy có làm rùm beng chứ không thể xây đắp cái gì bền bỉ, mặc dù thiện chí sáng tạo có thừa chẳng qua cũng đổi thay được ít nhiều ở danh từ, ở đợt văn nghệ là đợt thuộc dạng thức cần phải đổi mới luôn. Tuy thế hễ “rễ không sâu thì lá không xanh” bất kỳ ở đâu đều theo luật đó. Hãy lấy thí dụ triết lý mà nói thì kể từ thời Trục về sau chưa thấy có cái gì mới mẻ trái với Truyền Thống lại có thể gây nên một luồng gió mới thổi sức sống cho đa số của một nhóm người. Trái lại như Nietzsche nói : Tất cả những tay đổi mới cự phách đều bệnh hoạn và loạn thần kinh không trừ một đứa nào”. “Les grands novateurs sont tous sans exception malidifs et épileptiques” (V.P.345). 
     Khổng Tử viết: “Tư nhi bất học tắc đãi”, chữ hán. Suy tư mà không học với Truyền Thống cũng gọi là cái học thánh hiền thì là nguy cơ. Chúng ta không nên tin vào những bản tuyên ngôn long trọng với một thiện chí tinh dòng. Thiện chí tuy là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là bảo đảm sẽ đưa lại hạnh phúc, nên thiện chí mới là một phần, còn ba phần nữa là giải pháp,  tư tưởng dẫn đạo và đường lối áp dụng. Cần phải xem những cái đó có hợp với yếu tố tâm linh hay chăng, mới là Truyền Thống. 

Triết Lý An Vi  (Trích)


Chú thích


Tâm Linh, 

Tâm nghĩa là: trái tim, lòng, tấm lòng, những tình cảm sâu thẳm trong lòng (tâm tư, tâm niệm, thâm tâm …);
Linh: linh thiêng, siêu việt/trác việt, cao quý, (được) tôn kính, tôn thờ; (đạt) chuẩn mực, tấm gương.
Theo nghĩa văn gia tức bậc trí thức hàn lâm, Tâm Linh được hiểu là Nguồn Sống và Nguồn Sáng. Bởi,
Tâm Linh không Duy Vật, không Duy Tâm mà nó vượt qua cả hai thứ đó, bao trùm, điều khiển và hòa vào chúng để trở thành Nguồn Sống và Nguồn Sáng cho vạn vật tồn tại và phát triển hài hòa.
Tâm Linh là một giá trị vĩnh hằng vượt không gian và thời gian, bởi nó giản dị, tầm thường, nhỏ bé và thô mộc nhất (Đời) và từ đó nó trở nên phi thường và vĩ đại nhất (Đạo). 
Cho nên, thường nói, đạt Tâm Linh tức Đạt Minh Triết (theo Nho Gia), Ngộ Đạo (theo Phật Gia), đạt hay Đắc Đạo (theo Đạo Gia).
Tâm Linh theo cách lý giải và hiểu của khoa học hiện đại là là hoạt động của Vũ Trụ Hòa theo cặp chuyển động nghịch đảo Ly Tâm và Quy Tâm. 
Hãy hình dung Trái Đất với Tâm của nó thì lực ly tâm để phát triển và lực quy tâm là trở về. Và cứ như vậy liên tục và mãi mãi không ngừng. (Xem space.com)
Triết lý Phương Đông ký hiệu bằng chữ Vạn hình thập ngoặc ngược chiều kim đồng hồ, có nghĩa Phát ra, chữ Vãn chiều ngược lại có nghĩa Thu lại.
Các quan niệm của Đông và Tây là đồng nhất, chỉ khác cách hay hình thức thể hiện. 
Phù hợp với nhận định: Vũ Trụ là một thể thống nhất và Tất cả các tư tưởng đều cùng một nguyên lý và mục đích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...