TRUYỆN MAN NƯƠNG
Kim Định
Kể về một
nhà sư Tây Trúc tư thông với một cô gái Việt mà đẻ ra được 5 pho tượng Phật rất
linh. Ý nghĩa ẩn dụ là đạo Phật đại diện cho ngành đạo cao nhất bên Ấn Độ
truyền vào nước Nam
do sư Đồ Lê từ Tây đến. Phương Tây hành kim, còn Đông hành mộc. Tây là phương
chỉ sự chết, cõi sau, còn mộc là cõi sống, đời này. Vậy Phật truyền từ Tây sang
Đông là đi từ cõi chết (số 4) sang cõi sống chỉ bằng số 3 (ngã ba đầu sông, cây
đa ở ngã ba) và số 5 (tháng 5) mà chủ tịch là nguyên lý mẹ đại biểu bằng Man
Nương nghĩa là người đàn bà của dân Man (Việt) đẻ ra mộc Phật (phương Đông) là
bốn pho tượng bằng gỗ còn về Tây phương thì giữ lại trong tượng bằng đá, nhưng
đã được tô vàng là màu hoàng thổ Bách Việt có nghĩa là đã chịu ảnh hưởng đậm đà
của Việt tộc. Đây là huyền thoại nói
tiên tri về cuộc Việt Lý thâu hóa và biến cải các làn sóng xâm nhập Đông Nam Á
trong đó có vụ biến Phật giáo Ấn Độ ra Phật giáo Tàu, tức làm cho Phật giáo
mang đầy tính chất nhân sinh: từ tượng Phật Ấn khắc khổ sang Phật Tàu béo búc
đầy chất sống. Vụ này xảy ra lối đời Đường trong những miền của Việt Chiết
Giang như Hoa Nghiêm, núi Thiên Thai, nó biến đổi Phật giáo toàn triệt chứ
không chỉ có thích nghi ngoại dụng, mà là tự siêu hình đến dạng thức đều đổi
hẳn: về siêu hình thì từ không tới có, từ vô thường thái hư đổi ra Như Lai,
Chân Như. Còn dạng thức thì tự tĩnh tọa, tọa thiền đổi ra hành thiền và nhất là
tam bảo: Phật, Pháp, Tăng đổi ra Giác, Chính, Tính. Đó quả là đưa đạo ngoại cứ vào trong tâm linh con người (xem
Định hướng tr.116-121).
Vậy tất cả những cuộc biến thể nọ đã được biểu thị
trong truyện Man Nương với những ẩn số, để trừu tượng hóa những biến đổi có
thực, thí dụ truyện Man Nương ở làng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) nơi một cô gái
đã có công chống hạn hán, đem nước suối vào ruộng cho dân cấy cày, nên sau được
nhân dân suy tôn làm Phật. Đây
là một cuộc cách mạng sâu xa từ du mục sang nông nghiệp. Đạo Phật xuất hiện từ
Ấn Độ nằm dưới ách cực nặng của Bà La Môn du mục: xã hội đi theo lối đẳng cấp,
dân chúng và đàn bà bị khinh miệt, đến độ vợ bị coi là tài sản của chồng, phải
chết theo chồng v.v… Phật giáo tuy là một nền nhân bản, nhưng chưa vượt được
khỏi hết những xiềng xích du mục kia, nên địa vị đàn bà ban đầu cũng rất thấp,
khởi đầu không được tu, không có Phật Bà. Vậy mà khi truyền sang đất Việt liền
có Phật Bà. Phật Bà đầu tiên ấy lại không do một bà quyền quý mà do một cô gái
đói khổ. Như vậy là cuộc cách mạng có tính cách nền tảng bao gồm nhiều bước,
mỗi bước đều do bầu khí văn hóa Việt gây ra.
- Bước đầu: không còn phải là
nam nhi mà nữ lưu cũng có thể trở nên Phật. Đó là vai trò quan trọng của phụ nữ
bên Việt Nam .
- Bước hai: thay vì diệt sinh bên Ấn
thì ở đây lại sinh sinh theo tinh thần Kinh Dịch “sinh sinh chi vị dịch” và do thói tục ưa đông con nhiều cháu của
Việt tộc xưa, coi việc không con là sự bất hạnh.
- Bước ba: táo bạo hơn cả, sinh con
đã không có cưới xin lại còn “bước ngang” do một nhà tu hành, vậy mà vẫn sinh
một cách viên mãn: sinh một lúc được tới năm Phật. Sinh như hoa nở. Dân chúng
nói “Mẹ ta hoa Phật”. Cả năm đều linh
hết: hễ dân bị hạn hán mà cầu đảo thì liền có mưa, nên bốn pho tượng chung
quanh được đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Bước này có thể
quy cho sự quan trọng hóa gia đình như được bày tỏ trong câu ca dao “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ
ba tu chùa”.
Đó là
những biến đổi tận nền y như vụ nam thần Avalo bên Ấn khi vào vùng đất Việt
Chiết Giang thì biến ra thần nữ là Quan Thế Âm Bồ Tát. Đã vậy lại còn “tống tử”
(tay bồng con), ngược hẳn với diệt sinh, diệt dục bên Ấn.
Trên đây là mấy biến đổi tượng
trưng cho sức mạnh của nền văn hóa Việt tộc đã cải biến được các nền văn hóa mà
nó gặp.
Đến đây chúng ta có thể nêu lên câu hỏi: tại sao nước Văn Lang lại có
thể gây ảnh hưởng vừa sâu vừa rộng đến thế? Sâu vì đổi văn hóa Ấn Độ đến đợt
định đề cơ cấu, còn rộng là lan lên tận miền bắc vượt qua cả Hoàng Hà. Đó là
truyện thực hay chỉ là hư cấu suy luận?
Thưa
đây là suy luận nhưng không hư cấu mà là căn cứ trên khảo cổ và sử sách, nên
một khi đã biết sự thực thì không còn chi đáng thắc mắc.
Trước hết về
phía Phật giáo vì là khách nên nhập gia tuỳ tục là lẽ thường. Thứ đến Phật giáo
tuy chống đối Bà La Môn kịch liệt, nhưng về cơ cấu và định đề thì còn y như
nhau. Thái hư nhà Phật không khác vô vô (neti, neti) Bà La Môn. Tứ diệu đế với
samkhya cũng đại đồng tiểu dị, vậy mà cơ cấu bao giờ cũng mạnh hơn đợt lương
tri. Vì mạnh và vững vàng ở cơ cấu nên nền nhân chủ Văn Lang biến đổi Phật dễ
dàng. Riêng về Tàu thì có lý để thắc mắc vì Văn Lang là khách tại sao biến đổi
nổi Tàu đã lớn hơn và văn minh hơn lại còn là chủ nữa? Tuy nhiên đó chỉ là cảm
nghĩ theo thói thường nên rất sai lạc, còn nếu cảm nghĩ theo sự thực đúng theo
khoa học nhất là khảo cổ và xã hội thì phải nghĩ khác, tức Tàu là khách mà Việt
là chủ. Trước hết nên chú trọng rằng nước Tàu xét như một dân tộc, một thực thể
văn hóa và chính trị như nay mới xuất hiện từ Tần Thuỷ Hoàng. Trước nữa thời
nhà Chu , nhà Thương, Tàu mới ở giai đoạn hình
thành với nước bé nhỏ trên bờ sông Hoàng. Khảo cổ mới tìm ra dấu vết đến có nhà
Thương, trên nữa như nhà Hạ thì chỉ là truyền thuyết suông.
Chính sử gia Tư Mã Thiên cũng chỉ đẩy đến Đế Kỷ
với Hiên Viên Hoàng Đế là cùng cực, tức nước Tàu dù bé nhỏ cũng mới xuất hiện
sau Hồng Bàng kỷ. Điều này không phải vô nền, trái lại có thể minh chứng bằng
khảo cổ, như sẽ trình bày tường tận trong Sứ Điệp. Không hiểu vì đâu từ quãng 1960 tới nay một số người cho truyện Đế Minh
cháu Thần Nông là một sai lầm truyền kiếp mà không ngờ rằng coi Thần Nông như
của Tàu hay ít ra riêng của Tàu mới là một sai lầm truyền kiếp, chứ theo khảo
cổ thì ngay từ văn hóa Hòa Bình đã thấy dấu vết nông nghiệp, và bên các chi
Bách Việt không thiếu truyện “Thần Nông”: Thần Nông Chàm, Thần Nông miền Lâm
Đồng v.v… Phương chi khi vươn lên ý nghĩa siêu linh thì Bắc Nam chỉ còn là biểu
tượng của đất trời, rồng tiên, chối bỏ thì giải nghĩa sao nổi lưỡng hợp tính
hiện hình cách huy hoàng trên mặt trống đồng. Vậy xin hãy mở rộng tầm mắt ra xa
như khoa khảo cổ cho phép và hơn thế nữa phải vượt qua quan niệm sử địa khi đọc
huyền thoại, vì đó là miền của văn hóa, của triết lý. Lúc ấy mới thấy bờ cõi
Văn Lang cho tới Động Đình Hồ có cái “lý” của nó, và 15 bộ nước Văn Lang phải
mở rộng tới tất cả những nơi nào có bộ số 2, 3, 5 với tục xăm mình, khi múa thì
cầm mâu với thuẫn, trên mình có đeo lông chim. Lúc ấy sẽ thấy những trường cổ
nhất như Bích Ung “của Tàu’ cũng chỉ dạy có múa mâu với thuẫn với đeo lông chim
như trên mặt trống đồng. Cả vua Thuấn cũng múa như thế. Mãi sau này đến đời
Xuân Thu mà ba nước rất lớn ở mạn nam sông Hoàng là Sở, Ngô, Việt vẫn là của
người Man, nơi còn gặp nhiều dấu Việt như tả nhậm, cắt tóc, xâm mình, cũng đeo
lông chim khi múa, thì biết ảnh hưởng Việt tộc sâu rộng đến đâu. Như vậy nói ảnh hưởng Văn Lang lan rộng lên Tàu phải hiểu là Tàu nhớ
tiếc và bảo tồn gốc cũ. Gốc ấy chung cho cả người Tàu thái cổ lẫn người Văn
Lang. Nếu quy chiếu vào Văn Lang theo nghĩa hẹp ở Phong Châu thì có thể hiểu đó
là một trong những nơi kết tinh rất đẹp của nền văn hóa nông nghiệp lâu đời và
đã lan rộng trên toàn cõi Đông Á cũng như Nam Á với nhiều trung tâm đại đồng
tiểu dị; còn Văn Lang theo nghĩa rộng thì là toàn thể nứơc Tàu lúc chưa có dân
tộc nào tên là Tàu, mà mới có “Thần Châu xích huyện” cùng một nền văn hóa với
“Xích Quỷ” mở đầu cho Văn Lang. Tóm lại tinh thần Văn Lang là một nền văn hóa rất lớn đã biểu lộ sự hùng
mạnh bằng chỉ ra được đường tiến hóa chân thực cho con người là mở lối thênh
thang tiến lên chiều kích tâm linh, vì thế đầy khả năng cải tạo các nền văn hóa
mà nó có dịp chạm tới. Cái bí quyết của sự hùng mạnh kia là chất nhân bản đầy ứ
tình người. Cái may mắn của văn hóa dân tộc Việt cũng chính là nền văn hóa nhân
tộc toàn diện đó. Vì thế sức chinh phục của nó sẽ còn mãi mãi với đất trời.
Kinh Hùng Khải Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét