HUYỀN SỬ CŨNG LÀ HÙNG SỬ
Huyền sử là sử chiều sâu, nên cũng gọi là
sử hàng dọc, vì thọc sâu vào ý nghĩa của sự việc; trái với sử ký gọi là hàng
ngang vì nó bò lan trên sự kiện: nó nhằm ghi các biến cố cá thể nghĩa là chỉ
xảy ra một lần nên nó bám sát phạm trù không gian và thời gian, địa danh và
niên hiệu vì thế trở thành quan trọng. Huyền sử trái lại vượt thời gian không
gian, vì với sự kiện nó chỉ nhằm ý nghĩa là cái gì phổ quát. Huyền sử nhằm gợi
lại cái dạng thức tinh thần, cái hồn của một dân, cái đường lối sống căn bản
của dân ấy, cho nên chính thực nó là một nền minh triết, hay đạo lý nhưng khác
minh triết ở chỗ dùng huyền thoại. Minh triết nói thẳng, nói vắn gọn bằng những
câu châm ngôn tục ngữ, trái lại huyền sử dùng biểu tượng như đồ biểu, độ số,
huyền thoại. Sở dĩ gọi là sử vì các huyền thoại phần nào dựa trên sự kiện lịch
sử, nhưng lại gọi là huyền vì những sự kiện đó không cần thật hết bởi nó đã bị
tổng quát hóa nghĩa là đã được róc hết khỏi mọi phạm trù không gian và thời
gian, để chỉ còn chú ý đến ý nghĩa, nhưng ý nghĩa không được nói lên cách trực
chỉ, mà lại gửi gấm vào số, vào tên gọi thí dụ 18 đời Hùng Vương, nếu đọc theo
lối huyền sử thì ta sẽ không tìm xem thực sự có 18 đời Hùng trải dài trên hơn
hai ngàn năm chăng, nhưng sẽ tìm hiểu ý nghĩa sao đây, đạo lý nào ẩn tàng trong
số 18, ẩn trong tên Hùng, ta sẽ tìm xem vũ trụ quan 18 đời Hùng ra sao, thuộc
nhân sinh quan nào? Vũ trụ quan thì có động có tĩnh về thời gian, có tả có hữu
về không gian.
Nhân sinh quan thì có chủ có nô tức là
nhân chủ hay vật chủ… Những câu trả lời cho những loại câu hỏi trên sẽ làm nên
chân trời quy định ý nghĩa của huyền sử. Hiểu đúng được thì huyền sử sẽ giúp
tìm ra được tâm hồn người xưa, dọi nhiều tia sáng vào những huyền thoại vẫn
tưởng là vô nghĩa, đem lại cho sử trình tiến hóa của dân tộc một nền thống nhất
lẫm liệt, một chiều kích u linh siêu việt cũng như đem đến cho những tiêu điểm
vững chắc, những phân biệt thấu triệt mà sử ký hay cả khảo cổ không sao cung
ứng nổi. Tuy nhiên hiểu được huyền sử cách đúng mức là việc diệu vợi vì huyền
sử bao gồm ý nghĩa siêu linh của đạo lý, củacon người Đại Ngã Tâm Linh vượt tầm
lý trí suy luận, nên phải dùng những lời bày tỏ gián tiếp.
Hỏi tại sao không nói thẳng mà lại nói
quanh co rắc rối như vậy? Thưa trong chu trình tiến hóa con người có lúc lên
lúc xuống. Lúc xuống thì lẩn sâu vào vật chất mà Truyền Thống quen gọi là mạt
kỳ, thời ấy đạo lý nào, triết lý hay tôn giáo nào cũng sa đọa. Huyền sử cũng là
hậu quả của một sự sa đọa nhưng tương đối nhẹ nhất vì nó dùng nhân thoại, tức
còn duy trì niềm tin con người làm chủ tuy chỉ còn bằng biểu tượng (quên hầu
hết hiện thực) ngược với thần thoại như trong hầu hết các văn hóa và đạo lý.
Nơi thần thoại con người mất trọn nhân chủ tính kể cả bằng biểu tượng. Nói vậy
nghĩa là muốn có huyền sử phải có nhân thoại, vì sử là sử ghi chép việc của
người chứ con vật không có sử. Thế mà trong thần thoại con người chưa hẳn là
người, mới là trò chơi của thần minh, một đối tượng, một vật thể, nên kể là
chưa có sử, nói huyền sử là guợng ép. Những miền chưa đạt được nhân chủ không
có huyền sử mà chỉ có vô sử rồi sử ký. Sử ký dễ đốc ra duy sử, mà duy sử là con
đẻ của duy lý, là luồng tư duy chối bỏ cõi siêu nhiên không biết chi đến thế
giới tâm linh nữa, hay nếu có thì cũng quan niệm theo những phạm trù hiện tượng
duy vật mà đã duy vật là đánh mất nhân tính còn đâu chủ quyền về vận hệ mình mà
gọi được là nhân chủ. Đã không có nhân chủ làm sao có được huyền sử. Xem thế đủ
biết sự giải nghĩa huyền sử là việc khó khăn diệu vợi. Sự nhận thức những cái
khó khăn đó sẽ giúp vào việc giải nghĩa huyền sử.
Để được vậy ta hãy nhìn bao trùm sử trình
của tâm thức con người trên đường tiến hóa: ở đợt thấp nhất chỉ có sự vật, lên
một đợt nữa là sự kiện, lên nữa là ý niệm, tiếp đến là cơ cấu và các mối tương
quan. Sau cùng đến chữ Tương viết hoa. Các sự việc cũng như mọi biến cố bày ra
trước mắt ta thì có muôn vàn, đó là sự vật. Khi ta chú ý đến một số sự vật, một
số biến cố thì những cái đó trở nên sự kiện. Khi ta đem sự kiện đó róc hết
những cái bám vào chung quanh như các phạm trù không gian và thời gian với các
tuỳ thể của nó thì là ý niệ, ý niệm như vậy chỉ còn là cái khung của sự kiện,
nó đã trở nên trừu tượng, mất hết những phẩm tính khả giác như mùi vị, màu sắc,
tức mất tính chất tình tứ có khả năng lay động tâm hồn. Nhưng bù lại ý niệm trở
nên dụng cụ chuyên biệt của cái nhìn trong suốt, có khả năng liên hệ với các sự
kiện khác. Cái nhìn càng trong sáng, càng cất lên cao thì càng nhìn ra được
những mối liên hệ nằm ngầm. Chính sự nhìn ra những mối liên hệ này quyết định
các bước tiến của con người. Con vật không tiến vì chúng nhìn ra rất ít liên
hệ. Nếu ta treo mấy quả chuối ở chỗ cao, hoặc ở nơi ngăn cách, và để những đồ
khều quả chuối ở quanh đó thì nhiều con vật chịu đói chứ không biết dùng que
lấy chuối mà ăn, chỉ có một vài loài khỉ là biết lấy quen khều chuối, có con
biết lấy ghế để ở một góc nhà đưa lại gần cửa sổ đứng lên để chui ra ngoài. Con
người nhìn ra nhiều tương quan hơn nên chế tạo ra rất nhiều đồ vật đủ loại để
làm nên các bước tiến lên đài văn minh: đồ đá cũ rồi đá mới, nông nghiệp rồi kỹ
nghệ, công nghiệp rồi điện tử… Mỗi bước tiến thành bởi những liên hệ được khám
phá. Trong phạm vi thuần tuý lý thuyết cũng vậy: tự ý niệm ra tư tưởng, từ tư
tưởng ra ý thức hệ, tứ ý thức hệ ra cơ cấu…
Tóm lại sự vật chỉ có cơ cấu đối với tâm
trí ở một trình độ thức giác nào đó. Vũ trụ mà không có thức giác của con người
thì không có cơ cấu với các phẩm chất, các giá trị đi kèm. Sự vật nọ kia có giá
trị là do cái nhìn của con người gán cho, nhìn thấp trong đợt vô thức chỉ thấy
có sự vật, nhìn lên cáo dần thì sự vật biến ra sự kiện rồi ra ý niệm, sau cùng
là cơ cấu với các liên hệ của nó. Cuối cùng phải nhảy ra khỏi vòng vây của lý
trí mới thấy mối Tương Quan nằm ngầm nối kết hết mọi sự vật vào một liên hệ căn
bản ràng buộc tất cả trời, đất, người thành một thể (thiên địa vạn vật nhất
thể). Kinh Hùng gọi đợt này là Cánh Đồng Tương. Phải đạt đến Cánh Đồng Tương
mới mong hiểu được ý nghĩa huyền sử.
Phác họa sơ qua con đường tiến của tâm
thức con người như thế để dễ thấy rằng huyền sử là một khoa học cao cả nên sự
giải nghĩa phải được chú trọng nghiêm chỉnh vô cùng. Sau đây chúng ta sẽ dượt
qua ít điểu kiện phải có để giải nghĩa huyền sử áp dụng vào Kinh Hùng được coi
là một huyền sử thượng thặng, nên Hùng sử cũng chính là Huyền sử.
LUẬT QUAN TRỌNG ĐỂ GIẢI
NGHĨA HUYỀN SỬ
Luật đó là phải quy chiếu vào cái toàn
thể, vào cái môi sinh tinh thần của những huyền thoại để tìm ra ý nghĩa: tức
phải chú ý đến cả vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan: các ý nghĩa gán cho huyền
thoại không được đi ra ngoài cái toàn bộ nọ. Để cụ thể hóa khuôn mặt của cái
toàn thể, triết lý An Vi đưa ra 4 tiêu điểm là từ, tượng, số, chế.
Từ là lời nói, ở đây hiểu là các huyền thoại thuộc
thời sơ nguyên, nhiều khi có cả sáng thế ký (cosmogony) như truyện Bàn Cổ. Với
Lạc Việt thì căn bổn hơn hết là 15 truyện trong Kinh Hùng. Ta sẽ hỏi Kinh Hùng
có Nhân Chủ tính chăng và ta sẽ phải ngạc nhiên một cách kinh hãi và thích thú
là tất cả 15 truyện mang đậm tính chất nhân chủ. Thế mà không phải một hai
truyện lẻ tẻ tản mát, nhưng là một chuỗi 15 truyện được thâu lượm vào thời duy
sử nghĩa là vào thời đã quên ý nghĩa huyền sử. Điều đó chứng tỏ tính chất lẫm
liệt của nhân chủ tính trong các truyện. Mở đầu không có thần thoại nào hết mà
đi liền vào nhân thoại tức là các anh hùng văn hóa có đầy hoạt lực để tranh đấu
với thần thoại với bái vật. Về điểm này không có gì hùng tráng hơn ba vĩ tích
của Lac Long Quân khi diệt Hồ tinh, Ngư tinh, Mộc tinh đặng dành lại quyền làm
chủ cho con người. Tiết Liệu xếp đặt trời đất, tức bánh trời để trên bánh đất,
làm liên tưởng đến ông nội Bàn Cổ đã tạo lập ra đất trời. Đó là nền nhân chủ
đến cùng cực mà biểu lộ bình dân của riêng chi Lạc Việt là Thánh Dóng, cũng có
tên là Xung Thiên Thần Vương. Các huyền thoại này được thu thập vào quyển Kinh
Hùng. Nên Kinh Hùng đại diện cho Lời (Từ).
Tượng thì có những cặp đôi: uy nghi cũng có, mà cận
nhân tình cũng có như: nước lửa, núi sông, ông Cồ bà Cộc, ông Đùng bà Đà… những
cặp đối đó đã kết tinh lại trong cặp đôi Tiên Rồng với tính cách thi vị mênh
mông, một cặp đôi đầy biến ảo và thấu nhập vào hết các ngõ ngách của cuộc sống:
từ mỹ thuật cho đến thể chế, ngôn từ, thói tục… tha hồ cho con cháu tìm hiểu.
Cặp tượng này sẽ kép nét lên
mà ra bánh dầy bánh chưng hay là tròn vuông tương hội. Những tượng này đã được
đúc kết lại trong Trống Đồng nơi các cặp đồi được biểu lộ cách huy hoàng như
chim với nai, con dài con vắn, con đi lẻ con đi cặp hai, con đực con cái… Mặt
trống chia ra hai mảnh, rồi mỗi bên là lẻ chẵn (nóc nhà một chim bên kia hai
chim) vòng sát ngoài có 3 đôi chim bên kia, 4 đôi bên này. Đó là cặp số 2-3 kép
lên thành 3-4, 3 tròn 4 vuông, số của bán trời bánh đất. Như vậy Trống Đồng
phải đươc coi là cái Tượng chói chang của huyền sử nước Việt.
Số. Về số thì phải tìm trong tượng, phổ biến hơn cả
là số 2 với vũ trụ quan động: muốn động phải có 2, có âm có dương chứ duy dương
hay duy âm đều bất động. Vì thế số 2 được quan trọng hóa bằng diễn tả ra rất
nhiều cặp đôi như núi sông, nước lửa, đất trời, đực cái…
Số 3 chỉ con người nhân chủ
tức không lệ thuộc vào bên nào: không duy dương cũng không duy âm, không duy
trời cũng không duy đất nhưng đứng giữa kiêm cả hai nên là Ba. Số 3 được biểu
thị trong trống Đồng bằng các hình tam giác gốc (xem Sứ Điệp Giải rộng) và ẩn
trong hai mảnh trống ấp lấy mặt trời ngự ở trung cung thành ra ba, hai mảnh là
lưỡng nghi, còn trung cung là vầng thái dương đóng vai thái cực.
Số 5 là 2 và 3 cộng lại
thành ra ngũ hành. Ngũ hành là bộ số có ý nghĩa siêu linh nhưng đã bị quên
trọn. Vậy ý nghĩa đó nằm trong hai bộ số 3 và 2. Số 3 chỉ con người đầy tác
động tính nên gọi là một trong tam tài (tài là tác). Số 2 chỉ lưỡng thê= hai
đời sống, một của thế giới hiện tượng, một nữa của thế giới siêu linh mà xưa
kia kêu là “hình nhi thượng” tức bên trên hình tượng. Cần con người phải sang
qua sông để đáo bỉ ngạn, Kinh Dịch kêu là “lội qua sông lớn” (thiệp đại xuyên).
Phải hiện thực được bước lội qua sông này mới tới cõi con người Đại Ngã. Vì thế
ở những cuộc hát trống quân sơ nguyên có cuộc “lội qua sông”: khi hai cô cậu
ưng nhau rồi thì lội qua sông để làm động tác truyền sinh đặng sinh ra con
người nhân chủ. Do ý nghĩa vòng vo như thế nên hành ngũ (trong ngũ hành) có
tính cách u linh trống rỗng như đã bàn kỹ trong quyển Sứ Điệp.
Sau ngũ hành là mấy bộ số
kép khác như số 9. Đó là do 3*3 mà ra, rồi số 18 là 2*9: 18 đời Hùng Vương, 18
ngàn năm của Bàn Cổ, 18 thước cao của con ngựa Thánh Dóng, 18 đôi chim ở vòng
ngoài cùng của Trống Đồng…
Các số này sau được kết tinh
vào Kinh Dịch mà khởi thuỷ là “kinh vô tự” vì chỉ dùng toàn số 2, 3, 5, 9 (nó
chỉ trở nên kinh hữu tự từ lúc Tàu hóa tức Dịch gọi là của Văn Vương và Khổng
Tử). Vậy là ta có thể coi Kinh Dịch như nơi kết tinh của số.
Chế là các thể chế, tục lệ mà nơi tập trung sống
động là cái làng Việt. Làng là một nấc thang đi lên nước nên tiền nhân nối liền
làng vào nước gọi là làng nước, cũng như đã nối liền nhà với nước gọi là nhà
nước. Nối liền như thế là không cho phép quan niệm nước tách biệt khỏi nhà như
trong lối chuyên chế quen lấy thế nước để bóp nghẹt tỉnh nhà, trái lại phải
quan niệm nước theo mẫu mực nhà. Xưa vua quan được gọi là cha mẹ dân (phụ mẫu
chi dân) là theo ý đó; cũng như ta thấy lối xưng hô trong gia đình áp dụng cho
hết mọi người trong nước cũng vì ý đó. Dù với người không quen ta cũng xưng là
bà, ông, anh, chị, chú, bác mà sâu xa hơn cả là hai chữ đồng bào. Để được gọi
mọi người trong nước là đồng bào thì phải có huyền thoại bọc trứng Âu Cơ để chỉ
mọi người cùng chung một mẹ sống trong tình nhà là đùm bọc, san sẻ, yêu thương,
bình sản, lấy chữ hòa làm lý tưởng. Người ta cũng có thể gọi mọi người cùng
nước là đồng hương nhấn mạnh trên đất nước (quê hương) nhưng tiền nhân ta đã
chọn hai chữ đồng bào là nhấn trên mẹ (đất mẹ) để đặt nổi mối tình người, tình
nhà, tình nước. Hiện nay người mình đang có khuynh hướng dùng chữ đồng hương
thay cho đồng bào. Dùng thế có thể vì nghe hay hơn, mới hơn, “văn minh” hơn là
chữ đồng bào, nhưng xét sâu xa thì gọi thế là do sự dẫn dắt của tiềm thức cộng
thông không cho phép dùng hai chữ đồng bào nữa, bởi vì truyện mẹ đẻ trăm con đã
bị cho là quái đản trâu ma: tình nước tình nhà hiện đang bị phá huỷ tận gốc.
Vậy thì nên gọi là đồng hương nghĩa là những người cùng sống trong một mảnh đất
như nhau: nơi ràng buộc nhau chỉ còn là đất đai bên ngoài, hoàn toàn vật chất
chứ còn đâu nữa tình người, tình gia tộc sâu thẳm tự hơn bốn ngàn năm mà được
phép gọi là đồng bào. Đó là một thí dụ hiểu sai, còn mấy điểm hiểu sai nữa rất
trầm trọng sẽ được bàn tới trong ghi chú của bài Hùng Việt Sử Ca ở chương
dưới.
Đại để muốn tìm ra ý nghĩa
của huyền sử thì phải quy chiếu vào cái toàn thể. Cái toàn thể đó chia ra bốn
mục: từ, tượng, số, chế. Cả bốn đều có nơi kết tinh đó là:
Kinh Hùng cho Từ
Trống Đồng cho Tượng
Kinh Dịch cho Số
Thôn làng cho Chế.
Với 4 kết tinh đó, huyền sử
Việt đã vươn lên trên hết mọi huyền sử để trở thành một Huyền sử thượng thặng
và do vậy có thể nói Huyền sử cũng là Hùng sử.
Ý NGHĨA CHỮ HÙNG
Bây giờ chúng ta hướng suy tư vào chữ Hùng
vì là chữ then chốt trong huyền sử nước ta. Muốn hiểu chữ Hùng cho đúng nghĩa
phải vượt qua những nghĩa thường nghiệm như hùng dũng trong chiến trường, hay
trong những công việc nguy hiểm như ta thường hiểu về các anh hùng. Đó chỉ là
những nghĩa luân lý thông thường chưa phải là chính. Nghĩa chính phải là nghĩa
chỉ sự thắng chính mình, khó hơn thắng kẻ địch gấp bội. Thắng quân thù có thể
chỉ là cái thắng khí huyết. Anh hùng trung thực khó hơn nhiều: phải là thắng
chính mình để nắm vận mạng mình, để tự đạo, tự đạt, tự thành =
self-achievement, rồi từ đó tiến lên nghĩa siêu linh ở đợt Tam tài đứng ngang
cùng trời đất. Nếu trời là chủ, đất là chủ thì người cũng là chủ, như một ông
vua độc lập không ỷ lại vào trời hay đất nhưng tự mình làm chủ lấy mình đó gọi
là nhân chủ. Đó mới là ý nghĩa chữ Hùng trung thực. Đó mới là đợt cao nhất kể
cả trên cấp tối cao siêu linh, nên con người phải mất bao thời gian mới đạt tới
sự hiểu biết nọ. Hãy lấy cặp đôi sông núi mà xét thì thấy hai cặp sông núi đối
đáp mà ở đầu nền văn hóa nào cũng thấy xuất hiện, nhưng rồi thường núi chỉ là
nơi ngự trị của thần linh, còn sông thì thường có Hà Bá như bên Tàu. Núi
Olympia bên Hy Lạp, núi Meru bên Ấn Độ toàn là nơi ngự trị của thần minh nghĩa
là thuộc đợt bái vật, nó đè nặng trên con người như ta thấy rõ trong đền núi Đế
Thiên, có đền, có núi, có sự chết (để quàn xác vua) có cõi âm ti… tất cả những
yếu tố đó tập hợp lại đè trên lưng con người (xem bài IV trong Sứ Điệp) biểu
hiện bằng sự vắng bóng tượng thần nữ, y như thần nam Lokesvara bên Ấn, đến khi
sang đất Việt nho được thở bầu khí nhân chủ mới biến thể ra thần Nữ Quan Thế Âm
đầy tình mẹ. Đó là hậu quả của đức Hùng siêu linh. Nhờ có đức nọ nên núi trở
thành nơi ở của tiên mẫu gọi bóng là Phong Châu, còn nước trở thành nơi ở của
Long phụ, cả hai gặp nhau trên Cánh Đồng Tương để sinh ra con Hùng mà bản chất
là vua từ trên cấp tối thượng nghĩa là vua sán cùng trời đất.
Cho nên mấy chữ “mẹ tiên cha rồng” đã hàm
tàng sẵn một sử trình đi lên của nhân chủ vừa được phác họa. Còn cần phải xem
tính chất của kẻ cư ngụ. Ở những nền văn hóa du mục thường là những con ác thú
được chọn làm vật tổ như sư tử bên Babylon, bò đực bên Hy Lạp, rắn bên Ấn Độ…
Tất cả đểu đóng vai thần lấn át con người: đấy là bước một.
Bước hai là bỏ ác thú dính sát vào đất để
nhận chim đó là bước tiến hơn, vì chim bay được lên trời cao hơn thú một bậc,
nhưng cũng còn là vật tổ.
Bước cuối cùng chim trở nên vật biểu,
không còn là vật tổ nữa, vì người đã lấy lại quyền làm chủ, làm nhân chủ, nên
chim phải lùi xuống làm vật biểu và phải bàn giao cái đức tính của chim sang
người như có cánh, bay cao, đẻ trứng, trong sạch (cò trắng, hạc trắng). Người
mà có những đức tính của chim thì phải mang tên khác đó là tiên. Bước này mới
thấy thực sự xảy ra ở trong sử Việt tộc nơi chim trĩ chuyển sang chim Hồng Hộc,
cũng có tên là thiên nga để chỉ sự bay cao tận trời. Nhưng Hồng, Hộc hay hạc
lại là những loại chim nước có thể hội thông được với rồng vốn ở thuỷ phủ, tức
là xuống đến đáy biển chỗ cùng cực thấp, vậy mà cũng giao hội được với chỗ cực
cao cho nên sự giao hội này gọi là “Giao Chỉ”, chữ Chỉ viết hoa để chỉ trời đất
giao hội. Đó là bước căn bản làm nên con người nhân chủ được định nghĩa là sự
giao hội của đức trời đức đất: “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Đấy quả là một
cuộc thái hòa quá ư họa hiếm. Nhiều nơi chỉ đọng lại ở đợt ác thú không có
chim. Ít nơi có chim như ở văn minh Ấn Độ có chim Garuda và rắn Naga đã phác
họa ra hai nét tiên rồng nhưng rồi chim săn rắn nghĩa là đối kháng, không xảy
ra vụ gặp nhau trên Cánh Đồng Tương như mẹ Âu với bố Lạc. Vậy cũng còn cao hơn
các văn minh kia chỉ có một con duy nhất và thường là loài 4 chân như sư tử,
gấu, voi, bò đực… đôi khi lên đến đợt chim thì dừng lại ở đó như chim ưng ăn
thịt, hay chim cú của Hoàng Đế mới chán: sa vào tội ăn thịt mẹ cha. Như vậy
hiện tượng Tiên Mẫu Long Phụ gặp nhau trên Cánh Đồng Tương quả là họa hiếm: có
thể nói là độc nhất vô nhị. Chữ Tương viết hoa để chỉ một bước tiến vượt bậc là
nhìn ra được mối liên hệ ngầm giữa trời cùng đất. Đó là cái nhìn thấu triệt.
Phải vượt đợt hiện tượng mới thấy được liên hệ siêu hình giữa người với trời
đất, nên Tương quan đó phải được viết hoa. Vì thế mà Tương quan này rất hiếm.
Vậy mà Tiên Rồng gặp nhau khắng khít và cách phong phú được diễn tả bằng sự đẻ
một trăm con! Sai mắn biết mấy là cuộc gặp gỡ của mẹ tiên cha rồng trên Cánh
Đồng Tương.
Như vậy tên Hùng Vương bao hàm cả một tiến
trình từ vật đến chim, từ chim duy dương đến chim nước để đi đến người, để
ngừơi thành Tiên trên núi Phong Châu hay Ngũ lĩnh tức một quá trình biến núi
của thầnlinh thành nơi ở của con người, con người chia nhau làm chủ cả nước cả
non: cả non Nhân lẫn nước Trí để đẻ ra con Hùng. Hùng lên ngôi vua: vua chính
mình cũng như vua nước vua non, vua ngang với Trời cùng Đất và vì vậy xứng đáng
làm vai then chốt của Hùng sử cũng là Huyền sử.
Theo đó thì huyền sử họa hiếm dường bao,
vì huyền sử là sử của con người Đại Ngã Tâm Linh. Nếu không đạt đợt đại ngã mà
chỉ ở lì lại đợt con vật thì không có sử. Có lên đến đợt lý trí của phàm ngã
thì cũng chỉ mới có sử ký, phải vươn lên đợt tâm linh mới có huyền sử. Vì sự
hiếm hoi như vậy nên Hùng Vương hầu như là trường hợp hạn hữu trong lịch sử văn
hóa loài người, vì thế ta có thể nói Hùng Việt Sử Ca cũng chính là Huyền Việt
Sử Ca. Nói khác nước Việt là nước thiêng tiên rồng: giàu chất tâm linh hơn cả.
Ngày nào con người biết trở lại nguồn cội của mình sẽ thấy cái kho tàng quý vô
biên tàng ẩn trong những trang huyền sử của nước Việt. Trong dĩ vãng dù
con cháu đã mất ý thức về chiều sâu nọ, nhưng ơn ích trên bình diện xã hội cũng
còn rất đáng nể. Sau này Nho đã nhờ công thức Việt Đạo mà được tiếng khen là đã
đưa vào sử trính nhân loại một sự biến đổi lớn lao nhất, đó là một con người có
nhân cách phổ biến, một kẻ sĩ mẫu mực, một người quý phái tinh thần có lẽ lần
đầu tiên xuất hiên trên mặt đất như ông Lewis Mumford đã nói (trong quyển
Transformation of Man. Edit. Harper and Row, N.Y. 1965 p.72): “Confucius
brought about a change of the greatest magnitude… a universal personality, the
archetypal scholar and gentleman: perhaps the first rounded incarnation of this
type”. Mẫu người này đã sáng lập ra một lối nhân trị dựa trên đức tính không
đâu có hết nên học giả Fairbank đã dùng từ ethocracy để chỉ lối cai trị đặt nền
trên đạo lý tâm linh này (xem Chinese Thought and Institutions by John K.
Fairbank, Universisty Chicago Press, 1959 p.7)
THỜI ĐẠI CỦA HUYỀN SỬ
Đã nói rằng huyền sử vượt phạm trù thời
gian không gian nên các niên hiệu địa danh không giữ vai trò chính như trong sử
ký, tuy nhiên nó vẫn là một loại sử cần đến một số tiêu điểm mập mờ thấp
thoáng, với niên đại và biên cương hết sức co giãn. Vì thế ta cũng nên xét đến
niên đại coi như những mốc lớn chỉ sự trước sau (ordre de grandeur) với một
không gian trồi sụt (nghĩa là bờ cõi biến đổi qua bao ngàn năm nên biên giới
Châu Kinh với Châu Dương (của Man với Di) có thể sai chạy cả ngàn cây số là
ít).
Vậy huyền sử nước ta khởi đầu từ Thần Nông
“cháu ba đời vua Thần Nông tuần thú phương Nam ”. Tuy đây chỉ là một câu vắn
tắt nhưng lại chứa cả một nội dung dài dằng dặc mất hút vào đêm tối dĩ vãng và
cả hàng nhiều ngàn năm, nó gói ghém tính chất căn bản của nền văn hóa nước ta:
là nông nghiệp, ngược với văn minh du mục đặt tên sự săn bắt như các nước miền
Lưỡng Hà hoặc vùng thảo nguyên. Các vùng này sau đã bị tinh thần du mục lấn át
tuy cũng có nông nghiệp nhưng là lúa tắc (tắc và thử thuộc loại lúa mạch, lúa
miến) như của Tàu lúc xuất hiện với ông Hậu Tắc (the prince of millet).
Thần Nông cũng có tên là Viêm Đế, dân gọi
là Viêm tộc, nước là Viêm bang, kinh Phật dịch là “Nhật chủng” thuộc hỏa đức
(quẻ li) với chim trĩ thuần hoả bay theo hướng mặt trời. Đó là loại chim của
Việt lúc còn thờ mặt trời, nên có sách xưa gọi chim trĩ là “tuỳ dương Việt trĩ”
= con chim trĩ của chủng Việt bay theo hướng mặt trời Viêm Đế, Viêm tộc, Viêm
bang là thuộc giai đoạn này. Vậy đừng lầm lẫn cho Viêm Đế là khác với Thần
Nông, cũng đừng nghĩ Thần Nông là người Tàu. Thần Nông chính là điền tổ của
Viêm tộc chứ không phải của người Tàu. Người Tàu sau này đã đưa ông Hậu Tắc ra
làm điền tổ. Đó là chuyện mãi về sau cuối đời Đông Chu .
Thần Nông ở vùng Thái Sơn nên còn có tên
là “Liệt Sơn” (núi Oanh Liệt). Liệt Sơn cũng là quê hương của Phục Hy, vì thế
Phục Hy còn mang tên là thanh tinh= rồng xanh, ý nói ở phía Đông cùng với Nữ Oa
quê ở Đồ Sơn (cùng quê bà vợ ông Vũ). Đồ Sơn là tên cũ của Cối Kê (kinh đô Việt
Chiết Giang) cũng gọi là Miêu Sơn (đôi khi đọc mao sơn cho hợp vần thơ) tức
liên hệ với Tam Miêu, Cửu Lê. Đấy là thời một, thời Viêm tộc còn ở rải rác khắp
miền đất mênh mông mà sau này là nước Tàu. Thời Viêm tộc được kết thúc vào
quãng giữa thiên niên kỷ thứ bốn trước. Truyền thống ghi niên đại Thần Nông là
năm 3320-3080 tr.cn (không nên nhận niên đại “khoa học” 2737 vì họ không kể đến
Viêm tộc). Niên đại lưu truyền không có tính cách xác đáng của sử ký, nhưng
dùng được cho huyền sử để chỉ sự trước sau. Đây là chặng đầu của huyền sử nước
ta được nối với đại chủng Viêm tộc mà giai đoạn sáng thế ký là Bàn Cổ (Bàn Cổ của
Việt tộc xem ghi chú trong đầu quyển Nhân Chủ) rồi mới tiếp đến giai đoạn Tam
Hoàng trong đó có Thần Nông. Nếu không kể Bàn Cổ với các ông Hữu Sào… thì Tam
Hoàng là giai đoạn đầu, Việt tộc xuất hiện tự đấy gọi là Hoàng kỷ. Còn Tàu xuất
hiện vào thời sau gọi là Đế kỷ với Hoàng Đế.
Chặng hai xảy ra khi “Hoàng Đế chiến Si
Vưu” tức là manh nha sự xuất hiện của dân Tàu xét như một dân tộc. Hoàng Đế
(-2697) đại diện cho Hoa tộc khởi đầu nổi lên xâm lấn đất của Li (Si) Vưu.
Chính là Li Vưu (Li là rồng vàng như trong câu Lân Li Quy Phượng). Hoàng Đế
chiến với Li Vưu tức là chiến với Thần Nông, dân của Li Vưu gọi là Cửu Lê, đó
là một phần dân của Viêm tộc. Vì sự xâm lăng này mà có cuộc “Nam tiến” hoặc muốn nói là rút lui về miền Nam cũng được.
Đại biểu của trào Nam
tiến là Đế Minh dánh dấu sự Việt tộc tách khỏi đại khối Viêm tộc xảy ra vào
thời Đế Minh gặp Vụ Tiên lập ra họ Hồng Bàng.
Niên đại họ Hồng Bàng được truyền lại là
năm Nhâm tuất (-2879) trước cả Hoàng Đế và hơn thế nữa bao gồm cả ba chặng trên
(Thần Nông, Đế Minh, Hồng Bàng). (1)
(1) Các chữ Lê (Cửu Lê),
Lộ (Lộ Bàn cũng đọc Ban, Lộ Bộc), Lộc (Lộc Tục), Lãm (Sùng Lãm), Lạc (Lạc Long,
Lạc Địch, Lạc Việt), Lai (Đế Lai, Lai Di…), Lang (Văn Lang) dùng chủ âm “L”.
Đó là một thứ tiêu điểm vi vu trong đêm
trường của thời khuyết sử, nhưng tạm dùng được trong phạm vi huyền sử nơi mà
địa danh cũng như niên hiệu cần được hiểu cách rất co giãn. Niên hiệu 2879 cho
việc sáng lập họ Hồng Bàng nên dùng hơn là niên hiệu của Nghiêu Thuấn
(2333-2148) vì đây cũng là những huyền thoại. Nghiêu Thuấn không có chút chi
thuộc sử ký mà chỉ là những “nhân vật” huyền sử do óc của Khổng Tử sản sinh,
nên phải xét “máu văn hóa” chứ không xét máu chủng tộc và lúc ấy mới thấy đó là
những dạng thức đầu tiên của Việt Nho. Ông Thuấn nổi nhất về hai điểm là chữ
hiếu và nhạc thiều thì cả hai thuộc dòng Viêm Việt, nhất là nhạc thì Thuấn dùng
ông Quỳ là người Viêm Việt. Sách Sơn Hải Kinh cho Quỳ với Long là một. Ông Quỳ
chỉnh đốn lại luật ngũ âm, lục luật. Nên nhớ sử Tàu chỉ đáng tin có từ năm 721,
trước nữa toàn truyện hư cấu suy luận, càng về xưa càng trở nên hư cấu, không
được như sử Việt có huyền sử mà Trống Đồng còn ghi tang chứng rực rỡ về tiên
rồng, tức là về Hồng Bàng và Thần Nông (chim Hồng và giã gạo). Ta quen nói Việt
Nam có bốn ngàn năm văn hiến, chẳng biết câu này xuất hiện thời nào chứ nếu nay
mà nói thì phải kể tự Hồng Bàng nghĩa là “năm ngàn năm” tức là đã lâu đời lắm,
trước Nho nhiều. Nho cùng lắm thuộc Nghiêu Thuấn. Trái lại Việt đã có tự Hoàng
kỷ mà tang chứng còn tràn ngập. Một nước đáng gọi là văn hiến chi bang hay là
nước có nền văn hóa lớn lao là khi trong nước còn tàng chứa nhiều di tích của
thánh nhân cũng như những điển chương rực rỡ. Theo đó thì quả nước Việt xứng
đáng là nước văn hiến vì kiểm kê được đủ mặt điển chương kiêm đủ từ, tượng, số,
chế: từ thì có nhân thoại, khảo cổ có trống đồng, số thì có Kinh Dịch, thể chế
thì có làng nước, một thể chế còn sống cách sung mãn.
Chính với ý niệm lâu dài về thời gian, với
ý tưởng thâm sâu về huyền nghĩa đó mà hôm nay chúng ta cung kính đọc lại ít
trang đầu của huyền sử trích tự quyển “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” một sách đã
phần nào được bao quanh bởi hào quang của thời gian (quãng vài trăm năm nay) và
số đông tác giả tức được kể là công trình tập thể quãng 5, 6 người (trong đó có
ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái). Vì bản này theo tài liệu cảu quyển Lĩnh Nam
Trích Quái là sách được thâu lượm vào thế kỷ 15 nên đã có nhiều sự hiểu lầm
huyền sử (huyền sử bị hiểu trên đợt sử ký) nên cần thêm phần ghi chú để chỉnh
lại ít điều sai chạy.
Kim Định, Hùng Việt Sử Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét