NGUỒN GỐC VĂN HOÁ VIỆT THEO CHỮ NHO VÀ ĐẠO NHO
Chữ Nho ta thấy
ngày nay mới có từ đời Tần (thế kỷ thứ ba TCN) và gọi là chữ
Lệ. Đó là thứ chữ cuối cùng do Tần Thuỷ Hoàng thống nhất nước Tàu thì cũng
thống nhất chữ Nho luôn.
Còn
trước nhà Tần thì có rất nhiều kiểu viết, nhưng nổi hơn cả là chữ con
quăng cũng gọi là hỏa tự/khoa
đẩu và trước nữa có chữ chân chim (điểu tích
tự). Hai thứ chữ này là của Việt tộc, liên hệ ngầm với hai vật
biểu tiên rồng của ta. Tiên là chim nên chữ gọi là chân chim; còn rồng là xà long, giao
long mà long là vua loài bò sát, vì thế khi tượng hình thì ra như con nòng nọc
gọi là quăng. Hai thứ chữ này có lâu
đời trứơc mãi tự Hồng Bàng. Về sau Hoàng Đế thống nhất văn tự bắt
dùng có chữ lệ nên chữ chân chim và con quăng tiêu trầm. Đấy là về
chữ Nho.
Còn Đạo Nho được ghi trong Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tứ Thư là bốn sách Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ,
Mạnh Tử. Ngũ Kinh là Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Ngũ Kinh có từ đời nhà
Chu quãng từ tám đến năm thế kỷ trước, còn trước nữa là thời hình thành Nho
chưa có sách rõ ràng như thế, mà phần nhiều Nho được gói ghém trong những điển
chương văn hóa như Kinh Dịch, Trống Đồng, Lạc Thư v.v… Tất cả những
điển chương này đều phát triển từ ngũ hành, mà ngũ hành thành bởi hai bộ số
2-3, nôm na gọi là vài ba, còn Kinh Dịch gọi là “tham lưỡng” hay là 3-2. “Tham
lưỡng” là nói tắt câu sách “Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số” nghĩa là ba
trời hai đất là con số nền tảng, con số cần phải tựa (ỷ là tựa). Nói thế có
nghĩa là hễ ai hiểu được ý nghĩa hai bộ số đó là hiểu được Đạo gồm có Đạo
đất (số 2), Đạo trời (số 3). Cả hai chập lại thành số 5
chỉ Đạo người, cho nên nói người là đầu mối của ngũ hành (nhân giả
ngũ hành chi đoan dã). Đạo người phải xuất từ ngũ hành. Vì vậy ngũ hành cũng có
nghĩa là Đạo. Khi đã
quy kết Đạo Nho vào vài con số như vậy rồi thì việc đi tìm nguồn gốc của Đạo
Nho trở nên dung dị hơn nhiều: ta chỉ việc theo chân khảo cổ và cổ tục học mà
tìm thì sẽ ra tung tích. Vậy hai khoa đó đều tìm ra số 2, 3, 5 ở miền Việt tộc
từ sông Hoài, Sơn Đông chạy xuống đến các đảo Thái Bình Dương như số 2 thấy ở
Bắc Sơn trong nét song trùng, số 3 thấy ở di chỉ Phùng Nguyên (tỉnh Vĩnh Phú,
Bắc Việt) và trong các huyền thoại như sách ước gậy thần. Sách ước thành bởi ba
trang mà thần Tản Viên đọc có hai trang hỏa và mộc. Hành hỏa số 2, mộc số 3 tức
văn hóa Việt gồm hai số 2-3 hay vài ba, hoặc Đông Nam . Vì Đông số 3, Nam số
2.
Các số đã vậy mà những thể chế lớn trong Nho cũng tìm thấy
nơi Việt trước đậm nét hơn. Thí dụ: Lễ
gia tiên là đạo thờ ông bà. Lễ gia quan do lễ Thành Đinh. Tinh thần
gia tộc bên ta cũng đậm nét hơn như được biểu thị bằng cái bọc trăm trứng Mẹ Âu.
Câu Trời tròn Đất vuông là do bánh dầy bánh chưng v.v… Còn có thể kể ra rất
nhiều, nhưng trong bài vắn tắt này tạm ngưng ở đây.
Có lưu truyền kể
rằng, vào đời Đường nước Việt Thường biếu vua Nghiêu rùa thần, trên mu có chữ
con quăng ghi việc từ khai thiên lập địa về sau. Để Nghiêu ra lệnh ghi chép lại
và gọi là “quy lịch”. Quy lịch hay Quy thư cũng gọi là Lạc Thư, tức là sách của
Lạc dân thành bởi 9 bộ số, nhưng 9 cũng quy vào là số 2 đất và 3 trời, trong
truyện nói bóng là ghi truyện tự khai thiên lập địa… Sự thực đó là đạo trời,
đạo người, đạo đất. Lý do nền tảng tại sao tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa Việt
mà phải nghiên cứu về bộ số vài ba tham lưỡng với các phó sản của nó là Âm
dương, Tam tài, Ngũ hành, Hồng phạm, Cửu trù, Lạc Thư, Sách ước. Vì tất cả đều
do Việt tộc chính, về sau Tàu có lẽ thêm vào được chút ít bằng sự tô chuốt
trang hoàng bề ngoài mà thôi, chứ cái nõn thì đã có sẵn rồi. Tóm lại cả chữ Nho lẫn Đạo
Nho đều do Việt tộc trước rồi người Tàu công thức hóa
sau nghĩa là trau chuốt đặt thành những câu văn gọn. Vì thế Nho là của
chung Tàu Việt, tôi gọi là Việt Nho.
Việt sáng tạo ra gọi là thời văn hóa. Tàu đưa vào sách vở
gọi là văn minh. Đó là những điều đã được chứng minh bằng khảo cổ và cổ tục
học, nghĩa là rất khoa học không thể chối cãi. Vì thế khuynh hướng ruồng bỏ
Nho, lấy lẽ là của Tàu chỉ là mắc bẫy thực dân muốn nhổ mình ra khỏi gốc Việt
cho dễ đồng hóa, chứ thực tế chối Nho tức là chối Việt, vì Nho là 2-3 mà 2 là
tiên rồng, còn 3 là Đạo Ba hay Đạo của cha ông. Trong Hưng Việt 3, chúng ta sẽ
bàn về hai con số này với các huyền thoại liên hệ như được ghi trong Trống
Đồng. Chỉ cần kết rằng muốn bỏ Nho lấy cớ là của người Tàu thì cũng như lấy cớ
rồng là của Tàu mà ruồng bỏ tiên rồng của mình mà quên đi rằng Tàu đã mượn rồng
của Việt thay thế cho bạch hổ là vật biểu trước hết của họ.
Đàng khác vì các lâu đài văn hóa ta đều là “kinh vô
tự”, sau Tàu cho vào kinh sách thành hữu tự. Vì thế nay muốn nghiên cứu về
nguồn gốc văn hóa Việt thì phải dùng cả sách Nho cũng như phải nghiên cứu về
nước Tàu, cũng như về sự sinh thành ra nước Tàu, vì nước Tàu sinh ra và
lớn lên trên lưng nước Việt. Nước Việt ví như khóm tre to lớn, nước
Tàu khởi thuỷ ví như đọt măng, nhờ hoàn cảnh thuận lợi măng mọc mạnh phát triển
tràn ngập lật ngược thế cờ, biến Việt chủ thành ra Việt khách.
NGUỒN GỐC VĂN HOÁ
VIỆT THEO NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI NHẤT
Bàn về 2
quyển khảo cổ và cổ sử mới nhất về nước Tàu có liên hệ tới nguồn gốc văn hóa
Việt Nam .
Đó là quyển “The Origins of Chinese
Civilisation” gồm những bài đã thuyết trình trong hội nghị Berkeley 1980. Sách in tại
University of California Press 1983. Sẽ viết tắt là
Origins. Quyển thứ hai là “The Chinese
Heritage” by K.C.Wu, 496 trang, in tại Crown Publisher Inc. New York 1982 sẽ viết
tắt là Wu. Tiến sĩ Wu làm đại sứ kiêm học giả.
Bài này theo hai quyển trên và một ít tài liệu cập nhật hóa để
xét lại nguồn gốc nước Tàu và Việt. Theo đó nước Tàu mới có từ quãng 20 thế kỷ
trước công nguyên gồm ba nhà Hạ, Thương, Chu .
Ta hãy điểm qua từng nhà.
Nhà Hạ kéo dài 439 năm (2205-1898). Tiếng Hạ không phải là tên
chủng tộc mà chỉ là một mảnh đất nhỏ ở Mạn Nam sông Hoàng Hà đối với người ở
Mạn Bắc thì kể là mùa hạ. Có thể người Chàm Châu Đốc đã ở đây vì họ cũng có tên
là Hạ và có tục cưới rể y như ông Vũ nhà Hạ về ở quê vợ là Đồ Sơn tức Hội Khê.
Cha ông tên là Cổn được trao cho việc trị thuỷ hiểu theo ẩn nghĩa là “cai trị
nước”. Ông Vũ trị thuỷ được là nhờ có con quy nổi lên ở sông Lạc đội quyển sách có 9 khoản. Theo cái nhìn của huyền sử thì đó
là cách cai trị của Lạc Việt gọi là Cửu Lạc, sau Nho giáo gọi
là Hồng phạm Cửu trù với Lạc thư, tất cả đều phát xuất từ Việt tỉnh cương tức
là 9 điều xếp theo 9 ô của chữ tỉnh
của Việt tộc.
Nhà
Thương kéo dài 612 năm (1766-1154). Về văn hóa thì phát xuất từ Hoài Di tức
theo văn hóa Di Việt. Bà Giản Địch đẻ tổ nhà Thương theo lối dã hợp
của Di, cũng theo mẫu hệ: gọi tên theo lối Việt như vua Đê At, khi đánh với nhà
Chu thì hầu hết là nhờ quân các nước Di nên nói được nhà Chu
thắng nhà Thương là Tây thắng Đông. Nhưng thắng Di, mà Di với Việt có liên hệ
chặt chẽ cả về tiếng nói cùng một gốc Nam Á (Austro-Asiatic) (xem Origins
p.437-442). “Thế mà đất của Di rất bao la gồm Sơn Đông, Đông Hà Nam, Bắc Giang
Tô, Đông Bắc An Huy, có thể cả miền duyên hải Hà Bắc và Trực Lệ, hai bên Liêu
Đông và bán đảo Triều Tiên trong đó có những tên họ như Thái Hạo (Phục Hy),
Thiếu Hạo (Kim Thiên) họ Phong, họ Doanh, họ Yếm… tất cả đều liên hệ với Di.
Những biến cố lớn đời nhà Hạ là những cuộc đụng chạm với Di”. Học giả Phó Tự
Niên, trưng theo Origins tr.498. Cho đến hết nhà Thương thì chưa có gì được gọi
là văn hóa Tàu. Tất cả còn là Di, chỉ tự nhà Chu
mới có sự khác biệt về văn hóa.
Nhà Chu kéo dài 897 năm từ 1122-225 phát xuất
từ Tây Di, học Cơ thuộc bộ tộc Nhung (hoặc Khương). Về văn hóa sút hơn nhà
Thương rất nhiều, tuy nhiên chính nhà Chu đã biến đổi văn hóa Di Việt thành
ra văn minh Tàu là do đến sau và cai trị lâu năm, và nhất là vì có
tính cách du mục: phụ hệ, võ biền: đưa vào văn hóa Di Việt nhiều yếu tố du mục
như chức thiên tử (ghé vua thần) quân đội chuyên nghiệp, luật hình, hoạn quan,
hữu nhậm, ưa số 6 và 4, đàn áp đàn bà, khinh miệt dân chúng gọi là lê dân (dân
đen đầu) hay kiềm thủ. Vì có pha máu Turc tóc vàng nên gọi dân thế. Và cũng từ
đấy thì bắt đầu phân biệt Tàu với Di Việt bằng cách coi khinh và những chữ Di
Địch mới hàm ý “rợ mọi” chứ trước không hề có thế. Vì Tàu đều xuất phát từ Tứ
Di cả, nhưng khi đã chinh phục được Tứ Di rồi thì quay lại khinh dể gốc của
mình.
Nhà Tần kéo dài 49 năm từ 255-206, nhưng chiếm toàn cõi
nước Tàu nhất là Sở, Việt, Ngô và xưng là Tần Thuỷ Hoàng Đế
thì mới từ năm 221. Tuy cai trị vắn nhưng đã để lại một hình ảnh nước Tàu to
lớn thống nhất, nên từ ấy về sau các nhà viết sử bám vào hình ảnh này mà quên
đi những quãng đầu lúc nước Tàu còn nhỏ xíu. Từ Tần Thuỷ Hoàng nứơc Tàu mới có
như nay nhưng vẫn phải mượn tên Tần để gọi nước. Ngừơi Tàu đọc Tần là Tsin thành
ra Chine , China . Tần là một
trong Tứ Di, nhưng vì tiếp cận với du mục quá lâu nên đi theo hướng
du mục, chuyên chế, không hợp với Nho nguyên thuỷ là vương đạo theo tinh thần
dân chủ. Vì thế chỉ cai trị nước Tàu quãng 49 năm.
Nhà Hán chia hai
là tiền Hán 174 năm (206-35 tr.c.n) cũng phát xuất từ Tứ Di, miền Giang Tô. Khi
mới lên ngôi còn tế Ly Vưu và xưng mình là Hán Man. Chữ Hán chỉ là hình dung từ
nghĩa cao sang vinh hiển, chứ không là tên dòng tộc, y như chữ Hạ và Hoa đều thế.
Vì Tàu chỉ từ Tứ Di phát xuất chứ không có dòng tộc riêng nên không có tên
riêng. Trứơc đây người ta tưởng là Hoa hay Hạ là tên dòng tộc nhưng mới đây ông
Wu (tr.106-110) đã chứng minh là không phải thế mà là tên mới từ đời nhà Chu
thêm hình dung tù Hoa vào Hạ để chỉ sự hiển vinh, lâu rồi người ta dùng chữ Hoa
bỏ chữ Hạ. Đến đời mới vì Tần nổi quá nên ngừơi Mông Cổ gọi Tàu là Tần và tên
này dính luôn. Những điều này chứng tỏ Tàu không là một chủng tộc riêng mà
chỉ do tự Tứ Di phát xuất. Điều này đã trở thành hiển nhiên khi xem mấy vị thuỷ
tổ như Phục Hy, Nữ Oa đều xuất thân từ Di (miền Châu Từ, sông Hoài… Thần Nông
thì có lưu truyền phát xuất từ miền Tibet đi vào Tàu qua ngã Tứ Xuyên
và định cư ở Hồ Bắc bên bờ Dương tử giang. Còn vị nổi nhất là Bàn Cổ thì nay đã
tìm ra là người Việt họ Bàn đọc là Bàng (Hồng Bàng) là Bành (Bành tổ) theo lối
đọc miền Nam mấy âm đó xuýt xoát (xem Hán Việt tự điển Nguyễn Văn Khôn chữ Bàng, Bàn. Vì không nhận ra điều đó nên
nhiều sách gán với chó Bàn Hồ của dân Dao). Tương truyền mồ mả ông còn đâu đó
trong miền rừng núi tỉnh Quảng Đông, ông mới được đưa vào Tàu đời Tam quốc
trong quyển “Tam ngũ lược kỳ” của Từ Chỉnh và đến đời Tống thì được đưa vào
Triết. Trong hoàn vũ Đông Tây kim cổ không có hình ảnh nào về nhân chủ cao đẹp
hơn hình ảnh Bàn Cổ. Ngày 15/8/1984 An Việt khám phá ra những điều này (trong
sách ông Wu tr.2 nên đã đặt tên cho một chi ở San Jose là Bàn Cổ để ghi “biến
cố quan trọng” là tìm ra tổ chót vót của mình.
Hỏi: Sao lại nói Việt Nho mà không Di
Nho hay Hán Nho? Thưa: Gọi Di Nho được lắm, nhưng vì nay
không còn dân nào mang tên Di để đại diện nên phải lấy tên Việt vốn gắn liền
với Di như đã nói trên. Nên chú ý chữ Việt đây tuy là siêu việt cùng một căn
với phủ việt là thứ rìu lưỡi cong đặc biệt của Đông Sơn cũng là của Việt. Việt
này bao la ăn từ Chiết Giang lên mãi Liêu Đông dính với Địch như đã nói ở trên
(triệt 3) và có thể là U Việt (Việt điện u linh). Còn phía Dương tử giang thì
có Liêu Việt, Bộc Việt. Lại có Lạc Việt miền Hoàng Hà… Việt mênh mông này có
trước Bách Việt. Bách Việt viết với bộ mễ mới có sau tự lúc Việt Chiết Giang bị
Sở thôn tính thì tỏa xuống phía Nam lập ra nhiều nước nhỏ mà Tàu gọi là Bách
Việt trong đó nổi nhất có Nam Việt của ta ở Quảng Đông, thứ nhì là Mân Việt ở
Phú Kiến…Vì
Việt gắn liền với Di, lại còn việc nước mang tên Việt với vật biểu đi đôi tiên
rồng. Đó là nét đặc trưng nòng cốt, nên phải dùng tên Việt để đặt nổi nguồn gốc
văn hóa nứơc ta, sau này nếu cần vì lý do ngoại giao không nên dùng chữ Việt
Nho thì sẽ dùng từ Nguyên Nho, Di Nho hay Nho suông thay thế. Đằng khác khảo cổ đang hướng mạnh về trục Nam Bắc tức
văn hóa phát xuất từ miền Nam
(văn hóa Hòa Bình, Non-nok-Tha, Banchiang…) tiến lên Bắc là Ngưỡng Thiều (tỉnh
Thiểm Tây) và Long Sơn (tỉnh Sơn Đông). Mỹ có người đi theo hướng đó như ông
Solheim và Gorman đại học Hawaii .
Nga cũng đi theo hướng đó. Xem bài ông Karl Jettmar, Origins tr.217.
Tóm lại tuy khảo cổ chưa thể quyết đoán về mọi chi tiết cách chắc nịch theo lối
huyền sử, vì huyền sử xem bao quát để nhìn ra cái dạng chung của cánh rừng, còn
khảo cổ ví như đi vào rừng để xem xét từng chi tiết, nên gặp phiền toái hơn
nhiều, dầu vậy có thể nói những nét lớn thì khảo cổ và cổ sử đã kiện chứng cho
thuyết Việt Nho, theo đó Việt sáng tạo ra ý tưởng, còn Tàu thì công thức hóa và
làm trọn vẹn. Việt là kế thừa trung tín của Di Nho hơn Tàu. Tàu theo đạo Khổng
mà Khổng đã học với Di Nho tức Nghiêu Thuấn mà Thuấn là “Đông Di chi nhân”.
KHAI THÁC NHỮNG THÀNH QUẢ THÂU LƯỢM ĐƯỢC
Thành quả đó là
Việt có trước Tàu cũng như Việt đã đặt nền văn hóa, còn Tàu xét như một dân tộc
xuất hiện sau quãng tự nhà Hạ lối 20 thế kỷ trước công nguyên, đã hoàn chỉnh
văn hóa của Di Việt, tôi gọi là công thức hóa. Trên đây đã có một bài tóm lược
những kết quả của khảo cổ mới được cập nhật hóa để có được cái gì cụ thể trong
việc khám phá nền tảng văn hóa nứơc nhà. Ở đây hãy nói về
việc áp dụng điều đó thế nào cho ơn ích, bởi vì việc khám phá đó đã làm cho mối
liên hệ Tàu Việt trở nên tế nhị, có thể gây chia rẽ. Thiết nghĩ, ta sẽ cố tránh điều đó bằng
trình bày theo lối tin mừng chung cho cả hai dân tộc, tức là tìm lại được nguồn
gốc chung, đó là gốc văn hóa và đừng xét
đến chủng tộc. Vì nứơc Việt xưa gọi là Văn Lang đã chứng tỏ yếu tố văn hóa
được đề cao. Còn Tàu thì các học giả quốc tế cỡ lớn đều cho là một thực thể văn
hóa chứ không là chủng tộc, nói kiểu khác không có chữ Nho và đạo Nho làm cốt
thì không có nước Tàu như nay mà chỉ là một châu xuýt xoát như Âu Châu gồm lối
vài chục nước; nhưng nhờ Nho (tức văn hóa đó) mà Tàu có được nền thống nhất lớn
lao, nhưng vì yếu tố chính trị lấn át làm cho người Tàu cũng như người Việt
quên gốc văn hóa chung, chỉ còn thấy có hai nước coi nhau như thù nghịch.
Sự thực thì phần lớn là anh em một nhà trong một nền văn
hóa thống nhất, điều đó còn ảnh hưởng vào lối bang giao Tàu Việt, tức hai nước
sống bên nhau tương đối hòa bình. Có điều chính người Việt đã quên điều đó
nhiều hơn nên sử sách xưa rày chỉ nhấn mạnh có khía cạnh dị biệt và hận thù.
Gần đây học giả Nguyễn Thành Nhơn đã chú ý đến khía cạnh thống nhất khi nhận ra
rằng, từ ngày Việt Nam độc lập năm 937 đến đầu thế kỷ 20 chỉ có 5 cuộc
chiến, mà cả 5 đều liên hệ đến việc phế lập. Thế mà phế lập lại liên can đến
việc phong vương và triều cống, cho nên việc xin phong chính là một thứ hiệp
ước trá hình để giữ thể diện cho đại quốc, còn việc triều cống cũng thế, thực
ra chỉ có tiếng mà không có miếng. Còn hao tài là khác, do cái tôn chỉ “hậu
vãng lai bạc lai”, tới cống thì ít, mà lì xí phải nhiều. Thí dụ có lần Việt
cống 15 con voi. Tàu van nỉ xin mua lại mà Việt không chịu. Vì nếu mua được thì
để voi đâu cũng xong, bằng không thì đó là vật cống thiên triều, đoàn sứ giả đi
tới đâu phải nghinh đón và cung phụng người, đã vậy lài còn đoàn voi. Nghĩ đến
việc 15 con voi cứ thủng thỉnh vừa đi vừa tương ra tự Nam chí Bắc nước Tàu mà
ngán, chỉ duy việc xúc phân voi đủ mệt. Thế mà vẫn phải giữ thể diện. Theo hiệp ước không tên đó thì vua Tàu phải bảo vệ
triều vua Việt đã được phong để không cho ai cướp ngôi. Vì thế khi nhà Hồ tiếp
thu giang sơn nhà Trần thì nhà Minh bên Tàu bắt phải tìm cho được dòng tộc nhà
Trần. Chính vì tìm không ra nên mới có cớ chiến tranh. Đến trận chiến với nhà
Thanh khởi đầu cũng là do vua nhà Lê cầu cứu. Còn hai trận đánh với nhà Nguyên
thì kể là do Mông Cổ, nhưng cũng lấy cớ nhà Lý bị nhà Trần chiếm đoạt. Còn trận
trời Tống 1087 thì thực ra do Việt đánh Tàu trước: năm 1075 Lý Thường Kiệt sang
vây Khảm Châu và Liêm Châu, còn Tôn Đản đánh sang Ung Châu… giết sơ sơ có 58
ngàn người Tàu! Ông ghê mà bà cũng gớm chứ không hiền lành gì đâu. Tóm lại
trong quãng một ngàn năm chỉ xảy ra có 5 trận chiến, thì phải kể đó là một thứ
thống nhất, một hậu quả hiếm có.
Tuy đó là tương đối, nhưng nếu có ai làm một
luận án so các trận đánh đó với bên Âu thì chắc sẽ thấy nhiều điều hay, như
những trận chiến 30 năm, 100 năm v.v… Trong quyển The Anatomy of Human
Destructiveness (Faucet Crest Book, 1973) trang 243 ông Eric Fromn có cho bảng
sau về số các trận chiến xảy ra bên Âu Châu.
Thế kỷ 16 có 87 trận
Thế kỷ 17 có 237 trận
Thế kỷ 18 có 781 trận
Thế
kỷ 19 có 651 trận
Từ 1900-1942 có 892 trận
Tất nhiên đây kể cả những trận nhỏ, người làm luận án sẽ xét kỹ bao nhiêu
là trận giữa quốc gia, với giữa các nhóm v.v… Dù sao thiết nghĩ so sánh rồi sẽ
thấy bên Việt Nho “hòa bình” hơn rất nhiều. Tóm lại, khi nhìn bao quát như vậy
ta mới thấy được liên hệ giữa Tàu với ta không thiếu tình người và tình dòng
tộc, nếu không chủng tộc thì ít nhất về văn hóa để ta trình bày với người Tàu
về mối tình xa xưa mà nay các khoa học đang giúp chúng ta tìm lại (người viết
nên tránh những danh từ nặng như kiểu ăn cắp, pickpocket, escroquerie… cả trong
khi viết lẫn trong câu chuyện).
Chính vì thế mà sau này tôi sẽ dùng chữ Nguyên Nho hay
Nho thay cho Việt Nho. Lúc đầu còn cần nói Việt Nho để mọi ngừơi dễ nhìn ra gốc
gác cũng như để nói lên rằng Nho nơi Việt còn chính truyền hơn của Tàu. Tóm lại
khi viết cũng như nói chuyện ta nhấn mạnh yếu tố chung kiểu nhận họ để chúng ta
Tàu cũng như Việt, cũng như các nước Đông Á: Hàn, Nhật, Phi, Mã, Miến, Thái,
Miên, Lào cùng chung vui xiết cánh để thiết lập một “Đạo trường chung” đặng dọn
mình lên nhận chức “triết lý ưu thắng” trong thiên hạ, mà hội nghị quốc tể
triết học 1949 đã trao nhân danh Khổng Tử, nhưng “Khổng Tử” không nhận được vì
Việt Nho chưa ý thức được tầm quan trọng của cử chỉ đó, tức chưa ai phục hoạt
nổi đạo xưa để làm cho mình xứng đáng. Vì thế ta hãy hợp nhau để làm cho mình
đủ tư cách lãnh nhận ghế danh dự mà quốc tế khi không đã tặng cho mình. Vì thế
tất cả nên quy tụ tài bồi cho di sản xa xưa để có chủ đạo ra góp mặt với thế
giới cũng như đóng góp với thiên hạ.
Kim Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét