Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Cội Nguồn của Cội Nguồn

BÀN VỀ CỔ SỬ TÀU
Kim Định

     Tiền sử nước ta diễn ra mãi tận bên Tàu, lẫn lộn cả với nguồn gốc nước Tàu, nay muốn nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt không thể không nhìn qua cổ sử Tàu, nhưng cũng không thể nào chấp nhận y nguyên các pho cổ sử do người Tàu chép chẳng hạn bổ Sử Ký Tư Mã Thiên, hay bộ Tiền Hán Thư của Ban Cô, mà phải xét lại toàn bộ dưới ánh sáng khoa khảo cổ, cũng như các khoa tân nhân văn: dân tộc học, xã hội học, cổ thuật học… để từ đó kiến tạo lại một cổ sử Tàu theo lối sinh thành (génétique) khác hẳn lối tĩnh chỉ từ trước tới nay ở tại lấy cái khung đời Tần Hán chiếu ngược lên thời khai sinh, trái lại cần phải điều chỉnh toàn triệt, có vậy mới thấy rõ hơn nguồn gốc văn hóa nước nhà. Nhưng đó là một việc dài hơi không ai đủ khả năng làm một mình, mà cần sự cộng tác của nhiều nhà chuyên môn mới có thể đi vào chi tiết và chính xác được. Bài sau đây chỉ có ý đưa ra cái nhìn tổng quát về một số điểm để gợi ý.              1. Tên nước Tàu.                                                                                                       Trước hết là tên Tàu. Tôi chưa gặp được bài nào nghiên cứu về nguồn gốc danh hiệu này, vì người Tàu hình như không bao giờ rớ tới tên Tàu, với họ phải là Trung Hoa, Trung Quốc, hoặc là người Hán, Đường… kia. Tìm trong cổ sử chỉ thấy có hai chữ coi được nhu gốc tích, một là chữ Đào Đường có nghĩa là nung đồ gốm và là tên đất phong của vua Nghiêu mà theo kinh Thư thì Nghiêu là thuỷ tổ. Như vậy chữ Tàu do Đào Đường chăng? Người Tàu đọc đào là Tào, rồi ta biến ra Tàu? Vì có một chữ tào chỉ nơi nuôi súc vật như ngựa mà ta đọc là tàu ngựa: “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Bách Việt cũng có tên Bách Bộc, là đất ở nam kinh Châu, có thể vì sự lân cận đó mà người Việt gọi lân bang là người Tàu hay nước Tàu. Y như sau này vì lân cận với nước Ngô mà ta gọi Tàu là Ngô, chứ Tàu không bao giờ gọi mình là Ngô cả.  Gánh vàng đi đổ sông Ngô.                                                                                           Trong ca dao đôi lần nhắc đến chữ Tào:                                                                        “Sa cơ mới phải luỵ Tào                                                                                          Những so tài sức thì tao kém gì.”                                                                                 Câu trên có thể thoát ra do khẩu khí những vị như Hưng Đạo hay Quang Trung đánh cho Tàu chạy có cờ, mà rồi vẫn phải sai sứ đi cống. Bề ngoài cống nhưng trong bụng thì nói “những so tài sức thì tao kém gì”. Chữ Tào làm liên tưởng tới chữ Tào Khê trong ca dao:                                                                                                                   Đêm đêm tưởng dạng ngân hà:                                                                                Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.                                                                               Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn;                                                                                     Tào Khê nước chảy lòng còn trơ trơ.                                                                                 Câu này đọc lên nghe lòng hiu hắt như đang ở mạn Bắc lòng đầy những mối tiếc thương một cái gì, một mảnh quê hương đã mất, những mong lấy lại được liền, mà nay đã ba năm tức lâu rồi mà vẫn chưa. Tuy vậy không sao quên được. Tào này có lẽ ở mạn Tây Nam Sơn Đông (C.A. 81) và là tên xa xưa. Còn một Tào Khê nữa ở huyện khúc Giang tỉnh Quảng Đông có chùa Bảo Lâm nơi tổ Huệ Năng hoằng pháp, có thể là tên di cư của Tào Khê gốc cũ chăng?                                                                                            Đó là đại để vài tên liên hệ với chữ Tàu, người Hy Lạp viết về Tàu thì ghi là Tauga nhưng có người bảo không do Tàu mà do Tabghaj- cách phiên âm Ả Rập của chữ Thát Bạt (Need I. 169). Khi nghiên cứu về cổ sử tôi ưa dùng tên Tàu vì ngoài vụ tên đó có hơi hướng với du mục do hai chữ tàu là tàu ngựa và đào là lò nung gốm, nó còn liên hệ với sự bé nhỏ của nước Tàu mới nhú mọc. Sự bé nhỏ này cần để trước mặt, nếu không sẽ bị cái hình ảnh khổng lồ đời Tần Hán làm hoảng sợ rồi cái gì rõ là của nhà cũng không dám nhận.  Nước vua Nghiêu chỉ mới quãng một làng một tổng của ta, cùng lắm là một huyện. Vì sau này mãi đến đầu đời Thương mà nước cũng mới bằng một phủ rộng độ một hai trăm dặm (Civ I. 85). Sau này mới chinh phục mở rộng ra dần.                 Nhân tiện xin nói luôn tới chữ Chine, China mà Âu Mỹ dùng để chỉ Tàu. Chữ này còn gần với chữ Tàu hơn vì nó nói lên nước Tần. Tần cũng mới là một bá trong ngũ bá. Thứ đến cũng nói lên óc du mục đế quốc. Nói vậy không có ý bỏ hai chữ Trung Quốc hay Trung Hoa, vẫn phải giữ lại cho bộ ngoại giao cùng lắm thì khi viết về sử Tàu từ Tần Hán trở đi. Còn nói về cổ sử thì tên Tàu vẫn nên dùng vì nó có phần đúng nhất với thực trạng: nó nói lên sự bé nhỏ và lân cận với nước Việt cổ đại vươn mình mãi tận Bắc Kinh.                
2. Niên hiệu.                                                                                                           
Niên hiệu đích xác nước Tàu mới có từ năm 721, năm khai mở sách Xuân Thu, sau đó người ta tính ngược lên tới Nghiêu Thuấn, rồi sau tới cả Hoàng Đế nữa, cuối cùng lại ngược lên nữa tới cả Thần Nông năm –2737 (lưu truyền cho là năm –3320) Phục Hy –2852 (lưu truyền - 4480). Sự tính ngược này có nhiều điều vô lý.                                       Trước hết là sách Trúc Thư Kỷ Niên (viết vào thế kỷ thứ ba trước rồi lạc mất sau tìm ra được trong một cổ mộ) đưa ra niên hiệu khác với kinh Thư sụt đi suýt soát hai trăm năm. Thứ đến là các niên hiệu gán cho Phục Hy, Thần Nông quá muộn, khảo cổ tìm ra dấu vết văn hóa lối 4, 5 ngàn năm tr.cn ở cả hai di chỉ Long Sơn và Ngưỡng Thiều đều đã lâu 5 ngàn năm là ít, nay lại mới tìm ra đợt trước cả Ngưỡng Thiều và Long Sơn hơn 3, 4 ngàn năm như văn hóa Đại Bôn Khanh có liên hệ với Hòa Bình toả ra ở Quảng Tây lên đến Đài Loan (xem The Archeology of Ancient China by Kwang Chih Chang 3 Rd, edition Yale Univ. Press 1978 p.512).                                                               Thứ ba là gảy bỏ mất một lưu truyền dài hàng nhiều ngàn năm thuộc thời mà một hai học giả gọi là Sinic, còn tôi gọi là Viêm Việt. Chữ Bách Việt cũng còn là muộn vì ban đầu chỉ có những tên Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Di, Nhung, Địch, Man, Di. Thế nhưng tất cả lại có những nét văn hóa giống nhau như tả nhậm (tứ di tả nhậm) xâm minh, đeo lông chim khi múa… và tất cả thuộc nông nghiệp lúa mễ (lúa tắc (1) chỉ là thiểu số). Vậy mấy nét ấy nằm rõ trong tên Việt cổ (hán) viết với bộ mễ (hán). Nền nông nghiệp này cũng như thói tả nhậm và mặc lông chim được ghi trong trống đồng mà sử sách Trung Quốc đều công nhận chủ nhân là Lạc Việt, cũng như nơi phát xuất chính của trống đồng được phát hiện ở nước Việt.
Chú thích: Lúa mễ ruộng ướt miền Nam. Miền Bắc ruộng khô, lúa Tắc tên chung chỉ lúa mì, miến v.v… của Tàu mạn Bắc. Vì thế tôi gọi lưu truyền xa xưa đó là của Việt tộc và đề nghị phải dùng niên hiệu lưu truyền cho Phục Hy, Thần Nông chứ không để các nhà khoa học hạ thấp xuống rồi móc nối vào cổ sử Tàu, nó chẳng khoa học chút nào cả: nhận nó chỉ là giúp vào việc chôn táng nguồn gốc văn hóa Việt tộc mà thôi. Nói cơ sở thế để thấy rằng đem huyền số cơ cấu để lịch sử hóa thì chỉ là bày bịa vô nền. Đây cũng là lý do tại sao các nhà nghiên cứu người Tàu ngày nay không còn dám nói đến “Ngũ thiên niên sử”. Trong cuộc cách mạng văn hóa do Trần Độc Tú và Hồ Thích khởi xướng vào quãng 1920 thì có nhóm trí thức rút sử của họ xuống 4 ngàn năm. Cố Hiệt Cương cho rằng nếu gạn lọc cả những điều đáng nghi trong các sách gọi là sử chính thức (không phải nguỵ thư) thì có lẽ chỉ còn 2 ngàn năm.   Đó có thể là lập trường quá đáng y như Ngũ thiên niên sử. Chính sử Tàu chỉ có từ năm 721 tr.cn. Còn văn hóa Tàu được thai nghén từ đời Thương tức từ thế kỷ 17 tr.cn trên nữa không có chứng tích gì bảo đảm, chỉ còn một mớ truyền thuyết như Bàn Cổ, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông thì hầu chắc là lấy của Việt tộc như đã bàn trên và sẽ bàn thêm ở chương X và XI.                                                     
   Ngược với Việt Nam nói 4 ngàn năm văn hiến còn là ít, vì căn cứ vào họ Hồng Bàng với lối múa đeo lông chim làm cứ để tìm ngược lên thì thấy xa lắm, nói được là cho tới Phục Hy Nữ Oa đều có chứng từ khảo cổ (sẽ bàn dịp khác). Không hiểu câu 4 ngàn năm văn hiến xuất hiện lúc nào, chứ nếu xuất hiện vào đời Trưng Triệu cũng không sợ bị cải chính, và nếu thế thì nay phải nói 6 ngàn năm văn hiến. Sáu hay hơn nữa cũng chẳng sao miễn tìm ra ấn tích để chứng minh cho nội dung ấy, mà nét đó đã tìm được tự văn hóa Bắc Sơn lối 5000 tr.cn.                                                                                     3. Người Tàu là ai?                                                                                                      Chưa thể biết là ai, nhưng điều quan trọng cần phải thải bỏ là cái quan niệm thông thường cho người Tàu là một chủng tộc riêng biệt, rõ rệt khác với Tứ Di chung quanh.  Đó là điều ngày nay không một nhà nghiên cứu đứng đắn nào dám nhận nữa, mà chỉ coi Tàu là tập hợp bởi rất nhiều sắc dân với những tên dị biệt như Tam Miêu, Cửu Lê, Di, Địch, Man, Nhung, Việt… rồi sau thêm Mông, Mãn, Tạng, Kim, Hồ… nhưng nói chung thì là Cổ Việt, hoặc nói theo các nhà nghiên cứu thì Cổ Tàu là Sinic. Trong quyển Chine Antique (17) ông Henri Maspéro cho Tàu chỉ là những người Cổ Việt ở mạn Bắc và nay nằm trong danh xưng Hán, khi nhà Hán mới lên còn tế tổ của Việt là Si Vưu, và cũng có lúc xưng mình là Hán Man là Viêm Hán như kiểu Viêm Việt. Tuy nhiên vào quãng nhà Hán thì Viêm Việt đã bị đồng hóa quá nhiều không còn ai nhận ra được nữa. Muốn nhận diện phần nào phải vượt lên quãng nhà Chu và Thương. Khi Võ Vương nhà Chu giao chiến với vua Trụ thì Kinh Thư nói quân nhà Thương gồm toàn Di (Thụ (tên vua Trụ) hữu ức Di nhân. Thái thệ, câu 16). Còn bên Chu cũng thế với quân mang các tên Dung, Thục, Khương, Mâu, Vi, Lữ, Bành, Bộc (Mục thệ, câu 3). Đó toàn là Việt mang những tên khác nhau vì thuộc chi khác. Đừng tưởng đó toàn là quân lính còn cấp cấp chỉ huy là người Tàu. Đó là ý nghĩ sau này, chứ càng về trước càng không thấy có kỳ thị. Khi ông Thái Bá (bố Văn Vương) đi xuống miền sau này sẽ là nước Ngô thì ông không ngần ngại cắt tóc, xăm mình, đóng khố. Không hề có kỳ thị, mãi tới sau này mà các vua tuyển cung phi hoàng hậu cũng chỉ lấy sắc đẹp làm tiêu chuẩn, chứ không hề kể đến sắc dân. Tấn Văn Công lấy một phát 4 vợ toàn người Nhung (tức là Di). Còn thế lực các bà thì khỏi nói, đưa người nhà vào các chức quan trọng. Bố Tần Thuỷ Hoàng xưng là Tử Sở vì mẹ nuôi là người nước Sở.                               Nhiều nhà nghiên cứu nay đi đến kết luận rằng cho đến nhà Thương thì Tàu còn là Việt. Nhà Thương mới vừa ra khỏi trình độ bộ lạc và mới lập thành nước Tàu về chính trị và văn minh như quân đội, chữ viết, thành thị, nhà nước. Còn về văn hóa chưa đóng góp chi đặc biệt. Tất cả lập lại của Việt tộc. Còn thực đóng góp về văn hóa thì phải kể từ nhà Chu, một nhà phát xuất từ miền Thiểm Tây mang ít nhiều máu Turc, đã chinh phục miền Cổ Việt mà sử gọi là nhà Thương. Vậy nên việc chinh phục này rất quan trọng, nó cũng xảy ra một trật với vụ Aryen vào chinh phục Ấn Độ và cả hai đã biến cải văn hóa bản thổ cho ra khác trước (nước Cao Ly cũng được thành lập trong giai đoạn này). Cho nên ông Trương Quang Trực viết trong quyển The Archeology of Ancient China rằng nhà Chu thắng nhà Thương kể như Tây Hạ thắng Đông Di vậy (p.383, 3 edition, New Haven 1978). Vậy văn hóa gọi là Tàu chỉ hiện lên rõ nét từ nhà Chu: vì chất du mục được đưa vào Nho làm cho Việt Đạo đốc ra Hán nho sau này. Hán nho tuy manh nha ở nhà Thương nhưng phát triển mạnh từ nhà Chu: gồm mấy nét đặc trưng như thiên về quân đội, đề cao vua, đưa ra quan niệm thiên mệnh để thần thánh hóa dòng họ… Như vậy là đã đưa đặt quyền bính lên trời rồi. Với Việt tộc xưa thì quyền bính thuộc về người có đức, có tài cán, có uy tín. Nay nhà Chu đưa thiên mệnh ra thay thế tức bỏ uy tín cá nhân để đặt nền sang uy quyền dòng tộc, thiên mệnh. Đó là tìm nền tảng bên ngoài con người và do sự liện hệ nằm ngầm sẽ cai trị theo lối du mục là dùng luật pháp nhất là luật hình vì nó tiêu biểu lối du mục hơn hết.                                              Luật hình                                                                                                                           Ở đây xin nói tới Chu Mục Công như được ghi lại trong quyển “Mục Thiên Tử truyện”. Các nhà khoa học ngày nay đều cho đó là một quyển tiểu thuyết không có giá trị lịch sử, nhưng với triết thì nó lại có giá trị văn hóa. Yếu tố nổi nhất trong truyện là vụ Mục Công đến chầu Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu tuy có tiếng là con trời nhưng mang trong mình đầy yếu tố du mục như có răng hùm, đuôi báo, coi về các bệnh dịch hạch, vậy mà Mục Công xướng họa thơ với bà (bà hay ông?) thì hẳn rằng những bài thơ đó phải mang âm hưởng du mục chuyên chế. Ta đoán được thế vì kinh Thư có ghi lại trong thiên “Lữ Hình” nói về hình luật do Mục Công thực hiện. Mở đầu thiên bằng những lời lên án nặng nề Si Vưu vì đã dùng ngũ hình một cách tàn bạo. Tưởng là nói vậy rồi bãi bỏ hay ít ra rút nhẹ, ai dè Mục Vương đã đưa ra vô số tội phải chịu cực hình lên tới ba ngàn nố. Trong đó có 500 trường hợp bị chặt chân, 300 trường hợp bị hoạn, 200 trường hợp bị giết, 1000 trường hợp bị cắt mũi hoặc thích chữ vào mặt. Chính vì sự tàn khốc như vậy nên ngày nay nhiều học giả đặt vấn đề tại sao một thiên sách sặc mùi du mục tàn bạo đến thế lại được Khổng Tử đưa vào Kinh Thư. Có người hồ nghi cho là không phải Khổng Tử đưa vào mà do lúc Tần đốt sách rồi lúc Hán lập lại thì cho vào. Dù sao thì gốc tích thiên ấy là do nhà Chu không ai chối cãi (về rất nhiều điểm nữa đã bàn nơi khác xin miễn lập lại). Như vậy phải lấy nhà Chu làm khởi điểm cho văn hóa Tàu, nhà Thương là thời chuyển tiếp như biến thôn làng hòa bình thành ra thị xã hiếu chiến… Còn trước nữa chỉ là Việt, tuy đã có những làn sóng du mục tràn vào đước dán nhãn hiệu là Hoàng Đế, là Nghiêu, là Vũ thì đấy là những liều lượng du mục nhỏ nên tất cả bị Việt tộc cải hóa, chưa đủ sức làm ra một dân tộc mới. Điều đó chỉ xảy đến đời Thương Chu, và chỉ có tự Chu mới thực sự có Tàu xét như một dân tộc đối với Việt.                                                                                       
Tại sao Việt lại bị chinh phục?                                                                                       Thưa có nhiều lý do trước hết là do du mục xâm chiếm, nắm được quyền hành nên đoạt thâu dễ dàng, đó là sự thường đến nỗi luật chung làm như hai nhịp thay đổi làm nên lịch sử nhân loại, một bình một loạn. Thời bình học thuật phát triển, thời loạn chiến tranh phát triển (Civ. 117). Ông Will Durant đã viết “nổi về quân sự là mạn Bắc: Aryens đổ xuống Dravidiens, người Acheans và Dorians xuống chinh phục Cretans và Egeans, người Germans đổ xuống Romans, người Lombards xuống Italians, người Anh đổ xuống thế giới. Mãi mãi thế, phương Bắc sản xuất người thiện chiến và cai trị; phương Nam sản xuất nghệ sĩ và thánh nhân, và kẻ hiền lành ăn tự trời” (Civ I. 397). Luật chung đó cũng xảy ra ở đất Tàu, người Tàu là Bắc, người Việt là Nam.                                                                                              
     Đã vậy người Tàu có được một công cụ hết sức hiệu nghiệm đó là chữ Nho, một chữ tượng ý không những đẹp nhất và thành công nhất hoàn cầu, vì mỗi chữ đọc khác nhau tuỳ mỗi nơi, nhưng trông vào lại hiểu nhau liền. Vì vậy chữ nho trở thành yếu tố thống nhất kinh khủng không một nền văn hóa nào bì kịp. Các nhà nghiên cứu về Tàu đều phải công nhận rằng nước Tàu mà còn đến ngày nay và to lớn thống nhất như vậy là nhờ có chữ nho. Đấy là nói về mặt ngoài “tượng ý”. Còn ý đó là chi thì lại là nền nhân bản của Hoàng Việt đã được thành lập cách huy hoàng và trung thực đến độ đáng xưng là nhân chủ. Vậy mà chữ nho đã hội nhập được nền nhân chủ nọ nên mang trong mình một uy tín bất dịch giúp cho Tàu vừa được thống nhất, vừa được tiếng là chủ nhân ông của chữ nho. Đang khi đó Việt tộc bị tước đoạt, mất chữ nho không còn cách nào ghi chép thành ra một mình Tàu ghi chép sự kiện xa xưa thì tất nhiên bao sự kiện đều trở nên của Tàu hết trọi.                                                                                                     Đó là kể sơ qua vài ba sự kiện bó buộc chúng ta phải làm lại cổ sử của Tàu, vì nó là việc cần thiết trong việc tìm hiểu về nguồn gốc và sự chính truyền của nền văn hóa Việt tộc. Bài này cũng là để trả lời một vài ông tiến sĩ non nớt mới du học về nước dịp tôi cho ra quyển Việt Lý Tố Nguyên đảo ngược các điều tin tưởng trước, mấy vị đó phàn nàn tại sao tôi lại làm hư thiếu niên, nói những điều trái với sách vở xưa nay như vậy?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...