Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

CHỬ ĐỒNG TỬ - TIÊN DUNG



02005c

III. CHỬ ĐỒNG TỬ

TRUYỆN ĐẦM NHẤT DẠ

 hay

CHỬ ĐỒNG TỬ

MẪU GIA ĐÌNH VIỆT NAM


 

        “Hùng vương truyền ngôi đến vua cháu 3 đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng 2 tháng 3, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.  Lúc bấy giờ Chử Xá Lang ( 2 ) có người tên là Chử Vi Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cái khánh tận, chỉ còn cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng: “Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ”. Cha chết người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bây giờ thân hình trần truồng, lạnh đói khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng vào giữa nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bổng đến đó, nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa, có chòm lau sậy, lơ thơ dăm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để dấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát thuyền của Tiên Dung ghé vào đó, nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm; cát chảy làm thân hình Đồng Tử lộ ra, Tiên Dung nói: “Ta đã không thích lấy chồng, nay gặp người này ở trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng?” Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng Tử nói sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót bảo làm vợ chồng, Đồng tử cố từ, Tiên Dung nói: “Việc này tự Trời tác hợp, việc gì mà từ chối”!  Những người tháp tùng đem việc ấy tâu lên với Hùng vương, Hùng vương giận bảo rằng :

“Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá (3) với người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa”.

Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn ( nay là chợ Hà Lỗ ); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán; kính sự Tiên Dung - Đồng Tử làm chủ; có một nhà đại thương nói với Tiên Dung rằng: “Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi”.

Tiên Dung bảo Chử Đồng Tử rằng: “Vợ chồng ta do Trời định khiến, ăn mặc là của Trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai”.  Đồng Tử cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn, trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để chở Đồng Tử về. Nhà sư tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng: “Linh thông tại đây đó”.

Đồng Tử trở về đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ bỏ chợ búa, nghề buôn bán đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem đến vật hoa hương ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

        Hùng Vương hay tin, cho con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh, quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngự. Tiên Dung cười rằng: “Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời dun dủi, sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.”

Lúc bấy giờ những người mới tập hợp sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn, bộ đảng thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày dân gian không thấy thành nữa, cho là linh dị, bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu ( hoặc gọi là Tự Nhiên châu ), chợ ấy là chợ Hà Lỗ Thị .” 

(Lĩnh Nam chích quái: Trần Thế Pháp, bản dịch của Lê Hữu Mục, trang 51-53)

          Chú thích

( 1 ) : Đầm Một Đêm.

( 2 ) : Làng Chử Xá.

( 3 ) : Lấy một người dưới.

 

Chử Đồng Tử

Bổ di ( 1 ) còn chuyện trích Tiên ( 2 )

Có người họ Chử ở miền Khoái Châu ,

Ra vào nương náu Hà Châu, ( 3 )

Phong trần đã trải mấy thâu (4 ) cùng người.

Tiên Dung gặp buổi đi chơi,

Gió đua Đằng Các ( 5 ), buồm xuôi Nhị Hà,

Chử Đồng ẩn chốn bình sa ( 6 )

Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên ( 7 )

Thừa lương nàng mới dùng thuyền,

Vây màn tắm mát kế liền bên sông,

Người thục nữ, kẻ tiên đồng,

Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.

Giận con ra thói mây mưa,

Hùng Vương truyền lệnh thuyền đua bắt về .

Non sông đã trót lời thề,

Hai người một phút hoá về Bồng Châu ( 9 )

Đông An Dạ trạch đâu đâu,

Khói hương nghi ngút truyền sau muôn đời.

(Đại Nam Quốc sử diễn ca )

 

          Chú thích

( 1 ) : Thêm vào chỗ thiếu.

( 2 ) : Tiên ở trên trời, vì có lỗi, nên phải đày xuống trần.

( 3 ) : Bãi cát ven sông.

( 4 ) : Mấy Thu là mấy năm, ý nói Chử Đồng vốn nghèo khó vất vả.

( 5 ) : Khoái Châu cũng là Đằng Châu, chỉ sự may mắn thành vợ chồng.

( 6 ) : Bãi cát.

( 7 ) : Duyên kiếp từ trước.

( 8 ) : Hóng mát.

( 9 ) : Cõi Tiên.

Kinh Chử Đồng

        “Thời vua Hùng, có nàng công chúa Tiên Dung, dầu đả tới tuổi cập kê, nhưng chỉ thích dùng thuyền du ngoạn đó đây. Cũng vào thời ấy, có chàng Chử Đồng sống vất vưởng bên bờ sông, nghèo đến nỗi không có cái khố che thân. Một hôm Chử Đồng thấy thuyền của Công chúa ghé vào nơi chàng ở, nên sợ hãi vùi mình dưới cát. Không ngờ đó là nơi Tiên Dung vây màn để tắm. Khi nước làm trôi cát, Tiên Dung phát giác ra Chử Đồng, và rồi hai người kết duyên với nhau. Từ đó Tiên Dung đem tiền của để lập phố xá. Chử Đồng thì ra biển đi buôn. Ở biển Chử Đồng học được phép thần thông, rồi trở về dạy lại cho dân chúng. Nhờ vậy đời sống vùng đó trở nên sung túc phồn thịnh. Nhưng cuộc sống phồn thịnh đó làm vua quan nghi ngại, đem quân đến đánh, nên hai người hoá phép đem cả dân chúng và làng mạc về trời.”

( Nam Thiên : Kinh Việt , Hoa Tiên Rồng , trang 47 – 48 )

 

  Khai triển

1. Nòi giống Tiên Rồng

        Tiên Dung là con vua Hùng ở trên núi cao hay trên đất liền, chắc chắn là thuộc dòng Tiên rồi.

        Còn Chử Đồng quanh năm lây lất ở ven sông, nên cũng thuộc nòi Rồng. Nòi Tiên đi tìm giống Rồng là đúng sách truyền rồi đó. “ Lấy vợ xem tông , lấy chồng xem giống ” là lời nhắn nhủ của Tổ tiên.  Gái Tiên đi tìm trai Rồng là đúng cách Việt tộc!

2. Ra công tìm chồng, kén vợ

Tiên Dung đến tuổi cập kê, không chịu ngồi trên lầu khuê các của vua cha tung quả cầu để vua cha kén Phò mã cho, mà nàng tự ý dùng thuyền ngao du trên lãnh hải của vương quốc Rồng để ngao du sơn thuỷ, tuy lòng dặn lòng không có ý định lấy chồng, nhưng trong thâm tâm không khỏi có tiếng réo gọi xa xôi của tuổi lứa đôi. Dầu không có ý, nhưng đến chốn ba quân của nước Rồng, tất phải gặp người ưng ý.  Lại nữa trong lòng đã sẵn tư tưởng biết vâng mệnh trời, nên khó thoát cái dây của ông Tơ bà Nguyệt.  Chử Đồng cũng vậy, tuy chẳng phải trèo non lội suối cho xa, vì không có khố, nên cũng chịu ra khỏi mặt nước, bèn chôn mình trong tùm lau sậy trên bãi cát, tức là lên đất liền là lãnh vực của Tiên mà may mắn gặp được người bạn vàng.  Hai bên đều có thiện chí cất công đi tìm, và tìm đúng chỗ: “Trai khôn tìm vợ chợ đông (chợ của non Tiên), Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân“(chỗ ba quân của nước Rồng), nên mới xẩy ra cơ sự !

 

3. Tìm hiểu chân tướng của nhau

        Khi cập bến, Tiên Dung căng màn, tắm gội cho hết mùi gió biển trong mình. Những gáo nước Tiên Dung tắm cũng giúp Chử Đồng xói sạch hết cát bụi trong người.

Hai bên trần truồng trở nên sạch sẽ, trắng trong, không có một thứ gì để che lấp, nói một cách bóng bẩy là không có thứ gì che lấp chân tướng của nhau, như địa vị, giàu nghèo, nghề nghiệp…, nhờ thế mà mỗi người đều thấy rõ được chân tướng của người kia. Có thấy rõ được như thế mới thực sự chấp nhận nhau, để ăn đời ở kiếp với nhau được. Vì là là duyên kỳ ngộ nữa, vì là Trời xui Đất khiến nên cái chuyện phận đẹp duyên ưa này rồi! Dân gian gán cho đây là dây Tơ Hồng của ông Tơ bà Nguyệt xe tơ kết tóc chàng và nàng lại !

        Lối tự do kết hôn này là lối riêng của Việt tộc, đề cao nhân chủ tính, tự do của con người, và trên hết là tình yêu bất diệt.

 

4. Kết duyên vợ chồng : cuộc Hôn phối có một không hai !

Hình tượng tương phản của cuộc đời lại tiến triển rất tự nhiên theo Dịch lý, bĩ cực đến thái lai, cùng cực của nghèo khó đến sung túc, ấm no. Chàng nghèo không mảnh khố che thân nơi thôn dã,  nay gặp con vua cành vàng lá ngọc, phú quý. Bên Có bên Không nhập lại với nhau, hòa hợp với nhau, để xây dựng gia đình, xây dựng thị tứ, kỳ diệu thật. Đây là chỗ hoà hợp siêu việt giữa giàu sang và nghèo hèn, giữa Hữu và Vô. Đây là lối sống mà Nho gọi là “chấp kỳ lưỡng đoan“ của Tổ tiên Việt.  Trời xui Đất khiến nên cảnh lạ lùng !  Điều này nghe ra hơi quá đáng, nhưng Tổ tiên ta muốn nhắn gởi cho con cháu rằng là: Lấy vợ lấy chồng là lấy người mình yêu, phải tìm cho được người có khả năng và tư cách xứng hợp với mình, để sống với nhau trọn đời, cùng nhau xây đắp gia đình và xã hội, sống một cuộc sống hạnh phúc.

 

5. Xây dựng gia đình, xây dựng Thị tứ yên vui

Phát triển Thị trấn, thương nghiệp

        Sau khi kết hôn, Chử Đồng ra biển đi du thương, học được phép thần thông, trở về dạy cho dân chúng cách lảm ăn. Ta nên nhớ, trước đó đã có nền văn hoá Hoà Bình rực rỡ ở Thái Bình dương, đã có thuyền bè di chuyển khắp nơi, đi lên phía Bắc đến Trung hoa Đài Loan, Nhật Bản, đi về phía tây qua Ấn độ, qua Điạ trung hải, Tây Âu… (xem Địa đàng Phương Đông của Stephen Oppenheimer). Chử Đồng ra biển, tức là Chử Đồng phải tìm mọi cách để phát triển hết khả năng Rồng của mình trong công việc thương nghiệp, tìm cho ra kế sách làm ăn để hưng Gia đình, thịnh Thị tứ.

Khi đã tìm ra lối làm ăn rồi, thì không những làm cho nhà được giàu, mà đồng thời phải giúp dân làng xóm làm ăn chung cho được trù phú. Nhà, Làng xóm cũng như Thị tứ phải được thăng tiến cùng một trật.

        Trong danh từ Gia Đình, thì Gia là nhà gồm cha mẹ con cái, còn Đình là nhà chung nghĩa gồm thêm cả bà con, họ hàng, và có lẽ cả hàng xóm nữa, vì cả dân tộc ta đều là anh em.

        Chử Đồng đã đem hết khả năng tài cán của mình để làm phát triển thương nghiệp nơi vùng biển, để cho gia đình và xóm làng được trù phú.  Là con người tác hành, Chử Đồng rất tự lực, tự cường, tìm sáng kiến trong công việc làm ăn. Chử Đồng là trai hùng, đã đem khả năng và công sức ra mà xây nhà dựng làng. Vì xứng đôi vừa lứa, nếu Chử Đồng đã là trai hùng, thì Tiên Dung cũng là gái đảm. Chử Đồng góp công thì Tiên Dung cũng góp của và sáng kiến và công lao trong phạm vi của mình. Tiên Dung xuất tiền của ra lập phố xá, cùng nhân dân xóm làng ra sức làm ăn.

        Công của Chử Đồng, Của của Tiên Dung, hai bên đều cùng sức đóng góp của mọi người trong thôn xóm đã làm cho các gia đình, thị tứ thăng tiến cùng một trật.

Sự đồng tiến này làm cho xóm làng yên vui, không gây ra cảnh ghen tuơng giàu nghèo sang hèn, cảnh đố kỵ trong thôn xóm. Cảnh lá lành đùm lá rách này làm cho mọi người yên vui. Sự yên vui bắt đầu từ cá nhân, hoà trong gia đình, hòa nhập vào làng xóm.

6. Kẻ thù ngoại nhập

Tiên Dung, Chử Đồng, cùng nhân dân thị tứ lập nên một cảnh địa đàng nho nhỏ, mọi người đều được hạnh phúc, nhưng làm sao thoát khỏi được cảnh ghen tỵ của xung quanh, nhất là vua quan. Vua quan là người có quyền có thế, tự cho mình là hơn hết, sao có kẻ lại dám qua mặt mình trong công việc xây dựng gia làng xóm thị tứ, là thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Việc này làm thương tổn vua quan, nên bất cứ giá nào vua quan cũng phải dẹp. Việc này, nhắc chúng ta không những phải xây dựng nhà, làng xóm cho phồn vinh, mà còn phải làm cho nước cùng hưng thịnh một trật, thì khi đó lòng đố kỵ, cảnh cướp giật tất không có đất dung thân. Cha ông chúng ta đã sớm biết lấp “cái hố Giàu Nghèo” từ đấy!

 

7. Cả thị tứ về Trời : nơi vắng bóng đố kỵ

        Vua quan có bắt tội thì bắt tội hai nhân vật chủ chốt là Tiên Dung và Chử Đồng. Tiên Dung có thể có cả hai lỗi: một là tội bất hiếu vì tự do kết hôn, không xin phép Cha mẹ, tuy thuở đó, có tục chơi hát Trống quân để cho trai gái có dịp gặp gỡ nhau để tự ý chọn vợ kén chồng, hai là cùng Chử Đồng xây dựng thị tứ qua mặt triều đình. Tội này to lắm đối với vua cha và triều đình, vì việc xây dựng thị tứ là công việc của triều đình, sao vợ chồng Tiên Dung lại dám qua mặt, làm thương tổn đến Vua cha và triều đình, nhưng đối với các gia đình trong thị tứ thì công việc của Tiên Dung và Chử Đồng lại là công cực kỳ to lớn, là đem lại hạnh phúc và yên bình cho mọi người. Theo Tiên Dung và Chử Đồng thì công việc xây dựng xóm làng cũng như các thị tứ là công việc chính của dân cư nơi đó. Chấu chấu đâu đấu được với voi, thông thường thì hai vợ chồng Tiên Dung và Chử Đồng tìm cách lảnh trốn, nhưng Tiên Dung vẫn vui vẻ ở lại chịu tội, và một số dân chúng trong làng không chạy trốn mà ở lại với hai vợ chồng Tiên Dung, nhưng nhờ phép Tiên mà mọi người ở lại cùng hai vợ chồng được thiên di tới nơi mà không có cảnh ghen ghét tỵ hiềm, mà ta quen gọi là lên trời, là lên thiên đàng. Đây là cung cách thăng hoa đời sống, người Việt gọi là siêu việt.  

Trong việc kết hôn, Tiên Dung bị đặt vào tình thế khó xử, hoặc vâng theo thiên ý (duyên tao ngộ) hoặc vâng thuận theo ý của vua cha (mẹ), Tiên Dung đã chọn vâng theo mệnh Trời trước, mà cái mệnh trời này lại không thể thoả đáng với ý của vua cha, mà thực lòng Tiên Dung không dám qua mặt vua cha. Đến lúc quân triều đình đến vây, Tiên Dung vẫn vui vẻ ở lại chịu hình phạt của vua cha của triều đình, để tỏ lòng hiếu thảo, để phục mạng, nhưng Tiên Phật lại cám cảnh giải thoát cho khỏi cảnh tai ương chém giết. Đó là cách ăn ở cho được mẹ tròn con vuông, có trời mà cũng có ta“.

Phải chăng đó cũng là ý tưởng mới chớm của “Phép Vua thua lệ làng”.

 

8. Tóm lại

          a. Trong việc kén vợ kén chồng, hai đương sự phải tự tìm lấy, để tìm cho ra con người trong mộng của mình, là người có tài đức tương xứng, để “nồi nào úp đúng vung ấy ” .

          b. Tiêu chuẩn kén chọn là chính con người phối ngẫu của mình, cái cốt cách của con người, cái tư cách, cái khả năng của người nào thích hợp với mình, còn tiền của, địa vị…, chỉ là thứ yếu.

          c. Mục tiêu của việc vợ chồng là ăn đời ở kiếp với nhau để xây dựng gia đình, làng nước cho được yên vui, hạnh phúc, chứ không phải là một thứ khế ước tạm bợ, muốn chấm dứt khi nào cũng được.

          d. Công việc xây dựng Gia Đình, Làng, Nước phải được thăng tiến cùng một trật, để tránh cái cảnh bất công hiềm tỵ ghen ghét, gây bất ổn cho gia đình xã hội.

          e. Điểm nổi bật nhất là trong lúc khó khăn và nguy biến, Tiên Dung và Chử     Đồng lúc nào cũng vững tin vào lòng Trời và tính chất tự lực tự cường của mình để dẫn dắt mọi người trong thị tứ vượt qua bước gian nan .

        Còn phần cuối của câu truyện, có thêm vào chuyện Chử Đồng học được phép tiên với Phật Quang ngoài đảo Quỳnh Viên Sơn, được nhà sư tặng cho một cái cái gậy và một cái nón. Nhờ có gậy và nón đó mà chỗ hai vợ chồng khai phá đã trở thành thị tứ trù phú, rồi sau đó lại được biến vào Tiên cảnh. Có lẽ cái gậy đây là cái gậy Thần 9 đốt, mà ai biết cách bấm vào đốt thứ 5 thì biết được cả sự tử cũng như sự sinh. Số 9 là Lạc thư của Lạc Việt,  là cốt tuỷ của Cửu trù Hồng phạm.

 (Gậy Thần, Chương Lâu đài Văn Hóa 5 tầng).

        Còn cái Nón chóp là một vật dụng để che đầu người sống, nên Nón chóp  được tượng trưng cho Trời che. (Sứ điệp Trống Đồng. Cảnh Thái hoà trên mặt Trống. Trời Che. Kim Định)

        Chử Đồng Tử & Tiên Dung Công chúa đã ăn ở với nhau tốt Đời đẹp Đạo, tạo niềm cảm hứng để dân gian gửi gắm tâm tư vào những lời hay ý đẹp trong ca dao, tục ngữ.

 

9. Tục ngữ , ca dao

 

Vừa đôi, phải lứa.

 

Nồi nào úp vung nấy.

 

Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn

 

Trai khôn kén vợ chợ đông

Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân .

 

Đó vàng đây cũng đồng đen,

Đó hoa thiên lý, đây sen nhi hồ,

Đấy em như tượng mới tô,

Đây anh như ngọc hoạ đồ trong tranh.

 

Trai tứ chiếng, gái giang hồ,

Gặp nhau ta nổi cơ đồ từ đây.

 

Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê.

 

Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

 

Thưa anh, anh giận em chi?

Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho .

 

Con vua lấy thằng bán than,

Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo,

Con quan Đô Đốc, Đô Đài,

Lấy thằng thuyền chài cũng phải lụy mui.

 

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua .

 

Lên non em cũng lên theo,

Xuống thuyền, em cũng ngồi leo mạn thuyền.

 

Hai ta như rắn liu điu ( rắn nước ),

Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau .

 

Dầu ai nói ngả nói nghiêng,

Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.

 

Tối trời chẳng quản chi ma,

Thương nhau chẳng quản hói ( suối ) hà ( sông ) cạn sâu .

 

Xa mình thở chẳng ra hơi,

Chồng Nam, vợ Bắc, trời ơi là trời !


Nước ròng ( rút ) sông cái chảy xuôi ,

Trời đà xây định : Mình với Tôi Vợ chồng.

( Hò cấy lúa )

 

Có con gầy dựng cho con,

Có chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.

 

Đã sinh ra kiếp đàn ông,

Đèo cao núi thẳm, sông cùng quản chi .

 

Trượng phu không nhiễm thói trần,

Không sợ nghèo khó, không phân sang giàu.

 

Râu tôm nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.

 

Yêu nhau vạn sự chẳng nề,

Dầu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

 

Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê.

 

Thuyền ơi ! Có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!


Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người !


Mua thịt thì chọn miếng mông,

Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.

 

Hoa sen mọc bãi cát dầm,

Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.


 Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,

Đã vo nước đục, lại vần than rơm .


Mạnh mà mềm dẻo mới nên,

Khác gì dòng nước chảy trên sông ngòi .

 

Tiếc thay cây quế giữa rừng, 

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo .

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...