Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Khổng Tử

KHỔNG TỬ VỚI VIỆT NHO
Kim Định

Nếu hỏi trong số các kẻ sĩ ai là người nổi nhất, thì câu thưa sẽ đồng thanh là Khổng Tử. Khổng Tử được suy tôn là vạn thế sư biểu, không ai chối cãi và cho tới mấp mí đầu thế kỷ 20 hễ nói đến văn hóa Viễn Đông là nói đến Khổng. Cũng như nước Tàu là nước của Khổng, đến nỗi các học giả Tây Âu chỉ có một tiếng duy nhất để chỉ Nho giáo đó là Khổng giáo (chỉ có Confucianisme chứ không có nhoisme). Điều ấy nói lên cái uy thế mãnh liệt của Khổng Tử trên tâm trí người Viễn Đông trải qua hơn 20 thế kỷ. Trong lịch sử nhân loại chưa có một hiền triết nào đạt được uy tín lớn lao như vậy, cả về thời gian lâu dài lẫn số người chịu ảnh hưởng đông đảo. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 này thì Khổng Tử mới bị ruồng bỏ như một cái chi cổ hủ lỗi thời. Điểm lỗi thời nhất là vì vào phe với vua quan phong kiến để miệt thị dân chúng mà Nho giáo kêu là tiểu nhân… Riêng đối với Việt Nam thì Khổng Tử còn bị ruồng rẫy vì là người Tàu tức nhóm người luôn luôn có dã tâm xâm lăng và đồng hóa nước ta. Vì thế Khổng Tử bị tri thức mới coi như kẻ thù dân tộc… Đại để đó là mấy lý do khiến Khổng Tử từ địa vị ông thầy có uy tín nhất trở thành một người xa lạ nếu không là thù địch nhất. Trong chương này chúng ta sẽ lần lượt xét lại mấy lý do trên xem có nền tảng tới đâu.
Trước hết Khổng Tử là người Tàu? Câu nói này thường phát xuất do những người sính Tây, và chúng ta ngửi ngay thấy cái giọng kỳ thị chúng tộc của Tây phương ra sao. Kỳ thị chủng tộc thì đâu cũng có nhưng nặng nhất đến độ trở thành một chủ nghĩa thì là nét đặc trưng của nền văn hóa Tây Âu. Đến nỗi những người đã được tẩm nhuần trong bầu khí đó chiếu giãi tâm trí họ vào cùng khắp, nghĩa là họ thấy bóng kỳ thị ở những chỗ không có kỳ thị hoặc không có đến mức độ họ tưởng và không nhận ra được rằng nếu người Việt đáng gọi là đi theo ngoại lai vì học chữ Nho thì càng là ngoại lai hơn bội phần vì học chữ Tây, vì lẽ đơn sơ là Tây ở xa nước ta hơn nước Tàu! Nói khác nếu người Việt Nam theo Tàu đáng lên án thì người Việt Nam theo Tây còn đáng lên án gấp bội. Bởi vì người Tây thuộc chủng tộc khác hẳn, còn người Tàu với ta chỉ khác về thị tộc, vì nước Tàu cổ đại đã là nơi cư ngụ lâu đời của Viêm Việt. Số người Việt di cư xuống phía nam lập ra nước Việt Nam hiện nay chỉ là một số nhỏ, rất nhỏ so với đại đa số người Việt còn ở lại trong nước Tàu để mà “bị đồng hóa” theo như các học giả thường viết, nhưng nếu họ đi sâu hơn thì chắc sẽ viết là “ở lại để mà đồng hóa Hoa tộc”. Nói khác không phải Hoa tộc đồng hóa Việt tộc, nhưng chính Việt tộc đồng hóa Hoa tộc. Hay nói cho thật chính xác thì là Hoa Việt đồng hóa lẫn nhau. Nhưng may thay vấn đề ai đồng hóa ai, cũng như vấn đề thị tộc chủng tộc càng ngày càng bớt quan trọng trong cái đà đi đến thống nhất của nhân loại, đến nỗi óc ký thị cũng đang bị kết án nặng nề ngay ở Tây phương nơi đã đẻ ra óc kỳ thị và khuynh hướng thống nhất cũng lại đang được cổ võ mạnh nơi đây. Nhờ đó chúng ta sẽ được thoát khỏi cái vũng bầy nhầy của một vấn đề vưa nan giải vừa vô ích. Nan giải vì trong Khổng Tử có bao nhiêu phần trăm máu Viêm tộc còn lại bao nhiêu máu Hoa tộc, ai mà biết nổi và có cần chi phải biết, ít ra cho chúng ta đang chú trọng đến mối liên hệ văn hóa (parenté de culture) mà hầu không kể chi tới dòng máu, vì nền văn hóa cố hữu của chúng ta đã không quan trọng hóa óc thị tộc như văn hóa Tây phương lúc trước, nên ta dành vấn đề đó cho mấy người khảo cổ. Còn chúng ta hãy quay về xét bản chất văn hóa của Khổng Tử, và lúc ấy chúng ta bước vào một địa hạt không những ơn ích mà còn có sách vở tài liệu để làm tiêu điểm căn cứ.
Xét về phương diện này thì dễ thấy Khổng Tử hướng hẳn về văn hóa phương Nam của Viêm Việt. Ông nói “thuật nhi bất tác” tức là công nhận rằng ông không sáng tạo ra gì mới cả nhưng chỉ là thuật lại cái Đạo cổ xưa, mà Đạo cổ xưa là gì nếu không là của Việt nho, một đạo đã phát xuất từ phương Nam. Khi Tử Lộ hỏi về đức Cường thì ông phân biệt ra hai thứ cường: một của phương Bắc ưa xông pha trận địa coi thường cái chết, một thuộc phương Nam ở tại “khoan nhu dĩ giáo bất báo vô đạo, Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi” T.D 10. Người quân tử phải ở lại, phải y cứ trên tinh thần phương Nam là “khoan nhu dĩ giáo”. Đọc câu này xong tôi liên tưởng ngay tới câu truyện Hùng Vương cống vua Tàu một con chim bạch trĩ. Con bạch trĩ tìm ngành ngả về phương Nam mới đậu, vì đó có câu “Việt điểu sào Nam chi: chim nước Việt đậu ngành phương Nam. Bạch trĩ nói đây chỉ về những nhân tài Việt tộc tuy hoàn cảnh phải làm việc bên Bắc, nhưng lòng những canh cánh hướng về phía Nam, chính trong cái tiềm thức cộng thông đó mà Khổng Tử đề cao hai sách Châu Nam, Thiệu Nam hết cỡ, đến nỗi với ông kẻ nào không đọc hai thiên đó, thì như người quay mặt vào tường chẳng thấy được chi. Trong bài “địa vị tiếng dân” tôi đã nói đến giá trị hai thiên này. Nó tối quan trọng và mạnh mẽ. Sở dĩ như vậy vì đã được trần liết trong một cơ sở tinh thần gọi là Nho giáo. Nho giáo chính là nhu giáo hay nhu đạo, tức là đạo của những người biết “khoan nhu dĩ giáo bất báo vô đạo”. Đó là đạo của phương Nam, đạo của Viêm tộc, của Bách Việt, của Lạc Việt. Chính họ đã âm thầm tác tạo ra nhu giáo, còn người đã lập thành nhu giáo, là những kẻ sĩ trong đó có Khổng Tử. Nếu Khổng Tử với nhu giáo là một thì cả hai với Viêm giáo Việt giáo cũng lại là một “quae sunt eadem tertio sunt eadem inter se”, “hai cái tương ứng với cái thứ ba thì cũng tương ứng với nhau”. Cái thứ ba là Nho giáo, hai hạn từ kia là Viêm Việt là Khổng Tử. Nếu Khổng Tử là Nho giáo, mà Nho giáo cũng là Viêm giáo (khoan nhu) thì Khổng Tử không chống Viêm tộc. Và vì lý do sâu xa đó khi người ta đả kích Khổng giáo thì dễ lâm vào tai nạn đả phá Việt giáo, và khi người ta thành công hạ bệ Khổng Tử thì cũng là thành công tước đoạt khỏi tay Viêm Việt cái cơ sở tinh thần đã từng giúp tiên tổ ta giữ nước, giữ nhà, giữ thân tâm của nòi giống, và cũng vì thế kể từ ngày đó các ý hệ ngoại lai tràn đầy vào nước nhà với các bộ mặt tự cao tự đại của quý tộc Tây phương. Đấy là một sự thực ê chề đang phơi mặt trước mắt chúng ta nên cần xét lại thấu triệt các mối liên hệ cũ.
Nét đặc trưng lớn lao hơn hết của Viêm tộc là quyền bính không trao vào tay quý tộc thế tập, nhưng là tao vào tay những người có tài có đức và gọi là truyền hiền hay là nhơn trị; ngược với pháp hình tự Tây Bắc ưa võ. Với Khổng Tử thì tuy văn võ đi đôi nhưng văn phải ở trên, và tuy chấp nhận vương triều để trị vì (règner) nhưng quyền cai trị (gouverner) thì phải để cho những người có tài có đức như truyền thống của Viêm tộc, chứ không thể vào tay phái quyền quý kế tập như thói Hoa tộc. Về sau chủ trương của ông đã thắng thế, cho nên văn minh nông nghiệp của thôn dân đã chống lại được văn minh thị dân có tính chất công và thương (Religion 168 Need. 133) đựơc ghi dấu trong câu: sĩ nông công thương. Sĩ và nông thuộc Viêm Việt, còn công và thương thuộc du mục. Nhiều học giả tố cáo Nho ức thương thì phần nào đúng, chỉ phiền là họ không biết rằng thương gia đã gây nên biết bao chênh lệch trong xã hội (Civ.486) làm cho giàu nghèo quá xa cách, là điều đi ngược với thuyết “quân phân tài sản” của Viêm tộc. Nho giáo luôn luôn bênh vực thôn dân cũng vì lẽ đó (Need. 129). Có lẽ nơi sanh quán và cả đến dòng tộc cũng giúp cho Khổng đi về phía nông dân, vì tổ tiên của ông là người nước Tống, rồi sau rời sang nước Lỗ. Vậy mà Tống, Lỗ và Trịnh vẫn được kể như ba cột trụ của Trung Hoa đời Chu, gọi là Chư Hạ (Civ 108) vì cả ba đều có tiếng là bảo vệ văn hóa nông nghiệp phương Nam (chữ Hạ chỉ phương Nam mùa Hạ) chống lại văn hóa du mục từ Tây Bắc. Có lẽ vì đó mà huyền thoại nói Thần Nông chôn táng tại nước Lỗ. Pháp gia quen tố cáo Nho gia đi với phe Viêm Việt đã có lâu đời trước khi Pháp gia của Hoa tộc đến sau. Đến sau nên gọi là tân, vì thế tân Pháp vẫn gắn liền với Hoa tộc đối với cổ tục đi với Viêm tộc. Nhưng vì ý thức chủng tộc đã không còn nên thay vì nhân danh Hoa tộc thì người ta đã nhân danh tân Pháp để đả phá Viêm tộc lúc này được gọi là cựu Pháp. Chính đó là lý do giảng nghĩa tại sao Tần Hoàng chủ tâm phá nước Lỗ nhiều hơn đâu hết (Religion 92). Bởi Lỗ là quê hương của các tập truyền Viêm tộc, trong đó có chế độ chư hầu là một hình thái liên bang, một thể chế đi ngườc hẳn với đường lối đế quốc của Tần Hoàng, bắt tất cả mọi nơi phải theo về một phép mà phép đó đặt nặng quyền cha và quyền nhà võ (patriarcale et maritale) vẫn thường đi đôi và gây rất nhiều chênh lệch, nên cũng tăng số nô lệ rất nhiều. Đời Tần và Hán sơ nhiều nô lệ là do đó (Civ 458). Trái ngược hẳn với tinh thần Viêm tộc duy trì nền tự trị địa phương và theo lối cộng sản đại gia đình (communisme domestique) nên giảm bớt được cảnh chênh lệch trong xã hội rất nhiều. Đây cũng là chỗ nên trả lời thắc mắc tại sao Khổng Tử lại đề cao những ông vua thuộc Hoa tộc như Nghiêu, Thuấn, và Tam Đại nhất là nhà Chu “Ngô tòng Châu”.
Chúng ta nên nhớ rằng đến đời Khổng Tử thì ý thức chủng tộc đã hầu biến mất và do đó không còn thể nói nhà vua nào thuộc Hoa tộc hay Viêm tộc nữa. Những gia phả của các vua sau Hoàng Đế gặp trong sách vở đều không có gì bảo đảm mà chỉ nên coi là một lối gia phả người Hy Lạp xưa hầu hết gốc thần minh tức cũng theo luật thấy sang bắt quàng làm họ. Tuy nhiên ngay trong việc đề cao này ta cũng thấy tinh thần Viêm tộc nơi Khổng Tử. Chúng ta cứ giả thuyết là Nghiêu thuộc Hoa tộc, còn Thuấn là một nông dân ở Lôi Trạch (Kinh Thư, Thuấn điển) thì rõ rệt Thuấn thuộc Viêm tộc, Mạnh Tử kêu là “Đông di chi nhơn” (IV 64), vậy mà Nghiêu dám trao quyền cho Thuấn thì đó quả là một cuộc cách mạng tận gốc vì bỏ họ cha để theo tục họ mẹ và vì tính chất cách mạng đó nên việc trao quyền của Nghiêu đã trở thành tiêu biểu cho một đức tối hệ đó là ấp nhượng cũng gọi là Thiên nhượng tức quyền bính trao vào tay người hiền, nhờ đó mà hai đời Nghiêu Thuấn được đề cao là thời cực trị. Sau này ấp thượng có đựơc thực thi hay chỉ còn là hình thức thì đó là chuyện khác, nhưng tiêu biểu ấp nhượng là Nghiêu Thuấn và cũng vì lẽ đó nên cuộc trao quyền cho Thuấn đã gây nên những chống đối kịch liệt về phía Hoa tộc (Danses 239 và 273). Đến khi ông Thuấn lên ngôi đã làm một việc rất có công với Viêm tộc được nhắc sơ qua trong việc ông khử tứ hung nhưng lại đưa 16 nhân tài về giúp nước. Một việc mà Nghiêu đã không làm được. “Nghiêu bất năng cử, Thuấn thần Nghiêu, cử bát khải, sử chủ Hậu Thổ, dĩ quỷ bách sự” (Tả truyện I. 554). “Nghiêu không cử hiền tài nổi, nhưng khi Thuấn ra giúp Nghiêu thì đã làm được là đưa 8 người tài năng ra sửa sang việc tế Hậu Thổ, trông coi trăm sự”. Như các ông Tiết, Ca Dao, Ích Tắc… Vậy là Thuấn hơn Nghiêu rồi. Nghiêu đáng ca ngợi vì nhường quyền vào tay Thuấn. Còn Thuấn vì có tinh thần Viêm tộc nên đề cao hiền tài hơn là dòng tộc, nên đưa người tài đức ra giúp nước. Con số 8 hay 16 (cử bát khải, cử thập lục tướng) chỉ là con số huyền sử, như Si Vưu có 8 cánh thì đây có 8 người tài (bát khải và bát nguyên là 16). Số 16 là tự nhân với tứ hung hàm nghĩa rằng khi đã đầy tứ hung đi mà cải hóa (như ông Cổn vì bị đày nên cải hóa ra chim) thì có hiệu năng gấp bốn. Viêm tộc bị Hoàng Đế đày ra 4 phía thế mà khi gọi về tham chánh lại tỏ ra tài đức gấp bội. Những suy tư này dựa trên văn hóa chứ không thể dựa trên dòng tộc được nữa. Vì chủng tộc đã pha đi pha lại, sử liệu cũng đã bị xáo trộn nhiều lần nhưng tiêu điểm của văn hóa thì khá rõ. Và ta nhận ra tất cả các vua được Khổng Tử đề cao thì đều tiêu biểu cho một số đức tính của Viêm tộc, ví dụ vua Nghiêu trứơc hết nói đến lịch pháp (xem Nghiêu điển mở đầu kinh Thư). Lịch đi với Trời là yếu tố Viêm Việt. Vua Vũ vì được ban cho Hồng phạm mà Hồng phạm là bản tóm nền minh triết của Hà Lạc tức của Lạc Việt. Ông Chu Công được đề cao vì ông nhiếp chính, mà nhiếp chính là một cách để quyền cai trị trong tay người tài đức thường là có tuổi (theo đúng tục lệ Viêm tộc). Vì thế có thể nói mỗi khi Khổng đề cao một nhân vật nào là ông đề cao một đức tính của Viêm Việt. Ca ngợi ông Thuấn tận tình với việc nước, không chiếm công vi tư, cả đến quyền bính cũng không trao vào tay con; còn với dân thì gần gũi mà tôn kính “thần nhi tôn, an nhi kính” (Lễ ký XXIX p.50). Vẽ ra ông Thuấn nặng chữ hiếu hơn chữ trung… tất cả đó là một lối hạ nhẹ pháp gia khinh dân, để đề cao Viêm Việt thân dân.
Đấy mới chính là lối tranh đấu cho nền văn hóa chân thực mà không xét chi tới nơi phát xuất nữa. Hoa tôc hay Viêm tộc hết quan trọng, điều quan trọng là nhơn tộc, nghĩa là hễ phụng sự con người thì bất cứ từ đâu mà tới nền văn hóa đó đáng được đề cao.
Bây giờ chúng ta bàn đến vấn đề thứ hai là thân dân. Một số học giả cho rằng Nho giáo rất khinh miệt dân chúng như được ông Granet ghi chú P.C 514. Khi ta xét lại câu nói đó mới nhận ra rằng một số học giả lớp trước ăn nói rất liều lĩnh không biết phân biệt chi hết nên nhiều khi nói lên những điều trái ngược hẳn với sự thực. Sự thực là trong gầm trời này chưa có giới thức giả nào thân dân cho bằng nho sĩ. Sở dĩ một số học giả không nhận ra vì trong hàng sĩ phu cũng có những người như thế, mà phần đông là pháp gia, họ chủ trương duy trì giai cấp quý tộc thế tập… và thường gọi dân bằng những tên miệt thị như dân đen (lê dân kiềm thủ). Có lẽ những chữ này do những người xâm lăng có tóc vàng, hay đỏ như người Đột Khuyết (Turc) (xem J.Legge kinh Thi I. 4 p.144). Ngược lại với pháp gia là Lão Trang chủ trương xóa hết mọi giai cấp để mọi người hoàn toàn bình đẳng. Nhưng đó lại là một quá đáng khác vì bên ngoài nghĩa địa và ao tù làm chi có hoàn toàn bình đẳng? Vì thế chủ trương hoàn toàn bình đẳng chỉ là một ước mong không tưởng, quá trớn và chính vì đi quá trớn nên nhiều lần Lão Trang trở thành hàng xóm của Pháp gia trong việc khinh dân. Chúng ta có thể nói nho gia chân chính đã tránh được điểm này vì giữa hai chủ trương cực đoan trên: giữa giai cấp và chối bỏ giai cấp, Nho giáo chủ trương phẩm trật. Phẩm trật nhận có trên có dưới nhưng lại không cứng ngắt như giai cấp, mà chỉ là một lối phân công, tuỳ theo thị hiếu và hoàn cảnh (Need. II, 113) của mỗi người mà không theo thể chế. Vì vậy khi hoàn cảnh đổi thì cũng đổi thế đứng mà không bị một hàng rào luật lệ nào cản ngăn, thí dụ từ vị trí tì thiếp có người đã lên đến Hoàng hậu, từ nô bộc đã lên đến hầu tước; không có hố chia cách nào cả (Creel 123). Mạnh Tử đã phản đối Pháp gia đề cao vua quan bằng câu nói quen thuộc là “dân vi quý quân vi khinh”. Vì câu này mà nhiều học giả cho là Mạnh Tử có óc dân chủ ngược với Khổng Tử bao giờ cũng tôn quân. Sự thực thì cả hai cùng một chủ trương có khác nhau chẳng qua chỉ ở đợt nhấn: Khổng Tử ôn hòa, Mạnh Tử thì cạn tàu ráo máng, có thế thôi. Nói cho trúng hơn nữa thì Mạnh Tử chưa gần dân bằng Khổng Tử. Và cũng chính vì ông thân dân nên lời ông không bao giờ thổ lộ ra nói mị dân. Giới trí thức với lối nhìn thô kệch tưởng vậy là miệt thị dân, nhưng có ngờ đâu không tâng bốc dân chính vì đã đi với dân cách thành tín và do đó lời ông đã trở thành Minh triết khi hiểu Minh triết là những lời bàn về những gì thân cận con người hơn hết (thiết vấn nhi cận tư). Muốn thấy rõ tính thần “thân dân” đó chỉ việc đem những đề tài học hỏi trong các sách triết đang được dạy ra mà so sánh sẽ thấy liền sự khác biệt. Triết Tây dầu là ở cấp trung học hay những sách viết cho sinh viên khoa học nghĩa là những người không chuyên về triết cũng toàn bàn những chuyện xa xôi không ăn nhằm chi tới đời sống dân chúng, đến nỗi học xong không ai biết dùng để làm gì, còn đây thì thiết cận ngay vào thân tâm tu thân, tề gia, trị quốc. Một số danh từ và ý niệm như quân tử, tính danh, lễ… trước kia phái quý tộc muốn giành làm của riêng, đến sau cũng được Khổng Tử và môn đệ biến cải cho trở thành của chung toàn dân. Ông Granet đã ghi chú “la transformation de la morale féodale au profit de tous par les lettrés” Danses 66.
Một số học giả cho là nho sĩ về phe Vương triều thì điều ấy chỉ thực cho một số cá nhân, hoặc cho Hán nho quá nhiều chất đề cao vua chúa. Nếu ai hỏi vậy tại sao xuyên qua hơn hai ngàn năm lịch sử Nho giáo lại cứ bảo vệ Vương triều: bênh vực nền quân chủ để dân bị đàn áp và khi bị đàn áp quá thì cùng lắm chỉ nổi lên mở đường cho một vương triều mới xuất hiện để rồi lại bị đàn áp… rồi lại đạp đổ để đặt ra một Vương triều mới cứ thế trải qua bao ngàn năm mà Nho giáo không sáng nghĩ ra được một thể chế mới như dân chủ để đưa dân ra khỏi vòng luẩn quẩn. Thiết tưởng đó là một điều có lý trên giấy tờ, trong thực trạng còn phải kể tới nhiều chuyện, thí dụ tâm thức dân chưa đạt tới, kỹ nghệ chưa phát triển đủ, nên nếu có cưỡng đổi thì cũng chẳng hơn gì. Từ ngày Trung công, Việt công phá đổ Vương quyền cho tới nay hỏi người dân Tàu, dân Việt đã được thêm bao nhiêu quyền lợi, bao nhiêu hạnh phúc hay chỉ có một chuỗi những chữ rỗng đủ loại: nào là tự do, bình quyền, tòa án nhân dân… Vì thế chỉ có những người thiếu từng trải mới nghĩ rằng hể đổi được thể chế là đổi được tình trạng. Đó là những ý nghĩ học mót của Tây phương đề cao luật lệ mà không chú trọng đến con người. Các nhà chính trị của chúng ta cũng đang theo lối bánh xe đó bằng dốc toàn lực vào việc viết ra quy chế chính đảng… với các luật để đủ thứ, các dự án đồ sộ mà không thấy đưa ra một cơ sở tinh thân để giáo dục dân. Giáo dục là điều quan trọng hơn hết bị bỏ bê. Xin đừng lầm mở mang học vấn với văn hóa. Văn hóa chân thực phải có định hướng, có lý tương mới cải hóa, cảm hóa được con người. Mà đó mới là then chốt. Bỏ người đi lo về luật lệ thể chế suông là duy vật. Không phải chỉ theo Cộng sản mới là duy vật. Thể chế định chế tất nhiên phải tuỳ thời canh cải nhưng có 36 lối canh cải, mà đổi ngọn bỏ gốc như kiểu nói trên là trốn khó làm dễ. Một đôi ông lại toan đặt chương trình chính trị trên một ý hệ, một thuyết lý nào đó đã được khiêng y nguyên từ ngoại quốc về.
Chính ở điểm này chúng ta cần phải nói đến một điều đáng quý khác nơi Khổng Tử đó là ông ông có lập ra một ý hệ, một thuyết lý nhưng chỉ đưa ra một lối sống và khi người ta chịu theo thì thấy thoải mái dễ chịu trong mọi phạm vi cả chính trị lẫn văn hóa, và đó là lối sống của Viêm tộc Việt tộc từ ngàn xưa được lên khuôn một cách rất linh động để biến nó thành một cơ sở tinh thần của dân tộc. Và đó là hồn Lạc Việt chứ không phải lý thuyết nào hết. Vì thế Khổng Tử là một trong những phát ngôn viên trung thực hơn hết của nền văn hóa Nho Việt, cho nên khi chúng ta khước từ Khổng Tử là liều mình từ khước cái hồn Lạc Việt, khước từ cái cơ sở tinh thần đã duy trì nước ta tự ngày khai quốc cho mại tận nay. Những thế lực đế quốc xâm lăng biết rằng bao lâu cái cơ sở ấy còn đứng vững thì không dễ gì mà các tư trào ngoại lai có thể hoành hành trong mảnh đất này. Vì thế mà óc đế quốc xâm lăng dưới muôn vàn hình thái đã tìm đủ cách để phá cho bằng được: họ đã thành công bến phát ngôn nhân ấy thành một chú ba Tàu, biến Nho giáo thành chữ Hán, với bộ mặt chuyên chế, cổ hũ vàphong kiến đến nỗi trong đám con cháu nhà không còn ai dám thừa nhận nữa và thế là cái hương hỏa từ ngàn xưa trở thành một nơi hoang phế cho chó ỉa bìm leo. Văn hóa mà thiếu tướng giỏi, thiếu màu cờ thì chỉ còn là mấy danh từ rỗng. Dân tộc tính chỉ còn là câu sáo, giá đừng ai nhắc tới còn bớt nhức con ráy. Vì những lý do sâu xa như thế nên nhà Tần, nhà Nguyên xưa, rồi đến thực dân và các người Mácxít hiện nay tất cả đều chĩa mũi giùi đả kích vào Nho giáo. Giới trí thức tân học đã không nhân ra chỗ đó nên vô tình đứng vào phe mạnh, giúp cho óc thực dân, óc xâm lăng thành công mỹ mãn. Cái lầm lẫn lớn lao hơn hết của thế hệ trí thức vừa qua nằm ở chỗ đó.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...