Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi



DỊCH KINH LINH THỂ
Kim Định

IV. Thần vô phương
V.   Kinh Dịch như một Tâm linh pháp

(Tiếp theo)


IV. GIẢI NGHĨA CÂU “THẦN VÔ PHƯƠNG” XUYÊN QUA NHỮNG TRANG HUYỀN SỬ ĐÔNG TÂY
Bài trước đã bàn về “Dịch vô thể”, bài này sẽ bàn về câu “Thần vô phương”. Thần có vô phương thì Dịch mới vô thể. Dịch có vô thể thì mớt đạt thần. Thần với Linh là một. Người ta quen gọi là Thần Linh. Hiểu được thần là hiểu được linh, tức cũng là hiểu được nhân tính, vì thế hiểu được thần là bước quan trọng nhất để đạt thân, nó sẽ gây ảnh hưởng quyết liệt vào con đường sứ mệnh của nhân loại. Triết thành công hay thất bại cũng đều năm ở chỗ này, thế mà xưa rầy người ta hiểu thần trật lất. Và vì thế câu nói về thần hay nhất tìm được trong lịch sử triết học vẫn là câu “Thần vô phương” của Kinh Dịch. Bởi thế chúng ta sẽ tìm hiểu thâu triệt ý nghĩa câu đó xuyên qua những trang huyền sử liên hệ.
Câu hỏi trước tiên đặt ra là tại sao Kinh Dịch lại định nghĩa là Thần vô phương, là “không góc”. Đây là một câu nói rất phong phú nhưng quá đúc kết nên cần minh giải thêm. Ta biết trong kinh Dịch thì phương chỉ cái gì là góc cạnh, giới mốc, và do đó chỉ tất cả những gì hạn cục, xác định, ngược lại Viên là tròn chỉ những gì không có góc, do đó cũng là cái gì không bị giới hạn, cái gì bao la. Như thế trong câu nói “thiên viên địa phương” thì thiên viên chỉ cái gì vô biên, còn địa phương chỉ cái gì rõ rệt, đã hiện ra hình tích xác định. Như vậy câu định nghĩa thần vô phương kéo theo những yếu tố sau đây: trước hết là thần bao gồm khắp cả không bị giới mốc nào hết, nên đặc tính trước nhất là không lệ thuộc vào cái gì đã hiện ra hình tích cụ thể, để có thể trở thành vật đích cho giác quan. Khi lệ thuộc thì gọi là vật thể, vật chất. Chúng ta biết sách Trung Dung là bản tóm lược Kinh Dịch đã định nghĩa Trung là “Trung lập nhi bất ỷ”. Đừng hiểu hai chữ Trung lập theo nghĩa chính trị, nhưng phải hiểu theo nghĩa minh triết, lúc đó lập sẽ là động từ tự lập chứ không dựa (ỷ) không lệ thuộc, y như câu “thần vô phương” không lệ thuộc vào góc cạnh nào hay cái gì có hạn, vì hễ đã có là có trong xác định nên bị giới hạn. Cái gì lệ thuộc vào giới hạn là vật chất. Vật chất bất động đầy nọa tính.
Do đó dẫn đến yếu tố thứ hai trong câu thần vô phương là thần rất linh động, nghĩa là uyển chuyển lưu linh khắp nơi và như thế là sống rất mạnh. Vì sống là gì nếu không là tự động, động tự nội vì nếu tự ngoại thì lại bị động tức là lệ thuộc mất rồi. Vì thế sống cũng là dịch, vì dịch là tự động, động nội khởi, nên là động cùng cực đến độ không còn chủ thể động “dịch vô thể”, mà chỉ còn là động, nên cũng chỉ còn là sống, sống trọn vẹn, đến nỗi kinh Dịch phải dùng hai chữ sinh sinh: “sinh sinh chi vị dịch” có nghĩa là dịch là sống trọn vẹn, vì thế hệ luận thứ ba là thần đi với tâm vì Tâm thuộc bình diện linh thiêng chỉ huy tòan thể mọi cơ năng con người. Còn vật chất là phạm vi của lý trí. Vì lý trí lệ thuộc giác quan và não tủy, là những thứ có hạn về thời gian lẫn không gian nên cái biết bằng lý trí là cái biết quy nạp, do những yếu tố lẻ tẻ tích lũy lại rồi đi tự cái này đã hết mới đến cái kia, từ trước xong rồi mới tới sau nghĩa là lệ thuộc không gian và thời gian nên là vật chất. Vật chất không sống nên những cái biết này cũng vậy dù chồng chất bao nhiêu cũng không tiêm sức sống vào học vấn được như những cái nhìn trực giác tâm linh. Điều này tế vi rất khó nhận ra, vì nó lẫn với sự thỏa mãn của tính hiếu tri, nên người ta tưởng là nó sống và vì thế người ta đem cái học đó nhét đầy chương trình giáo dục. Lại vì bầu khí duy trí nên không làm thế cũng chẳng lấy gì đưa vào. Bởi vậy hiện nay lý trí ngự trị chương trình giáo dục: người ta cố sức chèn cho đầy đầu óc người đi học, nhưngkhông gây được hứng thú, chính là do lẽ trên. Những cái biết do lý trí này phải dùng “võ lực” chèn đúc vào ít lâu sau thì rụng hết không để lại được trong tâm hồn ảnh hưởng sâu xa, mà ta quen gọi là văn hóa, theo nghĩa trung thực là cái văn hóa tâm hồn. Cái hiện nay kêu là văn hóa thì thực ra là văn học. Còn văn hóa chân thực phải là việc của những cái biết bằng trực giác, trực giác thuộc minh triết hay những tri thức đã được tẩm nhuận bằng trực giác (như triết lý) thì mới để lại ảnh hưởng sâu xa trên tâm hồn, giúp cho việc đào luyện con người tiến lên tinh thần chân thực, vì nó có thần nên sẽ còn sống mãi, bởi đó vượt sự kiện bì phu là những thứ năng biến đổi vì nó ở ngoại diện. Kinh Dịch chính là sách tìm cách đạt cái trường tồn đó giữa những cái năng biến. Như vậy nó vượt qua những cái năng biến mới đạt tới cái bất biến là những cái gây ơn ích cho tâm linh. Chính bởi hiểu sâu xa như thế câu “thần vô phương” nên những bậc thầy chân thực xa lánh sự nói về tất cả những sự kiện, cũng như không chú ý nói nhiều và nhất là tránh bắt học nhiều nhưng hầu hết chỉ dọn tâm trí môn sinh, gây nên một sự bén nhạy của tâm thức “une disponibilité du coeur” như kiểu “đi tắm sông Nghi, hóng gió ở đài Vũ Vu, hát rồi về” (đã bàn rộng ở Tâm Tư chương IV) chẳng thấy sách vở hay học hành chi cả. Vậy mà tại sao lòng chí thành với đường tu học lại được duy trì một cách nồng nhiệt trải qua muôn thế hệ. Ấy vì ông thầy đã khéo sửa soạn tâm hồn để môn sinh tiếp nhận được những tia chớp lóe lên từ tâm thức mình. Chỉ một tia chớp như vậy đủ đem lại nhiều sức sống gấp trăm ngàn lần những bài học chèn vào óc, bởi vì đó chỉ là những cái từ ngoài đem ấn vào. Có lẽ vì thế người ta gọi là ký ức. Chữ ức làm liên tưởng đến cái gì ức hiếp: người ta bắt ức thí sinh phải nhớ muôn vàn những chi tiết bên ngoài. Những cái đó rất dễ quên đi, khác hẳn những điều ta tự nghiệm được vì chúng sẽ còn sống mãi. Như ta cảm thấy những điều ta trực giác được thì vẫn linh ứng ta và ta gọi là kỷ niệm (souvenir) tức là cái gì nhớ mãi trong mình. Phúc cho những ai gặp được những ông thầy hay người bạn giúp cho đạt những phút uy linh có ảnh hưởng suốt đời như vậy. Đây là những nhận xét tối quan trọng cho vận hệ của một nền văn hóa. Văn hóa chân thực phải biết đặt thần linh trên vật chất, tâm linh trên lý trí. Vì lý trí con người chỉ còn thể tạo ra được những tác phẩm khô khan thiếu sinh lực và chỉ gây nên rộn ràng trong một giai đoạn ở một khu vực nào đó chứ không có sức vượt không thời gian như thần. Chỉ có thần mới vô phương. Vậy mà người ta lại đặt lý trí lên thay. Nói cụ thể là người ta chỉ chăm lo tài bồi cho lý trí, cho óc đo đếm mò sờ, lượng, thay phẩm: đưa óc suy tư tính toán vào hết mọi địa hạt kể cả địa hạt uy linh man mác, có nghĩa là đem hưũ hạn giết chết vô biên, vậy là đem sự chết vào lòng vạn vật. Đấy là một việc làm ngược với luật tự nhiên của Tạo Hóa vì hóa là hóa ra, mở ra cho càng ngày càng rộng để đạt vô cùng y như thần, nghĩa là vô phương, vậy nên nói “cùng thần tri hóa” nghĩa là có đi cùng với thần mới biết hóa, còn khi “đi cùng với lý sự thì sẽ bế tắc ứ trệ: cùng thần tri hóa, cùng lý chi mụ!” Sự vật đi với lý trí vì lý trí lệ thuộc sự vật, chứ không vô phương nên nó không sao có được những cái nhìn mênh mông như thần. Vì thế đặt trí trên Tâm là gây tan rã chết chóc. Nói theo Kinh Dịch là đem phương (hữu hạn) đặt lên trên viên (vô hạn) thì cả là một cuộc đổ vỡ vì đi ngược luật thiên nhiên. Cho nên một nhà bác học (như Le comet du Nouy) đã muốn cho đó là tội tổ truyền được nói đến trong Thần học. Tin có tội tổ tông là một tín điều thuộc tôn giáo, chứ không phải là phạm vi của triết. Tuy nhiên khi chỉ đứng trong triết và dùng ánh sáng Kinh Dịch mà bàn thì cũng nhận thấy đã có một biến cố quan trọng xảy ra trong tiến trình tâm thức con người. Đó có phải là tội tổ tông chăng thì không dám quyết, chỉ biết rằng biến cố đó đã được những trang huyền sử của nhân loại ghi chép. Có phần giống với tội ăn trái cấm của Adam và Eva. Để hiểu những trang huyền sử kia ta hãy nghiên cứu truyện thánh kinh và câu hỏi trước hết là tại sao ông bà phải phạt quá nặng không cân xứng với ăn ba quả cấm. Vậy hẳn là nó hàm chứa một cái gì sâu xa hơn.
Theo triết thì câu chuyện đó ám chỉ việc đặt ngược thứ tự của tạo hóa là đem vuông đặt lên tròn, tức lấy hữu hạn đè bẹp vô biên hay là trình bày vô biên bằng phạm trù hữu hạn nên biến vô biên thành ra hữu hạn. Nói theo huyền sử thì hai ông bà bị đuổi ra khỏi địa đàng và chẳng bao được giờ trở lại mà chỉ còn ở ngoài chảy mồ hôi trán ra bởi đất (tứ địa) rồi cuối cùng thì chết. Tại sao bị phát quá nặng không tương xứng với việc ăn một trái cấm. Có người thưa rằng vì đó là quả biết lành biết dữ, ăn vào là phân ra lành với dữ, tức rơi vào nhị nguyên.                                                                       
Thưa như vậy tuy hữu lý nhưng chưa đáo lý vì sự vật nào không có hai chiều, nên biết phân biệt lành dữ, sáng tôi, thiên địa, chính ra là một bước tiến để ra khỏi trạng thái hỗn mang. Mà có như vậy mới thiết lập được tương quan giữa Thiên và Địa, nếu không phân ra được là nằm ù lì lại trong “hỗn mang chi sơ vị phân thiên địa” mất rồi. Bởi thế từ bất phân lành dữ tới trình độ biết phân biệt lành dữ, bắc nam, thủy hỏa v.v… là đi đúng nhịp tiến hóa của nhân lọai, đâu có phải là tội mà bị phạt. Cho nên bản chất tội tổ tông chưa phải là phân biệt mà phải tìm xa hơn trong những huyền thọai bao quanh địa đường như truyện Lucipher. Lucipher có nghĩa là kẻ mang ánh sáng, kẻ biết phân biệt. Chính Lucipher đã mượn hình ảnh con rắn để cám dỗ Eva ăn quả biết lành biết dữ, tức là giúp cho Eva phân được lành dữ. Như vậy là Lucipher có công, chứ chưa mắc tội gì. Thế nhưng rồi vì tội nào đó mà có truyện nói về Lucipher bị phạt, bị tống cổ ra khỏi thiên đường rơi xuống đất, bắn mất viên bích ngọc giữa hai con mắt (xem Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây tr.135-140). Viên bích ngọc chỉ con mắt thứ ba cũng gọi là Huệ Nhãn hay là mắt của Minh triết, đánh mất tổng đề hay là nhơn tính như các triết học lý niệm sau này đã làm, vì đó là thứ triết học không còn biết để tâm vào Minh triết hầu vun tưới tình người mà chỉ còn chạy theo bóng sự vật gọi là ý niệm hay biểu tượng, như thế lỗi của Lucipher ở chỗ đánh mất con mắt Minh triết, nghĩa là để mình ứ trệ lại ở một đầu nào đó hoặc lành hoặc dữ. Cái lầm của Eva là đem phân biệt vào trung cung: nghĩa là thấy vòng ngoài hiện tượng có phân biệt thì đến vòng trong cũng lại phân biệt, như thế là đồng nhất hóa trong ngoài. Điều ấy có nghĩa rất trầm trọng là làm cho sự vật còn có một chiều tức là đánh mất tương quan, đánh mất biến dịch tức cũng là đánh mất Nhân tính. Như vậy là tội tày trời đáng bị phạt như Eva là cân xứng. Đúng hơn là hai ông bà tự gảy mình ra, tự phá vỡ trung cung nên đánh mất biến dịch, đánh mất sự sống, chứ chẳng có ai phạt cả, mình làm mình chịu. Mình đồng hóa trong với ngoài thì còn có trong đâu mà trả bị đuổi ra. Vì thế khi đưa phân biệt vào Trung Cung thì giết chết trung cung nghĩa là giết chết Minh triết, giết chết thần linh, biến tính thể ra vật thể. Điều đó được Trang tử nói lên trong ẩn dụ của hai ông Thúc và Hốt từ bề Bắc Nam đến tham ông bề Trung Hỗn Độn và được ông này tiếp đón nồng hậu. Hai ông Thúc Hốt liền nghĩ đến tạ ơn bằng biếu chủ nhà cái gì ông ta thiếu. Dễ kiếm lắm, ông ta tên là Hỗn Độn vì mù mịt lắm thiếu phân biệt. Vậy chỉ cần đưa ánh sáng vào để ông được sáng sủa rõ ràng xác định như ai. Thế là hai ông Hốt Thúc khởi công đục lỗ, mỗi ngày một lỗ, nhưng không để đến ngày thứ bảy thì ông Hỗn Độn chết nghĩa là hết còn là Hỗn Độn. Nếu theo đúng Kinh Dịch thì ngày thứ bảy đắc đạo “thất nhật đắc” còn đây thì trái ngược lại đến ngày thứ bảy Hỗn Độn chết “thất nhật nhi Hỗn Độn tử”. Thế là hai ông Thúc Hốt đã phạm một tội y như bà Eva: nếu ở lại Bắc hay Nam mà khóet lỗ phân biệt thì không sao, đàng này lại đưa chàng đục vào trung cung, gây ra chết chóc. Tại sao chết? Thưa là cái vô biên sống bằng man mác mung lung. Nay cắm mốc để xác định thì chết vì xác định rõ rệt là phạm trù của hiện tượng bé nhỏ, đem áp dụng cho Tính Thể vô biên thì là làm chết cái linh thiêng u ẩn. Hỗn Độn chết cũng như hai ông bà bị đuổi ra khỏi địa đàng là câu truyện có thực, có thực về nội dung, cái nội dung ấy đã xảy ra liên tục trong lịch sử triết học từ nhiều ngàn năm, nhưng không rõ khởi điểm từ lúc nào chỉ biết trong triết cổ điển có thể lấy Socrate, Platon, Aristote là những ông Thúc Hốt những tiên tổ của nhị nguyên đã đặt móng nền cho một loại triết học truyền lại cho đến nay. Đó là nền triết học lý niệm mà nét then chốt là đem lý trí choán chỗ tâm linh, lấy cảnh trùm tâm mà lẽ ra phải để tâm trùm cảnh, và như vậy là triết chỉ còn tòan là chất chết gây nên một sự bất an được biểu lộ qua bốn chặng đã nói trên là luận lý và biện chứng v.v…
Đó là bấy nhiêu vẫy vùng để tìm trở lại nhân tính, nhưng cũng như hai ông bà nguyên tộ bị thiên thần canh giữ không cho lại gần cây hằng sống, thì các triết học gia cũng chưa sao lại gần được nhân tính mà vẫn còn là một chiều: chiều lượng thiếu phẩm, mà nhân tính là cả phẩm cả lượng. Lượng thuộc địa, phẩm thuộc thần. Thế mà văn minh hiện nay đề cao cực độ lượng, gây ra tai họa mà Heidegger gọi là “sự trốn chạy của Thần Minh”. Thần minh mà trốn thì cũng là hết sống. Thế giới đang rạn nứt báo trước những đổ vỡ kinh thiên động địa đến nỗi nhiều người bi quan cho là nhân loại này không thể thoát một tai họa có tầm mức vũ trụ thì chính là tại triết học đã đánh mất thần, mà chỉ còn ôm có mớ biểu tượng thuộc lượng chết.
Có còn cách nào xoay ngược lại hướng tiến chăng. Câu trả lời về phía Kinh Dịch vẫn có phần lạc quan hơn. Kinh Dịch cho rằng đó cũng chỉ là tất mệnh của Tây phương đã được ghi trong Hồng phạm (gốc tự kinh dịch). Theo đó thì văn minh Tây Bắc đi theo hai số 4-1, còn văn hóa Đông Nam đi theo hai số 3-2 gọi là “tham thiên lưỡng địa”. Ngược với Tây Bắc là “nhất thiên tứ địa”. Thiên có một mà địa những bốn thì tất nhiên lý trí (địa) phải lấn át tâm linh (thiên). Ngược lại Đông Nam thì “thiên ba mà địa hai”, nên tâm có thể trùm cảnh và vì thế câu nói “Đông phương là tinh thần, Tây phương là vật chất” được nhiều người nói lên nhưng chưa ai đọc ra được huyền số đã ghi trong số đoạn trường như sau: số mệnh Đông phương là 3 trời 2 đất nên trời lớn hơn đất, tâm lớn hơn trí tức tinh thần được coi trọng hơn vật chất, và vì thế mới có câu định nghĩa thần một cách súc tích gọn gàng vô kể như đã nói trên về “thần vô phương”. Trái lại số mệnh của Tây phương là 4 đất 1 trời thì đất phải hiếp trời: vật chất được coi trọng hơn tinh thần, lượng hơn phẩm và tất nhiên đó là điều đã ghi trong huyền số rồi, việc phải như vậy.
Vì là huyền số nên còn bao hàm nhiều ẩn ý khác: đó là hai số 3-2 đi liền nhau, còn từ 4 đến 1 cách nhau bởi hai số 2, 3. Vì 4 đất cách 1 trời nên bà Eva bỏ ông ở lại trung cung rồi một minh xuất ngoại, còn bà Nữ Oa với Phục Hy lúc nào đuôi cũng cuốn quýt lấy nhau vì thế tuy bên Đông phương cũng có xảy ra biến cố tương đương với tội tổ tông nhưng phải hai keo lý trí mới vật nổi tâm (như đã bàn ở chương I) nên dầu sao lý trí không bao giờ quá mạnh đến át tâm linh. Nếu lý trí là lễ (lễ chỉ địa chế) thì Nho giáo đã lót bằng thi và đội triều thiên bằng nhạc (thiên). Vì thế lễ nhạc đi với nhau như âm với dương (nhạc giả vi đồng, lể giả vi dị) có đồng có dị, có thiên có địa mới thiết lập được mối tương quan là nhân tính (kỳ thiên địa chi đức). Vậy thì Nữ Oa Phục Hy cuốn lấy nhau là có thực kiểu lễ nhạc luôn luôn đi đôi lễ hai nhạc ba: tham thiên lưỡng địa. Còn bên Tây Âu thì vì bốn đất 1 trời nên đất lấn trời: Adam và Eva phải đuổi ra khỏi địa đàng và triết học ra khỏi tâm linh. Những chất nuôi dưỡng tâm linh như thi, ca, nhạc, nghệ thuật tất cả đều mất đất đứng trong triết học Tây phương. Như vậy huyền sử còn thực hơn là lịch sử, vì mãi tận ngày nay nó vẫn còn thực. Do đó ta có thể lạc quan nhìn vào tương lai mà cho rằng “cùng tắc biến” hễ tới cùng cực thì sẽ biến. Khi áp dụng vào trạng huống ngày nay thì là văn minh nhân loại đang lao mình vào chỗ cùng cực của lý trí, của số lượng thì cũng là sắp đến lúc xoay hướng sang chiều tâm linh trọng phẩm. Hiện đó đây đã có ít nhiều dấu chỉ con người đang bước vào thời Phục, tức phục hồi lại nhân tính, phục hồi lại những giá trị tâm linh: nhưng mới ở đợt đầu nghĩa là mới có hào một dương là tâm linh còn lại những 5 hào âm đang đè nặng. Nhưng một dương ở đây mạnh vì đang chiều đi lên của nó. Nên ta thấy những trí khôn lớn của Tây phương cũng đang khởi đầu nghi kỵ lý trí. Kant đã nhận ra giới hạn của lý trí: nó chỉ quanh quẩn ở vòng hiện tượng mà không sao đạt tới sự vật tự thân (vòng trong). Nietzsche tố cáo Socrate cũng như Platon đã đốt thi ca, đuổi thi sĩ ra khỏi triết. Heidegger đã vạch trần ra rằng cái siêu hình chẳng qua chỉ là siêu thị thâu nhận những hình tích những biểu tượng toàn là đối tượng của thị giác. Đúng y như chúng ta nói lấy vuông làm tròn chẳng chịu để cho mẹ tròn con vuông mà bắt mẹ chết để cho con vuông chành chạnh 4 góc bánh chưng giết chết vòng trong tâm linh. Làm thế nào thổi vào mũi ông Adam một làn hơi sống linh động, sao cho vòng tròn tâm linh trở thành quầng lửa sáng soi thấu nhập mọi suy tư, cảm nghĩ hành xử của người thời đại. Đó phải là sự đóng góp của Kinh Dịch được sáng tác ra như một tâm linh pháp.

V. KINH DỊCH NHƯ MỘT TÂM LINH PHÁP
Khi tôi nhìn ra được vũ trụ toàn thể viên dung và tôi xử đối theo đó thì gọi là Đạo. Nói khác Đạo bao gồm ba yếu tố là âm, dương, hòa: khi tôi thấy cả âm lẫn dương hòa hợp thì tôi có cái nhìn của triết gia, của người hiểu Đạo.
Nhưng tại sao lại rất hiếm triết gia? Vì thường con người chỉ thấy có âm hoặc dương: âm tán dương tụ. Tán tụ là hai luật nền móng của vũ trụ. Tán là nhất thể, khi tỏa ra thì thành vạn vật lẻ tẻ riêng biệt, đó là luật mà khoa học ngày nay khởi đầu nhận ra sự giãn nở của vũ trụ. Tụ là từ sự vật đa tạp quy tụ lại một mối, một luật được khoa học nhận ra và đặt tên là luật tổng hấp dẫn (attraction universelle).
Đây là bước vĩ đại mà khoa học mới đi được để tới gần lại với nền minh triết, còn chính minh triết đã nhận ra lâu trước khi luật tán tụ đó như hai mối liên hệ ràng buộc vạn vật với nhau mật thiết đến độ gọi là vạn vật nhất thể. Chữ thể nói lên một cơ thể sống động mà âm là thở ra, dương là hút vào; bởi vạn vật đều vâng theo nhịp đó, nên vũ trụ kể là một thân thể sống động. Lối nhìn này còn thấu triệt hơn cả cái nhìn của khoa học mới nhìn thấy vũ trụ như một sự vật giãn ra co vào, co giãn cách máy móc vòng ngoài chưa hẳn như một thể sống động thở hút bao hàm cả vòng trong tức âm dương hòa hợp không còn là tụ hay tán vì nó thuộc bình diện khác hẳn, bình diện sống, mà sống là hòa hợp.
Tuy vậy cái nhìn của khoa học hiện đại đã bao quát hết vũ trụ, và như thế là đã vượt xa cái nhìn của thường nhân. Thường nhân chỉ nhìn thấy có khía cạnh đa tạp cụ thể nghĩa là đã hiện ra các hình thể hoặc như những hiện tượng thường nghiệm ví dụ nước thấm ướt, lửa đốt cháy v.v… Và cứ nói chung thì con người chỉ dừng lại nơi đây, nghĩa là chỉ thấy có sự vật đa tạp cách biệt mà không nhìn ra được mọi hiện tượng liên hệ sống động ràng buộc tất cả. Do đấy không biết Đạo, vì Đạo là nhất âm nhất dương, phải thấy cả hai mới là Đạo.
Làm thế nào để đạt Đạo? Nói khác làm thế nào để nhìn ra luật dương tụ nữa thêm vào luật âm tán? Chúng ta biết rằng dương tụ là luật phổ biến ý như âm tán cũng là luật phổ biến. Đã phổ biến thì vượt hẳn tầm mức của giác quan, nên cũng vượt lý trí và ý thức, “nơi” hội tụ của những báo cáo giác quan. Vậy mà trong khoa học cũng như trong đời sống thường nhật ta chỉ chú trọng đến phần lý trí ý thức, thì tức là chỉ nghĩ đến có những vật bé nhỏ phân chia. Trong khi ta chú trọng tuyệt đối vào lý trí thì gọi là duy lý, mà duy lý là cái nhìn rất hẹp hòi vì hạn cục vào có giác quan mà tầm thâu nhận rất bé nhỏ. Vì thế đáng lý phải lơi ra khỏi lý trí ý thức để nhìn rộng thêm, nhưng hầu hết con người lại ngừng ngay lại đợt duy lý nhị nguyên đó để mà tạo tác ra ý hệ, tạo tác ra những lý tưởng, những gương mẫu, những thần tượng, rồi đem hết lòng trí vào việc phụng sự tuân theo mệnh lệnh những cái đó thì tức là tự mình cột chặt mình vào những cái bé nhỏ hẹp hòi và như thế là không còn có thể thấy gì được khác. Người Cộng sản chỉ thấy là giá trị những gì theo chiều ý hệ của họ, người cuồng tín cũng chí coi là giá trị những gì theo chiều tin tưởng của họ. Đó quả là một thứ tù ngục che lấp không cho họ thấy được Đạo Thể Viên Dung bao gồm muôn khía cạnh.
Muốn thóat ra khỏi tù ngục đó thì phải biết cách lơi ra khỏi duy lý nghĩa là nên tập nhìn chiều xoay ngược lại với chiều lý trí: đó là xoay sang chiều phản lý, từ duy tình xoay sang vô tình, từ hữu vi xoay sang vô vi. Nhờ lối đi ngược chiều đó tâm thức mình dần dần trút được thói quen độc tôn một khía cạnh duy nhất để có được tâm trạng bình quân giữa có với không, giữa ý thức với vô thức, giữa tình với lý. Đó là một thứ  quân bình động đích uyển chuyển theo từng người cũng như theo luật không gian thời gian vận chuyển. Khi nào đạt tới vị trí bình quân cần thiết thì sẽ ngộ Đạo, tức là nhìn ra Đạo Thể bao gồm cả âm lẫn dương, cả xuất lẫn nhập, cả động lẫn tỉnh. Đó là đường lối của Kinh Dịch đề ra, đường này cũng có tên là Tâm Đạo.
Chữ Tâm là một danh từ không thể định nghĩa vì nội dung bao là của nó. Nếu ta gọi Tâm là vô thức thì mới nói lên được có khía cạnh chống đối với ý thức, nếu gọi là vô lý thì mới nói được có khía cạnh phản lý… Thế mà tác động then chốt của tâm là linh, tức thẩm thấu bao trùm tất cả. Đó gọi là An Vi.
Thái độ hữu vi là duy lý. Vì là duy nên rất cần phá vỡ, bởi thế vô vi đã phản động lại bằng vô lý, vô thức, nhưng An vi nhận xét rằng nếu hữu vi là chấp nhất: nhất tán, thì vô vi cũng lại là chấp nhất: nhất tụ. Thế mà Đạo lại không ở bên âm hay dương nhưng ở trung điểm và siêu lên để ôm được cả tán cả tụ, cả âm cả dương. Nên Nho giáo kêu là Trung Dung. Trung có thể coi như nét ngang không gian chỉ giữa âm và dương, tả và hữu. Còn Dung nét dọc thời gian chỉ trên và dưới, phi thời gian và hữu thời, chỉ siêu việt thường hằng cũng như sự thường nhật liên tục. Và đấy là Đạo. Vì thế Đạo cũng chỉ là cái gì thường thường nhưng ẩn bên trong lại có cái gì Thường Hằng. Hoặc nói theo lối phân tích: đối với con mắt thường nhân chỉ là cái gì thường thường. Cùng là một cử chỉ như ăn, ngủ, nói, cười… người đạt Đạo cũng làm như người thường: bề ngoài không có gì khác nhau, nhưng trong tâm thức người đạt Đạo thì cái tầm thường được “móc nối” với cái Thường Hằng, móc nối với cái Toàn Thể Viên Dung. Người thường thấy số 8 là số 8. Thánh nhân cũng thấy số 8 là số 8 nhưng còn thấy trong 8 có số 3 bọc số 5. Nói kiểu triết lý người thường chỉ thấy hiện tượng, thánh nhân thấy cả hiện tượng lẫn ẩn tượng cũng gọi là sự vật tự thân (noumen). Dịch là ẩn tượng vì nó ẩn khuất đối với con mắt thường nhân, nên bề ngoài coi y như nhau. Với người chưa tu hay với người đã đắc Đạo thì núi này cũng vẫn là núi này. Nhưng với người chưa tu thì trọng tâm đặt ở chữ này, nghĩa là những cái tư riêng, còn ở người đạt Đạo lại nhấn vào chữ núi, nói khác là nhấn vào bản thể ăn thông với toàn thể. Hãy lấy thí dụ lời Kinh Dịch mà nói: với người thường thì những lời trong kinh Dịch cũng chỉ là những lời như bao nhiêu lời khác. Nhưng với triết gia lại thấy nó khác. Cái khác ấy ta có thể nhận ra phần nào ở trong hai điểm:
Điểm nhất thuộc phần hành văn. Đây không là những câu mạch lạc, quán xuyến kiểu triết học duy lý có luận chứng minh bạch: câu sau ăn chặt với câu trước, đọc lên thấy liền văn mạch lý cứ. Ngược lại nó cũng không hẳn phi lý kiểu những công án của Thiền tông, tuyệt nhiên không tìm ra được liên hệ lý trí nào giữa câu trước với câu sau, và ta có thể nói là phi lý hoàn toàn. Trái lại với lời kinh Dịch có thể gọi là hàm lý: nghĩa là có lý, có tình, có ý thức và cả vô thức. Có lý nên lúc đọc thấy được í t lời huấn dụ thật sâu sắc. Nhưng còn phải kể đến vô thức, cảm tình, tác động. Tất cả bấy nhiêu như hiện diện đồng đều khiến cho không còn yếu tố nào chiếm địa vị độc tôn: không duy lý, không duy tình, không duy nào cả. Nói khác là tất cả đều nằm trong thể tương đối và gây nên bầu khí thuận lợi cho tâm thức đạt trạng thái bình quân, hay là trung lập theo kiểu không dựa, không dính tuyệt đối vào cái gì cả. Đấy là một sửa soạn thuận lợi cho sự lóe sáng lên của tia Minh Đức.
Muốn đạt được ơn ích đó cần chú ý đến điểm thứ hai là cách đọc Kinh Dịch. Muốn đọc Kinh Dịch cho trúng tinh thần thì cần phải đọc theo lối ngoạn hoặc theo lối chiêm. Cả hai lối đều bắt buộc phải lơi khỏi ý thức và lý trí, cũng có khi ngưng hẳn ý thức để cho tiềm thức có đất giô lên mặt tâm thức. Sở dĩ tiềm thức hay vô thức thường không hoạt động được là do lý trí giăng bủa lưới khắp mặt tâm thức, không để hở kẽ nào cho tâm thức phát hiện. Mà tiềm thức đã không xuất hiện thì lấy gì buộc các câu rời rạc kia lại. Lời Kinh Dịch có ý để rời rạc, có ý để thiếu liên hệ của biện chứng lý luận là cột để đạt mối liên hệ lớn lao của toàn thể vượt xa mối liên hệ lý chứng. Liên hệ lý chứng cũng như văn mạch thuộc ý thức và đi vào đường tán ra vạn vật và nhập vào những luật tắc của khoa học, của sự vật có thể đếm đo, cân lượng… Còn liên hệ toàn thể thuộc tâm (tạm nói là tiềm thức hay vô thức) theo đường tụ vào Nhất thể và xuất hiện mập mờ trong cái ta quen gọi là vận số, thiên mệnh, tính mệnh, định mệnh… tức là cái gì vượt quá tầm kiểm soát của lý trí và ý thức, nên khi đọc Kinh Dịch với óc duy lý là bỏ mất phần quan trọng nhất, y như ăn cam có vỏ mà bỏ ruột vậy. Muốn nếm được ruột cần phải biết cách quan, ngoạn, chiêm, tức là những cách “đọc” riêng biệt đòi phải có cư, có an, có lạc. “Cư chi quảng cư”, duy lý chỉ ở có chỗ hẹp mà không quảng cư, an là “an thổ đôn hồ nhân”. Nếu không an thổ mà lại ý cứ vào một ý niệm rồi “đồng đồng vãng lai” trong cái đồng nhất thì đều là ý thức không phải là an thổ vì thổ là vô tâm, vô niệm, vô ý. Lạc là liễu hiểu minh triết đến độ chót sau hai đợt tri và hiểu. Tất cả mấy chữ quan trọng trên (quan, ngoạn, chiêm) đều nói lên lối đọc riêng biệt đòi có sự tham dự của lý trí, tình cảm, ý thức, vô thức, gọi tắt là tâm. Nói khác lối xem bằng lý trí thì gọi là đọc, còn lối xem bằng toàn thể con người thì gọi là quan, là ngoạn, là chiêm.
Thí dụ vài câu sau đây: “quan tượng, hệ từ yên, nhi minh cát hung, chữ hán” (Hệ từ 2). Cả tượng cả từ đều là cái gì mung lung nên phải dùng lối nhìn tổng quan: nhìn mà không nhìn cái chi cả vì tượng mới là số sinh chưa thành hình tích cho giác quan, nên không thể chú mục. Vậy không nên chú mục vào một đích điểm riêng tư, không nên ý thức không nên lý luận… cốt để cho tiềm thức giô lên để nói về “cát hung”. Cát hung không thuộc định tắc khoa học hay thường nghiệm, nhưng thuộc phạm vi định số… là cái vượt ý thức và thuộc phạm vi vô thức cộng thông. Rốc két rơi vào nhà ông A và nổ chết người, đó là luật khoa học. Nhưng tại sao lại rơi vào nhà ông A mà không rơi vào nhà ông B, C, D thì đó là thời cơ vận số, khoa học không thể đo lường, vì nó thuộc phạm vi rộng lớn hơn. May rủi, cát hung v.v… thuộc phạm vi này, và con người muốn đi vào đó chỉ có lối tâm cũng gọi tạm là tiềm thức hay vô thức cộng thông tùy lúc.
Muốn đọc lối đó phải biết cách cư, an, lạc, ngoạn… như Hệ từ nói: “thị cố quân tử sở cư nhi an giả, dịch chi tự dã: sở lạc nhi ngoạn giả, hào chi từ dã, chữ hán” (H.T 2). “Cho nên quân tử phải cư để được an, đó là thứ tự của Dịch. Phải lạc và ngoạn thì mới đạt ý trong lời của hào”. Cái thứ tự là phải cư phải biết xây nhà rồi ở đời thì lòng mới an. An là “an thổ đôn hồ nhân” (tất cả đã bàn trong chữ Thời) nếu không theo thứ tự đó lại đem cái óc lý luận hạn hẹp vào Kinh Dịch thì chẳng hiểu chi hết. Ấy là mới nói đến đọc để hiểu được nền minh triết chung, mà Kinh Dịch khuyên trong những câu chẳng hạn “thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng, nhi ngoạn kỳ từ, chữ hán” (H.T 2). Cho nên quân tử phải có tâm hồn an định (cư là không lạc hướng mới có thể quan tượng và ngoạn. Nhớ quan với ngoạn không phải là đọc kiểu thường).
Phương chi khi đi vào đời đầy biến hóa phải dùng đến lối chiêm, tức đem Đạo lý chung áp dụng vào từng trường hợp riêng thì càng khó hơn: lời Kinh rằng khi biến cố xảy tới (biểu thị bằng hào động) thì phải quan sự biến, đồng thời ngoạn điều mình chiêm nghiệm. “Động tắc quan kỳ biến, nhi ngoạn kỳ chiêm, chữ hán” (H.T 2). Chiêm lời hào mà chưa đạt độ lạc (lạc thiên tri mệnh cố bất ưu…) thì hiểu được cái chi? Ở đây chưa phải là chỗ đi sâu hơn được, chỉ xin tóm tắt rằng muốn hiểu kinh Dịch thì phải đọc bằng một lối riêng, lối đó buộc phải có một hai cử chỉ để gạt bỏ lý trí đặng nhường chỗ cho tiềm thức nhô lên. Do đó mới nói: “Dịch vô tư dã vô vi dã. Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, chữ hán” (H.T 10). “Đường lối xem Dịch là không duy lý luận giải cũng không hữu vi, nhưng hoàn toàn im lặng, bất động, rồi đột nhiên cảm thông được cái lý do trong thiên hạ”, thì đó là việc của tiềm thức hay là tâm nghĩa là ngoài tầm với của lý trí hạn hẹp.
Đây là lý do giải nghĩa sự phảng phất một cái gì u linh rộng lớn của “thần vật” (thi quy). Và do đó đòi phải có một số điều kiện tâm linh mới hiểu nổi kinh Dịch, một cuốn kinh mang lưỡng thê tính: một bên móc nối với lý trí, ý thức bằng những lời kèm theo tượng, còn bên kia với cõi vô thức tâm linh thì móc nối bằng tượng, bằng “thi quy” nên thi quy được gọi là “thần vật”. Nhưng thi quy cũng chỉ là những phương tiện tùy thời thay đổi, hay chẳng dùng đến cũng được; miễn hiểu rằng chúng chỉ là những phương thế ngoại lý dùng để gỡ lý trí, gỡ ý thức ra không cho bám chặt vào một khía cạnh nào, nhưng phải nhường chỗ cho các tiềm năng bao la khác của người. Chính vì chỗ bao la đó nên Kinh Dịch không thể đọc như khi ta đọc các sách khoa học, nhưng phải “đọc” trong một tâm trạng đặc biệt u linh huyền mặc. Chính vì chỗ đó mà Jung cha đẻ khoa uyên tâm đã kinh ngạc khi nhận ra trong Kinh Dịch một khoa học tâm lý vô song bất khả địc (psychology altogether unmatched Memories 375). Tuy “vô song” nhưng chúng ta có khai thác nổi hay không lại là chuyện khác. Hầu hết các học giả đời nay đều nói Kinh Dịch là một sách bói. Nói thể chí đúng có phần tư của bì phu, bởi vì Dịch gồm bốn mặt của Đạo thánh nhân:
Là ngôn từ để dạy Minh triết
Là linh động để dạy biết biến hóa
Là tượng để dạy cách chế khí cụ
Là bốc phệ để chiêm nghiệm từng trường hợp.
“Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên:
Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ,
Dĩ động giả thượng kỳ biến,
Dĩ chế khí giả thượng kỳ tượng
Dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm”.
Chữ hán (I: 10,59)
Đọc câu trên rồi ta thấy câu nói Dịch là sách bói chỉ đúng có một góc, mà lại là góc ngoài, nghĩa là đọc lối thường mà không biết “ngoạn kỳ tượng, không chiêm kỳ từ”. Bởi cho được chiêm được ngoạn thì phải có những tâm kiện ra sao, nếu không phải là người đủ tâm kiện thì Đạo đâu có khi không mà hiển linh tác động. “Cầu phi kỳ nhơn, Đạo bất ư hành, chữ hán”. Vì Đạo không xa người nên đâu có cho ăn bám cách không vậy được. Đạt hay không đạt là tại nơi mình: “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Chính vì thế nên những chặng tiến tới trong quẻ Kiền (xem chương sau) đều được giải nghĩa móc nối vào con người. Văn ngôn nói:
Nguyên giả thiện chi trưởng dã
Hạnh giả gia chi hội dã
Lợi giả nghĩa chi hòa dã
Trinh giả sự chi cán dã.
Quân tử thể nhân túc dị trường nhơn
Gia hội túc dĩ hợp lễ
Lợi vật túc dĩ hòa nghĩa
Trinh cố túc dĩ cán sự
Quân tử hành tứ đức giả
Cố viết Kiền: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
 (Chữ hán)
Nguyên là đầu của thiện
Hanh là hội tụ mọi cái đẹp
Lợi là hòa hợp những cái thích nghi cân xứng.
Trinh là cần mẫn kiên trì với sự việc.
Quân tử mặc được đức Nhân thì đủ dẫn đầu người.
Vì thế bói dịch thường thấy chỉ là một lối sa đọa, nó đến sau Kinh Dịch, y như bói Kiều đến sau truyện Kiều. Học giả nói Kinh Dịch trước hết là một sách bói rồi sau mới thành sách triết là giải nghĩa theo quan điểm duy vật, hoặc duy lý tức là đợt tiến triển thứ hai của tâm thức con người sau đợt tiến thứ nhất là thần thọai dị đoan, nhưng họ chưa đạt đến đợt ba là tâm linh, cho nên họ không thể ngờ được rằng các hiền triết chép Kinh Dịch đã bỏ xa lại đằng sau đợt thần thoại cũng như đợt duy lý khách quan của họ để tiến sâu vào đợt ba tâm linh rồi vậy. Chính vì chỗ đó mà Kinh Dịch là một sách vĩ đại không phải về lượng nhưng về phẩm, nên đã tác động trên tâm thức của không người lớn nhất trong nhân loại cách bền bỉ sâu xa như chưa từng thấy và cũng chính vì tính chất tâm linh đó mà nó sẽ hướng dẫn nền văn hóa nhân loại trong những thế kỷ đang đi tới, miễn là có người vun trồng theo đúng tinh thần sách như câu sau: “Dịch chi vi thư dã, bất khả viễn, vi: đạo dã lũ thiên, biến động bất cư: chu du lưu lục hư. Thường há vô thường, cương nhu tương dịch: bất khả vi điển yếu. Duy biến khả thích, chữ hán” (H.T 8). Cái làm nên Kinh Dịch không thể xa lìa vì đường đi của nó luôn luôn biến động. Không ở trong một vị trí nào nhưng lưu thông ở 6 cõi. Lên xuống không thường: cương nhu thay đổi không thể đặt ra luật tất yếu. Chỉ phải biến hóa thích nghi…
Trở lên là thử trình bày một hai nét then chốt của Kinh Dịch mà điều quan trọng hơn cả là xem mọi biến cố trong thế tương liên với toàn thể. Muốn vậy phải dùng lối đọc riêng là ngoạn và chiêm. Nắm vững điều đó rồi bây giờ chúng ta hãy mở Kinh Dịch ra đọc thử quẻ Kiền là quẻ mở vào Kinh Dịch. 

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...