013063 Cảnh tỉnh Trí thức
CHÍNH DANH CÁC PHẠM TRÙ VĂN HÓA
Lê Việt Thường
"... những Phạm Trù Văn Hóa “MỚI“ được “mô tả“ bằng những Từ Ngữ như “Giai Cấp“, “Ý Thức Hệ“, “Giáo Lý”, “Giáo Điều”, “Tín Điều”… được “du nhập” vào Xã Hội VIỆT mà giới Trí Thức Việt chưa kịp thời “tiêu hóa“! Mà có lẽ hệ quả của điều trên là Chiến Tranh, Tang Tóc đã đến với Dân Tộc chúng ta chăng?!"
DẪN NHẬP
Phần trình bày trên cho thấy là sau hai cuộc Thế
Chiến và một loạt chiến tranh Thuộc Địa, giới Trí Thức Tây Phương, ít nhất ở
tầng cao cấp nhất trong lãnh vực Tư Tưởng, Triết Học, không còn giữ được sự
Tự Tin như ở suốt thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20. Khi mà họ còn tin rằng nền Văn
Minh Tây Phương sáng chói kia với vũ khí “vô địch” là Khoa Học không phải
chỉ là “sản phẩm” của Thời Thế, mà thực sự bắt nguồn từ chính bản
chất của nền Văn Hóa của họ. Và họ, người Tây Phương tự cho có “sứ
mạng” đem truyền bá khắp năm châu nội dung của nền Văn Minh rực rỡ đó! Trên
thực tế, chính nền Văn Minh ấy, mặc cho các Tiến Bộ vật chất mà nó đem
lại cho con người , cũng là nguyên nhân của biết bao tai ương, loạn lạc, khổ
đau ….“đổ ập” “trên đầu trên cổ” của toàn thể Nhân Loại nhất là các dân tộc
nhược tiểu! Đó có lẽ là lý do chính yếu khiến một Hội Nghị Thế Giới về Triết
Học đã được gấp rút triệu tập lần đầu tiên vào năm 1939 và lần thứ nhì vào
năm 1949 tại Honolulu, nhằm tìm cách giải quyết cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa nêu
trên, mà kết quả là Nho Giáo đã hân hạnh được trao phó trọng trách Giàn Hòa
hai nền Văn Hóa và Triết Học Đông-Tây hầu sửa soạn cho một cuộc Phục Hưng Tư
Tưởng của Nhân Loại. Trong khi đó đại đa số trong giới Trí Thức VIỆT không
mảy may hay biết gì về biến cố nêu trên, hoặc nếu có người nghe nói đến (một
thiểu số rất nhỏ) thì cũng không ý thức được tầm quan trọng của sự
việc! Có người đến tận hôm nay, tức 60, 70 năm sau hai lần Hội Nghị nêu trên
vẫn không hay biết rằng Nho Giáo đã thực sự HỒI SINH không những tại Việt Nam
và Viễn Đông, mà còn trên các Diễn Đàn Tư Tưởng Khoa Học, Triết Học ở
cấp Quốc Tế, nên vần còn đặt câu hỏi “dài dài” về “số phận”
của Nho Giáo???!!! (1)
Trước khi tiếp tục tìm hiểu Biến Cố “ngoạn mục” nêu
trên, có lẽ cần phải điều chỉnh ý nghĩa của một số Từ Ngữ, Quan Niệm
“du nhập” từ Văn Hóa Tây Phương nhưng khi áp dụng thì có vẻ “không được chỉnh
lắm” vào đồng văn, “môi trường” của nền Văn Hóa VIỆT, cũng như thử đề
nghị một số Tiêu Điểm đúng đắn cần phải áp dụng khi So Sánh trong lãnh
vực Văn Minh vvv.
I) ĐIỀU CHỈNH Ý NGHĨA CÁC TỪ NGỮ “NHẬP
CẢNG”
Sở dĩ chúng tôi thử đề nghị các việc trên vì chợt
nhớ đến thuyết CHÍNH DANH của Khổng Tử cũng như có niềm thâm tín rằng đó là
những việc quan trọng cần phải thực hiện. Lý do là sự sử dụng không
được chính xác một số Từ Ngữ “nhập cảng” có lẽ bắt nguồn từ sự lầm lẫn do nội
dung khác nhau của các nền Văn Hóa, sẽ đưa tới những hậu quả đáng tiếc.
Thật vậy, người ta thường sử dụng một cắch không “cân nhắc” những Từ
Ngữ được “du nhập ” từ văn hóa Tây Phương như “Giai Cấp”, “Ý Thức Hệ”, “Giáo Lý”, ‘Giáo
Điều”, “Tín Điều”… vvv… nhất là mỗi khi vấn đề liên hệ tới
Nho Giáo.
A) CÁC TỪ NGỮ QUAN TRỌNG
1) GIAI CẤP
Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta thường hay nghe
nói đến từ ngữ “Giai Cấp” có lẽ do ảnh hưởng của Hegel với quan niệm về Lịch
Sử của ông ta được suy diễn từ thực thể Âu Tây vốn xây trên liên hệ CHỦ-NÔ.
Quan niệm sau này được Karl Marx thổi phồng để đưa lên làm lối
giai cấp đấu tranh và được thúc đẩy cùng cực, đến nỗi chỗ không có giai
cấp cũng cố tạo ra để biện minh cho đấu tranh vô lý.(2)
Tuy nhiên, ý niệm “Giai Cấp” (Classe) có thể
áp dụng cho văn hóa Tây Phương, cũng như ý niệm tương tự là “Đẳng Cấp”
(Caste) có thể áp dụng cho văn hóa Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ chẳng hạn có tính
cách Thần Bản vì phải quy chiếu vào Thần, và dựa trên NIỀM TIN rằng con
người tùy nơi phát xuất mà có địa vị cao thấp trong xã hội: nếu phát
xuất bởi miệng Brahman là Tăng Lữ, bởi tay là Quân Nhân, bởi bụng là Thương
Gia, bởi chân là Công Nông. Còn nếu không bởi Thần thì là Vô Loại, là
“Paria” (khoảng hơn nửa dân số) như tất cả dân Dravidien.
Bên Tây Phương, thời xưa ở Hy Lạp và La Mã, chỉ có
hai Giai Cấp: CHỦ và NÔ. Chủ gồm giới Quý Tộc tùy thời chiếm khoảng từ 10%
đến 20% , số còn lại là Nô. Xã hội Âu Tây thời Trung Cổ cũng đặt trên nền
tảng liên hệ Chủ-Nô trước, rồi Lãnh Chúa-Nông Nô sau, nhưng tựu trung cũng là
Chủ-Nô.
Trên nguyên tắc, xã hội Âu Tây xưa gồm có 3 giai
cấp: Quý Tộc (noblesse), Tu Sĩ (clergé), Đệ Tam Cấp (tiers état), nhưng ở
thời Trung Cổ, những người Nông Nô (Serf) không được sắp xếp vào “Đệ Tam
Cấp” là giai cấp bao gồm nhiều thành phần hỗn tạp như quân nhân chuyên
nghiệp, những người làm nghề tự do như thương gia, công nghệ và
những chủ điền không vướng dịch vụ như lãnh chúa vvv. Trên thực tế, do lối
bầu cử bất công vì chỉ dựa trên Tiền Bạc gọi là “Centuric”: ai có nhiều tiền
thì được làm công dân, càng có nhiều “trăm ngàn” càng được bỏ nhiều phiếu, do
đó quyền hành ở “Đệ Tam Cấp” cuối cùng rơi vào tay các “đại trưởng giả” hoặc
“đại điền chủ”!(3) Để so sánh, ở cấp làng xã Việt xưa, trong lãnh vực Bầu
Bán, KHÔNG có yếu tố Dòng Tộc hay Tiền Bạc xen vào. Yếu tố duy nhất
được áp dụng là Tuổi Tác: “Bất kỳ ai đến 50 tuổi đều được vào Hội Đồng Kỳ
Mục”. (4)
Tóm lại, ở thời trước, tình trạng Nô Lệ hiện
hữu ở cả bên Ấn Độ lẫn Tây Phương với chế độ Đẳng Cấp (Caste) bên Ấn Độ và
chế độ Giai Cấp (Classe) bên Tây Phương. Ở hai nơi này, tình trạng Nô Lệ được
Tín Ngưỡng hoặc Pháp Luật hỗ trơ để trở thành CHẾ ĐỘ, vì đó là những gì được
tin là linh thiêng trường cửu vượt quyền hạn cá nhân. Do tự bản chất, tính
Đẳng Cấp bên Ấn Độ hay tính Giai Cấp bên Tây Phương tỏ ra rất
CỨNG NGẮT, tức trừ những trường hợp rất họa hiếm, ai sinh ra ở Giai Cấp hay
Đẳng Cấp nào thì ở vậy suốt đời. Cá nhân dù giàu sang hay thông minh giống
như triết gia Epitecte chẳng hạn vẫn không thoát khỏi kiếp Nô Lệ,
nếu như (trường hợp của ông) lỡ sinh ra trong giới này!
Trái lại, theo Cố Triết Gia Kim Định, Nho giáo nhất
là VIỆT NHO với nền Triết Lý Công Thể chủ trương tất cả là con một Mẹ, cùng
trong một đại gia đình, đủ sức bao dung khắp hết: “Trăm con Mẹ Âu đều phương
trưởng đồng đều” [cho nên xã hội đã dựa trên Ngũ Luân (vợ chồng, cha
con, vua tôi, anh em, bè bạn) chứ không phải trên một “luân” duy nhất là Chủ-Nô
như bên Tây Phương] thì việc chi phải phân chia về quyền lợi: dẫu là
“Sĩ-Nông-Công-Thương“ thì chì là chuyện PHÂN CÔNG trong việc làm, chứ tuyệt
đối không phải đặc ân dành cho nhóm này, thành phần kia để mà tranh đấu đặng
bảo vệ quyền lợi riêng rẽ”.(5)
Vậy nên, Cố Triết Gia sử dụng từ ngữ PHẨM TRẬT hay
Tôn Ti (Hiérarchie) để gọi lối Phân
Công “Sĩ-Nông-Công-Thương”, chứ KHÔNG dùng từ ngữ GIAI CẤP
(Classe) như có người đã làm, có lẽ vì họ lẫn lộn lối “phân
công” bên Viễn Đông, nhất là Việt Nam với tình trạng “phân
chia giai cấp” bên Tây Phương xưa. Lý do là, như đã nói ở trên, Giai
Cấp hay Đẳng Cấp có tính chất CỨNG NGẮT (ai sinh ở giai cấp hay đẳng cấp nào
thì suốt đời ở như vậy), còn Phẩm Trật hay Tôn Ti thì co giãn, MỀM DẺO
hơn, nhất là với chế độ THI CỬ (mà các nước Tây Phương đã bắt chước
Viễn Đông ở thế kỷ 19, và được họ xem như là “Tiền Hô” cho cuộc
Cách Mạng Tự Do-Dân Chủ bên trời Tây ). Hệ quả là bên Viễn Đông và Việt Nam ,
đời nào cũng có “Máu Mới” từ dân chúng qua Thi Cử được ”bơm
vào” thành phần lãnh đạo trong Chính Quyền, do đó Phẩm Trật hay Tôn Ti
tránh được nguy cơ sa đọa thành Giai Cấp như bên Tây Phương hay Đẳng Cấp như
bên Ấn Độ!
Lẽ dĩ nhiên, trong xã hội VIỆT xưa , cũng có những
sự kiện bất công như hiện tượng “Nô Tì”, “Nô Bộc” … chẳng hạn, nhưng đó
là do sự lạm dụng ở cấp Cá Nhân, chứ KHÔNG được Pháp Luật hay Tin Tưởng hỗ
trợ như bên Tây Phương hay Ấn Độ trước kia đối với chế độ Nô Lệ. Thật ra, ở
thời nào nơi nào, cũng có tình trạng GIÀU- NGHÈO, nhưng trong xã hội Việt
Nho, tình trạng trên không kéo dài mãi mãi để biến thành Giai Cấp như ở
các nơi khác.. Đã vậy còn có những yếu tố làm cho sự xa cách Giàu-Nghèo
không quá chênh lệch như tập tục của làng xã Việt xưa khuyến
khích những nhà giàu có trong làng san sẻ sự giàu sang của họ qua sự đóng góp
tiền bạc, của cải vào các sinh hoạt chung để cho những người không được may
mắn như họ có cơ hội dự phần vào các dịp vui chơi, hội hè đình đám, và nhất
là qua thể chế BÌNH SẢN. Vậy nên, Giàu-Nghèo không trở thành cố định lâu đời
để biến thành Giai Cấp. Do đó, mới có câu Ca Dao: “Ai giàu ba họ, ai khó ba
đời”!
Tóm lại do những lý do vừa trình bày ở trên, đem Từ
Ngữ “Giai Cấp” được “nhập cảng” từ văn hóa Tây Phương để áp dụng vào thực thể
văn hoá VIỆT thì có vẻ không được “ổn” lắm! Việc này thường do những nhà
Nghiên Cứu thiếu óc Triết, vì “Triết là Triệt” nên phải xét vấn đề từ tận Nền
Tảng, hầu tránh những Sai Lầm, Thiếu Sót đáng tiếc nêu trên!
Ngoài ra, “sáng kiến” thay lối Phân Công thông thường “Sĩ-Nông-Công-Thương”
bằng “Sĩ-Nông-Công-Thương-Binh” cũng có vẻ “không ổn” lắm. Thứ nhất có lẽ
xưa nay chưa có ai làm công việc phân chia như vậy! Kế đến, xã hội VIỆT xưa
không có quân đội chuyên nghiệp và chính những người Nông Dân trong thời Bình
sẽ trở thành “Binh Lính” trong thời Chiến. “Sĩ-Nông-Công- Thương”, như đã
trình bày ở trên , KHÔNG phải là những “Giai Cấp” (theo nghĩa của văn hóa Tây
Phương) vì “tự thân” không phải là kết quả của tình trạng “phân
chia giai cấp” CỨNG NGẮT như bên Tây Phương hay Ấn Độ xưa kia , do đó có
lẽ càng không nên thêm vào đó một “Giai Cấp BINH” mới nữa!
2) Ý THỨC HỆ
Sau “Giai Cấp”, từ ngữ chúng ta thường nghe trong
giai đoạn vừa qua là “Ý Thức Hệ” mà giới Trí Thức Tây Học có khi gắn thêm vào
đó một từ ngữ khác là “Một Chiều” để trở thành “Ý Thức Hệ Một Chiều” mà họ
gán cho Nho Giáo nhằm “cáo buộc” Nho Giáo là nguyên nhân của tình trạng
chậm tiến của các nước Viễn Đông và Việt Nam trước đây.
Chúng ta có lẽ nên bắt đầu từ Nguyên Nghĩa của từ
ngữ để xem có thể gọi Nho Giáo là “Ý Thức Hệ” hay không ? Giáo Sư Francois
Jullien thuộc Đại Học Sorbonne chuyên về Triết Trung Hoa có viết một tác phẩm
với tựa đề “ Un sage est sans idée ou l’autre de la philosophie” được dịch
ra tiếng Việt là “Minh Triết Phương
Đông và Triết Học Phương Tây hay Thể Tạng Khác của Triết Học”. Ông viết:
“Bậc MINH TRIẾT thì VÔ Ý bởi vì ông không dành ưu
tiên cho ý nào hết (và do đó chẳng loại bỏ ý nào hết) và ông tiếp cận thế
giới mà không phóng chiếu lên đó một ý niệm được suy tính trước nào cả …
Đó là chọn lựa của Minh Triết (đối diện với Triết
Học) giữ không định điều gì hết, không đưa ra bất cứ điều gì. Đối diện, nghĩa
là nhìn từ Minh Triết, TRIẾT HỌC sinh ra từ chính sự thiên vị khởi nguyên ấy,
nó đưa ra trước một tư tưởng, sau đó tư tưởng ấy không ngừng được lấy lại,
làm cho biến dạng đi, biến đổi đi, từ đó triết học không có thể làm gì khác
hơn là sửa chữa một quan niệm riêng biệt khác- mỗi nền triết học như ta biết,
lại phủ nhận nền triết học trước đó…” (6)
Đó có lẽ là nguyên nhân của mọi thứ DUY (duy lý, duy
tâm, duy vật, duy niệm, duy linh…..vvv…..) là căn bệnh MỘT CHIỀU trầm kha của
văn hóa Tây Phương.
Và theo F. Jullien, sự KHÁC BIỆT Nền Tảng giữa Minh
Triết và Triết Học là sự kiện Minh Triết thì VÔ Ý, còn Triết Học thì khởi
nguyên là đưa ra một TƯ TƯỞNG, mà Tư Tưởng thì dựa trên Ý NIỆM,
Khái Niệm, Quan Niệm vvv. Mà Ý THỨC HỆ (Idêologie) theo nghĩa giản dị nhất,
là một hệ thống những QUAN NIỆM và Tin Tưởng thường có tính chất Chính Trị của
một nhóm người hay một cá nhân.(7) Như vậy, Ý Thức Hệ trong nguyên nghĩa tức
theo nghĩa đầu tiên và nền tảng nhất, xuất phát từ Triết Học là môn Đặc Trưng
của văn hóa Tây Phương. Nói cách khác, Ý Thức Hệ trước tiên thuộc Phạm Trù
của nền Văn Hóa và Triết Học Tây Phương
Do đó, ngay từ điểm Khởi Đầu, với lối nhìn Toàn Thể
mà các lý thuyết nhân văn tân tiến nhất chủ trương cũng như theo ý kiến của
các nhà nghiên cứu và tư tưởng gia hàng đầu ngày nay, thì Tinh Hoa của Nho
Giáo chính là MINH TRIẾT, chứ KHÔNG phải Ý THỨC HỆ như có người lập luận!
Lẽ dĩ nhiên, theo dòng thời gian, trong mục tiêu phổ
biến, truyền bá, Nho Giáo từ tầng cao Minh Triết, đã trở thành TRIẾT LÝ để
cho vừa tầm Đại Chúng, cũng như về sau, khoảng thới nhà Tống, với nhu cầu kết
hợp với các nguồn lý thuyết khác, đã trở thành “bề thế” đến mức về hình thức
có vẻ giống như một “Hệ Thống TRIẾT HỌC” trong văn hóa Tây Phương. Tuy
nhiên, khác với Tây Phương khi mà Triết Học xuất hiện với Socrates thì
cũng đồng thời đánh mất Minh Triết, trái lại bên Viễn Đông, dẫu vì nhu
cầu quảng bá phải mặc hình thức Triết Lý hay “hệ thống Triết Học” như bên
trời Tây, nhưng về đàng Nội Dung, Nho Giáo CHƯA bao giờ tách rời nền MINH
TRIẾT Uyên Nguyên cả!
Tóm lại, phần trình bày trên cho thấy Nho Giáo trước
tiên là một nền Minh Triết, mà nét đặc trưng của Minh Triết là tính HAI CHIỀU
Kích, trong khi Ý Thức Hệ có tính cách MỘT
CHIỀU. Vậy nên, gán cho Nho Giáo tính chất “Ý Thức Hệ” là một điều Sai Lầm,
Mâu Thuẫn ít nhất ở đợt Nguyên Nghĩa!
Nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có người nhận
định như vậy, tức xem Nho Giáo là một “Ý Thức Hệ”. Thứ nhất, người phát biểu
có vẻ không nắm vững nguyên nghĩa của từ ngữ. Kế đến, đương sự có lẽ muốn ám
chỉ tính chất “thiển cận”, “hẹp hòi” của nhà Nguyễn bên Việt Nam đã đưa tới
sự mất nước vào tay Thực Dân Pháp, hay của nhà Thanh bên Tàu khiến Trung Hoa
bị các cường quốc Tây Phương đến ‘xâu xé” làm nhục ở các thế kỷ trước chăng
?! Và trong những trường hợp tương tự, giới Trí Thức thường đi tìm xem những
nguyên nhân Văn Hóa, Lịch Sử nào đã dẫn tới tình trang nói trên.
Và “vật tế thần” mà giới Tây Học nhắm đến trước tiên
là Nho Giáo cùng với Khổng Tử. Và những lời “cáo buộc” thông thường là tính
‘Tôn Quân” và “Nệ Cổ” mà họ gán cho Ông. Thật ra, Khổng Tử có tuyên bố “Hảo cổ mẫn dĩ cầu chi giả dã” (= tôi
mến cổ và siêng năng tìm cầu được như vậy). Nhưng cái Ông tìm cầu lại chẳng
phải là cái chi khác hơn là Vương Đạo. Khổng ca ngợi Thuấn rằng: “Nguy nguy hồ! Thuấn Vũ chi hữu thiên hạ
dã, nhi bất dự yên”(= Cao cả thay Thuấn Vũ nằm giữ thiên hạ mà lòng không
tham lam dính bén). Hoặc khen ông Vũ “Tí
cung thất nhi tận lực hồ câu húc”(= Cung thất của mình thì bé, nhưng ngòi
lạch trong nước thì tân lực sửa sang). Ngày nay, chúng ta vẫn cầu mong ở Việt
Nam có được những ông Thủ Tướng, Tổng Trưởng, Giám Đốc … nắm quyền điều khiển
việc chung mà lòng không “dính bén“ như vậy, thì Dân đỡ khổ biết
mấy!
Ngoài ta, người ta hay quên rằng Khổng Tử không chỉ
chủ trương “Ôn Cố” (gồm những giá trị có tính cách “Vượt Thời Gian”) mà theo
sau còn có “vế” thứ hai là “nhi Tri Tân” nữa! Do đó, sự phân biệt hai bình
diện NGUYÊN LÝ (Thiên Viên) và GIẢI PHÁP (Địa Phương) có lẽ rất cần
thiết ở đây.
Thí du, Khổng Tử chủ trương “Cầu Hiền Tài” về phương
diện Triết Lý là một NGUYÊN LÝ có giá trị “Vượt Thời Gian” . Còn GIẢI PHÁP
hay Chế Độ thì có thể tuyển người Hiền bằng phép “Đề Cử Trung Chính” ở thời
xưa, hay Thi Cử như từ thời Tùy về sau, hoặc có thể “Đầu Phiếu” như hiện nay.
Đầu Phiếu khác với Thi Cử, Thi Cử khác với “Đề Cử Trung Chính”. Nhưng tựu
trung đó chỉ là những Giải Pháp từng thời, từng nơi nhằm thể hiện câu ‘Cử
Hiền Tài” là Triết Lý, là NGUYÊN LÝ (Thiên Viên) nên có tính chất Bất Biến,
còn GIẢI PHÁP (Địa Phương) thì Tùy Thời thay đổi.
Một thí dụ khác “Bất Hoạn Quả Nhi Hoạn Bất Quân” (=
Không lo ít của cho bằng lo chia không đều) vẫn luôn là một chủ trương Triết
Lý, một NGUYÊN LÝ (Thiên Viên), nhưng trải qua các GIẢI PHÁP (Địa Phương) tùy
theo mỗi thời đại có thể là phép Tỉnh Điền đời Chu, Chiêu Điền đời Tấn, Quân
Điền dời Hậu Ngụy, Ban Điền đời Đường. Đó là những Chế Độ khác nhau, nhưng
mục đích vẫn là xóa bỏ, hay ít ra là giảm thiểu đến mức tối đa cái nạn “người
ăn chẳng hết, người lần không ra” mà Nho Giáo gọi là “Hoạn Bất Quân”, lo cái
nạn phân phối tài sản không được quân bình. Điều lo này cũng chính là mối lo
của chúng ta hiện nay, nhất là đối với tình trạnh Giàu-Nghèo quá chênh lệch ở
trong nước.(8)
Ở trên được đưa ra một ít nét của nền Vương Đạo của
Khổng Tử (mà chúng tôi đã có dịp trình bày chi tiết hơn trong một bài viết
trước đây)(9) với các đặc tính như “Cử Hiền Tài”, “Phú Chi”, “Giáo Chi”, “Lễ
Trị’, và “Chữ Tín”….. Khi đem 5 nguyên tắc căn bản trên đây của nền VƯƠNG ĐẠO
của Nho Giáo để so sánh với Tinh thần DÂN CHỦ ngày nay mà nội dung đã được
học giả Charles Merriam xác định, thì Gs H. Creel cho rằng Khổng Tử đã áp
dụng được tất cả các khoản trừ khoản “Ý Dân” hay “Phổ Thông Đầu Phiếu” vì
theo ông “ đấy là một điều chưa có dân nào lúc đó dám nghĩ
tới”(25). Do đó, ông kết luận: Tuy chưa có thể chế Dân Chủ, mà sự cải
tổ của Khổng Tử đã mang tự thân Tinh Thần Dân Chủ. Còn Triết gia H.
Keyserling thì cho rằng ngay khoản “Ý Dân” cũng được Nho Giáo thực thi bằng
lối “Đầu Phiếu Trường Ốc”(=Scrutin d’école), tức khoa THI CỬ.
Câu hỏi có thể đặt ra ở đây là một cuộc Cách
Mạng tận nền móng như thế mà không trình bày kiểu mới mẻ, lại cứ đưa
những người cổ đại xa xôi: Nghiêu, Thuấn, Văn, Vũ mà giới thiệu, sao không
nói rõ chủ trương mình là Vương Đạo, là một cuộc “Cách Mạng” hầu có thể tránh
mang tiếng là ”Nệ Cổ” chăng ?
Thưa không nên vì lý do sau đây: Hoàn cảnh lúc đó
không cho phép làm khác. Vì chủ trương Nho Giáo lúc đó là quá táo bạo, bởi
coi thường Thế Tập, tuyên dương Tinh Thần DÂN CHỦ. Nói toạc ra sẽ bị phiền hà
rất nhiều (Nhớ gương của Socrates bên trời Tây, vì muốn đi quá nhanh nên đã
bị kết án Tử Hình). Nay muốn trình bày khéo léo, Khổng Tử chỉ cần chọn trong
các Vua đã qua những người hợp cho chủ trương của mình và tô điểm lên.
Chủ trương đó là đánh đổ chế độ Kế Tử để lập ra chế
độ KẾ HIỀN, đặng dễ tìm ra Thánh Vương bất cứ từ đâu đến, không cứ phải dòng
tộc sang. Cần Hiền Đức chứ không cần Thế Tập Dòng Họ. Đó là một cuộc Cách
Mạng tận nền, vì thế nếu vận động thiếu khôn khéo rất dễ bị vua quan lúc ấy
bịt miệng, cho là tai hại … Lúc đó, cái “Mốt” chính là “Theo Cổ”. Đã tuyên bố
là “Theo Cổ” mà Khổng Tử còn bị tố cáo là làm hư thanh niên và bị mấy lần
nguy đến tính mạng vì phái quyền quý thế tập: hai lần bị vậy ở đất Bồ, đất
Khuôn, một lần bị tuyệt lương ở đất Trần, một lần bị ám sát hụt do Hoàn Khôi.
(10)
Tóm lại, phải nắm vững tính chất HAI CHIỀU Kích
“Thiên Viên” với “Địa Phương”, “Ôn Cố” với “ Tri Tân”, “Nguyên Lý” với “Giải
Pháp” … thì mới hiểu đúng Tinh Hoa của Nho Giáo chính là một nền MINH TRIẾT,
chứ không phải là một Ý Thức Hệ “một chiều” như có người “cáo buộc”!
Phần trình bày ở trên cho thấy rằng về phần Nguyên
Nghĩa, Nho Giáo là một nền Minh Triết trong khi Ý Thức Hệ thuộc phạm trù của
văn hoa Tây Phương. Về phương diện Lịch Sử cũng vậy, từ ngữ “Idéologie” (=Ý
Thức Hệ) đã được Triết Gia gốc Pháp Antoine Destutt de Tracy đặt ra. Ông này
còn được gọi là “nhà Ý Thức Hệ”(=Idêologue) nữa, tìm cách cải tổ xã hội Pháp
ở giai đoạn Hậu Cách Mạng 1789 theo loại Tư Tưởng Thực Dụng.
Còn ý nghĩa Thời Mới của Ý Thức Hệ bắt nguồn từ
những tác phẩm của Karl Marx để chỉ những hệ thống Tư Tưởng chính trị sai lầm
mà theo Marx, được giai cấp thống trị đặt ra vì mục tiêu Tư Lợi. Theo chân
Marx, các phe nhóm, đảng phái thường cáo buộc lẫn nhau rằng Tư Tưởng của đối
phương không diễn tả trung thực Sự Thật, mà trái lại bị làm “méo mó” bởi đầu
óc “Ý Thức Hệ” của họ.
Và các cuộc tranh chấp Ý Thức Hệ của thế kỷ 20 vừa
qua thường có tính cách quá khích trong địa hạt Chính Trị hay Tôn Giáo
như trường hợp chủ nghĩa Phát Xít và Cộng Sản. Thí dụ điển hình nhất là cuộc
“Chiến Tranh Lạnh” mà hai “diễn viên” thù nghịch là Hoa Kỳ và Nga Xô tranh
giành ảnh hưởng ở khắp nơi, trên mọi chiến tuyến từ Chính Trị tới Kinh Tế,
Tâm Lý vvv…(11)
Thật vậy, chủ nghĩa TƯ BẢN xuất phát từ văn hóa Tây
Phương là một Ý Thức Hệ do tính cách MỘT CHIỀU của nó được thể hiện qua chủ
trương “quyền Tư Hữu Tuyệt Đối” tạo nên một thiểu số “Hữu Sản” (Tư Bản) nắm
gần trọn Tài Nguyên Quốc Gia, nhằm loại bỏ người “Vô Sản” ra ngoài: đó là Sự
Thật lịch sử, ít nhất đối với nền Tư Bản Nguyên Thủy.
Và đó là nguyên nhân của sự ra đời của chủ nghĩa
CỘNG SẢN là một Ý Thức Hệ đối nghịch với chủ nghĩa Tư Bản, nên cũng có
tính cách MỘT CHIỀU như Tư Bản, trên nguyên tắc chủ trương “Vô Sản” và loại
bỏ “Hữu Sản” (thực ra phần lớn cho mục tiêu tuyên truyền), nhưng trên thực tế
là một loại “Tư Bản độc quyền nhà nước”!
Trở lại với Nho Giáo: có người lấy cớ là Nho Sĩ khi
xưa học cùng một số Kinh Sách, được truyền đạt một số Giáo Huấn giống nhau để
“cáo buộc” họ là “thiếu sáng kiến” thì chưa chắc đã đúng! Lý do là các điều
Nho Sĩ được truyền thụ thuộc đợt NGUYÊN LÝ (Thiên Viên) nên có tính
cách Bất Biến của Minh Triết, Đại Đạo. Mà Minh Triết phải có tính chất HAI
CHIỀU nên Nho Sĩ phải biết áp dụng những Nguyên Lý nêu trên vào cuộc
sống thực tế bằng những GIẢI PHÁP (Địa Phương) cụ thể phải được thích
nghi cho từng vấn đề, từng thời, từng nơi. Hiểu và làm được như vậy thì mới
xứng danh là ‘Đại Nho”, là “Nho Quân Tử”, còn không thì chỉ là những
“tiểu nho”, như loại “nho hương nguyện, chú sớ” mà thôi! Ngoài ra, nhằm
đưa ra như bằng cớ hầu chứng minh đó là trường hợp Điển Hình của Nho Giáo
tại Việt Nam, thì tại sao lại lấy thí dụ ở bộ “Hoàng Việt Luật Lệ” hay
“Luật Gia Long” với đầy tính “Sa Đọa” của triều Nguyễn, sao chép nguyên văn
bộ “Đại Thanh Luật Lệ” của Trung Hoa? Mà không căn cứ trên bộ “Quốc Triều
Hình Luật” hay ‘Luật Hồng Đừc” đầy tính Sáng Tạo nên xứng đáng là bộ ‘Luật
Nhân quyền” Đầu Tiên của Việt
Còn về khía cạnh của lời ‘cáo buộc”: Nho Giáo là “Ý
Thức Hệ một chiều” liên quan đến sự thất bại của nhà Nguyễn và nhà Thanh
trong cuộc “Canh Tân đất nước” của các thế kỷ vừa qua, chúng tôi căn cứ trên
nhận xét của một Học Giả Quốc Tế danh tiếng gốc Pháp Etiemble về số phận khác
nhau của Nho Giáo tại Trung Hoa và Việt Nam một bên và bên kia là Nhật Bản,
đã có dịp phân tích vấn đề này như sau:
“Vận nước có khi lên khi xuống, nhưng nếu muốn tìm một giải thích Văn Hóa về
vấn đề trên thì chúng tôi có nhận xét như sau: Nho Giáo đến đời nhà Tống chia
làm hai dòng: dòng “Lý Học” của Chu Hi ảnh hưởng mạnh ở Trung Hoa và Việt Nam
lại nặng phần “từ chương trích cú”; còn
dòng ‘Tâm Học” của Vương Dương Minh gần với Tinh Thần của Nho Giáo Nguyên
Thủy hơn lại mạnh ở Nhật Bản, nên giúp giới Sĩ Phu Nhật thời đó sáng suốt
hơn, cũng như “giúp Nhật trong vòng non nửa thế kỷ trở nên một trong những
quốc gia đệ nhất hoàn cầu”.(12)
Tóm lại, sự thất bại nêu trên có lẽ một phần là do
Thời Thế và phần khác là do Lỗi Lầm của các triều Nguyễn và triều Thanh
hơn là của Nho Giáo vậy!
Nhưng đó đã là câu chuyện của Quá Khứ rồi, vì từ lâu
nay xuất hiện một ‘Thời Trang MỚI” là làm sao giải thích Ảnh Hưởng của Nho
Giáo đối với sự Hiện Đại Hóa vượt bực của các “Con Rồng” Á Châu như Nhật Bản,
Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba…, mà mẫu số chung là nền Văn Hóa NHO GIÁO, so
với các nước có nền văn hóa Khác ở trong vùng.
Mặt khác, nếu giải nghĩa sự “Suy Tàn” của Nho Giáo
trong giai đoạn vừa qua như có người đã làm, là do sự Chia Rẽ của giới Nho Sĩ
thì (nếu có) CHỈ là một nguyên nhân GẦN, còn muốn tìm ra Nguyên Nhân SÂU XA,
Chính Yếu thì có lẽ phải căn cứ trên đoạn văn sau đây của một trong
những Sử Gia hàng đầu của Thế Giới là A. Toynbee. Ông viết:
“….Cho nên
tôi thiết tưởng các nhà Sử Gia tương lai sẽ nói rằng: biến cố lớn hơn
hết trong thế kỷ 20 là sự Xung Động của nền Văn Minh Tây Phương trên các xã
hội khác trong khắp Thế Giới. Họ sẽ nói: sự Xung Động đó mạnh mẽ và có tính
cách thấu nhập đến nỗi nó làm Đảo Lộn cuộc sống Mọi xã hội, khuấy trộn Mọi
tập quán, làm tan rã Mọi công hội Cổ Truyền… (13).
Qua nội dung của đoạn văn trên đây của Sử Gia
Toynbee, chúng ta thấy rằng không chỉ Nho Giáo mà MỌI nền Văn Hóa Cổ Truyền
đều bị Suy Thoái trước sự Xâm Lấn của Văn Minh Tây Phương trong giai đoạn vừa
qua.
Tuy nhiên, theo Toynbee, đó chỉ là giai đoạn ĐẦU của
sự ‘Va Chạm” giữa Tây Phương và các nền Văn Minh Cổ Truyền là thời kỳ mà Văn
Minh Tây Phương còn giữ thế “Thượng Phong”. Còn giai đoạn SAU của hiện tượng
“Va Chạm” giữa các nền Văn Minh có thể sẽ đưa đến những kết quả rất KHÁC với
thời kỳ đầu tiên như Toynbee tiên đoán sau đây :
“Đó là điều
họ sẽ nói tới vào những năm 2047, tức là 100 năm sau (sách của tác giả
xuất bản năm 1947) và họ sẽ nói gì năm 2047:
Lúc ấy họ
sẽ chú trọng đến những Phản Kích ghê hồn mà các nền Văn Minh KHÁC sẽ gây ra
trong đời sống của người đi xâm chiếm (tức Âu Châu). Chừng ấy Văn Minh
Âu Châu xét theo lúc ra khỏi thời Trung Cổ sẽ biến thái đến nỗi không còn
nhận ra được bộ mặt trước của nó, dưới ảnh hưởng dồn dập của những
nền Văn Minh Khác: nào Chính Thống, nào Hồi Giáo, nào Ấn Độ, nào Viễn Đông”
(14).
Điều mà Toynbee tiên đoán ở phần trên có lẽ đã bắt
đầu rồi đó , trái với các tin tưởng của giới Tây Học thường mắc phải một loại
“mặc cảm Nhược Tiểu” đối với người Tây Phương, vì có lẽ đa số trong họ
tưởng rằng đời nào Tây Phương cũng “hùng mạnh’ như ngày nay, hoặc ít ra Tây
Phương luôn “trội vượt” các Dân Tộc KHÁC về mặt Văn Minh hoặc sự Hùng Cường
của nền Văn Minh Tây Phương cận đại bắt nguồn từ nội dung Văn Hóa của họ. Đó
là những “huyền thoại” mà giới Trí Thức “Thuộc Địa”, “Nhược Tiểu” thường
“nuôi dưỡng” về Văn Minh Tây Phương!
Thật vậy, nếu chịu nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh,
thấu đáo hơn Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại thì chúng ta sẽ có một hình ảnh rất
KHÁC với những điều Tin Tưởng nêu trên. Chúng ta sẽ thấy rằng không có dân
tộc nào “độc quyền” về phương diện Văn Minh cả, mà tùy theo thời cơ vận số,
vai trò lãnh đạo Văn Minh chuyển tay từ dân tộc này qua dân tộc khác. Theo
các khám phá mới nhất, thì “Cái Nôi” của Văn Minh Nhân Loại nằm ở vùng Đông
Nam Á, và theo dòng thời gian chuyển qua Trung Hoa, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai
Cập, Hy Lạp, Á Rập, rồi Tây Phương.
Có những Học Giả danh tiếng như Sử Gia Will Durant
cho rằng nếu Khoa Học theo nghĩa Thời Mới , xuất hiện ở bên Ả Rập, thì còn
hợp lý hơn là ở Tây Phương. Nhưng người ta không hiểu lý do tại sao Văn
Minh Ả Rập khi đã đạt được đỉnh cao ở thế kỷ XII thì lại gặp đủ thứ Tai Ương:
hết thiên tai, bão lụt lại đến họa Mông Cổ, nên cuối cùng bị tàn phá đến tận
gốc rễ. May mà một chút còn lại của Văn Minh Ả Rập được chuyển qua Âu Châu
với các cuộc Thánh Chiến, làm bàn đạp cho sự phát triển Khoa Học ở bên Tây
Phương sau này.
Tóm lại, văn minh Tây Phương cận đại chỉ bắt đầu vài
trăm năm trước đây và CHỈ là MỘT giai đoạn, giai đọan chót của một Chu Kỳ
Tiến Hóa của Văn Minh Nhân Loại. Và một Chu Kỳ Tiến Hóa MỚI sẽ bắt đầu có lẽ
trong tương lai không xa lắm!
Chính trong chiều hướng đó mà một vài nền Văn
Hóa, Tôn Giáo nhờ tính NHÂN BẢN tiềm tàng của chúng , đã vượt qua được “Thách
Đố” (Challenge: từ ngữ của Toynbee) do Văn Minh. Văn Hóa Tây Phương áp đặt
trong giai đoạn vừa qua, đang lần lượt “Hồi Sinh” như ảnh hưởng tương đối lớn
mạnh của một vài Tôn Giáo Đông Phương trong xã hội Tây Phương ngày nay, hoặc
biến cố Nho Giáo được trao tặng “ghế Danh Dự” tại hai Hội Nghị Thế Giới đầu
tiên về Triết Học vào các năm 1939 và 1949 tại Honolulu, mà ảnh hưởng
còn được tiếp tục sau đó qua sự kiện Nho Giáo thường đươc nhắc
tới tai các Diễn Đàn về Tư Tưởng Khoa Học và Triết Học trên Thế Giới như
chẳng hạn cách đây khoảng 20 năm (1998) tại Hôi Nghị đầu tiên tại Paris đã
quy tụ các nhà Nghiên Cứu và Học Giả Quốc Tế đã từng đoạt Giải Thưởng
NOBEL, trong đủ mọi lãnh vực nhưng đông hơn hết là các nhà Khoa Học, Bản
Tuyên Ngôn cuối cùng của Hội Nghị có những lời lẽ như sau: “Nếu không trở về với nền Luân Lý Đạo Đức
của Khổng Tử cách đây 25 thế kỷ thì Nhân Loại chắc khó mà có thể sống
còn được” !(15)
Lý do là trái với sự Lạc Quan của giới Trí
Thức của cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 vừa qua, còn đặt niềm tin Tuyệt
Đối vào khả năng của Khoa Học trong việc giải quyết các vấn đề của con người,
những thành phần thực sự Hiểu Biết ngày này, càng ngày càng ý thức rằng Khoa
Học “tự nó” KHÔNG ĐỦ, nhất là khi đi kèm với một nền Văn Hóa Triết Học
có tinh cách DUY LÝ, Duy Vật như của Tây Phương. Hệ quả của tình trạng trên
là ngoài một số Tiện Nghi Vật Chất, Khoa Học không những KHÔNG có khả năng
đem lại Chân Hạnh Phúc cho con người, mà trái lại còn có nguy cơ đặt Nhân Loại
trước “Bờ Vực Thẳm” với đường lối Phát Triển MỘT CHIỀU Hiện Nay đang tàn phá
tới mức tối đa Môi Trường Sinh Thái của con người trên Mặt Địa
Cầu!
Vậy nên, như lời kêu gọi của Albert Einstein trước
đây là chúng ta Phải NHÂN BẢN Hóa Khoa Học : NHO GIÁO có lẽ nhờ đáp ứng được
các Nhu Yếu nêu trên về một nền Nhân Bản Toàn Diện, do đó đã đươc nhiều lần
TUYÊN DƯƠNG trên các Diễn Đán QUỐC TẾ như là một nền MINH TRIẾT có khả
năng giúp VƯỢT được những Thách Đố lớn lao hiện nay, cho mục tiêu
Sống Còn của Nhân Loại trong giai đoạn sắp tới.
Tóm lại. phần trình bày ở trên cho thấy rằng Nho
Giáo, nhất là VIỆT NHO, KHÔNG phải là “Ý
Thức Hệ Một Chiều” như có người lầm tưởng, mà chính là một nền MINH TRIẾT
Hai Chiều kích mà Nhân Loại thực sự đang cần đến vì có khả năng GIÀN
HÒA hai nhu cầu thiết yếu trong mỗi con người mới xem qua có vẻ Mâu
Thuẫn nhưng thực sự Bổ Túc cho nhau: đó là nhu cầu về HUYỀN NIỆM và nhu cầu
về XÃ HỘI.
B) LÝ DO CẦN ĐIỀU CHỈNH Ý NGHĨA TỪ NGỮ
“NHẬP CẢNG”
1) ĐẠI
CƯƠNG
Ngoài hai Từ Ngữ quan trọng đã được đề cập ở phần
trên là “Giai Cấp“ và “Ý Thức
Hệ“, vài Từ Ngữ khác cũng thường gây lẫn lộn, nhất là mỗi khi đề cập đến
vấn đề liên quan tới Nho Giáo. Lý do có lẽ là vì Nho Giáo một mặt không
thuộc nền văn hóa Tây Phương nên khó sắp xếp một cách thỏa đáng vào một phạm
trù của Tây Phương, mặt khác Nho Giáo vì là một nền Minh Triết có tính
cách TOÀN DIỆN nên đáp ứng đưọc nhiều Nhu Yếu khác nhau. Hệ quả của tình
trạng trên là Nho Giáo có khi xuất hiện như có nét Đặc Trưng giống MỘT
phạm trù nào đó của văn hóa Tây Phương, đồng thời lại có nét Đặc Trưng khác
tương tự một pham trù KHÁC của Tây Phương có khi đối nghịch với phạm
trù vừa đề cập trước đó, trong khi cả hai phạm trù nói tới đều thuộc về MỘT
nền văn hóa Tây Phương cả!
Câu hỏi mà người Tây Phương khi mới tiếp cận với Nho Giáo thường đặt ra là Nho
Giáo là một TÔN GIÁO hay một TRIẾT HỌC ? Thật ra, Nho Giáo KHÔNG phải
là Tôn Giáo chỉ dựa trên NIỀM TIN hay Triết Học chỉ dựa trên LÝ TRÍ như
bên trời Tây. Hay nói cách khác, như theo Cố Triết Gia Kim Định,
Nho Giáo thuộc loại “Văn Hóa TÂM LINH tham bác cả Tôn Giáo lẫn
Triết Học. Nó giống Triết Học vì căn cứ trên những yếu tố mà LÝ TRÍ có thể
kiểm chứng hay ít ra có khả năng thể nghiệm được. Tuy nhiên lại giống Tôn
Giáo vì nó vận dụng cả TÌNH CẢM, cả Ý CHÍ đến cùng tột gọi là TÂM LINH
nên sâu hơn Triết và vì thế giàu khả năng Thống Nhất con người“(16) nên dễ đưa tới Hành Động thiết
thực (thay vì dừng lại ở đợt “biết để
mà biết“ kiểu Triết Học Tây Phương). Do đó, Nho Sĩ không phải như
Trí Thức chỉ chuyên về Lý Trí, hay như Giáo Sĩ chỉ chuyên về
Tình Cảm, mà Nho Sĩ chú ý đến cả TÌNH lẫn LÝ.
Trên đây là những lý do có thể gây ra Hiểu Lầm về
bản chất và nội dung của Nho Giáo, đưa tới việc sử dụng một số Từ Ngữ được
“du nhập“ từ nền Văn Hóa Tây Phương, nhưng khi áp dụng vào đồng văn của nền
Văn Hóa VIỆT thì có vẻ như không được chuẩn xác lắm!
Trước khi bắt đầu công việc xem xét lại sự sử dụng
một số Từ Ngữ như vừa nêu trên, chúng tôi cũng xin giải thích sơ qua phương
tiện mà chùng tôi đang sử dụng cho công việc kể trên, là một cuốn Tự Điển “Việt- Nho- Pháp“ (Dictionnaire
Vietnamien-Chinois-Francais) khá “bề thế“ mà tác giả là một Vị Linh
Mục, Eugène GOUIN thuộc Hội Truyền Giáo Pháp (M.E.P.). Cuốn Từ Điển này
là kết quả của công trình nghiên cứu dài hạn về Ngôn Ngữ học VIỆT , đặc biệt
liên quan đến việc biên soạn các cuốn Tự Điển kéo dài nhiều thế kỷ mà người
nổi tiếng nhất là Alexandre de Rhodes, kế đên Taberd, Legrand de la Luraye,
Pétrus Ký, Hue ...vvv...
Chúng ta biết vai trò quan trọng của các Vị
Thừa Sai hay nhà Nghiên Cứu nêu trên đối với việc hình thành chữ Quốc Ngữ
cũng là một phương tiện hữu ích cho công cuộc Truyền Giáo của họ, cũng như sự
kiện đa số trong họ thường tinh thông chữ Nho. Mục tiêu của tất cả các điều
vừa được đề cập ở trên là nhằm giảì thích tính cách nghiêm túc , chuần
xác của phương tiện mà chúng tôi đang sử dụng là cuốn Tự Điển “Việt –Nho –Pháp“ của L.M. Eugène
Gouin. Ngoài ra, vì lý do không được tiện lợi việc đối chiếu các Từ Ngữ “Nho-Việt“ trên Internet, do đó chúng
tôi xin mạn phép chỉ căn cứ trên mối liên hệ ý nghĩa giữa các Từ Ngữ
“Việt-Pháp“ mà thôi. Các Từ Ngữ
mà chúng tôi đề cập kế tiếp là “Giáo Lý“, “Giáo Điều“, “Tín Điều“
2) CÁC TỪ NGỮ
KHÁC
a) GIÁO LÝ
Liên hệ Ý Nghĩa “Việt-Pháp“ theo cuốn Tử Điển
nêu trên là:
Giáo Lý = Dogme Religieux, Doctrine
Nhận Xét
: đó là ý nghĩa của từ ngữ “Giáo Lý“ vào thời điểm 1957 (năm xuất bản ). Có
hai nghĩa:
- nghĩa CHÍNH
là “Dogme Religieux”(=tiếng Anh là “Religious Dogma“) có nghĩa là một Niềm
Tin (belief) hay Lý Thuyết (doctrine) có tính cách Tôn Giáo đã đươc
chính thức hóa với tinh “quyền uy“ của nó, tức các tín đồ không thể đặt lai
vấn đề về ý nghĩa nữa
- nghĩa PHỤ
là “Doctrine“ có nghĩa là một“tập hợp các Niềm Tin (belief) được truyền bá
bởi một Giáo Hội“
Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng
ý nghĩa các từ ngữ biến đổi theo dòng thời gian. Ở vào khoảng năm 1957, từ
ngữ “Giáo Lý “ có hai nghĩa. Nghĩa CHÍNH là “Dogme Religieux” hay “Religious
Dogma” (tức là “Gíáo Điều“ theo nghĩa ngày nay).
Còn nghĩa PHỤ của từ ngữ “Giáo Lý“ thời đó như
đã nói ở trên, là “một tâp hợp các Niềm Tin (belief) được truyền bá bởi một
Giáo Hội“, là Ý Nghĩa mà từ ngữ “ Giáo Lý“ có vẻ vẫn còn giữ lại cho
tới tận hôm nay.
b) GIÁO ĐIỀU
Từ ngữ “Giáo Điều” vào thời điểm 1957 trong liên hệ
“Việt-Pháp“ có ý nghĩa như sau:
Giáo Điều = Commandement , Loi, Précepte
Nhận Xét:
Năm 1957, “Giáo Điều” có ý nghĩa tương đương với ý nghĩa của các từ ngữ
ngày nay như “Điều Răn“, “Lời Răn” (của Thiên Chúa, Thượng Đế....) hoặc “Luật
Lệ” (Tôn Giáo).
Và như đã nói ở trên, từ ngữ “Giáo Điều“ ngày nay có
ý nghĩa tương tự với ý nghĩa Chính của từ ngữ “Giáo Lý“ vào thời điểm 1957,
tức là “một Niềm Tin (belief) hay Lý Thuyết (doctrine) Tôn Giáo đã được
chính thức hóa với tính “quyền uy“ của nó, tức tín đồ không thể đặt lại
vấn đề về ý nghĩa nữa.
C) TÍN ĐIỀU
Tín Điều = Articles de Foi
(= Articles of Faith” là những tập hợp các Niềm Tin,
có khi được đánh số theo thứ tự, và thường được bắt đầu bằng nhóm chữ “Chúng
tôi tin rằng ...” nhằm thử xác định những điều Nền Tảng trong nội dung
khoa Thần Học của một Tôn Giáo (kiểu Tây Phương)....(17)
3) NHẬN XÉT CHUNG
Chúng ta có thể nhận thấy rằng “ Giáo Lý”, “Giáo
Điều”, “Tín Điều”... là những từ ngữ áp dụng cho TÔN GIÁO, đặc biệt các Tôn
Giáo theo kiểu Tây Phương. Một đôi khi, từ ngữ “Giáo Điều” được thấy áp dụng
cho phong trào Cộng Sản, nhưng có lẽ theo nghĩa BÓNG, tức người ta so sánh
đảng Cộng Sản với một Tôn Giáo, có lẽ vì có nhiều điểm tương đồng giữa hai
Thực Thể: chẳng hạn, hiện tượng “Tôn Sùng Lãnh Tụ” trong đảng Cộng Sản rất
giống với sự kiện “Tôn Thờ Giáo Chủ” trong các Tôn Giáo.....vvv.....!
Còn Nho Giáo như vừa trình bày ở trên KHÔNG phải là
một Tôn Giáo hay Triết Học theo kiểu Tây Phương. Thật vậy, Nho Giáo trong
đồng văn của nền Văn Hóa Đông Phương là một nền MINH TRIẾT, cũng có khi gọi
là “Triết Lý Nhân Sinh“ hay “Nhân Bản Tâm Linh“ nữa.
Ngoài ra,
vì Khổng Tử là một nhà Đại Hiền Triết Đông Phương, một nhà Giáo Dục Thượng
Thặng xứng với danh hiệu “Vạn Thế Sư biểu” mà hậu thế đã ưu ái tặng cho Ông,
chúng tôi thử đề nghị dùng từ ngữ “GIÁO HUẤN” (mà theo Tự Điển của LM Eugène
Gouin, “Giáo Huấn = Enseigner, Instruire, Conseiller) (18) để thay thế các từ
ngữ “Giáo Điều”, “Tín Điều” mà có người muốn áp dụng cho Nho Giáo. Còn về từ
ngữ “Giáo Lý” mà ngày nay thường thấy áp dụng cho các Tôn Giáo, có thể thay
thế Tùy Từng Trường Hợp bằng, “Lý Thuyết”, “Học Thuyết” hay “Chủ
Thuyết” vvv…chăng ? vì theo thiển ý như vậy mới thích hợp với bản chất và
nội dung của Nho Giáo. Tuy nhiên, có điều khá lạ lùng là có người tuyên bố rằng “Nho Giáo
không nên hiểu là một tôn giáo” và “Chữ “giáo”… đồng nghĩa với giáo dục hơn
là với tôn giáo…”, nhưng vẫn tiếp tục dùng các từ ngữ “Giáo Điều”, “Tín
Điều” (có lẽ nên dành riêng cho các Tôn Giáo) thay vì GIÁO HUẤN khi bàn
về Nho Giáo!
II) TIÊU ĐIỂM ĐÚNG ĐẮN KHI SO SÁNH VĂN
MINH
Ngoài việc điều chỉnh các Từ Ngữ được “ du nhập ”
từ nền Văn Hóa Tây Phương cho hợp với đồng văn của Văn Hóa VIỆT, còn
một Nhu Cầu quan trọng khác liên quan đến việc thiết lập một số Tiêu Điểm
đúng đắn khi so sánh trong lãnh vực Văn Minh: thật ra, đó là nội dung của một
bộ môn có tên là “Văn Hóa hay Văn Minh
TỶ GIẢO” Mà Nguyên Tắc căn bản là phải tìm cho ra PHƯƠNG PHÁP nhằm
đạt được sự Công Bằng Tối Thiểu trong công việc So Sánh các nền Văn Minh.
Hệ luận được rút tỉa ra từ Nguyên Tắc nêu trên là
TRÁNH SO SÁNH NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TƯƠNG ĐƯƠNG như so sánh văn minh Tây Phương
cận đại đang ở thời Cực Thịnh của họ với văn minh của các dân tộc khác đang ở
thởi Suy Yếu và đổ lỗi cho Văn Hóa của các dân tộc này là nguyên nhân của sự
Suy Kém. Phương pháp So Sánh thực sự thích nghi và đúng đắn trái lại đòi hỏi
PHẢI SO SÁNH NHỮNG ĐIỀU TƯƠNG ĐƯƠNG như so sánh thời Cực Thịnh của một nền
văn minh này với thời Cực Thịnh của một nền văn minh kia, thời Bình Thường
với thời Bình Thường, thời Suy Kém với thời Suy Kém vvv.
Nhưng có lẽ còn Bất Công hơn nữa khi có người
So Sánh “Đông xưa” với “Tây nay” đôi khi cách Minh Nhiên, nhưng phần lớn cách
Mặc Nhiên. Chẳng hạn, bàn về nội dung công việc của các nhà Sử
Học VIỆT thời trước, có người viết : “Do
đó, họ chỉ toàn kể lại các sự kiện có liên quan đến vương triều trị vì. Họ ít
ghi chú cặn kẽ tình trạng xã hội, kinh tế, quân sự, tư tưởng, văn hóa…..vvv….”
Đúng là “Oan ơi ông Địa” cho các Sử Gia Việt!
Vì đó là lề lối Viết Sử BÌNH THƯỜNG ở thời XƯA, ĐÔNG cũng như TÂY: phần lớn
là Lịch Sử của các Vương Triều. Còn quan niệm Viết Sử bao gồm tất cả
các sự kiện Xã Hội, Kinh Tế, Quân Sự, Tư Tưởng, Văn Hóa… là một quan niệm
Viết Sử RẤT MỚI kể cả đối với Tây Phương. Cho nên, Học Giả Zenker mới
lấy làm ngạc nhiên và tỏ ra khâm phục, khi cách đây hơn hai ngàn năm, Tư Mã
Thiên đã có một quan niệm về Sử MỚI MẺ như vậy, vì cuốn “Sử Ký” của ông bao
gồm đủ các sinh hoạt Xã Hội, Kinh Tế, Quân Sự, Tư Tưởng, Văn Hóa …”cho đến
cả đứa thích khách” nữa ! (19) Tức đã đi trước Tây Phương gần 20 chục thế kỷ
trong quan niệm Viết Sử! Nhưng đó là một Ngoại Lệ đối với thời Xưa; do
đó. học giả Zenker mới tỏ ra ngạc nhiên về trường hợp Tư Mã Thiên như
vậy!
Còn về lời “cáo buộc”? liên quan đến áp lực
của Vua Chúa đối với nhà Viết Sử, chúng ta biết ngay cả trước thời Khổng Tử,
các Sử Gia Viễn Đông đã có truyền thống chép ĐÚNG Sự Thực những hành vi Xấu,
Tốt của Vua Chúa và các Quan lớn nhỏ và phê bình một cách Công Tâm những hành
vi đó ngay khi mới xảy ra, không kiêng nể ai cả. Theo Mạnh Tử trong “Li Lâu hạ”, bài 21, chẳng riêng Lỗ có “Xuân Thu, mà Tấn cũng có bộ “Thặng”, Sở có bộ “ Đào Ngột”, đều là
những bộ Sử Biên Niên chép với tinh thần đó”(20). Nhiều Vị đã lấy mạng
sống của mình hay chịu hy sinh một phần thân thể của mình bị hủy hoại cho lý
tưởng “Tôn Trọng Sự Thật” Cao Quý
đó!
KẾT LUẬN
Tử Lộ hỏi Khổng Tử “Nếu Vua nước Vệ bất chính, mời Thầy làm chính sự , Thầy làm gì
trước“. Khổng Tử đáp: “Ắt là lấy
CHÍNH DANH làm trước chăng ?”.(21) Và câu chữ Nho mà ta thường nghe sau
đó:là “Danh bất chính nhi ngôn bất
thuận, ngôn bất thuận nhi sự bất thành…“ mà Ý Nghĩa có thể tạm tóm lượt như sau: “Danh và Thực phải hợp nhau, nếu không hợp nhau thì gọi tên ra, người
ta sẽ không hiểu, lý luận sẽ không xuôi, mọi việc sẽ không thành, lễ nhạc,
hình pháp không định được mà xã hội sẽ HỖN LOẠN“(22)
Chúng tôi có cảm tưởng Khổng Tử đang nói về
tình trạng Thời Cận Đại của chúng ta khi mà những Phạm Trù Văn Hóa
“MỚI“ được “mô tả“ bằng những Từ Ngữ như “Giai Cấp“, “Ý Thức Hệ“, “Giáo Lý”, “Giáo Điều”, “Tín Điều”… được
“du nhập” vào Xã Hội VIỆT mà giới Trí Thức Việt chưa kịp thời “tiêu hóa“! Mà
có lẽ hệ quả của điều trên là Chiến Tranh, Tang Tóc đã đến
với Dân Tộc chúng ta chăng?!
Với biết bao đau thương, khổ lụy
ngút trời xanh. Và để mong chấm dứt tình trạng Hỗn Loạn của Đất Nước đã kéo
dài quá lâu rồi, việc Đầu Tiên mà chúng ta phải làm có lẽ là CHÍNH DANH
lại tất cả các Phạm Trù Văn Hóa Ngoại Lai mà vì vội vã, thiếu cân nhắc, chúng
ta đã “mời“ vào để chúng “ ngự trị“ trên vòm trời Văn Hóa Dân Tộc.
Do
đó, có lẽ đến lúc phải CHẤM DỨT NGAY tình trạng “ NÔ LỆ VĂN HÓA“ này
thì mới hy vọng một ngày nào đó trong Tương Lai , THANH BÌNH-Thịnh Trị sẽ đến
với Dân Tộc VIỆT!
Lê Việt Thường
28/02/2010
CHÚ THÍCH
(1) Charles A. Moore,
“Philosophy – East and West”,
(2) Kim Định, “Hưng Việt”,
An Việt Houston. 1988, tr.22
(3) Kim Định, “Hồn Nước Với
Lễ gia Tiên”, Nam Cung, 1979, tr.191-196
(4) Kim Định, “Gốc Rễ Triết
Việt”, An Việt Houston, 1988, tr. 134
(5) Kim Định, “Hưng Việt”,
Idem, tr.23
(6) Francois Jullien,” Un
Sage Est Sans Idee ou, l’Autre de la Philosophie”, Du Seuil, 03/1996. Được
dich ra tiếng Việt với tựa đề :”Minh Triết Phương Đông & Triết Hoc Phương
Tây hay Thể Tạng Khác của Triêt Học”, Nguyên Ngọc, nxb Đà Nẵng, 2003,
tr.31-37
(7) Encarta 95, Article
“Idêologie”
(8) Kim Định, “Cửa Khổng”,
Lĩnh
(9) Luật Hồng Đức và Vấn Đề
Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế”
http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=471&Itemid=99999999
(10) Kim Định, “Cửa Khổng”,
Idem
(11) Encata 95, Idem
(12) Etiemble,
“Confucius”,, Gallimard, 1966, tr.263
(13) Arnold Toynbee, “Le
Monde et l’Osccident”, Desclee de Brouwer,
1955
(14) Idem
(15) James Legge, The
Wisdom of Confucius”, Axiom, 2003, tr.5
(16) Kim Định, “Việt Triết
Nhập Môn”, An Viêt Hoston, 1988, tr.125-132
(17) Eugène Gouin,
“Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Francais”, I.D.E.O.,
1957,SG, VN
(18) Idem
(19) Kim Định, “Cửa Khổng”
Idem
(20) Nguyễn Hiến Lê,
“Khổng Tử”, nxb Văn Hóa SG, VN, 1998, tr. 131-132
(21) Nguyễn Đăng Thục "Lịch sử Triết học Phương Đông" Tập I, nxb SG tr.239
(22) Nguyễn Hiến Lê, Idem, tr.132
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét