Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

TỰ DO, DÂN CHỦ, BÌNH SẢN TRONG XÃ HỘI VIỆT CỔ

        TỰ DO, DÂN CHỦ, BÌNH SẢN
       TRONG XÃ HỘI VIỆT CỔ


            Lê An Vi


     Đôi lời chia sẻ với Ông Nguyễn Trần Bạt (NTB) trong bài "BÀN VỀ TỰ DO" đăng trên chungta.com.

     Tinh thần chung mà tác giả nêu ra là rất hữu ích cho xã hội mới hôm nay, bởi gần một thế kỷ trôi qua ở Việt Nam không có diễn đàn văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển bình thường của một xã hội bình thường. Vì lẽ không bình thường ấy, VN đang tụt hậu hàng ngày và đứng hạng Bét trên thế giới. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Mất Tự  Do.
     Cũng rất tiếc rằng, tác giả NTB chưa nêu được khái niệm căn để và tiến trình của tự do gắn với triết lý nhân sinh của người Việt từ truyền thống tới hiện đại.
     Mặc dù tác giả đã nêu được đặc trưng cơ bản của tự do từ tính bản năng tới hiện đại, nhưng đã sai lầm khi nhận định rằng: "Phương Tây là mảnh đất đầu tiên có tự do, ở đó khát vọng tự do của con người được đáp ứng và chính sự gặp gỡ của con người với tự do đã tạo ra trạng thái phát triển rực rỡ".  Xin thưa, vậy thì những xã hội ở Châu Á và các châu lục khác tự do có hay không và nó nằm ở đâu ?
     Là người Việt, chúng tôi xin chia sẻ đôi điều về tự do trong cơ cấu Tự Do - Dân Chủ - Bình Sản ngay trên quê hương mình.





     TỰ DO - DÂN CHỦ - BÌNH SẢN


    THEO SUY TƯ CỦA NGƯỜI VIỆT



     Tự Do, Dân Chủ, Bình Sản ra đời từ nền văn hóa nông nghiệp đầu tiên ở Thái Bình Dương trên một diện tích trải dài và rộng từ nam sông Hoàng Hà đến sông Dương Tử, Đông Nam Á ra Biển Đông, từ thời thái cổ mà đại diện là Việt Nam ngày nay.
     Nền văn hóa nông nghiệp với những sản vật đặc trưng đầu tiên là hạt lúa, hạt kê, củ khoai, con gà, con lợn, con chó… được nuôi dưỡng từ nước và phù sa của những con sông lớn. Đặc trưng tính cách con người nơi đây là từ Đạo Nước, nhu nhuận như nước, mềm mại như nước, uyển chuyển như nước, lãng mạn một chút thì ướt át như nước, khi cần thì mạnh mẽ và dữ dội như nước. Dân gian thường nói “Nhất thủy nhì hỏa” là nghĩa đó. Dân nông nghiệp đặt văn trên võ, yêu thích văn thơ, nghệ thuật (diễn xướng dân gian); Đạo Hiếu thể hiện bằng Lễ, tức là Cung (tự trọng) và Kính (tôn trọng bậc sinh thành là cha mẹ, tổ tiên, trời đất). Đối nhân xử thế bằng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; tình lý tương tham, phải người, phải ta; giữ tình bầu bí, lá lành đùm lá rách, toàn dân là đồng bào. Phép trị nước bằng văn trị còn gọi là đức trị, nhân trị. Cuộc sống định canh, định cư trái hẳn với văn hóa Du Mục.
          Văn hóa Du Mục ra đời chỉ sau Thời kỳ săn bắt hái lượm, trước Nông Nghiệp, với tính chất nước đôi. Đó là Du Mục gắn với Săn bắt hái lượm và Du Mục với yếu tố Nông Nghiệp (khi đi vào Nông Nghiệp). Địa bàn Du Mục trải rộng trên những đồng cỏ bao la từ Cận Đông Tiểu Á, trải rộng tới vùng thảo nguyên bát ngát Châu Á. Dân Du Mục sống duy nhất bằng nghề đi săn, suốt ngày rong ruổi trên lưng ngựa, rình mồi, săn đuổi con mồi để kiếm ăn. Uống sữa tươi, uống máu tươi thay nước, để đáp ứng sinh lực suốt đời sống săn. Cho nên tính cách con người ưa bạo động, hiếu chiến, bành trướng và chiếm đoạt bằng vũ lực, trọng võ hơn văn, trọng lý hơn tình, trọng nam khinh nữ… Chế độ hà khắc, từ chủ-nô đến phong kiến, độc tài, phân biệt giai cấp, đẳng cấp rõ rệt, cai trị bằng pháp trị (Luật Hình) thuộc Bá Đạo. Cuộc sống du cư, nhưng trải rộng. Với tính cách mạnh mẽ, tư duy nhị nguyên, không chấp nhận đối kháng, thay đổi nhanh chóng, giàu óc sáng tạo, kinh bang tế thế, chiếm lĩnh đỉnh cao… tạo tiền đề tiến nhanh đến văn minh.
     Từ những sự khác biệt cơ bản giữa hai nền văn hóa, Việt Nam luôn giữ gìn để xứng đáng là Đất Nước ngàn năm Văn Vật và Văn Hiến Chi Bang, luôn tỏa sáng với các giá trị nhân bản, nhân văn để trường tồn.
     Tự Do
     Tự do là do tự, nghĩa là do tự chính mình từ thâm tâm, chứ không phải do tác động bên ngoài (theo Kim Định). Đây là định nghĩa rất xác đáng từ chính đời sống Việt, tiếng Việt và trở thành Minh Triết Việt. Ngoài những đặc trưng phổ quát của khái niệm từ bản năng tự nhiên đến hiện đại văn minh, tự do đã từng là chất liệu nền móng tạo nên những giá trị gắn liền với nó là dân chủ và bình sản, phù hợp với thế kiềng ba chân và nguyên lý Tam Tài Thiên-Địa-Nhân của Lý học phương Đông. Tự do xuất phát từ chính nhu cầu của chủ thể cần nó để phát triển - con người, xã hội, thế giới. Khi nào chủ thể không có nhu cầu thì tự do trở nên vô nghĩa. Tự do không phải là tài sản để trao đổi, nên không có chủ sở hữu, cũng vì lẽ đó, xã hội Việt cổ không có chế độ nô lệ.
Mỗi người là Chủ nhân Ông đối với  cái Tự Do của chính mình, đồng thời tôn trọng Tự Do của người khác. Vì lẽ đó, Tự Do đã tạo nền móng cho Dân Chủ ra đời.
     Dân Chủ
     Dân Chủ có gốc từ nhân chủ, vì dân gốc từ nhân. Nhân chủ nghĩa là con người là chủ và làm chủ chính mình, làm chủ gia đình mình và làm chủ xã hội, theo nghĩa hẹp. Rộng ra, theo Dịch Lý, Nhân đứng ở vị trí bình đẳng như một Tài trong Tam Tài – Thiên, Địa, Nhân. Khi Trời làm, Đất làm thì Người cũng làm, gọi là “Tham thông”, nghĩa là cùng tham dự, cùng làm. Đó là nghĩa trọn vẹn của Nhân Chủ. Nhân Chủ rộng ra là Dân Chủ. Cơ sở vững chắc để Tự Do và Dân Chủ trường tồn, đó là Bình Sản.
     Bình Sản
     Bình sản là ai cũng được tham dự tài sản quốc gia theo định chế quân phân tài sản. Ruộng đất là của chung làng xã, còn gọi là công điền, công thổ (từ Thời Hồng Bàng Thị mà đỉnh cao là Thời Đại Hùng Vương cho tới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20). Cơ chế này bảo đảm sự công bằng tương đối về sở hữu ruộng đất và tài sản khác trong xã hội. Đến tuổi ai cũng được chia đất theo xuất đinh theo 9 ô chữ Tỉnh #,  ô ở giữa là của vua, tức là một hình thức thuế mà 8 ô còn lại có nghĩa vụ đóng góp.  Không lấy tư sản làm căn bản, không tuyệt đối hóa quyền tư hữu. Vì vậy, không có Tư sản hay Vô sản. Hơn thế nữa, không có phong điền kiến quốc kiểu Tàu hay Tây. Ở Việt Nam có được phong cũng ít người và cũng chỉ được hưởng có một đời. Cho nên cũng không có chế độ phong kiến trong suốt các triều đại nhà nước Việt cổ.
     Xã hội có tôn ti trật tự, lấy thứ bậc gia đình làm nền tảng, cho nên mối quan hệ Nhà - Nước, Làng - Nước rất gần gũi, thân thiết hữu cơ bền vững. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi mà tất cả các xã hội Việt Nam không tồn tại "xã hội có giai cấp". (Trừ mấy chục năm du nhập tư tưởng ngoại lai chủ nghĩa cộng sản không tưởng, tự gắn cho xã hội một XHCN có giai cấp và đấu tranh giai cấp, tự coi nhau là kẻ thù dẫn đến thảm cảnh CCRĐ).
     Bình Sản là một chế định bảo đảm tính công bằng vững bền tương đối về tài sản và quyền sở hữu cơ bản của mỗi thành viên trong cộng đồng văn minh nông nghiệp Việt Nam. Không ở đâu trên thế giới, ngay cả đến những cộng đồng văn minh như Khối Thịnh Vượng chung của các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới cũng chưa áp dụng cơ chế Bình Sản, mặc dù ý tưởng về một xã hội loài người lý tưởng, đoàn kết, đồng tâm đã có từ thời cổ đại qua biểu tượng Tháp Thông Thiên - Tháp Babilon, đến các cuộc cách mạng dân chủ tư sản Âu, Mỹ rồi cộng sản chủ nghĩa kiểu Mác, Lê ở Đông Âu.
     Với một cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội vững bền Tự Do - Dân Chủ - Bình Sản, xã hội Việt cổ đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển mà tiêu biểu là Nhà Nước Văn Lang của các Vua Hùng, với nền Văn Minh nông nghiệp đầu tiên ở trên thế giới, Đất Nước ngàn năm văn hiến với Văn Minh Trống Đồng. Xích Quỷ - Văn Lang là nhà nước có lịch sử tồn tại lâu đời nhất trên thế giới với 18 Thời Đại các Vua Hùng, trị vì suốt 2.620 năm (2.879 - 259 TCN).
     Suốt thế kỷ 20, ngành khoa học xã hội nhân văn do vô tình hay không nghiên cứu khoa học chính xác, nên đã lạc lối trong nhận thức dẫn đến thông tin sai lệch về xã hội Việt cổ. Di hại này đã đi vào tiềm thức phải mất vài thế hệ mới mong trả lại những giá trị nhân bản, nhân văn của nó. Giáo dục ngày nay dạy học trò, khi có ý định chê bai, đả kích những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu của xã hội Việt xưa thì dùng phép “vơ đũa cả nắm” và chụp cho nó cái mũ "phong kiến thối nát", "giai cấp bóc lột", trong khi  ở VN, chưa bao giờ tồn tại chế độ phong kiến và giai cấp như đã dẫn.
     Vài nét về Phương Tây
     Thoạt đầu, khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời ở Châu Âu, tư tưởng lợi hành phát triển, tạo đà cho cưỡng hành chiếm ưu thế. Văn hóa du mục với bản tính ưa dùng bạo lực, bạo hành chiếm vị thế, quyền lực chủ nô lên ngôi, chế độ chiếm hữu nô lệ hình thành. Theo đó, chế độ đặc quyền phân chia xã hội thành giai cấp và thần quyền phân chia xã hội thành đẳng cấp. Cộng đồng gắn liền với chế độ Chủ - Nô rõ rệt. Trong xã hội đó xuất hiện một loại người là Chủ, một loại là Nô. Khi là nô, con người bị tước đoạt giá trị nguyên bản người tự do để trở thành hàng hóa, là sản phẩm để các ông chủ có thể mua bán dễ dàng.
     Từ lâu, trí thức phương Tây đã tự nhận biết rằng, văn minh của họ đi đến đâu là gieo nước mắt, máu và chiến tranh ở đó. Từ xung đột tư tưởng đến ý thức hệ, mầm mống chiến tranh đều nảy sinh ở Châu Âu. Những chế độ nô lệ, độc tài, toàn trị, diệt chủng với những danh xưng như chiếm hữu nô lệ, phong kiến, phát xít, cộng sản... đều bắt nguồn từ đó. Nguyên nhân sâu xa chính là xung đột tư tưởng trong bản chất của triết học Nhị Nguyên/Dualism (chọn một, bỏ một hay được làm vua, thua làm giặc, to be or not to be). Triết học phương Tây có gốc từ văn minh du mục, chủ đạo là triết học duy vật và duy lý, cai trị bằng vũ lực, đi đôi với pháp trị. Những cây đại thụ hàng đầu như Socrates, Platon, Aristotel… đại diện của triết học trường ốc hàn lâm, chủ về thần quyền, xuất hiện thế lực thống trị, tách rời nhân sinh và trên nhân quần. Những tiến bộ về tư tưởng nhân bản, triết học nhân văn của Phương Tây là không thể phủ nhận. Với những cuộc cách tân về văn hóa, khoa học và công nghệ làm thay đổi cơ bản diện mạo Thế giới về mọi phương diện. Đó là một trong những cột mốc cách tân vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Nhân Loại như: Kỷ Nguyên Phục Sinh (~4000 TCN) với dấu tích ở Đảo Sinh Tồn - Rapa Nui, Kỷ Nguyên Phục Hưng (Renaissance TK 15-17) ở Châu Âu và Thế kỷ 21 này, khởi đầu của Kỷ Nguyên Phục Linh ở Châu Á (với tâm điểm Đông Nam Á).  Nhưng sản phẩm cuối cùng của nền triết học Châu Âu làm chúng ta phải suy ngẫm và suy xét khách quan để rút ra bài học.
     Mãi cho tới Thế kỷ 18, bắt đầu sự ra đời của những cuộc cải cách mới về tư tưởng tự do, dân chủ, triết học và khoa học kỹ thuật đã làm cho thế giới đổi thay về mọi mặt - Cách mạng Công nghiệp Anh 1764, Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776, Cách mạng Pháp 1788-1789.
     Năm 1863, Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ ra đời ở nước Mỹ, xóa bỏ tàn dư chế độ Nô lệ, mở đầu cho Xã hội công dân với tự do, dân chủ, bình đẳng và bác ái tiến tới đỉnh cao, trở thành mẫu mực phát triển Nhân Loại.
     Từ đó tới nay, thế giới đã chứng kiến những thành tựu to lớn cho nhân loại từ văn minh Châu Âu. Nhưng thế kỷ 21 này, thế giới lại rơi vào nguy cơ đại khủng hoảng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là xung đột ý thức hệ, dẫn đến những hệ lụy - môi trường sinh thái hủy hoại, chiến tranh ý hệ - sắc tộc, khủng bố toàn cầu, chiến tranh hạt nhân đe dọa, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới, chuyển giới tính, hôn nhân đồng giới... Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia phải cùng nhau giải quyết.
     Việt Nam đi trước về sau, tuy có chậm phát triển trong thế giới hiện tượng, nhất là khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng vẫn giữ được hồn cốt, nội lực để phát triển đó là Văn Hóa nhân bản tâm linh, Minh Triết và Hồn Thiêng Sông Núi, gắn với những giá trị phổ quát vĩnh hằng như Thế giới vạn vật đồng nhất thể, Đại Đạo âm dương hòa, Vạn giáo nhất lý, Tình Lý tương tham, Bốn biển đều là anh em …
Song, ngay ở đây và bây giờ sẽ hòa đồng và hòa nhập để đồng hành cùng Thế giới.

Thư Quán An Vi, chủ trương Phục Hưng Văn Hóa

và thực hành “Cứu Nước Bằng Văn Hóa”.
Liên lạc: khatsi235@gmail.com ; anvile235.blogspot.com; +84 904898957
LAV posted  07:15, 23.10.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...