Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi

                                 NGHỆ THUẬT ĐÚC TƯỢNG                                   Kim Định 
          
 Trong huyền thoại của Trung Hoa cổ đại hay nói đến việc đúc, coi đó là việc rất quan trọng: đúc trống, đúc kiếm, đúc đỉnh v.v… mỗi việc đều kèm theo nghi lễ rềnh rang. Thí dụ trước khi đúc gươm phải tìm thứ kim khí xứng hợp là trống mái. Muốn biết thứ nào là trống hay mái, người ta nấu chảy kim khí rồi đổ xuống, nếu lõm (ao) thì là âm, nếu lồi (đột) thì là dương. Có những trường hợp lò bể phải được kéo bởi 300 cô gái tơ, hoặc như đôi kiếm Mạc Da đúc mãi không xuôi, sau biết được cần phải có người hy sinh, nên vợ nhảy vào lò nấu kim khí rồi chồng mới đúc được đôi kiếm quý giá để đời.
Sau này không đi đến cùng cực như vậy thì người ta thay vào bằng cắt móng tay và tóc để “hy sinh”, nhờ vậy đồ đúc ra mang đầy tính chất linh thiêng: đôi kiếm có thể bay đi, nếu để mỗi nơi một thì có thể tìm đến nhau. Đỉnh cũng vậy, có thể tự ý ra đi hoặc trở nên nặng nhẹ tuỳ theo người chủ có đức nhiều hay ít. Đỉnh còn đức tính nấu đồ ăn mà không cần lửa v.v… Mấy điểm truyền thuyết trên đây chứng tỏ sự quan trọng được gán cho việc đúc.
Vì là việc quan trọng coi như việc sáng chế quý giá nên tất nhiên được nhiều người nhận công. Đó là Hoàng Đế và Li Vưu. Về ngành Hoàng Đế thì đi vào những điều bí mật với các tin tưởng như vừa kể trên, kiêm luôn cả việc luyện thuốc trường sinh. Còn ngành Li Vưu của Việt tộc thì đi vào con người tâm linh nên việc đúc được trừu tượng hóa để thể hiện vào tên gọi của nước mà rõ nhất là Giao Chỉ. Theo nghĩa cùng tột thì đó là chỉ trời chỉ đất giao nhau, nói kiểu cơ cấu đã bình dân đến cùng cực là “vài ba”. Vài là hai đất phải giao thoa với ba trời.
Khi sách “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” nói “vua Kinh Dương đóng đô ở xứ Nghệ” thì cũng là diễn tả theo ý đó, vì ý nghĩa thông thường của chữ nghệ đơn là cai trị khéo léo, còn nghĩa chính là xếp đặt. Vậy sự xếp đặt cùng tột là biết xếp trời vào chỗ trời, đất vào vị trị của đất thì lúc ấy vạn vật mới được nho thỏa hạnh phúc. Vì thế nói xứ Nghệ, nằm về phía Hoan Châu, có nghĩa là hoan lạc an vui như hậu quả của xứ Nghệ. Sau Nho giáo đã công thức hóa thành câu: “Chí trung hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”. Đạt đợt chí trung hòa thì trời đất đặt vào đúng vị, nhờ đó vạn vật được nảy sinh đầy đủ. Như vậy hạnh phúc của con người nằm trong chữ nghệ: tức biết đặt trời đất vào đúng vị trí. Đọc lướt qua ta không ngờ đó là câu nói khó vô biên, loài người đã tiến rất cao trong khoa học, nhưng việc xếp đặt trời đất chưa sao thành công, nếu không xếp tất cả vào cho trời kiểu Hoàng Lão khi đúc gươm như đã nói trên, thì lại xếp đất trên trời kiểu duy vật: hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa: rõ ràng là đất đặt trên đầu rồi đó. Hậu quả là vạn vật bất dục yên. Đói dài.

Muốn được an lạc thì phải sống đúng điệu nghệ như Kinh Dương Vương là phải đi một đường xả gọi là tống cựu nghênh tân mà huyền sử nước ta chỉ bằng ba vĩ tích của Lạc Long Quân: diệt hồ tinh, ngư tinh, mộc tinh. Có vậy Hùng Vương mới lập nổi nước Văn Lang. Chữ Văn Lang chính là chữ Nghệ thêm bộ đầu, tức nội chất cũng là những cuộc đúc: đúc trời với đất nhưng đã được bình dân hóa nên gọi là bánh trời bánh chưng, hoặc truyện trầu cau trong đó đá vôi tượng đất, cây cau tượng trời, còn người được chỉ bằng cây trầu quấn quýt cả hai lại. Vì thế có bản nói vợ Tân Lang tên là Liên. Đó chỉ là tên huyền sử với ý nghĩa người là mối liên hệ giữa trời cùng đất, biểu lộ ra trong màu đỏ của miếng trầu nhai trong miệng. Được như vậy thì tình người đỏ thắm tức được hạnh phúc đỏ tươi. Đó không còn là hôn phối mà là linh phối. Cũng phải nói như thế về cặp Tiên Dung Đồng Tử cũng là linh phối vì nó vượt ra ngoài mọi ràng buộc hàng ngang xã hội như môn đăng hộ đối, vượt cả quyền quyết định của vua cha. Ở đây Tiên Dung xã hết, Chữ Đồng Tử cũng xả tận cùng biểu thị bằng cái khố cũng không còn, nhờ tác động xả tận cùng như vậy mà đôi uyên ương ấy đã lên tiên, sống mãi với non sông đất nước, nước của tiên rồng. Đó là cuộc linh phối sơ nguyên khai sinh ra nước Văn Lang: bên tiên bên rồng, bên trời bên nước, bên núi bên sông, tuy khác biệt mà vẫn gặp nhau trong cánh đồng Tương: và đẻ ra cả một trăm con mà con nào con nấy đều phương trưởng: tức đều được sống trong hạnh phúc an lạc không ai bị làm nô lệ.

Tóm lại tên nứơc Văn Lang hay Giao Chỉ đều có ý nói lên cuộc đúc trời với đất mà nghĩa cụ thể là “vi nhân” là đúc nên con người, con người phải tham dự vào việc đúc đó, phải tự làm nên chính mình, nên có thể nói bản tính con người đến sau con người tức con người mới sinh ra là thằng người sinh lý, nó phải đúc vào cái khuôn nào đó thì mới thực có bản tính người. Nói khác muốn ra người thì phải đổ vào khuôn nhân, còn đổ vào khuôn trời hay khuôn đất đều là vong thân. Sau đây là câu truyện cổ muốn nói lên điều đó: truyện ông Đông mà đúc trống đồng.

Ông Đổng cũng như ông Đùng, ông Tứ Tượng là một trong các ông khổng lồ Việt tộc, trông coi về nghề đúc, nên được các người làm nghề đúc thờ như thánh tổ.

Xưa có người thợ đúc đi rao: ai muốn đúc nồi, niêu xoong chảo ông đều làm đượcvà rất tinh tế: nên rất đắt hàng, nhờ vậy ông có dịp đi hết nơi này đến nơi kia. Ngày nọ ông ta gặp một chàng trai cũng quảy đồ đúc như ông. Chàng ta vái chào cung kính và xin theo ông để học nghề nói rằng mình đang học dở dang với một thầy mà không may nửa đường lạc mất. Sau nhiều lần từ chối ông ta đành nhận chàng trai nọ làm học trò, rồi giồn hai gánh lại một cho anh ta gánh. Đi được ít lâu thì có người gọi đúc nồi. Trong khi đúc ông ta nhận ra chàng thanh niên nọ còn ngù ngờ lắm chưa tỏ một dấu gì gọi được là đã khởi đầu học đúc, ông ta mắng mỏ nặng lời cho là đồ ăn hại. Chàng trai trả lời:

- Thưa thầy, lối đúc của thầy cũ tôi khác lắm, không những cách thức đúc mà cả đối tượng: tức thầy cũ tôi không đúc đồ vật mà chỉ đúc người, đúc già thành trẻ, xấu thành đẹp, gái thành trai, muốn sao được vậy.

- Ủa mà nói chi lạ. Tao chưa hề nghe thấy thế bao giờ.
- Thưa thầy cái đó khó mà dễ, dễ là nhờ cái khuôn này.

Nói rồi giở khuôn ra cho coi, và nói thêm là đúc dễ mà tiền kiếm được lại nhiều. Thầy đúc nổi được có dăm quan chứ thầy cũ tôi mỗi chuyến kiềm vài ba trăm quan là thường.

Người thợ đúc rất ngạc nhiên cật vấn cẩn thẩn và nói nếu anh cam đoan làm đựơc như vậy thì ra hàng coi thử. Thế là anh chàng bắt đâu rao: ai có đúc người chăng, bảy mươi đúc thành mười tám, xấu đúc thành đẹp, gái thành trai… Chỉ một lúc sau có người mời vào nhà và hỏi cặn kẽ rồi bắt dầu làm giấy cam đoan, nếu chết người thì phải đền mạng. Giấy tờ ký đâu đấy rồi anh chàng đòi chủ nhà liệu cho 20 sảo than, một cái nồi 30 và dọn cho một căn phòng kín không ai được ròm ngó tới cả. Sau đó chủ nhà dẫn ông già 70 lên, anh liền đánh nhẹ vào hiểm huyệt, ông chết liền, đưa xác bỏ vào nồi nấu liền ba ngày ba đêm cho tan ra nước rồi lấy nước đó đổ vào khuôn đã tô đi nặn lại rất kỹ. Làm đến đâu đều chỉ vẽ cẩn thận cho thầy mới xem. Làm xong để ba ngày ba đêm cho đông lại anh mới khoan thai tháo khuôn ra: quả nhiên một người bắt đầu cọ quạy, rồi dần dần ngồi lên, mặt mũi còn phảng phất ông già nhưng má hóp thành đầy đặn, tóc bạc thành đen nhánh trông như trai 18 tuổi vậy. Oâng thầy thở phào hết hồi hộp lo âu. Khi chủ nhà nhận thấy quả được như đã giao hẹn liền trả đủ 150 quan tiền đã đoan ước, tiếp đãi cơm nước tưng bừng. Hai thầy trò chia tiền mỗi người một nửa rồi tiếp tục đi hành nghề.

Đi chẳng mấy lúc đã có người xin đúc lại cho bà vợ lưng gù răng rụng hết. Lần này ông thầy dành lấy làm tất cả, và sau sáu ngày mở khuôn ra thì quả là một cô gái đang mơn mở cái xuân xanh. Rồi cũng nhận tiền, và chia như trước. Đoạn tiếp tục ra đi và rao hàng. Trong khi đó ông thầy nghĩ thầm việc chẳng khó chút nào tất cả đều ở cái khuôn này, nắm được cái khuôn là xong tất cả cần chi đến anh chàng nọ, nghĩ mãi đâm ra lòng tham muốn chiếm đoạt. Khi đến một làng kia ông ta liền tri hô rằng chàng trai ăn cắp tiền của ông. Đến khi cảnh sát khám ruột tượng chàng trai thì quả nhiên gặp thấy tiền của ông ta đã ghi số đàng hoàng mà nó lẻn vào dây lưng của chàng trai lúc nào không ai biết. Thế là chàng trai bị tù; ông ta một mình đúc và được mời đúc một cụ già 80 tuổi. Ông ta cũng làm như lần trước: đánh chết cụ già, bỏ vào nồi hầm ba ngày ba đêm rồi đổ khuôn, rồi chờ ba ngày ba đêm nữa, nhưng đến lúc mở ra chỉ thấy nước đã có mùi, chủ nhà chờ quá hạn phá cửa vào, ông ta xin khất ba ngày nữa, nhưng sau ba ngày chỉ thối thêm. Thế là ông ta bị đánh túi bụi rồi theo tờ cam kết thì đóng gông chờ giải huyện. Trong khi đi đường ông ta nhận ra mình bị trừng phạt vì lòng tham lam gian xảo của mình, nên hết lòng hối hận và cầu khẩn cùng đức Thánh tổ nghề đúc. Đến ngày bị điệu lên huyện, lính ghé vào quán giải khát, ông thấy người “học trò” đang ung dung ngồi uống nước, ông ta liền hiểu rõ và vội vàng cầu xin khấn lạy như tế sao, miệng luôn luôn kêu xin tha thứ.

Người “học trò” liền nói chính ta đây là thánh tổ của các thợ đúc: không ngờ lòng các người nham hiểm đến như vậy. Lẽ ra ta còn phạt cho cân xứng, nhưng nay đã biết hối hận thì ta tha cho. Các người phải lo bảo nhau: đã đi làm cái nghề này của ta thì không được dối trá lừa gạt người khác, dù có nghèo khổ tới đâu cũng phải cho trong sạch, nói rồi biến mất. Cùng lúc có người nhà đến nói thôi đừng giải ngừơi ta nữa, bố tôi đã sống lại, hiện đang cựa quạy trong khuôn.

Câu truyện trên muốn nói lên rằng đúc đỉnh, đúc gươm, đúc trống tàng ẩn ý đúc người. Muốn đúc ra người mới tốt đẹp đúng cỡ nhân linh thì phải xả bỏ người cũ. “Vi nhân” là thế.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...