Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi


                          PHO TƯỢNG ĐẸP NHẤT CỦA VIỆT TỘC                      Kim Định

I. THẾ ĐỨNG CỦA TRIẾT VIỆT
 1. THẾ ĐỨNG KHẢ THỂ CỦA TRIẾT VIỆT TRONG NỀN VĂN HÓA TOÀN CẦU.
Muốn thấy được thế đứng đó cần hiểu về hiện tình văn hóa nhân loại đang đi về đâu, đúng hơn là về văn hóa Tây Âu vì hiện Tây Âu đang nắm phần lèo lái lớn nhất nên hiểu được hướng của Tây Âu hiện đại cũng là hiểu được đường hướng của toàn cầu đang đi tới.
Khuôn mặt của một nền văn hóa thường biểu lộ xuyên qua tôn giáo, hình thái tổ hợp xã hội, nghệ thuật, văn nghệ triết lý… Vậy khi nhìn qua những yếu tố trên để ước lượng hướng đi của con người hiện đại ta có thể nói đó là khuôn mặt siêu vẹo rách nát. Điều này thực đến độ những tĩnh từ trên đã được thể hiện theo nghĩa đen. Chỉ cần liếc nhìn những bức họa đời nay thuộc môn phái lập phương, ấn tượng, biểu tượng liền thấy. Trong bức Guernica của Picasso chẳng hạn ta thấy con người bị đập vỡ ra từng phần rồi phân phối lung tung trên khung họa; đây cái chân, chỗ kia một cái tay, bên cạnh là một mảnh gì đó đoán là thuộc thân mình, trên cái đầu để ở góc thấy có một mặt, còn mắt kia rớt đâu mất rồi… Nếu nhìn đến bức họa trừu tượng thì dù một vài mảnh này cũng mất luôn mà chỉ còn những đường chạy ngang dọc với những nét hình học vất ngổn ngang ra đó. Nhiều người xem rồi cho là điên. Cái đó có nhưng không phải họa sĩ điên (nói chung) hoặc không chỉ có họa sĩ điên mà chính là con người hiện đại đang thất điên bát đảo, đang lao đao xao xuyến như đựơc tả đầy trong văn chương, chẳng hạn những sách của Faulkner hay của Joyce thì thấy đời là cái gì đầy lộn xộn bầy nhầy, cao thượng pha lẫn với đớn hèn, đẹp đẽ nằm bên bẩn thỉu, hài hước đó rồi bi thảm đó, tà tà kéo dài không một đỉnh cao quy tụ. Đó là trạng huống của con người thời đại.
Bi trạng đó được tả rõ hơn trong triết học hiện sinh với nhận xét nổi bật là con người đời nay vô gia cư (homeless) theo nghĩa là không một bến bờ để lòng hướng tới, thiếu một môi sinh tinh thần để ấp ủ khiến con người trở nên bơ vơ, xao xuyến, lo âu, không còn nơi bám víu. Nhìn vào vũ trụ quan cũ thấy bày ra cảnh điêu linh thê thảm làm sao: bao nhiêu hình ảnh cao đẹp xưa trở nên xấu xí: trải qua bao đời mặt trăng được ca ngợi như hằng nga đầy duyên dáng, nay con người đã đạp lên mặt cô rồi, chẳng thấy đẹp đâu hết, mà chỉ là sỏi đá đà về cho ba con coi chơi. Đấy là hình ảnh sụp đổ của một vũ trụ, một biểu tượng của một niềm tin: bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu nghi tiết mất hết ý nghĩa, như vậy là mất vũ trụ quan. Mà mất vũ trụ quan là mất sự móc nối cụ thể với thế giới siêu hình. Xưa kia thờ tôn giáo mà giữ được sự tha thiết sống với cõi siêu nhiên, coi đó như trung tâm toàn thể con người. Nhưng nay với nhiều người tôn giáo không còn nói lên được chi với họ nữa. Mọi hệ thống triết lý cũng bị đả phá như vậy, thành thử không một mảnh trời cũ nào thuộc tôn giáo, triết lý, mỹ thuật còn khả năng gợi hứng cho một công trình vĩ đại, một tác phẩm nặng ký.
Quả thực con người lâm cảnh thiếu nhà tức thiếu cái khung sống, cái môi sinh tinh thần hướng dẫn, nên cuộc đời trở nên bồng bềnh trôi nổi như cánh bèo trước các ngọn sóng dồn dập. Đó là một hiện tượng lớn lao mà những người cảm thấy trước nhất là nghệ sĩ, nhất là họa sĩ, cho nên phải nói không phải nghệ sĩ gây nên bi trạng đó mà họ chỉ cảm thấy và trình bày ra. Vậy xin hỏi đâu là căn do chính. Thưa căn do đó là bệnh duy trí mà lời tuyên ngôn đầu tiên là của Parménides rằng cái có đồng nhất với cái gì tư duy được. Hoặc cái gì suy tư được mới có, cái gì có cũng suy tư được. Hegel nói mọi cái có thực là hữu lý và cái gì hữu lý cũng là có thực. Tóm lại thực với hữu lý đồng nhất. Câu nói đó thoạt đọc coi như vô thưởng vô phạt, kỳ thực nó kéo theo cả một tai hại vô kể ở chỗ giản lược mọi chiều kích con người vào có một khía cạnh duy nhất là lý trí: có thể nói là trong ngũ quan chỉ truy nhận có con mắt còn tai, mũi, lưỡi, miệng, sờ đều thải bỏ. Tâm tình không được kể tới và như vậy chỉ còn là một con người vẽ, không còn gì siêu linh hết. Vũ trụ quan cũ là vũ trụ quan giả tạo. Nó đã đánh lừa con người vì nó rõ ràng đâu ra đấy.
Chính cái vũ trụ quan minh bạch đó đã dẫn Tây Âu vào hướng duy lý duy niệm mà nổi bật hơn hết là lý giới của Plato rồi tới các phạm trù vật thể của Aristote truyền bá qua bao đời cho tới Hegel rồi Karl Marx. Cộng sản là cháu đích tôn của Plato. Thiên đàng cộng sản tính lập ở trần gian chính là lý giới của Plato: cái gì cũng được xếp đặt đâu ra đấy như một cái máy hết sức hữu lý, đầy vẻ khoa học, nên đã quyến rũ được bao nhiêu người. Nhưng đến bây giờ thì người ta đã nhận ra tai họa của nó rồi, của những câu nói mới đọc ai cũng tưởng là vô thưởng vô phạt, có biết được đâu rằng đó là những câu nói dẫn tới tai họa vong thân được diễn ra việc làm là con người dồn hết tâm lực vào lý giới mà bỏ bê trần giới. Lý giới của Plato biến thể ra các loại lý tưởng trừu tượng như tự do, nhân loại kiểu Mácxít.                                          Như vậy bỏ bê trần thế có nghĩa cụ thể là hy sinh những con người sống thực ở đây và bây giờ cho những lý tưởng trừu tượng, hy sinh đồng bào ruột thịt cho nghĩa vụ quốc tế là nằm trong cùng dòng duy lý duy tâm: lấy thực làm phi thực, lấy phi thực làm thực.
Đó là điều cuối cùng nhân loại đã nhìn ra nhưng phải trải qua bao đời đầy những bất an mà người ta không tìm ra lý do, chỉ biết lờ mờ là triết học lý niệm không đi vào đời sống được, còn làm cho người ta sợ triết là khác.
Môn phái đầu tiên nhận ra phần nào sự tai hại kia là nhóm triết được gọi là duy danh (nominalists) đứng lên chống phái duy thực (réalists). Duy thực bảo các ý niệm (lý giới) mà họ gọi là les univeraux có thực, cái ý niệm con ngựa có thực ở trên lý giới, còn con ngựa ta xem thấy kia chỉ là bản sao không mấy thực. Duy danh bảo ý niệm con ngựa chỉ là cái tên rỗng (do đó gọi là duy danh) chứ không có ý niệm tự tại của con ngựa…                            Như vậy duy danh là đợt thức tỉnh đầu tiên của con người.
Tiếp sau có thể là nhóm lãng mạn đề cao tình người “con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được”… Câu đó của Pascal là một lời phản đối duy lý kiểu Descartes.
Rồi tiếp tới Hiện sinh đứng lên chống lại triết lý bản tính của Plato; Plato chủ trương chỉ có những bản tính (essence) mà ông còn gọi là ý niệm (idea) mới có thực, vì chỉ nó mới có lý: trước sao sau vậy, còn sự hiện sinh, hiện tồn (existence) là cái gì ngẫu hữu (contigent) có cũng được không cũng được, nay thế này mai thế kia, nay tôi trẻ, mai tôi già… không đáng chú ý, đó chỉ là những bóng hình.
Triết Ấn Độ còn đi xa hơn nữa gọi thế giới này là tuồng ảo hóa (maya). Vì chủ trương thế nên cứu cánh con người là ngắm nhìn lý trời. Heidegger gọi đó là đề cao con mắt, đề cao thị giá. Nên có lúc tôi bảo Tây Âu không có siêu hình mà chỉ có siêu thị là do vậy. Dùng mắt thì cần đến hình ảnh, như thế thì làm sao mà siêu hình, nên siêu hình chỉ là siêu thị (suprasensible) tức không dùng mắt thịt thì lại dùng mắt lý trí. Việt lý gọi đó là bệnh nhục ảnh cẩn phải dùng ngải cứu mới chữa trị được, nếu không thì tai họa sẽ khốc hại như ta thấy thí dụ nơi cộng sản duy vật: chúng chỉ thấy có những cái gì hiện hình chình ình ra trước con mắt thịt, còn bao nhiêu cái tế vi như tình người, những cái siêu linh thì chúng tàn phá vì những cái đó không phải là vật thể có thể sờ mó bằng tay. Đó là lý do khởi loạn của Hiện sinh, của các nghệ sĩ mới. Sự phản loạn của họ chính là sự phản loạn của con người đã bị cắt hoạn, bị đàn áp quá lâu trong những hệ thống quá chặt chẽ, quá giả tạo không hợp cho con người toàn diện. Họ chống lý giới của Plato để đưa con người về trần giới ở đây và bây giờ.
Họ chống những phạm trù bản thể của Aristotle vì chúng đóng rọ con người, bởi bàn về con người theo những phạm trù của sự vật thì sẽ dẫn đến chỗ vật hóa con người (chosisme). Đấy là lý do tại sao hiện sinh đập phá triết học cổ điển: họ đưa ra con người bầy nhầy siêu vẹo chẳng có lý do gì cả, đầy bất trắc, đột khởi với những âu lo sao xuyến không đối tượng.
Duy lý cũng chính là căn do sâu xa cho những câu nói: đẹp là cái gì có ích (Socrate) cũng như nguyên lý nghệ thuật là bắt chước của Aristotle- vẽ cái hoa phải đúng với cái hoa từng chi tiết. Cái gì nằm ngầm trong nguyên lý đó? Thưa là con người mất nhân chủ, mất quyền đưa cái nhìn của mình vào nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ còn là sao chép thiên nhiên, thấy sao vẽ lại vậy đúng từng nét. Họa sĩ ngày nay phản đối lại điều trên: đấy là lý do nằm ngầm trong các trường phái hội họa mới: lập phương, lập thể, trừu tượng, ấn tượng, biểu tượng tuy khác nhau nhưng đều gặp gỡ ở chỗ đập phá cho tan tành những phạm trù cũ, những ràng buộc duy lý minh bạch cũ. Không có gì minh bạch cả, mình cho là minh bạch là bở mình chỉ nhìn có một chiều, một khía cạnh. Sự thực có vô số khía cạnh nên nó nhầy nhụa tối om.
Trở lên là đại để lý do sâu xa gây nên cuộc đổ vỡ hiện nay: đó là trào lưu chống lại sự ngự trị lâu đời của duy lý đặt nền tảng do Plato, Aristotle v.v… một sự phản loạn có thể gọi là tổng phản công khởi lên từ mọi mặt: nghệ thuật, văn học, triết học. Kết quả là vũ trụ quan cũ đổ vỡ, cái nhà cổ điển Tây Âu bị kéo sụp bình địa. Điều bất hạnh cho con người ngày nay  là nhà cũ bị kéo đổ rồi mà nhà mới chưa kịp xây, nên con người lâm vào cảnh không nhà không cửa. Đó là tình trạng hiện thời của văn hóa nhân loại. Trong cảnh hỗn mang chi sơ này ta thấy đang hiện lên một hướng tiến: đó là hướng về nguồn, bằng chứng là các nền nghệ thuật cổ xưa không những đựơc chú ý mà nhiều nền còn được coi như thời đại vàng son của nghệ thuật và quả thật nếu ta cứ theo chiều hướng đó mà truy tầm thì sẽ nhận ra ở khởi nguyên nghệ thuật không đâu theo nguyên lý mô phỏng hết trọi, mà chỉ có La Hy và một vài nơi như Assyrie, Babylon mà ta có thể gọi là đi theo chiều hướng du mục, là hướng quen chinh phục: coi thiên nhiên như đối tượng để chinh phục, lấy về cho trọn mà không là nguyên lý cảm thông hòa đồng với vạn vật, theo đó sản phẩm nghệ thuật là sự đóng góp của cả vật thể lẫn con người. Vì thế tránh lối tỉ mỉ, dành phần lớn cho chủ quan con người. Song song với mỹ thuật là sự không coi thường triết Đông như trước. Lúc đó người ta quen chê là không có triết Đông, vì nó không có hệ thống. Đến nay mới nhận ra không có hệ thống chính là một đức tính quan trọng vì nó gần với sự vật, gần với con người là cái chẳng có hệ thống chi hết. Vì vậy nhiều phái còn đi xa hơn coi triết Đông như một hướng đạo đáng tôn quý. Nhất là từ khi bước vào thời mới với các khoa học tối tân như vi thể, với những sự thực mới lạ về từ điện, điện khí, nguyên tử, tương đối thuyết, tâm lý các miền sâu… Có thể nói đó là bấy nhiêu bài hát khải hoàn đón mừng triết lý Đông phương. Trong đó nổi hơn cả phải kể tới Việt Nho.                               Về Nho thì thế giới đã hé nhìn thấy rồi như chúng tôi đã nhắc tới hội nghị quốc tế về triết học tại Hononulu 1949, trong đó đại diện 52 nước đồng thanh bầu Khổng Tử làm nhạc trưởng để hướng dẫn cuộc hòa âm nhân loại ngày nay v.v… Thế nhưng cho tới nay tức gần nửa thế kỷ rồi mà chưa thấy triết Nho bước lên ghế nhạc trưởng, và thế giới vẫn cứ sống trong cảnh không hồn không hướng! Tại sao vậy? Lý do là vì nói Nho chưa đủ mà còn cần thêm một cánh nữa, và đó là cánh Việt để thành Việt Nho. Cả hai phải bắt tay chặt chẽ mới làm nên chuyện. Bởi thiếu cánh Việt thì Nho chỉ xuất hiện như một nền luân lý dựa trên lương tri thiếu hấp dẫn. Còn Việt thì xưa rày có ai biết tới đâu, kể cả người Việt, như vậy còn dám mong ai chú ý đến. Vì thế nếu nói Việt suông (mà không nói Việt Nho) thì hầu chắc sẽ chỉ là tiếng kêu trong rừng thiếu sự thừa nhận rộng rãi. Còn nếu nói Việt Nho thì Việt có người bạn đường đã được thế giới quen mặt (đó là Nho) mà đồng thời Nho mới được thêm sức sinh động, là điều chưa xảy ra cho Nho từ ngày gặp gỡ Tây Âu tới nay. Các sách gọi là triết Nho được viết ra tới nay sự thực mới chỉ là văn học sử, chưa một tác giả nào đáng tên là triết gia, thiếu triết gia thì làm sao có triết, mà triết chưa có làm sao có sử triết.                            Tôi xin nói kinh nghiệm bản thân đã nghiên cứu về Nho giáo trên 20 năm trời mà chưa gặp được bài học nào đáng học, nhiều lắm là một hai nhận xét rời rạc phần lớn do học giả quốc tế, chứ không do phía người Tàu. Như thế thì trông gì bước lên được diễn đàn hướng đạo. Nho mà còn vậy huống chi Việt. Cho tới nay Việt mới xuất hiện như người học mướn viết nhờ chứ đã có ai thấy khuôn mặt đích thực của Việt ra sao đâu: vì thiếu triết thì không thể nào nhìn tỏ được khuôn mặt đó. Nếu như khuôn mặt đó xuất hiện thì nó sẽ có khả năng cùng với Nho đứng lên nắm gậy cầm nhịp cho bản hòa tấu nhân loại như đã được đề nghị trong hội nghị quốc tế về triết học năm xưa. Vậy khuôn mặt đó là gì? Thưa là một nền nhân chủ tinh truyền đã cùng xuất hiện trên khắp vũ hoàn ở thời cổ sơ. Nhưng rồi ở các nơi khác nó đã vị vùi lấp như trường hợp Âu Ấn, hoặc nằm lỳ lại ở đợt cổ sơ như các bộ lạc sống trên rừng núi hay ngoài các đảo mất hút giữa đại dương.
Trái lại Việt và Nho giữ được, và Nho đã đi theo con đường tiến hóa để lên đến đợt tâm linh nhân chủ, chứng cớ là nghệ thuật không đốc ra sự mô phỏng hình hài, nên vượt trên truyền hình để cố đạt truyền thần. Cái thần đó được Tạ Hách (thế kỷ VIII) gọi là “khí vận sinh động” có thể dịch là “cái nhịp của sự sống”. Nên ghi nhận là cái “hồn” mà các họa sĩ mới đang cố tìm ra thường được gọi là form. Sau bao định nghĩa ướm thử cuối cùng người ta nhận ra đó là một thứ “nhịp sống” giống với cái “khí vận sinh động” của Tạ Hách. Vậy với triết Đông ta cũng thấy được cái gì tương tự như phía các họa sĩ Tây Âu là tự mô phỏng hình hài tiến đến chỗ đi tìm cái form, cái hồn, cái nhịp sống của sự vật, thì triết Việt Nho cũng đã vươn lên đến đợt tâm linh (tương đương cái “khí vận sinh động”) nên đã đi từ thi ca vũ nhạc để lên minh triết, không duy lý hay duy tình nhưng tình lý bao lấy nhau. Dấu bên ngoài của sự vụ đó thì như tục cúng ông bà vươn lên lễ Gia tiên. Từ Thượng đế nhân hình vươn lên Hạo Thiên “vô thành vô xú”. Chỗ nào cũng duy trì được nét song trùng dọc với ngang, trên với dưới, nhờ vậy tránh được nạn duy lý để trở nên nền triết lý nhân sinh toàn diện, gọi là nhân chủ tức con người không bị tước đoạt mà còn giữ được, còn làm chủ được mệnh hệ của mình. Trong con người thì tâm tình là phần lớn hơn hết đã không bị đàn áp như nơi Plato, nhưng được tài bồi vun tưới. Bước vào trường học triết môn sinh không phải học khoa lý luận, biện chứng, trái lại được học thơ, tức học về tình người, tình trai gái yêu thương gạ hỏi, tình mẹ cha, tình anh em đằm thắm trong gia đình, làng xóm, rồi tiếp tục bằng lễ bằng nhạc, đến độ lễ nhạc thay cho pháp hình, vì pháp hình đặt trên con người dễ dàng đi đến vi phạm quyền làm người.                                               Vì vậy nếu nghiên cứu thấu triệt thì thấy không thể có cuộc cách mạng với triết Việt Nho nữa khi hiểu cách mạng là đổi nền móng. Cộng sản Việt cũng như Tàu luôn luôn nói cách mạng là tỏ ra vong bản vong quốc, ngu dại chạy theo Tây Âu. Tây Âu đặt nền tảng vong thân, tha hóa con người nên cần đổi lại, cần phải cách mạng, chứ còn mình đã có nền tảng vững mạnh rồi, cách mạng chi nữa. Tất cả những gì cộng sản đang cố hiện thực trong thực tế như công bằng và văn hóa đại chúng thì đã có trong Việt Nho không những cách sâu xa mà còn kèm theo những thể chế mềm dẻo dễ thi hành, không cần đổ máu. Vậy nếu cần làm thì không phải là cách mạng. Hãy để việc đó cho Tây Âu, phần mình phải là phục hoạt, cải tiến phương tiện…                               Cũng phải nói như thế về nghệ thuật và triết học: đường hướng cần theo không phải là đi rước duy lý Tây Âu về gieo rắc rồi lại làm cách mạng phá đổ duy lý để rồi không biết theo ai: con đường phải phục hoạt là “tố nguyên” là trở về với nguồn gốc chính truyền của Việt rồi Nho. Lúc đó sẽ thấy về nền tảng mình đã có một cách sâu xa và thi vị.
Hỏi nếu Việt Nho đã có được như vậy thì tại sao lại thất thế trước văn minh Tây Âu? Thưa đó là tại con cháu đã quên đi. Triết lý cũng như nghệ thuật đều là những thực thể sống động, không phải như cái máy hay đồ dùng một khi làm ra rồi cứ vậy mà xài. Đàng này là thực thể siêu linh của con người đầy sống động tính, nên mỗi đời phải tiêu hóa rồi thích nghi áp dụng. Phải đưa vào đạo lý cổ truyền những giải nghĩa sáng tạo. Chính vì Việt Nho đã thiếu điều đó trong thời mới này nên phải thua thiệt trước các làn tư tưởng Tây Âu, tuy nghèo nàn về chất nhân chủ nhưng lại hoạt động mạnh tên mặt ý thức, vì thế mà thắng cuộc.
Thế nhưng nay thời thế đã đổi chiều. Người Tây Âu đã nhìn ra chỗ hư hỏng của văn hóa nọ. Họ lại đang hướng về Đông phương. Còn người Đông phương nay cũng đã nhìn ra rằng: Tây phương không hẳn hơn về mọi phương diện, và dầu sao nếu muốn xuôi việc thì mình cần phải tìm cho ra nền văn hóa của mình. Như vậy thì kết luận được rằng: chỗ đứng có rồi đó, rất chững chạc đặt mãi trên hàng danh dự. Còn có nhận chức hay không thì tuỳ ở chúng ta. Nếu chúng ta muốn nhận thì người Việt phải thêm vào nền văn hóa của mình một chiều kích mới nửa. Đó là triết: cần rất nhiều người Việt lưu tâm đến triết trong thời buổi đây đấu tranh này. Một nền văn hóa chỉ có thơ nhạc, văn nghệ, văn học như của ta tới nay thì tuy là rất đáng bảo trì, nhưng phải nó đó mới là văn hóa thời thanh bình. Gặp thời có văn hóa ngoại xâm thì chúng chỉ là những súng trường, cùng lắm thì là tiểu liên, đại liên, đại bác chưa đủ để chận đường tiến của văn hóa địch: cần phải có thêm xe tăng, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm. Trong văn hóa chỉ có triết mới chơi nổi vai trò nọ. Đời nay câu nói “les idées gouvernent le monde = ý tưởng dẫn đưa thế giới vẫn con thực như bao giờ. Vậy khoa chăm lo đến các ý tưởng chính là triết. Thiếu nó là thiếu sức mạnh. Thiếu nó chúng ta đã mất chỗ đứng ngay tại nơi quê nhà, trống gì mon men tới chỗ đứng trong hoàn vũ.


X. PHO TƯỢNG ĐẸP NHẤT CỦA VIỆT TỘC
H.83: Hình Tượng Nữ thần mộc (núi Nưa)
Đó là tượng núi Nưa gắn liền với chuôi gươm ngắn. Tượng có hình đầu nhọn, tai to, mắt hai vòng coi rất uy nghi lanh lợi. Dáng điệu cương quyết tự lập biểu lộ rõ trong tư thế đứng với hai tay chống vào hông. Các nhà nghiên cứu cho đó là tượng đẹp nhất trong các tượng của Việt Nam. Với con mắt triết thì đó còn là cái đẹp của trai hùng gái đảm, của con cháu bà Nữ Oa đội đá và trời.
Pho tượng được phát hiện trong một khung cảnh rất xứng hợp với ý nghĩa, đó là núi Nưa nằm trong huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, quê hương của Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh có anh tên Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực miền núi Nưa. Bà có sức khoẻ chí lớn lại thêm mưu trí, mới lên 19 tuổi đã cùng Anh tập hợp nghĩa sĩ trên núi Nưa để chuẩn bị khởi nghĩa như còn truyền lại trong câu hát ru con miền ấy:
Cái ngủ mày ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi:
Có Bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng
.
(Khi truyền đi xa nó loãng ra thành “Có Bà Nữ tướng cỡi voi bành vàng” ...)
Có kẻ khuyên bà lấy chồng quan chứ đừng làm loạn. Bà đáp: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạo luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Quả là tiếng nói trung thực của Bà Trưng, Bà Triệu, bà sao cải, bà giàn, bà nành, bà đậu… đều cùng một dòng máu với “Bà trồng cây xây núi”. Tất cả nói lên vai trò đầy hoạt lực và quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong xã hội cổ xưa. Tuy vậy trên đây mới là những điều mắt thấy tai nghe còn để đi vào huyền sử lúc ấy mới hiểu được cái đẹp mênh mông của pho tượng.
Các nhà khảo cổ chưa biết tượng được đúc vào thời nào, nhưng nhìn theo lối triết thì đoán được vào thời trống đồng (đầu thiên niên kỷ I tr.c.n) tức vào cuối thời mặt trời, vì pho tượng có ghi đủ nét của quẻ Li. Quẻ Li biểu tượng cho: 1) mặt trời, 2) chớp, 3) lại có nhẫn (tròn), 4) mũ nhọn tam giác, 5) gươm. Tất cả bấy nhiêu đều gặp thấy ở tượng: trên đầu là mũ nhọn (một thứ nón chóp). Tiếp tới là những tia chớp (của mặt trời) rồi tới vòng tròn trên hai mắt và tai (chỉ thái dương); còn gươm thì đã hiện hình ở dưới chân rồi, đại biểu cho cương đối với tượng nữ chỉ nhu.
Đó là về thời đại. Nếu hỏi có thể đặt tên cho pho tượng chăng thì thưa rằng được: đó là tượng nữ thần mộc. Trước hết vì đây là thời ngự trị của nguyên lý mẹ, của nữ thần, của quê nước, của “quê mẹ”. Thứ đến là cái mũ có hình tam giác tức có số 3 tiềm ẩn trong đó, mà số 3 là số của hành mộc. Chính vì những liên hệ ngầm đó mà các tượng xưa của Việt tộc đều có đầu nhọn kể cả tượng cóc, tượng chim. Phụ nữ Việt xưa hay trùm vất khăn trên đầu thành mũi nhọn, hoặc là đội nón chóp (có nói dài trong quyển Sứ Điệp). Các tượng Phù nam cũng đội mũ nhọn như vậy. Ta biết tục này xuất hiện trong thời thờ mặt trời, nên tượng thần mặt trời Shamah bên Mésopotanie cũng đầu nhọn như vậy. Bên Việt vì môi sinh tinh thần là lưỡng hợp đã có cương phải có nhu, nên trên gươm là cương phải có nữ thần là nhu. Mộc là số 3 căn số 9, nên nữ thần mộc cũng có tên là “Cửu thiên huyền nữ”. Chính chữ cửu là 9 này đặt nền cho phép cai trị gọi là Cửu Lạc mà trong sách nho gọi là “Lạc Thư”, cũng căn cứ trên số 9, nên Lạc Thư gọi là sách mẹ. Vì thế ta có thể nói bài dậy của Nữ thần mộc trở nên sợi dây chạy xuyên qua toàn bộ triết lý Việt Nho. Về phía Nho thì đầu nhọn (tam giác) liên hệ với thuyết Tam tài, mà Tam tài là nền tảng cho thuyết nhân chủ, tức tự lực tự cường không dựa vào trời hay đất (không duy tâm hay duy vật) nhưng đường đường một vị trượng phu có trời mà cũng có ta. Cho được như vậy thì nhất định con người phải có cả hai chiều ngang dọc như chữ Đinh. Việt Nam quen chỉ bằng hai chữ nhân dân, thì nhân chỉ nét dọc là đại ngã tâm linh, còn dân là con người cá nhân sống trong xã hội, nên là nét ngang, tức đã hiện hình tích cụ thể và tự nhiên phải sống lệ thuộc vào các mối liên hệ đó. Tuy về nét ngang cũng cần phải giáo dục, nhưng nền tảng phải là nét dọc. Thiếu nét dọc là thiếu phần căn bổn, thiếu phần tâm linh nên cần được Nữ thần mộc dạy. Vì thế huyền sử nứơc ta có truyện Nữ thần mộc dạy anh em Lộ Bàn, Lộ Bộc biết làm nhà chữ Đinh. Nếu hỏi tại sao nói dạy làm nhà mà không dạy cái khác?
Trong chữ Nho dạy làm nhà phải hiểu là dạy làm người, dạy xây trên nhân tính, và khi ai đạt nhân thì gọi là “nhập ư thất”, nhập vào được trong nhà. Trong Nho hai chữ gia thất đều là nhà nhưng gia chỉ con trai, vòng ngoài của dân, còn thất chỉ con gái, cái gì thân mật vòng trong của nhân. Khi muốn dùng chữ nhà chỉ nhân tính thì phải dùng chữ thất: nói nhập ư thất mà không nói “nhập ư gia”. Câu nói “nhập gia tuỳ tục” chỉ tỏ bình diện tục lệ hiện tượng. Không phải bình diện tâm linh. Tâm linh phải nói thất vì thế không nói thái gia mà nói Thái Thất. Ai đạt độ đợt thái thất thì kể là thành nhân. Thành cùng cực thì như Thần: “chí thành như thần” là thế. Chính trong ý đó khi Khổng Tử nghe Tử Lộ gảy đàn thì nói Lộ mới lên đến tiền đường mà chưa nhập vào trong nhà: “Do dã thăng đường hỹ vị nhập ư thất dã” (L.N XI 14). Việt Nho rất chú trọng đến đạo làm người, điều ấy tả bằng truyện Nữ thần mộc dạy Lộ Bàn Lộ Bộc làm nhà chữ Đinh. Lộ Bàn Lộ Bộc là những tên khác nhau chỉ “Bách Việt”. Khi nói Hùng Vương chi nước “Văn Lang” thành 15 bộ thì tức là tỏ ý muốn hiện thực bài học của Nữ thần mộc (số 3 nhân với 5 thành 15, xem thêm trong Sứ Điệp).
Những tổ sư nghề mộc gọi là lỗ Ban cũng tỏ ra rất chú ý đến bài dạy của Nữ thần, thí dụ khi làm nhà chú ý đến vụ đặt đòn dông, tức đòn đông (chỉ hành mộc) còn nhà thường là ba căn hai chái (đôi khi 5 hoặc 1 căn thì cũng còn nằm trong liên hệ số lẻ chỉ trời: cửu thiên).
Về phía Nho thì tự Tam tài, xuyên qua Ngũ hành cho tới Lạc Thư lúc nào cũng bám sát nguyên lý Mẹ. Thiếu nguyên lý Mẹ văn hóa tất sẽ biến ra duy lý, dẫn đến duy vật theo nghĩa rất trầm trọng là con người bị sự vật sai sử và phản ảnh vào thực trạng là xã hội có giai cấp: bên chủ bên nô. Đã có giai cấp là có đấu tranh, mầm mống gây nên muôn ngàn đau khổ cho con người ở đó. Thế giới chia hai một bên tư bản một bên cộng sản kình chống nhau cũng là do thiếu bài học của Nữ thần mộc mà ra. Vì thiếu chất tâm linh nên chỉ còn là sức mạnh bạo tàn, xã hội xây trọn vẹn trên kinh tế: kẻ có làm chủ, người không làm nô, dẫn nhau vào con đường vong thân cũng gọi là alienation mà một trong nguyên nghĩa là bán cho ai, ở đây là con người bị bán đoạn mại cho sự vật để sự vật mặc tình sai sử, đến độ không nhận thức ra sự tủi hổ, còn vô liêm sỉ tung hô là “hạ tầng cơ sở chỉ huy thượng tầng văn hóa”, và dồn hết tâm lực vào việc đổ khuôn xã hội theo “duy vật sử quan” như vậy.
Đó không chỉ mới lạ mà là bi trạng của nền văn hóa Tây Âu triền miên lê mình trong giai cấp đấu tranh tức là trong duy vật, đến nỗi cả triết học là khoa học lẽ ra phải bên vực con người, thế mà cũng hè theo duy vật. Mãi tới thế kỷ 18 Kant mới hé nhìn ra bi trạng của con người và nói lên trong thuyết finalité sans fin: “cứu cánh không mục tiêu” tức con người đã mang cứu cánh ngay trong mình khỏi cần tìm cứu cánh bên ngoài, khỏi cần biện minh cho sự tồn hữu con người bằng gán cho nó một mục tiêu ngoài nó. Không, con người sinh ra chính là để làm người, làm người cho hết cỡ người, cho tới khi “nhập thái thất”, chứ không sinh ra cho ai cả, không cho đảng, không cho nước…
Không phải sinh ra để sản xuất hay để làm chi khác, bấy nhiêu chỉ là tuỳ phụ mới thuộc dân, còn thiếu chiều kích quan trọng hơn nhiều là nhân, phải là nhân. Con người phải là nhân dân, dọc ngang đầy đủ. Hại thay Kant chỉ hé thấy mà không đặt nổi nền tảng cho thuyết nhân chủ, thuyết duy vật vì đấy không gặp trở lực nào nên tha hồ lớn lên mãi, bàn trướng sang tận bờ cõi nước Việt. Khiến chúng ta phải mất quê mẹ, trở nên những người tị nạn thất thểu “không nhà không nước, không chốn hướng về” ngay trong nghĩa thông thường của chữ ấy. Đó cũng vì duy lý không được Nữ thần mộc dạy làm nhà, còn Việt Nho thì lại quên lời Bà dạy. Hy vọng có thiết tới thân như vậy may ra biết mở mắt để trở lại tìm hiểu bài dạy của Nữ thần. Bài học đó còn đựơc phản chiếu lại trong lễ thành Đinh của Việt và lễ gia quan của Nho: cả hai cùng một ý nghĩa.
Lễ thành Đinh là một biến cố quan trọng của đời người được cử hành chung quan tuổi 20 để đặt nổi việc đứa con đựơc đưa ra khỏi sự lệ thuộc mẹ cha, để tự mình gánh lấy trách nhiệm của mình. Đây là bước cao nhất trong chuỗi các bước tiến hóa, vì sự tự gánh lấy trách nhiệm đòi không những làm việc mà còn phải biết cân nhắc trước sau, phải xem hoàn cảnh đó và những tiền căn, tiền lý như kia mà làm việc nhọ thì sẽ sinh ra hậu quả nào, gây nên âm vang sao cho mình, cho nhà, cho nước v.v… Như thế là việc gánh trách nhiệm đòi một sự phát triển hết các khía cạnh của trí, tình, chí là điều cần thiết để bước vào đợt tâm linh sẽ đến sau… Vì vậy lễ Thành Đinh được cử hành bằng nhiều cuộc thi: thi chạy, thi vật, thi nấu cơm, thi xâm mình… Thi biểu lộ sự cố gắng cũng như tài sáng kiến, cả hai đều cần cho con người. Khi bước vào đời: phải cố gắng tự cường tự lập, lại phải biết sáng kiến tức tuỳ mỗi thời mà biến chuyển. Đó là những đức tính chỉ có mình tự làm lấy, ít nhất phải tự cố gắng phát triển, để leo cao mãi đặng một ngày kia có thể bước vào cõi tâm linh.
Vì tâm linh chân thực chỉ phát triển ra sau những kinh nghiệm ở đời. Theo vòng con giáp thì can Đinh đứng trước hai can Mậu Kỷ với nghĩa Mâu là làm cho tươi tốt, Kỷ là mình tức là Đại ngã tâm linh, vì thế để hai can này đựơc đặt ở trung cung như đã nói trên trong bài Con giáp. Nói theo cơ cấu thì Mậu Kỷ là cái nhân của Bánh chưng gồm 12 địa chi: tí, sửu, dần, mão… Còn Bánh dầy là tám can còn lại bao quanh lấy 12 địa chi: giáp, ất, bính, đinh (Mậu Kỷ) canh, tân, nhâm, quý. Đi hết 12 chi là người dân tốt. Đi hết vòng 8 can là người nhân toàn vẹn. Cả hai vòng phải giáp nhau (nên gọi là con giáp). Như vậy thiên can và địa chi gồm cả nhân lẫn dân. Còn sự phát triển đến cùng cực chỉ bằng hai can Mậu Kỷ là chí thành. Thành là thánh, chí thành là chí thánh, mà chí thành thi như thần. Ngấp nghé ở can Đinh là hi hiền, bước chân vào Mậu Kỷ là hi thánh. (Chú thích: chữ hi có nghĩa ước mong cố gắng giống chữ philo Hy lạp là quý mến ước mong. Philosophia là quý mến triết lý. Giống nghĩa hi hiền trong nho là ước ao trở nên hiền triết).
Tất cả đều đáng kính tô. Vì vậy Việt nho có lễ tế các vị tiên hiền tiên thánh vào ngày đinh trong 2 mùa Xuân Thu tức mồng bốn tháng hai và tám.
Sau đây xin nói ít lời về lễ gia quan. Lễ này cũng được tổ chức cho con cái khi chúng bước vào tuổi thành nhân (chung quanh 20) trong lễ đó cha mẹ làm lễ trao lại cho con quyền tự trách nhiệm về mình. Vì thế đội cho một mũ (quan) để chỉ sự tự lập: từ nay con tự mang lấy trách nhiệm về minh, không còn phải lệ thuộc vào mẹ cha, hơn nữa không được lệ thuộc ỷ lại vào mẹ cha nữa. Vì tính lệ thuộc ỷ lại làm ngăn trở sự phát triển óc độc lập tự cường, vốn mang trong mình ý nghĩa siêu linh hàng dọc, tức là một chiều kích của nhân chủ mà bao lâu con người chưa đạt được thì kể là vong thân tức lệ thuộc vào sự vật bên ngoài mình. Bởi vậy lễ gia quan đứng đầu trong các lễ theo thứ tự: quan, hôn, tang, tế để tỏ rằng nếu không thành nhân, nói theo Việt là nếu không thành đinh gồm cả ngang cả dọc, thì kể là uổng một kiếp người. Vì thất thân là thất trọn vẹn.
Tự ngày làm lễ gia quan thì người con mang tên mới gọi là tự: hàm ngụ ý tự mình đặt tên cho mình, nên tên đó phải gói gọn cái chương trình và lý tưởng tự mình đặt ra để cố hiện thực, sau này khi mình qua đời gia tộc sẽ đặt cho một tên khác gọi là thuỵ hay hèm tục gọi là tên cúng cơm. Khi gia tộc đặt tên thuỵ thì phải xét lại cái chương trình đề ra trong tên tự xem đã hiện thực được đến đâu. Như vậy ý nghĩa gia quan nói lên rất rõ ý nghĩa tự lập cả hàng ngang xã hội thuộc dân, lẫn hàng dọc tâm linh thuộc nhân. Lễ thành đinh nói lên 2 nét dọc ngang rõ hơn ngay trong dạng tự chữ Đinh thành bởi một nét ngang một nét dọc.
Lễ Gia quan trong Nho cũng nhằm mục đích đề cao quyền tự chủ của con người ở tại cha mẹ trả lại việc trách nhiệm mà cha mẹ đã tạm phải gánh khi con chưa tới tuổi trưởng thành. Nhưng khi con đã tới tuổi đó thì trả lại cho con. Trong buổi lễ người con nhận ba mũ, sách nói để chỉ ba nhà Hạ, Thương, Chu nhưng thực ra ý nghĩa siêu việt chỉ thuyết Tam tài, con người là một trong Tam tài nhận mũ ở thềm Đông (số 3 hợp với Nữ thần mộc) để tỏ ra là chủ nhà. Ý nghĩa sâu xa là để làm người (vi nhân) mà mỗi người phải tự làm lấy, “vì trong vũ trụ không có ai sinh ra đã là quý phái, là đáng tôn trọng” (thiên hạ vô sinh nhi quý giả dã, sách Nghi lễ, chương đầu: lễ quan sĩ). Muốn được tôn trọng thì phải tự mình nhận lấy việc làm người, và trở nên người, nói bóng là tự làm nhà chữ Đinh, hay tự đúc tượng.
Đó là đại để ý nghĩa lễ gia quan, cũng là ý nghĩa lễ thành Đinh. Tất cả có thể gói gọn vào một chữ Trung mà sách Trung Dung định nghĩa là đứng độc lập không ỷ lại vào đâu hết.
“Trung lập nhi bất ỷ”. Đứng ở giữa không ỷ lại bên này hay bên kia.
Ta có thể đặt phương trình giữa tượng Nữ thần mộc với chữ Trung như sau:
Hình                                                                                                                      Hãy nhìn ngắm kỹ phương trình cả tượng lẫn chữ Trung, lúc ấy và chỉ lúc ấy thôi sẽ thấy tượng tỏa lên một cái đẹp huyền bí siêu tuyệt nói mãi không cùng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...