Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Phương pháp Cơ cấu

013062                               Phương Pháp

VẤN ĐỀ NHẤT QUÁN
(Cơ cấu Việt Nho, Kim Định)
1. Sự thiết yếu của vấn đề
Nói đến nhất quán là bàn đến một tác động có nhiều chất triết lý bậc nhất, vì triết lý là gì nếu không là tìm ra hay nhận thức lại được cái mối liên hệ căn cơ giữa con người với người, với trời với đất với sự vật đa tạp.
Triết học đạt thân nằm trong sự giác ngộ được mối quan thiết giữa mình với tha nhân tha vật đó. Sự ý thức được đúng mức mối quan thông nọ sẽ chiếu dãi vào muôn vật một luồng sáng mới mẻ, đưa triết lý lên một bình diện khác hẳn với bình diện khoa học thực nghiệm, nhờ đó nó có sức quán thông thiên địa mà ta có thể gọi là liễu hội: vì liễu hội chính là thống nhất tất cả lại một mối (comprendre c’est unifier).
Do đó mà sự quán nhất trở thành vấn đề nền móng của triết lý và bất kỳ đời nào cũng cần thiết… Đã thế, vấn đề được đặt ra ở thời đại này cách cấp thiết hơn nhiều bởi những lý do của thời đại. Là vì trong mấy thế kỷ sau này con người đã tiến được những bước khổng lồ trong việc khám phá tìm hiểu: số kiến thức thâu lượm được về mọi phương diện do đấy ùn ùn tăng gia.     Đáng lẽ ra sự tiến bước đó phải làm cho con người được thoải mái an vui, nhưng trái lại con người lại đang cảm thấy lâm vào tình trạng xao xuyến cuồng loạn như chú phù thủy hô được phong, hoán được vũ, nhưng lại đang sợ chìm ngụp dưới làn nước mà anh ta mới gọi lên.
Có người ví nhân loại hiện đại với một vật bị chặt đầu: un être décapité nghĩa là không còn biết y cứ trên nguyên lý nào nữa để mà sống, nên bị quay cuồng trong cơn gió lốc và cảm thấy cách thấm thía sự cần thiết của vấn đề Nhất quán. Bàn về Nhất quán Lão tử có những lời như sau:
Tích chi đắc nhất giả
Thiên đắc nhất dĩ thanh
Địa đắc nhất dĩ ninh
Thần đắc nhất dĩ linh
Cốc đắc nhất dĩ doanh
Vạn vật đắc nhất dĩ sinh
Hầu vương đắc nhất dĩ vi thiên hạ trinh
Kỳ trí chi nhất dã.
Chữ hán.
Đây là những vật xưa kia có được Nhất:
Trời được nhất mà trong
Đất được nhất mà yên
Thần được nhất mà linh
Muôn vật được nhất mà sống,
Hầu vương được nhất mà thiên hạ trị
Tất cả được như thế vì đã đạt nhất.
Nếu trời không trong sẽ vỡ
Đất không yên sẽ lở
Thần không linh sẽ tán
Vạn vật không sống sẽ tuyệt diệt. (Đạo đức kinh 39)
Thế mà hiện nay tất cả đã đánh mất cái Nhất, cho nên vạn vật như đau thương kêu cứu xin người giúp làm cho chúng tìm lại được cái Nhất như Schopenhauer cảm nghĩ: “Venez, aidez nous, achevez nous – rapprochez ce qui va ensemble: nous aspirons douloureusement à trouver notre unité”.
Những trí thức, những mảnh vụn đẹp đẽ không thiếu, nhưng chúng còn nằm bừa bãi ngổn ngang và đang chờ một bàn tay thông minh thâu lại một mối: có thống nhất mới có sống động có sinh lực. “Vạn vật đắc nhất dĩ sinh”: có được nhất mới có sinh, vạn vật mới khỏi hủy diệt. Tìm ra mối quán thông mới có Nhất quán. Đó là vấn đề đặt ra cách cấp thiết cho triết học hiện đại. Nên trong những năm học triết mà không nhận thức ra được mối quán thông thì thật là uổng công học, dẫu cho có thâu thái được vô vàn kiến thức về triết đi nữa vẫn chưa phải là triết, huống hồ về triết Đông tất cả giá trị nằm trong mối Nhất quán, không nắm được then chốt đó thì có học nhiều cũng mới là luân lý, chính trị, văn học… gì đó chứ chưa phải là Triết.
Trong bài khái luận này chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là Nhất quán và phương pháp để đạt tới Nhất quán. Trong việc tìm hiểu này thiết tưởng hiền triết có thể hướng đạo chúng ta hơn hết là Khổng Tử. Ông đã nói: “Ngô đạo dĩ nhất quán chi”, chúng ta sẽ căn cứ vào câu đó để tiến hành.
2. Dĩ nhất
Lấy cái Nhất để mà xâu lại, nhưng phải là cái Nhất nào? Nhiều người phàn nàn vì Khổng không xác định cái Nhất đó là gì, tên chi, nên không có sự rõ rệt được như các triết thuyết đã gọi tên ra được cái Nhất, chẳng hạn “Chí thiện” (bien suprême) của Platon, “Tuyệt đối thể” của Hegel, “Tôi tư duy” của Descartes v.v… Thế nhưng Khổng lại hơn người ở chỗ không nói tên cái Nhất quán của ông, là vì đã nói ra thì tức là hạn cục lại mất rồi, mà một khi đã hạn cục thì hết còn vô biên nên cũng hết luôn khả năng xâu tóm vạn vật vốn là vô cùng tận. Vậy nên muốn giữ cho cái Nhất khả năng xâu tóm vô cùng, thì không thể nói tên cái Nhất đó ra được; và chúng ta chỉ cần xem những triết thuyết đã nói tên mối Nhất quán liền thấy chúng chỉ xâu được có một khía cạnh, còn bỏ ra ngoài một mảng: thí dụ được tình thì mất lý, được tâm mất vật v.v… vì vậy mà không xây được nền nhân bản toàn diện nhưng chỉ là thứ triết học một khúc mà thiếu quán thông toàn diện.
Bởi vậy cần phải xét tới bản chất cái Nhất, hay ít ra những điều kiện của cái Nhất, phải như thế nào mới gọi là Nhất quán. Để trở thành Nhất quán thì cái Nhất không được là cái Nhất số lượng (l’unité de chiffre) thường đi đầu các con số: sau nhất thì có nhị, tam, tứ… nhưng phải là cái nhất bản tính (l’unité de l’essence) tức là cái nhất không thể có nhị tam theo sau nhưng phải là cái độc nhất vô nhị, tiếng tây kêu là unique (chứ không un) là cái nhất tối thượng không thể vượt qua được. Cái Nhất như thế, triết lý Ấn Độ gọi là Vô Nhị, Lão kêu là Thái Nhất, tương đương với Thái Cực trong Nho giáo, là một cái nhất không thể có thứ hai được.
Đó là cái nhất theo nghĩa của cái học Vương Dương Minh khi Long Khê nói về nhất niệm kiểu vô niệm. Chỉ có cái nhất niệm đó mới đủ minh định và gây hứng khởi cũng như có sức quy tụ đáng cho người quân tử lấy làm tôn chỉ (Nhất niệm minh định tiện thị tập hi chi học. Nhất niệm giả, vô niệm dã, tức niệm nhi li niệm dã. Cố quân tử chi học, dĩ vô niệm vi tông. Chữ hán. Thục V.379). “Một niệm trong sáng nhất định ấy là cái học sáng rộng, cái học của thánh nhân. Một niệm thuần nhất là không niệm, tức là niệm rời niệm. Cho nên cái học của quân tử lấy vô niệm là tôn chỉ”.
Đó là sự phân biệt cơ bản. Nhiều nền triết học vì chưa phân biệt nổi hai thứ Nhất này, nên dùng cái Nhất lý niệm nào đó mà xâu, rồi kêu đại là Nhất quán kỳ thực chỉ là thứ mạch lạc thuộc luận lý hình thức (d’ordre logique formel) nên chỉ xâu được có những thực tại lý trí, không thể gọi là Nhất quán. Bởi vì người ta có thể luận lý rất đúng và có mạch lạc mà không có nhất quán, vì nhất quán phải xâu được sự thực, còn luận lý chỉ đúng có nghĩa là đúng với mẹo luật của khoa danh lý nhưng chính các nhà sáng lập ra khoa danh lý nhiều khi luận lý rất tệ như chúng ta có dịp lục soát sau nay nơi những Arisstote, Descartes, Hegel… Vì cái Nhất của họ là cái Nhất mà Mạnh Tử bảo là “chấp nhất xả bách”: câu chấp vào những thứ nhất đó thì bỏ từng trăm cái khác không xỏ vào được, nên người xưa khuyên “bất dĩ phù nhất, dĩ hại nhất, vị chi nhất” đừng vì trung với cái nhất nhỏ mà hại đến cái nhất to, thế gọi là nhất. Nói vậy nghĩa là có hai chữ nhất một thứ thuộc nhị nguyên có tính chất lý niệm (conceptuel) nên sẽ đưa tới việc giản lược đối lập (réduire au néant), thí dụ đem vật diệt tâm hoặc đem tâm diệt vật. Ngược lại cái nhất trung thực phải thâu tóm được tất cả để gây nên mối thái hòa, như vậy phải là Nhất nguyên lưỡng cực mà Trương Tái gọi lưỡng nhất. “Lưỡng cố hóa, nhất cố thần.” Có lưỡng mới biến hóa có nhất mới thần diệu. Thiếu lưỡng cực thì làm sao xâu được sự vật vốn có hai cực (âm dương) mà có xâu được hai cực, thì mới có “âm dương tương thôi, nhi sinh biến hóa” nếu không biến hóa là không có sinh động hoạt lực, và chỉ còn là cái gì tĩnh chỉ (inerte).
Nhất cố thần: nhưng nếu hai cực không hợp thì làm sao có được thần tức là diệu dụng. Để có thần thì phải vô biên cương vì “thần vô phương”: thần không lệ thuộc vào phương hướng xứ sở nào hết, vậy phải là vô biên vô tế. Ý tưởng đó được minh họa cách xác thiết trong lược đồ thái cực sau đây:
Thái cực = Nhất quán
Bát quái = Vạn vật
Từ vạn vật phải vươn tới thái cực mới có Nhất quán, vì chỉ có Thái cực mới ôm nổi lưỡng nghi, mới là Lưỡng nhất: lưỡng nghi là âm dương bao gồm vạn vật, còn Thái cực bao gồm tất cả, một mình một ô, không chi với cái Nhất thứ hai nào cả, vì đây là cái Nhất uyên nguyên có tính cách vô cùng. Mà đã vô cùng thì không thể có hai được. Hễ đã có hai thì lúc đó cả hai sẽ hạn chế lẫn nhau và trở nên hữu hạn. Vậy chỉ thể có một vô cùng, nên gọi là độc nhất vô nhị, và ta cần phải nhận thức ra được cái thái nhất đó mới đạt Nhất quán, mới có được cái dây để xỏ qua vạn vật. Cái dây đó Nho giáo gọi là Kinh có nghĩa là kinh qua sự vật để xâu lại. Nên các sách bàn về điểm này gọi là Kinh điển. Ấn Độ kêu là Sutra cũng có nghĩa là xâu xỏ. Thái cực đồ còn chứa một chân lý quan trọng cần được khai triển ở đây tức là đạt thái nhất cũng chính là đạt được sự tự do. Có tự do là khi nào không còn bị hạn chế nữa. Vậy chỉ ở Thái nhất mới không còn cái gì khác hạn chế được, mà chỉ còn có một mình Thái nhất trở thành vô biên cương, và vì thế cũng chính là nền tảng của sự tự do cùng tột. Vậy thì đường đưa tới Thái nhất cũng chính là đường đua tới tự do. Ta có thể đặt thành phương trình như sau:
Thái nhất = Tự do
Thái nhất = Không còn mâu thuẫn.
Nhờ phương trình này mà ý tưởng Thái nhất đang là cái chi trừu tượng được cụ thể hóa hầu trở thành dụng cụ đo lường giá trị của các triết thuyết. Triết thuyết càng xa sự đàn áp con người, càng giải phóng con người để đưa đến tự do thì càng là triết lý giá trị. Cũng như triết lý nào bỏ bớt được mâu thuẫn thì càng là triết lý đạt thân. Đó là hai khía cạnh thiết thực của phương trình trên. Quả thế thái Nhất là cái chi trừu tượng chúng ta không thể kiểm soát còn tự do là cái gì có hiện thực có thể kiểm tra, nên ta c1o thể dùng mức độ tự do như hậu quả để nhận ra tính chất nhất quán của mỗi nền triết lý. Nền triết lý nào không cản bước tự do chân chính của con người là nền triết lý đã đạt nhất quán… Vì Thái nhất với tự do là một mà triết học nào cũng phải lấy Nhất quán làm đích nên cũng phải lấy tự do tức là sự giải phóng con người làm dự phóng căn cơ. Nên ta có thể dùng mức độ giải phóng làm mức độ Nhất quán. Khi triết học nào còn gây nên sự đàn áp con người thì ta kết luận đó chưa là triết có Nhất quán, nên còn thiếu trung thực.
Đã có quá nhiều sức lực đàn áp con người kề từ sức lực tự nhiên, qua thú dữ đến pháp luật và bạo lực của óc chuyên chế, làm sầm héo mối liên hệ giữa người với người. Triết lý thiết lập ra là cố ý giải phóng con người khỏi cảnh đàn áp đó, thế mà nay lại phải dùng đến trại giam, công an vòng trong vòng ngoài, thì tỏ ra cái triết lý đó èo ọt biết bao. Cũng phải nói như thế về sự mâu thuẫn là ba hồi hô lên ba hồi hô xuống, sửa sai be bét, đổi thay trung tâm trọng lực, chính cái đó làm chi triết trở thành yếu ớt.
Mâu thuẫn nói ở đây phải hiểu về những mâu thuẫn nền móng tức là những nguyên lý đi ngược lại với giải phóng con người, phản lại tự do là nguồn chân thực của mọi giá trị. Hễ triết học còn vấp phải thì kể là mâu thuẫn và đương nhiên mất giá trị tùy theo mâu thuẫn nặng hay nhẹ. Chí như những mâu thuẫn nhỏ như thuộc tiểu tiết lịch sử văn học thì kể là phụ thuộc không đủ làm hại đến nền thống nhất của triết. Phương chi chớ lẫn mâu thuẫn với sự đối đãi nội tại (antimoniesinternes) như âm với dương thì đó chỉ là lưỡng cực, là cái gây nên căng thẳng và làm gia tăng nguồn sinh lực cho triết lý chứ không phải là thứ mâu thuẫn phá hoại.
Tóm lại, Nhất quán cũng là tự do cũng là hòa hiệp: những triết lý còn gây ra sự đàn áp chuyên chế chưa kể là đạt Nhất quán và do đó chưa phải là triết lý chính tông. Sự đàn áp đó xuất hiện ngay tự trong con người thí dụ triết học lý niệm đàn áp tình tứ, không biết đến tiềm thức, triết lý duy vật đàn dáp duy linh v.v… và cứ theo đó các triết học lý niệm lớn bên Tây Âu kể cả những tay cự phách như Socrates, Platon, Aristotes, Kant, Hegel… đều chưa vượt nguyên lý mâu thuẫn để đạt tới miền thái nhất, nên còn ít hay nhiều nghiêng vào một góc nào đó. Và chính vì thế rất ít khả năng gây nên cho người học một tâm trạng an nhiên, thư thái, hòa điệu như những nền triết lý có quán nhất chân thật tạo ra cho người học một sự thanh thoát có thể gọi là một thứ hạnh phúc siêu việt được nằm ngay ở trần gian. Đó là đại khái ít điều cần biết về phần chữ Nhất. Bây giờ chúng ta bàn đến phần sau là Quán chi.
3. Quán chi
Hai chữ này bao hàm một chân lý quan trọng nhưng hầu hết lại không mấy khi lọt mắt xanh của các triết học gia. Cái chân lý đó là: sự quan trọng không nằm trong những dữ kiện được xâu lại cho bằng trong cách xâu lại, trong cái hình dáng và cơ cấu của việc xâu. Nói cụ thể bằng thí dụ kiến trúc thì vật liệu xây cất là dữ kiện không quan trọng cho cái nét đặc trưng của ngôi nhà. Đấy là một chân lý rõ rệt đến độ nhàm, thế nhưng khi vào thực tế ít được lưu tâm, do đó mà trong triết học người ta thường dồn hết chú trọng vào sự độc đáo cá nhân, ý tưởng kỳ lạ nhiều khi cả đến những danh từ mới mẻ đặt ra một cách không mấy cần thiết cũng được quan tâm. Còn điều quan trọng nhất là cái nguyên lý thâm sâu, cái định hướng của toàn thể thí ít được lưu ý. Thế mà những thuật ngữ kỳ bí, những tư tưởng cố làm ra độc đáo kia hầu hết chỉ là nhằm đặt nổi bật cái tôi tư riêng hơn là phụng sự chân lý phổ biến. Do đó mà triết học lý niệm gồm chứa rất nhiều những hệ thống xây trên đống hoang tàn của những hệ thống trước bị đánh đổ và tạo ra một quang cảnh có vẻ sôi động phong phú để cho những người vội vàng nương vào đó mà kết án Triết Đông là nghèo nàn, thiếu hệ thống v.v… Trong khi đánh giá như thế họ đã quên đi mấy sự kiện cần nhắc lại ở đây.
Sự nghèo nàn của Triết Đông bị thổi phồng do sự không đọc được chữ Nho, chữ Phạn. Nếu chúng ta chỉ xem vào vài ba sách khảo cứu trong thế kỷ bại trận của Viễn Đông vừa qua thì quả là nghèo nàn lắm. Nhưng đó là nghèo nàn do chúng ta chưa được trang bị đủ để đi vào, chứ thực sự nó không nghèo nàn ít ra như người ta nghĩ.
Thứ đến nói rằng Triết Tây tiến mạnh thì nên phân biệt nếu là tiến trong phân tách lục lọi ở hàng ngang thì quả thiệt có hơn Triết Đông, nhưng đấy mới là sự phản tỉnh đợt nhất, tức phản tỉnh trên tác động của mình như tri thức luận chẳng hạn: phản tỉnh trên tác động tri thức. Đó chưa phải là sự phản tỉnh đợt nhì đặt trên câu hỏi: tất cả những suy tư triết lý đó sẽ đưa đến đâu? Có ý nghĩa gì cho nhân sinh, cho cuộc sống con người chăng? Nếu đứng ở phản tỉnh đợt hai này thì lúc đó ta nhận ra triết Tây có tiến thì cũng là tiến dần tới chủ trương của Triết Đông trong những điểm quan hệ nhất thuộc nhân bản, siêu hình, luận lý, tâm lý (xem trong những cảo luận đó), ở đây chỉ trưng ra một thí dụ liên hệ tới bày, đó là thuyết hình thái hay toàn thể (gestalt theory).
Hình thái là gì, thưa là khoa tâm lý chống lại những lối nhìn vụn mảnh của các khoa tâm lý đi trước như: associatisnisme, behaviorisme y cứ trên những khu vực cục bộ như phản đáp có điều kiện là những cái lệ thuộc vào một sự cần thiết, một thích thú nào đó, một sự gợi cảm thường không vượt xa hơn gân, bắt thịt (sensori-motrice). Do đó không nhìn ra cái toàn thể. Vì thế khoa tâm lý hình thái có ý cung hiến cái đó: cái toàn trường (le champ total ou l’ensemble cohérent). Coi toàn trường như phạm trù giải nghĩa then chốt: nghĩa là mỗi sự vật không lấy ý nghĩa ở nơi minh mà thôi, nhưng nhất là trong mối liên hệ với toàn khối, với toàn cảnh; còn những tâm lý trước có tính cách duy giác (sensualiste) thường chỉ thấy đựơc có những mảnh vụn vặt, không thể nhìn ra ý nghĩa của toàn thể. Vậy mà chỉ có cái hình dung của toàn thể mới đem lại cho các bộ phận, cho các phần mớ một ý nghĩa: con kiến đi bách bộ trên mặt người đẹp chỉ có thể phàn nàn vì cái hang sâu (miệng) cái đồi cao (mũi) chứ làm sao có thể rung cảm được như cậu con trai đang ngắm toàn diện bộ mặt của mỹ nhân. Cho được thế cần phải xem các phần nhỏ kết hợp thế nào trong cái cơ cấu chung, tổ chức như thế nào, các phần liên hệ với nhau sao, đặt nó vào vị trí nào thì mới nhìn ra được ý nghĩa của từng phần, mà khi nhìn riêng không thấy đâu cả. Con kiến không thấy đẹp vì nó không nhìn bao quát đựơc diện tích cái mặt giai nhân. Đó là đại để thuyết của khoa tâm lý hình thái (gestalt), chủ trương này xét về đại cương và trong ý hướng căn bản có chi khác thuyết Nhất quán trong Triết Đông đã từ ngàn xưa được đề cao. Tuân Tử nói: “Nhất vu đạo tắc chính kê vật”, “cần phải quy chiếu vào cái Đạo tức cái toàn thể thì mới biết trúng và tường tận sự vật” (Giải tế, Đại cương 610).
Khổng Tử nói “Dĩ nhất quán chi” mà không bảo “Dĩ đa quán chi”. Kinh Dịch nói: “quân tử chi đạo trinh phù nhất”: Đạo của quân tử phải trinh bền với Thái Nhất. Thái Nhất đó cũng có khi cưỡng gọi là nhất thể, chính nó mới tỏa chiếu ra vạn vật một ý nghĩa thâm sâu mà nếu chỉ căn cứ vào từng phần từng vật bác tạp, thì không sao có được. Vì thế người đã thấm nhuần Triết Đông đến khi đọc trở lại các tác giả triết Tây lúc gấp sách ít khi tránh được cái cảm giác bâng quơ vụn mảnh… Sở dĩ phải nói đến khía cạnh hay của Triết Đông là để cho cuộc thâu hóa triết học Tây phương của chúng ta không làm nghèo nàn cái kho tàng cũ. Nếu đi thâu thập về được 5 lại để mất 5 đã có trước rồi thì hóa ra không giàu thêm chi và sự học hỏi phê phán trở nên một chiều và lệch lạc. Người ta thường nói Khổng Tử chỉ có thuật lại người xưa chứ không sáng tác được gì mới, là tại chỉ xét có dữ kiện mà không xét cách xâu. Nếu thế thì kể cả Phật Tổ cũng chẳng có chi mới vì tứ diệu đế đã có trong thuyết Samkhya rồi, hoặc có thể nói như vậy về hầu hết các triết gia bởi bất cứ với triết gia nào người ta cũng có thể làm sổ tất cả những dữ kiện đã vay mượn ở đâu, có xuất xứ hẳn hoi (sources historiques) kể cả những triết gia rất lớn (Les grands Philos de K.Jaspers p.78).
Nhưng phê phán như vậy là chỉ nhìn có những yếu tố tức là cái bề ngoài, cái xác tức là lại rơi vào chứng bệnh mà những thuyết cơ cấu và hình thái (gestalt) đang muốn chữa trị bằng cách đặt nổi cái toàn khối, cái cơ cấu tổ chức của nó. Chính cái cơ cấu đó mới đem lại cho những dữ kiện vay mượn và cũ kỹ kia một giá trị mới mẻ nhiều khi biến đổi cả nội dung của danh từ. Thí dụ cùng một chữ Sustantia của Aristotes mà khi đứng vào cái tổng hợp của Spinoza thì đổi nghĩa hẳn. Cũng là chữ Lễ thí dụ ở Nho giáo xưa hiểu là lễ tế quỷ thần, đến khi đứng vào cơ cấu của Khổng học, thì biến ra lễ nghĩa giao tế giữa người với người. Cũng là chữ quỷ thần mà trước thì hiểu là những vật có nhân hình, nhưng đứng vào tổng hợp mới đã biến đổi thành sức huyền bí diệu dụng… Vì thế mà mỗi khi khảo sát một triết thuyết cần chú trọng đến cái nội dung uyển chuyển đàng sau mớ danh từ y như nhau.
Chính cái lối xếp đặt mới, cái cơ cấu mới đó làm nên linh hồn mới, đem đến một sức thúc đẩy mới mẻ, có khi làm cho những danh từ cũ phồng lên một ý nghĩa rộng rãi hơn, làm cho quy hướng vào một trung tâm đựơc nhận thức rõ hơn. Ta có thể dùng câu “Từ cục đất nặn nên Ông Bụt” làm thí dụ, cái danh từ dữ kiện có trước còn đang nằm tản mát ta gọi là đất, nhưng nếu gặp một nghệ sĩ có tài thì với bấy nhiêu sẽ biến thành một ông Bụt nghĩa là một nghệ phẩm linh động hơn nhiều. Cũng là bằng ấy dữ kiện nhưng chỉ một sự bỏ lửng cái này, nhấn mạnh cái kia, xếp đặt khác đi một chút… đủ đem lại một bầu khí mới, đủ biện minh cho chữ “ngộ đạo”: cái đạo của tôi, mà không là của Nghiêu của Thuấn nữa: dữ kiện thì chung với Nghiêu với Thuấn nhưng lối xếp đặt đã là của tôi rồi. Truyện Kiều vào tay Nguyễn Du thì là của Nguyễn Du tuy dầu truyện đã có trước, điều ấy không ngăn trở việc xếp đặt mới chiếu giả nhân cách của Nguyễn Du. Một câu nói rất quen tai chỉ cần đổi đi một hai chữ, hoặc đặt vào một đồng văn mới, lập tức chiếu ra một tia sáng khác trước, tỏa ra một sức lay động đặc trưng cao hay thấp là tùy với tinh thần của tác giả xếp đặt lại. Đó mới là cái hồn. Hồn đó không nằm trong mớ dữ kiện, nhưng trong những cái tế vi vô hình như chức năng hay những tương quan tác động là cái thay đổi với lối sắp xếp, nên không hiện hình thù lù ra nhưng lại quan trọng nhất. Với khác bé nhỏ Hồn hiện ra khác Hồn… Hồn ấy ở lẩn quất trong những cái “không đâu”. “Un rien de valeur change tout”.
Vì thế muốn biết một nền triết có giá trị hay chăng, thì xét những tư tưởng riêng rẽ chưa đủ, cái đó chỉ là tài liệu, là dữ kiện, là trang trí. Cái giá trị chân thực không nằm ở đó, nhưng ở cái hồn, cái luồng tư tưởng hướng dẫn. Đấy mới là can hệ, mới là tinh hoa, còn thể thái trình bày và các tài liệu chỉ quan trọng bậc nhì: tác giả có thể dùng lý tưởng khoa học, hoặc có thể trưng dẫn sách cổ điển, hay viết buông theo hứng tùy ý, bấy nhiêu chỉ là phương tiện. Có thể trưng dẫn các tác giả mà vẫn không là lặp lại suông, khi thực sự có Nhất quán, vì cái Nhất quán sẽ làm tỏa ra một luồng ánh sáng và sức nóng khác, một luồng sinh lực mới chạy xuyên qua những dữ kiện cũ để đưa lại cho chúng một ý nghĩa mới và như vậy tạo ra một cái gì độc đáo chân thật. Xưa nay hễ triết gia nào đã có nhất quán tất có độc đáo, ngoại giả bỏ lơ không chú trọng tới nhất quán, tới nền móng uyên nguyên mà chỉ cố tìm câu sự độc đáo cá nhân thì dể đốc ra sự lập dị hay có thành công thì nhiều lắm cũng chỉ là một ý hệ nghĩa là một hệ thống tư tưởng lạnh lẽo, thiếu tình người, thiếu ý nghĩa nhân sinh, có tồn tại lâu lắm cũng chỉ 30, 40 năm chi đó nhờ vào óc cầu mới của người đời.
Một nền văn hóa chỉ toàn sản ra được có ý hệ là một nền văn hóa chưa đạt nhất quán nên thiếu hồn, thiếu nơi an trú. Đấy quả là một nền văn hóa tan nát, uể oải. Chỉ khi nào đạt mối quán thông, đi tới căn cơ lúc đó mới có cái mãnh lực linh hoạt, khỏi cần công an cảnh sát mà vẫn trường tồn trải qua nhiều thế hệ và đó mới là cái cần thiết hiện nay. Quả thế cái thiếu cho con người thời đại không phải là ý thức hệ, cũng không phải là những tư tưởng mới lạ, càng không phải là những sự kiện đã có sẵn man vàn, hoặc những truyện vui đã tràn ngập nhưng là thiếu một mối quán thông đủ khả năng tiêm sinh lực và gây ra một niềm tin tưởng và hướng dẫn vào một đích điểm nào đó. Sau mấy thế kỷ phân tích quá nhiều đến độ tan nát gây nên tâm trạng mệt mỏi chán chường, thì điều cần thiết hiện nay là một nguyên lý uyên nguyên được nhận thức trở lại cách thâm sâu để nó có đủ sức móc nối các ngành chuyên biệt lại với nhau, phổ vào cho những tư tưởng rời rã kia một nguồn sáng nóng hăng say, cái đó gọi là nhất quán và tìm ra cái đó cũng chính là sứ mạng của triết lý. Cho nên điều quan trọng bậc nhất chưa phải là biết cho nhiều, biết cách xác thiết, có mạch lạc, có hệ thống, nhưng trên hết là nhất quán. Vậy hãy “tìm nhất quán trước hết rồi các sự khác (xác thiết và hệ thống) sẽ đến sau”.
Nhưng hỏi có cách nào để đạt nhất quán chăng? Cho tới nay hầu như đó là hồng ân thiên phú nó xuất hiện như một thứ thiên tài, chứ không có phương thế nào giúp đào tạo ra được. Tuy nhiên cũng có những sửa soạn và đường lối đáng gọi là những bước sửa soạn. Trong ý hướng đó chúng ta sẽ bàn đến 5 bậc học trong nho giáo.
4. Chiếc thang năm bậc
Đó là câu sách Trung Dung (20):                                                                         “Bác học, quảng văn, thận tư, minh biện, đốc hành, chữ hán”.                       Câu này quả là một cái thang có năm bậc giúp đưa tới nhất quán cần được quảng diễn.
a) Bậc nhất bác học
Đây là bước cần thiết để tránh cái nạn hẹp hòi của ếch ngồi đáy giếng dễ bị ngưng trễ vào một góc. Do đó tuy chủ trương nhất quán mà vẫn khuyên “bác học ư văn, đa kiến nhi chi chi” (Đại cương 582) = cần học rộng nghe nhiều, tầm mắt phải quảng khoát để mà ghi nhận thâu thái. Có “do bác nhi ước”: từ sự rộng đi đến cái giản ước, cái cốt tủy thì cái ước, cái nhất quán mới khỏi nghèo nàn, nhỏ bé.
Cũng vì thế có đọc nhiều mới biết đến các điểm khám phá của người khác, nhờ vậy vừa có thể hưởng dụng, vừa có thể khám phá ra những khía cạnh thực mới mà không sợ trùng hợp với việc đã làm rồi. Lão Tử nói “bác bất tri, tri bất bác: người học rộng không biết, người biết không học rộng”. Câu đó chỉ đúng khi người ta dừng lại ở đợt thứ nhất này, chứ thực ra nó cần thiết, có thể nói hầu hết các triết gia lớn đều đọc rất rộng, duy khác bác học rộng ở chỗ còn tiến lên 4 nấc sau.
b) Quảng vấn
Là bước thứ hai nhằm mở rộng phạm vi bác học và sửa soạn cho bước sau. Đây là một bước có tầm quan trọng nhiều khi quyết liệt đối với người học. Nếu nay gặp được một bạn đồng hành, một người niên trưởng đã lăn lộn trong biển học giới thiệu cho dăm ba cuốn sách, chỉ dẫn cho một hai hướng tiến thì nhiều khi lợi bằng cả mấy năm mò mẫm một mình. Vì thế nhiều người cho sự gặp gỡ đó là một ân huệ trời ban.
Đây cũng là một phương thế đi tìm chân lý mà người khai thác triệt để là Socrates và công trình đó được ghi lại trong những “Đối thoại” bất hủ của Platon. Chữ Dialogue có nghĩa là tìm tòi chân lý xuyên qua (dia) lời nói (logos): một phương pháp mà người thời nay đang làm sống lại dưới hình thức trao đổi, đối thoại… Có trao đổi, đối thoại mới nảy ra nhiều tia sáng lạ.
c) Thận tư
Thận tư là bước khởi đầu của triết lý, trong đó giúp người đọc góp phần tích cực hơn bằng sự phán đoán để lựa lọc. Ai thiếu bước này thì dễ coi mọi tác giả bằng nhau và không biết đặt ai lên trên, ai xuống dưới: lúc đó sẽ bị choáng váng vì nhận thấy trong làng triết không một ý kiến nào không bị bác bỏ. Nếu không có thận tư sẽ đâm ra hoang mang rồi rơi vào “tò mò muốn biết những cái khác nhau hoài để cho giải trí mà không có sự quy hướng vào một đích điểm, bấy giờ chỉ còn là tan rã (curiosité du divers et de la dispersion dans un divertissement sans consistance” (Grand Philos 41). Phải biết chọn lựa một số tác giả để chuyên đọc: tác giả nào đọc trước tác giả nào đọc sau. Đó sẽ là những việc quyết định mang nhiều hậu quả quan trọng vào đường hướng sống, có thể ví được với việc chọn bạn trăm năm vậy, nghĩa là một sự chọn lựa có khả năng thay đổi vận mạng của mình. Chọn được một hai tác giả rồi, lại học cho thấu triệt thì từ lúc đó mới là khởi đầu học triết thực sự, cái học mới có sức đào tạo đễ trở thành triết gia, còn nếu đọc nhiều không mà thôi thì mới chỉ là đọc cho biết: information et non pas formation. Khi bảo đi tìm nhất quán thì một trong những phương thế cụ thể là học cho thâm sâu một tác giả và cố tìm hiểu một cách sống động. Muốn được thế cần tiến thêm bước nữa là
d) Minh biện
Đây là bước cuối cùng trong việc học hỏi, nó hệ tại sự chân nhận ra điểm then chốt nhất của tác giả mình khảo cứu để dùng làm sợi dây dẫn đạo đi vào cho tới cùng triệt. Đó là vai trò tích cực của sự phê bình. Thường người ta chỉ biết phê bình là khen chê, nhất là chê và nhiều khi để tỏ ra minh độc lập hiểu biết thì dầu không đáng chê cũng cố kiếm ra một cái chi để mà chê: thế mới là phê bình. Kỳ thực đó chỉ là cái tật phê bình để mà phê bình. Như vậy là không đúng chữ Minh biện cũng đồng nghĩa với chữ Krinein của Hy Lạp là gốc chữ Critique, nhưng bị người ngày nay hiểu thấp xuống nghĩa là khen chê, mà không hiểu là minh biện, tức là tìm ra cái điểm cốt cán nhất để làm linh động các phần khác. Việc này rất hệ trọng, một người học triết nếu không tìm ra được chi khác ngoài điều đó đã là có công đáng mặt triết gia rồi (E.Lippman 208). Vì quả thật học cho thấu triệt và trình bày lại cho hợp thời một triết thuyết xa xưa đòi rất nhiều sáng kiến có lẽ còn nhiều hơn cả khi lập một ý hệ hoàn toàn mới. Muốn làm được thế phải tìm ra điểm cốt yếu mà khai thác dưới đủ khía cạnh, đó là điều họa hiếm. Kinh Dịch nói “Ai biết minh biện đó là triết gia”. “Minh biện triết dã” (quẻ Đại hữu). Vậy mà bước này hiện thiếu nhất. Thận tư (penser) thì có nhiều, nhưng Minh biện (Krinein) hầu như không còn nữa.
Heidegger nhận xét: tìm ra được một ý để nằm mãi mãi đó là điều cực kỳ khó khăn, nhưng đó cũng là tác động có nhiều tính chất triết lý trung thực nhất. Chúng ta có thể theo câu phương ngôn triết lý này: num quam negare, raro affrmare, semper distinquere: đừng bao giờ chối, đôi khi nên quyết đoán, nhưng luôn luôn phân biệt. Đừng chối vì bất cứ câu nào ta cho là sai lầm cũng vẫn có một khía cạnh đúng khiến cho người đối thoại của ta căn cứ vào đó mà khẳng định. Đôi khi nên quyết, cũng vì lý do trên, sự vật bao giờ cũng có hai chiều: quá quyết đoán là dễ thiên lệch. Vậy chỉ còn có tác động phân biệt xem chỗ nào phải, vì sao phải, vì sao trái. Nói khác là tìm ra được hệ thống quy chiếu của đối phương, là việc có thể mở rộng tầm nhãn giới ra rất xa nhiều khi đạt tới một hệ thống quy chiếu bao trùm được cả hai quan điểm khác nhau. Vì thế mà nói được rằng: mỗi phân biệt là mỗi bước tiến sâu vào sự xác định và biện biệt (un pas de précision et de differénciation). Như vậy là trở nên sâu sắc, vì sâu là gì nếu không là đem ánh sáng phân biệt chiếu rọi vào những cái còn mung lung hỗn tạp. Khi nào những phân biệt kia trở thành tế vi vượt qua những điều khái quát, thấu vào những chỗ âm u, thì lúc ấy là đạt được Minh biện, cũng là đạt nhất quán.
đ) Đốc hành
Đây là bước cuối cùng dính liền với Minh biện. Khi thực sự có minh biện thì liền có đốc hành, một sự hành đầy hăng say thành tín. Đốc có nghĩa là vững vàng, nghiêm chỉnh, thành khẩn, nó khác với cái hành trong những triết học duy hành (pragmatisme) thường chỉ có sự lợi ích nào đó thúc đẩy với tính cách ngoại khởi, có thể chỉ do một ý chí thôi thúc. Còn đốc hành là tính cách nội khởi, khỏi cần lợi lộc hối thúc, mà chỉ cần một nhận định sáng suốt đủ sức huy động toàn thể con người, làm thành bản hợp ca của ý, tình, chí đồng thanh hát bài “toàn sinh” tràn trề sức sống và sáng tạo, như Cassirer nhận xét: không còn phải là sự thống nhất những cái sản phẩm bên ngoài nữa, nhưng đó là sự thống nhất của một quá trình tạo dựng rồi: “Not a unity of products but a unity of the creative process” (On man 70).
5. Ba cây hợp lại
Đó là đại để ý nghĩa 5 bậc thang cần phải phân ra để học cho phân minh, trong thực tế uyển chuyển thì cả 5 đều có thể thi hành đồng thời, hoặc có đợt nhấn lúc này hoặc nhấn mạnh lúc khác tùy mỗi người và hoàn cảnh. Để đặt nổi điều đó thiết tưởng cần trình bày lối khác bằng quy lại ba bước tương đương với ba phép cộng, trừ, nhân.
Phép cộng gồm hai động tác là bác học và quảng vấn, tương đối dễ: trong số đi học có thể đến 20, 30% thành công và trở thành nhà bác học. Nếu họ viết sử triết thì cả những tác giả chẳng gây ảnh hưởng nào vào đời sống hay chỉ có một lúc như Mặc Địch, Côn Tôn Long cũng được dành cho một số trang gần tương đương với Khổng, Lão, Thích, đọc lên chẳng gợi được cái gì ngoài truyện là báo cáo (information). Phép trừ gồm hai bước thận tư và phần nào minh biện, nó hệ tại sự biết gạn lọc đi rất nhiều những yếu tố rườm rà không mấy ơn ích ngoại trừ chút giá trị lịch sử khảo cổ, hàn lâm, để dành lại nhiều chỗ cho những yếu tố có giá trị sinh động, và những khám phá mới. Triết học chỉ khởi đầu từ phép trừ này. Phép nhân là đem cái ý tưởng Minh biện đã khám phá ra để thể hiện vào đời sống, để dùng kinh nghiệm tâm linh mà linh động hóa trở lại các ý tưởng đã thâu thái trong những cấp trước. Được như thế là trở thành triết gia. Trong số đi học có được một phần ngàn người trèo tới đây chăng? Dầu sao những sự phân biệt này phải hiểu cách uyển chuyển chứ không có mốc giới xác thiết.
Sau đó ta có thể thêm phép chia hiểu là ban trải ra, thi thố ra cho người đời thừa hưởng, nhưng đó là hậu quả, còn chính ra thì ba phép trên làm nên nét nhất quán. Chữ quán xưa viết như chữ trung kép để biểu thị một cái dây xỏ qua hai cái vòng: vòng ngoài là phép cộng lại các cái học tự ngoài, còn vòng trong là phép trừ chỉ sự thải bỏ rườm rà để tìm ra nét chính thâu vào nội ngã. Còn nét giữa chỉ sự hiện thực ví được như xương sống tiêm vào cho toàn bộ một sự khỏe khoắn tinh thần. Đó là những việc cốt yếu để đi đến một nền nhất quán trung thực.

Chân lý trên cũng có thể minh họa bằng ba tác động của tâm là ý, tình, chí (tâm chi tam tác dụng trí, tình, chí) có thể nhìn thấy được gói ghém trong chữ Triết kép bởi khẩu, cân, tài: triết. Chữ khẩu là miệng để chỉ lời nói. Lời nói là dấu hiệu của ý niệm mà ý niệm là sản phẩm của lý trí cho nên chữ khẩu biểu thị lý trí. Chữ cân là cái rìu khi cầm lấy, tay cầm thấy nặng, dùng vô ý đụng vào mình sinh đau đớn vậy dùng để biểu thị xúc cảm, tình tứ. Chữ thủ cũng gọi là tài gảy chỉ việc làm, sự hiện thực. Chính nó là sự nhất thống sinh động, unity of life, là linh hồn của nhất quán, nên cũng là của những nền triết lý trung thực. Triết lý là cái thang đưa con người thoát khỏi trạng thái man rợ, nhưng sở dĩ con người khó thoát ra được vì hoặc quá thiên về lý hoặc về tình mà không tìm ra trạng thái quân bình. Jung viết rằng: “L’état de barharie se reconnaite précisément à la détermination de la volonté par une seule fonction”, tình trạng rợ mọi được nhận ra khi ý chí bị quy định bởi một chức năng duy nhất: đã lý thì thôi tình. Phải đạt cả ba ý- tình-chí mới đạt nhất quán vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...