CHỮ HOÀNG TRONG HOÀNG VIỆT
Ý nghĩa chữ Hoàng tìm thấy trong hai văn
kiện quan trọng nhất của Việt Nho: một là Hoàng Cực (trong lược đồ ngũ hành)
quen dịch là sự hoàn hảo cao trọng nhất (la perfection royale). Thứ đến là
trong huyền thoại Tam Hoàng là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Đó không là những
nhân vật lịch sử mà là những dạng thức tối sơ của một đạo lý mà sau này Nho sẽ
công thức hóa thành thuyết Tam tài: Thiên, Địa, Nhân.
Thiên được đại biểu trong
vai Phục Hy có họ Phong là gió (trời).
Địa trong vài Thần Nông đầu
bò để cày ruộng (đất).
Nhân trong vai Nữ Oa đang bồng trong tay
thập tự nhai để chỉ con người đại ngã được định nghĩa là đức của trời cùng đất.
Trời nét dọc, Đất nét ngang làm thành thập tự nhai trong tay Linh mẫu Nữ Oa.
Đây là cơ cấu uyên nguyên của nền nhân
chủ, một nền triết đã giải thoát con người khỏi những trăng trói của dị đoan để
con người hiện thực được quyền làm người, tự làm chủ lấy vận hệ mình, tìm được
đủ túc lý ngay nơi mình để làm người khỏi cần đến ngoại viên, nhưng đường đường
một vị trượng phu. Đó là đại để ý nghĩa chữ Hoàng, nó chỉ mức độ cao cả hơn hết
của chí thiện y như trong nước thì vua là cao trọng hơn cả, một thứ cao cả toàn
bị không cần đến tha lực.
Bây giờ ta hãy xem chữ Hoàng Việt có liên
hệ nào chăng với chữ Hoàng nọ. Và ta thưa được là có lắm, đó là liên hệ họ máu
hàng dọc. Chứng cớ là vào thời khai sáng nước Văn Lang, Lạc Long Quân đã diệt
Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh. Đó là loại danh chỉ các thứ dị đoan đã khống chế
giam giữ con người khắp nơi trong cảnh vong thân không để cho ngoi lên được bậc
nhân chủ. Trái lại nhờ vua cha đã phá hết mọi trở ngại nên vua con là Hùng
Vương đã có thể kiến tạo một nền nhân chủ toàn triệt có tầm vóc lớn như vũ trụ,
được biểu thị bằng cặp bánh Trời Đất với ẩn nghĩa là con người sẽ tránh được
nạn vong thân bằng học nền nhân đạo nọ. Nhờ vậy mà con cháu có những mẫu người
như Thánh Dóng làm nhưng việc đáng mặt là “Xung
Thiên Thần Vương”, với cô Liên nối trời cùng đất trong truyện trầu cau. Cau
đứng thẳng chỉ trời, đá vôi nằm dưới là đất. Cô Liên hóa thành cây leo chung
quanh liên lạc cả hai lại thành hình đỏ thắm. Đó là mấy nét chấm phá vẽ lại cái
sơ đồ của Đạo Việt khi mới xuất hiện, sau này nó sẽ lu mờ đi hầu như tắt hẳn,
đến nỗi ai cũng cho Phục Hy, Nữ Oa là người Tàu. Đó là một sự lầm truyền kiếp
đã gây ra tự đời nhà Chu đầu nhà Hán do những
người nặng óc thần tiên đề cao Đạo Lão, rồi tôn vinh Hiên Viên làm Tị tổ văn
minh Tàu. Tư Mã Thiên đã mở đầu sử nước Tàu với Hiên Viên Hoàng Đế mà không với
Nghiêu Thuấn như Kinh Thư. Tuy rất nhiều Nho gia đã bài bác Tư Mã Thiên về điều
đó nhưng vì sự phê bình không thấu triệt nên cuối cùng bộ ba Tam Hoàng bị Tàu
hóa. Vì thế ở đây phải dùng phương pháp huyền sử để phanh phui một vụ đạo văn
khổng lồ trong lịch sử văn học Việt Nho.
Vụ đó mở đầu bằng Hiên Viên được gán cho
tên là Hoàng Đế bằng cách xóa bỏ tên Nữ Oa đi để đưa Hiên Viên vào với danh
hiệu Hoàng Đế. Đây là một việc đánh tráo mà dọc dài 25 thế kỷ không một ai ngờ,
mãi cho tới nay mới có một số học giả hé nhìn thấy nhưng lại bị chính quyền như
Tưởng Giới Thạch đã làm vào quãng 1920 khi cấm phát triển phong trào thu thập
những truyền kỳ cổ tích thần thoại Tàu. Vì qua sự phân tích các huyền thoại về
khai quốc chính quyền nhận thấy sự nguy hại cho hào quang vinh hiển vẫn bao
quanh những trang sử Tàu khi các tên tuổi như Phục Hy, Nữ Oa v.v… đều được nhận
ra là các thần tượng hay vật tổ của các bộ lạc thổ trước. Ấy là lúc cuộc khai
quật của các học giả mới ở đợt văn học, cổ sử, chứ chưa đi tới đợt triết mà đã
vậy. (xem thư tịch ở dưới số 10.12)
Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục việc trên
bằng dùng phương pháp huyền sử và cơ cấu. Trước hết hãy xét tên Hoàng Đế. Đó là
một mâu thuẫn tố cáo sự chiếm đoạt, chữ Hiên Viên chỉ là đế không thể là Hoàng.
Chữ Hoàng đi với hoàng cực là sự trọn hảo cùng cực, mà cho được thế thì phải
vượt qua các đợt vòng ngoài (to have) để nhập trung cung (to be). Trung cung
cùng với thần là một, mà thần vô phương không đâu không có, cần chi phải chiếm
đoạt, phải lập đế quốc, mà vẫn làm được các việc lớn lao có tầm vóc vũ trụ, như
Tam Hoàng biểu lộ rõ rệt không hề xâm chiếm của ai. Trái lại Hiên Viên xuất
hiện với đạo quân hổ, bào, hùng, bi, đã giết Thần Nông, diệt quân Li Vưu ở Trác
Lộc máu chảy hàng trăm dặm: hoàn toàn là đế (quốc) có chi hoàng đâu mà nói
hoàng đế? Nói đế là thò cái đuôi đế quốc ra rồi đó. Sau này vì Tam Hoàng bị Tàu
hóa, nên chữ đế được dùng nhiều đến độ lấn át chữ hoàng. Thay vì nói Hoàng Đạo
thì người ta nói Đế Đạo. Nói Hoàng Đạo thì dễ bị lộ, vì có Hoàng Việt đó, nó sẽ
hỏi tại sao Hoàng Đạo lại không là của Hoàng Việt mà là của Tàu. Vì thế mà chữ
Đế được thịnh hành trong bộ ba: Đế đạo, vương đạo, bá đạo.
Gọi thế là đã bị lầm theo óc đế quốc chiếm
đoạt của Hiên Viên đẩy Nữ Oa ra khỏi bộ Tam Hoàng. Thế là đi đời Tam Hoàng. Vì
Hoàng Đạo cũng là Hoàng Cực mà cho được vậy thì ngoài dương phải có âm trong,
âm đây biểu thị bằng Nữ Oa đóng vai nguyên lý mẹ cách huy hoàng với những tác
động có tầm vóc vũ trụ (vì vậy mới đáng tên nguyên lý mẹ) nay bị đẩy ra đưa
Hiên Viên đực rựa vào thì còn chi là đạo, mà chỉ còn là một thứ duy nào đó, ở
đây là duy dương thiếu nước, vì Hiên Viên đi với Nữ Thần Bạt là thần coi về đại
hạn: thế là Hoàng Việt bị đoạt mất hồn. Đây là một vụ xâm chiếm lớn lao
đến nỗi Thượng Đế cũng bị luôn. Các sách sau này khi viết chữ hoàng thiên
thượng đế thì toàn viết chữ hoàng bạch vương (chữ hán) mà không dám viết hoàng
lúa chín (hoặc ruộng (hán) công (hán) hợp lại ra hoàng (hán)). Đấy là một
tội phạm thượng tày trời vì dám đẩy Thượng Đế ra rìa phía Tây (bạch đế trấn Tây
thổ) để chỗ cho Hiên Viên, lấy cớ rằng Hiên Viên cai trị theo thổ đức, nên phải
viết hoàng trung cung (thổ là trung cung của ngũ hành). Thôi thì cũng tạm cho
qua vì vào ở cung Thượng Đế mong để được nhờ hồng phúc của trời. Đàng này vào
được rồi hạ bệ luôn cả trời, bắt trời phải mang áo của bạch đế tức bắt trời coi
có góc tây của trời. Ấy là chưa nói đến cái chữ hoàng bạch vương lúc xưa còn bị
xấu lây vì nó giống chữ tội xưa. Sau này Tần Thuỷ Hoàng không chịu được bắt lập
ra chữ tội mới là tứ phi (hán) thay cho chữ tội cũ (hán) giống chữ hoàng (Need I.
28). Trời mà còn bị xử tệ đến thế, huống chi Hoàng Việt thì sức mấy mà được
viết với chữ hoàng cực, hoàng trung cung màu lúa chín với “ruộng công” theo
lược đồ chữ tỉnh tức là giếng của Việt, thế là người xưa khi viết Hoàng Việt
lại phải hạ chữ hoàng bạch vương. Vậy là Việt bị mất tổ mà không ai dám nghĩ
tới, dù chỉ thoáng qua rằng Tam Hoàng là tị tổ của Hoàng Việt. Vì thế ngày nay
muốn phanh phui vụ này thì cần phải dùng phương pháp thử máu của huyền sử và cơ
cấu luận mới xong cho.
Trong một bài khác chúng tôi đã mổ xẻ văn
hóa của Việt tộc và thấy rằng đó là loại máu T.R (Tiên Rồng). Chúng tôi đã phải
chứng minh bằng cả khảo cổ lẫn một chuỗi những huyền thoại để chứng tỏ rằng
loại máu T.R không phải một sự ngẫu nhiên hoặc chỉ là một câu chuyện văn chương
phù phiếm mà chính là cái gì căn cốt nhất ví như khí huyết đã đem lại sự sống
mãnh liệt cho văn hóa Việt. Bây giờ muốn biết Nữ Oa Phục Hy có phải là của Việt
chăng thì chỉ cần thử máu: hễ cùng dòng máu T.R là đúng Việt. Trước hết về Phục
Hy thì dễ thấy vì tên tự của Phục Hy là Thương Tinh nghĩa là rồng xanh tức là
máu họ R. không ai chối cãi được.
Nữ Oa thì có phần khúc mắc một chút nhưng
tìm kỹ thì cũng thấy bà thuộc loại máu T. Ta biết tiên được biểu thị bằng chim,
vậy mà Nữ Oa sinh ở Đồ Sơn cũng có tên là Vũ Sơn (chữ vũ (hán) là lông chim)
trong châu Phượng Tường (phượng là chim phượng). Nhiều sách nói Đồ Sơn chính là
Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang. Nhưng trong phạm vi huyền sử không cần xác
định nơi cho bằng xem ẩn nghĩa, lúc ấy ta sẽ thấy Vũ Sơn, Phượng Tường cũng là
một loại tên chung như Bạch Hạc ở Phong Châu của Âu Cơ Nghi Mẫu. Như vậy thì Nữ
Oa là bà nội cùng dòng máu họ tiên; rõ hơn nữa là khi bà tịch thì hóa ra chim
Tinh Vệ tha đá lấp bể Đông, có sách nói là để hả giận vì bể làm bà chết đuối.
Nói vậy là lầm theo Hiên Viên tìm cách triệt hạ uy tín của bà để nhẹ cái tội
chiếm đoạt của mình chứ làm sao mà bà chết đuối được, bà thường xuyên xuống
biển để gặp rồng xanh, nên đuôi đã thành cá hoặc rắn (rồng) sức mấy mà chết
đuối, chỉ vì mối tình thâm hậu vô cùng với rồng xanh nên khi chết không nỡ để
cho rồng xanh cô độc, nên hóa ra chim tha đá bỏ xuống biển để cho hai mối trời
(đá) đất (biển) được giao thoa. Nói cụ thể là để bảo vệ con người đại ngã được
biểu thị trong quẻ kiền của Kinh Dịch là long đức, thành ra chim Tinh Vệ nghĩa
là chim (bảo) vệ tinh tức là Thanh Tinh (rồng xanh). Vậy chim Tinh Vệ tha đá
lấp bể đông chỉ là một hình ảnh đầy thi vị để cụ thể hóa thập tự nhai được bồng
trong tay Nữ Oa lúc sinh thời (lúc đang quấn đuôi bà đuôi ông). Với Phục Hy thì
Nữ Oa là vợ mà đồng thời cũng là em. Đây lại là thêm một bằng chứng rằng Phục
Hy Nữ Oa là người cổ Việt vì anh em lấy nhau là mô dạng huyền thoại của Đông
Nam Á, mà dấu vết còn sót lại nơi các dân Mon Khmer, bên ta có tích nàng Tô Thị
lấy anh đến khi anh bỏ đi thì Tô Thị ở nhà chờ mong biến thành đá. Bên Nhật anh
em Izanagi và Izanami. Bên Ấn Độ là cặp đôi Yama và Yami…
Vậy là giải quyết xong vụ thử máu Nữ Oa
Phục Hy cả hai cùng một loại máu T.R. như Âu Cơ Lạc Long Quân, nên kết luận
được Phục Hy Nữ Oa chính là tị tổ của Hoàng Việt. Chứng minh như vậy quả đã
vững vàng. Tuy nhiên cần đẩy xa hơn để nghiên cứu về động ứng và tác hành xem
“mang máu anh hùng con cháu có khỏi làm hư máu anh hùng” = có còn giữ được tính
chất tinh tuyền của Tam Hoàng tị tổ chăng?
Xin nhắc lại Hoàng là giai đoạn an vi
nguyên thủy nó ở tại đặt căn để trên con người tự lực tự cường, biết hiện thực
hết các chiều kích của con người Đại Ngã Tâm Linh được biểu thị bằng những tác
động lớn lao như vá trời, lấp biển. Vậy ở đây trong dòng dõi Việt ta cũng thấy
những tác động xứng đáng họ Hoàng như các ông khổng lồ Việt, ông thì chống
Trời, ông thì san Đất, cắn núi, húi sạch rừng… không thiếu gì những tác động
mênh mông như Trời cùng Đất. Đó là những việc tạo ra cho con người một hình ảnh
Đại Ngã Tâm Linh của mình, xứng đáng đứng ngang hàng với Trời cùng Đất để nói
được
“Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất Ta đây đủ hóa công”.
Nói được là con cháu không giống lông thì
cũng giống cánh: không một cử động nào làm ta phải hổ ngươi. Đó quả là một nền
nhân chủ trọn hảo. Vậy mà nền nhân chủ an nhiên tự tại nọ ta được thấy vẽ lại
trong văn hóa Việt với họ Hồng Bàng với Lạc Long Quân lấy Âu Cơ tức họ máu hàng
dọc của loại máu T.R đặt nền trong con người. Nhưng sau này khi văn hóa Tàu
thành hình hẳn ở nhà Chu , thì nền tảng đặt
sang Thiên mệnh và Thiên chí. Vậy là mở đầu nguy cơ có thể đặt nền ra ngoài con
người rồi đó. Nhưng rồi những người ý thức đã phản pháp lại trong câu nói “thiên mệnh chi vị tính” với ý nghĩa
rằng thiên mệnh đây không nên hiểu lên trời hay dưới đất, mà thiên mệnh là
chính tính con người. Do lý do đó mà tôi đã ghép chữ Nho vào Việt thành ra
“Việt Nho”, vì trong những điểm nền tảng thì Nho nguyên thủy đã duy trì được
Việt đạo như thí dụ câu nói mở đầu sách Trung Dung vừa trưng ở trên rằng “Thiên mệnh chi vị tính”.
Theo Chu Nho thì thiên mệnh ở trên trời và
đã ban cho vua để mang lại đức chính thống. Việt Nho cãi lại rằng: thiên mệnh
không ở trên trời nhưng nằm ngay trong con người, nơi sâu thẳm nhất, cốt cách
nhất đó là tính con người. Còn
biết bao câu nói khác không thể kể hết ở đây (xem Sứ Điệp chương bàn về Nho công
thức hóa nội dung Việt). Xem xét Nho nguyên thuỷ rồi sẽ thấy rõ toàn bộ cuộc
cách mạng của Nho ở tại phục hoạt tinh hoa của Hoàng Việt, một đạo lý đem lại
cho con người tính cách an nhiên tự tại vì đã khám phá ra nguồn suối muôn sự
lành ngay nơi lòng mình, gọi bóng là Việt Tỉnh, khỏi cần đi chinh phục ở ngoài.
Tất cả những điều này được bàn dài trong quyển Kinh Hùng cho nên có thể nói là
đã được minh chứng tạm đủ để phần thượng tầng cơ cấu gồm Phục Hy Nữ Oa, bây giờ
xin bàn đến hạ tầng cơ sở đại diện bằng Thần Nông.
Kim Định, Hùng Việt Sử Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét