Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Mã Văn Hóa

THỬ MÁU VĂN HÓA VIỆT
Kim Định

      Huyền sử là một loại sử có biên cương ẩn hiện trùm lên cả sử ký lẫn cổ sử và tiền sử, nó không có những chứng liệu đích xác như sử ký vì phần nhiều nó phải tìm chất liệu trong huyền thoại là thứ mà ý nghĩa lùng bùng như cao su ai kéo chiều nào cũng được. Vì thế việc giải nghĩa huyền sử vốn đã là chuyện khó, còn trở nên khó hơn thập phần phức tạp vì các huyền thoại đã hầu hết bị giật ra khỏi môi sinh tinh thần của chúng, bị chặt nát bét ra, ghép lại lộn xộn: râu ông cắm cằm bà là chuyện rất thường. Vì thế chẳng mấy khi dùng được huyền thoại y nguyên, mà phải dày công so đo kê cứu.                                                                               Để chứng minh điều đó, nhân tiện cũng là nhắn gửi những ai muốn đi vào huyền sử phải gia tăng chăm chú trong việc thâu thập tài liệu: phải đọc nhiều đã vậy nhưng nhất là đừng đọc bản tóm, vì bản tóm đánh mất hầu hết những mối liên hệ nằm ngầm thường ẩn trong những tiểu tiết thoạt nhìn tưởng như vô tích sự.            Bài này sẽ đưa ra ít thí dụ, phần lớn xoáy vào Si Vưu một “nhân vật” bị hiểu lầm nhiều nhất, nhưng lại đóng vai trò lớn trong khúc quanh lịch sử của Viêm Việt. Si Vưu có tên được ghi ngay trang đầu huyền sử nước ta rằng “Đế Nghi muốn bắt chước Đế Minh trong việc tuần thú phương nam nên trao nước lại cho Si Vưu rồi lên đường nam tiến”. (Xem Kinh Hùng số 3) Như vậy thì Si Vưu là họ hàng nhà, cớ sao trong dĩ vãng lại bị coi là giống ác độc? Cần phải tìm cho ra nguyên uỷ vụ này. Để làm điều đó ta hãy thử dùng một phương pháp mà tôi gọi là thử máu văn hóa xem Việt có loại máu nào? Si Vưu có cùng loại máu với Việt tộc chăng? Đây chính là lối nhận họ văn hóa một cách khoa học hơn hết.                   Muốn thử máu Việt tộc thì dễ, vì huyền sử nói nước Việt thuộc “mẹ tiên cha rồng” (long phụ tiên mẫu). Như vậy nếu nói cho có vẻ khoa học thì đó là loại máu TR (tiên rồng) tức là loại máu cao trọng và siêu việt hơn hết, nên tiên đựơc chỉ bằng một loại ngỗng trời (Hồng) cũng gọi là thiên nga: hàm ý bay thấu tới trời. Đó là dòng máu mẹ. Còn dòng máu cha rồng thì lặn sâu tới tận đáy bể: tức không còn thể sâu hơn được, nên trong huyền sử đấy đại dương thường được dùng để chỉ thị những chân lý sâu xa nhất. Muốn nhận họ ta chỉ việc xem ai có dòng máu TR thì nhận là có họ không sợ sai; nhưng trong thực tế sự vụ lại không dễ dàng như vậy vì xuyên qua nhiều hoàn cản dòng máu TR đã biến thể rất nhiều thí dụ về Si Vưu là loại máu SV nhưng cũng có tên QH hay LM… Vậy trước hết ta hãy phân chất máu SV của Si Vưu coi thử có họ với dòng máu TR chăng. Rồi lần lượt tới loại máu QH và LM.                                                                                                     Điều trước hết ta thấy Si Vưu thuộc dòng dõi Thần Nông, đầu cũng có sừng y như Thần Nông, nên nhờ Thần Nông có họ Khương (chữ hán). Chữ Khương có bộ dương trên với hai cái ngà. Vậy là văn hóa nông nghiệp lúa mễ. Đó là điều hợp đầu tiên với dòng máu TR.                                                                                     Điều thứ hai Si Vưu cũng có tên khác là Thao Thiết sinh bởi ông Quỳ và bà Huyền Thê, như vậy là thuộc loại máu QH, tức họ máu hàng dọc với loại máu TR. Vì Quỳ cũng là rồng, Huyền Thê cùng họ với huyền điểu thuộc tiên, nên nói ông Quỳ lấy bà Huyền Thê cũng như nói Âu Cơ lấy Lạc Long Quân: hai loại máu QH và TR. Có bản đọc Li Vưu thì cũng không xa vì Li là rồng vàng, còn Vưu là thượng thặng “par excellence”: nói về người đàn bà tuyệt đẹp người ta dùng chữ vưu vật. Như vậy Li Vưu là rồng vàng thuộc Hoàng Việt (Hoàng có nghĩa là Vàng). Cũng trong vòng chữ li, Si Vưu còn gọi là Li Mị với nghĩa là thần đầm ao (li) và thần núi (mị) như vậy là nói kiểu khác hai chữ non nước hoặc tiên rồng: li là rồng, mị là tiên (tiên ở trên núi). 
     Về chữ li mị này (chữ hán) có sự rắc rối vì người Tàu đọc là Si Mị. Từ điển Từ Nguyên cho cách đọc là “sách y thiết như si chi vân” và giải nghĩa rằng “theo thuyết xưa thì li giống như rồng vàng, không ngà”. Còn người Việt ta lại đọc Li Mị. Người xưa khắc hình thứ rồng này vào đầu cột nhà và gọi là Li đầu. Người Tàu đọc Si đầu, ai phải? Theo luật chung thì chữ kép có hai bộ phận, một bộ là để hội ý, một bộ là hài thanh: như chữ li thì có bộ trùng (hán) hội ý chỉ con vật, còn li là phần hình thanh. Vậy đọc li là phải. Tại sao Tàu đọc Si căn cứ trên bộ trùng mà Tàu phát âm gần như si. Vậy chữ li bỏ đi đâu? Cho nên ta suy đoán được rằng đó chẳng qua là cái thuật chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm lý. Li Mị là thủ lãnh các dân Man Di nên thay vì Li Mị thì đọc là Si và gắn liền vào Mị (hán) viết với bộ quỷ cho thêm bệ rạc để chỉ những tinh quỷ trên núi, theo đó ta có thể hiểu Si mị chính là li mị bắt nguồn từ những kháng chiến ẩn nấp trên núi để chống Hoa tộc xâm lăng, coi như “xuất quỷ nhập thần”. Còn nghĩa đơn sơ thì hiểu được là con rồng vàng (li) của dân Mị (nhớ Mị là họ rất lớn trong Sở, tức là Kinh Man, Kinh Việt, cũng là họ lớn trong nước Văn Lang). Ta đọc Mỵ Nương, người Mường đọc là Mễ Nàng gì đó. Vì sự biến thái của ngôn ngữ, nhiều khi do sự cố ý của kẻ thắng nên sau con cháu không nhận ra được họ hàng giữa Việt tiên rồng với Si Vưu, Li Vưu, Li Mị. Khác tên nhưng cũng họ máu. Và xin đề nghị từ nay ta sẽ đọc Li Vưu.                                                       
     Cũng trong ý đồ đánh lạc hướng nọ chữ Bàn trong tên Lộ Bàn Lộ Bộc có liên hệ với Bàng, Bành, Bà, Ba (Hồng Bàng, Bành tổ, Bành Lãi, Hồ Bà Dương cũng đọc Ba Dương) phát nguồn từ rồng quận khúc có tên là Bàn Quỳ, lại bị đèo theo một âm là phiên để chỉ những sâu bọ bên dưới chum (lu) lọ là để nhằm hạ đối phương. Các thể rồng khác của Việt đều bị hạ như vậy. Quỳ là rồng đầm ao thì bị Hoàng Đế bắt lột da bưng trống! Lúc ấy Tàu chưa nhận rồng làm vật biểu, rồng mới là của Việt nên bị khinh khi. Tuy nhiên truy căn thấu đáo mới nhận ra Li Vưu thuộc dòng máu rồng tiên nên loại màu LV này cũng là họ máu hàng dọc với loại máu TR. Li Vưu còn là tên một ca đoàn trưởng, một vũ đoàn gồm 81 người, có khi 72. Trong đoàn vũ có một người mang cái nõ bự. Rõ ràng là hình ảnh đoàn vũ trong trống đồng cũng có cái nõ bự. Nõ là khí dụng riêng của Việt tộc có nói đến trong truyện thần Kim Quy. Tàu lúc xưa mới có cung, chỉ có đòn ngang, phải có thêm đòn dọc nữa như chữ Đinh T mới ra nõ. Chữ nỏ là do phiên âm tiếng Việt: nõ, ná. Tự điển Từ Nguyên có cho Si Vưu sáng tạo ra dao, kích, và đại nõ. Dao đây là thứ dao cong cũng gọi là Côn Ngô dùng trong việc tế tự, nó cùng loại với cái phủ việt cũng lưỡi cong (hình phủ việt). Kích cũng tên là cái qua đã bàn trong Sứ Điệp với bộ hình vài ba. (Hình phủ việt)                                                       Còn rất nhiều truyện về Li Vưu, nhưng bằng ấy tưởng tạm đủ để chứng minh Li Vưu cùng một dòng máu TR như Việt tộc, cùng bộ cơ cấu “vài ba”. Nên nhớ bài vũ đầu tiên của Việt nho có tên là “lưỡng lưỡng tam tam” chính là bài vũ Li Vưu, căn cứ trên bộ số nền tảng “vài ba tham lưỡng” đó.                                        
     Li Vưu cũng còn được gọi là nhà lãnh đạo của Tam Miêu một chi dẫn đầu của Cửu Lê mà Cửu Lê là toàn khối người Thổ trước (Viêm tộc) đã cư ngụ rải rác trên toàn cõi nước Tàu lâu, rất lâu trước khi người Tàu xuất hiện như một dân tộc. Đoàn vũ có 81 người đó là 9*9 = 81; căn 9 là 3. Còn 72 là 8 hàng vũ 9 người. Chữ Tam trong Tam Miêu nên hiểu là số 3 căn của 9 (Cửu Lê) tức cùng loại cơ cấu “vài ba tham lưỡng” và 3-9 được cụ thể vào 3 hồi 9 tiếng trống vẫn được khua lên trước mọi cuộc hội hè của Viêm Việt. Chữ miêu theo nghĩa nguyên thuỷ là mạ, chỉ nông nghiệp ruộng nước (lúa mễ) có gieo mạ. Lúc mễ mọc ở Đông Nam trước sau đã lan lên tận mạn Bắc Tàu, rồi do đó đôi khi có nghĩa chung chỉ cốc loại vì tính chất phổ quát của nó.                                                  
     Thế nghĩa là đất Tam Miêu cũng chính là đất của Văn Lang và nó trải ra cực kỳ rộng có thể nói khắp cõi nước Tàu, mãi cho tới sau này trong các sách Tả truyện, Chiến Quốc Sách… vẫn còn thấy Tam Miêu chiếm cứ toàn vùng Hồ Bành Lãi, Động Đình, Vân Sơn, Thái Hồ tức hợp với hai châu Kinh và Dương của Lộc Tục xưa. Nhưng trước nữa theo Kinh Thư thì thấy Li Vưu được thờ ở Sơn Đông, ở nước Tề, lan cả lên Mãn Châu; phía Tây thì lan đến núi Tam Nguỵ vùng Cam Túc, tức toàn cõi nước Tàu. Vì thế các học giả đời nay gọi Tam Miêu hay Cửu Lê là liên đoàn các dân hoặc liên bang các dân: Confraternities of people, Confederation of people. Need II. 117. Tự điển Từ Nguyên dẫn sách Lễ Ký (theo lời giải nghĩa họ Trịnh) gọi Tam Miêu là Li Vưu và sách Thượng Thư Khổng Truyện cho Li Vưu là Cửu Lê, rồi cho hai sách đó bất đồng. Sự thực rất đồng tức Li Vưu hay Tam Miêu là chi lãnh đạo của Cửu Lê (3*3=9). Lê, Lộ (Bàn) Lạc, Lai cùng một họ. Ta có thể gọi gồm tất cả các thứ dân đó vào hai chữ Tứ Hải hay Tứ Di, rồi sau biến ra Bách Việt… đều chỉ toàn khối các dân cư ngụ trong nước Tàu đã có lâu trước dân tộc Tàu. Huyền thoại nói dân tộc Tàu đã xuất hiện với Hoàng Đế. Các nhà khoa học nay cho đó chỉ là sự hoàn toàn bịa đặt (pure phantasy, Legge) vì không tìm được di vật khảo cổ nào chứng minh. Nhưng ta có thể cấp cho Hoàng Đế một thẻ căn cước theo lối huyền sử để giúp vào việc hiểu biết hơn về mẫu người đại diện văn hóa nông nghiệp Đông Nam là Li Vưu, tức coi Hoàng Đế là một mẫu người đại diện cho nền văn minh du mục phát xuất từ Tây Bắc. Theo sách Trúc Thư Kỷ Niên thì Hoàng Đế có tên là Hữu Hùng và Hiền Viên. Cả ba tên đều nói lên tính chất du mục xâm lăng. Thứ nhất là chữ đế chỉ đế quốc, chiếm đoạt. Thứ hai đến chữ hùng là con gấu: rõ ràng du mục vì du mục thường nhận ác thú làm vật tổ, những bức chạm trổ người có hình hổ tìm được ở Sơn Đông hẳn phải có liên hệ với Hữu Hùng ở đây. Thứ ba Hiên Viên tuy là tên núi mà cũng có nghĩa là xe nói lên liên hệ với công và thương gắn liền với du mục, y như sĩ, nông đi với nông nghiệp. Sách Thế Bản gán cho Hoàng Đế nhiều phát minh, điều đó rất đáng ngờ, nhưng có điều chắc là ông khởi đưa vào Tàu 2 yếu tố văn minh, một là luật hình đối nội, hai là chiến tranh chiếm đoạt đối ngoại (Kwang I. 216). Xin nhớ văn minh ở đây hiểu trong liên hệ với thành thị, còn văn hóa hiểu liên hệ với nông nghiệp, nông thôn (Civ. I. 2). Theo đó thì Hiên Viên chinh phục Li Vưu tức là du mục lấn át văn hóa nông nghiệp; thị xã lấn át nông thôn v.v…  Chắc vì lý do sâu xa này mà Hiên Viên có tên là Phong Long tức thần sét (lôi công). Ông có được một người con gái đặt tên là Nữ Thần Bạt chủ về đại hạn. Rõ ràng là những dấu chống Li Vưu vốn có hai thần gió và mưa phụ tá chỉ nông nghiệp ruộng nước sợ đại hạn cần mưa. Đó là những khía cạnh đối kháng của hai nền văn hóa mà hai trận tuyến đã khởi từ xa xưa: một bên Hoàng Đế đại diện văn minh, bên kia là Li Vưu đại diện văn hóa. Nói theo Hoàng Đế đại diện kỹ thuật còn Li Vưu đại diện tình người (nhân bản). Vì thế trận tuyến đó sẽ còn diễn dài dài vì là cuộc chiến thuộc văn hóa: bên nông bên du chẳng bao giờ hết được. Về mặt quân sự Hoàng Đế đã giết Li Vưu, đã đánh tan Tam Miêu, vậy mà cho đến “cháu 5 đời” là Nghiêu vẫn còn bị phiền hà với Tam Miêu. Ông Thuấn cũng phải đánh dẹp và cho là xong, thế mà đến đời ông Vũ còn phải cất quân đi đánh Tam Miêu nữa và thua, đành trở về mặc áo lông chim rồi dùng cái mộc và giáo mà múa: lúc ấy Tam Miêu mới chịu phục. Như vậy có nghĩa là ông Vũ phải múa theo kiểu Tam Miêu, tức có mang lông chim khi múa, nói vắn tắt là phải theo văn hóa Tam Miêu. Y như trước kia Hiên Viên cũng thế, các nhà khoa học cho là Hiên Viên đã tiếp thu phù hiệu và biểu tượng với các kỹ thuật của Li Vưu, nhờ đó mà Hoàng Đế “trở nên nhà sáng tạo đủ điều” nào là đúc đồng, đúc trống, nào là làm nhà, dệt vải… Sự thực không phải là sáng tạo mà chỉ là “tiếp thu” của Li Vưu. Đại để đó là hậu quả chiến cuộc giữa Hiên Viên du mục và Li Vưu nông nghiệp. Được thua, thua được lẫn lộn, trận tuyến thì rộng lớn không những về quân sự; chiếm đất chiếm người, mà còn kéo theo mặt trận tâm lý chiến: hai bên cố bới xấu nhau nên Li Vưu bị đọc là Si Vưu và bị chê là “ngu đần”, “hay gây rối” là “quái vật”… Đang khi theo một dòng lưu truyền khác thì Li Vưu lại là Thiên tử, là lá cờ hướng đạo, là thần đáng đựơc tôn thờ. Hán Cao Tổ khi mới lên ngôi cũng còn tế Li Vưu. Như vậy chẳng qua là truyện được làm vua thua làm giặc. Li Vưu thua nên tên bị bôi bẩn thỉu như Mỹ nguỵ ngày nay vậy. Tuy nhiên Việt tộc cũng mở mặt trân tâm lý chiến đánh vào tim gan giặc xâm lăng, tức là đánh vào cái hồn, cái vật tổ của Hiên Viên. Chỉ xin kể ra một vụ chính về chim cú. Chim cú được phe Hoàng Đế thờ và đặt làm thánh quan thầy các thợ luyện kim khí mà Hiên Viên đứng “đầu”. Xem ra chim cú chính là vật tổ vì được Hoàng Đế ăn thịt theo nghi lễ để được tham dự phần linh lực của nó. Vậy nhưng Việt tộc tuyên truyền thế nào mà về sau cú biến ra cú vọ, ra “quỷ điểu” có tiếng là ban đêm hay lần mò đi bắt trẻ sơ sanh và làm hại các bà mới đẻ. Quỷ điều có 10 đầu nhưng bị chó ăn mất một nên sợ chó lắm (1). Vì thế để đề phòng chim cú người ta phải kéo tai chó cho nó kêu, hoặc đập cửa đập giường. Với trẻ sơ sinh thì người ta bôi lên trán nó vạch đỏ để xua đuổi chim cú (có thể tục xâm trán (điêu đề) phát xuất từ đó) hoặc bán con cho thần, thánh, tiên, phật để được nhờ sự che chở.    
(1) Chó nói ở đây có liên hệ với chó Bàn Hồ là vật tổ của các chi Dao ở Vân Nam, Quý Châu và các chi Mán… Tộc phả của họ ghi rằng: Thời xưa vua Hải Đảo đánh nhau với vua Lục Địa. Vua Lục Địa treo giải ai giết được vua Hải Đảo thì gả công chú cho. Chó Bàn Hồ của vua liều đi, bơi tới hải đảo, được vua Hải Đảo đưa về nuôi, nó lừa dịp cắn chết vua Hải Đảo, tha đầu trở về và vua Lục Địa phải gả công chúa cho. Chó Bàn Hồ đón công chúa về Dương Châu, sinh được 10 con tức 10 bộ lạc Dao mà con trưởng là họ Bàn. Sau vì bên Tàu mất mùa nên con cháu Bàn Hồ phải di cư qua Việt Nam. Vì thế khi ai chết đều làm bè chuối tiễn về Dương Châu, nơi đây có từ đường thờ công chúa đứng cạnh con chó Bàn Hồ. Do tích này mà các cô gái Dao hay thêu cái đầu con chó trên cổ áo. Ở Tứ Xuyên giáp giới Vân Nam có một bộ lạc được gọi là người lai chó. Chắc vì mối liên hệ với họ Bàn. Mà Bàn Hồ nằm trong khối Viêm Việt nên cũng có liên hệ với Rồng. Con cháu Li Vưu có người gọi là Cẩu Long (chó rồng) là vì liên hệ ngầm đó.                                                                   
     Lại còn truyện sợ Phong Long mới ác. Ta đã biết Phong Long là tên của Hiên Viên thế mà tâm lý chiến của Việt trình bày thế nào khiến các bà mới đẻ rất sợ phong long. Việt Nam có câu “sinh dữ tử lành” theo nghĩa các người mới sanh hay mang lại sự không may cho ngừơi khác gọi là phong long. Vì thế sau khi sinh đầy cữ phải đi đổ phong long bằng cách mua một vật gì: đồng tiền do sản phụ trả ra có mang theo phong long, tức những sự không may mắn. Nếu giữa đường ai gặp sản phụ thì gọi là “chạm phong long”: ngày ấy làm cái gì cũng hỏng, đi thì tất trược, buôn bán tất ế. Muốn trút độc lại phải đi đổ phong long. Thế là dần dần chim cú trở nên xấu xa: trong Kinh Thi bài thơ Si Hiêu (số 155 Bân Phong) có câu:                              
Cú cơi cú hỡi/ Cú đã bắt con ta/ Xin đừng phá nhà ta/ “Si hiêu, si hiêu/ ký thủ ngã tử/ vô diệt ngã thất”.                                           
     Việc có tính cách phá nhà hơn cả là tội bất hiếu, vậy mà cú là chim mang tiếng bất hiếu: dám ăn thịt mẹ cha. Xưa chửi ai là cú là câu thóa mạ nặng hơn hết. Điều đó là do ám chỉ văn minh du mục không coi trọng chữ hiếu. Chính vì sự tuyên truyền bền bỉ như vậy nên đến đời nhà Châu không còn dám coi trọng chim cú nữa. Nhà vua còn bắt các quan phải ăn cháo chim cú lấy cớ là để tránh tội bất hiếu bất trung (ông Creel cho là tục này có từ đời Hán). Rồi Tàu nhận vật biểu rồng: còn bao vật biểu của Tàu trước như hùm, cú, cá… đều lần lượt bị đào thải. Vậy có nghĩa là kết quả trận chiến kéo dài nhiều ngàn năm với hậu quả là Việt tộc bị mất đất, mất dân, mất tiếng của nhiều phát minh nhưng xét về văn hóa thì Việt có thắng: thắng được một nửa nghĩa là Tàu phải nhận rồng, còn thiếu chim tiên (thiếu nguyên lý mẹ) nên Hán nho kể là khập khiễng: có máu R thiếu máu T. Chỉ có họ cha thiếu họ mẹ.                                                                          
     Kết luận là chúng ta có những bằng chứng cụ thể về tiên và rồng. Rồng là giao long, xà long, Bàn, Quỳ. Còn tiên là các loại chim nước mà dẫn đầu là Hồng Hộc với họ Hồng Bàng, nên kể là có tiêu điểm vững chắc để đẩy cuộc nghiên cứu xa hơn sang phần đất Trung Hoa cổ đại; phải nghiên cứu lại toàn bộ cổ sử và tiền sử nước Tàu từ tiên Tần về trước. Tuy đây là việc rất nặng nhọc nhưng bõ công, vì đó chính là nghiên cứu về nguồn gốc của một nền văn hóa nông nghiệp thuấn tuý nhất, ơn ích hơn hết cho con người mà Việt Nam lại có may mắn là kẻ thừa tự có bằng khoán chói chang là trống đồng Ngọc Lũ với Kinh Hùng, trong hai lâu đài ấy có đầy ấn tích về tiên (chim) và rồng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...