013019 HUYỀN SỬ CỦA DÂN TỘC
Đây là vấn đề cốt lõi nhất của Triết Gia Kim Định, vì có thể cảm nhận ý nghĩa bằng Tâm tình khuất lấp giữa các dòng chữ, chứ không thể hiểu bằng Lý trí. Một bên thì phải Quy tư ( về nguồn Tâm Linh ) trở về nguồn Tĩnh và bên kia thì Suy tư ( theo Khoa học ) thuộc nguồn Động. Đây là “Nghịch lý“ cần được giao hòa theo “Đại Đạo Âm Dương hòa“.
Thứ hai, đây là công trình mới khai phá
tuy cần được hoàn chỉnh cho được thuyết phục hơn, nhưng không thể phủ nhận một
cách thiếu cẩn trọng, vì thuộc lãnh vực Tâm Linh. Tâm Linh là nguồn gốc của con
Người và Vũ trụ.
I.- Ý kiến của T.G. Kim Định về
Huyền sử
1.- Trong Kinh Hùng khải triết
“Huyền sử là sử của những Huyền thoại
hay bộ Huyền thoại của dân tộc“.
Huyền sử là tự truyện của một dân tộc, bao nhiêu những kinh nghiệm tích lũy từ
không biết bao nhiêu đời tiên tổ kết tinh lại. Xuyên qua đó thường được kể lại
bằng những nét lung linh của sử mệnh của dân tộc, nên đó quả là những di bảo
thiêng liêng chứa đựng những giá trị thâm sâu nằm giáp miền tiềm thức.
Có thể nói tác giả đã dựng nên những Huyền
thoại cũng chính là Tiềm thức cộng thông của tất cả Tiên Tổ đã góp phần
vào việc kiến tạo dân nước.
Nói đến tiềm thức là nói đến sự vượt
biên cương lý trí phân minh, nên trở thành âm u. Vì thế những niên đại, những
địa danh cũng như các nhân vật phải được hìểu một cách co dãn, chập chờn, vì đó
chỉ là những mảnh vụn của lịch sử được Huyền sử dùng như tiêu biểu để nói lên
những tư tưởng hướng dẫn cuộc sống của dân tộc, nên mang tên này hay tên khác,
xảy ra nơi nọ hay nơi kia đều không quan trọng .
Huyền sử thuộc vòng trong tiềm ẩn không
nhằm ghi chép sự kiện hay biến cố ngoại diện như sử ký, mà cốt nhằm phác hoạ
những hình ảnh văn hoá, những mẫu mực chung của lối sống, nghĩ, cảm, là những dạng
thức có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh nơi ấy, nên khi nào, con cháu muốn tìm
ra những làn sóng ngầm của lịch sử dân tộc cũng như cái nhìn soi dọi vào đời
sống hiện đại để tìm ra những mẫu mực căn bản thì cần phải mở một cuộc hội
thoại thắm thiết với những di bảo nọ. Việc đó có thể gọi theo tiếng nói ngày
nay là làm triết lý. Như thế, triết lý ở đây là một cuộc đào sâu kinh nghiệm
sống của Tiên Tổ để lấy chất liệu tạo dựng những dạng thức canh tân hợp cảm
quan thời đại ”.
( Kim Định : Kinh Hùng khải triết: Thanh
niên xuất bản , trang 13 – 14 )
2.- Trong
Việt Lý Tố Nguyên
“ Huyền sử là
sử của những truyền kỳ của những huyền thoại “. Huyền thoại là tiếng nói của tiềm thức
cộng thông khác với lịch sử là phạm vi của lý trí. Nhưng vì trong thực tế không thể phân biệt
hẳn hai phạm vi nên hay có sự lẫn lộn nơi các tác giả, kể các tác giả có viết
sách thực sự, nên đầy rẫy những lẫn lộn “ông nói gà, bà nói vịt “. Bà là tiềm
thức nói về thực tại bao la như văn hoá, còn Ông lý trí lại đi nói về thực tại
rõ rệt như chính trị.
Vì thế cần thiết lập một môn mới để khai thác các nền
móng kia mà môn đó tôi muốn thử khai mạc ở đây và xin đặt tên là Huyền sử.
Chữ Huyền
nói lên tính chất u linh ( Việt điện
U linh cũng như Lĩnh Nam
trích quái ). Còn sử đi với huyền là một thứ sử rất mông
lung với những niên kỷ co dãn như cao su kiểu 18 đời Hùng Vương, với những bờ
cõi chập chờn sồi sụt và mênh mông của các nước Xích Quỷ, Văn Lang.
Vì lơ mơ. Nên duy sử cho là mơ hồ quái đản, đáng thải bỏ,
ngược lại nếu là hon ó thì lại chấp nhận trọn vẹn kiểu nghĩa đen. Hai tâm hồn đó không ở với nhau được. Nhưng
cả hai đều đáng quý, vì cả hai đều có những đóng góp rất giá trị cho sự tiến
hóa của con người.
Vì thế Huyền
sử muốn mở ra một đường hướng dàn hoà hai phe tân cựu: nó muốn duy trì hồn thơ của các cụ xưa, đồng thời áp
dụng đúng mức phương pháp khoa học của thời nay: nó muốn là một nhà khoa học ưa
thích nguồn thơ, hay lại muốn mơ mộng, nhưng lại theo lối khoa học. Để được như
thế, nó tính đi lối toàn thể nghĩa là
dùng tất cả khảo cổ, lịch sử, văn hoá, văn chương, truyền kỳ, thần thoại, nhất
là lối nhìn toàn cảnh: đặt nặng trên những điểm tựa có bảo đảm, để tìm được ra
những gì ẩn hiện mung lung, và cuối cùng dẫn đến một thứ triết sử hay là văn
hoá sử, không là văn học cũng không là văn minh.
Vì Việt Nam và Trung Hoa cổ đại có cùng một
nền văn hoá, ít ra đại đồng tiểu dị, nên huyền
sử của Trung Hoa có liên hệ mật thiết với huyền sử của Bách Việt, trong đó có
tổ tiên chúng ta. Do đó Trung Hoa cổ đại đối với ta phải có hai khía cạnh
là văn hoá với chính trị. Thường tình người ta chỉ xem nước Tàu như như một
thực thể chính trị, mà quên mất khía cạnh văn hoá chung trong quá trình hình
thành tạo dựng. Đó là điều thiếu sót cần được bổ khuyết.
Muốn lên tận
đoạn đó chúng ta phải vượt qua giai đoạn Tần Hán, để đi từ Khổng Tử trở lên đến
quãng khuyết sử mịt mờ, lúc mà những tiền nhân ta còn sống dưới quyền hướng dẫn
của họ Hồng Bàng trong miền Hoa Hạ, tức là miền sông Lạc, sông Hà và vùng Hồ
Quảng, trong những miền đất của Kinh, Sở, Man, Châu Dương, Động Đình hồ, An Huy
( sông Hoài ), Chiết Giang, Giang Tô, Bành Lãi. Đấy là những lãnh vực mà tiên
tổ ta đã có những mối liên hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá với các dân vùng
xung quanh: và do đó đã lập thành cái nhân của dân tộc chúng ta. Có thể quả
quyết rằng cái gì đã xẩy đến cho những dân Man, Miêu, Thái, Ngô, Di, Địch, Sở,
nhất là Sở, thì cũng đã âm vang tới tiền nhân ta. Bởi vậy phải coi Dương Tử
giang như xương sống, các châu Kinh, Dương, Hoài, các nước Ngô, Việt, Sở, các
hồ Động Đình, Bành Lãi, Thái Hồ như liên bang cùng chung vận hệ lịch sử . . .
Đấy là những vùng âm u, theo nghĩa còn bờ cõi cố định
với những sử liệu xác thiết, nhưng bó buộc chúng ta phải lặn lội tìm tòi, nếu
ta muốn tìm xa về cội nguồn của nước nhà, vì đây là một thời mang nặng những
nguyên tố cấu tạo nên tâm thức của dân tộc, nên ta coi việc nghiên cứu này như
một cuộc hành hương tìm về với những trang huyền sử rất nắm sai bài học và lúc
ấy chúng ta sẽ thấy về mặt văn hoá thì huyền sử nước Tàu không còn là của riêng
nước Tàu nhưng trở thành di sản chung
cho cả khối văn hoá của liên bang Bách Việt, nơi mỗi nước Viễn Đông phải tìm về
và đưa ra một dịch bản soi sáng cho từng ngành văn hóa riêng của mình, sao cho
duy trì được cả gốc chung cũng như cả ngành riêng. Bí quyết của sự thống nhất và đồng thời nằm ở
chỗ đó.
Huyền sử Trung Hoa gồm 3 giai đoạn: là Tam Hoàng, Ngũ
Đế và Tam Đại.
Tam
Hoàng là: Toại Nhân, Phục Hy và Thần
Nông ( thuộc Viêm Việt ).
Ngũ
Đế là: Hoàng đế, Chuyên Húc, Đế
Cốc, Nghiêu, Thuấn.
Tam
Đại gồm: nhà Hạ ( Vũ ) 2205, nhà
Thương ( Thành Thang) 1766, nhà Chu ( Vũ Văn,
Chu Công ) 1122 ( thuộc Hoa Việt ). ( Theo cách xếp của Tư Mã Quang ).
3.- Trong
Dịch Kinh Linh Thể
“ Sử mệnh nói lên sứ mệnh của một dân tộc nhất định
phải thi hành trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Sử mệnh vì thế đã được
thích nghi với hoàn cảnh, với khu vực và thường được các bậc hiền triết của mỗi
dân tộc thấy trực thị rồi diễn đạt qua những trang huyền sử.
Huyền sử
cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều vì bao cả dĩ vãng lẫn tương lai, nên có
tính cách siêu thời gian. Vì thế những trang huyền sử là quý nhất trong cái di
sản thiêng liêng của một nước.
Nhưng chính vì chỗ thiêng liêng, chỗ bao la phi thời
gian đó nên mung lung như ẩn như hiện, dễ bị con cháu để phai mờ mất ý thức. Do
vị trí nằm trong văn hoá Viễn Đông của Bách Việt, nên sử mệnh Việt Nam có thêm hai
đặc điểm: Một là được phổ vào những
truyện đầy thơ mộng mà lại rất tinh khiết. Thứ đến là được chắt lọc để kết tinh
vào một nền minh triết siêu tuyệt rất gọn ghẽ để gửi lại cho con cháu vạn đại
như bức di chúc tinh thần.
Nhưng một điều không may đã xảy ra đến cho một dân tộc
là đã quên đi mất ý nghĩa của những trang sử mệnh đó và vì thế nhân loại đang
bước đến bờ vực thẳm.
Vì thế chúng
ta cần đọc trở lại, cung kính lần từng trang huyền sử nói lên cái sứ mạng cao
cả của dân tộc hầu tìm ra chủ đạo dẫn đường cho dân nước trong giai đoạn nguy
nan nầy ”.
( Dịch Kinh
linh thể: Kim Định . An Việt Houston, tr. 7 )
4.- Trong Loa
Thành Đồ Thuyết
“ Việt Nho không chỉ có nghĩa là của người Việt xét
như con dân đất nước Việt Nam ,
dù rằng trong quá khứ Tổ tiên ta có đóng góp vào việc hình thành Nho giáo đến
đâu đi nữa”.
Vậy Việt Nho
ở đây nhằm nghĩa là đạo lý của những người biết vượt qua những cái bé nhỏ, biết
siêu lên, biết đi mãi trên con đường tiến hoá, một cuộc tiến hoá không biên
cương, không bờ bến, không nói ra được, nên nhiều khi dùng lời âm u co dãn là
thần thoại là huyền thoại. Huyền thoại có nhiều nghĩa:
Tầng
thứ nhất là nghĩa đen nói đến cái gì
thì hiểu về cái ấy, nói cái bọc 100 trứng thì hiểu có một cái bọc với 100 quả
trứng. Đó là nghĩa Trứ hình, tức
sáng lên trọn vẹn ở hình tích hiện tượng, đàng sau không còn chi nữa.
Tầng
thứ hai chỉ những cái không hiện lên
hình, nên có khả năng nhập thể ở nhiều trạng thái khác nhau, lúc đó sự việc dù có thể là thực, nhưng còn nhằm
nói một cái gì cao hơn. Thí dụ Đế
Minh gặp Tiên trên núi Ngũ Lĩnh có thể chỉ việc trai Bắc lấy gái Nam, nhưng
đồng thời nó chỉ tinh thần Bắc phương giao thoa với văn hoá Nam phương.
Với ý
này chúng tôi gọi là huyền sử: Đó là một
loại minh triết nhưng trình bày bằng
những mảnh vụn lịch sử. Đây là ý
nghĩa thuộc tầng thứ ba liên hệ tới con người xét là người không kể thuộc dân nước
nào cả, thí dụ Bàn Cổ, Nữ Oa không còn là mảnh vụn của sử nữa mà là những sơ nguyên tượng của một nền Nhân chủ trung
thực.
Trên đây là ba tầng ý nghĩa mà một câu truyện thần thoại hay truyền kỳ có thể bao hàm, nên thuộc cả Ý
thức lẫn Tiềm thức. Duy lý là chủ thuyết
xây trọn vẹn trên ý thức, nên chỉ chấp nhận có nghĩa đen, vì thế bao nhiêu thần
thoại đều bị họ gạt đi như những truyện nhảm, phải vượt qua duy lý mới nhận ra
ý nghĩa sâu hơn.
Nghĩa tầng thứ hai đã được bàn trong Việt Lý Tố Nguyên và Dịch Kinh Linh Thể. Trong cuốn này (Loa
Thành Đồ Thuyết) chú ý đến nghĩa thứ ba.
Những tác giả được nhắc tới trong tập Loa Thành thuộc
Tâm phân và Uyên tâm nhất là của Karl Jung. Đó là những tác giả sẽ giúp chúng
ta phần nào trong việc trình bày kiểu lý giải (ít ra ở đợt đối chiếu) về cái
miền âm u bất khả ngôn mà chúng ta lại cứ muốn ngôn. Bởi chưng ở trong những
tầng sâu thẳm thì biên cương giữa khả ngôn và bất khả ngôn nhập nhằng sồi sụt,
thế mà lý trí con người cứ tiến mãi, nên
phải đẩy xa mãi khả năng khai triển của mình ít ra tới hết mức có thể trong
việc muốn vượt sang cõi vô biên. Đấy là chỗ Việt Nho khác Duy lý.
Duy lý định cư lại trên lý trí. Việt Nho cũng lý
trí nhưng không phải là để ở lại đấy. Song
là để đạt tới cái mênh mông, đặt nhịp cầu hội thông giữa Ý thức và Tiềm
thức, nói kiểu xưa là giữa Nội với Ngoại, giữa thiên với Địa, giữa Âm với
Dương. Dù gọi bằng tên chi đi nữa nhưng chính là sự giao thoa giữa hai đối cực
đó làm nên nhân tính và đạo làm người chính là giúp hiện thực được sự giao thoa
động đích đó. Thành tựu là thành nhân,
thất bại là sa đọa.”
( Loa Thành
Đồ thuyết: 2. Phương pháp Việt Nho. Tr. 11- 13. Kim Định ).
“ Sử mệnh nói lên sứ mệnh của một dân tộc nhất định phải
thi hành trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Sử mệnh vì thế đã được thích
nghi với hoàn cảnh, với khu vực và thường được các bậc hiền triết của mỗi dân
tộc thấy trực thị rồi diễn đạt qua những trang huyền sử. Huyền sử cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều
vì bao cả dĩ vãng lẫn tương lai, nên có tính cách siêu thời gian “.
Còn những
người Duy sử thì coi huyền thoại là những chuyện đầu Ngô mình Sở, còn vua Tự
Đức thì cho là những chuyện “ Trâu ma thần rắn ”cần phải thải bỏ, cho rằng thiếu nền tảng khoa học. Điều này
không đúng, vì Huyền sử không thuộc phạm
trù khoa học!”
II.- Ý kiến
của học giả ngoại quốc về Huyền sử
“
Bộ huyền thoại của một dân tộc là là đạo sống của dân tộc đó. Nếu mất huyền
thoại thì thì bất cứ một dân tộc nào, kể cả những dân tộc văn minh nhất cũng sẽ
sụp đổ khủng khiếp ”.
( Karl Jung )
“
Bộ huyền thoại của một dân tộc không phải là những chuyện hoang đường, mà là
những chuyện gần chân lý nhất, hơn nữa bộ huyền thoại là gia sản quý báu nhất
vì tính chất thiêng liêng điển hình và mang lại ý nghĩa sống ”.
( Mircea Eliade )
“
Không có bộ huyền thoại thì không thể thành một dân tộc được. Dân tộc nào không
có bộ huyền thoại không thể được coi là có văn hoá hay văn minh gì hết, vì bộ
huyền thoại là những câu chuyện diễn tả tinh thần của dân tộc ở mức độ cao nhất
và cũng là di sản thiêng liêng của dân tộc đó ”.
( Laurens Van Der post )
“
Mất bộ huyền thoại là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên và mất luôn căn
bản cho việc xây dựng tiền đồ dân tộc. Dân nào mất bộ huyền thoại, dân tộc đó
quả thực bị coi như không còn nữa ”.
( Wallace Cliff )
“ Sử mệnh nói lên sứ mệnh của một dân
tộc nhất định phải thi hành trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Sử mệnh vì
thế đã được thích nghi với hoàn cảnh, với khu vực và thường được các bậc hiền
triết của mỗi dân tộc thấy trực thị rồi diễn đạt qua những trang huyền sử.
Huyền sử cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều vì bao cả dĩ vãng lẫn tương lai,
nên có tính cách siêu thời gian “. ( Kim Định )
Việt Nam có “ Lĩnh Nam Chích quái”, Việt Điện u linh
“cũng như một số truyền kỳ khác như Văn
học của Hoàng Trọng Miên … đều thuộc Huyền sử, T.G. Kim Định có tuyển chọn 15
truyện được gọi là Kinh Hùng. Chúng tôi đã có khai triển trong cuốn “ Văn Hiến
Việt Nam .
“
( Kim Định : Kinh Hùng khải triết: Thanh niên xuất bản , trang 13 – 14 ).
( Kim Định : Kinh Hùng khải triết: Thanh niên xuất bản , trang 13 – 14 ).
III.- Nghệ thuật giải nghĩa
( Cơ cấu Việt Nho: Kim Ðịnh. Tr. 55 -
109 )
1.- Vấn đề lớn của Triết hiện đại
“ Tất cả được nói rồi trong các thần
thoại, chỉ còn phải tìm hiểu ” ( P.
Ricoeur.)
Tất
cả nền minh triết, cũng như túi khôn loài người đã được nói ra hết rồi, nhưng
còn nằm tàng ẩn trong các truyện: truyền kỳ, huyền thoại . . . Triết gia khỏi
đặt thêm thuyết mới mà chỉ cần phát giác ý nghĩa của chúng. Ðó là sử mệnh: “ Tout est dit dans les mythes. Reste à
comprendre ”. Nhưng muốn hiểu thì cần được trang bị cách nào, và nhất là
phải biết cách vận dụng những tri thức ra sao, chẳng hạn phải biết bầu khí văn
hoá nào nuôi dưỡng những huyền thoại nọ: Nông hay Du ? Rồi ý nghĩa những con số
cũng như cái giống của các thần . . . Ðó
có thể là những đầu mối giúp lần ra tông tích, tìm ra cơ cấu. Và đấy là con
đường dẫn tới chỗ thành tựu. Bởi vậy tìm
ra ý nghĩa huyền sử sẽ là điều quan trọng nhất trong nền triết học hiện đại,
cho nên nó đang trở thành một khoa học khoa giải nghĩa huyền sử, giải nghĩa
biểu tượng. Ðó sẽ là đối tượng phần nhì của quyển sách này. ( Cơ cấu Việt
Nho ).
Phần hai này trình bày một số quy luật mà chúng
tôi đã rút ra tự Việt Nho cũng như từ những khoa nhân văn hiện đại như:
Dân tộc học.
Phân
tâm học.
Cơ
cấu luận. . .
Ðể gọi là đóng góp vào nền triết văn của nước nhà.
Trước khi bàn giải về những luật tắc giải nghĩa cần phải biết sơ qua bầu
khí của huyền sử. Ðó là điều tối quan
trọng. Sở dĩ hiện nay hầu hết các khoa nhân văn đều bàn đến thần thoại là vì
cuối cùng người ta mới nhận ra sự quan trọng của những cái ban sơ.
Nó là lý
tưởng uyên nguyên giàu năng lực hướng dẫn. Vì thế con Người chỉ có thể tạo dựng
được những gì lớn lao bền vững là khi biết trở về với nó. Một dân tộc cũng
giống như đời sống của một con người được kéo dài. Vậy mà đời sống tiềm thức
của cá nhân được tổ chức vào quãng 10 năm đầu, sau đó có học hỏi thêm hay được
huấn luyện thì hầu hết cũng chỉ là biến cải chút ít ngoài mặt. Về một dân tộc cũng thế: nền móng lý tưởng
của nó đã được hình thành ở những bước sơ khởi mà nay ta gọi là huyền thoại, và
đó sẽ là nhiên liệu cho huyền sử.
Huyền sử nói lên lý tưởng công cộng của một dân
được biểu lộ qua những vụn mảnh của lịch sử.
Phải dùng sử có tính chất cụ thể dễ hiểu cho mọi người. Nhưng tại sao
lại dùng mảnh vụn lịch sử. Thưa trước
hết vì đó là thời tiền sử, khuyết sử, chưa
có sử ký ghi chép các biến cố cách liên tục theo tuế thứ. Lẽ thứ hai quan
trọng hơn nhiều, đó là huyền sử chỉ là
lý tưởng, mà đã lý tưởng thì không bao giờ được hiện thực đầy đủ: khi được
điểm này lúc được điểm kia. Vì thế mỗi nhân vật huyền sử chỉ biểu hiện một vài
tác động để biểu lộ một hai khía cạnh nào đó. Chính tính chất lý tưởng nọ mà
Kinh Dịch kêu là : “ Tại Thiên thành tượng ”, chưa đạt lúc “ Tại Ðịa thành hình
”:
*Thành hình thuộc sử ký nói về con
người cá thể.
*Thành tượng thuộc huyền sử bàn về
những tác động lý tưởng phổ biến.
Nói theo cơ cấu luận nay thì sử ký là sử hàng ngang ( histoire diachronique ), huyền sử là sử hàng dọc ( histoire
synchronique ).
Sử hàng dọc
có tính cách Tâm linh xoay quanh những tác động lý tưởng biểu thị bằng những
sơ nguyên tượng ( archétypes ), vì vậy giàu phổ biến tính. Khác với sử ký hàng ngang ghi các Biến cố (
évènementielle ), các dự kiện hiện thân vào các nhân vật có thể kiểm tra theo
tuế thứ.
2.- Với huyền sử đừng hỏi ở đâu
và bao giờ
Sở dĩ thế hệ trước e ngại không dám tìm hiểu và đề cao huyền sử như mô thức
quan trọng, vì e rằng làm thế là thụt lùi lại đàng sau cùng hàng với dân Thái
cổ tiền khoa học. Có sự e ngại như thế là bởi không nhận ra tính chất phổ biến
của huyền sử: chưa có hiện thực được tròn đầy ở đâu cả, vì thế không phải là
truyện đã qua cho bằng là truyện sẽ đến, không phải nhìn về đàng sau, mà là
đàng trước; đúng hơn huyền sử thật cho
mọi nơi, mọi đời, nên nói: “Cùng với mọi lúc” (synchronique, chữ syn = cùng với).
Vì chưa có bắt đầu, cũng chưa ở nơi nào cả = vô
bổn phiêu giả, vô hồ xứ giả “ Vrai mais
irréelle ” = có thật đấy. Vrai như một lý tưởng nhưng chưa hiện thực được, nên
irréel.
Mới là tiên thiên chưa đạt hậu thiên. Mới có Tượng
chưa có Hình. Hình ở đây hiểu là hình tích đã hiện lên rõ rệt cụ thể. Vì vậy với huyền sử không nên hỏi Kinh đô nước Văn
Lang ở đâu, thuộc đời nào ? Vì ở đâu hay bao giờ thuộc Thời Không bé nhỏ đã
hiện hình, là điều là không có cho huyền sử. Ở huyền sử chỉ nên hỏi nó là những
mẫu tượng những điển hình cho tác động nào, biểu lộ nguyên lý nào đó? Thí dụ
câu nói: Âu Cơ đẻ cái bọc trăm trứng, nên sợ hãi đem bỏ ngoài đồng thì ý nghĩa
đợt xã hội ra sao, ý nghĩa minh triết ra sao? Chứ đừng hỏi có hợp sinh lý hay
không ? Vì thế cũng đừng lo rằng thiếu phương tiện di chuyển thì làm sao Ðế
Minh tuần thú phương Nam được, vì Ðế
Minh chỉ là sơ nguyên tượng đi tìm ánh sáng ( biểu thị bằng phương Nam
). Ðừng tra xem trong lịch sử có ai đẻ
trứng. Vì Âu Cơ chỉ là sơ nguyên tượng. Cái bọc không có ý nói cái bọc, trăm
con không có ý nói trăm con.
Nói mà không nói, thế mới gọi là huyền sử.”
3 .- Giai tầng giá trị huyền sử
Vì thế đứng ở phương diện tìm hiểu lý tưởng của
một dân, tìm hiểu cơ cấu của một nền văn hoá thì huyền sử trở nên giá trị vô
kể. Nó giúp chúng ta trong hai điều quan trọng:
Trước hết
là tìm ra những điểm đại đồng giữa các dân tộc. Vì có những thần thoại xẩy ra hầu như khắp nơi trên mặt đất: thí dụ
tạo dựng loài người, đại hồng thuỷ, sa đọa của con người ... vì đó mà các nhà
cơ cấu tin vào bản tính đồng nhiên con người. Bởi chưng đâu đâu cũng có chuyện
tương tự. Hãy lấy thí dụ: chuyện Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra người, xong rồi đem phơi nắng cho khô, bỗng
gặp mưa, vội vàng đem các tượng cất đi, song có vài tượng cất không kịp, bị
nước mưa làm hư. Các tượng hư hoá thành người tàn tật trên mặt đất, còn những
tượng cất kịp thành những người lành lặn đủ tay chân ( Văn học I . 64 ). Ðọc
truyện trên ta thấy cũng dùng đất nặn nên người như trong truyện Adam ..., rồi
cũng như mọi nơi vẫn có truyện không may khi nặn ra người: phơi chưa khô mà
phải cất đi nên nay nó mới thối nát như vậy. Nếu Thần thoại Hy Lạp có Prométhée
ăn trộm lửa, thì bên Việt Nam cũng có thằng Bợ ăn cắp lửa của bà Hỏa, đem đi
gây tai họa cho loài người ( Văn học I . 65 ).
Nếu trong Thánh Kinh có chuyện ông Josue kéo mặt trời lại cho ngày dài
ra, thì bên ta trong thần thoại Bana “ Dũng sĩ Diong cũng xin chư thần kéo lui
mặt trời lại đúng ngọ, để cho tôi giết tất cả quân thù ” ( Văn học I . 158 ).
Như vậy xuyên qua cái bề ngoài coi như vô lý, bất
tất, lại có cái gì giống nhau. Câu “Ðại
đồng tiểu dị” nhờ đó trở nên xác định hơn, chi tiết hoá hơn. Và lúc bấy giờ
mới nhận ra rằng thần thoại chính là
những bản đúc kết biết bao kinh nghiệm như ấn tích đầu tiên của con người trên
đường thực hiện nhân tính, nên cần truyền tụng lại cho các thế hệ về sau.
Thế nhưng chữ viết mãi sau này mới xuất hiện, còn bao nhiêu ngàn năm trước toàn
là truyền khẩu.
Trong văn
chương truyền khẩu thì huyền thoại là phần chính, nếu thải bỏ thì không còn
được mấy tiêu điểm để đi sâu vào trong dĩ vãng. Giá trị của thần thoại không
nằm trong câu văn, nhưng trong cái gì bàng bạc.
Vì thế Ðường thi ví dụ có hay hơn Kinh Thi đi nữa
cũng không đủ sức lôi kéo triết gia như Kinh Thi vì thiếu cái u uẩn của cái ban
sơ đó, khiến cho không có mà lại có. Nói sau lại hiểu về trước, vì nói lên khởi
điểm cũng là nói lên đích điểm. Bởi thế
huyền sử mới gọi là sử mệnh.
Tức là khi đã xác định được phần nào cái lý tưởng
của một dân thì chúng ta có được một tiêu điểm để ước lượng được một dân đã đạt sử mệnh đến đâu. Như thế ta thấy thay
vì thải bỏ thần thoại thì lại cần bàn về phương pháp “ đọc ” thần thoại. Nói
khác đi là cần thiết lập những quy luật phải giữ mỗi khi muốn gán ý cho một thần thoại.
4.- Quy luật của huyền sử
Sở dĩ phải bàn riêng quy luật huyền sử vì nó là một
thứ gạch nối giữa tiềm thức và ý
thức, giữa hàng dọc Tâm linh và hàng ngang Lý trí, nên không thể đem những
phương thức của sử ký áp dụng vào đây mà cũng không thể đọc bừa bãi tuỳ hứng
tuỳ thị hiếu hay ý hệ mà giải nghĩa lung tung tuỳ thích. Muốn xác định
phương thức của huyền sử chúng ta cần nhận chân tính cách Lưỡng diễn của nó: Tính
chất đó vừa u linh vừa xác định.
Vì thế vừa phải dùng lịch sử để soi vào miền u
linh, lại dùng u linh lý tưởng để nối kết các mảnh vụn thuộc huyền sử. Như thế là có hai điều kiện :
a.- Hai điều kiện
* Tiềm thức cần cho mạch lạc nội tại
Một cho tiềm thức thì cần mạch lạc nội tại để làm mối nhất quán.
* Ý thức cần sự kiện lớn lao của lịch sử
Hai là phần gửi cho ý thức thì cần những sự kiện
lớn lao thuộc sử để làm tiêu điểm hầu tránh mung lung. Sở dĩ đưa ra hai điều
kiện trên vì huyền sử ăn sâu vào tiềm thức nên cần những phương pháp thăm dò
tiềm thức. Những phương thức dưới đây là hậu quả đúc kết tự nhiều khoa học:
Trong đó phải kể Dân tộc học, Cơ cấu
luận và Tâm phân học.
Vậy trước hết xin đưa ra một ví dụ về phân tâm của
Freud khi giải nghĩa chiêm bao, vì huyền sử là chiêm bao của một dân. Nếu chiêm
bao biểu lộ tiềm thức cá nhân thì thần thoại là sản phẩm của tiềm thức, nhưng
là cộng thông nên phương thức giúp giảng nghĩa chiêm bao phần nào cũng giúp
giảng nghĩa thần thoại. Vì cả hai đều thuộc cõi âm u không thể xác định nên
phải nói gián tiếp bằng biểu tượng, bằng trá hình (déguisement), bằng chuyển di
đối tượng. Thí dụ tác giả kia muốn sửa lại một đoạn văn mới viết thì ban đêm mơ
mình đang bào một khúc gỗ. Mong có một cái xe thì đêm nằm mơ thấy mình ngồi
trên xe. Một bà ghét em dâu quá đến nỗi đuổi em ra khỏi nhà: đêm nằm mơ thấy
mình đang giết một con chó trắng. Trong ba thí dụ trên, khúc gỗ thay cho đoạn
văn, ước có xe thay vào bằng ngồi trên xe, con chó chỉ em dâu, mà tiềm thức bà
muốn giết, nhưng ý thức không dám nên chỉ đuổi đi ... Ðó gọi là chuyển di đối
tượng. Do vậy mà lối giải nghĩa chiêm bao ngày nay khác lối xưa. Xưa kia các nhà nghiên cứu chiêm bao cố gắng
thiết lập một bảng chìa khoá thí dụ mơ thấy màu đen là chết, đàn bà sợ đàn ông
dữ tợn đêm mơ thấy con dao hay vật gì nhọn, còn đàn ông mơ thấy cái gì rổng: một hốc đá, một cái tàu chỉ
hốc đá hay cái tàu là đàn bà. Mơ thấy nước là sinh nở, mơ sư tử là cha ... Có
thể kể ra vô số, nhưng chính vì bảng quá dài nên cũng trở thành bất xác định.
b.- Hai Phương pháp
* Liên tưởng
Bởi thế trong quyển “ Khoa
học giải nghĩa chiêm bao ” Freud đã đưa ra phương
pháp liên tưởng. Muốn biết ý nghĩa
một chiêm bao phải hỏi người mơ liên tưởng đến gì lúc mơ hay lúc kể lại giấc mơ
để nhà tâm phân dùng làm điểm tựa đi tìm ý nghĩa.
Thí dụ người mơ thấy mình
đang bào gỗ, thì chưa thề tìm ý nghĩa, nhưng vì ông nghĩ đến chữa văn chương
thì sự liên tưởng giúp cho xác định ý của giấc mơ. Hỏi có thể đem luật đó áp
dụng vào huyền sử được chăng? Thoạt tiên tưởng là không vì thiếu liên tưởng,
nên thiếu điểm tựa. Nhưng xét kỹ thì lại có: đó là những thể chế, cổ tục, tin tưởng ... đã có đồng thời với lúc hình thành
của huyền thoại. Nói khác đi huyền thoại hình thành ở đâu vào lúc nào thì bầu
khí xã hội ở đó, lúc đó đóng vai trò liên tưởng.
Vậy liên
tưởng trong huyền sử chính là những sự kiện lịch sử lớn lao như cuộc “Nam tiến” của tiền nhân ta, là vì nó đã xẩy ra
ngay từ thời khuyết sử.
Ngoài ra là những phong tục, định chế, lễ lạy của
cổ thời, mà nay ta không biết có tự lúc nào, thí dụ tục lệ cưới Rể giúp hiểu vụ
Trọng Thuỷ về ở với Mỵ Nương. Lối tính họ theo bên mẹ giúp hiểu tại sao Sùng
Lãm lại gọi theo tên mẹ ( Long Nữ ) và
tên đất ( Lạc ) là Lạc Long quân ...
Ngoài ra còn kể đến ca dao, tục ngữ, đồng diêu, những câu truyện cổ tích
trong nhân gian cũng có thể coi là những chứng từ quý báu, những mối liên tưởng
khả dĩ soi vào nội dung huyền sử.
Tóm lại
điều kiện trước nhất là phải tựa vào sự kiện lịch sử, những phong tục thể chế,
và cả những câu ca dao, tục ngữ ... để cho sự giải nghĩa thần thoại có được
phần xác đáng tương đối.
* Mạch lạc nội tại
Bây giờ bàn đến một điều khác là sự mạch lạc nội tại ( la cohérence
) là điều tối quan trọng, nó là cái nét
“Dĩ nhất quán chi” đem lại cho câu
chuyện lẻ tẻ một sự thống nhất sống động. Cho nên càng đặt nổi điểm này thì sức
linh động càng trở nên mạnh mẽ. Ðã vậy
nó đem lại cho sự giải nghĩa tính chất khoa học, tức là nó thay chế cho tính
cách khách- quan- ngoại- tại chỉ có trong khoa học thực nghiệm chứ không thể có
trong thần thoại, cũng như trong các khoa nhân văn. Vì thế cần phải tìm một đức
tính khoa học khác bù vào chỗ thiếu nọ và đó sẽ là sự mạch lạc nội tại. Ta sẽ
tìm ra nó ở những câu chuyện xẩy ra nhiều lần, thí dụ truyện trăm trứng xẩy ra
rất nhiều nơi. Truyện lụt cả, hay là những con số thí dụ những con số trong Ngũ
hành như 2 , 3, 5, 9. . . sẽ nói dưới. Nhà nghiên cứu nên chú ý đến những câu
chuyện giống nhau đó, suy nghĩ kỹ là đi trên đường dẫn tới mối mạch lạc nội
tại.
Ðó là điều kiện thứ hai khiến cho sự giải nghĩa huyền sử không đến nỗi vu vơ
vô nền.
Mặc dầu nó không thể vượt mức cái nhiên ( probable
) là điều chỉ dành cho khoa học thực
nghiệm vì nó có tính cách khách quan. Còn nhân văn thì chỉ đạt đến sự chắc chắn
cái nhiên, tức chỉ có thể kiểm soát một mố bên Sử, để ước đoán ra mố bên Huyền.
Mố bên Sử (
những sự kiện lịch sử lớn, thể chế, phong tục, ca dao, tục ngữ ) xác định phần nào nội dung, còn mố bên
Huyền ( mạch lạc nội tại ) đem lại cho sự giải nghĩa sức sinh động của minh
triết. Làm được như thế thì Huyền sử đã
đáng là danh hiệu là khoa học nhân văn. Vì con người vốn đã là một thực
thể đầy uyển chuyển, đầy u linh nên sự
xác định không thể đi xa hơn được nữa. Hai đức tính cẩn thận dè dặt phải nhắc
luôn cho nhà tâm phân khi giải nghĩa chiêm bao, thì cũng phải nhắc luôn cho
những người đi vào huyền sử: Biết dừng ở chỗ phải dừng. Ðấy đã là cửa đưa vào nhà minh triết.
IV.- Khi huyền sử đọc huyền thoại:
Lên sổ huyền thoại
“ Sau khi đã đưa ra hai quy luật để giải nghĩa huyền thoại, bây giờ thử áp
dụng vào một số huyền thoại, và chúng ta sẽ thấy lối đọc khác hẳn với những lối
xưa nay. Trước hết hãy lên số một số huyền thoại:
1 .- Truyện 100 trứng thứ nhất
Thần thoại Mường kể rằng: Mặt đất vào thời kỳ ấy
chưa có dấu vết loài người. Ngày kia có một cây si to lớn mọc trên núi cao bị
bão đổ xuống, trong đó bay ra một đôi chim lớn. Ðôi chim này đẻ ra 100 cái
trứng, trong số có 3 cái lớn dị thường. Ðẻ xong đôi chim biến thành người, gọi
tên là Ay và Ua, tức là hai con người đầu tiên trên mặt đất. Bà Tiên cho Ay và
Ua ba cái trứng sẽ nở ra 3 người, nhưng phải sau một trăm ngày.
*Quả nhất nở ra một người đại ca ( Kha ), *quả hai
nở ra Lang - Ða - Cần, *quả ba nở ra con gái là nàng Kịt. Ba anh em sống chung với nhau trong hang Lôi Vang. Tù
trưởng người Mường bị thú dữ ăn thịt, đến xin Lang Ðại ca làm tù trưởng, nhưng
khi đi Lang Ðại ca bị con Hoa tinh đón ăn thịt, nên em là Lang Ða Cần phải lên
thay. Sau còn phải dùng 3 loại cỏ, mỗi thứ 9 sợi, làm phép đánh nhau với Hoa
tinh ( Văn học III ).
2.- Truyện 100 trứng thứ hai
Thần
thoại Ai Lao kể rằng: “ Ngày xưa ở đất Mường Theng ( Ðiện Biên Phủ ) tự nhiên
mọc lên một cây bầu to lớn, chỉ có một quả khổng lồ, khi chín có vô số người ở
trong đó phá vỡ chui ra … người đi về Tây-Bắc - hành thuỷ - tổ Miến Ðiện, người
xuôi theo sông Mê-Nam là dân Thái, người xuôi theo sông Mê Kông là dân Miên,
người đi về hướng mặt trời mọc là dân Việt Nam. Còn nhiều người nữa, mỗi người
đi một phương thành một tộc. Riêng có tổ tiên dân Kha và tổ tiên dân Lào là đi
sau cùng. ( Văn học I . 53 ).
3.- Truyện 100 trứng thứ ba
Thần thoại Mường với 100
trứng nở ra người, 50 người đi về mạn đồng bằng, còn 50 lên mạn ngược ( Văn học
I. 53 ).
4 .- Truyện 100 trứng thứ tư
Người Phủ Nội cũng trong quả
bầu chui ra. ( Văn học I. 124 )
5 .- Truyện thần thoại Lô Lô về 100 trứng
Hai
người Nam Nữ đầu tiên xuất hiện trên mặt đất, không có cha mẹ vì họ do đất nặn
ra … Sau đó hai người kết làm vợ chồng. Người đàn bà đẻ ra một quả bầu đầy hột,
mỗi hột hoá thành một người. ( Văn học
I. 135 ).
6 .- Truyện rùa vàng
Ngày
kia Lang - Ða - Cần đi thăm ruộng gặp một con rùa màu vàng to lớn khác thường,
để đền ơn khỏi bị làm thịt nó hiến Lang - Ða - Cần một kiểu mẫu để xây cất ngôi
nhà. Lang - Ða - Cần lấy vợ tên là bà Chu bà
Chuông đẻ được 9 con trai. Người con cả
nối nghiệp cha, còn 8 anh em lập thành 4 họ lớn, sau đó sinh ra 9 con gái là vợ
các lang. ( Văn học I . 112 ).
7 .- Truyện cây Chu Ðồng
Lang
- Cần chết, con là Rịt-Ràng ( Thục ) lên
thay, giàu có, nhưng chưa có lâu đài. Thần Kem - Ca cho biết ở phía Bắc có một
cây sắt, và phía Tây có một cây đồng. Thân cây rộng 14 sải tay, vươn cao tới
trời, nên dùng hai cây đó mà cất cung điện, gọi là cây Chu
đồng.
8.- Thần thoại Thái
Ngày
xưa trời đất liên lạc với nhau bằng một cây song lớn, nhờ đó mà dân trên trời
dưới đất giao thiệp được với nhau. Trên mặt đất có một người đàn bà goá có một
con trai thường đi lại trên trời, một hôm mẹ đập lúa gọi con về giúp, nhưng nó
cứ ở lì lại trên trời, bà giận lấy mác chặt đứt cây song, từ đó đường đi lại
giữa trời đất mất.
*
Thời ấy cây cối loài vật đều biết nói: ông trời giả vờ chết để thử lòng chúng
xem đứa nào trung thành. Tất cả đều nói: ông Tổ chết rồi, chúng ta tha hồ theo
ý mình.
* Con người được rùa dạy cho nên nói: ông trời chết
rồi, tôi không có chốn ở, ông Tổ chết rồi không có gì để ăn. Trời thấy vậy cho
phép người ăn thịt các giống thú.
9.- Trời làm Hồng thuỷ
Trời
làm Hồng thuỷ, nước dâng cao tận trời, tất cả mọi vật đều chết. Sau đó trời đưa
xuống những sinh vật khác. Tao Suông và Tao Ngân từ trời đưa xuống mặt đất 8
quả bầu và 8 cái gậy. Trong quả bầu có 330 giống lúa và 330 giống người, và
những sách dạy phép phù thuỷ, bói toán, tiên tri. Tao Ngân lấy công chúa là
nàng Um đẻ ra được 18 đứa con.
10.- Thần thoại Khả
Con
chuột nói với hai chị em: trong 6 ngày nữa sẽ có lụt lớn, nếu các người muốn
thoát thì phải chặt một cây, đẽo một đầu để dành thức ăn vào đó rồi buộc vào
cây vả rừng, hai người ở trong đó, nhớ lấy sáp ong bịt lại cho kỹ. Sau 6 ngày
quả xảy ra lụt. Lụt xong chui ra thì loài người chết hết. Có chim tên là Mông
đến khuyên hai anh em lấy nhau, ít lâu sau người đàn bà đẻ ra quả bầu tự đó
chui ra vô số người … Ðể nhớ ơn chim người ta xây đền gọi là chùa ông Mông.
11.- Thần thoại Mèo về tạo lập
vũ trụ
Chữ
Làu ( Thượng Ðế ) sáng tạo trời và đất trong 7 ngày, trời trước đất sau. Trên
trời chưa có tinh tú. Chữ Làu mới tạo ra 10 mặt trời và 9 mặt trăng. Mặt đất
nóng quá, loài người liền hạ cây làm cung bắn 9
mặt trời và 8 mặt trăng.
12.- Hồng thuỷ
Chữ
Làu bảo hai anh em làm cái trống chui vào tránh lụt. Chữ Làu nhìn xuống thấy
nước tràn ngập mới sai 9 con rồng rút nước cho ráo mặt đất. Nước rút hết hai
anh em ở trống chui ra, thấy loài người chết sạch. Một con đại bàng bay lại
mang hai chị em trên cánh đến một chỗ cao.
13.- Sáng tạo loài người
Khi
mặt đất khô ráo rồi, Chữ Làu lấy một nắm đất nặn thân hình con người đầu tiên,
hả sinh khí vào miệng, cho hồn vào bụng và tiếng nói ở cổ họng. Sau đó chữ Làu
đưa đến cho người đàn ông một người đàn bà, để hai bên lấy nhau. Chữ Làu làm ra
thức ăn để nuôi vợ chồng cùng các súc vật cho họ dùng, nhưng vẫn để họ trần
truồng, Chữ Làu giao tiếp thẳng với họ trong ban ngày. Ðến sau chỉ cho biết ý
mình ban đêm qua trung gian một người con gái hiện ra trong mộng. Loài người
trở nên đông đảo trên mặt đất, họ tiếc nhớ những lạc thú ở vườn Giu- Giang -
Ka, mới quyết định trở lại tìm. Họ rủ nhau xây một cái tháp cao để trèo lên
trời. Chữ Làu thấy vậy nghĩ rằng sở dĩ loài người có thể xây được cái tháp đó
vì tất cả đều nói một thứ tiếng và ở một chỗ, vậy phải phân tán họ đi khắp mặt
đất và bắt họ phải nói nhiều tiếng khác nhau. Chữ Làu bèn dùng sét đánh tất cả
những người trèo lên trời. Từ ngày đó mỗi gia đình có một thứ tiếng khác nhau,
người ta không còn hiểu nhau được nữa, nên phải phân tán ra mọi nơi. ( Văn hoá
I. 128-129 ).
14.- Vườn Ðịa đàng và bà Eva bên Ðông phương
Chữ
Làu sáng tạo ra con người, không chết, ai cũng sống 9000 năm rồi chết để vào
vườn cực lạc gọi là Giu- Giang- Ka. Sau 12 hôm
thì lột xác như rắn sống lại trẻ trung. Sau đó một mẹ chồng trở lại bị
con dâu rủa sao còn về làm chi. Mẹ chồng tức quá trở lại vườn Giu- Giang- Ka
uống nước và ăn trái cây mà Chữ Làu đã cấm. Từ đó Chữ Làu không cho con người
vào vườn nữa. Con người chết và chết luôn. Ban đầu đất sản sinh ra đủ thứ hoa
trái, nhưng tự ấy con người phải làm việc vất vả mới có ăn. Ðó là nguồn gốc của nước mắt, mồ hôi, thẹn
thuồng và cũng là nguồn gốc của sự chết.
(Tất cả các truyện trên trích trong Văn
học toàn thư của Hoàng Trọng Miên)
V.- Giảng nghĩa
Trên
đây là một số huyền thoại, nếu đọc thường thì chỉ là những chuyện lạc chạc,
quái dị, xô bồ, cùng lắm để làm truyện vui, nhưng khi đọc những luật tắc đã quy
định ở trên và phân tích từng tố nguyên để đối chiếu so đo và sắp loại thì sẽ
nhìn ra được những dạng thức căn bản chi phối một dân xuyên qua dòng lịch sử
của dân ấy, và do đó làm nổi bật lên được những nét căn cơ giúp chúng ta nhìn
sâu hơn, kỹ lưỡng vào cơ sở tinh thần dân tộc. Thí dụ đầu tiên là hầu hết các
truyện có phảng phất Thánh Kinh về lụt cả, về dựng nên loài người về vườn Ðịa
đàng Giu- Giang- Ka, có tháp cao gây ra những ngôn ngữ dị biệt. Ðiều
đó nói lên bản tính đồng nhiên của con
người.
1.- Tinh thần
công thể
Nhưng trong cái đại đồng đó lại có tiểu
dị nói lên nét đặc trưng của Văn hoá Việt Nho biểu lộ qua cái bọc 100 trứng và
những con số.
Truớc
hết bàn về sự lặp đi lặp lại câu truyện đẻ ra 100 trứng nói lên nét đặc trung
là tinh thần công thể ( esprit
communautaire ) nổi bật hơn bên Âu Tây, nơi mà anh Cain ghen tỵ nên giết em là
Abel. anh Esau tranh giành với em Jacob …, nói lên óc cá nhân, tranh đấu để sinh tồn. Cả hai tinh thần ( Công thể và cá nhân ) đều hiện diện khắp
nơi gây nên nhiều sắc thái do mức độ giao thoa và liều lượng của mỗi yếu tố. Vì
là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu trong nền văn minh nào, nhưng sự khác
biệt là do liều lượng.
Thí
dụ, Việt Nho đặt quan trọng trên công
thể 3 lần còn cá nhân 2 lần. Ngược
lại Tây Âu cá nhân 4 lần, công thể 1, nên ta gọi văn minh họ là cá nhân; còn ta
là công thể. Lúc ấy cái bọc Âu Cơ
trở nên một tiêu điểm rất quý cho chúng ta khi nhìn vào dòng sử mệnh nước nhà,
biết ngay là nó thuộc loại văn minh tôn trọng cộng đồng, công thể và đã hiện
thực vào cái làng Việt Nam .
2.-Tinh thần
công thể đi với Cây và Chim
Tinh
thần công thể đó lại đi với cây và chim.
Nếu xem thường, nhưng khi theo cơ cấu thì ta biết cây thuộc hành mộc nên văn minh nông nghiệp. Trong nền văn minh này
đàn bà đóng vai trò quan trọng nếu không hơn thì chẳng kém đàn ông điều đó nói lên tính chất mẫu hệ, mẫu tộc vốn gắn liền với văn minh nông
nghiệp, mà ta có thể thấy trong cây Chu đồng ( Chu là bà Chu
). Riêng nước ta thì tính chất đó được biểu thị bằng Tiên, và trước nữa là
chim. Vì thế Chim và Tiên hay xuất hiện trong các huyền sử của ta. Ðó là một nền văn hoá sẽ gặp đối thủ là du mục, biểu thị bằng Hành Thuỷ và Kim với hai số 1 và 4, nói
lên tính chất phụ hệ, võ biền và hay
đi với Hoa tộc ( Hoa tinh trong câu chuyện số 1 đã ăn thịt Lang đại ca ), nhưng
được Lang- Ða- Cần nối tiếp. Lang-Ða-Cần
có thể đại diện cho Nhân trong Tam tài, nàng Kịt là Ðịa, đại ca Kha
là Thiên. Lang- Ða- Cần là tài Nhân.
Vì thế có tên Lang-Ða-Cần để nói lên triết lý “ tự cường tự lập bất tức
”. Lang- Ða- Cần phải dùng 3 loại cỏ,
một thứ 9 sợi, làm phép đánh nhau với Hoa tinh.
Ðó là nói lên tính chất biến dịch của triết lý Mẹ đi theo số 3, 5, 9,
nên cũng gọi là số hoá ngược với số phá của cha 4 – 1 (ông Tứ Tượng 14 cây sào).
Ai nắm vững ý nghĩa các số Ngũ hành (xem Chữ Thời) có thể đi sâu vào hơn như trong truyện sống,
thì bà Chu có thể là Chu
tri tức nền minh triết. Bà Chuông có thể là “ cồng bà ” chỉ
quyền lực các bà trong thời Việt Nho. 9 em trai có thể là Cửu Lê, Cửu trù,
Cửu Long với con số mẹ: nữ cửu. 8 anh em lập ra 4 họ có thể là 8 trù
quy ra 4 hành. Truyện số 9, Tây Bắc có thể chỉ văn minh Kim khí của Tây
Bắc, cây rộng 14 thước thì cùng một con số với ông Tứ Tượng (văn minh du mục)
14 cây sào, 14 cũng có thể là 1 – 4 của Tây Bắc. Còn biết bao nhiêu yếu tố
khác có thể tàng ẩn nhiều ý nghĩa. Nhưng để có thể khai quật ra chúng ta còn
phải nghiên cứu nhiều, và vì thế chương sau chúng ta bàn về việc trang bị bằng
những sở đắc của cơ cấu luận.
Việt
Nhân, Tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc (Trích)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét