Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Triết Lý An Vi

TỪ LINH TƯỢNG TỚI BIỂU TƯỢNG

Việt Nhân

     Nói Linh tượng là đã rậm lời, chính ra là chỉ một chữ Tượng đã đủ khi hiểu đúng ý uyên nguyên của nó là :
“ Tại Thiên thành Tượng, Tại Địa thành hình“
     Theo nghĩa đó thì Tượng chưa thành hình, và tự khi thành hình thì liền lọt vào quỹ đạo của giác quan lý trí  bé nhỏ “ có thành có diệt “, không còn trong  vòng sinh sinh của Tượng. Và thế, nếu hiểu đúng thì Tượng chưa thành Hình, nên không thể nói bằng lời, vẽ ra bằng ảnh: nên muốn nói đến phải dùng dấu hiệu để chỉ gián tiếp.   Đây là nghĩa chữ Tượng ( symbole ) nhằm đưa tâm thức tự cái hữu hình tới các vô hình.  Như thế Linh tượng phải là một sự khải linh ( épiphanie ) tức  làm xuất hiện lên cái không thể nói ra bởi trong phạm vi chính của nó thuộc tiềm thức, siêu hình, siêu nhiên, siêu thực. Tượng phải là sự khải linh ra cái gì to lớn, nó cũng như nghệ thuật dùng cái hữu hạn để khải phát ra cái vô hạn. Nói khác Tượng có cả hữu hạn lẫn vô hạn và chính vì nửa hữu hạn này mà Tượng có tính chất cụ thể.  Nhưng cần có nửa vô hình nữa mới là Biểu tượng. Vô hình tức là mở sang cõi vô biên, vô tế bao gồm những phẩm chất không thể biểu thị và chính vì thế có tính chất hàm hồ với khả năng mang rất nhiều ý nghĩa, và mỗi lần kể lại có thể mặc một ý nghĩa khác, nhưng chẳng bao giờ múc cạn hết ý nghĩa của nó.  Tôi muốn gọi nó là “ Tổ thuật “ phần nào giống chữ redondance của Tây chỉ một thứ lắp lại nhưng không lặp lại suông nhưng là một sự cố gắng đi sâu mãi vào nội dung vô tận. Đó chính là “ hình ảnh xoáy ốc của Loa Thành “ ; mỗi lần lặp lại một vòng là một lần đưa đến gần trung tâm hơn với những khả thể mới mẻ khác hẳn vòng trước.  Đó là điều người nay Đó là điều đang mong thực hiện bằng tác - động – chu - kỳ hóa: recyclage để có thể dùng mãi mà không nhàm, nhờ đạt được cái đức luôn đổi mới  tăng cường, “ nhật tân chi vị thịnh đức “  theo lời Kinh Dịch.  Tóm lại khi nói đến Tượng theo nghĩa uyên nguyên thì phải có tính chất vừa sinh động vừa linh động nhờ tiếp cận với cái chi vô biên, nếu không được như vậy thì chỉ là Phù hiệu ( emblème ).   Thí dụ: vẽ ông quan Toà thì đó là tiêu biểu cho người bảo vệ luật pháp, còn cái Cân là Phù hiệu chỉ sự công bằng.
     Như vậy Biểu hiệu cũng như Phù hiệu đều chỉ cái gì biết được nên có thể nói ra nhưng vắng mặt, vì không có mặt để mà vắng.  Vì thế Tượng dễ đốc ra Biểu hiệu, cũng như Siêu hình đốc ra Siêu thị, Siêu giác ( suprasensible ), tức nói đến cái có Hình nhưng vắng mặt, mắt không xem thấy Hình nhưng Lý trí vẫn bám sát hình của nó là Ý niệm, nên vẫn còn thuộc loại hiện tượng hàng ngang lý trí. Những câu truyện Biếm ngôn ( fable ) hay Ẩn dụ ( allegorie ) cũng thuộc loại này vì nó dùng đến con vật  nói về truyện người là những truyện nói lên được nhưng không muốn nói thẳng, nên mượn sự vật thay vào. Tất cả không phải là Linh tượng. Vậy để tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ đây sẽ gọi là Linh tượng thay cho chữ Tượng Uyên nguyên, còn Biểu Tượng chỉ dấu hiệu, Phù hiệu, Ẩn dụ có tính cách xác định của lý trí.   Nhưng đó cũng là phương tiện từ ngữ không quan trọng bằng sự nhận thức cảm nghiệm.
Để giúp vào việc này chúng ta sẽ đặt một cái nhìn bao quát trên lịch sử triết Tây để thấu rõ hơn sự sa đọa từ Linh tượng trụt xuống Biểu tượng, Biểu hiệu, Ẩn dụ “

          NHỮNG KẺ DIỆT TƯỢNG

     Diệt Tượng dịch từ chữ Iconoclaste ( kép bởi eikhon: tượng ; khazein: đập phá ) mà một số học giả Tây phương  hiện nay hay dùng để chỉ những người Duy kiện ( positivists ).  Những người này đã  không ngờ đến cõi Tâm linh nên bao nhiêu Linh tượng đều bị xoá bỏ ví thế người nay gọi họ là Diệt Tượng với ý nghĩa là họ đập phá tượng hình, tức chối cõi vô hình.
     Tôi thích gọi họ là “ Đúc Tượng “  có lẽ đúng với việc làm của họ hơn, vì họ không chối tượng suông, nhưng thay tượng vô hình bằng những biểu hiện tức làm cho Linh tượng lung linh phải đồng hoá với tượng hình do con mắt xem thấy, rồi lý trí giữ lại mà gọi là Ý tượng ( idea ) tức cũng là cái nhìn của lý trí.   Dùng ý tượng mà xây đắp siêu hình là giản lược sự vật phiền tạp phong phú vào có một chiều kích của lý trí  mà bỏ sót các chiều kích khác thuộc tâm tình ý chí. Mà triết Nho kêu là thể nghiệm.  Chữ Thể nói lên toàn thể con Người cùng nghiệm, nó rộng hơn siêu thị gấp bội.
     Chính vì siêu hình của triết Tây có tính cách siêu thị nên nay đang sụp đổ tận nền móng ( xem thí dụ quyển “ Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây Phương “ của Lê tôn Nghiêm ).  Những người phải mang trách nhiệm về sự trật đường rầy này thì phải kể trước hết là Descartes, vì ông đã giúp đắc lực vào sự toàn thắng của phe duy kiện dưới phù hiệu của Toán học, cơ học đến nỗi linh hồn cũng bị đo đếm như một vật hiện hình.     Đó là việc làm có tính chất duy lý cùng cực và chính nó đã ngự trị trên các đại học Tây phương nhất là nước Pháp, nên đáng tên là con trưởng nữ của Auguste Comte và cháu gái của Descartes, với chủ trương không những thế giới có thể khám phá cách khoa học mà còn hơn nữa: Chỉ có phương pháp khoa học mới có độc quyền tri thức.    Chính vì chủ trương Duy lý như thế  nên trong suốt hai thế kỷ óc tưởng tượng bị “ phạt vạ rút phép thông công “  vì bị cho là thiếu nền móng khách quan.  Thế giá Descartes mạnh đến nỗi  cả Pascal cũng coi khinh hội họa, cho là sản phẩm của tưởng tượng.    Do đó họa sĩ bị bỏ rơi và nghệ thuật bó buộc phải đi vào biểu tượng thuộc Duy lý  kiểu Ẩn dụ ( allégorie ) như quen làm trong thời Phục hưng.   Tiếp sang thế kỷ 17 – 18  thì nghệ thuật đốc ra lối trang trí tức là hội họa chỉ còn biểu thị một cái gì rõ rệt xảy ra trong lịch sử  với niên kỷ ghi chép rành mạch mà không còn là hội họa trung thực có sứ mệnh gợi cảm để đưa tâm hồn thanh thoát  bay lên nhập vào luồng sống bao la của cõi Linh tượng.   Đây là một sa đoạ trầm trọng đến nỗi mãi tận nay cũng chưa sao phục hồi lại được sức mạnh của ý nghĩa đầy đủ như trong các xã hội yêu Linh tượng của ByZance hay nhà Tống bên Tàu ( Durand  23 ).
     Nếu đi sâu vào dĩ vãng tất sẽ nhận thấy khuynh hướng Diệt tượng này nằm trong sự thắng thế của Aristote (1) mà Descartes, Kant, Auguste Comte chỉ là những đồ đệ đã nới dài cái vũ trụ quan của Aristote, mà vũ trụ quan giống hệt vật lý, nên không sao ngóc đầu lên khỏi giác quan. Người ta có kể những bằng chứng cho sự sa đoạ này là việc gọi khoa siêu hình (ontology): là Hữu thể học. Gọi như thế là thú nhận siêu hình hết còn là siêu hình lung linh của động tự uyên nguyên nhưng đã trở nên hữu hình hay gọi cho oai là hữu thể học. Thể đâu phải hiểu là hình thể  vắng mặt, nên tuy mệnh danh là siêu hình mà kỳ thực là hữu hình, nên thay vì nâng tâm hồn lên nó dẫn con người đi trong cái hữu hình qua trung gian của những ý niệm tức ý tượng ( image ) của những vật thể hiện hình.   Sự trụt dần từ linh tượng xuống biểu hiệu được thấy rõ trong việc chuyển hướng của nghệ thuật từ roman đi sang gothique.  Ở nghệ thuật Roman người ta còn gặp được nhiều tư tưởng gián tiếp theo lối linh tượng Đông phương, nhưng thời đại Roman đã quá chóng vánh so với ba thế kỷ dài dằng dặc của nghệ thuật Tây phương gọi là gothique hoàn toàn trực tiếp tức lấy hữu hình để biểu hiệu hữu hình ( Durand 27 ).   Tự linh tượng trụt xuống tượng hình ( Il glisse de l’ icone à l’image ) đến cuối cùng đốc ra khoa trang trí thường làm bằng ẩn dụ ( allégorie ).   Tự thế kỷ 13 trở đi nghệ thuật bỏ mất nhiệm vụ dẫn khởi đến một ý nghĩa, mà chỉ còn mãi lo “ sao chép thiên nhiên “. Quyển Thi luật Aristote sẽ là Thánh Kinh cho khoa thẩm mỹ Âu Tây, thế mà nó dựa trọn vẹn trên quan niệm                 “ bắt chước “; nhưng bắt chước chỉ là đứa con lạc loài của sự Tổ thuật thuộc linh tượng ( l’imitation n’est que l’extrême abatardissement de la redondance.   Durand 29 ) .
Tổ thuật có tính cách sống động, độc đáo và cần phải luôn luôn độc sáng trên mỗi lần “ nhắc lại kiểu Tổ thuật “ là mỗi lần đóng góp thêm vào di sản cũ một ít những sáng tạo mới, đưa ra những mối tương quan chưa được chưa được phát hiện bao giờ.   Thiếu điều đó chỉ là sự bắt chước suông, một việc làm máy móc có thể sản xuất từng loạt những cái y hệt như nhau nhưng không nói lên được gì mới.  Như vậy là đánh mất ý nghĩa của chữ nhiệm mầu trong từ ngữ Hy Lạp theo đó có sự mở lên trời, sự kính nể những cái bất khả ngôn, một sức mạnh tưng bừng. . ., là những đức tính  không thể tìm thấy được trong phép luận lý có mực thước cách xác thiết như pháp luật Roma ( Durand 30 ).  Óc pháp luật giết chết những nguồn cảm hứng tư riêng bay bổng trong chốn viên mãn tròn đầy không cần đến những công thức ước định.  Vì thế những khuynh hướng chủ trương thực nghiệm kiểu gnostique hay ưa đề cao tinh thần tiên tri, nhất là vai trò phụ nữ như Sophia, Barbelo, Hélène. . ., khó tìm ra đất sống dưới phủ việt của pháp hình.
     Tóm lại trời văn hoá Tây Âu nặng trĩu một bầu khí duy kiện với những tên tuổi như Aristote, Desartes, Auguste Comte. . . tất cả đều là những ta      “ phá tượng triệt để “.   Họ đã san phẳng bình diện tri thức không còn để lại một mô cao nào có thể làm thang leo lên hàng dọc tâm linh.    Đó là một sự hiểu lầm từ nền tảng ( missdeutung ), mà theo Heidegger  nó đã chi phối trọn vẹn nền triết học Tây Âu, khiến cho hễ truyền bá tới đâu thì gieo đau thương tang tóc tới đó.

TỪ PHÂN TÂM TỚI UYÊN TÂM

     Triết lý Việt Nho thoát thai tự nhân gian. Ca dao còn giữ được rất nhiều trong Kinh Điển Nho giáo, những Huyền thoại đã bị Hán Nho tước bỏ, và ra sống ngoài dân. Thực ra sự hiện diện của Huyền thoại cũng không mấy cần thiết vì tinh hoa Việt Nho đã được đúc kết trong ca dao, phương ngôn, tục ngữ: tất cả cùng phát xuất từ Tiềm thức, quê Tổ của Huyền thoại.  Đến nay chúng ta đã cố khai quật Huyền thoại vì Việt Nho đang bị ruồng bỏ cần làm phục hoạt những Huyền thoại có thể giúp vào việc đó. Huống hồ là nay có những khoa Tâm lý mới giúp phương tiện canh tân việc giải nghĩa Huyền thoại. Vì thế trong chương này  chúng ta  bàn về mấy nét lớn  của Phân tâm và Uyên tâm có liên hệ đến việc tìm kiếm Loa pháp ( trong Loa thanh đồ thuyết ). Khi nói đến Phân tâm là nói đến Tiềm thức. Và ở đây không có ý nói đến Tiềm thức lý thuyết của triết gia Carus hay Janet. . .mà chỉ có ý nói đến Tiềm thức thực nghiệm của Freud và nhất là của Jung.

          a.- Tiềm thức của Freud

Với phân tâm tôi muốn chỉ đợt Tiềm thức cá nhân do Freud khám phá, nó kết tinh do những ước muốn  không được thỏa mãn nên bị dồn nén xuống làm thành Tiềm thức. Phương chính để khám phá là Chiêm bao. Nhờ giải nghĩa chiêm bao mà Freud khám phá ra Tiềm thức là một thế giới mà cho tới đó người ta không biết, nên có người ví Freud với Christophe Colomb tìm ra thế giới mới.  
Tiềm thức này có thể vẽ đại khái như:
          1.- Vòng ngoài cùng là Ý thức gồm 4 việc nền tảng là : Cảm, Tình, Nghĩ, Thấu.
          2.- Vòng nhì là Chí hay là cái nhân của con người Ý thức gọi là Tiểu ngã.
          3.- Vòng Ba gồm 2 đợt :
                   a.- Tiềm thức cá nhân gồm những mảnh vụn Ý thức bị dồn nén cũng như  những mặc cảm.
                   b.- Tiềm thức cộng thông do kinh nghiệm sống của nhiều triệu năm để ấn tích lại, và thường biểu lộ bằng những sơ nguyên tượng. Sơ đồ trên phần nào vẽ theo tư tưởng của Karl Jung ( xem thí dụ Ame tr.131 ) 4  việc của ý thức cũng là do Jung đưa vào để phác họa lên không gian tâm thức của con người.

Nếu ví Ý thức như một vòng tròn duy nhất gọi là Y, thì nay với Freud còn phải thêm một vòng bên trong nữa gọi là T ( Tiềm thức ), và giữa Y và T phải đặt vòng lót K  ( Kiểm duyệt ) mà Freud gọi là Thượng thức ( surmoi ).    Thượng thức được kết tinh do những huý kỵ của xã hội, ức chế của luân lý, của giáo dục, tôn giáo, tục lệ. . . nó có nhiệm vụ đứng chắn không cho những yếu tố của Tiềm thức T nhô lên mặt Ý thức.  Những yếu tố T ban đầu chỉ bao gồm những thúc đẩy sinh lý ( les pulsions ), những ý nghĩ thèm muốn đủ loại, nhất là thèm muốn dục tình ( đến sau Freud thêm vào  những thèm ước phá hoại ( Thanatos ) đã không được thỏa mãn, và bị ý thức dồn nén xuống đó, rồi bị Thượng thức K kiểm duyệt không cho trồi lên mặt ý thức Y, nên chúng lên men và gây ra những rối loạn thần kinh, hoặc nhẹ như những sự nhỡ lới, nhỡ chữ, sảng sốt, hay là những giấc mơ màng, hoặc nặng hơn thì là những bệnh thống kinh, tức những bệnh không hiện lên cơ thể , nên không thể chữa trị theo lối thông thường.
Thí dụ có người mỗi khi dơ tay ra  toan cầm ly nước để uống thì tay liền bị tê liệt không cử động nổi, chữa thuốc nào cũng không hết. Sau nhờ phép phân tâm, y sĩ tìm ra căn do là tại lúc nhỏ con sen đã lấy cái ly cô ta quen dùng để cho chó uống. Việc đó gây nên trong tâm thức cô ta một vết thương ( traumatisme ), sau này nết thương đó trầm trọng thì làm tê liệt cánh tay mỗi khi cô ta toan lấy ly nước. Sau khi cô ta biết ta biết duyên cớ như trên thì liền hết bệnh.
Như vậy muốn chữa bệnh thống kinh cần phải lôi ra khỏi tiềm thức những yếu tố đã dồn nén xuống đó. Nhiều khi lôi lên rồi là khỏi.
Theo Freud thì những nhu yếu bị dồn nén như thế, gần hay xa đều quy về một mối là Dục tình, vì thế chủ trương của ông được người đời gọi là Toàn dục ( pansexuel ), cái gì cũng giảng nghĩa theo Tình dục: trẻ con mút ngón tay cũng cho là tìm thỏa mãn tình dục, người theo tôn giáo kính mến thần linh cũng để thỏa mãn tình dục, nghệ thuật cũng chỉ là tình dục thăng hoa… Cho nên nguyên uỷ của bệnh thống kinh là do sự dồn nén tính dục.
Bởi thế muốn trị bệnh từ căn để thì nên tránh sự dồn nén. Vì thế mà thuyết của Freud có vẻ là một lời hô hào tháo khoán cho Tình dục tràn lên như vỡ bờ.
Thực ra đấy chỉ là một phản động chống lại nền luân lý thanh giáo cổ điển cũng phạm tội Duy như Freud tức là quy hết tội lỗi cho dục tình, ví thế đóng con dấu tội lỗi lên trên bất cứ cái gì có liên hệ gần hay xa đến dục tình.    Thuyết thanh giáo này cùng với thuyết thả lỏng của Freud tuy chống nhau kịch liệt nhưng cả hai cùng nằm trên bình diện, đều cho dục tình là căn nguyên mọi tội lỗi hoặc bệnh hoạn. 

          b.- Thuyết Ý chí quyền lực của Adler

     Chính vì chỗ một chiều đó mà thuyết của Freud đã gây nên chống đối mãnh liệt, trong số đó có Adler đã gỡ trọng tâm ra khỏi tình dục để đặt sang Ý Chí Quyền Lực ( Volonté de puissance ), tức là mọi việc con người làm đều do lòng ham muốn quyền lực. Khỏi nói thì ai cũng nhận thấy quan niệm này cũng lại là một thứ Duy mới chỉ khác có tên: thay vì Duy Tình dục thì lại Duy Quyền Năng .
Bởi thế vẫn còn hẹp như  của Freud, cần phải có người thứ ba để đặt Phân tâm vào một lối giải nghĩa rộng lớn hơn, và đó là Karl Jung.

         c.- Thuyết của Karl Jung

     Karl Jung chủ trương không nên giản lược sinh lực con người vào bất cứ một chiều kích nào dù mạnh như dục tình hay ý chí quyền năng, nhưng phải tùy trường hợp mà giải nghĩa và thay vì để phân tâm trong viễn tượng bệnh lý, thì ông đặt sang nhân tính toàn diện mà ông gọi là Đại ngã ( soi ).   Và vì thế khác hẳn chiều hướng sinh lý của Freud: Jung dùng phương pháp văn hoá tỷ giảo tức đối chiếu những thần thoại và biểu tượng của nhiều văn minh và nhờ thế ông đã  đóng góp rất nhiều vào phân tâm.  Trong đó phải kể đến việc khám phá các sơ nguyên tượng ( archétypes ) của Tiềm thức cộng thông, vì chúng có tính chất nhân loại, nghĩa là nội dung tiềm thức không chỉ là những mảnh rơi rụng của ý thức như Freud nghĩ, vì thế nội dung của nó không thể không lệ thuộc vào ý thức cá nhân, tức những yếu tố tư riêng gắn liền với nơi và thời xẩy ra có thể nhớ lại . . .   Còn tiềm thức cộng thông theo Jung thì thuộc toàn thể nhân loại, nên có tính cách phổ biến như vũ trụ như những yếu tố thời gian, núi sông, biển, sao, trăng với những chiều kích bao la vĩ đại, những biểu tượng chung trong nhân loại cổ sơ mà dân nào cũng thấy, thí dụ nước chỉ nguồn sống cũng như chỉ tiềm thức.
     Lạc Long quân ở thủy phủ, Jona bị vứt xuống biển rồi bị cá nuốt vào bụng là bị tiềm thức lấn át, hoặc những hình vuông hay tròn được thấy trong giấc mơ do rất nhiều người, tuy họ không hề biết đến những điều đó ( chứng tỏ chúng không có tính chất cá nhân ), vì thế Jung đã chia tiềm thức ra làm hai đợt:
-   Một thuộc cá nhân có hai nửa, một nửa giống của Freud thành bởi những yếu tố tự ý thức dồn xuống, còn một nửa là những mặc cảm không tùy thuộc cá nhân. 
-   Hai là tiềm thức chung của nhân loại mà ông gọi là tiềm thức cộng thông
( inconscient collectif ). Vì ở đâu đâu văn minh hay cổ sơ đều có cả, nên kết luận là của chung nhân loại và khi xét nó thì có thể biết được phần nào tâm trạng con người, vì chúng nói lên trình độ của nhân loại trong một nơi một thời.  
Hiện nay nhân loại cũng đang mất quân bình nên đâm ra khủng hoảng. Khủng hoảng là bệnh thống kinh của nhân loại, y như thống kinh là cơn khủng hoảng của một cá nhân. Với sự khám phá này Jung đã đưa phân tâm tiến thêm một bước nữa đi vào chiều sâu, nên nhiều người như Blenler là thấy và cũng là cộng sự viên của Jung gọi đợt tiến này là Uyên tâm           ( psychologie des profondeurs ), còn đợt của Freud là Phân tâm.
     Tôi gọi theo lối của Blenler cho tiện, mặc dầu không cho danh xưng là quan trọng vì chính Jung thường dùng chữ analyse de l’Inconscient nhường chữ phân tâm psycho- analytique lại cho một môn phái của Freud. Vì chữ này đã dính liền với chủ trương toàn dục.
     Còn Jung quan niệm tiềm thức của ông rộng hơn nhiều, nên ngay về việc chữa trị cũng hiệu nghiệm hơn: đã có trường hợp chữa được cả bệnh điên.     Riêng về mặt triết thì Jung sâu xa hơn rất nhiều, nhất là ông đi vào hướng văn hoá tỷ giáo rất hợp thời gặp gỡ của các nền văn hoá nên được các nhà phân tâm hiện đại như Horney, Fromm, Kaediner, Sullivan. . . đang cố gắng tiếp tục. Người ta quen gọi đây là môn phái văn hoá ( cultural school ), vì chủ trương rằng trong các yếu tố chữa bệnh, ngừa bệnh cũng như hiện thực nhân tính thì văn hoá lá yếu tố nổi nhất.
Về mặt khám phá tiềm thức ngoài chiêm bao ra, Jung cố dùng đến thần thoại của rất nhiều dân, do đó ông có rất nhiều phát kiến mới như Tiềm thức Cộng thông  với các Sơ nguyên tượng với thuyết Linh lực (énergétique ) tức những Biểu tượng có tính chất phổ biến và sống động.    Rồi thuyết Đại ngã với quá trình nhân cách hoá được  coi như trọng tâm công trình vĩ đại của ông.  Chính vì bước tiến đó mà sách của Jung tỏa lên một giá trị nhân bản chân thực, một thừ triết lý rất cụ thể. Keyserling tiên đoán với thế hệ đang lên thì sách của Jung sẽ chiếm chỗ xưa dành cho Platon.     Tôi cho câu tiên đoán đó có nền tảng.   Hiện nay sách của ông được dịch hết sang tiếng Anh và tiếng Đức, tiếng Pháp mới được chừng một nửa. Hãy tóm lược Cơ cấu Tâm thức con người theo Jung vào một lược đồ gồm có 3 vòng:
          1.- Vòng ngoài cùng là Ý thức gồm 4 việc nền tảng là : Cảm, Tình, Nghĩ, Thấu.
          2.- Vòng nhì là Chí hay là cái nhân của con người Ý thức gọi là Tiểu ngã.
          3.- Vòng Ba gồm 2 đợt :
                   a.- Tiềm thức cá nhân gồm những mảnh vụn Ý thức bị dồn nén cũng như  những mặc cảm.
                    b.- Tiềm thức cộng thông do kinh nghiệm sống của nhiều triệu năm để ấn tích lại, và thường biểu lộ bằng những sơ nguyên tượng. Sơ đồ trên phần nào vẽ theo tư tưởng của Karl Jung ( xem thí dụ Ame tr.131 ) 4  việc của ý thức cũng là do Jung đưa vào để phác họa lên không gian tâm thức của con người. 
Cảm: Sensation để chỉ những việc của giác quan như xem, nghe, sờ, để biết có một vật.
Nghĩ: Pensée để biết vật đó là gì .
Tình: Vật đó có giá trị nào chăng ?
Thấu: Intuition: Trực thị về nguồn gốc và sự tiến triển của sự vật ( Ame 97 ).
     Đó là 4 việc nền tảng làm trên bình diện ý thức và tuỳ mỗi người chú ý đến tác năng nào đó trong 4 mà có xu hướng khác nhau tự cá nhân nọ đến cá nhân kia, cũng như tự dân này đến dân khác làm nên khuôn mặt văn hoá  của mỗi dân.
Nói chung thì:
          Tây nổi về Cảm, Nghĩ
          Đông về Tình, Thấu.
Bốn chức năng đó nằm trên nền tảng chung là Chí ( volonté ) mà hình thức thường của Nó là Ý tứ hay cũng gọi là Chú ý.
     Chính Chí phân phát nghị lực, nên có thể tập trung vào một chức năng nào đó hoặc là tỏa ra mọi tác năng đồng đều tùy nghi. Vì thế Chí là chủ chính, nó làm nên cá tính của mọi người.  Sau Chí thì đến Tiềm thức.  Có hai đợt cá nhân gồm những mảnh ý thức bị dồn nén xuống khỏi bình diện ý thức: nhưng nó vẫn sống trên ven ý thức, và xuất hiện có khi bằng những lỡ lời, lỡ bút, những động ứng có thể nói là vô thức như chiêm bao, những mặc cảm.  Mặc cảm là một cảm nghĩ không hiện hình, nhưng lại giàu chất chất xúc động, tác hành, có tính cách độc lập ngoài quyền ý chí cá nhân. Khi nào xuất hiện mạnh thì làm cho phạm vi ý thức thâu hẹp lại gây ra chia trí, không chú ý đúng mức, và thường gây ra căng thẳng làm cho thở nông, nên lâu lâu phải bù bằng thở dài, nên phân tâm có thể nhìn ra.  Freud đã khám phá ra tiềm thức cá nhân nhất là bằng chiêm bao. Cũng trong thời gian đó Jung dó Tiềm thức bằng phương pháp Liên tưởng, và chính ông đặt tên là Mặc cảm được thông dụng ngày nay.    Ngoài ra ông còn đi sâu hơn một độ nữa là khám phá ra đợt Tiềm thức cộng thông.   Phương pháp thăm dò đợt này phải là Thần thoại, Huyền thoại của mọi dân, càng biết nhiều càng hay để tìm ra những yếu tố phổ biến đâu đâu cũng có, và ông gọi là sơ nguyên tượng, tức là những hình tượng đầu tiên và uyên nguyên nên nó có sức sống động, thí dụ xuất hiện trong chiêm bao nhiều người, vì thế tôi cũng gọi là Sinh tượng, cũng có khi là Linh tượng, là muốn nói đến cái sức mạnh tác động.   Nếu biết thâu hoá các sơ nguyên tượng thì tiêu cực có thể khỏi bệnh thống kinh, và nhất là tích cực mở rộng được nhân cách nên Uyên tâm giúp vào việc Đạo học rất nhiều.   Giữa Tiềm thức Cá nhân của Freud và Tiềm thức Cộng thông của Jung tôi đặt thêm Tiềm thức Dân tộc và gọi là Huyền sử.

     Đây cũng là một loại Tiềm thức Cộng thông, nhưng được trình bày cách riêng bằng những mảnh vụn lịch sử của một dân.   Thí dụ hình Vuông Tròn tuy là của chung nhân loại, nhưng được trình bày theo Hình Xoáy Ốc ( loa ) với những nhân vật riêng biệt của Việt Nam như Trọng Thủy, Mỵ Châu. . . làm tỏa ra một bầu khí riêng gọi là Huyền sử. Huyền sử với nhiều dân không được rõ ràng lắm nên nhiều tác giả chối đi  và chỉ chấp nhận có ý nghĩa phổ biến của Tiềm thức cộng thông. Tuy nhiên đối với Việt Nam thì chúng ta có thể chấp nhận ý nghĩa đợt hai của Huyền sử và dùng Huyền sử như những bước khởi đầu đặng tiến đến Tiềm thức cộng thông. Như vậy đường về Dân tộc cũng chính là đường về Nhân tộc, mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương sau.


“Văn Hóa Đông Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...