Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Ngôn Ngữ - Ứng dụng

NHỮNG TỪ Y HỌC THUẦN VIỆT
 Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang

Thế nào là những từ thuần Việt? Chúng ta thường phân biệt tiếng Hán Việt và tiếng Nôm. Tiếng Nôm có nghĩa là tiếng  Nam là thứ tiếng riêng của chúng ta, người Việt Nam. Vì hai từ “tiếng Nôm” đôi khi lầm lẫn với “chữ Nôm” nên tôi thích dùng từ  Thuần Việt để chỉ những tiếng không phải là Hán Việt. Như thế tiếng thuần Việt là tiếng không phải là tiếng Hán Việt mà là những từ còn lại. Những từ thuần Việt có thể liên hệ với các ngôn ngữ khác của loài người ngoài Hán ngữ. Sau đây là những từ Y học thuần Việt hay chữ nôm y học. Xin  xếp theo thứ tự  ABC.

VẦN B
.Ben
thấy trong lang ben (pytiasis alba), một chứng ngoài da do vi nấm, mốc meo tạo ra. Trong Việt ngữ chữ b là dạng cổ của m như thấy qua các từ như bồ hôi = mồ hôi, bồ hóng = mồ hóng, thuốc bồi = thuốc mồi…, ben là dạng cổ của men. Men là loài vi nấm, mốc, meo như men làm rượu, mốc làm tương…  Lang có một nghĩa là những vết lan màu trắng như vitiligo là chứng lang da. Lang ben là chứng lang trắng ngoài da do men, mốc, vi nấm gây ra (pityriasis alba). Men, meo, mốc liên hệ với Anh ngữ moss (rêu mốc).

VẦN C
.Cúm
Danh từ Cúm của Việt ngữ  gần âm với từ cám, cảm, cởm. Có thể dân dã vùng biển như Thanh Nghệ Tĩnh đã đọc cảm trại ra thành ra cởm , cúm.  Từ cảm cúm biến âm với từ "căm", "cằm", "cầm" có nghĩa  là lạnh ví dụ như "rét căm căm", "run cầm cập", liên hệ với Phạn ngữ  "kamp", to tremble; "âkampa" (â + kamp +a), shaking, run,  rét run.  Gốc tái tạo Ngôn Ngữ của Chúng Ta Nostratic "*kulV" (to get) cold. Như thế cảm cúm nghiêng  nhiều về nghĩa bị nhiễm lạnh. Cúm là bị cảm lạnh như ta thường nghe người Anh Mỹ nói bị Flu là bị "cold".  Điểm này ta cũng thấy rõ qua cách nói ví von "Ông Cúm Bà Co" . Ta thấy Cúm hàm nghĩa là Co, Co Ro. Ta thường nói "ngồi co ro cúm rúm vì lạnh". Người bị Cúm bị nóng lạnh, đau nhức mình mẩy thường nằm co quắp người lại trông như con tôm ươn. Hình dáng co quắp trông như nằm thủ thế chống lại sự  túm bắt của  bệnh cúm,  của  sự ốp bắt của sao trời. Từ Cúm cùng  vần với từ Cum  có nghĩa là bắt giữ ví dụ như bị cảnh sát "cum". Từ Cúm cùng vần với từ Cùm có nghĩa là bị  xiềng giữ ví dụ như cùm kẹp, cùm chân, cùm tay. Với nghĩa bị túm bắt, bắt giữ này, từ Cúm liện hệ với Pháp ngữ "grippe" và Tây Ban Nha ngữ là "grippa" chỉ  bệnh cúm.  Grippe, grippa nghĩa đen là móng vuốt, túm, bắt, vồ bằng móng vuốt.
Người Tây phương tin cúm là do ảnh hưởng, inflenza, flu của sao trời, do bị sao trời ốp bắt nên những khi có dịch cúm thường tế sao trời , cúng sao trời, dân dã Việt Nam cũng vậy, khi bị cúm cũng  cúng  Ông Cúm Bà Co. Sau đây là một phần bài văn tế cúng Ông Cúm Bà Co:
Ông Cúm bà Co 
Ông từ trong Nghệ 
Ông bò ra đây 
Tín chủ tôi nay, 
Có chút quà này: 
Mắm tôm, bánh đúc 
Bánh dầy, bánh đa… 
Ông xơi xong rồi, 
Mời ông đi xa…
Vì  Ông Cúm bà Co từ trong Nghệ bò ra nên trong các món đồ cúng có món chính kể ra hàng đầu là món Mắm Tôm.  Vùng biển Thanh Nghệ Tĩnh là vùng nổi tiếng về cá mắm như ta đã thấy Cao Bá Quát ví văn thơ của một nhóm Thi Xã với con thuyền Nghệ An:
Câu văn Thi Xã, con thuyền Nghệ An
Dĩ nhiên Ông Cúm Bà Co từ trong Nghệ ra  nên khoái món mắm tôm nhất. Bánh đúc thường chấm tương nhưng ông Cúm Bà Co từ trong Nghệ ra phải chấm mắm tôm.  Ngoài món bánh đúc chấm mắm tôm đồ cúng còn có bánh dầy bánh đa. Bánh dầy tròn trắng biểu tượng cho mặt trời lặn, mặt trăng, bánh đa tròn nướng nổi phồng biểu tượng cho mặt trời nóng bỏng rực sáng… lễ vật đủ cả trăng trời, đủ cả các thiên thể, các tinh tú, sao trời… Sau khi cúng xong, người bệnh  đem mắm tôm rắc từ trong nhà ra tới ngoài ngõ để Ông Cúm bà Co theo vết mắm tôm mà đi nơi khác… Người bệnh cúm thường đau cổ họng, bánh đúc nấu bằng bột,  rất mềm :
Mấy đời bánh đúc có xương, 
Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng. 
nên rất dễ nuốt, người bệnh cũng nhạt mồm nhạt miệng , mắm tôm mặn nên ăn thấy ngon miệng. 
Ch
.Chốc (favus): cứt trâu trên đầu. 
Chứng nấm mọc trên đầu trẻ gọi là chốc đầu, trông giống như cứt trâu nên dân dã cũng gọi là cứt trâu. Chốc nguyên thủy  có nghĩa là đầu, trên, trước tiên, người Huế nói là trốt. 
Chốc có nghĩa là đầu như: 
Ăn thì cúi chốc,Kéo nốc thì than.                (tục ngữ) 
có nghĩa là khi ăn thì cắm cúi đầu xuống ăn, khi kéo thuyền (nốc là thuyền) thì than. 
Chốc có nghĩa là trên, trước tiên, hàng đầu ví dụ ăn trên ngồi trốc là ăn trên ngồi đầu, ngồi trước tiên. Chốc biến âm với chóc, tróc là  phần đầu bị lật lên, bay mất như chóc, tróc nóc (nhà). Với h câm ta có chốc = cốc.  Người Bắc nói cốc đầu hay  cộc đầu là khỏ lên đầu, miền Trung Nam gọi là cú đầu. Từ cú của miền Trung Nam liên hệ mật thiết với Phạn ngữ "kuta", đầu, với Sumerian ngữ "gú" ‘head, forehead’ (c=g: cú = gú). Người Bắc cũng gọi vật dùng uống nước là cái cốc, Trung Nam gọi là cái ly. Chúng ta thường cho là  cái "cốc" do Anh ngữ "cup" mà ra. Ta thấy rõ cốc là do chốc (đầu) và "cup"  là do "cap" (đầu) mà ra. Thời thượng cổ con người thường dùng sọ làm vật đựng nước, uống nước. Phật giáo Tây Tạng La-Ma dùng những cốc bằng sọ người dâng vật cúng lễ. Ta có thể kiểm chứng thấy trong Trung cổ Thượng Nhật Nhĩ Man  ngữ (Middle High German) "koft", ‘drinking cup’, tuy nhiên vài khi cũng có nghĩa là cái sọ (hence sometime ‘skull, head’) (REW 8682). 
Tóm lại chốc đầu hay cứt trâu… có nghĩa  nguyên thủy là chốc (đầu).

VẦN D
.Da
Da là cái túi bao bọc thân người. Thái ngữ gọi da là  "nang" (Việt ngữ nang là túi, bọc). Hán Việt bì là da. Bì có một nghĩa là bao bọc ví dụ cân trừ bì là cân trừ bao, trừ bọc. Vũ trụ hư không  là một cái bọc, cái túi, cái trứng vì thế mà chúng ta cũng dùng từ da cho bầu trời ví dụ như màu xanh da trời.  Pháp ngữ "peau" đọc là "pô" biến âm với "mô" (p=m). Peau là  "mô", là mo, là bọc, bao. Mo nang là cái bao, cái bọc hoa cau. Peau là mo, là nang, là da (bọc túi nang). 
.Dạ
Dạ biến âm với da cũng có nghĩa là cái túi, cái bọc, cái bao.  Dạ con là cái túi đựng con 
"vợ quen dạ đẻ cách năm đôi", dở dạ (chuyển bụng sanh con), dạ trường (chấm mắm tôm): tử cung heo. Dạ liên hệ với Phạn ngư: 
- Jar-: dạ con, ví dụ  jarâyu-ja đẻ bằng dạ con như người và các loài thú khác (born from the womb as man and other animals). Jarâyu-ja có jar- = dạ. 
-Gar-:  túi bọc, dạ ví dụ gastro-, dạ dầy,   garbha, the womb, dạ con có gốc gar- = jar- = dạ. 
-Ja-: đẻ  ví dụ "saroja" là "đẻ dưới nước" chỉ hoa sen. Saroja có sa- ruột thịt với sa (sương), với sả có nghĩa  là nước,  liên hệ tới nước ví dụ cỏ sả (lemon grass) là "cỏ nước". Cỏ dùng nấu nước làm trà uống hay gội đầu, tắm rửa nên gọi là cỏ sả ; chim sả là chim nước, chim bói cá, thằng chài: "nào hố bẫy hươu nai, lưới dò chim sả" (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo).
.Dạ dầy (stomach)
Dầy ở đây không phải là dầy mỏng. Dạ dầy không phải là cái túi dầy túi mỏng. Dầy nói trại của từ đẫy là cái túi, bọc bằng vải. Dạ dầy là dạ đẫy, chỗ ruột như cái túi, cái đẫy chứa thức ăn. Ta có một loài chim có cái bìu rất lớn gọi là chim già đẩy, thật ra tên nó là chim dạ đẫy tức chim có cái túi bìu như cái đẫy. Gốc Hy Lạp gastro- (dạ dầy) liên hệ với gar- jar: dạ con, túi đựng con cho thấy rõ như hai năm là mười là dạ dầy là cái túi đựng thức ăn, là dạ đẫy. Anh ngữ "maw", một cái túi đựng thức ăn trong dạ dầy nhiều túi của loài nhai lại. Maw liên hệ với Việt ngữ "mo" là cái bọc, cái bao như mo nang là cái bọc hoa cau (Mường ngữ nang là cau).

VẦN Đ
.Đau:
Đau liên hệ với Phạn ngữ  "du" (to be in pain) bị đau, "dah, dagh" (to give pain, to suffer pain), làm đau, Pháp ngữ "douleur",  Tây Ban Nha ngữ "dolor" , Ý "dolore", Bồ Đào Nha "dor", đau. Các từ  này có  du, do- liên hệ với đau và  dol-, dor với đớn (đau đớn). Với đ câm (như đẩy = ẩy, đủn = ủn, đấy = ấy) ta có đau = au. "Au" liên hệ với Anh ngữ "ouch"! là  đau. 
Theo qui luật biến âm đ = n (đây = nầy, đó = nọ,  đác = nác (nước), ta có đau = nau
Trắng răng đến thủa bạc đầu, 
Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần.
.            (Ôn Như Hầu, Cung Oán Ngâm Khúc). 
Nau trong hai câu thơ này thường được hiểu là đau. 

VẦN E
.Ê 
ê mình, ê ẩm, ê răng  có nghĩa là đau rêm rêm, cũng có tiếng lóng ê càng liên hệ với Anh ngữ ache, ê, đau. Ê liên hệ với Anh ngữ “ache”, đau. 
VẦN G
.Gù
gù là còng như gù lưng, còng lưng,  có bướu trên lưng. Theo g = c, gù = cù.  Cù biến âm với cầu là tròn. Lăn cù là lằn tròn:
Gió đưa hòn đá lăn cù, 
Con chị có mất thì bù con em.
Người Mường, Thái có tục tung còn là tung cù, tung cầu, gieo cầu. Còn đọc thêm hơi vào là chòn, tròn. Lưng gù là lưng bị cong vòng  xuống gần cận với còng lưng.  Còng biến âm với cong. Ngày nay còn hiểu gù là có cục bướu ở sau lưng làm cho cong lưng. Với g câm  gù = ù = u  (ù có một nghĩa là phồng, sưng, u là  bướu: u bướu). Thàng gù ở Nhà Thờ  Đức Bà có cục ù, cục u, cục bướu ở trên lưng.  Gù liên hệ với Pháp ngữ gibosité, Anh ngữ  gibbosity.  Theo h =  g như hồi = gồi, Anh ngữ hunch-backed, hump-backed  (gù) có hu- = gù.

VẦN H
.Hen
Hen là từ thuần Việt  tương đương với từ Hán Việt suyễn  chỉ  chứng bệnh gây ra do sự co bóp, tắc nghẹt đường thở khiến bệnh nhân khó thở, lên cơn cò cư . Nếu sính nho, giải tự từ suyễn ta sẽ thấy rất thâm thúy. Suyễn gồm có chữ sơn viết với bộ khẩu. Người bị suyễn giống như kẻ leo núi há miệng thở dốc nghĩa là bị khó thở. Nếu coi bộ khẩu mang nghĩa chính thì có thể giải thích là người bị suyễn giống như kẻ  bị cả một trái núi nhét vào trong miệng khiến không thở được. Thật là thâm thúy.  Bây giờ giải thích từ hen của chúng ta. Hen là gì? Vô nghĩa? Dĩ nhiên phải có nghĩa. Theo qui luật biến âm  lịch sử h=c=k như  hủi = cùi, ta có hen = ken = kèn. Bệnh hen là bệnh kèn. Ta có thể kiểm chứng lại bằng qui luật h = kh như hì hì = khì khì, ta có hen = khèn. Vậy bệnh hen  là bệnh kèn, bệnh khèn. Người bị bệnh hen khó thở lên cơn cò cử như thổi kèn, thổi khèn, chứng tích còn thấy rành rành qua câu ca dao:
Chồng hen lấy vợ cũng hen, 
Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi.
Bệnh hen là bệnh kèn dễ hiểu, dễ nhớ và hay vô cùng vì nó giải thích rõ cho biết nguyên nhân của bệnh trạng, trong khi từ suyễn chỉ cho biết triệu chứng khó thở. Không  khí khi thở ra bị ép đi qua đường thở bị teo nghẹt của người bị hen phát ra âm thanh giống như thổi qua cái ống có chỗ bóp nghẹt lại như ở các nhạc cụ bộ gió kèn, sáo. 
Bệnh hen là bệnh kèn, bệnh khèn.

VẦN K, Kh
.Khạc
Khạc là làm cho hết vướng đàm trong cổ; tạo ra tiếng kêu khẹc khẹc trong cổ. Khạc liên hệ với Pháp ngữ "crâcher" (khạc nhổ). Theo luật bỏ r (Anh Pháp chuyển qua Việt ngữ thường bỏ chữ r thứ nhì ví dụ xếp train = xếp "tanh"), ta có c(r)ac(her) = cac = kac, đọc thêm hơi vào kac = khạc; với Cổ ngữ Anh "hrace, hracu" (throat) (h=k, hen = kèn); với Cổ ngữ Anh "hròecan" (‘spit”, nhổ), Anh ngữ hiện kim "hoarse" (khan cổ); Phạn ngữ "kharj" (tiếng kêu khọc khọc, khẹc khẹc trong cổ)… gốc tái tạo Tiền cổ-Ấn-Âu ngữ *k[h]er- (***h viết nhỏ) ‘to make a rasping sound, to be hoarse, to caw, to croak’.

VẦN L
.Lác
Là chứng ngoài da do nấm mọc ở những chỗ da ẩm như ở bẹn, háng. Lác đồng tiền là một thứ "ringworm" (nhưng không phải là do vi nấm gây ra). Lác chính là cổ ngữ nác là nước. Người Huế  và  vùng bắc miền Trung ngày nay vẫn còn dùng từ nác là nước:
Trăm rác lấy nác làm sạch.
Cỏ lác là loài cỏ mọc  dưới nác, dưới lác, dưới nước dùng dệt chiếu, đan giỏ, bị…
Lác gần đồng nghĩa với  "hăm". Với h câm, hăm = ăm, ẩm. Bị hăm là bị ẩm, dễ bị nấm mọc, dễ bị lác. Hăm, hẩm liên hệ với Anh ngữ humid.

VẦN M
.Mồ hôi
Chất dầu mỡ do tuyến da tiết ra. Mồ là biến âm của mỡ và hôi biến âm của hoi. Mồ hôi là "mỡ hoi". Mồ hôi là chất nhờn như dầu mỡ có mùi hoi, mùi hôi. Có người có mồ hôi rất nhờn gọi là mồ hôi dầu. Chất "dầu mỡ"  trong mồ hôi khi ra ngoài bị oxid hóa hay bị vấy nhiễm vi sinh vật trở thành hoi thành hôi. Mỡ là chất có nhiều trong heo lợn. Heo là nguồn cung cấp mỡ chính. Heo, hợi là con mỡ như thấy qua từ hợi, heo liên hệ với hoi, oi. Hoi, oi là mùi mỡ bị oxýt hóa. Hoi liên hệ với Pháp ngữ huile, dầu mỡ, oi liên hệ với Anh ngữ oil, dầu mỡ. Việt ngữ lợn cùng vần với lờn, liên hệ với nhờn, nhớt (l=nh), tức dầu mỡ. Mỡ liên hệ với Thái ngữ moo là con heo, với Tân Ái Nhĩ Lan muc, Welsh. moc, Tây Ban Nha marrano (heo)… mỡ liên hệ với Bồ Đào Nha massa, mỡ, liên hệ với Anh ngữ marrow, tủy xương , hàm nghĩa chất béo, mỡ như thấy qua Phạn ngữ vasâ, tủy xương, mỡ; va- = ma = mỡ (v=b=m). Chuyển hóa của mỡ là ‘mồ’ cũng có nghĩa là mỡ dầu như thấy trong từ ghép mồ hôi, mồ hóng. Việt ngữ có từ đôi mỡ màng, từ màng phải hiểu là có hàm nghĩa mỡ, tủy, ta thấy rõ Bồ ngữ massa, mỡ; Bồ ngữ manteiga, Tây Ban Nha ngữ mantequilla, bơ có ma-, man- liên hệ với màng. 
Theo m=b, mồ hôi = bồ hôi. Bồ là dạng cổ của mồ (bồ hôi = mồ hôi, bồ hóng = mồ hóng, b=m). Bồ có nghĩa là béo, mỡ còn thấy rõ qua từ bồ hôi, bồ hòn, bồ hóng. 
.Bồ hôi có bồ là mỡ dầu tiết ra ở da và bị các vi sinh vật biến thành mùi hoi, mùi hôi. Bồ liên hệ với béo, bở, Pháp ngữ beurre (bơ), Anh ngữ butter (bơ). Ta có từ ghép béo bở. Đa số người Việt đều hiểu bở là dễ rời, dễ vỡ. Thật ra không phải vậy. Vì những thứ “bở” dễ rời chưa hẳn đã là ngon, bở thường thiu thối như thịt bở đâu có gì ngon. Bở đây cùng nghĩa với béo.  Vì thế bồ liên hệ với con vật có chất béo chất mỡ: bồ liên hệ với boar (heo đực), pork, porc (thịt heo)…  Mồ hôi, bồ hôi liên hệ với con mỡ, con hoi, con hợi, con heo, con lợn cũng thấy trong Ấn Âu ngữ ví dụ  Anh ngữ bồ hôi là sweat liên hệ với swine, Gothic swein (heo cái), Latin sùdor, Pháp ngữ sueur, Tây Ban Nha sudor… (mồ hôi) liên hệ với Việt ngữ sề (lợn nái), Latin sùs, Cổ ngữ Anh sù (lợn sề)… Việt ngữ có từ ghép ‘bồ hôi bồ kê’ vã ra như tắm.  Mồ "kê” ở đây với kê liên hệ với “sề” (heo nái) theo chuyển hóa k=s (cắt = sắt). Mồ hôi mồ kê có thể hiểu theo nghĩa nguyên thủy “mỡ hợi, mỡ sề"’ với hợi cho ra hôi và kê cho ra khê, khét: mỡ hôi, mỡ khê, cuối cùng biến thành mồ hôi mồ kê ngày nay. 
.bồ hòn: hòn là vật hình cầu tròn như hột, quả. Quả bồ hòn rất tròn như thấy qua câu ví “Thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì quả bồ hòn cũng méo”. Bồ hòn là quả bơ, quả béo, có người dịch cây bồ hòn là ‘soapberry tree’. Bồ hòn là quả dầu mỡ dùng như xà phòng để giặt quần áo. Ngày nay xà phòng cũng làm từ dầu mỡ. 
.bồ hóng, mồ hóng: hóng là hong, khô liên hệ tới lửa. Bồ hóng là chất nhựa, dầu màu đen do khói lửa đọng lại. Anh ngữ ‘soot’ gần cận với ‘sweat’… 
Tóm lại mồ hôi, bồ hôi có nghĩa gốc là chất mỡ hoi tiết ra ở da liên hệ với  dầu mỡ, heo, lợn.
Môi: 
.Môi là phần che (miệng, bộ phận sinh dục nữ). Môi biến âm với mai, vật che (như mai rùa, mai cua), mái (nóc nhà che mưa nắng), mài (vẩy che như mài ốc che miệng ốc), mày (lông che mắt) và mui (mái che  thuyền, xe như mui thuyền, mui xe…). Anh ngữ "lip" (môi) biến âm  lid (nắp che, đậy).

VẦN N
.Nôn
buồn ói, buồn mửa
Nôn đọc thêm hơi vào là nhôn, nhợn. Nhờn nhợn, nhợn là cảm giác buồn nôn buồn ói. Theo nh=l (nhanh nhẹn = lanh lẹn), ta có nhợn = lợm. Lợm giọng là  buồn nôn, buồn ói. 
Ta có từ láy nôn nao có nghĩa là nôn = nao. Nao có gốc na- nã, nác là nước. Nôn nao liên hệ tới sóng nước như thấy qua từ nao nao:
Nao nao dòng nước uốn quanh, 
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. 
(Nguyễn Du, Kiều) 
Nao nao, lao đao là cảm giác chuếnh choáng, lênh đênh như say sóng. Rõ hơn nao biến âm với Phạn ngữ "nau" là cái tầu, thuyền. Theo n=t, nau = tầu.  Nôn, nao là cảm giác muốn ói mửa liên hệ với sóng nước, thuyền bè, say sóng. Ta cũng thấy nôn, nao biến âm với Phạn ngữ snuh, to vomit, -nuh  biến âm với nước, nốc (thuyền). Pháp ngữ nausée, Anh ngữ nausea, Hy Lạp nausia, buồn nôn có gốc naus- liện hệ với Phạn ngữ "nau" (tầu thuyền). Nôn, nao là cảm giác buồn ói, buồn mửa như khi đi thuyền tầu, như khi bị say sóng. Trở lại với từ nau trong hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu:
Trắng răng đến thủa bạc đầu, 
Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần 
hiện nay hầu hết mọi người đều hiểu nghĩa nau là đau như đã thấy ở trên dựa theo  qui luật biến âm đ = n,  đau = nau. Tuy nhiên ta cũng có thể hiểu nau biến âm trực tiếp với nao, với Phạn ngữ "nau" (tầu, thuyền") có nghĩa là nao nao, lao đao, lao chao, chao đảo… "Tử sinh kinh cụ" làm cho lao đao, lao chao, chao đảo… ngất ngư con tầu đi "mấy lần".
.Ng
.Ngất
Ngất là xỉu, bất tỉnh, chết giả. Theo ng=n (ngại = nại) , ngất liên hệ với Phạn ngữ "nac", dead.
.Ngh:
.Nghén
là có chửa, có mang, có bầu:
Có nghén thì đẻ, có ghẻ đâu mà sợ lây. 
(ca dao).
Trong Việt ngữ có qui luật biến âm ngh = k, rất cổ thấy cả trong sự chuyển âm từ  tiếng Mường qua Việt ngữ và trong cả tiếng Việt. Biến âm giữa Mường và Việt ngữ  như  kuôi, kươi = người; ken = nghẹn; kơng, keng = ngẩng; keng, kiêng = nghiêng… (Diệu Tần dẫn lại trong Sơ Lược Về Ngôn Ngữ, tr. 156). Trong Việt ngữ như  nghịt = kịt (đen nghịt = đen kịt); nghẹt = kẹt; nghều = kều (cao nghều = cao kều)…   Áp dụng qui luật ngh= k này ta có nghén = kén.  Kén là cái bọc, cái bao có chứa cái phôi tằm là con nhộng. Con nhộng là một thứ ấu trùng giống như cái "phôi", cái "thai" nằm trong bọc kén chờ ngày biến thái thành con ngài. Cái kén vì thế có nghĩa là cái bọc con, cái bọc thai. Có nghén là có kén, có bọc, có bầu con. Kén biến âm với kín (bao bọc, che lại) với Anh ngữ skin là da, lớp vỏ bọc thân người. 

VẦN PH
.Phỏng 
VẦN R
Rức
rức là nhức, đau liên hệ với Phạn ngữ ruj (pain).
VẦN S
.Sài
.Sởi
bệnh sởi là bệnh sốt nóng và nổi ban đỏ. Theo o = uo như hồng = hường, ta có sởi = sưởi. Lò sưởi là lò lửa nóng.  Theo s = ch (sửa = chữa; sắt = chặt; séo = chéo…),  sởi = chởi = chời. 
Sởi biến âm với sải, sẩy.
Cái sảy nảy cái ung.
Sảy, sẩy người Bắc gọi là rôm (rôm sảy) là  một thứ "mần" nóng suda mina, Anh ngữ bình dân gọi là "heat rash". Nóng sốt thường làm nổi mần, nổi ban ở da. Theo  m = b, ta có mần = ban. Trung Nam  gọi sởi là ban đỏ vì người bị bệnh sởi nổi mần đỏ, gọi bệnh thương hàn là ban trắng hay ban cua  vì bệnh thương hàn bị  sốt lâu và nổi mần màu trắng hay màu gạch cua (nên gọi là ban cua).  Ban liên hệ với Phạn ngữ  jvar, jval, to be feverish (gây gấy sốt); jval, to blaze (cháy, chói sáng, chói lọi), to burn (đốt), to shine (chiếu sáng). Ta có -val = bal = ban. 
Sởi là bệnh sưởi bị nóng sốt và nổi mần, nổi ban đỏ.
.Sốt
là nóng như "cơm sốt canh nóng", sốt dẻo, sốt ruột (nóng ruột). Theo qui luật biến âm s = ch (sửa = chữa), sốt = Pháp ngữ "chaud" là nóng. Việt ngữ cổ "hốt" cũng có nghĩa nóng như "nóng hốt cả người". Theo  qui luật biến âm h = ng  như  (hào = ngao), hốt = ngốt. Ngốt cũng có nghĩa là nóng như "nóng ngốt cả người". Việt ngữ "hốt" liện hệ mật thiết với Anh ngữ "hot" (nóng).  Ta cũng có thể kiểm chứng theo qui luật biến âm  s = h như sói = hói;   ta có sốt = Anh ngữ "hot".

VẦN T
.Té De
là đi cầu lỏng, đi cầu "té" ra "nước". Té de là một từ đôi điệp nghĩa. Té = de = nước. 
Té liên hệ với nước như thấy qua các từ "té nước lên người nhau", "té đái ra quần". Té biến âm với tè có nghĩa là đi  tiểu ( đi tè = to make water). Té biến âm với te, tè có nghĩa là nước như thấy qua câu hát dân chài vùng Thanh Nghệ Tĩnh:
Tháng năm te chạy hết ngàn, 
Cá trà cũng lắm khơi đàng vào ra.
Cá trà còn có tên là cá chim.
Te cũng có nghĩa là đi tè:
Học thì đã dốt lại lười, 
Ăn thì không được hơn người không nghe, 
Chửa tối thì đã ngủ nhè, 
Mười đêm thì chín đêm te ra quần.
Te cũng là tên một thứ lưới nhỏ để vớt tôm:
Mặc ai lưới, mặc ai te, 
Ta đây thủng thỉnh kéo bè nghênh ngang. 
(ca dao)
Tên các dụng cụ đánh cá thường có nghĩa liên hệ tới nước: lưới te liên hệ với te là nước, cái nơm, cái nôm  biến âm với nam (chữ nôm = chữ nam) liên hệ với na, nã, lã… là nước, với nầm (vú mẹ, vú là bầu sữa, thứ nước dinh dưỡng con người uống đầu tiên), nậm (bầu đựng nước, với Thái ngữ nam là nước (nam pla = nước cá, nước mắm). 
Việt ngữ te, té, tè (nước, liên hệ tới nước) liên hệ với tiếng Ý, Tây Ban Nha, Hung Gia Lợi, Thụy Điển "te" là trà, với Anh ngữ "tea", Pháp ngữ "thé" là trà, với Cổ ngữ Anh "tèar", Anh ngữ hiện kim "tear", nước mắt. 
Theo t=đ, té, tè = de. De có nghĩa là nước. Mía de là thứ  mía nấu nước uống. De là nứớc cũng thấy qua tên cây bần de (gie):
Bần de đóm đậu sáng ngời, 
Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao đang.
Cây bần gie là cây bần nước. Bần de cũng gọi là cây bần thận (thận liên hệ tới nước, cơ quan làm ra nước tiểu, "to make water", theo Đông y thận thuộc hành thủy) như thấy qua bài đồng dao sau đây: 
Chặt cây dừa, 
Chừa cây mận, 
Cây bần thận, 
Cây bí đao, 
Cây nào cao, 
Cây nào thấp…
Té de là té ra nước. Mã Nam Dương ayer là nước.
Tóm lại  té de là đi cầu  lỏng, cầu nước.

VẦN U
.U, bướu
U là chỗng phồng, sưng, bướu như u đầu, u sơ (bướu sơ, fibroma). U biến âm với ú, ù 
là mập phồng, ụ là mô đất . U cũng có nghĩa là chỗ phồng lên ở ngực phái nữ tức cái vú. Anh ngữ breast  có nghĩa gốc là "swelling" (sưng, phồng).  U là vú có nghĩa là mẹ (người Bắc gọi mẹ là u), vú cũng có nghĩa là mẹ (người Trung Nam gọi mẹ là vú). U  còn gọi là bướu nên U (vú, mẹ) còn gọi  là bu, bú, bụ, bù cũng có nghĩa là vú, mẹ (người Bắc gọi u, mẹ là bu; cái bu gà  là vật đan bằng tre có hình cái vú, người Huế gọi cái vú là cái bù, bụ; từ bụ như bụ bẫm, bụ sữa có nghĩa liên hệ với vú. Bụ là bú nhiều sữa trông ú, ù, tròn trịa). Cổ ngữ của breast là brùs liên hệ mật thiết với Việt ngữ bu, bù, bú (vú). Anh ngữ  udder: vú (nghĩa  hiện kim chỉ vú loài vật vắt lấy sữa), Phạn ngữt uras, uras-ja, uroja: vú (phụ nữ), Latin uber: vú liện hệ với Việt ngữ u, vú.

VẦN V
.Vọp bẻ
Vọp bẻ là bị bắp thịt co rút, còn gọi là bị chuột rút (cramp). Bắp thịt nhúc nhích như con chuột vì thế  từ bắp thịt "muscle"  có gốc từ  Latin "musculus"  là con chuột nhắt. Bắp thịt co rút vì thế mới gọi là chuột rút. Theo v=b, vọp = bóp.  Ta thấy rất rõ vọp = bóp qua từ con vọp là con trăn "bóp" (constrictor boa) thường quấn, bóp chặt  con mồi cho chết ngạt và vọp là một loài sò biển (Lê Ngọc Trụ, Việt ngữ Chính Tả Tự Vị). Con sò vọp là loại sò biển lớn, có loại sò bóp  chặt hai mảnh vỏ lại để di chuyển hay bắt mồi. Bị vọp bẻ chân là bị bắp thịt  bóp cứng, co rút chân  như  bị con trăn  vọp bóp như bị con nghêu sò vọp bóp siết lại.Từ ‘boa" biến âm với "bủa" (vây), bóp, vọp. Ta cũng thấy  Anh ngữ  "clamp" (con nghêu, con vọp) ruột thịt với "cramp" (vọp bẻ), theo r=l (róc = lóc), clamp = cramp. Ở đây cho thấy có sự liên hệ khắng khít giữa Việt ngữ và Ấn Âu ngữ.  Vọp là vọp bẻ (cramp) cũng là vọp (con sò, nghêu). Anh ngữ cramp (vọp bẻ) cũng là clamp (con vọp, nghêu sò). Cramp, clamp liên hệ với Việt ngữ cầm, kềm, kẹp cũng có nghĩa là bóp, siết lại.
Ta thấy rất rõ những từ y học trên đây đều liên hệ với Ấn-Âu ngữ. Dĩ nhiên những từ thuần Việt khác có thể lliên hệ với các ngôn ngữ khác nhất là các nhóm ngôn ngữ  cho là có liên hệ ruột thịt hay gần cận với Việt ngữ như Nam Á, Mãi Lai, Altai ngữ. . . tuy nhiên ta thấy rất rõ  Ấn-Âu ngữ nhan nhản trong các từ thuần Việt. Điểm này cho thấy Việt ngữ liên hệ mật thiết với Phạn ngữ . Sự liên hệ này có thể do tiếp xúc, vay mượn hay ruột thịt (xem  Việt Ngữ và Phạn Ngữ).
(Còn nữa)
Nguồn: Nguyễn Xuân Quang Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...