NHỮNG TRĂN TRỞ
CỦA NGƯỜI ĐI TÌM KHO BÁU
CỦA NGƯỜI ĐI TÌM KHO BÁU
Nhưng sau nhiều chục năm nghiên cứu triết,
đủ các thứ triết Tây Âu, từ cổ điển qua thời mới, cho tới Ấn Độ rồi cả Nho gia,
ông nào có máu mặt chúng tôi cũng đọc thử, rồi đến mấy năm nghiên cứu về văn
hóa xã hội, tâm lý, cơ cấu v.v… nhưng phải thú thực chẳng bao giờ chúng tôi gặp
thấy được thứ triết lý nào đáp ứng tâm hồn lâu dài cả, thường thì chỉ thích
được hai ba năm là nhiều nhất, và cái thích chỉ ở đợt hiếu kỳ bác vấn mà thôi
chứ thực chưa gặp được nền triết lý nào làm cho say mê đến độ thấm nhập tận tâm
hồn, đủ để đưa ra những chân lý chỉ đạo cho đời sống tư riêng cũng như cho giáo
dục, kinh tế, gia đình, quốc gia, nên lòng vẫn khắc khoải đi tìm, nhưng gần
suốt hai mươi năm trời không tìm ra. Tuy nhiên không dám nghĩ rằng Việt Nam lại có một
nền triết lý có thể chường mặt ra với hoàn cầu.
Đột nhiên ngày kia chúng tôi cảm được vài
ba câu Nho rồi đến vụ xẹt lửa từ nét song trùng thì từ hôm ấy, tưởng như mình
đã tìm ra được suối cam tuyền vọt lên từ Việt tỉnh, mới vội vàng kín lên để
trình bà con, lòng chỉ lo là quá muộn, vì tình thế nước mỗi ngày một đen tối
không biết có còn kịp cứu vãn chăng. Bởi thế mà chưa viết xong quyển này đã
viết tiếp quyển khác, tung ra từng loạt như những hồi trống ngũ liên cốt để lay
tỉnh đồng bào. Nhưng hỡi ôi! Tuy sự thức tỉnh cũng có lác đác, nhưng đi theo
tiết nhịp từ từ, chậm rãi. Thế là không kịp nữa rồi, bờ đã vỡ, làn sóng văn
minh Tây Âu một chiều kích đã tràn vào làm ngập lụt toàn cõi An Việt để cuối
cùng biến nước thiêng Tiên Rồng thành trại giam đồ sộ, khổ lụy ngút trời. Đã
quá nhỏ mà hiện đang bơ vơ như người mất hồn. Xem lại thì mình chẳng có chi
đáng kể, nhưng nhìn vào văn hóa Tây Âu cũng nhiều ngổn ngang, bên cạnh những
hiện thực thuộc kỹ thuật lớn lao rực rỡ lại thấy bày ra những cảnh đáng ngại và
hiện đang trải qua cơn khủng hoảng rất trầm trọng. Bởi vì giới trí thức đã cảm
thức sâu đậm về sự lung lay tận nền tảng của văn hóa Tây Âu. Họ cảm thấy mọi
giá trị của nó đều là giả tạo, vì xây trên nền tảng phi nhân nên cần phải thay
đổi từ gốc móng. Nhưng việc tìm ra được một nền mới, một hướng mới thì tuyệt
nhiên chưa. Lý trí đã thấy nét song trùng trong khoa vật lý vi thể, nhưng Tình
và Chí chưa rung lên theo nhịp song trùng, nên chưa xây được nền triết để chỉ
huy cuộc sống. Mà triết đã không xong thì rồi việc nào cuối cùng cũng sẽ kết
thúc như chiến tranh Việt Nam .
Viện trợ thật nhiều, thiện chí không thiếu, nhưng vì bế tắc trong tư tưởng: kết
cục là đổ vỡ.
Thế là một nhúm người Việt thoát lao tù
sang đây lại tiếp nối cuộc sống vô hồn vô hướng như trước sao? Hay là cần khua
lên những hồi trống mới, đem triết Việt ra để làm tiêu chuẩn cho việc thâu hóa
cái hay của nước người? Có thể được chăng?
Nghĩ tới đó tôi lại thấy hăng say trả lời
rằng tại sao không. Thế giới đã đạt tới độ lưỡng hợp trong khoa học nhưng còn
thiếu nét song trùng cho văn hóa, đang khi Việt tộc đã có nét nọ trong văn hóa
tại sao không cố công thử đem ra đóng góp, bởi vì nét song trùng nọ là hạt ngọc
quý trọng nhất cho con người. Mọi vấn đề nhiêu khê của triết học, thí dụ vạn
vật động hay tĩnh, giống nhau hay khác biệt… và bao vấn đề căn bản khác mà nếu
thưa một chiều thì đều sai: mà khốn thay sự sai lầm đó sẽ gây nên cho con người
muôn trùng đau khổ như cộng sản duy vật là thí dụ. Trái lại nếu thưa đúng thì
con người sẽ được thảnh thơi hạnh phúc. Vậy mà có ai dám ngờ rằng câu thưa
trúng chỉ có thể tìm được giữa nét song trùng của Việt tộc.
Đó là điều chúng
ta sẽ khởi công tìm hiểu trong các chương sau.
(Nét song trùng – Kinh Hùng
Khải Triết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét