Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi

GỐC RỄ TRIẾT VIỆT
Kim Định
    
Mục lục 
                                                                                                                                 
                                                                         
                                                                 
III. Tiên Rồng 
                                                                                              
                                                                                
                                                                               
                                                                                                
                                                                                      
                                                                       
                                                                                               
                                                                                      
                                                                
XII. Gậy Thần 
                                                                                              
XIII. Gậy Thần B  
                                                                                      
                                        
            
XVI. Trống Ðồng  
                                                                                        
                                                                                        


Di Sản Văn Hóa Việt Nam Ðối Với Ðời Sống Hiện Ðại                                        
Bài diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh              
tại Hội Nghị Toàn Cầu về Triết Học lần thứ XVIII                                        Brighton, Anh Quốc từ ngày 21-27.08.1988

I. Di Sản Văn Hóa Việt Nam
1. Di sản văn hóa Việt Nam nằm gọn trong chữ Việt với ý nghĩa siêu việt, là nhảy từ hai thái cực vào một: từ Trời cao Ðất thấp nhảy vào Người. Các nhà nghiên cứu về Ðông Nam Á thấy nét đặc trưng của miền này là lưỡng hợp tính (dual-unit) thì chính là nó: nét đó là kết quả của cái nhìn riêng biệt không xem hai đối cực như hai thực thể chống đối nhau, tiêu diệt nhau mà như là hai chiều bổ túc hỗ tương của một thực thể. Và đó cũng chính là Minh Triết, vì Minh Triết là gì nếu không là khả năng hội nhập hai thái cực.
Nói theo thực hành thì Minh Triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt việc nhà việc nước thế nào để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Vậy văn hóa Việt Nam đã làm được như thế xuyên qua gần năm ngàn năm lịch sử. Trong quãng dài lâu vô địch đó nó đã không hề mắc một mâu thuẫn nào: không đẳng cấp, không giai cấp; không có chủ nô, vì toàn dân đều được tham dự vào tài sản quốc gia, cũng như mọi người được tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Cả đến hơn 50 sắc dân thiểu số với những tin tưởng rất khác nhau mà không hề xảy ra xích mích về đàng tôn giáo. Ðó là di sản văn hóa Việt Nam, có thể gọi di sản đó là nền triết lý Thái Hòa.
2. Di sản nọ đã được thăng hoa vào trang huyền sử diễm lệ của Âu Cơ tổ mẫu. Mẹ Âu Cơ lấy Bố Lạc Long đẻ ra cái bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Ðến lúc chia tay thì 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Bọc trứng trăm con chia ra 2 đoàn con đã được thăng hoa thành hình tròn O chia đôi bằng nét cong chữ S như ở sau. Ðây là cái vòng tuyệt diệu trên đời không thể vẽ đẹp hơn, sâu xa hơn, bao trùm hơn được nữa. Chữ S cong lượn hai đầu để chỉ trong âm có chút dương, trong dương có chút âm: tránh mọi tuyệt đối: tuyệt âm hay tuyệt dương.
Người ta quen nói có hai loại văn hóa: một nghiêng về khoa học của Tây Âu, một nghiêng về huyền niệm của Ấn Ðộ, vậy là quên mất loại thứ ba nghiêng về thẩm mỹ của Ðông Á thuộc Việt tộc mà Việt Nam có thể gọi là miêu duệ thừa tự. Nếu ta biểu thị óc khoa học bằng hình vuông màu trắng chỉ sự phân chia rõ rệt phân minh: có hay không dứt khoát. Còn óc huyền niệm bằng vòng tròn màu đen chỉ cái không, cái vô thể âm u, thì người ta sẽ biểu thị óc thẩm mỹ bằng vòng tròn gồm cả đen lẫn trắng, cả có lẫn không, yes and no... vì tính chất của thẩm mỹ là Hòa hợp là mềm dẻo. Bởi vậy cái lằn chia đôi vòng tròn ra bên đen bên trắng không chạy thẳng chữ I mà cong lượn theo hình chữ S. Chữ S này đã xuất hiện lu bù trong trống Ðông Sơn như sau: ~= ~ được các các học giả gọi là dấu Ðông Sơn, nó chỉ trỏ tính cách hòa hợp mềm dịu của thẩm mỹ và cũng là đức tính nổi vượt của văn hóa Việt tộc.
3. Nếu Ấn Ðộ nghiêng về Thiên Viên, Âu Tây thiên về địa phương thì Việt theo cả hai: thiên 3 địa 2 (tam thiên lưỡng địa nhi ỷ số) và cả hai vuông tròn hợp lại làm nên nét cong. Vì nét cong là dấu định tính văn hóa nên tiền nhân đã hiện thực vào các vật dụng nhất là nhà ở và thuyền, cả hai đều mang nét cong lớn để nhắc nhở con cháu phải lấy sự hòa dịu làm lối sống ở đời. Ðời sống không được điều động bằng pháp luật cứng đơ như sự vật mà phải bằng lễ bằng nhạc mềm dẻo nho nhã. Nhờ sự mềm dịu nho nhã đó mà nó hòa được cả hai bên đen trắng, bên tròn bên vuông. Về sau nho giáo gọi vòng tròn chia đôi nọ là vòng tròn thái cực viên đồ. Ðó chính là vòng tròn chu tri hay vòng tròn Thái Hòa. Chữ Hòa đây phải gọi là Thái Hòa vì nó là nguồn gốc mọi cái hòa lẻ tẻ khác:
- Trong con người là hòa tình với lý, hòa tâm với vật...
- Trong gia đình là hòa vợ với chồng hoặc cha với mẹ, hoặc chị anh với các em...
- Trong xã hội là hòa nhân dân với chính quyền, nên không có hai nền văn hóa: một cho chính quyền một cho dân như ở các nơi.
- Trong nhân loại là hòa giữa các nước để làm nên cuộc Thái Bình đưa đến mối tình huynh đệ phổ biến.
- Trên cấp siêu hình là hòa có với không, Vô với Hữu, chứ không duy hữu kiểu Hữu thể học ontology của Tây Âu, hay duy vô kiểu Vô Nhị advaita của Ấn Ðộ. Những biểu hiệu đợt uyên nguyên này đã kết tinh vào quyển Kinh Dịch thành bởi hai nét âm dương, khôn càn, Mẹ Cha.
4. Những biểu hiệu trên luôn luôn hòa hợp với nhau để sinh ra rất nhiều biểu hiệu kép để chỉ việc làm theo sau lời nói, hay là Hành đối với đợt trước là Học để hai chữ Học Hành đi đôi. Hai biểu hiệu âm dương cũng được diễn bằng số chẵn số lẻ. Chẵn chỉ âm, lẻ chỉ dương, rồi các số lại được đặt vào khung chữ tỉnh # để làm ra cơ cấu Ngũ Hành, và các đồ án kép khác như Hồng Phạm, Cửu Trù, Hà Ðồ, Lạc Thư sẽ được quảng diễn trong tập sách nhỏ kèm theo. Mới coi tưởng rất phiền toái nhưng tựu trung cũng chỉ là diễn tả sự hội nhập hai mảnh đen trắng lại một cách rất tài tình, nên đó chẳng qua là những phát triển từ cái bọc Âu Cơ tổ mẫu. Tất cả đều chứng minh rằng văn hóa Việt đã đạt Ðạo, hay đạt Minh Triết tức là nó đã thực sự hội nhập được hai đầu thái cực để tạo ra nếp sống hạnh phúc cho dân Việt như được ghi lại trong sử ký suốt nhiều ngàn năm qua: cả của Tàu hay Việt Nam hoặc các chi khác của Việt tộc từ Hàn, Nhật, Ðài Loan xuống đến Phi, Mã, Ấn Nê, Miến, Lào, v.v...
5. Ðời sống hiện tại là cuộc sống vô hướng vô hồn, ví được như con tàu giữa biển khơi mà thiếu bàn la kinh để hướng dẫn, thiếu bến bờ để tới lui. Nói khác là thiếu Minh Triết. Sự thiếu đó được biểu lộ bằng sự thiếu vắng các đồ án chỉ tỏ nền thống nhất cách bao trùm như nét lưỡng hợp mà chỉ có những triết lý duy lý bất lực nên cuộc sống phải nhờ đến sự hướng dẫn của tôn giáo, của pháp hình và luân lý. Trên cấp siêu hình thì vẫn không sao hàn gắn được nhát chẻ đôi luôn luôn gỉ máu (bleeding dichotomy). Trong thực tế không sao xóa bỏ nổi giai cấp đấu tranh. Như vậy thì đời sống nay cần một số điểm như sau:
6. a. Trước hết một nền triết lý Thái Hòa để làm nền tảng cho cuộc thống nhất hòa âm giữa đông tây, giữa kim cổ, thống nhất cả về đạo lý lẫn chính trị và kinh tế...
b. Cần một nền chu tri toàn diện gồm cả Hữu cả Vô thay cho cái học nay một chiều hoặc duy Hữu hoặc duy Vô không đủ rộng để hội nhập được cả hai bên thành một. Thành thử giáo dục toàn sản ra những con người tản mát fragmentary, split personality. Nước chỉ có đến Hiến Pháp trên không có Ðạo nào hết.
c. Một nền triết lý thiết thực cụ thể, dẫn tới tác hành thay cho những triết lý trừu tượng: nói nhiều làm ít.
Một hướng sống hay một Chủ Ðạo để đem lại ý nghĩa cho đời đặng có được một cuộc sống tươi vui thay cho triết học khắc nghị buồn thảm từ trước tới nay.
e. Một tình huynh đệ phổ biến để con người xử với nhau như anh em cùng một nhà: yêu thương tương trợ thay vì tranh đấu căm hờn.
Tất cả mấy điều vừa kể trên đây đều tìm được sự đóng góp trong di sản văn hóa Việt Nam. Tây phương quá khoa học nên mất nội tâm. Ðông phương duy huyền niệm nên quá nghèo. Ðã đến lúc phải cộng vuông khoa học với tròn huyền niệm lại một. Và con đường hội nhập phải chăng là nét cong thẩm mỹ trong nghệ thuật sống?

II. DẪN NHẬP VĂN HÓA VIỆT NAM
1. Văn hóa Việt Nam cho tới nay thường bị coi như cái gì không đáng kể, nhưng nếu nghiên cứu thấu triệt sẽ thấy nó là một trung tâm văn hóa không những cao siêu và thực tiễn của Ðông Á mà còn kiêm luôn cả Thái Bình Dương ăn sang tận Mỹ Châu tự Alaska qua Vencouver xuyên qua Mexico (Aztec, Maya) cho tới Peru. Về phía tây bao Ấn Ðộ và xem ra cả Sumer rồi từ đó đi vào Ai Cập và Âu Châu. Cuối cùng với Tàu hay Khổng Giáo thì quá rõ ràng, nhưng không ai ngờ đến liên hệ từ Việt tới Nho đó. Chính vì sự thiếu sót này mà cho tới nay các học giả về Nho cả Tàu lẫn Tây Âu chưa sao dựng nên được một nền chủ đạo để đáp ứng cho lời đề nghị của hội nghị Triết ở Honolulu 1949 tính đưa Khổng Triết ra làm nhạc trưởng để hướng dẫn cuộc thống nhất hòa âm giữa Ðông Tây Kim Cổ.
Tình trạng bế tắc đó một phần tại các học giả còn giam mình trong biên giới nước Tàu, lấy từ đời Tần Hán mà gán cho những thời đầu: ít ai nhận thức rằng Tàu mới manh nha từ tộc Thương quãng thế kỷ 15 trước Tây lịch. Ðang khi Nho đã thành lập xong ít ra từ vài ba ngàn năm trước ở Việt tộc. Tàu cũng là Miêu duệ của Việt tộc nhưng xét như dân tộc thì chỉ làm chủ Nho ở đợt văn minh tức Nho đã thành tựu đầy đủ chứ không trong giai đoạn văn hóa dùng nhiều biểu tượng và huyền thoại, chưa hẳn thành văn, nhưng lại giàu khả năng sáng tạo.
2. Vì thế muốn hiểu nho thấu đáo, hiểu đến độ có thể rút ra từ đó những nguyên lý hợp thời để dựng nên một nền triết mới, một đạo sống khả dĩ chỉ dẫn đời sống hiện đại, thì phải tìm hiểu nho ở đợt đầu mà tôi gọi là Việt nho. Xin nhắc lại chữ Việt đây có 3 nghĩa, một nghĩa chính nổi bật và chi phối toàn bộ văn hóa là siêu việt, còn hai nghĩa sau chỉ là tùy thì một là Việt Nam, hai là Việt tộc là tên đại chủng. Chữ Việt này có lâu trước cả chữ Bách Việt gặp thấy ở sách Cổ Tàu như Kinh Thư, Ngôi Việt Xuân Thu... Hiện người ta còn tìm được một di vật quen gọi là phủ Việt hay cây Việt đặc biệt ở chỗ có khắc hình đủ để biểu lộ căn tính nền văn hóa Việt cách rất Việt nghĩa là cách sâu xa đầy đủ. Theo hình vẽ trong đó thì có thể tả người Cổ Việt là "dân có cánh và ưa dùng số 5". Hai điểm này vừa là dấu để nhận diện người Cổ Việt, đồng thời cũng là dấu chỉ đường cho biết tinh hoa văn hóa Việt ở đâu, nó sẽ giúp hiểu được mấy điểm mà các nhà khảo cứu từ trước tới nay vẫn cho là "bí nhiệm" như:
a.  Hai gạch Bắc Sơn.
b.  Dấu Ðông Sơn.
c.  Văn Thao Thiết.
d.  Qui Củ...
3. Ðiều làm cho văn hóa Việt bị quên là tại nó đã thể hiện đúng ý nghĩa cái tên của nó là Việt theo nghĩa siêu việt. Vì vậy tinh hoa của nó chỉ tìm ra được ở chỗ siêu việt chứ không trong những di vật thù lù hay những nghệ thuật đồ sộ, ở đây phải tìm trong dăm ba biểu tượng thí dụ "có cánh" vài ba "lược đồ bằng số độ" rồi phải tự đó suy luận ra kiểu triết siêu hình, cơ cấu, uyên tâm v.v... chứ chỉ đi theo kiểu khảo cổ: rìu có vai với rìu chữ nhật, rồi đo sọ, đo xương, đầu tròn với đầu dài... thì không thể nào thấu tới cốt tủy của nền văn hóa này được. May thay hầu hết các học giả nay đã theo lối ông Groslier bỏ đường lối vụ mắt đó. Lối vụ mắt khiến người ta không tìm được những cái tế vi siêu hình.
Có nhiều học giả đã định nghĩa văn hóa Việt là văn hóa biểu tượng (emblématique). Chữ này theo nguyên nghĩa thì không những biểu thị, mà còn là hiện thực. Trong loạt bài này tôi sẽ thử đi theo lối đó và xin nói lại là embleme không có tính cách biểu thị trang trí mặc dầu có rất nhiều hình, nhưng các hình đó phải là những bàn nhún khác nhau để siêu lên, để vươn tới thực thể u linh không hiện hình. Có thể kể ra đến 5 loại biểu tượng hay đồ án như sau:
a. Tiên Rồng.
b. Cây Việt.
c. Sách Ước.
d. Gậy Thần.
e. Trống Ðồng.
Chúng tôi gọi là loại vì mỗi loại mỗi tầng bao gồm nhiều tượng hình như sẽ xem sau.
4. Vì thế đây không là những trang cổ sử hay khảo cứu chỉ đọc cho biết như những kỷ niệm mà là những giá trị cần được phục hoạt. Ðây không là sử ký để đi tìm những niên kỷ hay những địa danh đích xác, nhưng là những trang huyền sử mà giá trị của nó là khơi lên những ý niệm, những cảm xúc, càng gợi lên những ý niệm, những cảm xúc, càng gợi lên cách thấm thía nồng nhiệt thì càng có giá trị. Vì nó sẽ giúp vào việc quang phục lại được một đạo sống đã tỏ ra rất hữu hiệu vì đã trường tồn suốt thời gian dài dằng dặc quen gọi là bốn ngàn năm văn hiến mà sự thực có thể là vài ba chục ngàn năm vì những ấn tích đầu tiên như mang cánh chim, thờ tổ tiên, kính mến mẹ đã gặp thấy từ văn hóa Hòa Bình, mà Hòa Bình quãng muộn nhất cũng là 12 ngàn năm, còn sớm thì phải từ 50 ngàn năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng phải có từ vài ba trăm năm trở lên mới đủ cho một ý lực lắng đọng thành biểu tượng rồi biểu tượng thành đồ án (diagrams). Vậy mà văn hóa Việt đã để lại đến 5 tầng đồ án với những hình thái cực phong phú, mà vẫn liên kết với nhau cách cơ thể, nên tôi cho là 5 tầng phát triển của một thực thể. Ðây là những ấn tích hết sức cao đẹp phải được gọi là bấy nhiêu lâu đài của một nền văn hóa cổ kính nhất của loài người đã một thời lan rộng khắp hoàn vũ.
Với người Việt lưu vong đang bơ vơ trước 12 bến nước, với tất cả con người hiện đại đang đói khát tinh thần vì những niềm tin cũ đóng hộp đã quá hạn, đã cạn hết chất dưỡng nuôi... tất cả đang cần một bản đồ linh thiêng với một đối tượng phụng sự. Vậy sự tìm hiểu văn hóa Việt tạo nhiều cơ may giúp ta tìm thấy được hai điều đó hơn đâu hết. Và xin nhắc rằng tìm hiểu văn hóa Việt nho không còn là để thỏa tính hiếu tri để mà tưởng nhớ như một kỷ niệm, mà chính là những giá trị nhân bản tinh tuyền cần được phục hoạt ngay trong bản thân mình, cho nước mình, cuối cùng cho cả nhân loại trên khắp cõi đất.
III. TIÊN RỒNG
1. Ta hãy bắt đầu bằng tiên rồng, hai vật biểu của Việt Nam thăng hoa từ hai vật tổ chim rắn. Ðây là nét đặc trưng quan trọng nhất, dẫn đầu mọi nét đặc trưng sau này. Ðây là con số hai kỳ lạ: hai mà một, một mà hai. Phải siêu Việt mới nhìn ra chỗ đó không thì chỉ thấy có một. Vì thế thường người ta chỉ có một vật biểu: gấu Nga, ó Mỹ, cồ Pháp, voi Ấn, rồng Tàu, v.v... Riêng Việt có hai mà lại ở hai đầu thái cực: một chim bay tận trời, một rồng lặn sâu dưới đáy biển, thế mà vẫn đi đôi. Chữ đôi này phải được nhấn mạnh vì như trên đã nói đây không là nét nghệ thuật trang trí mà là sự biểu thị chiều sâu xa không đâu có được, đây là mối Tương Quan nền tảng nối hai bên thái cực lại một, để làm nên cái vũ trụ quan năng động, đối chọi lại vũ trụ tĩnh im, đông đặc, một là một. Vì thế chữ Tương ở đây (do số hai mà một) kéo theo nhiều hình ảnh khác để nói lên diễn tiến theo bước tiến hóa của con người: Từ chim rắn vật tổ tiến lên chim rắn vật biểu rồi thăng hoa lên tiên rồng. Từ tiên rồng thăng hoa lên con người là mẹ cha làm thành một trang huyền sử cao cả mà lại thật tế vi, hơn nữa còn thắm thiết sâu xa: tổ mẫu Âu Cơ (Âu là chim hải âu) đẻ ra cái bọc trăm trứng, rồi trứng nở ra trăm con. Và khi bố mẹ chia tay (để phân cực) thì 50 con theo mẹ, 50 con theo cha rất công bằng không có thiên kiến cha hơn mẹ, trái lại mẹ nắm phần trội hơn để khỏi bị ăn hiếp như trong các văn hóa du mục đực rựa, nơi phụ hệ lấn át mẫu hệ. Vì thế mà nói tiên trước rồng, âm trước dương, vợ trước chồng. Lại còn vụ 50 con theo mẹ lên núi lập nước Văn Lang chứ không phải 50 theo cha, tức là nước được kiến tạo theo tinh thần của mẹ (principle of kinship) nên trong nước không hề có giai cấp bên chủ bên nô, như hầu hết trên thế giới.                        Theo tinh thần gia tộc thì làm chi có nô, chỉ có bà, con, cô, bác, anh, chị, mẹ, cha: thực tế là mọi người đều được hưởng bình sản và tự do. Bất cứ ai hễ đến 50 tuổi đều được vào hội đồng kỳ mục tức là được vào "quốc hội" của "làng nước".
2. Từ lối sống đầy tình nghĩa đó đã vươn lên quan niệm vũ trụ quan động tức bao giờ cũng có hai đầu thái cực nhưng không bị nhìn là hai đầu mâu thuẫn phát xuất từ hai nguyên ủy khác biệt xa cách, nên trong triết gọi là nhị nguyên (dualism) cả hai do hai nguyên nhân khác nhau đến độ không sao hội nhập được phải chọn một bỏ một. Trái lại ở đây hai thái cực được nhìn như nhau hai mặt bổ túc để làm nên một thực thể vì thế giữa hai cực có một mối Tương Quan cơ thể (organic) tức cả hai cần cho toàn thể: bỏ một bên là chết. Nhưng đây là mối liên hệ nằm ngầm phải có mắt hiền triết mới nhận ra và tả lại bằng thoại ngôn rằng "Âu Cơ tổ mẫu gặp Lạc Long Quân trên cánh Ðông Tương". Ðây là mối liên hệ thuộc bản thể nó quan trọng vô cùng nhưng những nền văn hóa một chiều đã không nhìn ra (Heidegger gọi đó là đánh mất nét gấp đôi) thành ra người theo văn hóa đó chỉ thấy sự vật đặc sệt, một chiều độc khối, tĩnh lặng, vì không nhìn ra mối Tương Quan nối sự vật lại nhất thể, nên chỉ thấy sự vật đa tạp, cá biệt. Ðó là điều sai lầm rất trầm trọng nó chia văn hóa ra hai mảng mà Nietzche gọi là nhát chém chẻ đôi luôn gỉ máu qua các thời đại, bên vô bên hữu, bên chủ bên nô... gây nên đầy bất an xao xuyến. Trái lại văn hóa giữ được chữ Tương nền tảng nọ thì xem vạn vật đều là ngành ngọn ngoại vi làm nên một thể, gọi là "thiên địa vạn vật nhất thể". Nhưng nhất đây không là thái nhất một chiều, nhưng là "nhất nguyên lưỡng cực" và tự hai cực có sự đong đưa bất tận làm nên vũ trụ năng động giữa hai bộ âm dương nhị khí, được ví với sông Tương luôn chảy qua cánh Ðồng Tương chở đầy tình người, tình nước:
"Sông Tương nước chảy hai chiều.
Chàng tại Tương giang đầu.
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất Tương kiến.
Ðồng Ẩm Tương giang thủy".
3. Không thấy nhưng cũng tưởng nghĩ đến nhau, hơn thế còn đồng uống trong dòng Tương Giang. Vì thế chữ Tương được diễn tả lu bù bằng những hình tác động "giao chỉ" cơ bản hơn hết như:
a. Nữ Oa Phục Hi giao chỉ bằng đuôi.
b. Hai rồng giao chỉ bằng tay và chân.
c. Chim Hồng giao chỉ với Lạc Long Quân bằng miệng (Hình thuyền tình Bể ái).
d. Hai cặp chim rắn tìm được ở người Mường và mới khai quật được ở Tràng Sa (bản địa của Việt tộc).
e. Hoặc thần chim rắn Quetzalcoatl ở Aztec, Toltec (Mexico)... Ðây là hai vật biểu dẫn đầu các dấu chỉ khác chỉ tỏ người bản thổ Mỹ Châu tự Alaska xuống tận Peru cùng thuộc đại tộc Việt (các dấu khác như đeo lông chim khi múa. Thờ cúng tổ tiên, tôn kính mến yêu mẹ (dấu tỏ nguyên lý mẹ vẫn được duy trì bền bỉ).
f. Tất cả các tiêu biểu trên đều nhờ cái bọc Âu Cơ quốc mẫu đã thăng hoa tới đợt cuối cùng thành ra quả trứng vũ trụ cũng vẫn giữ được con sông Tương chảy ngòng ngoèo chữ S làm nên một biểu thị vũ trụ quan cực đẹp, cực sâu xa và đầy đủ không thể nào có được cái thứ hai như vậy. Có chăng là "Hà Ðồ Lạc Thư" cố diễn lại tích đẻ trăm trứng: Hà Ðồ 55 trứng, Lạc Thư 45 (như xem hình dưới chương IV) cũng chính cái trứng đó đã gợi lên trang sách về sáng thế ký thời danh trong Kinh Dịch:
"Thái cực sinh lưỡng nghi.
Lưỡng nghi sinh tứ tượng.
Tứ tượng biến hóa vô cùng"...
Nhiều học giả phải tán thán rằng đây là trang sử tóm tắt cuộc khai thiên lập địa gọn nhất mà lại hợp với khoa học hơn cả, hợp cho tới vật lý vi thể ngày nay.
Vì chân lý nền tảng trên đây nên người Việt không lúc nào li lìa 2 vật biểu đã biến thành tổ mẫu tổ phụ. Họ khai quốc xưng mình là Hồng Bàng. Hồng là chim thiên nga đại diện cho sự trong trắng tinh tuyền là cái làm cho nên đẹp cái đẹp trinh trong siêu thoát. Bàng là rồng chỉ những chân lý thâm sâu như đáy bể, phát xuất từ cõi tiềm thức u linh. Không những thế mẹ còn đẻ theo lối chim (điểu tục) đẻ trứng rồi ấp ra con. Và cổ thời các bà bao giờ cũng mặc áo có lông hồng, hay vẽ hình chim trĩ gọi là "Ðịch y". Ðịch là một thứ trĩ gọi là "dã kê", "hùng kê" đuôi dài màu ngũ sắc nên biến ra phượng. Còn cha thì vẽ hình rồng trên mình gọi là thể đạo: mặc lấy đạo vào mình. Sách Sơn Hải Kinh kê khai 4 lối tham dự linh lực vật tổ là: (1) ăn thịt; (2) gọi tên; (3) mặc lốt; (4) xâm mình.
Chú thích:
Con cháu lâu ngày không hiểu bảo là vẽ mình để thủy quái khỏi làm hại, là tin theo lời Cố Dã Vương viết thế trong quyển Ðịa Dư Chí rồi cứ lập lại nguyên văn. Tội nặng hơn nữa là quyển Cương Mục Triều Nguyễn (Tự Ðức) còn đòi bỏ từ Lạc Long Quân về trước. Hoặc gọi sự phân cực là bố mẹ chia rẽ nhau!... Ðó là những lỗi nặng nề phải đền tội bằng nước mất nhà tan. Ðạo mất trước nước mất sau là khởi sự tự đó.
Tiên chim thì dễ thấy ấn tích nơi người mang lông chim. Còn rồng vì vẽ vào mình không thấy trong bức chạm nên dưới đây thêm một phụ chương để đọc lai rai. Nên nhớ rằng tục đua thuyền là để mừng lễ giỗ tổ phụ rồng. Và vì tổ ở thuỷ phủ nên con cháu giỏi đi thuyền (Bắc chi mã, nam chi chu) và vì giỏi đua thuyền nên tỏa sang tận Mỹ Châu rất sớm không cần qua eo.

IV. BỨC TRANH VĂN TỔ
1. Đo Vuông Tròn
Nữ Oa cầm cái Qui để đo tròn
Phục Hi cầm cái Củ để đo vuông
Ðây là hình ảnh thái sơ từ hiện tượng Nữ Nam vươn lên đến ý nghĩa luật phổ biến (qui củ) và ý niệm Tương quan nền tảng giữa hai nam nữ. Trong huyền sử Việt là Âu Cơ tổ mẫu gặp Lạc Long Quân trên cánh Ðồng Tương. Ðây là chữ Tương Vàng. Chỉ có nền văn hóa Việt tộc mới giữ được chữ Tương này mà thôi. Chính nó làm nảy sinh các đức tính ưu Việt khác. (xem hình 1)
2. Nữ Oa Thái Mẫu mình rắn (tức xà long) nói lên rõ Thái Mẫu họ rồng thuộc Việt tộc. Nước Tàu mới có từ Tộc Thương (thế kỷ 17 trước Công Nguyên) với vật tổ là bạch hổ, mới mượn rồng của Việt tộc vào quãng nhà Hán. (xem hình 2)

3. Nữ nam được đại diện bằng chim và rắn. Hình này tìm được nơi người Mường. Biểu tượng này là tiền thân cho tiên rồng (từ đời Hồng Bàng 2879 trước Công Nguyên) trở về sau. (xem hình 3)
4. Thần chim rắn Quetzalcoatl ở Astec (Mexico) chứng tỏ ý tưởng chim rắn (tiên rồng) tỏa rộng khắp bờ duyên hải Thái Bình Dương, cũng như những người mang lông chim khi múa cũng lan tỏa như vậy. (xem hình 4)
5. Tiên là chim. Chim đây là hình Chu Tước (con tước đỏ) cùng loại với Phượng (loại văn hóa, chứ không về điểu học) thuộc giai đoạn dương điểu của Viêm Việt cũng gọi là Hoàng Việt. Ðợt sau là chim nước. (xem hình 5)
6. Hình 6 là các chim nước xuất hiện từ Hồng Bàng kỷ, như Hồng: ngỗng trời cũng gọi là thiên nga: swan. Hạc cũng gọi là ngỗng trời nhưng bé hơn. Vạc còn bé hơn nữa (?) Âu là Hải Âu: gull. Vụ: cò trời... chim nước để liên hệ với rồng là thủy loại. (xem hình 6)

7. Rồng. Có nhiều loại rồng: như giao long (cá sấu), xà long (rắn), Bàn Qui (rồng một chân), Li Long (rồng vàng không ngà), Cẩu Long hay hổ long tiếng Nam Dương là Aso. Mako hay Ma kà rồng... một loài thủy quái gần giống cá sấu. (xem hình 7)
   
8. Thuyền rồng. Giỏi đi thuyền là tài của phương nam đối với giỏi cỡi ngựa là tài phương bắc (Tàu). Lễ đua thuyền là để nhớ tổ phụ, như mang lông chim để ghi tổ mẫu. (xem hình 8)

V. TƯỢNG Ý HÌNH RỒNG
(Riêng tặng người tuổi Rồng)
Từ vô thức nhiều đời để lại, người Việt đã chấp nhận hình tượng một Linh vật mang tên Rồng đứng đầu trong tứ Linh: Long-Lân-Qui-Phụng. Theo truyền thống mang cái đầu u nần quái dị không giống hẳn một con thú nào trong thực tế, với mắt lồi, mũi lân, sừng nai uốn cong ra phía trước và nhánh lộc chỉ mới lú ra một tí, cổ rắn, mình sấu, vảy cá, chân Phượng hoàng, thường có ba ngón trước và một ngón sau với vuốt cong bén nhọn. Cặp râu mép thoát ra từ hàm trên bung ra dài, uốn khúc như cặp rắn nhỏ. Cài bờm sau gáy tuôn ra nhiều đợt, những vi, ngạnh, kỳ từ bên mép, dưới cổ họng cuồn cuộn bốc lên, lượn nhịp nhàng về đàng trước, hoặc từ nơi khuỷ chân, trên sống lưng lướt nhẹ về đàng sau như một lá cờ đuôi nheo đang reo với gió. Những đường nét sinh động uốn lượn dịu dàng đi từ to đến nhỏ, toàn thể phập như một tàu lá phất phơ trong cơn gió hay như những ngọn lửa bốc lên phừng phực và luôn luôn tạo thành một nhịp điệu tương đồng với thân rồng tròn trịa uốn lượn nhiều khúc và nhỏ dần đều về phía dưới cuộn xoắn ốc lại.
Khởi từ huyền thoại lập quốc "Con Rồng, Cháu Tiên", Rồng đã hiện diện khắp nơi trong tư tưởng và văn hóa Việt: Ông bà ta đã đặt tên cho sông (Cửu Long), cho núi (Long Ðội Sơn, Bửu Long), cho đến tên đất Thanh Long vừa tạo niềm hạnh phúc cho đất dương cơ vừa gieo niềm an lạc cho chốn âm phần và mộ táng ngay đúng Long mạch còn tạo vương nghiệp cho nhiều thế hệ con cháu đời sau. Từ chốn cung son điện ngọc, qua các miếu mạo, đền chùa và về sau này còn vào đến tận nhà cửa dân gian, đâu đâu cũng thấy tượng ý hình Rồng chạm trổ trên cột kèo, đòn tay, xà nhà, ở đầu hồi, trên sống nóc... Từ dưới chân bàn, đầu tay ghế, trên thành giường, nóc tủ, mặt bình phong, khám thờ, qua các vải lụa thêu Rồng, đến các đồ cổ ngoạn, đồ sứ vẽ Rồng và đặc biệt là những cây cảnh được uốn sửa cắt xén thành hình Song Long hoặc Hóa Long. Hình tượng Rồng đã khoác lên mình nhiều ý nghĩa siêu nhiên gắn chặt với tín ngưỡng dân gian.
Tuy đến nay, Rồng không còn được thờ phượng theo hình tượng vật Tổ như vào thời dựng nước nữa, nhưng nhiều người Việt vẫn tin Rồng là vua các loài thủy tộc, thường ngự ở Long cung dưới sông dài biển rộng và có quyền năng gọi mây, làm mưa gió trên mùa màng thời tiết.
Xưa kia, Rồng còn là biểu tượng của nhà vua; quan quân, dân chúng không thể nói thẳng đến con người nhà vua mà gọi là mình Rồng, mặt Rồng, Long thể, Long nhan, và nơi vua trú ngụ là điện Rồng, giường vua nằm là Long sàng, xe vua đi là Long xa. Vua sẽ ngự đến thềm Rồng, bệ Rồng, ngồi trên ngai Rồng để bàn định việc trị quốc an dân với bá quan đang chầu hầu nơi sân Rồng, văn quan võ tướng đứng hai bên trước hai hàng cột chạm nổi hình Rồng uốn khúc quấn quanh cột, sơn son thiếp vàng cực kỳ tráng lệ. Nói chung, tượng ý hình Rồng thuở đó còn thuộc độc quyền xử dụng của nhà vua trong việc trang trí các cung điện hay chạm khắc trên các vật dụng. Các nhà dân giả, cho đến dinh thự các thượng quan, ngay cả các vương phủ hoàng thân quốc thích và cả các chùa đền miếu mạo mà không do vua sáng lập hay được chọn làm nơi vua chúa lui về ẩn tu đều không dám chạm vẽ hình Rồng. Ðể tránh phạm luật vua phép nước, họ đã khéo léo chọn hình con giao, con cù là những loại rồng nhỏ không chân, không sừng như thể loại rắn hóa rồng, loại cù con không râu, không ngạnh, không bờm, thường được chạm khắc trên các xà nhà nên được gọi là xà cù, trên gối tựa bằng gỗ hay nơi đầu thành ngai tựa tay trên ngai thờ các nữ thần.
Thêm một cách xử dụng tượng ý hình Rồng mà không lo phạm phép vua là hình thức "Hóa Long" với thiên hình vạn trạng, từ những song cửa chạm hồi văn hóa long, những khung rèm gỗ chạm lông những dây hoa lá hóa long, những bức liên đằng khắc hình vầng mây hóa rồng, những tấm hoành tấm trướng khảm hình cúc, mẫu đơn và cả Phật thủ hóa long, những bức phù điêu chạm trổ tượng ý mai, tùng hóa long cho đến những cột trúc hóa long, những bụi kiểng "song long".
VI. CÂY VIỆT
1. Như trên đã nói chữ Việt chính nghĩa là siêu việt. Về sau đại chủng lấy làm tên cho chủng của mình thành ra Việt tộc. Rồi về sau, một số chi bắt chước cũng dùng tên Việt đặt cho chi mình, trong sử gọi là Bách Việt. Người ta đếm được đến hàng tá Việt trong đó Việt Nam gồm Lạc Việt và Việt Thường, còn đến 70% Bách Việt ở lại miền Bắc để ra người Tàu. Sau dần các chi bỏ tên Việt hầu hết, còn có Việt Nam kiên trì giữ tên Việt, tính ra trong sử đến 6 lần, nên tên Việt còn theo đến ngày nay. Phải chăng Trời định thế cho giòng Việt có kẻ nối dõi tông đường khói nhang nghi ngút, cho triết Việt có chỗ phục sinh?
Như vậy Việt Nam chỉ là một chi của đại chủng Việt, còn chính chữ Việt thì có nghĩa là siêu lên, nhưng siêu lên một cách rất Việt, nghĩa là không siêu lên một chiều lên hay xuống, mà cả lên cả xuống, sau nho gọi lên là "triệt thượng" hay "phối thiên", siêu xuống là "triệt hạ" hay "phối địa". Triệt thượng thì biểu thị bằng chim Hồng Hộc cũng gọi là Thiên Nga ý chỉ nói bay cao sát trời. Triệt hạ thì chỉ bằng rồng lặn sâu tận đáy biển. Ý tưởng thâm sâu đã được minh họa lại trong Cây Việt. Ðây là một may mắn cực kỳ lớn lao.
2. Vì Cây Việt có nét đặc trưng nổi bật là lưỡi cong xéo. Loại tìm được ở Ðông Sơn lại có hình trên 2 giao long đang cài tay gọi là hát cài hoa kết hoa, dưới là 3 người đeo lông chim đang múa. Tất cả chìa khóa của nền văn hóa Việt tộc cũng như Việt Nam nằm gọn trong bộ số 2-3 này. Như trên đã nói người Việt là "dân ưa dùng số 5 và đeo lông chim khi múa". Ta hãy khởi đầu xét tự điểm dễ nhất đó là tiên rồng ở trong Cây Việt. Ở đây ta gặp tiên rồng trong người đeo lông chim và hai giao long như được khắc rõ trong cây Việt. Ðó là dấu chỉ rõ nhất mẫu số chung của đại chủng. Các chi khác khi lìa gốc thì nhiều chi bỏ bê mẫu số này. Thí dụ Tàu đi nhận Bạch hổ, mãi sau mới nhận lại được có nửa bố là rồng, chứ thiếu chim tiên (đó là dấu phụ hệ) còn Việt Nam thì giữ y nguyên cả tiên mẫu lẫn long phụ kể ngay từ lúc phải lìa đại chủng.
3. Theo lưu truyền vào năm 2879 trước Kỷ Nguyên, Việt Nam tách rời khỏi đại tộc, để làm một nước riêng, thì họ khai quốc gọi là Hồng Bàng tức chim và rồng như đã nói trên. Chỉ ghi rằng lúc trước khi ta còn thờ mặt trời thì là các dương điểu (cũng gọi là hỏa điểu) như trĩ cũng gọi là Lạc địch và Chương dương, Tất phương, Uyên ương... Tất cả đều mang dấu Việt là tả nhậm con nào cũng "chấp kỳ tả dực": xếp cánh tả. Và thường có 1 chân 8 cánh (thái cực và bát quái). Ðây là thời Viêm Việt hay Hoàng Việt. Từ Họ Hồng Bàng thì bước lên đợt thờ Trời, nhận chim nước để liên lạc với cha ở thủy phủ, đó là Bàng cũng đọc là Bàn như trong Bàn Cổ và Bàn Quì. Bàn Quì là thứ rồng một chân (không nói có 8 cánh nhưng thấy nói ông Vũ xoè cánh đánh trống). Vậy hai chữ Hồng Bàng nói ra bằng hình ảnh cái nét song trùng sơ thủy cũng gọi là lưỡng nhất (dual-unit) mà các nhà nghiên cứu quen gọi là nét đặc trưng của Ðông Nam Á. Ðó là thứ số co giãn hai mà một thành ra ba, nên cũng gọi là "vài ba" nó nói lên mối Tương quan nền tảng giữa không và có, ngược với văn minh Tây Âu có hay không. Bộ số "vài ba" này cũng nói lên rằng văn hóa Việt không bao giờ đánh mất nguyên lý Mẹ như văn minh Tây phương đã đánh mất (được chỉ rõ do hai ông Bachofen 1851 và Briffault 1927).
4. Ðiểm hai là bộ số "vài ba" hàm tàng một chân lý tối quan trọng được Việt tộc chú ý đặc biệt đó là nó diễn tả sự hòa hợp giữa hai thế đối ngược (chẵn lẻ) mà Tây Âu gọi là mâu thuẫn còn Việt tộc gọi là bổ túc, chẵn lẻ đây đại diện cho tròn vuông.
Duy vật ưa hình vuông chỉ địa, chỉ có, hay là hữu, với siêu hình là Hữu Thể học giỏi về ngoại vật (ontology).
Duy tâm ưa tròn (rắn cắn đuôi) với siêu hình đặt trên Vô thể: Thế giới ngoài bị gọi là "tuồng ảo hóa đã bày ra đó" (Maya).
Việt tộc nhận cả tròn cả vuông nhưng đặt tròn trên vuông, dân chúng quen nói "mẹ tròn con vuông" với ý nghĩa là văn trên võ, nhân nghĩa trọng hơn tiền tài, nó làm ra một lối sống giàu tình người, nên rất uyển chuyển được diễn tả bằng nét cong. Có thể nói nét cong là hậu quả của tròn vuông cộng lại. Nét cong được diễn tả ba cách một là bằng chữ S đứng. Hai là chữ S ngã như dấu Ðông Sơn ~. Ba là mái cong, đao đầu cong, để chỉ lối ở đời đừng quá cứng kiểu duy lý, logic, nhưng phải uyển chuyển theo tình người.
"Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng".
Nhà Việt cong ngay từ xa xưa như thấy trên trống Ðông Sơn, còn bên Tàu mới cong từ đời Ðường thế kỷ 8. Nét cong được diễn trong Cây Việt ở hình lưỡi cong xéo. Cong xéo đây là hậu quả giữa vuông (sống phủ Việt vuông búa) cộng với tròn (ở đây là lưỡi sắc thay cho tròn vì vuông tròn cùng diễn bằng nét sắc chỉ nét dọc I hay là O nên nét sắc là đại diện tròn) hai đàng tròn vuông hợp nhau làm thành nét cong vì thế Cây Việt có tính Việt hơn đâu hết: (1) đã rồng tiên; (2) còn 2-3; lại thêm nét cong nữa!
"Tượng Ý Hình Rồng" của Trần Phong Lưu, in trong báo Ðộc Lập số 2/1988)
VII. HÌNH CÂY VIỆT
1. Hình Cây Việt (chính là phủ Việt) tìm được ở Ðông Sơn có khắc 5 hình: chìa ra 2 tầng: trên, 2 giao long đang giao chỉ (giao tay); dưới, 3 người mang lông chim (hay 3 con vật). Lưỡi Việt cong xéo. Nét cong là nét đặc trưng của Việt tộc nằm giữa vuông và tròn cộng lại thành nét cong. Tuy ban đầu nước ta không gọi là Việt, nhưng Cây Việt mang dấu tính Việt là tiên rồng thì còn hơn danh hiệu.
2. Một phủ Việt khác đã trút hết hình nhưng điểm đặc trưng là nét cong thì nổi bật. Nét cong do hình vuông ở sống vuông và lưỡi phủ Việt sắc (chỉ đường thẳng thay cho tròn) làm thành, nét cong lại là cái cung (cong) cũng đọc là phủ, một thứ hình thêu vào áo tế.
3. Hình Thao Thiết là đồ đồng đời Thương. Chính ra là hình thần rồng (giao long) gặp được ở nhiều đảo Thái Bình Dương đan bằng một thứ cây mềm thành hình cá sấu có mang lông chim, miệng mở rất lớn để nuốt lọt người được điểm đạo vào bụng để được tẩm nhuận linh lực (Mothers trang 323: Kopiravi) khi truyền vào đất liền thì được đúc thành đồ đồng. Sau lại biến ra Văn Qui long, rồi cuối cùng ra chim và rồng, tức tiên rồng hòa hợp rồi lại phân cực.
4. Văn quì long biến từ Thao Thiết thành một thứ nửa chim nửa rồng. Là Rồng nên có chân trước chân sau, là chim nên có cánh.
5. Thao Thiết đang biến trở lại thế rồng, có lẽ đây là nơi phát xuất ra con rồng ngày nay: nơi giao long góp 4 chân với xà long góp cái mình dài. Các nhà nghiên cứu gọi đây là nghệ thuật sông Hoài, vì có lẽ vụ biến thể nọ xảy ra ở miền đó. Ðó là miền hơn kém thuộc Giang Tô trước kia có Châu Từ quê hương đồ sứ (do chữ Từ, Tàu phát âm là Sư) quê hương Nữ Oa Thái Mẫu và Phục Hi.
6. Vài hình người hóa tiên tức là mọc cánh chim, nên chim là tiên, tiên là chim. (Hình người tiên có lông chim nên gọi là Vũ hóa. Vũ là lông chim đối với Mao là lông thú).
7. Hình vuông tròn biểu thị bằng bánh dầy bánh chưng. Ðây là tròn vuông diễn bằng cách xếp các quẻ Kinh Dịch. Hình tròn vuông diễn bằng số là lẻ chẵn: 3-2 trong Cây Việt, tàng ẩn trong hai giao long và ba người.
8. Hình thái cực phân lưỡng nghi phát xuất từ 2 giao long số chẵn (chỉ âm) và 3 người (số lẻ chỉ dương). Dương tròn, âm vuông, khi cộng lại thì ra hình cong chữ S.
9. Cũng hình cong nhưng lấy ra khỏi âm dương và đặt ngang để trở thành dấu Ðông Sơn ~ = ~. Và cũng là dấu của Việt tộc. Nếu Tây Âu gọi được là vuông, Ấn Ðộ là tròn, thì Việt là cong. Cong là sản phẩm của vuông tròn cộng lại.
10. Hình cong kép gọi là hình xoáy ốc, cũng là một diễn đề (leimotif) của Việt tộc, nhiều nhà nghiên cứu đoán là phát xuất từ hình rắn uốn khúc.
11. Vài hình cong khác, nó là dấu đặc trưng của Việt tộc. Tàu phân biệt chút ít bằng hồi văn gẫy khúc có trong cái tước.
12. Nhà mái cong. Ta quen nghe nói nên "tránh góc ao đao đình vì có quỉ ở đó". Ðấy là hình thái sa đọa ra dị đoan. Sự thực là nét cong chứa ẩn bài học ở đời nên tránh sự bắt góc đừng quá lý sự mà phải uyển chuyển theo tình người, đó là lối ở đời đặc biệt của dòng Việt được tiền nhân khảm vào nhà ở. Nhà Việt mái cong mãi từ Ðông Sơn. Nhà Tàu mới cong tự đời Ðường.
13. Hình Cái Tước, một thứ chén tế lễ đời Thương diễn tả rõ con số vài ba: 3 chân 2 tai, trong các đỉnh cũng 3 chân 2 tai, nhà 3 căn 2 chái v.v... "tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" Thuyết quái 1.                                                                14. Hình trong cái qua: trên, 3 người; dưới, 2; sửa soạn cho ngũ hành trong Sách Ước
VIII. PHỤ TRƯƠNG CÂY VIỆT
1. Ban đầu chúng tôi có ý né tránh dùng nhiều tiếng Việt, sợ có thể bị mang tiếng ái quốc quá khích, nhưng càng nghiên cứu càng thấy không né tránh, bởi từ Việt có nghĩa là Siêu Việt trước, rồi sau tổ tiên Việt tộc mới dùng để gọi chủng tộc mình, làm như là lý tưởng để miêu duệ cố vươn tới, chứ tuyệt không có ý gì là kiêu thái ra vẻ ta đây là giống siêu việt. Rồi lâu ngày từ Việt đã trở nên tên thị tộc và lan rất rộng tức rất nhiều chi tộc cùng mang tên Việt. Hình như có lúc tên Việt được dùng làm tên chung toàn khối. Hơn thế lại thêm có được di vật đầy ý nghĩa kèm theo nên cuối cùng chúng tôi không ngần ngại dùng. Lúc ấy tôi mới nhận ra lối làm việc kỳ lạ của các nhà nghiên cứu lớp trước (mà nay nhiều nhà ngữ lý còn lập lại cách ngoan ngoãn) là cứ đặt đại ra tên mới mà không xá gì tới những tên quen thuộc trong sử như Man, Di, Nhung, Ðịch, Khương và nhất là Việt. Họ ở chỗ nào trong cái tên hổ lớn Austronesien, Austroastique? khiến những người không chuyên muốn nhận diện mấy dân cũ Cửu Lê, Tứ Di chẳng biết đâu mà lần. Hai tên mới này cũng giống tên Mông Cổ xưa. Tên này được dùng nhiều do giả thuyết là sau đại hồng thủy loài người chết hết còn một ít giống người sống chung quanh Thiên Sơn... rồi dần dần tỏa ra nhiều nơi. Những người tỏa xuống phía Ðông là dân da vàng gọi là Mongol nên hễ là da vàng thì đều bị cho là gốc Mongol: Mongol Bắc, Mongol Nam... Thuyết đó chỉ là một giả thuyết đã giả thiết một khởi đầu nhân loại quá vắn, rất sai với sự thực là loài người đã có lâu đời, có thể cả hàng nhiều trăm ngàn năm. Dr. Leaky cho là ít nhất 800,000 năm. Vì sai lạc thế nên càng ngày càng tỏ ra khó lòng chứng minh được ngay khi đứng về phương diện chủng tộc. Ngày nay nói về người Tàu với không Tàu cũng khó lòng tìm ra dấu phân biệt (Origins 149-150).
2. Tốt hơn hết nên căn cứ trên dấu văn hóa. Về điểm này thì Mongol chẳng có được bao, nếu có kể được ít dấu thì nói là phát xuất tự miền Thái Bình Dương xem ra có lý hơn nhiều. Vì thế thiết nghĩ các dân da vàng nên gọi là Việt hơn là Mongol. Chính chữ Mongol có thể phát xuất từ Lạc Việt như sau: Họ sáng lập Lạc Việt tên là Hồng Bàng. Chữ Bàng cũng đọc là Bàn là Ban là Man (Xem Văn Hiến Thông Khảo của Mã Ðoan Lâm thế kỷ 12 phần các dân phía Nam ngay trang đầu). Ðàng khác theo ngữ lý thì hai âm B, M đều là âm môi nên đổi cho nhau dễ dàng: Bồ côi đổi ra mồ côi, Ban ra Man, rồi Man ra Mân ra Môn dễ nữa.
Còn vụ tiếp vĩ tuyến thêm sau thì không thiếu, thí dụ như Man ra Mana ở vùng Tiểu Nê, Ða Nê chỉ linh lực.
Người Nhật đọc Việt Nam ra Beto-manu. Ðến Mã Lai thì phiền toái hơn chút ít vì trước khi nhận tiếp vĩ tuyến ai thì Man đổi ra Mal. Rồi lắp ai vào thành ra Ma-Lai. Ta có thể hỏi đã xảy ra như vậy cho Mongol chăng vì Man biến ra Mân rồi Mon rồi Mông (miền Nam Việt Nam quen đọc 2 chữ này như nhau: Bang=Ban, Môn=Mông, như có tên núi Mông bên núi Vũ ở Châu Từ (Giang Tô) rồi thêm tiếp vĩ tuyến ol cho Mong hay gol cho Môn thành ra Mongol. Như vậy thì Mongol chỉ là một chi tộc của Việt đã tỏa lên Mạn Bắc rồi nhiễm thói du mục. Giả thuyết này hợp với nguồn gốc văn hóa Tàu mới khám phá ra là do Việt. Trong The Archeology of Ancient China ông Kwang Chi Chang có viết "Sở, Việt, Ba, Ðiền, Miền Nam có thể chứng minh được là tổ của Tàu, tr. 481) tức văn hóa Tàu phát xuất từ miền Nam chứ không từ miền Bắc. Cũng có thể nói như thế về Mon Khmer và Mãn Châu tức cũng do từ Man mà ra. Mới nghe tưởng xa lạ mà phân tích kỹ thì ra có liên hệ vậy đó ngay về ngữ lý. Huống chi các mẫu số khác như tượng, số, chế thì như nhau.
Chỗ này nên ghi chú là: tiếng môn có 2 âm là R-mon và R-man nói lên rõ đây là một chi Việt phát xuất từ Man, thế mà hầu hết các học giả lại nói tiếng Việt bởi Môn. Lẽ ra phải nói Môn do Việt hay nói sát vào từ ngữ thì Môn do Man, cùng quá nữa thì nói Môn cùng một gốc với Mân với Man hay với Ban hay Bàn hay Bàng mới đúng.
3. Về các thứ Nê: Tiểu Nê, Ða Nê, Ấn Nê, Úc Nê... Nê bởi đâu mà ra vậy? Vì trong cổ sử không thấy có âm Nê nào, nên tôi đoán là Lê đọc trại ra Nê... Cửu Lê thì được nói đến nhiều trong Kinh Thư. Còn L đọc ra N thì là điều phổ cập ngay Pháp Mỹ cũng có: Pháp Niveau, Mỹ Level nên về ngữ lý không có ngăn trở. Còn về dấu chung là mang lông chim khi múa. Ấy là chưa kể mấy nét khác.
Sở dĩ ghi chú vài nhận xét trên đây vì không hiểu sao có khuynh hướng chung là cố bỏ rơi từ Việt. Xưa kia Bách Việt ở nước Tàu có đến 70% mà nay không còn tên Việt nào, đang khi Tạng, Hồ, Mãn, Kim, Hán chẳng có bao chứng tích văn hóa và chỉ là thiểu số thì lại có tên đàng hoàng.
Khi thực dân Pháp đến Việt Nam thì họ ghìm tên Việt vào cái khối Indochina (do ông Malte Brun mới đặt ra) để cho chìm mất tăm tên Việt hay nói "Việt do Mã Lai từ Ấn Ðộ tràn sang mà!" Làm liên tưởng tới liên hệ giữa Việt với Atlantis tiếp nối bị dìm mất tích! Sao vậy? Phải chăng vì người Ðông Á đã nhãng bỏ việc hiện thực vai trò triết lý Thái Hòa của mình.
Vậy bây giờ phải làm thế nào.
Thưa hãy nhớ lại thực thi lời trối trăn của tiên tổ là phải: Việt, Việt, Việt. Let us transcend. Transcend. Transcend.
IX. SÁCH ƯỚC
1. Sách ước chính là thánh kinh của Việt Nam, một kinh vô tự: không có chữ, chỉ có ba trang trống trơn, nhưng hai trang đọc được có tên là hỏa và mộc. Sách được ban cho Thần Tản Viên khi xuống thăm Lạc Long Quân dưới thủy phủ. Ðây là quyển sách gia truyền được ông cha trao lại cho con cháu, trao dưới đáy biển tức chỉ những điều chép trong sách nằm trong vùng tiềm thức cộng thông của đại chủng. Truyền thống tâm linh nhân loại thường dùng lòng biển để chỉ những chân lý thâm sâu cao cả. Những chân lý trong sách ước được diễn tả bằng ba ẩn ngữ: tiên rồng, ẩn số 2-3 và nét cong.
Sách Ước nói lên nguồn gốc văn hóa Việt phát xuất từ Thái Bình Dương như được kiện chứng bằng truyện hiền triết Tanê lên thăm kho trời được ban cho 2 hòn đá quyền lực và 3 thúng khôn tức cũng cùng dùng hai bộ số 2-3 như sách ước (2 trang hỏa mộc: hỏa số 2, mộc số 3). Hiền triết Tanê ở đảo Ðanê tức giữa lòng Thái Bình Dương y như Lạc Long Quân. Chắc vì nguồn gốc biển cả này mà Việt Nam gọi quê hương là nước. Nước Việt Nam: "Water Việt Nam" nói lên liên hệ với biển rõ ràng. Ðể hiểu được nội dung sách ước cần phải hiểu hai trang hỏa mộc là gì tức là phải hiểu ngũ hành ra sao, vì ngũ hành thành bởi hai bộ số 2-3 làm gốc.
2. Hãy xem cơ cấu ngũ hành (hình) sẽ thấy xương sống của toàn bộ văn hóa Việt mà cũng là của Ðạo Nho nằm trong ba số 2-3-5 nên muốn hiểu Việt Nho cách thấu triệt thì phải hiểu về ngũ hành, đó cũng là bí quyết của gia tộc. Như vậy phân tích ngũ hành có nghĩa là phân tích Việt Nho trong đợt tinh hoa nhất và sở dĩ sau Khổng Tử, Nho bị cho là thất truyền, thì một phần cũng tại ngũ hành không được khởi công nghiên cứu về mặt cơ cấu. Tuy Nho có nói nhiều nhưng toàn theo lối ma thuật kiểu âm dương gia tức trật đường rõ rệt.
Vậy nét nổi bật trong ngũ hành của Việt khác với "ngũ hành" các nơi ở chỗ có Vô thể nằm vùng ngay trong giữa gọi là Hành Thổ, đó là điều không mấy ai để ý tới vì nó diễn tả bằng số và hình cái nét đặc trưng của Ðông Nam Á là lưỡng nhất (dual-unit) hai mà một: nếu hai là hai, một là một thì dễ, là sự thường. Ðàng này oái oăm ở chỗ hai mà một, một mà ba. Hai đây cũng là có với không một trật, có với không khác nhau như trời với đất, nước với lửa. Vậy mà Việt Nho bảo là một, khác biết bao với duy vật chỉ có Hữu, duy tâm chỉ có Vô, Việt thì cả Hữu cả Vô một trật.
3. Chân lý đó còn được kết thành đồ án mới lạ ở chỗ vẽ ra cái không được mới tài, bởi không thì vô hình làm sao mà vẽ. Vậy mà Việt Nho vẽ được đấy, đó là nhờ cái khung Giếng Việt. Giếng Việt? Lại một cái vô lý nữa! giếng thì đâu chả có, việc gì mà giữ của Việt? Thưa gọi là Giếng Việt vì nó khác với giếng thông thường ở chỗ bao gồm cả có với không. Có hay Hữu biểu thị bằng 4 thanh gỗ đặt bốn chung quanh miệng giếng, còn Vô được biểu thị bằng miệng giếng tròn, dân chúng quen nói về giếng rằng "bằng cái sàng ba làng ăn không hết". Ba làng đây chỉ cả đạo đất, trời, người, cùng tham dự vào cái Vô ở giữa gọi là vô biên, vô bờ, vô bến, vô cùng. Vì lối đặt 4 thanh gỗ nên có ba tầng chỉ trời đất người mới gọi là Giếng Việt, và tổ tiên Việt đã đưa lên trời trước bạ giữ bản quyền không ai được in lại bằng đặt tên cho ngôi sao đẩu của chòm sao phương nam gồm 7 sao là Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Sao Tỉnh có hình Việt Tỉnh.
Thế là có đủ khung đủ số rồi, chỉ còn việc đếm số đặt vào khung nữa là ra cơ cấu ngũ hành như sau:
(Hình)
Ðó là xương sống của Việt cũng như của cả nho. Trong đó số 5 ở trung cung Hành Thổ chơi vai trò then chốt bằng đem lại cho 4 hành chung quanh sự phong phú vô biên, miễn biết khai giếng đúng cỡ, nhưng người sau chưa bao giờ xét tới ngũ hành như cơ cấu hết mà chỉ xét theo câu nói: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thành ra quên vị trí trung ương của Thổ, nên cũng đánh mất luôn phần nhiệm mầu của Việt nho. Vì Thổ ở trung cung đại diện cho Vô thể hay muốn nói cách tích cực là cả Toàn Thể, người ta quen dịch là đất. Sự thật thì không phải là đất mà là cái đức của cả đất trời cùng hàm tàng trong đó.
4. Người sau không để ý tới chỗ tế vi đó nên khinh dễ Hành Thổ coi như bà con nghèo, vì Hành Thổ chẳng có chi hết. Bốn hành chung quanh đều có phương, có mùa.
Hành Mộc số 3 có phương đông, mùa xuân, màu xanh.
Hành Hỏa số 2 có phương nam, mùa hạ, màu đỏ.
Hành Kim số 4 có phương tây, mùa thu, màu trắng.
Hành Thủy số 1 có phương bắc, mùa đông, màu đen.
Thật ra Thổ không có phương mà cũng chẳng có mùa nên phải đi xin 4 hành kia tí đuôi là tuần cuối đưa về làm vốn gọi là "Tứ Quí". Túng đến nỗi bị gọi là "hành vô hành, địa vô địa". Thảm thương chưa? Sự thực thì quan trọng chính lại nằm trong Hành Thổ, như câu phương ngôn quen nói "Trung hòa cực thịnh hồ Ngũ". Lý Nhân Tôn gọi là "Hành Thổ phu nhân" vì Thổ đại diện nguyên lý mẹ là cái làm cho văn hóa Việt trường tồn miên viễn. Ông Paul Mus nói Việt Nam không bị Tàu đồng hóa là nhờ lễ gia tiên và Thổ thần. Thổ thần đây chính là Hành Thổ đại diện cho Vô thể để lập thế quân bình với Hữu Thể.
Ðang có niềm tin là cuối thế kỷ 20 này mọi nền văn hóa đều sụp đổ hết như có một số học giả đã từng chủ trương, nhưng trừ văn hóa Việt, nó sẽ còn tồn tại mãi.
Bài sau tôi sẽ nói về mấy đức tính làm cho văn hóa Việt có tính cách trường tồn ra sao. Ở đây xin hãy nhận xét điều này là các "ngũ hành" khác không là "ngũ hành" mà thường là "tứ tố" với khuyết điểm rất lớn là thiếu Vô thể, nên mất quân bình sơ nguyên, trở nên một chiều kích. Aristotle đã hé thấy điều đó nên cố thêm vào yếu tố thứ năm (quinta essentia) là ether nhưng thử máu thì thấy cùng loại máu Hữu y như 4 tố kia, tức Ether cũng là khí có tinh tế hơn nhưng còn nằm trên bình diện Hữu chưa vào bình diện Vô.
Ðàng khác tứ tố thiếu sự kết hợp với phương, mùa, màu, sắc, vị v.v... nên không diễn tả được tính cách "thiên địa nhất thể" như ngũ hành và do đó tứ tố có tính cách cố định không tăng trưởng được như ngũ hành để biến ra các đồ án sau như Hà Ðồ, Lạc Thư, Hồng Phạm, Cửu Trù, thành ra chẳng có giá trị gì hết trọi.
X. HÌNH SÁCH ƯỚC
1. Là sách Lạc Long Quân ban cho thần Tản Viên khi xuống thăm thủy phủ. Sách có 3 trang không chữ. Thần đọc hai trang Mộc và Hỏa. Lại ban cho Gậy Thần 9 đốt để làm nhiều việc ơn ích cho đời, gọi là phép cai trị Cửu Lạc mà Trang Tử khen rằng "Cửu Lạc chi sự trị thành đức bị". Ai cắm vào được đốt 5 thì coi sống chết như nhau".
2. Ðể hiểu truyện Sách Ước ta hãy phân ra số 2, 3, 5. Số 2 ẩn trong trang hỏa chỉ hỏa lực, sức mạnh. Ðây là con số đã xuất hiện đầu trước hết với tiên rồng, rồi thăng hoa nhiều cách, cuối cùng thành nét song trùng ở Bắc Sơn, gọi là số lưỡng hợp hay lưỡng nhất dual-unit không một dân nào khác có cả.
3. Kể tới là số 3 cũng được quan trọng hóa như thấy nơi cái chạc (đồ tùy táng giống cái ly uống nước) bao giờ cũng tìm được đi bộ ba, đi theo tục đốt 3 nén hương, rót 3 chén rượu, ba cấp bàn thờ.
4. Con số 3 quan trọng đến độ định tính sự vật nên biến thể nhiều vật như cóc và chim tìm được ở Ðông Sơn có miệng nhọn (tức ba góc) gà ba chân, cóc cũng ba chân để lên chức cậu ông trời (phải rụng một chân).
5. Ngũ hành là số 5 đặc biệt được xếp theo khung Việt tỉnh (giếng Việt) gọi là Giếng Việt vì có 4 thanh gỗ đặt quanh miệng giếng tròn, múc không bao giờ cạn. Việt đi với tỉnh đã được ghi trên trời trong chòm 7 sao phương nam là Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh (điểu), Trương, Dực, Chẩn.
Trong ngũ hành số 3 Ðông, xanh, xuân;

    số 4 Tây, trắng, thu;
số 2 Nam, đỏ, hạ;
số 1 Bắc, đen, đông;
số 5 Trung cung, vàng, "hành vô hành, địa vô địa".
Văn minh Ðông Á số 2, 3, 5;
Văn minh tây bắc 4-1
Văn minh Ấn độ 1-4;
Ngũ hành biến ra Gậy thần bằng 2 vòng.
6. Vòng sinh đi theo kim đồng hồ: Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ 4 1 3 2 5
7. Vòng khắc ngược đồng hồ: Thủy Hỏa Kim Mộc Thổ 1 2 4 3 5

8. Vòng trong từ 1-5; Vòng ngoài từ 6-9

9. Hồng Phạm là mọi việc (ở 4 góc và mang số chẵn) đều phải theo mẫu lớn (Hồng Phạm) là ngũ hành đặt ở giữa.
4
9
2
3
5
7
8
1
6
10. Cửu Trù: kể ra những việc cần làm cho một nước đời xưa. Toàn là những việc tinh thần, nên đáng gọi là tâm linh sử quan. Ðây là việc mẫu kê theo con số 9 của dân Lạc Việt gọi là Cửu Lạc.
4
Ngũ Ky

9
Ngũ Phúc
Lục Cực
2
Ngũ Sư

3
Bát Chính

5
Hoàng Cực

7
Kê Nghi

8
Thứ Trưng

1
Ngũ Hành

6
Tam Ðức

Cửu Trù Hồng Phạm
11. Chữ Viên. Chỉ cuộc sống viên mãn tròn đầy, gồm cả Vạn lẫn Vãn. Vãn là tu thân cho đến độ coi sống chết như nhau (tức đắc đạo). Vạn là tỏa ra cùng khắp hết đến độ "tế thế an bang" tức là việc thiện, việc nghĩa lớn lao hơn hết có thể có ở đời. Chữ Viên chỉ có ở Việt Nho cũng như ý tưởng tế thế an bang vậy.
12. Phục Hi sáng tạo Kinh Dịch gồm có 8 quẻ. Ðây chẳng qua là giai đoạn hai trong tiến trình kiểu thức hóa (styliser) từ các vật lên đến các số 2, 3, 5.
Số 2, 3 là Ðạp Dịch của Phục Hi gồm gạch liền gạch đứt. Gạch liền ― là dương, gạch đứt - - là âm.
Giai đoạn ba là Dịch Ðại Vũ đưa số 9 vào làm ra Hà Ðồ Lạc Thư.
Giai đoạn 4 Dịch Văn Vương đưa Hào Từ vào để làm ra sách bói.
Giai đoạn 5 Dịch Khổng Tử đưa thập dực Hệ Từ vào để làm ra triết lý.
13. Tứ Ðại của Tây Âu là 2 cặp nước lửa và khí đất không có Hành Thổ làm con độn, triết lý gọi đó là thiếu Vô Thể. Chỉ có Hữu Thể.
14. Huy hiệu Việt Linh vẽ theo Sách Ước (ngũ hành) 2 nét cong lên theo tính trời, 3 nét trời thẳng ra theo nét đất, biểu lộ ảnh hưởng của trời đất giao thoa. Chim Âu bay theo tả nhậm biểu thị nguyên lý mẹ "vẫn ấp ủ nước Văn Lang".

XI. GHI CHÚ VỀ NGUỒN GỐC NHO
1. Ai cũng biết là đạo nho phát xuất từ Kinh Dịch. Kinh Dịch thành bởi âm dương, tam tài, ngũ hành. Nói kiểu cơ cấu là thành bởi ba số 2, 3, 5 (số 2: âm dương; số 3: tam tài; số 5: ngũ hành). Vậy muốn biết gốc Đạo Nho thì hãy tìm gốc ba bộ số 2, 3, 5. Hễ thấy chúng phát xuất từ đâu, thì Nho cũng từ đấy. Kinh Dịch đã nói điều đó trong câu:
"Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" (Thuyết quái 1).
Vậy số 2 phát xuất ở cái gạch Bắc Sơn (tỉnh Thái Nguyên).
Số 3 phát xuất ở bộ ba cái chạc Ðông Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Số 2-3 cũng ở Ðông Sơn trong một mộ cổ tìm thấy 5 hòn sỏi thì 3 hòn mài nhẵn, 2 hòn để thô. Lại thấy hình xếp 3 người trên, 2 người dưới trong các qua. Rồi trong hai huyền thoại: một sách ước với hai trang hỏa mộc, hỏa số 2 mộc số 3; một về hiền triết Tanê (ở Ðanê) nhận được 2 hòn đá quyền lực và 3 thúng khôn v.v...
2. Khổng Tử xưng mình chỉ thuật lại đạo xưa mà không sáng tác “Thuật nhi bất tác. Tín nhi háo cổ. Thiết tỉ ư ngã lão Bành” (Luận Ngữ VII-I). Khổng Tử trộm ví mình như Lão Bành. Bành với Bàng là một. Ví mình với Lão Bành tức ví với người họ Hồng Bàng.
Học với Thuấn là người Ðông Di "Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn" Trung Dung (30) "Thuấn Ðông Di chi nhân" (Mạnh Tử). Di là Lạc Việt. Người Tàu quen gọi ta là Man Di nên có Di Việt. Hoàng Di (như Hoàng Việt).
Khổng Tử hướng lòng về phương nam. "Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường dã quân tử cư chi" (Trung Dung câu 10).
Trong Kinh Thi ông đề cao thơ Châu Nam và Chiêu Nam đến độ bảo ai không học hai thơ đó thì như quay mặt vào tường. Luận Ngữ XVII 10. Còn rất nhiều lẽ, xin nhường lại cho chuyên môn. Ðây chỉ cần nhớ một điều là không tìm được trong cổ sử Tàu một điều nào chứng rằng Tàu là chủ khởi xướng ra nho hết. Trong truyện cổ Tàu không có vụ dùng số cách đặc biệt. Ðang khi trong truyện cổ ta có đầy dẫy. Truyện cổ Ca Tu trong 5 trang đếm được 16 số 9. Riêng trang 95 thì số 3 trở lại 22 lần. Trong nho số cũng đầy rẫy. Ông Mayers trong quyển "The Chinese Reader's Manual" đếm tới 319 bộ phạm trù bằng số (numerical categories). Các điều trên chứng tỏ Nho phát xuất từ Việt tộc trọn vẹn. Vì thế người Việt mà ruồng bỏ Nho là bỏ mất linh hồn của mình vậy.
Hỏi nếu vậy thì Khổng Tử có công gì?
Thưa vẫn có công lớn lắm ở chỗ đưa lý trí vào để làm ra minh nhiên những huấn điều của Việt Ðạo hãy còn nằm trong tiềm thức thiên năng. Thiên tài của Khổng Tử là đưa lý trí vào vừa đủ nên không phá mất thiên năng. Ông giữ được tỉ lệ 2-3: 2 lý trí, 3 thiên năng. Triết Tây Âu đưa vào đến 4 lý trí làm thui chột thiên năng (còn có 1). Ta có thể nói trước Khổng Tử, thì nho đạo là "tư thành minh giả vị chi Tính". Sau Khổng Tử thì là nho giáo "tự minh thành giả vị chi giáo" (Trung Dung câu 21). Về mặt quân bình 3-2 thì khắp Ðông Tây kim cổ không tìm thấy một thiên tài nào sánh ngang được với Khổng Tử.
XII. GẬY THẦN
1. Gậy thần là tên chỉ những đợt tăng trưởng của ngũ hành như sau:
Bước tăng trưởng đầu tiên là vòng trong vòng ngoài.
Vòng trong mới đáng gọi là ngũ hành, vì chữ hành nói lên sự biến động, nói lên luồng linh lực vận chuyển chưa kết đọng ra cái chi cả? Ðiều này chỉ xảy ra ở vòng ngoài, nơi sinh lực đã kết tinh thành sự vật và từ đấy thì phải dịch là tứ tố như của các nơi, vì đã thành sự vật cố định như nước, lửa, kim, mộc. Vòng trong vòng ngoài nhắc lại tính chất lưỡng nhất của con người gồm cả trong lẫn ngoài.
"Ngoài là lý nhưng trong là tình".
Tình thâm nhi văn minh.
Duy tâm chỉ ôm vòng trong.
Duy vật chỉ biết có vòng ngoài.
Các duy làm nên những văn hóa một chiều kích nó làm què quặt con người, đẩy con người xa khỏi cái "chu tri" toàn diện. Các nền văn hóa hiện đang bị khủng hoảng là vì vụ này. Heidegger gọi văn hóa tây âu là quên nét gấp đôi là vì vụ này đây. Bachofen 1851. Briffault 1927 chứng minh được rằng văn hóa Tây Âu đánh mất nguyên lý mẹ cũng vì vụ này: vì thiếu vòng trong chỉ toàn tứ, ngũ tố, có được chút hành nào đâu mà chả ứ đọng.
2. Cũng chân lý lưỡng hợp nhưng được biểu diễn kiểu khác là vòng sinh vòng kháng.
Vòng sinh là đường đi ra thế sự theo kim đồng hồ với chặng sinh, thành, suy, hủy.
Vòng kháng là đi ngược chiều trở về trung tâm theo 4 chặng: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nó đem lại chất trường tồn cho văn hóa (và do đó mà có vụ tả nhậm là đề cao tay trái như sẽ nói sau). Vì có trong ngoài, mà cũng có 2 vòng xuôi ngược, nên cuối cùng thành ra chữ Viên gồm cả Vãn lẫn Vạn.
3. Cùng chân lý trên: vòng trong vòng ngoài, tả nhậm hữu nhậm nhưng được trình bày bằng khung Việt tỉnh đã được mở rộng thành Việt tỉnh cương. Thay vì Việt tỉnh thì nó biến ra Việt tỉnh cương từ Việt tỉnh cương ra Thái thất. Thế là có đủ khung đủ số. Bấy giờ đem cả số sinh lẫn số thành đặt vào Việt tỉnh cương thành ra "Cửu Lạc" là 9 con số của dân Lạc Việt. Sau nho giáo gọi là "Hồng Phạm Cửu Trù". Ðó là một thứ Hiến Pháp. Ðúng hơn là một thứ Ðạo gọi là Hồng Phạm là mẫu mực lớn mà các việc lẻ tẻ (cửu trù) đều phải tuân theo. Cái mẫu lớn đó chẳng qua là Ngũ Hành nó phải là mẫu mực cho hết mọi việc. Làm được như vậy thì Cửu Lạc hay là Hồng Phạm Cửu Trù đã biến thành Minh triết gọi bóng là gậy thần. Vì làm được hết mọi việc khó khăn.
4. Minh Triết là gì? Nói theo siêu hình là khả năng hội nhập hai đầu thái cực lại một. Nói theo kiểu thông thường thì Minh Triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt cuộc sống thế nào cho mọi người được hạnh phúc. Nhiều học giả khen Ðông Á là miền duy nhất có Minh Triết thì câu nói đó đúng cả về nghĩa siêu hình lẫn nghĩa thường nghiệm. Về nghĩa siêu hình đúng vì đây là miền duy nhất có khả năng nối kết có với không. Còn về nghĩa thông thường thì đây cũng là miền duy nhất tạo hạnh phúc cho nhiều người hơn hết tức liệu mọi người được hưởng bình sản và tự do. Ðang khi các văn minh khác không đạt được: xã hội thì để có giai cấp chủ nô, chủ có hết, nô chẳng có gì. Hầu hết các xã hội lớn xưa đều có giai cấp, có khi đến 3/4 dân là nô. Nay xét kỹ lại mới giật mình quả là tổ tiên đã tạo lập cho con cháu đủ sách ước gậy thần, nhưng con cháu quên lú mới đi rước triết ngoại lai vào làm nước mất nhà tan. Sách Ước là 5 số sinh hay là ngũ hành. Thêm 4 số ngoài vào nữa thành ra 9 số gọi là Cửu Lạc hay Gậy Thần đều như nhau, gọi ngũ hành là Hồng Phạm, còn cửu trù là Gậy Thần. Ðó chỉ là những tên khác nhau để chỉ nền Minh Triết hoặc gọi là Ðạo cũng vậy vì cho được là Ðạo thì phải gồm cả âm cả dương y như Minh Triết vậy "Nhất âm nhất dương chi vi Ðạo".
5. Như vậy Minh Triết chính là đạo "Thuận thiên" mà nếu diễn tả ra bằng tiếng ngày nay là đem lý trí thuận theo "tiềm thức" "thiên năng". Nói bằng số là đem 2 phục 3 hay đem 4 phục 5 gọi là "Mẹ tròn con vuông" như đã nói trên. Hoặc đem câu đó hiện thực vào phép làm lịch là đặt 12 tháng vào khung thái thất chia ra 4 mùa, mỗi mùa có 2 tháng nhỏ (tháng ca) một tháng to, tháng to đặt cuối mùa. Tuần thứ 4 của tháng đó thì vua vào ở trung cung Hành Thổ, để "an Thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái". Cuối 4 mùa đều làm như thế gọi là tứ quí. 12 tháng vua phải ở trong 12 phòng. Tháng nhuận thì vua phải ra ở cửa, nên chữ nhuận viết chữ môn là cửa, dưới có chữ Vương. Vua phải theo nguyệt lệnh mà ở như vậy, vì vua thay mặt cho toàn dân đóng vai giao tiếp với Trời gọi là Người bắc cầu số giách (Supreme Pontife - kỹ sư cầu cống thượng đẳng); chỉ thế thi hành khi ông bắc từ đất lên đến trời thì mới đạt Minh Triết và đáng gọi là Pope King. Còn mấy ông vua du mục xưng mình là god king có cao hơn về tên gọi nhưng xét cầu các ông bắc thì giống cầu vòng có vươn lên cao, nhưng cuối cùng lại cắm đầu xuống đất, thì đó chỉ là chuyên chế, độc tài, độc địa chứ đem được hạnh phúc cho ai mà bảo là Minh Triết.
6. Nhìn xem văn minh nhân loại ngày nay đang bị khủng hoảng trầm trọng là vì toàn là vô đạo, thiếu Minh Triết. Nói chi tiết thì văn minh này đang thiếu:
(a) Một nền "chu tri" toàn diện: Cái học ngày nay chỉ là cái học thành công mà thiếu thành nhân. Nước chỉ có đến Hiến Pháp, trên không có gì nữa. Các đảng chính trị cũng chỉ có đến "cương lĩnh" là hết, trên nữa chẳng có đạo nào để mà tu thân, để nâng nhân cách lên cả, nên chính sự của đảng phái chỉ toàn mưu lược sao để nhằm hạ bệ đằng kia, chứ không biết lo cho nước. Ðúng hơn chỉ lo kiểu "hiếu hành tiểu tuệ" chính trị tính từng tuần: thiếu hẳn cái nhìn "an bang tế thế" để bình thiên hạ.
(b) Thiếu khả năng kiến tạo Hòa Bình, vì đến đợt siêu hình đã nối được có với không đâu. Triết học hí hoáy suốt 25 thế kỷ không sao cộng nối vuông với tròn vào nhau được, chỉ có kỹ thuật là sáng lạn. Bên trong không Chủ Ðạo, bên ngoài làm sao thiết lập nổi Hòa Bình. Có làm hết cỡ cũng chỉ đi đến tạm ước (modus vivendi) vậy thôi.
7. Ngoài ra thì đúng như Bachofen đã tố cáo văn minh nay đánh mất nguyên lý mẹ từ lâu rồi, nên không làm sao tạo hạnh phúc cho con người được. Phải có mẹ mới nâng cao sự sống, chứ cha chỉ nghĩ đến tăng quyền lực. Vì bỏ mất nguyên lý mẹ là tình yêu thương nên cho tới nay toàn dùng nguyên lý thống trị, principal of domina chỉ đi đến những đế quốc: từ Babylon, Assyria, Egypte qua Roma, Mongol... toàn đực rựa, dựa trên bạo hành bạo lực. Tất cả đều vang bóng một thời rồi sụp đổ trọn vẹn, không để lại trong khi di sản văn hóa được một cái gì đáng giá. Ngoài mấy trái bom H thì văn hóa này đóng góp được chi.
8. Văn minh lên cực cao đến đợt vi thể... nhưng chưa bao giờ thiết lập được một nền nhân chủ để cho con người làm chủ vận mệnh mình: hết phục tùng trời thời trung cổ, thì đến nay phục tùng đất: hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng điều khiển nhưng con người khốn khổ như lũ chó lè lưỡi thở hắt ra.
Văn minh nay cũng chưa bao giờ tìm ra được cái Học có Hành, nghĩa là cái hành gắn liền với học như sách ước gậy thần. Gậy thần là phần thực hiện của sách ước. Với Sách Ước thì ước gì được nấy. Sách Ước có tất cả các điều vừa kể trên:
(a) Nền chu tri toàn diện trong ngoài.                                                                                  (b) Kiến tạo hòa bình kéo dài nhiều ngàn năm.                                                               (c) Giữ được nguyên lý mẹ cho tới tận đời mới.                                                                (d) Thiết lập được nền nhân chủ để con người khỏi làm nô lệ cho các thế lực ngoại lai.(e) Lập ra được một nền học vấn có hiện thực chứ không chỉ là thứ học gây nên những con người lý thuyết. Những điều đó cho đến nay mới chỉ thấy miền có Sách Ước mới thiết lập được mà thôi. Và vì vậy có thể nói là nền văn hóa duy nhất đã tạo được hạnh phúc cho con người.                                                                                          
Chương sau sẽ nói về bức tranh hạnh phúc đó.
XIII. GẬY THẦN B
1. Cửu Lạc là con số 9 của dân Lạc. Hay là con số 9 sinh ra giống dân hân hoan an lạc. Hay là số 9 của những dân ca hát hoan lạc. Hiểu đàng nào cũng được hết, cùng một ý nghĩa như vậy. Về sau nho giáo gọi là Lạc Thư cũng trong ý đó. Lạc Thư là sách Mẹ đối với Hà Ðồ là sách Cha. Hà Ðồ đi vòng vo chỉ luận lý của lý trí. Lạc Thư thì đi thẳng tuốt kiểu trực thị là cách biết nổi bật trong Việt Nho. Lạc Thư cũng như trống đồng gặp nhau ở số 9 cả hai đều tả nhậm, cả hai đều nói lên sự hân hoan. Trống Ðồng nói bằng những hình ảnh, còn Lạc Thư nói bằng tên Lạc hay là hoan lạc do cuộc sống tròn đầy viên mãn.
2. Thêm hình một người cõng người khác mà nhảy múa để đặt nổi bật sự hoan lạc vui sống. Ðây là nét đặc trưng cực kỳ thú vị khi nhớ lại nét sầu bi khắc nghị của triết học cổ xưa ở hầu hết các nơi. Ðến nay mọi người mới giật mình, mới cố đề cao triết lý vui sống; chấp nhận sinh thú ở đời, nhưng đó chính là thể chế 15 bộ nước Văn Lang đã từ xa xưa. Một nước có trên hai ngàn năm lịch sử liên tục đã để lại một lâu đài văn hóa năm tầng không đâu có thể ví được dù chỉ một tầng.

3. Cuối cùng kết bằng vòng con giáp đưa ra một vũ trụ quan động trên hai đường rầy thời không: Thiên can, địa chi xoắn xuýt. Khi so với các nền văn hóa khác không nghiêng sang thiên thì là bên địa, ta mới thấy đây là nền triết cân đối đáng suy phục vô cùng.
XIV. GHI CHÚ VỀ LẠC THƯ LÀ SÁCH CỦA LẠC DÂN
Câu này mãi sau tôi mới dám nói. Trước cứ tưởng là của Tàu, ngay cả sau khi đã biết Ngũ Hành là do Việt. Nhưng sau suy đi nghĩ lại về chữ Cửu Lạc là con số 9 của dân Lạc, và gặp phép bói rùa của người Mường căn cứ trên số 9 của dân Lạc (gọi là chí rõ). Ðang khi bên Tàu không có chứng cớ nào hết.
Rồi lại thêm 15 bộ nước Văn Lang thì càng rõ rệt vì con số 15 là do số 9 của Lạc Thư cũng gọi là ma phương tức cộng chiều nào cũng ra 15.
Rồi đến các số 18: 18 đời Hùng Vương. 18 ngàn năm Bàn Cổ, 18 thước cao ngựa Thánh Gióng.
Truyện Mường kể Lang Da Cần là tổ của người Mường và Việt sinh được 9 gái 9 trai (2x9-18).
Lại còn Việt tỉnh cương do khung chữ tĩnh mới thành ra Hồng Phạm, Cửu Trù. Thế mà tỉnh thì chỉ có Việt tỉnh chứ không có Tàu tỉnh nào hết. Tóm lại, đợt vòng ngoài số 9 cũng như vòng trong số 5 (ngũ hành) đều phát xuất từ Việt. Gậy thần số 9 gắn liền với Sách Ước số 5. Cho nên phải nói ngoại ngôn từ là của Tàu, còn nội dung là hoàn toàn của Việt, nếu không Lạc Việt thì cũng Viêm Việt.

XV. TRỐNG ÐÔNG SƠN TRANG ÐẦU LỊCH SỬ HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
1. Trống thịnh đạt vào lối đầu thiên niên kỷ 1 BC, còn manh nha thì có lẽ vào ba bốn ngàn năm trước nữa vì nó cùng thành bởi những yếu tố triết Việt như người có cánh và ưa dùng số 5.
--------------------------------------------------------------------------------
Trống Ðông Sơn là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Ðông Sơn - biểu trưng của nền văn minh Việt cổ (văn minh nông nghiệp lúa nước), trong đó trống đồng Ngọc Lũ I (Loại I theo Heger) có hình thức đẹp nhất, nội dung phong phú nhất và hoàn chỉnh nhất với tiêu bản cũng được coi là xưa nhất. (Hình mặt trống)
--------------------------------------------------------------------------------
 
Người có cánh đại diện cho Mẹ Tiên biểu diễn trên mặt trống. Còn số vòng ngoài đại diện cho Rồng Cha thì vận hành ở tang trống. Cả hai hợp nhau để nói lên nền Minh Triết uyên nguyên vì hội nhập được cả đất trời. Trời nét dọc là tang trống, nét ngang là mặt trống: cả hai làm nên một thực thể quen thuộc được gọi là nhạc khí vũ trụ, hay vũ trụ hòa âm để tấu lên bài ca du dương diễm phúc. Vũ trụ nói lên kích thước bao la là trời với đất, cả hai hòa hợp để diễn tả cuộc hòa âm của mình cùng với con người. Cuộc hòa âm này chiếu giải lên toàn thân trống tả lại một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca vũ múa nhảy như động trời khói đất trong một party lớn lao bao gồm cả trời (mặt trời) cả đất (thuyền rồng và các con vật) cả Người ở giữa mà linh lực được giồn vào 14 cây sào cương cứng làm toàn bằng linh lực tinh tuyền, không còn gì là tay, chân, mình mẩy nữa. Ðó là cực độ hạnh phúc gọi là diễm phúc.
2. Nói theo Nho thì đó là Tam Tài đang tác động hết cỡ: cả trời, đất, người đang diễn lại cụ thể câu sách quan trọng của Nho là:
"Trung dã giả thiên hạ chi đạo dã.
Chí Trung Hòa: thiên địa vị yên.
Vạn vật dục yên". (Trung Dung 1)
Trung là gốc. Hòa là chỗ đạt đạo. Khi đạt "Chí Trung" thì cũng đạt "Chí Hòa" và lúc ấy trời đất được đặt đúng vị trí, nên mọi vật đều được nuôi dưỡng giáo dục. Chỉ một ý nghĩ mà dưỡng nuôi giáo dục được sao? Chỗ này nên ghi nhận là ta không thề biết vũ trụ, ta chỉ có vũ trụ quan nghĩa là quan niệm về vũ trụ. Ðó là sự giải nghĩa vũ trụ của ta. Nhưng ý nghĩ ta có về vũ trụ chúng được xếp đặt ra sao cái đó gọi là vũ trụ quan. Chỉ là quan niệm ta có về vũ trụ, nhưng công hiệu thì y như biết về vũ trụ. Chỉ cần xem cái vũ trụ của anh tôi biết liền anh có thể là an bang tế thế hay không, ra làm chính trị anh có thể làm ích cho đời hay không. Cho nên trong sách nói "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên" là nói đúng. Thiên địa vị yên là do anh xếp đặt cho trời cho đất, chứ trời đất bất cần đến anh, nhưng sự xếp đặt của anh gây ảnh hưởng y như anh xếp đặt thực sự. Nếu xếp trời ra trời đất ra đất thì vạn vật được nuôi dưỡng và giáo hóa. Xem khắp các nền triết đông tây kim cổ mới thấy câu đó đúng mọi đàng. Câu sách đã nói lên bằng lời cái cảnh tưng bừng hạnh phúc cũng như cái bí quyết để đạt được như vậy. Bí quyết đó là "Chí Trung" thì mới "Chí Hòa". Nhìn lên trống đồng ta thấy một cuộc hòa lớn lao mà ta phải gọi là "Thái Hòa" là cái hòa gồm vô số cái hòa lẻ tẻ nằm trong cái Hòa lớn lao đó. Nói kiểu cơ cấu thì:
"Nội hàm càng nhỏ
Ngoại tỏa càng to".
Nội hàm là 14 tam giác gốc chân đứng ở bên hữu, đầu nhô vào chốn hư Vô. Ðó là chốn nhà Phật kêu là "Lân Hư" là cùng cực của Trung Hòa. Nếu đi vào nữa thì chỉ có "quá trung" cái trung trống rỗng duy tâm; xê ra nữa thì là duy vật chỉ có thể tạo được những cái hòa tạmbợ, hòa nhỏ bé. Còn muốn đạt cả hai thì phải cố đạt chốn Lân Hư kia. Ðó là nội hàm cực nhỏ, còn ngoại tỏa là những vòng tam giác tỏa khắp vòng ngoài mặt trống quen gọi là văn răng cưa. Ðó là kiểu diễn tả lý thuyết. Còn thực hành thì xem kìa.
3. Tất cả các vòng đều tiến ngược kim đồng hồ cũng gọi là "tả nhậm" tức là vai tả để trần và quay vào mặt trời ở trung cung để đón nhận luồng linh lực đang phát ra từ đó.
Tả nhậm nói về xã hội là óc phù yểu: bênh vực bên yếu, bên Nữ.
Tả nhậm còn chỉ tâm linh tình cảm được đặt bên trên lý sự.
Tả nhậm cũng chỉ nguyên lý mẹ (Kinh Dịch gọi là Khôn) phải nổi hơn nguyên lý cha (Kinh Dịch gọi là Càn) Khôn hơn Càn, để Khôn khỏi bị lấn át như trong các văn hóa du mục hữu nhậm.
Tả nhậm còn nói lên hướng qui tâm tức đi về Hành Ngũ là đi về chỗ vô thể cũng là đi về chỗ tinh thần trung thực thì sẽ sinh ra một sự thống nhất lẫm liệt bao cả trời đất, cả mọi vật: cả chim trời, cả nước (rồng) thú vật (2 đoàn 10 con hiêu sao). Cuộc thống nhất này gọi được là hòa âm vì có nhạc tăng cường. Xem đó ta mới thấy văn minh ngày nay xây trên duy Hữu tức cũng là duy vật thì là thiếu tinh thần trọn vẹn. Những cái gọi là tinh thần ngày nay đều bất lực không đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn là vì thiếu chất Vô thì là tinh thần giả tạo. Còn nếu duy vật chường mặt ra, vỗ ngực ta đây là duy vật thì tất nhiên không nuôi được tinh thần, mà ngay đàng vật chất cầu cơm, cầu cũng chẳng nổi, thì còn trông làm được trò trống gì cho tinh thần. Ðấy cái bí quyết của Thái Hòa là ở chổ đó, ở chỗ tả nhậm, tả đản qui tâm.
4. Trên đây là cái nhìn bao trùm. bây giờ ta xem cách phân tích hơn để nhận xét. Trước hết ta thấy mặt trời ở giữa thay cho trời làm trung tâm tung ra sức sống và sáng. Tiếp cận là 14 tia sáng chỉ 2 tuần trăng (2x7-14). Rồi đến các vòng ngoài đều chia ra 2 bên chẵn lẻ.
Bên chẵn thì trên nóc nhà 2 chim, đoàn người 6, đoàn chim 4 cặp.
Bên lẻ thì trên nóc nhà 1 chim, đoàn người 7, đoàn chim 3 cặp.
Vòng ngoài cùng chia làm 4 chỉ 4 chiếc hoa quì 9 cánh: 4x9=36 cũng có thể chỉ 4 phương, nhưng gọi tên hoa quì:
(1) Vì có mặt trời ở giữa nó gợi ra ý "sun flower"...
(2) Hoa quì lại có 9 cánh, chữ chín đây là số 9 tiên thiên của huyền sử, dân Lạc lấy số 9 làm quan trọng, nhân với 2 thành 18. 18 chim to, 18 chim nhỏ. Số 18 là huyền số như:
18 ngàn năm Bàn Cổ.
18 đời Hùng Vương.
18 thước cao của ngựa Thánh Gióng v.v...
5. Hỏi trên đây là bức tranh đẹp thật nhưng có bao giờ hiện ra sự thực ở đời hay chỉ là hư cấu trừu tượng?
Thưa có chứ, vẫn đã có thực hiện từ lâu đời ở các đình làng Việt Nam. Ðình là cái nhà có ba tầng kiểu nhà sàn: nóc có chim đậu chỉ trời, người ở sàn giữa, bên dưới là đất. Trong đình cũng thi hành 3 tầng như vậy tức gồm cả tế tự cho trời, hành chánh chia ruộng đất, còn người thì vui sống đình đám chơi xuân. Nơi các văn minh khác thì phải có ba nhà:
"Một nhà để cầu kinh.
Một nhà để làm tình.
Một nhà để hành chánh".
(Nói theo Phạm Duy). Ðây thì thiên địa vạn vật nhất thể: cả ba giồn một, tế tự cũng đấy, mà đám đình và hành chánh cũng đấy, chẳng có gì tục với thiêng mà phải riêng rẽ cả. Ðấy là nét đầu.
Nét hai là một văn hóa tưng bừng đình đám: chấp nhận mọi sinh thú ở đời. Những bộ mặt đám ma của các loại triết học khắc nghị không được bén mảng đến đó: cũng không có võ công hay bi kịch mà thay vào múa ca hát xướng.

Hình Trống đồng Ngọc Lũ I.

Mặt trống đồng biểu trưng của nguyên lý thống nhất từ vũ trụ.
 6. Việt Nam có đến hàng trăm điệu hát hò, cá múa khác nhau:
Múa sinh tiền.
Múa sắc búa.
Múa chai.
Múa trống.
Múa đèn.
Múa đánh bạt.
Múa giao cờ quạt.
Múa trống bông.
Múa dậm.
Múa bông lau v.v...
Ðua thuyền, kéo chữ, đánh cờ người, múa rối nước, múa rối cạn. Ðó là những cuộc hòa vui, hòa sống nó tỏa ra khắp nước: trên dưới một lòng, tức chỉ có một văn hóa cho toàn dân: người đi học thì gọi là "văn gia", không đi học thì gọi là chất gia, chỉ khác có học với không học, còn sống thì là một rất thong dong vì có đến ba ngành: Nho, Lão, Phật. Ai theo đạo nào thì tùy thích, không hề có chiến tranh tôn giáo hay ý hệ. Hơn 50 sắc dân thiểu số với những tín tưởng rất khác nhau mà vẫn sống bên nhau từ bao ngàn năm nay yên thắm. Chỉ mới từ một trăm năm nay bị du nhập văn minh ngoại lai, trong nước mới chia rẽ đủ thứ lương giáo, rồi quốc cộng xâu xé nhau cho đến nỗi nước mất nhà tan. Xem lại mới thấy văn minh trống đồng quí giá vô giá.
7. Có những sử gia phàn nàn vì loài người chỉ viết có sử chiến tranh, sử đế quốc đàn áp bạo hành, sự bất công nô lệ... mà chưa gặp thấy những khởi công viết bộ sử hạnh phúc con người. Nếu bao giờ có những khởi công đó thì thiết nghĩ bức tranh trống đồng sẽ là trang mở sách, và văn hóa Việt Nam sẽ cung ứng thêm nhiều bức tranh minh họa, như Tiên Rồng nói lên tác động siêu việt, Cây Việt vừa nói lên tính danh, vừa chỉ ra cái xương sống của nền văn hóa Việt tộc là ngũ Hành. Ngũ Hành cũng là xương sống của quyển "Kinh Thánh Việt" được tiên tổ truyền lại cho các thế hệ sau dưới lòng biển cả. Rồi đưa lên lắp vào cái khung Việt tỉnh để gọi cái không vào giữa những cái có. Dân Việt mà bỏ ngũ hành là bỏ nho, mà bỏ nho là bỏ linh hồn mình sẽ tan cửa nát nhà như đã xảy ra.
Ðạo mất trước nước mất sau.
Bao giờ lấy lại được Ðạo, thì rồi cũng lấy lại được nước, không trước thì sau, không mảy may nghi nan gì.

XVI. TRỐNG ÐỒNG
1. Trống Ðồng là bản tóm cả bốn tầng trước và minh họa cách huy hoàng.
(1) Trước hết là tiên rồng. Tiên trên mặt trống toàn chim. Rồng dưới tang trống gồm 6 thuyền đã hóa rồng.
--------------------------------------------------------------------------------
Trống Ðông Sơn là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Ðông Sơn - biểu trưng của nền văn minh Việt cổ (văn minh nông nghiệp lúa nước), trong đó trống đồng Ngọc Lũ I (Loại I theo Heger) có hình thức đẹp nhất, nội dung phong phú nhất và hoàn chỉnh nhất với tiêu bản cũng được coi là xưa nhất. (Hình mặt trống)
--------------------------------------------------------------------------------
 
(2) Thứ đến là Cây Việt: gồm nét ngang và dọc. Ngang là mặt trống, dọc là tang trống. Mặt trống chia đôi bên chẵn bên lẻ.
Chẵn là trên nóc nhà 2 chim, đoàn người 6, đoàn chim 4 cặp.
Lẻ là trên nóc nhà 1 chim, đoàn người 7, đoàn chim 3 cặp.
Số 3 là tam giác gốc, trong có 2 chấm nữa ngậm trong thành ra 5.
Số 5 là trung tâm mặt nhật cộng với 4 nữa sau 2 vòng.
(3) Số 9 là 36 chim vòng ngoài cùng đại diện cho 4 hoa quì 9 cánh.
"Hoa quì chăm chắm hướng về thái dương"
(tất cả tiến theo tả nhậm là qui tâm nên gọi bóng là hướng dương)
(4) Toàn trống nói về nền Thái Hòa Thiên, Ðịa, Nhân. thiên là mặt nhật, địa là thuyền nước và người ở vòng giữa. Tất cả đang hân hoan tiến về trung cung. Trên trần gian không thể tìm đâu được bức tranh triết lý Thái Hòa huy hoàng rực rỡ hơn. Thật vinh dự cho Việt tộc có được bức tranh trống đồng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc mình. Khuyên mỗi gia đình sắm một tranh treo nơi trang trọng.
2. Thuyền tình bể ái.
Ðầu thuyền đã biến thể ra miệng con rồng đang mở để đón nhận cái hôn nồng cháy đậm sâu vào tận họng, cái hôn giao chỉ thấm thía vô cùng diễn lại bằng miệng rồi bằng hai cái đuôi Phục Hi Nữ Oa quấn lấy nhau hay cánh Ðồng Tương của Âu Cơ Tổ Mẫu và Tổ Phụ Lạc Long Quân.
3. Hình thần trăng bên Ai Cập cũng 14 bậc, với con mắt trái ngự trước bàn thờ tam cấp, tức là những mẫu số chung của thời nguyên lý mẹ có chung với trống đồng: 14 tia sáng chỉ 2 tuần trăng 7 ngày là 14, với con số 3 (tam tài) với mắt tả (tả nhậm) để chỉ biên cương rộng mở thời mẫu hệ với các thần nữ làm nên môi sinh tinh thần của Văn Lang quốc.
4. Ghi thêm mấy hình chim trong trống cũng như mấy hình người mang lông chim đang ca múa để chỉ những con người sống thanh thoát như tiên, chỉ còn lại một chân trên đất, đang khi hai cánh bự vươn cao nói lên sự thanh thoát như đang bay vào cõi tiên bồng an lạc.
5. Ghi lại hai hình nóc nhà 1 chim với 2 chim nói lên bên chẵn bên lẻ là điều rất quan trọng cho cơ cấu. Chẵn lẻ cũng như vuông tròn, cũng như ngang dọc, cũng như gạch đứt gạch liền đều nói lên hai mặt đối chọi của cùng một vật.
XVII. NHÂN THOẠI
1. Huyền thoại là một nguồn suối đưa ta đến Minh Triết, đến những đợt sâu xa hơn về nhân cách con người. Sâu xa hơn cả thì không gì bằng nhân thoại. Nhân thoại cũng là huyền thoại, nhưng khi người làm chủ thì gọi là nhân thoại; trái lại nếu thần làm chủ là thần thoại. Khi Promethee ăn trộm lửa bị bắt thì bị đóng đanh trên núi Caucase, đó là thần thoại. Còn khi Mơ Sao cũng ăn cắp lửa mặt trời đưa xuống sưởi ấm cho nhân dân mà không hề hấn chi hết, đó là nhân thoại. Dữ hơn nữa là Ðam San có lần lên tóm cổ trời bắt phải thả thóc giống xuống cho dân làm rẫy, thì đó là nhân thoại tức con người làm chủ tình thế.
Nhân thoại lẫy lừng hơn hết trên trần gian này thì không truyện nào dám tranh với Bàn Cổ:
"Hỗn mang chi sơ                                                                                                         Vị phân thiên địa.                                                                                                              Bàn Cổ thủ xuất.                                                                                                                         Thủy phán âm dương".
2. Lớn lao và tự lực tự cường đến thế là cùng tột: xuất hiện trước cả trời cùng đất. Bàn Cổ trước rồi mới đến lượt trời đất sau. Ra trước là tuyệt được cái nạn "ma cũ bắt nạt ma mới", nên sau trong văn hóa Việt không hề xảy ra cái nạn bị trời đất bắt nạt: tức không duy thiên, định mệnh, mà cũng không duy vật sử quan: hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng, nghĩa là của cải được trọng hơn con người đến độ chia người ra giai cấp theo tài sản: có của là chủ, không có của là nô. Nước thì gọi là cộng sản, hay tư bản tức con người không được dùng làm nền tảng. Vậy là vong thân. Ðó là những cái sẹo của vụ bị thần thoại ăn hiếp.
Bị ăn hiếp như vậy nên tâm thức con người không sao vươn lên được đợt an hành để có triết lý An Vi, mà cứ lẹt bẹt ở đợt cưỡng hành: làm vì sợ trời đánh thánh vật, "sợ thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây bồ đề". Cố vươn lên cũng chỉ tới đợt lợi hành tức động lực các việc làm luôn luôn là quyền với lợi: có được lợi mới làm. Nói theo triết là còn lệ thuộc vào địa gọi là "địa lợi". Triết học lý niệm cũng gọi là ý hệ hoàn toàn ở trong đợt lợi hành này, không sao vươn lên đợt an hành: thấy đáng làm là làm, như Thánh Gióng được nhận làm quan thầy triết lý An Vi của An Việt, khi đánh đuổi quân xâm lăng xong thì ngài không về triều lĩnh bổng lộc mà lên thẳng núi Sóc Sơn ở miền An Việt để hóa.
3. An Vi là nền triết căn cứ trên an hành thấy việc đáng làm là làm, làm tận tình tận lực để không tiêu phí sinh lực vào sự lo lắng về thất đắc, nên "thắng không kiêu bại không nản" việc bất thành thì gây ngay công cuộc khác. Tục ngữ nói: "Ðắm đò tiện thể rửa trôn". Tan nhà mất nước phải lưu vong ư? Thì nhân tiện lấy mấy cái bằng kỹ sư, bác sĩ, luật sư. Anh em An Việt thì hô nhau xây dựng một nước Việt Nam khác, linh thiêng hơn, mở rộng khắp vũ hoàn. Eo ơi gì mà mơ dữ vậy hở bồ? Ấy vì bọn tôi là con cháu Bàn Cổ, Nữ Oa, toàn mơ những việc có tầm vóc vũ trụ vậy đó. Bàn Cổ lớn sơ sơ mỗi ngày có 9 dặm (sức lớn đuổi gần kịp xe lửa xã hội chủ nghĩa). Ðó là huyền sử để chỉ thị sức đi lên của Bàn Cổ trên đường linh thiêng. Ở những văn hóa thần thoại thì tinh anh phát tiết hết ra ngoài, thể hiện vào những cái khổng lồ như Ziggurat, Kim Tự Tháp, Borobodour... Còn ở nhân thoại thì sức tăng trưởng rút vào tinh thần gọi là Ðại Ngã Tâm Linh được kích thước hoang đường của Bàn Cổ phác họa tầm vóc. Ðường lên linh thiêng có 5 đợt:
(1) Thấp nhất sát con vật thì người ăn thịt người.
(2) Lên một đợt nữa thì người hà hiếp người.
(3) Lên đợt nữa thì người chia của đều nhau (bình sản).
(4) Cao hơn nữa thì san sẻ (công đức, việc nghĩa).
(5) Lên đến chót đỉnh thì tâm linh: "tấm thân ngoại vật là tiên trong đời".
Nhân loại đang quanh quẩn ở đợt hà hiếp nhau hoặc bằng chế độ nô lệ, hoặc bằng đế quốc độc tài. Tại sao vậy? Vì chưa trút hết trăng trối của thần thoại nên không cất mình lên được tới đợt an hành mà chỉ luẩn quẩn ở dưới đợt lợi hành hay cưỡng hành.
4. Thi sĩ triết gia Emerson cho câu nói "thiên lý tại nhân tâm" là một cuộc mặc khải lớn lao nhất, ơn ích cho nhân loại hơn cả, nó làm cho con người bắt đầu tự cường tự lực, dám đón nhận trách nhiệm trước trời cùng đất. Ðó là tầng tâm thức mà nho giáo gọi là "Tam Tài" đặt con người ngang hàng với trời cùng đất. Nếu trời là vua, đất là vua thì người cũng là vua. James Legge là người dịch toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh khi viết đến chỗ này ông đã chửi toáng lên rằng là cha tiên sư chúng mày kiêu ngạo, dồ dại đến thế là cùng: dám đặt mình ngang hàng với trời cùng đất. Ðiên thật. Ông đâu có ngờ rằng chính quan niệm Tam Tài đã giúp con người Việt nho tiến mạnh lên ba bước sau cùng là chia đều, san sẻ và tâm linh, còn những nơi thiếu thuyết Tam Tài thì cứ bì bõm mãi ở hai cấp dưới, nên lập hết đế quốc nọ đến đế quốc kia để nô lệ hóa con người. James Legge chưa biết mình là lạc hậu vì ông bị tiêm nhiễm bởi ý niệm Thượng Ðế của Aristotle ngự mãi tắp tít trên tầng trời thứ 9 lận, nghĩa là còn xa lắm ông mới khám phá ra trời ở ngay trong tâm con người, nên ông chỉ biết có thiêng liêng ngoại khởi chứ không biết đến tâm linh nội khởi. Vì thế mà văn minh gốc Hi Lạp dù có tiến bộ cao đến đâu cũng không lập nổi tình huynh đệ phổ biến hay hàn gắn được nhát chẻ đôi luôn luôn dỉ máu vẫn chia rẽ loài người ra bên chủ bên nô, rồi nay bên vô sản, bên hữu sản (hay vô thần hữu thần cũng vậy) do đó bất lực không ngăn nổi hai cuộc thế chiến hoàn cầu. Ðó là tại thiếu nhân thoại! Chỉ có thần thoại. Chung qui là tại cái học duy lý không biết đường mở sang tâm linh nên thiếu những cái nhìn trên cấp vũ trụ...
5. Bên Việt nho đôi khi cũng gặp tai họa duy lý đó thường từ phía tây bắc truyền sang nên được kể lại bằng chuyện Thần Chúc Dong coi lửa phía Ðông Nam đuổi Cộng Công, nó giận quá húc đầu vào "núi không tròn" làm cho trời sụt xuống phía tây bắc, đất không đủ ở phía đông nam, xảy ra tháo thứ trong vũ trụ.
Làm thế nào bây giờ? Lại một nhân thoại lẫy lừng khác đưa ra giải pháp cứu nguy đó là trang sử oai hùng của Nữ Oa Thái Mẫu: vừa hay tin Người liền nấu ngay một nồi bộng đá ngũ hành rồi không đợi phi thuyền con thoi mà đích thân đội ngay lên trời vá lại mảnh trời giột.
Nhân thoại này cũng như bao nhân thoại khác cả 25 thế kỷ nho không hiểu ý nghĩa nên bỏ qua hoặc kể lại lung tung, thí dụ truyện Cộng Công đặt sau vụ đội đá vá trời làm mất hết ý nghĩa, rồi giải nghĩa kiểu địa hình là trời không che đủ phía tây bắc nên nước đổ xuống thành ra các sông chảy về phía Ðông Nam làm sụt đất... (thiên bất túc tây bắc, địa bất mãn đông nam). Ðó chỉ là sự giải nghĩa hạn hẹp do lý trí suy ra chứ huyền thoại phát xuất từ tiềm thức cộng thông để chuyên chở những chân lý cao cả có tính cách phổ biến chứ đời nào đi nói về địa hình địa vật thế đâu.
6. Ðây là ý nghĩa thực sự. Cộng Công là cái khuynh hướng làm đẹp lại những cái vốn lớn lao kiểu cái học duy trí, cái học chỉ lo thành công (người xưa gọi đó là cung công) mà không lo đến thành nhân khiến cái học thiên về bên hữu, bên duy vật mà không còn chi cho bên Vô, không còn là cái học chu tri toàn diện gồm cả Hữu và Vô. Nói bằng số ngũ hành thì đó là cái học số 4 ở phía tây hay số 1 ở phía bắc (xem lại đồ án ngũ hành kỹ cho dễ hiểu truyện Nữ Oa). Làm thế nào để chừa lại? Thưa đối với cái học quá chú ý đến sự biết nhiều mà không chú ý đến hiểu sâu thì phải thêm những cái tinh luyện tình cảm con người như thi, thơ, lễ, nhạc... Chính những cái không sản xuất đó mới nâng tâm hồn con người lên, giải thoát nó ra khỏi những cái bé nhỏ để mở chân trời vào cõi tâm tình man mác, để thoát ra khỏi nạn tham lam quá độ: vơ vét vào cho nhiều, gây nên nạn chênh lệch tài sản, làm xáo trộn xã hội. tâm linh là cái gì bao la như vũ ttrụ, có tính cách thống nhất; con người phải được hút thở trong môi sinh rộng mở đó mới bớt được tham tàn, mới trở nên thanh thoát. Trái lại cái học lý trí chẻ bét sự vật ra bé nhỏ làm cho cái nhìn càng ngày càng trở lên eo hẹp, không cho thấy được Ðại Ngã mênh mông như vũ trụ. Làm thế nào để đạt tâm linh? Thưa hãy đi một đường "tả nhậm" hãy quay về với nội tâm trung cung. Ðấy gọi là Nữ Oa theo câu "Nữ nội Nam ngoại". Oa là oa trữ tàng chứa muôn hạnh phúc nên thiếu tâm linh là thiếu hết cả. Ðó! truyện Nữ Oa là thế. Ðó là cái chiều Vô biên mà con người phải hội nhập, hội nhập bằng thiền, hoặc bằng thi, thơ, lễ nhạc hay bằng các việc thiện.
7. Ðó là ý nghĩa vá trời của Nữ Oa nói lên tác động mạnh của Nguyên lý Mẹ làm cho con người hết què quặt vì có cả hai bên nên có thể tự lực tự cường không để cho cái gì bên ngoài sai sửa nữa. Tục ngữ Việt nói:
"Còn mẹ ăn cơm với cá.                                                                                                    Mất mẹ liếm lá gặm xương".
Văn hóa đánh mất nguyên lý mẹ chỉ còn có đường gặm xương khô thiếu chất nuôi dưỡng.
8. Việt Nam có một tập sách nhỏ gọi là "Lĩnh Nam Trích Quái" chứa đến 15 truyện nhân thoại liên tục chứng tỏ Việt Nam là cái lò sản xuất ra các nhân thoại mà mở đầu là Bản Cổ. trong bài 1 tôi đã kể truyện cái bọc trăm trứng của Âu Cơ quốc mẫu và chỉ tỏ tính cách vũ trụ của nó. Ðây tôi xin nói thêm rằng tầm vóc truyện đó còn lớn hơn cả truyện Nữ Oa Thái Mẫu. Vì đây là đẻ ra cả cái trứng chứa toàn những tay chọc trời khuấy đất hoặc xếp đặt trời đất như ta xếp sách vở vậy đó, như truyện vua Tiết Liệu sau đây. Vua Hùng Vương thứ 3 muốn truyền ngôi cho con. Ðể chọn ra người tài đức vua hứa sẽ truyền ngôi cho con nào làm được món ăn ngon nhất. Các con liền đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ. Riêng Lang Liêu nhà nghèo không biết làm chi. May thay đêm đến thần hiện ra bảo hãy lấy gạo làm bánh vuông chỉ đất và một bánh tròn chỉ trời. Lang Liêu vâng theo được vua cha chấm đậu và đặt cho tên tự là "Tiết Liệu" vừa có nghĩa là do liệu cách tiết kiệm, vừa có nghĩa cao siêu là biết lo liệu theo tiết nhịp uyên nguyên trời đất. Nói theo triết đây là vấn đề nan giải ở tại hội nhập vuông vào tròn tức là khó như bắt vẽ hình vuông không góc hay vẽ vòng tròn có góc. Triết học lý niệm đã hí hoáy suốt 25 thế kỷ qua mà không sao hiện thực được. Thế mà Tiết Liệu đã làm xong liền còn diễn ra bằng số nữa là 4-5 tức là tâm linh (số 5) phải trội hơn đất: số 4. Nói thẳng là "đức giả bản dã, tài giả mặt dã". Hãy nói bóng theo kiểu dân gian là "Mẹ tròn con vuông" hoặc nói kiểu khác: phải lấy tâm trùm cảnh, đừng để cảnh trùm tâm.
9. Lý trí chỉ sản ra được có ý niệm cứng đơ thì làm sao cộng vuông với tròn được. Ý niệm vuông thì đời đời là vuông. Ý niệm tròn đời đời là tròn. Muốn cộng vuông tròn phải thêm phần tâm tình là cái rất uyển chuyển.
"Yêu nhau cau sáu bổ ba,                                                                                                    Ghét nhau cau sâu bổ ra làm mười".
Sáu có thể là ba là mười, thì chỉ có tâm tình mới làm được chứ lý trí thì không. Lý trí chỉ có giao dịch với sự vật hữu hình, chứ không với vô hình. Nói theo tâm lý là chỉ có logic ý thức mà không có phần illogic, vô thức, mà chính ở tầng vô thức này mới xóa được bờ cõi bắt góc để cho phép vuông tròn hội nhập. Trong truyện nói Lang Liêu bỏ nhẹ phần suy luận để cho tiếng nói tâm linh tràn lên được chỉ thị bằng thần hiện ra ban đêm. Ban đêm chỉ phần tiềm thức thường chỉ ra phương thế hữu hiệu, nhưng chỉ nói khi lý trí không còn ồn ào, phải làm như Kinh Dịch nói "vô tư dã, vô vi dã tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông thiên hạ chi cô" không suy tư, không làm cái gì nhân vi giả tạo, không xáo động thì đột nhiên cảm được sâu xa, thông suốt được các lý trong trời đất. Ðây là lúc xảy ra vụ "nhất Lý minh, vạn lý thông" và liền đạt Minh Triết, là biết lo liệu mọi việc như Tam Công "luận đạo, kinh bang, nhiếp lý". Nói kiểu triết là liệu cho hai đầu thái cực đi đôi, cả phần Hữu lẫn phần Vô (vô cũng gọi là Tâm). Chính phần Vô này đem lại cho các truyện nhân thoại chiều kích vũ trụ vô biên phổ biến. Văn minh nay bị khủng hoảng vì chỉ có hiện hữu, thiếu chất vô biên. Cần một Tiết Liệu xuất hiện mới cứu vãn được tình trạng.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...