Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

VĂN HÓA VIỆT NHO VÀ TRIẾT LÝ AN VI

VĂN HÓA VIỆT NHO VÀ TRIẾT LÝ AN VI

Lê An Vi Tổng hợp




     Văn Hóa Việt Nho và Triết Lý An Vi là một khái niệm mới xuất hiện những năm 1950-1975 ở  miền Nam Việt Nam, đồng thời là thành quả của một công trình nghiên cứu suốt hơn 50 năm của Triết gia Kim Định (1915-1997) với hơn 40 tác phẩm, khoảng hơn tám ngàn trang mà chúng tôi gọi là Bộ “Kinh Việt Nam”. (1)                  
     Ở miền Bắc Việt Nam, cụm thuật ngữ này được biết chỉ nơi một số học giả và rất ít người nghiên cứu lịch sử. Mãi đến những năm 1998-2004, sau khi bùng nổ một vài thông tin về nguồn gốc loài người bằng công nghệ gene di truyền từ một số trung tâm nghiên cứu khoa học ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Ở Việt Nam xuất hiện một số nhà nghiên cứu độc lập, đi sâu vào Việt Nho và Triết Lý An Vi.
     Chúng tôi là những người nghiên cứu độc lập tiếp thu nhanh chóng làn gió mới lạ này. Nguồn cảm hứng tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc được thôi thúc từ những  kết quả nghiên cứu khoa học nói trên, rồi lần lượt thông qua 5 tác phẩm “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” (2006), “Hành trình tìm lại cội nguồn” (2008), “Tìm cội nguồn qua di truyền học” (2011), "Viết lại lịch sử Trung Hoa" (July 2014) và “Tiến trình lịch sử văn hóa Việt” (Oct. 2014) của Nhà nghiên cứu, Nhà văn Hà Văn Thùy; Bộ sách “Văn Hóa Đông Nam” (2013), 8 Tập với hơn 8.000 trang của Nhà nghiên cứu Lão thành Việt Nhân - Nguyễn Quang;  “Địa đàng ở Phương Đông” của GS Stephen Oppenheimer, NXB Lao Động 2004; Công trình nghiên cứu Khảo cổ học “Hoabinhian” của GS. Madelein Colani, EFEO; nhóm Y.J. Chu, với công trình “Đa dạng di truyền của người Trung Hoa” là khám phá rất có ý nghĩa trong việc khảo sát quá trình hình thành dân tộc Việt. Nghiên cứu Nhân chủng học Đông Nam Á của Nguyễn Đình Khoa, ĐH Tổng Hợp Hà Nội; Bộ sách về Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam của GS. Phạm Trần Anh; những tác phẩm về Lý Học Phương Đông, về kho tàng huyền sử thời Hồng Bàng Thị của Thiên Sứ Nguyễn Vũ Tuấn Anh; Công trình nghiên cứu của các Học giả, các Nhà nghiên cứu Nhóm GS. Đỗ Tòng với Bộ sách Văn Minh Việt Cổ; những học giả người Việt trong nhóm Tư Tưởng ở Úc gồm LS. Cung Đình Thanh, GS. Nguyễn Văn Tuấn và TS. Nguyễn Đức Hiệp, các Nhà sử học Bình Nguyên Lộc, Tạ Trí Đại Trường... Trong những nguồn tư liệu trên phải kể đến nguồn tư liệu của Gia đình An Việt Toàn Cầu ở hải ngoại như London, Sant Jose, Houston, Cali, Missouri, Paris, Australia, Taiwan… với chủ soái là Triết gia Kim Định về tổng quan lịch sử văn hóa Việt  Nam. Cám ơn sự tiến bộ của công nghệ thông tin, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận một lượng đồ sộ các tác phẩm, công trình nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu thông qua các trang mạng anviettoancau.net (nay không tồn tại), vietnamvanhien.net, dunglac.org, minhtrietviet.net, vietstudies.com, viethoc.com, diendanlyhocphuongdong.com…
     Nay mạn phép có đôi lời chia sẻ với các độc giả, những người yêu mến lịch sử văn hóa dân tộc từ cội nguồn về tên gọi Việt Nho và Triết Lý An Vi.
     Việt Nho và Triết Lý An Vi là một triết thuyết do Triết gia Kim Định khởi xướng trong suốt tiến trình tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc của mình.
     Việt Nho.
     Việt là là tên mô tả (của các học giả sau này) những tộc người sống từ thời thái cổ trên một địa bàn rộng lớn ở Thái Bình Dương, từ đồng bằng châu thổ sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử (Trường Giang) vươn ra tới Biển Đông. Thoạt đầu là những bộ lạc như Tam Miêu, Cửu Lê, Tứ Di, Man đã trở thành các dân tộc với nhà nước như Viêm Bang, Viêm Chủng, Cực Lạc, nhà Bụt/Buddha gọi là Nhật Chủng hay Hoàng Việt gắn với Tam Hoàng là ba vị Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông. Sau phát triển thành Đại Chủng Viêm Việt với những tộc người như Man, Di, Âu, Ư, Điền, Dương, Sở, Lỗ, Thục... Đến thời nhà Tần, thống nhất được sáu nước, Bách Việt tan rã, quy tụ phía Nam sông Dương Tử với nhiều bộ tộc, chủ đạo là Lạc Việt.
Tên Việt gắn liền với ba mốc phát triển quan trọng.
       Thứ nhất, thời kỳ sơ khai, săn bắt hái lượm, người Việt đi khai phá bằng rìu đá, dụng cụ chủ yếu để tạo ra sản phẩm, thức ăn, chữ Việt được ghi với biểu tượng hình cái qua (rừu đá) gọi là bộ chữ Qua , có gốc từ chữ Việt  trong Giáp cốt văn thời nhà Thương (xem “Phục hồi chữ Việt cổ” của Lê Văn Ẩn). Tự hào về sáng tạo này, tổ tiên ta lấy tên Việt làm biểu trưng của mình là người chủ của Cây Việt, còn gọi là Phủ Việt. Từ đó, tổ tiên ta được gọi là người Việt. Việt – người cầm rìu (戉) có thể xuất hiện trước 15.000 năm cách nay.
     Thứ hai, thời kỳ tổ tiên Việt thuần hóa được cây lúa nước, khoảng 12.000 năm cách nay phát triển nông nghiệp lúa mễ, chữ Việt viết bằng bộ Mễ   (lúa, gạo), người trồng lúa.
     Thứ ba, vào thời Đồ đồng, là những người đầu tiên phát minh kỹ thuật đúc đồng, làm trống đồng, rồi vũ khi mà tiêu biểu là chiếc qua, mũi tên đồng của của nỏ thần thời An Dương Vương, hình tượng chiến binh cầm cái qua đồng truy đuổi kẻ thù được dùng làm biểu trưng cho người Việt. Cho tới khi bị các tộc vùng Tây Bắc tràn xuống kiếm ăn và xua đuổi, người Việt phải vượt sông Dương Tử về phía Nam, chữ Việt   chuyển sang bộ Tẩu   (đi, di, di chuyển, vượt, chạy). Đúng với cái tên của tộc người Việt cổ là Di, Tứ Di.
     Tiếng Việt được khẳng định và trở thành con dấu bản quyền qua các đại danh từ đặt tên các thời kỳ phát triển của Văn minh Nông nghiệp lúa Mễ theo trật tự chính trước phụ sau như: Toại Nhân, Phục Hy - Nữ Oa, Thần Nông; tiếng Việt với bản quyền đặt tên cuốn Kinh đầu tiên của nhân loại (Dịch lý cũng là Thiên lý) là Kinh Diệc, Kinh Việt sau đọc thành Kinh Dịch với các quẻ thuần tiếng Việt như Khôn - Càn, Khảm - Ly,  Cấn -Chấn, Đoài -Tốn. Tiếng Việt phát triển ở mức độ cao thành các Bộ Luật, Điều Luật, Lịch Rùa được viết trên mu rùa ngàn tuổi (Giáp cốt văn) khi sứ giả Việt mang tặng vua nhà Thương. Tiếp đến là thời kỳ văn minh lúa nước rực rỡ với Nhà Nước Xích Quỷ-Văn Lang của các vua Hùng với biểu tượng Trống Đồng tuyệt mỹ của nhân loại.
     Việt có nghĩa là đi, di, di chuyển, vươn ra, vươn lên, vượt; vượt trội, trác việt, siêu việt. Chữ Việt còn mang nhiều nghĩa khác cùng với khoảng gần 20 điển tự, điển tích có gốc từ chữ Việt gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, phong tục tập quán, tín ngưỡng, kinh bang tế thế, văn hiến… trải qua suốt chiều dài lịch sử của Việt tộc. (X. Việt là gì ? Nam Phong tổng hợp trên vietnamvanhien.net)
     Nho có nghĩa là nhu, mềm, uyển chuyển. Đây là đặc tính của nước, nơi người Việt sinh sống và phát triển dựa trên nước và nền nông nghiệp lúa nước. Tiếng Việt cổ gọi nước  là Nác, Lác (người Thái, Mường), là Lạc (người Kinh, Lạc Việt). Đất gọi là Lạc  Điền, dân là Lạc Dân, tướng là Lạc Tướng, nước là Lạc Quốc, vua là Lạc Vương/Lạc Long Quân, Đạo là Lạc Đạo. Tất thảy đều do văn hóa lúa nước sinh ra, cho nên tính Việt là tính nước, mềm như nước, nhu nhuận như nước, uyển chuyển như nước, lãng mạn một chút thì ướt át như nước, khi cần thì mạnh mẽ và dữ dội như nước lớn, còn gọi là hồng thủy. Dân gian thường nói “Nhất thủy nhì hỏa” là nghĩa đó. Và như vậy, Đạo Nho ra đời gắn liền với con dân nước Việt, văn hóa Việt. Kim Định có nhận định Nho là Việt và Việt cũng là Nho, chính vì cái nguồn gốc sâu xa do trời đất tạo mà thành. Đây là sự thật hiển nhiên mà mỗi người dân Việt đều có thể lý giải đúng cái gốc của mình và không có lý do gì mà lẫn lộn hay vơ về từ đâu đó. Cho tới một thế kỷ nay, Việt Nam là nước thuần nông và đến nay (những thập niên đầu TK 21) dân cư nông nghiệp vẫn trên bảy mươi phần trăm dân số. 
Lần lượt nói Vùng đồng bằng hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử là địa bàn sinh sống của người Việt Cổ từ trên hai vạn năm cách nay. Trải qua các thời kỳ Cổ Sinh, Cổ Thạch, Tân Thạch, Kim Khí... tới Hiện Đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử ấy đã xảy ra vô số những biến động, đổi thay theo quy luật tự nhiên của Vũ Trụ. Với những kết quả từ những công trình nghiên cứu của các Khoa Tân  Nhân Văn thế giới, như Cổ Sinh, Khảo Cổ, Nhân Chủng, Cổ Ngữ, Tâm Lý Miền sâu, Huyền Sử, Cơ Cấu... xác định và nhận định những vấn đề cơ bản về Nguồn gốc Loài Người và Hành trình của nhân loại, trong đó có cư dân đông đúc sinh sống trải khắp vùng đồng bằng các con sông Hoàng Hà, Dương Tử, Nhị Hà, kéo dài ra biển Đông và Đông Nam Á, được xác định là nền nông nghiệp lúa nước đầu tiên trên thế giới, cách nay hơn một vạn năm.
Là chủ nhân của nền Văn Minh lúa nước, người Việt sáng tạo ra chữ viết, khởi nguồn là những ký hiệu, dấu hiệu đến chữ Giáp cốt viết trên mu rùa, chữ chân chim còn gọi điểu tích tự, chữ hình con quăng rồng cuộn, nòng nọc còn gọi là hỏa tự, rồi phát triển thành chữ vuông sau gọi là chữ Nho. Quá trình phát triển lịch sử văn hóa từ Thái cổ, Tổ Tiên Việt đã khởi dựng hoàn chỉnh phần nền tảng văn hóa, văn tự vừa xong thì bị quân du mục Hán/ Hoa Hạ chiếm đoạt, dựng điển chương, phát triển thương mại, kỹ nghệ thủ công, biến xã hội từ sĩ, nông, chuyển sang sĩ, nông, công, thương. Hậu quả, tất cả những gì trong lãnh thổ Trung Quốc, thuộc Trung Quốc đều gọi là Hán.
Lịch sử cho thấy, năm 2698 TCN, thủ lĩnh bộ tộc Thiểu Điển là Hiên Viên từ Tây Bắc sông Hoàng Hà tràn vào lãnh thổ Viêm Việt, tiêu diệt Ly Vưu, thủ lĩnh tộc Cửu Lê của Viêm Bang, dựng lên Vương triều Hoàng Đế. Trong cuộc xâm lăng này, tộc Thiểu Điển hòa huyết với người Việt cổ bản địa sinh ra giống con lai gọi là Di Hoa/Hoa/Hoa Hạ. Lịch sử Trung Quốc ghi rằng, Hoàng Đế là vị vua đầu tiên của Hoa Hạ và gán cho vị vua này đã sáng tạo ra kim chỉ nam, lịch pháp, đóng xe thuyền, dạy làm nhà, dệt vải, may quần áo ngũ sắc, dạy y thuật, viết sách Hoàng Đế Nội Kinh với Kỳ Bá... Trong khi những sản phẩm này thuộc văn minh lúa nước.
Lịch sử cũng cho biết không hề có đất Hán, dân tộc Hán mà chỉ có Vương Triều Hán với kinh đô là Tràng An thời Tây Hán và Lạc Dương thời Đông Hán kéo dài từ 202 TCN đến 220, do cuộc nổi dậy của ba người dưới trướng Lưu Bang, là Mưu sĩ Trương Lương, Đại tướng  quân Hàn Tín và Thừa tướng Tiêu Hà. Đương thời gọi là Hán Sở Tam Kiệt, đều là người Dương Việt nước Kinh Sở trên sông Hòn. Lật đổ nhà Tần, Lưu Bang lên ngôi và được xưng là Hòn Vương (Vua trên đất sông Hòn). Nhà Hán tồn tại hơn bốn trăm năm với dấu ấn là một triều đại hoàng kim về chính trị.
     Với sức mạnh của quyền lực Bá Đạo, Hán Vũ Đế chủ trương sửa đổi, xen dặm và xuyên tạc kinh văn. Sai Đổng Trọng Thư và Lưu Hâm cùng năm mươi bác sĩ xuất bản kinh văn mới và lưu trữ tại Viện Thạch Cừ, thư viện trung ương của Vương Triều. Như vậy, cổ thư từ thời này đã bị sửa đổi và hoàn bị theo ý chí của Hán Vương, gây bao nhiêu ngộ nhận về sự thật lịch sử văn hóa cho những độc giả, các nhà nghiên cứu, sử gia, chính trị gia quốc nội cũng như ngoại bang, trong đó có cả Việt Nam sau này.
(Bằng chứng, khi thư tịch và sự thật lịch sử lệch nhau, dẫn đến những hệ lụy, nhất là trong giáo dục, người ta bắt đầu chỉ chích lối tầm chương và giáo điều trong phương pháp dạy và học)

Triết Lý An Vi
Triết là: “Triết: Triệt dã. Có Triệt thì mới “Cao minh phối Thiên” và  “Bác hậu phối Địa” nghĩa là triệt Thượng và triệt Hạ để được chu tri hầu tránh phiến diện, chứ không phải cực đoan một chiều, khi triệt Thượng và triệt Hạ giao thoa như Âm Dương hoà thì đạt tiến hoá và thái hòa, được gọi là Minh Triết.                                                                Nói theo thông thường thì Minh Triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt cuộc sống thế nào cho mọi người được hạnh phúc. Nói theo Siêu hình là khả năng hội nhập hai đầu Thái cực lại một.
An Vi.
An là an bình, yên ổn, an nhiên.
Vi là hành vi, hành động, hoạt động. Hành vi là hành động của con người ra thế giới khách quan. Có hai loại hành động, một loại hành động không hành động như suy nghĩ, suy tư..., loại thứ hai là hành động tác động (vật lý) như đi lại, ăn uống... 
An Vi ở đây có nghĩa là sống/hoạt động/hành động an nhiên tự tại.
An Vi không lợi hành, không cưỡng hành mà vượt lên hai thứ đó để an hành.     
Bởi lợi hành luôn nương theo lợi ích, tính toán hơn thiệt, cưỡng hành thì dùng mưu mẹo, thủ đoạn thậm chí vũ lực để chiếm đoạt.    
An Vi hành động an nhiên tự tại, không tranh chấp, tránh xung đột, hành động từ tâm sáng, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong tình yêu thương, sự đam mê và danh dự - “Hiếu hòa bất tranh viết An”.  (Hòa giữa ý thức và siêu thức)                                 
Trái với hữu vi là hành động vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. (Thuộc ý thức)

Trái với vô vi  không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra… (Thuộc siêu thức)
An Vi là hành động an nhiên ở ngoài và ở trên Vô Vi và Hữu Vi, để trình bày khuôn mặt chân truyền siêu việt của Minh Triết Việt. Khi cái nào siêu việt thực sự thì nó bao hàm chính cái nó vượt qua khi đã gạn lọc cho sạch cát bụi, thí dụ Vô Vi chính truyền có bao hàm cái Hữu Vi, nếu không bao hàm nổi thì cái Vô Vi  nọ trở thành thứ duy nào đó tức đã sa đọa. Chính bởi Việt lý (tên mới là An Vi) đã bao gồm được cả Hữu Vi  lẫn Vô Vi, nên trong thực tế nó gặt hái được nhiều kết quả hơn hẳn hai đối cực kia. Nó hơn hữu vi vì đã thiết lập nổi nền Nhân chủ khiến con người được hưởng thong dong tự tại, được đặt vào vị trí ngang Trời cùng Đất. 
Trời đất ta đây một chữ Đồng” (Cư sĩ Trần Cao Vân).                                                                          
An Vi cũng đạt được nền Dân Chủ, tức thiết lập được chế độ Bình Sản cũng như phá được chế độ Nô Lệ. Đó là hai ân huệ căn bản cho kiếp người mà trong 25 thế kỷ qua không nền triết nào đạt được đến độ bằng triết lý An Vi.
An Vi - trong quan hệ Chủ-Khách, là khi chủ thể hài hòa với đối tượng, trong khi Hữu Vi  là khi đối tượng đoạt chủ thể, Vô Vi là khi chủ thể đoạt đối tượng;
An Vi, không Tư Sản, không Cộng Sản, mà là Bình Sản.
An Vi, không Duy Vật Hữu Vi, không Duy Tâm Vô Vi, mà là Nhân Chủ
An Vi không Nhập Thế, không Xuất Thế, mà là Xử Thế.
An Vi là An hành, sống theo Nhân Nghĩa, hành động từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa, từ tầm thường tới phi thường;
An Vi rộng ra là sự giao hòa của hai dòng tinh hoa xưa nhất của Văn Hóa Phương Đông và Văn Minh Phương Tây, nhờ có Nét Lưỡng Nhất làm mạch lạc nội tại mà nguồn Văn Hoá Phương Đông là Đạo học được giao thoa với Văn Minh Phương Tây, để hai nguồn ngược chiều đó trở thành nền Văn Hoá Thái Hòa.
Người An Vi là một Hành Giả Tự Do, một Con Người Nhân Chủ.
Tương tác Thái Hòa để đạt Tâm Linh.
Phong cách An Vi là An nhiên tự tại và phong lưu.                                                Có thể dịch triết lý An Vi là Philosophy of Harmony.
Triết Lý An Vi cần cho một Bản Lĩnh Thông Tuệ để Dấn Thân.

Triết Gia Kim Định - Chủ Soái của Việt Nho & Triết Lý An Vi
     Một cuộc đời ngược dòng đi tìm viên Ngọc Long Toại của Tổ Tiên, những mong Đất Nước và Dân Tộc được trả lại sự thật lịch sử văn hóa mà nó từng có, trường tồn và tạo nên một diện mạo mới để hòa cùng Thế Giới.
     Kim Định đã đề ra Chủ Thuyết Việt Nho, được trình bày theo Triết Lý An Vi, nền Triết Lý Nhân Bản Tâm Linh siêu việt của Việt Tộc. Kim Định là người đầu tiên xây dựng cơ cấu và hệ thống hóa nền văn hóa Việt với phương pháp luận kinh điển và hiện đại đa diện, đa chiều từ cổ tới kim. Bộ tác phẩm đồ sộ của Triết gia đã minh chứng và kiểm chứng Việt Nho cũng là Nguyên Nho qua năm Điển Chương Việt  để xác quyết Việt Nho là Nho của Việt  Nam, tinh thần Nho đã ăn sâu và huyết quản dân Việt, tạo nên tinh thần văn hóa Nhân Chủ - Thái Hòa - Tâm Linh !
     Văn Hóa Việt Nho và Triết Lý An Vi chính là kết quả của tiến trình lịch sử văn hóa từ ngàn xưa của Đại Chủng Viêm Việt, Bách Việt với Hạt Nhân Chủng Tộc là Lạc Việt và Âu Việt, trải rộng từ đồng bằng những con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, Nhị Hà và bao trùm Biển Đông. Với bao thăng trầm lịch sử văn hóa kỳ vĩ mà chỉ có niềm tin chân lý mới cảm nhận được. Đến nay truyền lại trong tâm thức mỗi con dân Việt Tộc, đó là:
Đất, Nước và Con Người, với nền Văn Hóa và Văn Minh Vạn Năm, xứng danh      Ngàn Năm Văn Vật, Văn Hiến Chi Bang và Văn Minh Trống Đồng! (2)


(1) Kinh Việt Nam chính là nội dung trong hơn bốn mươi tác phẩm của Kim Định được trình bày trên vietnamvanhien.net
(2) Tài liệu tham khảo, truy cập thuviencoinguon.com

LAV, khatsi235@gmail.com , thuviencoinguon.com 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...