Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Mã Văn Hóa

THỜI ĐẠI VIỆT NHO
Kim Định


Để có thể nhận ra sự khác biệt giữa Việt Nho và Hán Nho, chúng ta cần phải nhận thức được thời đại, cũng như địa vực hình thành của Nho giáo. Có như thế mới mong nhận ra được sắc thái, cũng như bản chất của Nho giáo bấy lâu đã bị che lấp. Cho tới nay, không ai nói tới Việt Nho hay Nho nguyên thủy, mà một trong những lý do là vì chưa học giả nào làm nổi bật lên thời đại và địa vực của Việt Nho cả. Vì mọi người chỉ quen biết nước Tàu qua hình ảnh một nước Tàu với ngũ thiên niên sử, với giải đất mênh mông chạy dài từ tỉnh Cam Túc Mãn châu đến Bắc Việt, mà không để ý đến sự khác biệt trong thời gian và không gian. Nhờ đó sự đánh lộn sòng của Hán Nho trở nên êm thắm mà không có ai phản đối chi cả. Thế nhưng, trong khi nghiên cứu lại lịch sử, chúng ta mới thấy rõ đây là hai thời kỳ khác hẳn nhau, mà khúc rẽ lớn nhất là việc Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn Nho. Nhưng phải hiểu rộng ra là cả hàng ngàn năm, vì đây là một biến cố trọng đại xẩy ra trong thời gian lâu dài, mà hậu quả của nó là khiến cho Nho giáo dần dần mang một khuôn mặt khác hẳn, đến nỗi khi nghiên cứu lại thật tường tận, ta phải đặt cho hai thời kỳ hai tên gọi khác nhau, vì chúng mang hai nội dung khác biệt nhau.
Thời trước là Việt Nho, thời sau là Hán Nho. Từ Việt Nho chuyển sang Hán Nho là một sự kiện lịch sử đã được báo trước, lối giữa thế kỷ thứ IV trước công nguyên, lúc mà nước Tấn (Xuân Thu) bị chia làm ba nước Triệu, Nguỵ, Hàn. Sở dĩ lấy việc phân chia nước Tấn làm tiêu điểm, vì trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất nước Tàu, nước Tấn được kể là lớn nhất trong các nuớc của nhà Chu. Nước này nằm trong tỉnh Sơn Tây, trước kia là đất của vua Nghiêu mang tên là Đường, như còn gọi thế trong quốc phong: đất xấu, dân nghèo, có tính cần cù lo xa. Đó là những đức tính do chính
thể của vua Nghiêu (Legge 4,174). Vì thế việc tan rã của nước Tấn cũng chính là bước
khởi đầu sự băng hại của Vương Nho để chuyển sang Đế Nho với Tần Hán. Vương Nho là một sự kết hợp xẩy ra ở đời Chu được Khổng Tử nhắc tới trong câu Chu giám ư nhị đại, úc úc hỗ văn tai…” (L.N.III.14). Nhà Chu noi gương hai nhà trước là Thương và Hạ mà lập nên nền văn hóa xán lạn. Vậy hai nhà ấy đã đóng góp những gì? Về nhà Hạ thì không còn sử liệu nào cả, chỉ còn thiên Vũ cống, nhưng rõ ràng là huyền thoại (sẽ nói sau). Vậy ở đây chỉ bàn đến sự chuyển tiếp từ nhà Thương sang nhà Chu vì có nhiều tang chứng nhất là các đồ đồng. Sách nói về thời này kĩ nhất phải kể tới quyển “La connaissance de la Chine” của giáo sư Creel (Payot Paris) vì đặt căn cứ trên 332 đồ đồng. Theo đó thì nhà Thương đã có những đóng góp sau: 
-  Tục cúng tế tổ tiên và tế xã (Creel 320)
-  Coi bói mu rùa và nhà chữ đinh (C.60)
-  Nhà cất theo hướng từ trường (C.64) nên đoán là đã tìm ra kim chỉ nam.
-  Có cái lịch (nối ba bề) với hệ thống số ba được đề cao (43,91)
-  Có tầm tang (85). Có hội mùa xuân (tức tôn giáo phong nhiêu và tế tự còn đi sát với dân nên tồn tại lâu, xem Eberhard 27)
Đó là những yếu tố căn bản làm thành văn hóa mà tôi gọi là Việt Nho. Vậy thử hỏi những yếu tố ấy bởi đâu? Phải chăng nhà Thương vốn có từ trước hay là chiếm đoạt của dân bị trị, thuộc nền văn hóa Long Sơn và Thành Tự nhai? Xem ra nhà Thương đã chiếm đoạt, vì những yếu tố nọ rất khác với nhà Chu sẽ là khuôn mẫu cho nền văn hóa Tàu. Nhưng cho dầu không chiếm đoạt đi nữa, thì cũng rõ ràng là nó khác với đợt nhà Chu phát xuất tự Tây Bắc. Ngược lại đây tự Đông Bắc theo cách gọi của giáo sư Creel. Còn tôi thì cho là Đông Nam, vì vừa hợp danh hiệu hơn (Sơn Đông nơi có đồ gốm và Hà Nam kinh đô nhà Thương) và những thám quật càng ngày càng chứng tỏ ảnh hưởng lớn lao của miền Nam, và chứng minh có hai nền văn hóa phát xuất từ hai nơi khác nhau và đã va chạm, giao thoa với nhau nên còn lưu lại ấn tích của sự việc. Nhà Thương đại diện cho Đông Nam, còn nhà Chu cho Tây Bắc. (Có bàn kỹ trong quyển Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt Nam, bài: Thuyết Việt Nho trước những cuộc thám quật mới nhất). Và sau đây là bốn đóng góp của nhà Chu:
-  Luật hình
-  Hoạn quan
-  Quan niệm thiên mệnh và quan niệm nước Tàu là trung tâm (Trung Quốc) của thiên hạ (Creel 333, 337, 350, 352). Trước đó chưa có hai quan niệm này vì nước nhà Thương cũng mới rộng chừng 115.000 cây số (Creel 131). Cũng nên kể thêm việc đề cao tù trưởng sẽ dẫn đến thói sùng thượng lễ đời Hán.
Sự chuyển từ tư sản làng xã sang tư sản phong kiến (Need II.105) mà ông Eberhard cho là lập ra giai cấp quý tộc (gentry) và kêu là bách tính để phân biệt với dân tộc đen (lê dân) (Eberhard 27). Bốn yếu tố đó có tính cách du mục nặng về lý trí đem lại sự minh bạch. Vì thế nhà Chu được kể là có công đặt để một khuôn mẫu cho nền văn hóa Việt Nho chưa hình thành rõ rệt ở hai đời trước, mà các học giả quen gọi là thời lên men của các ý tưởng (Creel 209). Những tính chất du mục hiện lên rõ rệt từ nhà Chu sẽ được phát triển tới tột cùng ở nhà Tần, rồi truyền qua nhà Hán để in dấu rõ rệt trên nền văn hóa nước Tàu. Vì thế, mặc dầu ngay tự buổi đầu nhà Chu đã xưng mình thuộc dòng nông nghiệp, nhưng các học giả vẫn gọi nền văn hóa đó là du mục (monadisme patriarcal, hay là pastoral ngược với vegetal world của Đông Nam… Need II.576), tức là khác hẳn với nền văn hóa phương Nam của Viêm Việt luôn trung thành với các yếu tố nông nghiệp: nhu nhuận, bình sản, tự do, ưa hồn nhiên đột khởi hơn công ước (sính lễ), trọng tình cảm hơn lý trí… và thế là trở thành hai khuynh hướng chống đối nhau xuyên qua bốn ngàn năm lịch sử mà ba chặng lớn có thể kể tới là Long Sơn, Đông Chu và Tần Hán (Archéo 444). Có nhận xét như trên mới có thể giải nghĩa được mấy hiện tượng sau:
1. Nếu bảo Nho giáo là của Tàu, thế tại sao mấy triều đại chính của Tàu lại phá Nho mạnh nhất: nhà Chu tận diệt sách của nhà Thương. (Need I.86), nhà Tần đốt sách chôn Nho, nhà Hán xuyên tạc kinh văn. Và sau này tuy đã nhận Nho nhưng vẫn còn lưu lại hai yếu tố phát xuất tự Tây là hoạn quan (Iran) và pháp hình để kiểm soát Nho sĩ.
2. Tại sao nước Việt Nam (thực tế là các làng) mãi tự xa xưa luôn luôn lẩn trốn văn minh Tàu như nhận xét tinh tế của ông P.Mus (334) thế mà những hằng số của Nho lại nằm sâu trong lòng dân Việt Nam, còn sâu xa hơn cả bên Tàu. Và qua bao lần chố ng Tàu mà không hề chống Nho, kể cả những thời có tinh thần độc lập nhất như nhà Lê.
Nhiều người lên án Nho giáo là cổ hủ, muốn duy trì chế độ phong kiến, chống lại sự thống nhất. Đấy là lối nhìn một chiều của Hán Nho, vì đã không thấy rằng thể chế mới đã bóp chết tự do của các tiểu bang, mà trước kia là các làng mạc của ta. Và, khi Việt Nho muốn duy trì “phong kiến”, thì chính là vì muốn chống lại ý đồ thoán đoạt của người xâm lăng tự đồng hóa với vương triều để đặt ách thống trị lên dân chúng. Lý tưởng của Việt Nho là bảo vệ nền tự trị xã thôn với chế độ bình sản và tự do con người, ít ra theo chủ trương triết lý cũng như trên phương diện lễ tục. Bởi thế, nếu xét về nội dung thì nó là một thứ liên bang tinh thần, trong đó không ai bị lễ tục bắt phải làm nô lệ truyền kiếp, hoặc bắt phải tay trắng kiểu vô sản. Vì thế mà nó đã được đỡ đầu do nhiều hiền triết ẩn dưới những tên như Thần nông, Phục Hy, Nữ Oa, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ… tất cả là những tên quen thuộc của giai đoạn Viêm Việt, giai đoạn đã thành lập được nền văn minh nông nghiệp mà sau này mang tên là Vương đạo. Nhưng rồi cùng với thời gian và sự thấu nhập của các làn xâm lăng từ Tây Bắc, nền văn hóa này đã bị lung lay. Và từ cuối thời Xuân Thu mấy nước lớn như Tề, Tấn, Tống, Sở, Ngô, Việt, Tần có tranh bá đồ vương, không phải để làm sống lại tinh thần
vương đạo, mà cốt để thôn tính các nước nhỏ cho tới khi toàn thắng để đặt nền thống trị trên toàn lãnh thổ (H.Maspéro p.323). Tự hậu người ta có gọi là Nho giáo, thì cũng chỉ còn là mượn danh hiệu, vì chính ra đó chỉ là pháp gia, hình gia chứ có còn đâu là Nho gia. Vì Nho cũng chính là Nhu, vừa có nghĩa là nhu yếu (đáp ứng những nhu yếu thâm sâu của con người) vừa có nghĩa là đạo của dân nhu thuận hiền hậu. Từ đời Hán về sau chỉ còn có cái tên gọi là Nho, nhưng nặng màu chính trị du mục mà thôi. Vì thế, mỗi khi nói tới Việt Nho phải hiểu vào thời Xuân Thu trở về trước, còn từ thời chiến quốc về sau thì là một loại Nho khác. 
Có một giai thoại truyền lại rằng: đời Chu Kinh Vương năm 481, tr.k.n. có người nước Lỗ bắt được con Kỳ lân què chân trái. Khổng Tử trông thấy nói rằng “Kỳ lân xuất hiện làm gì”. Rồi bưng mặt khóc. Từ đấy ngài ngưng viết kinh Xuân Thu.
Câu chuyện trên có thể chỉ là giai thoại, nhưng đã nói lên được sự kiện lớn lao là việc chấm dứt một giai đoạn mà tôi gọi là Việt Nho, một thứ Nho bênh vực con người theo nghĩa trung thực, bao gồm tự do, nhân phẩm với bình sản, mở rộng cho tới toàn dân. Mà vì dân chiếm bên trái, phương Đông, phương của Kỳ lân nên câu chuyện trên có ngụ ý: lân đã ra ở phía Tây nên què chân trái, tức bị Hán Nho uy hiếp. Tuy nhiên Kỳ lân chưa chết, nó chỉ què một chân, có nghĩa là nó còn lẩn quất đâu đây, có thể nằm trong kinh sách, hoặc là một hình ảnh mờ nhạt trong dân gian, đôi khi tác động trên chính trị. Nhưng chưa bao giờ xuất hiện trở lại và chỉ còn để những dấu hiệu mờ ảo, chẳng hạn việc vua đeo ngọc trắng, kẻ sĩ đeo ngọc nhu cửu (có thể trắng phía tây. Nhu là nho, thuộc văn minh mẹ nữ cửu) hay là sách Tố như chỉ có giấy trắng… hoặc ngọc tỉ hay kinh Nhạc bị mất, hoặc cửu đỉnh bị chìm. Bấy nhiêu điều đó có thể là những dấu chỉ rằng, ngoài Hán Nho còn có cái chi sâu thẳm. Ở đây chúng ta cố gắng nhìn bao trùm lấy ngũ kinh, để may ra có thể nhìn thấy được khuôn mặt của con lân lúc chưa què chân trái, tức lúc Nho còn là Việt Nho vậy.
PHỤ CHÚ: NHỮNG CHẶNG LỚN TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA CHIA LÀM HAI THỜI VIỆT NHO VÀ HÁN NHO

Đây là bảng nhất lãm hai thời Việt Nho và Hán Nho. Thời Việt Nho có thể chia làm ba phần. Tam Hoàng còn nằm trong nhân thoại chỉ những giai đoạn rất dài, nên cho cả niên hiệu lưu truyền của Viêm Việt lẫn Hoa tộc được kêu là “khoa học”. Ngũ đế là giai đoạn  đã khá gần lịch sử, những niên hiệu cũng như nhân vật mới chỉ là đại tượng. Đến Tam đại thì có thể nói là đã đi vào lịch sử đến non một nửa, nhất là hai nhà Thương và Chu. Đời Chu nhất là thời Đông Chu có thể coi như giai đoạn chuyển tiếp từ Việt Nho tới H án Nho.
A.  Việt Nho: gồm tam hoàng, ngũ đế, tam đại
1. Tam Hoàng
-  Toại Nhơn, Hữu Sào: biết dùng lửa, biết làm nhà.
-   Phục Hy, Nữ Oa: 4483-4369 khởi đầu sáng tạo chữ viết và kinh Dịch.
-  Thần Nông: 3320-3080, biết làm ruộng.
2.  Ngũ Đế
-  Hoàng Đế 2697 
-  Thiếu Hạo 2597
-  Chuyên Húc 2513
-  Đế Nghiêu 2356
-  Đế Thuấn 2255 (từ Chuyên Húc đến Nghiêu người ta thường kể thêm Đế Cốc 2435, Đế Chí 2365)
3. Tam Đại: Hạ, Thương, Chu
-  Hạ: Vũ trị thuỷ lên ngôi năm 2205. Kiệt làm mất
-  Thương (An) Thành lên 1783, Trụ làm mất.
-  Chu: A, Tây Chu: Văn, Võ Chu, Công 1134-771; B, Đông Chu gồm hai thời kỳ:
Xuân Thu 772-481, Chiến Quốc 481-249 (ngũ bá).
B.   Hán Nho
-  Nhà Tần 249-207
-  Nhà Hán: Tiền Hán 206 tcn – 9 scn. Vương Mãn 9-24, Hậu Hán 25-220
-  Tam quốc: Nguỵ, Ngô, Thục 220-265
-  Đông Tấn: 265-316
Nam Bắc Triều: 316-581
-  Tuỳ, Đường: 581-907
-  Ngũ Đại: 907-1126
Nam Tống: 1127-1279
-  Nhà Nguyên: 1280-1367 
-  Nhà Minh: 1368-1644
-  Nhà Thanh: 1644-1911
Vài nhận xét về bảng trên:
Những chữ tam hoàng, ngũ đế phải hiểu cách rất co giãn, vì là tên tiên thiên đặt theo tam tài, ngũ hành. Xem ra tam đại rồi tiếp theo ngũ bá là một sự bắt chước lối đặt tên kiểu tam hoàng và ngũ đế nhưng đã sa đọa. Ở tam hoàng các dân căn cứ vào tài đức mà cụ thể là các sáng chế như sự dùng lửa, làm nhà, sáng tạo kinh Dịch và làm ruộng. Còn tam đại là thiên về cá nhân nên gọi bằng tên triều đại: Hạ, Thương, Chu, Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Ta còn nhận ra sự sa đọa được ghi đó đây, thí dụ Lễ Ký. II 307 nói Ngu Thuấn trọng đức. Nhà Hạ trọng tước. Nhà Ân trọng phú. Đó là những nấc đi xuống từ đức qua tước đến phú. (Xem Cordier 167). Ngũ đế còn nhiều ảnh hưởng Việt Nho vì Thuấn nếu không là người Đông Di thì cũng mang nặng tinh thần Đông Di và xem ra còn gọi theo lối Việt: thay vì gọi Thuấn Đế thì lại gọi là Đế Thuấn y như Nữ Oa, Thần Nông mà không là Oa Nữ, Nông Thần như lối Hán.
Nên ghi nhận các danh hiệu huyền sử nước ta đều đặt theo lối tam hoàng tức gọi theo
những phát minh chứ không theo dòng tộc. Thí dụ phát minh lửa ghi vào tên Xích Quỉ, Viêm Việt. Hữu Sào là Hồng Bàng (nhà chim). Phục Hy, Nữ Oa là Văn Lang, Giao Chỉ (cả hai chữ đều có hai nét âm dương giao thoa (Việt lý 357-371). Thần Nông là chữ Việt mễ cũng như Việt tẩu là thoát chạy trước sức chen lấn của Hoàng Đế. Xem vậy đủ biết nếu bỏ thời này thì văn hóa nước nhà sẽ mất đi phần sơ nguyên căn cội hơn cả.

BỐN: ĐỊA VỰC VIỆT NHO
Phải nói là Việt Nho bàng bạc trên khắp nước Tàu, trước khi người Tàu xâm nhập. Và sau này, khi đã xâm nhập, thì cũng chỉ chiếm những khoảng rất khiêm tốn, như đã nói ở trên về nhà Thương mà địa vực mới mở rộng được chừng trên một trăm ngàn cây số. Vì thế cần phải giũ bỏ quan niệm nước Tàu rộng mênh mông ngay tự ban đầu. Và lúc ấy mới hiểu được sự chập chờn mênh mông của bờ cõi Việt Nho: nó uyển chuyển linh động. Nếu muốn xác định một phần nào, thì nên căn cứ vào thiên “Vũ cống” trong kinh Thư, vì đó là một trang huyền sử: sự thực trộn lẫn với siêu thực, không thể hiểu theo đúng như vậy, nhưng phải từ những mụn mảnh sự thực vươn lên cái siêu thực, nằm ngoài những điều kiện thời gian và không gian. Nói về địa dư mà lại không chịu điều kiện không gian thì là cả một vấn đề tế nhị, nhưng không còn cách nào khác. Chúng ta biết ông Đại Vũ (2205) xuất hiện lâu trước nhà Chu (1122-255), vậy mà cương vực của nhà Chu chưa vượt khỏi châu Kí, châu Duyện (xem bản đồ I). Nam man cuối đời Chu vẫn còn độc lập: vua Sở còn coi khinh tước quyền do nhà Chu muốn trao tặng, và đã hai lần (năm 900 và 700 tr.k.n) xưng đế. Thời Xuân Thu nước Sở có lúc đã đại diện cho cả một khối dân đông đúc mà người Hán xem là hạ cấp và quen gọi là Nam Di gồm có Việt, Ngô và các sắc dân miền Quảng Tây, Quy Châu, Vân Nam… nên tuy Tàu khinh Sở mà vẫn kiêng nể Sở. Hễ nước bé nào như Vệ, Trịnh, Tống, Hứa phụ vào Sở thì các nước mạn Bắc liên minh với nhau mà đánh. Chẳng hạn năm Hy Công thứ 28, Tề, Tấn, Tống, Tần liên minh đánh Sở. Tóm lại thời Xuân Thu có hai nước thay đổi nhau mạnh nhất là Sở và Tần chứ không phải là Tàu, huống nữa là mãi đời Hạ thì nước Tàu còn bé lắm (1). Thế mà sách nói Đại Vũ bao quát hết cả 9 châu nghĩa là rộng gấp 5, 6 lần hơn nhà Chu thì đã rõ đó là chuyện không tưởng. Ngay đến vạn lý trường thành mà người ta tính theo thời đó cũng mới dài có 300 dặm, thế mà các con sông
Đại vũ phải đào dài tới 1500 dặm. Vậy thì có đủ lý do coi thiên Vũ cống là huyền thoại, và chúng ta sẽ đọc theo lối huyền sử, nghĩa là địa vực hoạt động được gán cho ông Vũ chẳng có chi khác hơn là sự ông Vũ đã ước mong có thể cai trị nước theo tinh thần Việt Nho, nói bóng là “trị thuỷ”. Thực ra trong thời Xuân Thu Chiến Quốc có đến 6 nước mạnh là Tề, Tấn, Ngô, Việt, Sở, Tần. Cả 6 đã có lần gần nắm trọn cả nước Tàu. Nhưng rồi Tề Hoàn Công thì ngăn Sở, Tấn Văn Công thì liên kết với Tần để đánh Sở, giúp cho Tần lớn mạnh và đó là điều người sau cho Tấn Văn Công không nhìn xa bằng Tề Hoàn Công. Ngô đã có lúc mạnh đủ sức chinh phục trọn nước Tàu, nhưng Phù Sai không biết giữ điều độ… (xem Royaume de Ou của Tschepe p.141) nên bị Việt diệt năm 372 và lúc ấy Việt trở nên mạnh nhất: cả nước Tống, Trịnh, Lỗ, Vệ, Trần, Sái… đều phải cầm thẻ ngà đến triều yết Việt Câu Tiễn…
Nhưng rồi Việt bị Sở diệt và sức mạnh chuyển sang Sở. Nhưng Sở không gặp may nên cuối cùng bị Tần diệt và thống nhất nước Tàu, do đó đổ khuôn cho Nho giáo được nhà Hán thừa hưởng và truyền đến tận đầu thế kỷ 20, nên gọi là Hán Nho. Thế mà lẽ ra phải là  Việt Nho vì tất cả chỉ có bốn dịp may để Nho giáo có thể đổ khuôn thì Viêm Việt nắm ba (Ngô, Việt, Sở cùng chủng Nam Man. Tấn, Tề không có may bằng, nên không kể). Thế mà cuối cùng lại là Tần, thì đó là một trong những cái may rủi đầy mỉa mai của lịch sử. Hiểu theo nghĩa này thì thiên “Vũ Cống” lại là bản đồ duy nhất còn sót lại trong kinh điển có thể dùng làm tài liệu để rọi ít nhiều ánh sáng vào cương vực Việt Nho, mà trung tâm lại ở phía Nam.
Ta có thể suy luận như thế vì kinh Thư, thiên Vũ cống (câu 20) lại đặt nội phương ở vùng núi Ba Trủng, Kinh Sơn, Dân Sơn là nơi phát nguyên của Trường Giang (cũng là nơi Viêm Việt vào nước Tàu). Còn ngoại phương thì đặt ở vùng Thái Hoa mạn bắc Hoàng Hà. Thái Hoa cũng gọi là Tùng Sơn hoặc Thái Thất (Legge 131). Đã nói rằng địa vực vận hành của sử Tàu là ba châu Kinh, Duyện, Dự nằm trên bờ sông Hoàng Hà. Thế mà ở thiên Vũ cống thì trung ương (nội phương) lại nằm ở Châu Kinh (tức Kinh Việt) trên bờ sông Dương Tử. Như vậy rõ ràng đã có một sự di chuyển trung tâm từ Dương Tử lên Hoàng Hà.
Câu 20: Đạo khiên cập kì…
Chí vu Thái hoa, Hùng nhĩ, Ngoại phương.
Câu 21: Đạo Ba Trủng
Chí vu Kinh Sơn, Nội phương.
Chí vu Đại biệt.
Dân sơn Chi dương, Chí vu Hành sơn. Quá Cửu giang.
Vì thế mà ta có thể cho thiên Vũ cống là một trang huyền sử. Để được là huyền sử thì sự việc phải xảy ra nhiều lần về sau đến độ có thể kiểm chứng phần nào bằng lịch sử. Điều ấy có thể thấy ngay ở thời Tam Quốc (221-263) mà ta có thể coi được là thời tạm trở lại chế độ Xuân Thu Chiến Quốc, trong đó địa vực tiên khởi của nước Tàu rút vào bờ cõi nước Nguỵ ở mạn Bắc (bản đồ 2) còn bên ngoài là vùng mênh mông của hai nước Thục và Ngô mà trước đây ít thế kỷ chính là vùng của Việt Nho, cũng gọi là “Chư Hạ” đối với Hoa Bắc.
Nói Đại Vũ lập ra nhà Hạ có nghĩa là làm vua phương Nam và lập được hai công lớn, một là đúc đỉnh, hai là trị nước. Trị nước theo đồng văn có nghĩa là thực hiện nổi nền triết lý Việt Nho vào việc chính trị, còn đúc đỉnh là đúc hai nền văn hóa Việt Hoa vào một khối kêu là Hoa Hạ. Nói theo biểu tượng là đem cơ cấu tam tài quảng diễn đến số 9 của Cửu Lê, gọi bóng là đúc cửu đỉnh. Đỉnh có ba chân y như cái lịch, hay cái nồi tam biên vậy, cho nên đỉnh là tam biên, cả hai đều ba chân (hình 3).
Vì thế, “đúc cửu đỉnh” có nghĩa là làm cho nền văn hóa tam biên mở rộng tới cửu đỉnh tức là Cơ đi tới Dụng, từ tiềm thức mơ hồ đi tới ý thức có hệ thống. Áp dụng vào văn hóa, thì hai nền văn hóa Việt Hoa hòa hợp: văn hóa Việt có tính cách quân bình âm dương nhân đạo, nhưng yếu ớt vì dừng lại ở cấp bang cấp làng (bộ lạc) không tổ hợp nổi thành liên bang, nên các bang phương nam vẫn ở trong tình trạng mà H.Maspéro cho là “vô tổ chức phương, được tổ chức lối du mục khe khắt. Rất có thể câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ xuất hiện do tình trạng lúc đó. Ngưu Lang chỉ tinh thần du mục, Chức Nữ chỉ tinh thần nông
nghiệp định cư nơi có nhiều tự do. Bờ cõi hai bên là dòng sông Hán được coi như tượng hình của sông Ngân Hà, nên Ngân Hà cũng kêu là sông Thiên Hán hay Vân Hán. Vậy hai nền văn hóa đã tiếp xúc nhau lâu ngày, và đã trao đổi cũng như tiếp nhận nhiều điều nhưng chưa hẳn trở nên một. Điều này chỉ khởi đầu tự đầu tiên mở rộng biên cương liên bang xuống miền Nam, nên huyền sử kêu là lập ra Hoa Hạ, tức các nước phía Nam, thế nên sử Tàu kể nhà Hạ là nhà vua đầu tiên của họ. Còn
phía Viêm Việt cũng coi Hạ Vũ là ông vua có vợ Việt, tức linh phối với văn hóa Việt. Biểu hiệu của ông là 4 vật: trống, cồng, khánh, chuông được treo ngoài cửa đền. Bốn vật đó hầu hết là tiêu biểu của phương Nam, ít ra về cách xử dụng. Trống và cồng rất rõ rệt: ai muốn gặp vua để bàn luận về đạo nghĩa thì đánh trống, còn đánh cồng là tỏ ý không chấp nhận một hành vi nào đó của vua. Đấy là hai vật tiêu biểu cho phương Nam hơn hết, nơi mà quyền cai trị có tính cách tập thể, như được lưu truyền về sau trong các hội đồng kỳ mục.
Còn hai vật kia: khánh đánh khi có tin quan trọng, chuông khi có điểu sửa bảo riêng, chỉ có thể được coi là của phương Bắc, một phần nào thôi (Dyson 159). Tục truyền rằng người thời ấy hay dùng bốn vật trên, nên lắm khi mãi tới nửa đêm vua Đại Vũ mới được ăn cơm chiều. Đấy chỉ là huyền thoại nói lên sự kiên nhẫn, óc thích nghi của Đại Vũ đã khéo léo đặt cơ chế xã hội lý của Hoa tộc trên cơ chế xã hội tình của Viêm Việt. Đem ngoại phương đặt vào nội phương, tức là lấy Việt Nho làm phần cốt cán. Truyện này còn xảy ra nhiều lần sau như đã được sử sách ghi chép. Trong quyển Trung Hoa sử cương, tr 97, Đào Duy Anh viết: “Người Hán tộc có thành kiến Bắc Nam. Song trải qua nạn Ngũ hồ nhà Đông Tấn và các Nam triều thống trị phương Nam hưng thịnh, người Bắc bị Nam hóa nên quan niệm Bắc Nam dần dần tiêu tán” (1). Đó là một câu nói vô tình đã chứng minh nguồn gốc Việt Nam của Nho giáo, vì khi hai luồng văn hóa giao thoa thì Nam đã chuyển hóa Bắc, rất nhiều lần như vậy tự xa xưa lúc Việt còn gọi là Lạc, Miêu, Man… Sự chuyển hóa đã theo một chiều và nhiều lần nên về sau xóa mất ý thức về sự việc, cho nên xảy ra hai hậu quả:
một là làm cho người Việt quên hẳn công đầu của tổ tiên đối với văn hóa, hai là không còn đề phòng những yếu tố Hoa nữa, nên chúng xuất hiện kéo Nho giáo nghiêng sang phía Hoa tộc. Thí dụ về sau Đại Vũ không truyền hiền mà lại truyền tử thì đã sai đường Viêm Việt. Sử cũng còn vớt lại một câu rằng Vũ có ý truyền hiền, nhưng hiền lại là con Vũ, nên nói truyền tử hay truyền hiền đều đúng. Nói chung thì ông Vũ đã cố thực hiện Việt Nho.
Thiên Vũ Cống nói là ông khởi đầu việc “trị thủy” bằng khai thông Long môn ở vùng Thái Nguyên. Long Môn chính là Việt lý lấy rồng làm nền tảng, vì nó biểu thị sự biến hóa, nên gọi là đạt chốn uyên nguyên, nói bóng là Thái nguyên. Những tên này (Long môn, Thái nguyên và nhiều tên khác trong Vũ Cống) vừa chỉ địa danh vừa chỉ ý nghĩa thâm sâu của triết. Đó là điều phải hiểu khi đọc thiên Vũ cống. Cho nên ta có thể kết luận Đại Vũ là một tiêu biểu cho sự đúc kết hai nền văn hóa Việt Hoa, mà sau này cònmột cao đỉnh thứ ba nữa là Khổng Tử.
Đợt nhất là Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, lập đức. 
Đợt nhì là Đại Vũ lập công
Đợt ba là Khổng Tử lập ngôn.
Nhờ ba đỉnh đó mà nước Tàu thâu nhận được nền văn hóa cổ xưa của Viêm Việt để dần dần tách ra mà vươn lên như H.Maspéro nhận xét: “c’est un des traits que la Chine antique avait hérités de la culture primitive commune au monde extrême-oriental et elle ne s’en dégages que lentement” (C.A.32) Các triết gia Trung Hoa sau thời Hán phần nhiều xuất hiện trên phần đất Cồ Việt như Chiết giang (quê của Vương Dương Minh) Vương Sung và hầu hết môn đệ của Lục Cửu Uyên đều xuất thân Giang Tây, Chu Don Di ở Hồ Nam. Phía bắc chỉ thấy có Vương Thông (Sơn Tây) còn ngoài ra tuy gọi là Bắc mà thực ra là miền Bắc của Cồ Việt như Chu Hy tỉnh Anh Huy. Trình Y Xuyên và Trương Tái ở Hà Nam. Chính ra thì nơi xuất thân không quan trọng, nhưng trong trường hợp Trung Hoa tự đời Hán thì ai sinh ra phía Bắc thường đi với Hán Nho như Chu Hy, còn phía Nam đi với Việt Nho như Vương Dương Minh. Trường hợp rất rõ thuộc Diễm Nhược Cự (1614-1704) người Tây sơn chống Thượng thư cổ văn của Khổng An Quốc. Trái lại Mao Kỳ Linh (1623-1713) quê Chiết giang bác bỏ thuyết của Diễm Nhược Cự trong quyển “cổ văn thượng thư oan từ” (xem
chương VI)
Hình vẽ
Chú giải bản đồ cửu châu Thiên Vũ cống chính ra chỉ là một bài ca tụng công đức Đại Vũ, nên sự thực thì ít mà tán tụng quá nhiều, vì thế bản đồ trung thực cửu châu phải vẽ theo khung Lạc thư, như chúng tôi đã cho in trong Việt lý. Ở đây tôi mượn bản đồ cửu châu của Legge để giúp người đọc có một ý niệm cụ thể hơn, hầu dễ theo dõi khi đọc chính văn thiên Vũ Cống. Dưới đây là vài chú thích để giúp nhận diện địa vực Nho giáo nguyên thủy.
Ký châu:
Đất Ký châu tốt nhất. Kinh đô cũ tự Hoàng Đế đến Thuấn đều ở Ký châu. Long môn là một địa điểm quan trọng của sông Hoàng hà, Nhạc đương là núi chính của Kí châu.
Duyện châu:
Gồm Sơn Đông và Trực lệ, địa vực nước Yên xưa. Có hồ Lôi hạ nơi hai sông Ung Thư gặp nhau làm phát ra âm thanh như tiếng sấm.
Thanh châu: 
Gồm cả Cao Ly, Sơn Đông, nơi của dân Lai được nói đến trong vụ Minh thệ giữa hai nước Tề Lỗ có Khổng Tử làm chủ. Ông Vũ giúp cho dân Lai làm nghề chăn nuôi (Lai di tác mục).
Từ châu:
Có một bảo vật là đá để làm khánh, cùng đá ngũ sắc, lông trĩ. Dân sông Hoài cúng hạt trai và cá, đi trên sông Hoài sông Tứ để đến sông Hà. Địa hạt gồm một phần các tỉnh Giang Tô, An Huy, Sơn Đông. Các châu khác chỉ có hai biên giới, đây đặc biệt có đến ba biên giới: phía đông là biển, phía bắc có Thái sơn, phía nam có sông Hoài.
Dương châu:
Ăn tự sông Hoài đến Quảng đông, có người cho là đến Nam kỳ vì có cúng ngà voi (xỉ) và sừng con tê giác (cách). Có Hồ Bành lãi rất rộng (450 dặm) giáp với bốn quận, trên có núi bà Dương nên cũng gọi là hồ bà Dương (Poyang). Chính ở đây có nhiều ngỗng rừng gọi là Dương điểu “Bành lãi kí chư, Dương điểu du cư”.
Kinh châu:
Gồm các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây, Tứ Xuyên, có Cửu Giang và sông Tang Lạc. Cống hai thứ quý đặc biệt là Đồng dùng đúc trống và Rùa: nguồn gốc đặt ra chữ (Dyson 26). “Cửu giang nạp tích đại quy”, chữ hán (xem Legge 116)
Cửu giang ở đâu? Có ý kiến cho là bắt đầu ở Ngạc lăng và tận cùng ở Giang khẩu, gặp
nhau ở sông Tang Lạc. Có ý kiến cho là ở Bành Lãi. (sông Lạc đã nói ở trên gọi là Tang Lạc vì ở nơi sông Lạc có trồng dâu nuôi tằm).
Dự châu:
Dự châu ở trung cung chạm với chác châu kia, trừ Thanh châu nằm phía Đông, gồm tất cả các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc. Bắc giáp sông Hà, Nam giáp núi Kinh, có huyện khai phong. Có sông Lạc trước khi nhập sông Hà thì nhận nước ba sông Y, Chiền, Giản nên hay gây nhiều lụt lội.
Lương Châu:
Ở trong vùng Thiểm Tây và Hán Trung, có núi Dân núi Ba ở mạn tây bắc Tứ xuyên. Đó là nơi phát xuất của sông Dương tử và Hán giang. Tư Mã Thiên trong sử ký gọi là sông Vấn (chữ hán) (thay cho Dân, chữ hán). Có ẩn ý gì trong việc thay tên này chăng vì chữ Dân chỉ Viêm Việt, nên muốn xóa tên cũ chăng? Ở mạn sơn đông cũng có một sông tên Vấn. Gần đây là Thành đô, Hắc thuỷ, sông Nhược thuỷ ở trong châu này (Legge 120) có núi Hoa dương mà Thuấn điển kêu là Tây nhạc hay Sơn dương làm mốc cho ba châu Lương, Dư, Ung.
Ung châu:
Rộng nhất nhưng thưa dân nhất. Cũng có sông Hắc thuỷ (khác Lương châu) chảy về mạn nam đến Đôn hoàng (Tung Hwang) đi qua núi Tam nguy. Khi ông Vũ đến, thấy Tam miêu sống khổ sở nên dẫn nước vào làm đất phì nhiêu. Cũng có sông Nhược thuỷ, là con sông duy nhất chảy về phía tây (Nhược thuỷ ký tây). Hai núi Kinh và Kì được tế. Hai núi Chung nam và Đôn vật chảy xuống sông Tích thạch.

V: Kinh Thi Hay Là Khi Dân Viết Sách
A. BA QUAN ĐIỂM
Đọc kinh Thi hay bất cứ kinh nào của Nho giáo, mà đọc chạy đuổi thì sẽ không thể nào thấy đâu là những cái thâm trầm như người ta đồn đại, nên rất nhiều người đã thất vọng, trong số đó phải kể tới Hegel, đã nói lên sự thất vọng của ông trong lúc đọc kinh điển Nho giáo. Sở dĩ có như thế là vì Hegel đã không đọc được chính văn thì chớ, lại còn không theo khía cạnh của chính Kinh điển và tiêu chuẩn của người viết nó. Vì có nhiều loại tiêu chuẩn, tuỳ thuộc theo giới nào đã viết: như tư tế, trí thức quý tộc hay bàn dân. Thế mà Kinh điển viết theo quan điểm của bàn dân, còn Hegel lại đọc theo quan điểm của trí thức quý tộc làm sao nhận thấy được cái hay của nó. Giới trí thức hiện nay hay ít ra thế hệ vừa qua cũng đều đã từng đọc Nho theo lối Hegel, nên thất vọng về Nho là phải, vì họ có thấy được điều gì đâu. Để tránh vấp phải điều đó, chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là tiêu chuẩn của bàn dân. Chữ dân (chữ hán) người Tàu đọc là minh, mân. Xem ra chữ minh, mân này có liên hệ với chữ man (chữ hán) cũng là bàn dân, đã từng làm chủ miền Trường giang. Vì trường giang phát xuất tự núi gọi là Dân sơn (hán) (Min) trong vùng nước Ba, nên cũng có núi mang tên Ba, hoặc Ba Trủng (chữ hán) (có liên hệ nào giữa Tam và Ba chăng?) Vì thế ta có quyền nghĩ rằng có một mối liên hệ nào đó giữa mấy danh hiệu Man, Mân (Việt), Môn (Mon Khmer)… tất cả đều là những giọng khác nhau của chữ minh (dân), và tất cả các tên đó đều chỉ bàn dân đối với Vương triều. Trong cách đọc chữ dân của người Tàu là minh thì chữ minh lại gợi lên ý tối tăm. Vì chữ (chữ hán) cũng đọc là minh (u minh). Do đó có chữ “dân ngu”. Còn với Việt tộc thì chữ minh (chữ hán) lại có nghĩa là sáng láng. Do đó mà có quan niệm dân với trời là một. Thế mà trời đâu có ngu, nên dân cũng đâu có ngu, cả hai đều thông minh nên trong Kinh Thư nói “thiên thông minh tự ngã dân thông minh” (chữ hán). Và dân đã chứng tỏ óc thông minh của mình bằng cách sáng tác ra kinh điển, dân viết sách nhưng không phải sách tầm thường mà là kinh điển. Vương triều chỉ có giúp vào bằng việc đặt ra bộ “Nạp ngôn” để thâu thập các lời phán quyết của dân đúc kết lại vào kinh điển (1). Vì thế, có chức quan “Thái nhi, chữ hán” giữ việc thâu thập thi ca trong dân. “Thái nhi” cũng như “Nạp ngôn” đều là một thực thể nói lên phần đóng góp của dân trong việc hình thành văn hóa. (1) Theo sách Nhật giảng thì đó là ca dao và nhiều khi được phổ vào nhạc: “dân gian sở nạp chi ca dao, ngôn chi hợp vu ngũ thanh…” (Legge III.80) Đến đây, chúng ta gặp một vấn đề then chốt, mà xưa nay chưa ai đặt ra, nhưng lại có tác dụng làm đảo lộn các nền văn hóa là: ai sáng tác kinh điển? Chữ ai đây phải hiểu theo nghĩa rộng là giai cấp nào? Tư tế, trí thức quý tộc hay bàn dân. Tác giả kinh điển thuộc giới nào? Lúc ấy
chúng ta sẽ nhận thấy nét đặc trưng của văn hóa phương Đông; là vì mỗi giới có những bận tâm riêng. Khi giới đó viết sách thì những mối bận tâm kia trở nên đối tượng của sách, nên chỉ cần xét đối tượng sách, thì cũng nhận ra được tác giả thuộc đối tượng nào. Nếu đối tượng là Thượng Đế với các việc tế tự, các ca vịnh ngợi khen, nguyện cầu… thì ta biết tác giả thuộc hàng tư tế, như Thánh kinh hay Veda. Khi đọc triết Tây ta thấy đối tượng của nó là những ý niệm trừu tượng cao vút mây xanh t a biết là tác giả của nó thuộc giới trí thức quý tộc. Trong xã hội cổ La-Hy, giới này, vì quen thói sống trên lưng nô lệ, không chịu lao tác nên bị cắt đứt khỏi đời sống thực tế sự giao liên với tha nhân… nên đối tượng của họ rất xa thực tế: đặt mãi tận trên lý giới (le monde des idées). Trái lại khi đọc kinh điển ta thấy sự lo lắng cho dân trổi bật: (1)
Lo cho dân giàu (phú chi)
Lo thực hiện ý dân (vì ý dân là ý trời)
Muốn điều dân muốn, ghét điều dân ghét, gọi là Hiệt củ…
Cùng đích của chính quyền là hạnh phúc của dân…
Giáo sư Creel cho điều cuối cùng này là một sự lạ lùng hiếm có trên đời. Đây là một nhận xét rất chính xác, miễn biết hạn cục vào lối thế kỷ 18, 19 về trước. Sở dĩ nó lạ lùng hiếm hoi vì xưa kia các nền văn minh khác không có kinh điển hay nói cách khác các sách nền tảng của văn hóa không do dân gian sáng tác, mà do quý tộc hay tư tế. Vì thế sứ mạng của chính quyền không còn là hạnh phúc của dân nhưng là sự hùng cường “quốc gia”, trong thực chất là của Vương triều, của uy quyền cá nhân. Nên hoặc là xây dựng một quân đội hùng mạnh để đi chinh phục, mở mang bờ cõi, hầu tăng quyền uy, không kể đến chết chóc đau thương như các chính quyền chuyên chế quen làm. Hoặc dồn hết tài sản quốc gia vào việc kiến trúc những cung điện nguy nga tráng lệ, để ướp xác chết của vua như kim tự tháp hay chùa Đế thiên, là những thí dụ cụ thể về sự bất toàn dân phụng sự cho một gia tộc hay cho những ý niệm trừu tượng xa xôi (xem Việt lý… tr. 258 và 263). Ngược lại, mục tiêu kinh điển là lo cho dân, và lúc ấy thì tiêu chuẩn là “lấy tự gần” như đã được nói đến trong kinh Dịch là: 
Cận thủ chư thân chữ hán
Viễn thủ chư vật chữ hán
(Hệ từ hạ truyện II)
Có người hồ nghi giá trị của luận cứ, cho rằng nhân gian là tác giả cổ điển, lấy cớ rằng câu tiền đề (gọi là A) đúng: tức dân gian là tác giả của nhiều sách kinh điển, nhưng z tức câu kết luận không thể chắc. Thử hỏi tại sao lại không, khi mà ta có thể kiểm soát nội dung z, tức nội dung kinh điển. Bởi vì khi xét thấu triệt ta nhận thấy có đủ lý chứng cho cả các đoạn hai: Thứ nhất là có bộ “Nạp ngôn” thâu thập ca dao, cũng như “Thái thi” gồm có các bài thi ca. Thứ hai lại nhận thấy trong kinh điển hiện còn rất nhiều ca dao, tục ngữ làm chứng tích cho câu trên. Thứ ba xét toàn bộ nội dung kinh điển, không có gì xa lạ với những thắc mắc ưu tư của dân gian. Hai câu 1, 2 đã được bàn đến trong VIỆT LÝ TỐ NGUYÊN, câu 3 chính là đối tượng chương này. Kết z: như vậy, ta có đủ lý do để kết luận là dân gian quả đã góp phần vào việc hình thành kinh điển, nên nội dung của nó hợp với những gì dân gian thường bận tâm. Thí dụ: kinh Thi toàn nói về những việc làm ăn của dân không có gì xa lạ cả. Như vậy đã đủ để đưa ra kết luận vững chắc. Ta có thể tóm lược luận cứ như sau:
Tiền đề A: Ta nhận thấy rất nhiều sách cổ điển đã được nhân gian trước tác. Vậy thử hỏi cũng có phải như thế không về kinh điển. (câu này xin xem trong VIỆT LÝ TỐ NGUYÊN bài ĐỊA VỊ TIẾNG DÂN).
Tiểu đề gồm từ B tới Y bao gồm ba điểm trên: nạp ngôn
có ca dao trong kinh điển nội dung kinh điển hợp thế giới bận tâm của dân gian
Như vậy, ta có thể đi đến Z TỨC KẾT LUẬN rằng dân gian có góp phần trong việc trước tác kinh điển. Sở dĩ chúng ta cần phải thêm chú thích này vì câu kết rất quan trọng, vì nó làm nên nét đặc trưng căn bản, sinh ra các nét đặc trưng khác như bình đẳng, bình sản… Các hệ quả đó làm thành nền dân chủ vừa trung thực vừa lâu đời hơn hết trên thế giới. Tất cả các hệ luận cũng như hệ quả trên đều dựa trên những luận cứ vững chắc. Vậy không nên vì thành kiến ghét Nho giáo, rồi nhắm mắt trước tất cả bao lý lẽ, và sự kiện, để chú ý hết tâm trí vào một thành kiến duy nhất là văn chương, ngoài ra chẳng thấy chi cả.
GẦN LẤY Ở MÌNH, XA LẤY Ở CÁC VẬT
Đấy là câu nói dễ đọc phớt qua, không mấy ai nghĩ rằng đó là một tiêu chuẩn đã phải trả giá qua bao đợt biến hóa mới đạt tới. Trên kia, tôi nói từ thế kỷ 18, 19 trở về trước là vì từ đó về sau Âu Châu rồi sau này đến cả Ấn Độ, cũng dần dần biết lo lắng cho con người, lấy con người làm đối tượng học hỏi cũng như phục vụ. Vì thế, nay đọc câu “cận thủ chư thân” chúng ta thấy rất thường, mà không ngờ nó đã gói ghém cả một cuộc cách mạng đang được hiện thực dưới mắt chúng ta, mà tinh hoa có thể tóm vào câu này, tất cả những gì đã đặt ở bên kia thì đều được đưa về bên này, được đặt ngay ở dưới gầm trời này. Như vậy có nghĩa là hai nền văn hóa kia đang cố giũ bỏ tiêu chuẩn tự xa, tự trời, tự đất để đi về gần: về người, tức là đang lần lần theo về nẻo văn hóa của chúng ta, và do đó kinh điển đang dần dần phục hồi uy tín cũ. Thế nhưng, đặt được tiêu chuẩn “lấy tự gần” là một việc rất nhiêu khê. Vì tâm trạng con người hầu hết quý cái gì tự xa. Cho nên khiến cho người ta biết quý cái gần là một công trình dài, mà một khi đã đạt được phần nào, thì cũng vẫn còn dễ mất, nghĩa là con người vẫn thích “lấy tự xa”. Vì thế dầu trải qua bao thế hệ đã thấm nhuần trong bầu khí văn hóa “bên này”, mà cho đến nay biết bao trí thức, biết bao “nhà văn” chưa nhận định ra được giá trị kinh điển, vẫn chê bai văn hóa Á Đông không trước tác được những anh hùng ca kiểu Ấn Độ, hay những bài Thánh vịnh bay vút trời xanh như Tây Âu. Thì ra tại các “nhà văn” đó đã được đào luyện bằng sách vở của Tây Âu nên nay họ sống trên đất mẹ với tâm hồn xa lạ. Trong bài dẫn lộ vào kinh Thi (C III, p.114), James Legge đã cực lực bác bỏ ý kiến của thừa sai Công giáo vì đã ca ngợi kinh Thi, cho rằng có thể đặt ngang hàng với các Thánh vịnh của vua David đứng trong thế tôn giáo nên có thể
bay vút tầng mây với những lời nồng nàn thiết tha, khi ngợi khen chúc mừng, khi xám hối van xin… Còn kinh Thi lại chỉ sà sà mặt đất với việc gieo trồng cấy hái, với việc trai gái yêu thương, với những lời nói bình dân, về những việc tầm thường trước mắt, làm sao có thể so sánh được với Thánh Vịnh. Vì thế, mấy thừa sai Công giáo khen kinh Thi kiểu ấy, không giúp gì thêm vào việc nhận ra giá trị kinh Thi, nên J.Legge phản đối là đúng. Thế nhưng, không phải vì vậy mà James Legge có lý để hạ thấp giá trị tất cả những bài trong kinh Thi. Chúng có giá trị của chúng, miễn là người ta biết đặt mình vào đúng quan điểm của chúng. Đó là quan điểm con người sống trong xã hội với những mối liên hệ bình thường: ái ân, trao đổi, làm việc…… và nếu định hướng đúng như vậy, thì không những nó có giá trị, mà còn là thứ giá trị đang có mòi đi lên, vì nó đón trước cuộc cách mạng của nhân loại hiện nay, đang lo tháo gỡ những bận tâm đặt trên Trời hay dưới đất để mang về trang bị cho con người. Nhiều học giả Việt Nam chưa nhận ra điểm ấy, nên đề cao Lão Thích vì bay bổng cung mây, mà tỏ ý khinh miệt Nho giáo là quá ư tầm thường, chưa nhận ra địa vực tam tài Thiên, Địa, Nhân, nên cứ thích ngao du ở Thiên và Địa và không chịu về với Nhân thế rồi nỏ mồm kêu “thiếu nhà”. Nếu chịu về nhà của con người thì sẽ nhận ra tại sao Nho lại chủ trương “đôn hồ nhân” và không cho đạo là xa người, và nếu làm cho đạo xa người
thì không còn phải là đạo. Vậy thì cương vị Nho giáo cũng chính là nhân giáo hay nói nôm na là đạo làm người. Có đặt đúng chiều hướng như vậy, khi mở kinh Thi ra chúng ta mới mong hiểu được những lời mộc mạc hồn nhiên mà ngày nay ta vẫn còn bảo tồn được, như là ấn tích của tiên tổ trối lại để làm đạo sống. Đạo ấy đặt nền tảng trên con người nên không vong thân, và chính vì vậy những chế độ chuyên chế muốn tha hóa con người vẫn nuôi một mối thù ngấm ngầm đối với kinh điển, mà trong đó đứng đầu là kinh Thi. Đọc kinh Thi ta lấy làm lạ khi thấy toàn những lời lẽ hiền lành, có vẻ vô thưởng vô phạt mà tại sao lại gây nên căm thù nơi nhà cầm quyền như Tần Thuỷ Hoàng. Nhưng vì kinh Thi nghiêng hẳn về phía dân gian, nói đến những việc làm của dân: giá sắc, ái ân, ăn uống, làm lụng, ngắm trăng sao, mây nước, xướng ca, mưa gió…… Có nhận định như thế mới nhìn thấy chỗ hợp thời của kinh Thi, hay ít nhất khỏi vô tình đứng vào  phe kẻ mạnh hiếp yếu. Hiện nay khi đọc kinh Thi chúng ta cần phải dè dặt đối với những chú sớ, vì hầu hết là do bọn Hán Nho tay sai của vương triều đã đem ý hệ của họ trùm lên cái lương tri nguyên thủy, đưa óc luận lý
thanh giáo vào làm át tiếng nói của tâm tình, của yêu thương như Maspero nhận xét: “la remarque moralisatrice remplace le cri d’amour” (đọc thêm Việt lý tr.125 và Cửa Khổng bài Hưng ư Thi). Lấy một thí dụ, bài Hoàng hĩ Đại nhã, câu 77-78:
Bất thức bất trí chữ hán
Thuận Đế chi tắc chữ hán
“Không nên theo lý trí, tri thức, nhưng phải theo Đế, tức theo tâm linh.” Ai đã biết đến sự sụp đổ của triết học cổ điển và những âu lo của thời đại (đều đặt trọn vẹn trên ý thức mà bỏ tiềm thức) sẽ hiểu giá trị sâu xa của câu nói bề ngoài coi rất mộc mạc đó. Tất cả quyển Tâm tư có thể nói là chỉ quảng diễn câu “bất thức bất, thuận Đế chi tắc” trên vậy.
THI CA TRƯỚC KINH THI
Kinh Thi là sự tập hợp các bài dân ca, mà dân ca thì muôn vàn. Triều đình có thu thập thì cũng chỉ được một phần nhỏ nào đó thôi. Tương truyền là kinh Thi có ba ngàn bài. Sau Khổng Tử san định lại còn ba trăm bài. Rất có thể chữ ba ở đây (ba ngàn, ba trăm) thuộc huyền sử “Tam Miêu” đại diện dân gian với Vương triều. Phần quốc phong gồm 15 quốc thì rất có thể 15 là số của Lạc Thư cùng một loại với 15 bộ của nước Văn Lang. Các bài trong kinh Thi dầu là phần quốc phong cũng chỉ còn là đại biểu vì đã bị thi ca của Vương triều lấn át và đè bẹp; tuy nhiên nhờ sự chấp nhận đó mà còn tới ngày nay, chứ như tất cả các thi ca trước, gọi là tiền kinh Thi thì đến nay kể như đã thất lạc hết. Có nhiều người cố gắng tìm lại và đã thu thập được chừng một trăm bài nhưng cũng không có tiêu chuẩn nào để xác định là chân truyền hay giả tạo, còn nguyên vẹn hay đã sứt mẻ. Sau đây chúng tôi dùng quan điểm Viêm Việt phản kháng Vương triều xâm lăng, để chọn ba bài làm đại biểu cho khối dân ca tiền kinh Thi. Đó là:
Kích nhưỡng ca chữ hán
Nam phong ca
Thái vi ca
- Kích nhưỡng ca: chép trong sách Đế vương bản kỉ và Cao sĩ truyện của Hoàng Phu Mật.
Nhật xuất nhi tác chữ hán
Nhật nhập nhi tức 
Tạc tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực
Đế lực hà hữu ư ngã tai?
Mặt trời mọc thì làm việc
Mặt trời lặn thì nghỉ ngơi
Đào giếng mà uống
Cày ruộng mà ăn.
Quyền lực của nhà vua cần chi cho ta đâu?
Nhưỡng là một thứ đồ chơi bằng gỗ có lẽ giống với lối chơi quăng ngày nay. Tương truyền Kích nhưỡng ca làm vào đời vua Nghiêu. Đó là điều khó có thể xác định, nhưng cứ nghe giọng trong bài thì có thể đoán là thuộc một người dân Viêm Việt đang sống trong chế độ bộ lạc làng xóm nên coi thường quyền lực của vương triều xâm lăng.
- Nam phong ca
Nam phong chi huân hề chữ hán
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề
Nam phong chi thời hề
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề
Gió nam mát hề Có thể khuây nỗi giận của dân ta
Gió nam phải thời hề Có thể tăng tài sản của dân ta.
Bài này chép trong Khổng Tử gia ngữ (biên nhạc giải)
Tương truyền là vua Thuấn khi lên ngôi được hai năm có chế ra đàn 5 dây để hát bài ca Nam phong. Theo quan điểm Việt Nho có thể hiểu như sau: khi Bắc phương xâm lấn phương Nam thì phương Nam uất ức. Nhưng khi vua Thuấn là người có khuynh hướng theo văn hóa phương Nam lên nắm chính quyền, thì quyết định áp dụng văn hóa đó và đã tuyên dương ý chí trong bài hát này. Sự kiện xảy ra nhiều lần về sau mà lần  cuối cùng là lúc nhà Thanh từ phía Bắc bắt dân Tàu kết tóc đuôi sam để tỏ lòng thần phục phương Bắc, nhưng cuối cùng dòng tộc Mãn Thanh lại thấm nhuần Nho giáo là một thứ nam phong.
- Thái vi ca
Đăng bỉ Tây Sơn hề chữ hán
Thái kỳ vi hĩ
Dĩ bạo địch bạo hề!
Bất tri kỳ phi dã.
Thần Nông, Ngu, Hạ hốt Yên một hề
Ngã an thích quy hĩ
Vu ta tồ hề!
Mệnh chi suy hĩ!
Lên núi Tây ca hề
Ta hái rau vi.
Lấy bạo thay bạo hề
Chẳng hay là mình trái.
Thần Nông, Ngu, Hạ mau khuất hề.
Ta còn biết theo ai?
Than ôi! Đi hề!
Mệnh ta suy rồi.
Bài ca trên tương truyền là của hai ông Bá Di, Thúc Tề can Vũ Vương đừng diệt nhà
Thương nhưng không được nên không chịu ăn thóc nhà Chu, lên núi Thủ dương (huyện Yên Sư, tỉnh Hà Nam) hái rau vi ăn rồi chết đói (sử ký Bá Di liệt truyện). Bá Di, Thúc Tề đại diện cho Việt Nho đứng ra can Chu Võ Vương xâm lăng nhưng không được nên than thở nhắc tới nhà vua Viêm Việt: Thần Nông, Ngu, Hạ mà không nói đến Hoàng Đế. Ngu là vua Thuấn, Hạ là ông Vũ trị thuỷ, tức áp dụng triết lý Lạc Thư. 


Kim Định (Tinh hoa ngũ điển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...