Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Ngôn Ngữ

013061                                               Ngôn Ngữ                                      
                                              VAI TRÒ CHỮ NHO                                              Kim Định

Từ nửa thế kỷ nay đối với chữ nho hầu hết giới trí thức Việt đã có một thái độ giận cá băm thớt. Giận vì Á Châu chậm tiến nên thua trận. Giận vì Tàu hay dở thói “Cả vú lấp miệng em” v.v… Thế rồi giận luôn chữ nho với sự thích thú của thực dân, đang cố làm cho Việt ruồng bỏ nho để dễ đồng hóa.
Tại sao họ nghĩ như vậy? Vì họ biết chúng ta đã thâu nhận chữ nho từ hơn 20 thế kỷ, quá đủ lâu để ngấm tận tiềm thức. Đấy là họ mới biết có Hán nho, nếu họ nhìn ra Nguyên nho thì còn thấy nó giống hệt với Việt Đạo, giống từ trong cơ cấu (xem Sứ Điệp). Nên ruồng bỏ nho cũng là ruồng bỏ Việt Đạo, đó là điều xin bàn sơ qua ở đây.
Việt cũng như Nho đều là kết quả của tinh thần nông nghiệp dài lâu, một tinh thần đồng nhất với Minh triết. Nói minh triết hay nói tinh thần nông nghiệp cũng thế, đến nỗi hễ nơi nào bước sang chế độ công thương thì cũng đánh mất minh triết. Trong cựu thế giới có hai nền nông nghiệp lớn thì miền thuộc Lưỡng Hà bị du mục chinh phục ngay từ đầu, từ thời Sumer, Babylon. Còn lại có miền Đông Á là đứng vững vì nó quá mênh mông trải dài từ Bắc nước Tàu xuống tận các đảo Thái Bình Dương. Nhờ sự mênh mông đó mà trường tồn. Tôi gạch dưới chữ mênh mông để nói lên rằng không cần người nằm trong văn hóa Việt nho có thiên tư đặc biệt hơn ai để có được một số đức tính quan trọng, mà chỉ một sự tình cờ sử địa đã đủ giải nghĩa sự thành công kia.
Trong miền nông nghiệp mênh mông đó chủ nhân sơ thuỷ là Viêm Việt với vô số chi nhánh cũng như những danh xưng khác nhau, từ Tam Miêu, Cửu Lê qua Bàn, Bộc, Mân, Mán, Di, Việt… tất cả đều sống theo tinh thần nông nghiệp tuy với những sắc thái khác nhau, nhưng xét về đại cương thì cùng chung một số huyền thoại lưỡng nhất tính (dual unit) mà đại biểu là Sơn Tinh Thuỷ Tinh, rồi cũng có tục thờ ông bà, tôn trọng bậc trưởng lão, đề cao gia đình, cũng xâm mình, đeo lông chim khi múa, trọng bên tả: “tả nhậm” v.v… và xét sâu vào căn bản thì cùng vâng theo một bộ cơ cấu, một tinh thần như nhau. Tinh thần đó về sau chia ra hai đợt = nhân gian và bác học.

Nhân gian thì tự đầu từ rất xa xưa cho tới lối vài ngàn năm trước công nguyên. Bác học thì nảy sinh từ lối thế kỷ XV, trở nên mạnh lối thế kỷ VI-III TCN.
Đấy là vài mốc tạm dùng để phân thời gian nhưng không nên hiểu cách xác định rõ ràng vì hai bên ăn ngoàm vào nhau rất sâu. Nói khác nhân gian sau gọi là chất gia, chính là gốc cho bác học sau kêu là văn gia, mà nho gia là đại diện nổi nhất. Cả hai làm nên một khối văn hóa mà nay xin được gọi là Việt nho. Việt xét như giai đoạn đầu, giai đoạn hình thành đạo lý. Còn Nho là giai đoạn công thức hóa Việt Đạo. Cả hai là một đến nỗi có thể nói là đồng tính mà chưa cần biết bên nào sinh ra bên nào. Cứ lý thì Việt có lâu đời trước, nhưng nho cũng là sản phẩm bản địa. Ngay chữ nho ban đầu cũng có ít ra đến ba loại trong đó loại chữ chân chim (điểu tích văn) và chữ con quăng (khoa đẩu) hầu chắc là do Việt chủng. Còn nho thống nhất kêu là chữ Lệ là do Tàu từ Tần Thuỷ Hoàng, đó là việc muộn về sau cũng y như Hán nho nảy sinh từ đời Chu và thịnh đạt đời Hán.
Vậy miền theo tinh thần nông nghiệp của Việt tộc cũng như nông nghiệp trong khắp thế giới bị các làn sóng xâm lăng du mục liên tục đánh phá, nhưng vì đất đai của Việt tộc quá mênh mông cũng như vững mạnh nên cảm hóa được các làn sóng xâm lăng từ phía Bắc. Tuy nhiên có bị pha tạp và vì thế mà mạn Bắc nước Tàu nảy sinh Hán nho. Còn mạn Nam thì bị Ấn giáo như các nước Miên, Lào, Thái, Anh-đô-nê, Mã Lai… riêng Việt Nam vì ở xa hai đầu nên còn giữ được tinh thần nguyên thuỷ nhiều hơn hết nên đáng giữ danh xưng Việt để đại diện cho buổi sơ khai đó, mà vì vậychúng tôi gọi là Việt nho, tức Việt Đạo cộng với nguyên nho, cả hai là một về bản chất mà ngày nay muốn hiểu thấu đáo cần đi ba bước.
Bước 1: nhận diện Hán nho. Bước 2 truy ra nguyên nho. Bước 3 khám phá ra Việt nho. Vậy nho xuyên qua chữ Lệ quả là của Tàu và chúng tôi kêu là Hán nho. Nhưng nho với chữ khoa đẩu và điểu tích là sản phẩm chung của văn hóa Việt tộc lẫn Tàu, thuộc giai đoạn hai, giai đoạn mà văn hóa đi với thôn làng, bước sang văn minh đi với thành thị mà dấu biệt lập là văn tự. Theo sách thuyết văn diễn giải của Đỗ Thận thì giai đoạn đầu kêu là văn, rồi khi chép thành sách mới kêu là tự thành ra văn tự.
Với văn tự thì văn hóa bước từ huyền thoại (thoại ngôn) sang văn ngôn. Văn ngôn dùng những câu nói trục chỉ, ngắn gọn đến độ bi ký (tạc vào bia). Thoại ngôn nói bằng biểu tượng thí dụ bánh giầy bánh chưng, còn văn ngôn thì chắt lấy ý nghĩa của biểu tượng rồi dồn vào một công thức gọn như “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Huyền thoại kể truyện rồng tiên thì văn ngôn dồn vào hai chữ âm dương. Con đường tiến hóa của nhân loại cũng tương tự như thế, chỉ khác nhau ở một điểm cực kỳ lớn lao và duy nhất được thấy ở đây mà thôi đó là Việt Đạo với nho là một. Văn gia với chất gia không hai… Còn các nơi thì văn gia đi theo du mục (công thương) trái hẳn với nông nghiệp của chất gia, và cho tới nay chưa sao bắc được nhịp cầu thông cảm, nên tiếng của bác học trở nên tử ngữ. Còn chữ nho thì lại sống động đáng tên la linh tự linh ngữ, vì nó vẫn thông với chất gia nên sống trong lòng dân, và làm cái trụ bất biến cho tiếng dân gian luôn luôn biến đổi.
Chính sự vụ đó giải nghĩa tại sao cha ông ta dùng rất nhiều chữ nho. Theo sự ước lượng của Ngô Tất Tố là 6000 từ nho trong số 10.000 từ Việt, còn cố Cadière là 8000 từ nho trong số 13.000 từ Việt. Ngoài ra chỉ khác có hai điểm, một thuộc cú pháp = Việt nói áo xanh, xanh sau áo, Tàu nói áo sau xanh = thanh y. Hai là một số hư tự như dĩ, hĩ, giả, dã, chi, hồ. Ngoài ra giống nhau rất nhiều và sẽ là một đề tài đầy thích thú cho các ngữ lý gia… Nhưng chưa cần khám phá thêm cũng đã có thể kết luận rằng nho chiếm đến quá bán từ trong tiếng Việt. Đến nỗi những người đã cố gắng thải bỏ nho cũng không làm sao được, thí dụ Tự Lực Văn Đoàn thì ngay cái tên đã đầy nho từ trong cú pháp. Aáy là chưa kể đến hai điểm chưa hiểu biết. Một là chưa biết phân biệt Hán nho và Nguyên nho. Hai là chưa biết chi đến giai đoạn hình thành của Nguyên nho và nhất là Việt Đạo.
Còn một điểm quan trọng khác đó là văn hóa nào muốn cho có đức tính toàn diện cũng phải có một tam giác ngữ gồm một tiếng nói thông thường để sống trong nước, một ngoại ngữ để giao thiệp vớingoài và một tử ngữ để thông với tổ tiên văn hóa. Tây Aâu đã một dạo vì quá đề cao ích dụng nên lơ là tử ngữ. Nhưng nay nhiều triết gia cũng như giáo dục gia đang hô hào phải trở lại tử ngữ cho tâm hồn bớt tán loạn. Tuy nhiên vì là tử ngữ nên không chơi nổi vai trò vòng trong ít ra cách hữu hiệu như linh ngữ linh tự.
Riêng về Việt thì bỏ nho tức là bỏ mất nét song trùng nền tảng nhất trong ngôn ngữ, mà không sao bù đắp bằng cái chi khác được. Là vì một nền văn hóa mạnh thì phải trường tồn, mà sự trường tồn phải đựơc đại biểu bằng một số câu nói không biến đổi và cổ kính để đáng tên là công thức. Vì đã là công thức thì ai ai cũng phải đọc lên như nhau, xưa thế mà mai sau muôn đời cũng thế. Chính điều đó mới đem lại cho câu nói cái vẻ trang trọng cổ kính u linh. Nói Đoàn Văn Tự Lực đâu có trang trọng bằng Tự Lực Văn Đoàn. Muốn cho trang trọng cần công thức hóa là thế.
Điều ấy trong thông ngữ không làm sao có được, vì thông ngữ có nhiệm vụ theo sát đời sống là cái luôn luôn biến đổi, đã thế thì còn đâu là tính chất bất hủ, cổ kính của châm ngôn, của công thức. Một tư tưởng hay mấy mà khi phát biểu bằng thông ngữ thì sẽ chóng bị trộn lẫn với toàn khối để biến mất dạng không còn ai nhận ra là công thức nữa (thí dụ triết lý Việt nho đang bị như thế). Điều đó chỉ gặp được trong tử ngữ và đối với tiếng Việt thì đó là chữ nho. Chữ nho ăn sâu vào tiếng nói thông thường nên khi đưa ra một câu quen thuộc thì không có vẻ gì xa lạ như khi trưng tiếng Pháp hay tiếng Anh, mà đồng thời lại chơi được vai trò công thức do cái vẻ trang trọng, cổ kinh đáng tên gọi là linh tự linh ngữ là vì vậy.
Chính bởi thế mà có sự vụ coi như mâu thuẫn này là học càng khó càng có cơ hội đi sâu vào tâm khảm, tức càng đặt nền tảng vững cho hạnh phúc người đi học. Đó là điều đầu óc ích dụng không thể thấy được. Nhưng ai đã hiểu thấu triệt về yếu tính người sẽ nhận ra là con người không chỉ cần những cái ích dụng vật chất, mà còn cần những cái khác về tinh thần, như cái nhìn toàn diện trên cả cuộc đời. Vậy chính những câu chữ nho trong kinh điển cung cấp cho ta những cái đó, như cái nhìn về toàn thể cuộc sống, về mệnh hệ con người muôn thủa, là những điều cần thiết cho cuộc sống toàn diện. Không một tri thức nào dù thuộc khoa học cao mấy có thể cấp cho con người cái nhìn toàn diện kia. Thế mà cái nhìn toàn diện kia lại đích thực là nền móng cho hạnh phúc.
Đã có thời người ta tin rằng hễ biết nhiều là có văn hóa cao. Đó là lầm tưởng: nhiều khi biết nhiều lại phản văn hóa, như khi những tri thức đó tủn mủn vụn vặt không được thâu tóm vào một cơ sở tinh thần, lúc ấy chúng chỉ là cái học kềnh cơi, chứa nhiều quá có hại.
Vì những lý do nền tảng như trên, nên chúng tả phải quyết tâm một lần nối Việt với Nho lại một. Tóm lại dù bởi tình cờ lịch sử hay chi đi nữa nhưng cứ sự thì Việt Đạo từ mãi xa xưa đã nhận nho làm bạn đồng hành, nên nho đã trở thành di sản thiêng liêng của đất nước không bao giờ nên từ bỏ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...