Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Phương pháp Huyền sử


BỐN CHẶNG HUYỀN SỬ NƯỚC NAM
Triết gia Kim Định 

 I. NỀN TẢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
     Tập này nhằm xác định một số những mệnh đề còn để quá chung trong quyển Việt Lý, nhất là bài “Theo chân sử truyền”. Nhân tiện cũng là để trả lời một số thắc mắc được nêu lên do đấy. Những dữ kiện làm cơ sở suy tư ở đây mượn trong quyển Han Chinese expansion in South China (the Shoe string Press in 1967), của giáo sư Herold J.Wiens (sẽ viết tắt là Wiens) thuộc đại học Yale bên Mỹ chuyên về ngành nhân chủng học. Đây là một công trình đã đúc kết những điều sở đắc của rất nhiều nhà nghiên cứu nổi danh, trong đó phải kể trứơc hết đến sử gia Eberhard đã dầy công nghiên cứu tại chỗ về các sắc dân sống ở mạn Nam nước Tàu mà ông cho là có tới con số hơn tám trăm. Phương pháp của ông thuộc về văn hóa và phong tục học… Người thứ hai là ông Eichstedt đi lối ngữ học và chủng tộc (hình dáng, thân thể, khuôn mặt, nước da…). Ngoài ra rất nhiều học giả người Trung Hoa, ở đây chỉ nêu ra vài ba tên tuổi làm ví dụ.

Ông Trương Kỳ Quân (chữ hán) tác giả quyển “Trung Quốc dân tộc chí” (chữ hán). Ông Từ Tùng Thạch: “Thái tộc, Xung tộc, Việt tộc khảo” (chữ hán) (Thượng Hải 1949) và quyển thứ hai là “Việt giang lưu vực nhân dân” (chữ hán) (Thượng Hải 1947).

Lăng Thuần Thanh (chữ hán) và Nhuế Dật Phu (chữ hán) “Tương Tây Miêu tộc điều tra báo cáo” (chữ hán) (Acadennia Sinica, Thượng Hải 1947) v.v…

Như vậy là về đàng tài liệu đã đảm bảo được giá trị quốc tế của quyển sách, vì thế nhiều chỗ chúng tôi sẽ trưng cả bản văn bằng tiếng Anh.

Có một điểm tưởng cũng cần nói tới là tất cả các tác giả trên đây ít ra về phía người Mỹ không hề có một chủ thuyết nào, mục đích của họ chỉ là để tìm hiểu sự kiện khách quan nên khỏi e ngại có sự uốn nắn cho sự kiện hợp theo chủ thuyết của mình. Quyển sách trên cũng có nhiều lần nhắc tới huyền thoại. Vậy là hợp chủ trương của chúng tôi về đàng phương pháp. Vì chúng tôi dùng lối huyền sử thì tất nhiên phải dùng đến huyền thoại, tuy nhiên lại dùng theo một lối riêng gọi là huyền sử. Xin tóm qua lại như sau:

Huyền sử khác lịch sử ở chỗ có dùng huyền thoại nhưng lại đáng tên sử vì được giải nghĩa dưới ánh sáng của định chế, phong tục, cổ tục v.v… là những yếu tố có tính chất lịch sử. Đây là phương pháp không những hợp với khoa học hiện đại (uyên tâm, cơ cấu, triết học đều dùng thần thoại) nhưng còn là một yếu tố cần thiết trong việc đi tìm về nguồn gốc nước ta. Bỏ huyền thoại chúng ta hầu không còn gì để làm tiêu điểm dò đường. Vì trước nhà Đường và Tống thì sử liệu về dân mạn Nam nước Tàu rất hiếm hoi. Giáo sư Wiens kể lại lời học giả Eickskedt đại khái rằng, Tư Mã Thiên sinh ở Long Môn thuộc Sơn Tây nên nhất quyết từ chối không để lại gì về dân mạn Nam. Điều đó người Tàu mạn Bắc đều đồng ý. Tác giả phàn nàn về điểm những học giả Tây Âu chỉ biết ngốn nghiến sử liệu của Tư Mã Thiên hay những sử gia khác mà không chú ý tới việc bẻ quặt do sự bỏ sót nhiều sự kiện, nhất là khi nói đến các dân man di ngoài Hán tộc. “Where fault is found with Chinese history it is with the distorstion resulting from omission of facts particularly in the accounts dealing with the so called “barbarians” or non Han Chinese tribes people” (Wiens 30). Chính vì thế nên sử gia Tàu đã nhắc tới quá ít về những dân Môn, Man, Miêu, Thái, Việt mặc dù hàng bao thế kỷ họ đã cư ngụ ở mạn Nam nước Tàu và nước Trung Hoa hiện nay đã nhiều ngàn năm chính là đất của Việt Thái. Lý do sự bỏ sót đó là họ đã xem di sản Nho giáo xuyên qua lăng kính nhuộm đẫm màu Hán tộc nên chỉ nhìn nhận là có những gì thuộc miền Bắc nước Tàu == an outlook through very darkly (Han) Chinese colored glasses which recognized only what was North Chinese. (Wiens 30)

Có một lý do nữa khiến người Hán từ chối những tài liệu xưa là có lẽ vì họ muốn bảo toàn quyền tác giả tuyệt đối của họ trên Nho giáo cũng như về sự họ là chủ nhân đầu tiên trong nước Tàu. Thế mà những điều này sẽ bị đặt lại thành vấn đề khi người ta chú ý đến tất cả những tài liệu khác, như sẽ làm trong bài này. Vì những lý do trên mà chúng tôi bó buộc phải dùng đến huyền thoại, truyền kỳ để trám lỗ hổng. Sử liệu thì mới có từ đời Tống, một ít đời Đường, rất ít đời Hán. Trên nữa chỉ còn có Kinh Thư, mà Kinh Thư có lấy gạn thì cũng chỉ đến nhà Thương. Trên nữa chỉ còn là huyền thoại, thế mà đấy mới là quãng hình thành của nên văn minh Nho giáo. Vậy nếu muốn tìm ra phần đóng góp của Việt tộc thì phải tìm ở thời này, và nếu thế thì phải xài đến huyền thoại. Cho tới nay các sử gia kiêng dùng thần thoại vì cho là thiếu nền tảng khoa học, nhưng huyền sử cho rằng có một phương pháp biến huyền thoại thành tiền đường của khoa học, đó là sự dùng cổ tục học, định chế, ẩn dụ… để “đọc ra” nội dung của truyền kỳ và huyền thoại. Đó là phương pháp chúng tôi dùng và kêu là huyền sử.

Sở dĩ mãi cho tới thế kỷ này người ta mới nghĩ tới khai thác huyền thoại là vì tới nay mới đủ yếu tố để có thể dùng. Vì muốn đi vào rừng huyền thoại cách “khoa học” thì đòi người dùng phải biết rất nhiều để có thể đối chiếu, người ta quen gọi đó là phương pháp “thiên văn” hay là dùng thiên lý kính tức là phương pháp bắt phải lùi rất xa cả về thời gian lẫn không gian để có thể nhìn bao trùm đối tượng. Về thời gian phải lùi hẳn về buổi sơ khai lúc còn khuyết sử. Về không gian phải nhìn bao trùm cả khối người phương Nam, hơn thế nữa nhiều lần còn phải đối chiếu với các nền văn minh khác. Có như vậy mới nhìn ra cơ cấu là cái thuộc toàn thể. Chính vì thuộc toàn thể nên nó là cái gì chìm rất râu dưới miền tiềm thức, cần phải lùi xa mới nhận ra. Đồng thời lại phải nhìn rất rộng bao quát được nhiều khoa cùng hướng như phân tâm, cơ cấu luận, siêu ngôn (métalangage) là những khoa cũng cố gắng nhìn qua đợt ý thức để đặt tầm tiềm thức là địa vực của cái mà Kinh Dịch kêu là Cơ, tức cũng chính là cái mà ngày nay nhà cơ cấu luận đang muốn tìm. Khi xem toàn diện theo lối đó sẽ thấy những hình thái khác lạ, làm điểm tựa cho những quyết đoán mà người không quen sẽ cho là sai. Vì thế ở đây tôi xin đưa ra vài thí dụ thiết thực để xác định. Trước hết khi nói đến huyền sử thì câu nói phải hiểu theo lối toàn diện, nếu hiểu theo lối thông thường cục hạn thì có chỗ sai, nhưng sai trong tiểu tiết mà lại đúng trong toàn bộ. Thí dụ khi nói đến Hán tộc du mục thì tưởng là rất dễ bác vì từ lúc xuất hiện đã thấy Hán tộc bám sát nông nghiệp cũng như miền Nam nước Tàu vẫn có dân du mục. Thế nhưng nhìn vào cơ cấu uyên nguyên thì lại phải nói văn hóa Hán tộc thuộc du mục. Y như người Ai Cập phần nhiều nông nghiệp nhưng cơ cấu văn hóa là du mục vì nó có những nét thuộc du mục, thí dụ việc tuyệt đối hóa quân quyền, phụ quyền… vì thế trong tam tài của Egypt thì ngôi Ka là cha, ngôi King là con rồi yếu tố nối kết của cha con là Ka-mutef tức cũng là Ka nam tính (xem Jung, Mysterium conjunctionise IV. 1-3). Cơ cấu đã như vậy thì trong xã hội sẽ có những đặc ân tuyệt đối sinh ra mối liên hệ chủ nô, còn cai trị thì thiên về pháp hình… là những nét thuộc du mục sẽ theo bén gót khối dân ấy lâu về sau khi đã đi sang nông nghiệp, như sẽ nói về Hán tộc dưới đây. “Tay thì nông nghiệp mà tiếng là tiếng du mục”.

Ngược lại những dân du mục mạn Nam nước Tàu tuy vẫn còn tồn tại mãi tới tận nay có tới vài chục triệu nhưng vài chục triệu và so với số dân dăm trăm triệu thì lại là thiểu số không đáng kể phương chi trong cái nhìn tổng quan của huyền sử về cơ cấu thì các dân thiểu số đó lại mang đặc tính chất nông nghiệp. Đấy là điều nhà quan sát kiểu thường ít chú trọng.

Còn một điểm nữa phương pháp hay mắc phải đó là không nhận ra ý nghĩa biến đổi của cùng một danh từ thí dụ cũng là chữ Miêu, chữ Mán, Mường mà mỗi đời mỗi nơi gọi khác nhau. Cùng là dân Dao nơi Quảng Đông Quảng Tây mà khi vào Bắc Kỳ thì lại kêu là Mán, Mường (Wiens 67). Chữ Miêu hiện nay thường chỉ mấy dân thiểu số ở Quý Châu là từ đời Tống, nhưng trước kia đời Đường gọi là Mán, đời Tống là Miêu Man, thời nhà Chu gọi là Kinh Man cũng có khi gọi là Tràng Sa Man, Ngũ Khê Man, Ngũ Lĩnh Man, Nam Man…

Vậy trong khi nghiên cứu nên xác định nội dung mỗi danh từ theo thời đại và khu vực. Khi nhìn toàn diện theo kiểu Huyền sử thì Miêu là Man, là Môn, là Thái, là Việt (Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt) mà chúng tôi quen gọi là Viêm Việt, để chỉ tất cả những dân đã cư ngụ ở miền Nam nước Tàu, đúng hơn là 9/10 diện tích nước Tàu, nhưng thường sử gia quên đi và cứ sài đại ý niệm nước Tàu hiện đại cho những thời kỳ nước Tàu còn nhỏ xíu. Hiện nay đã có một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh điểm này. Trong khi nói Viêm Việt là chúng tôi chỉ có ý đối chọi một quảng đại quần chúng trong đó Bách Việt đứng đầu với một thiểu số người xâm lăng trước kêu là Hoa sau kêu là Hán, mà không có ý đả động đến vấn đề nhân chủng học. Thí dụ Miêu có phải là Mán hay Tam Miêu chăng. Vấn đề này xin để trong ngoặc vì có giải quyết đằng nào cũng không phương hại đến vấn đề toàn diện giữa Nam Man một bên và Hán Hoa bên kia.

Hiểu như thế mới trả lại cho chữ Man (Môn, Mân, Việt, Mường, Thái…) ý nghĩa uyên nguyên của nó bên ngoài nghĩa khinh miệt mà lúc sau người Hán quen gán cho rồi chúng ta cũng hùa theo. Đó là vì đã hiểu theo nghĩa hẹp chỉ một sắc dân sống trên núi rừng xa văn minh thành thị, nên kêu là Mường, Mán, Mọi… Còn chính ra khi hiểu theo nghĩa rộng tức chỉ cả miền Nam nước Tàu thì tên đó không có gì là quê mùa mọi rợ cả. Nó cũng là một tên như bao tên khác Hán, Hoa, Mông, Tạng, Việt… Vì thế khi vua nhà Chu muốn phong vương cho vua Sở thì vua nước này trả lời: “Chúng tôi là người Man di có cần chi tới chức tước của Tàu”. (Wiens 80) Nói thế vì lúc đó nước Tàu cũng còn rất nhỏ, như sẽ xác định thêm về sau.

II. VIỆT HOA AI ĐẶT NỀN TRƯỚC CHO NHO GIÁO ?

Có một vấn đề khác nữa đó là ai vào nước Tàu trước, Việt hay Hoa. Trong Việt Lý Tố Nguyên chúng tôi cho rằng Việt vào nước Tàu trước. Một số học giả cùng một chủ trương cũng như một số khác thì bác đi. Xem chẳng hạn ông Chu Hy Tổ (chữ hán) với tập “Bác Trung Quốc tiên hữu Miêu hậu hữu Hán chủng thuyết” (chữ hán) (1920). Nhưng vào trước hay sau đấy chỉ là vấn đề phụ. Điều then chốt hơn cả là ai đã đặt cơ sở trước hết cho nền văn hóa Viễn Đông gọi là Nho giáo: Hán tộc hay Việt tộc? Việt đây phải hiểu là đại diện cho khối người mênh mông gọi là Man một bên còn bên kia là Hoa hay Hán, cả hai ở lúc sơ khai làm nên những trung tâm văn hóa mà học giả có khi chia ra làm 9 nhóm, có khi quy vào 4. Có nhiều lối quy vào 3 hợp cho cái nhìn toàn diện hơn. Và 3 đó là Hán, Thái và Việt, và cuối cùng nữa thì còn Hán và Việt. Tại sao không Thái lại Việt thì sẽ nói sau. Ở đây chỉ xin ghi sự chú ý của học giả cho rằng mạn Nam có thể quy tụ vào một, hay có một nhóm bao trùm các nhóm nhỏ, nên ở mạn Nam không có sự phân biệt rõ như mạn Bắc. In the south the differentiation were not always as precise as in the case of the north and west. Above all there was an entire group of Southern people who appear to have straddled several groups. (Wiens 40) Người ta đã thử chứng minh sự thuần nhất này bằng một nguồn gốc chung (một số học giả Tàu cũng quyết đoán thế. Xem Từ Tùng Thạch, tr.20,22) và ông đã chứng minh là có mối liên hệ nền tảng giữa ba nhóm dân Man mà ông chia ra ba khối gọi là:

Austro-asiatic

Austronesian

Chuang tức Thái (Wiens 40)

Trong Việt Lý chúng tôi có biên lại chủ trương cho rằng người Tàu với Viêm, Tạng thuộc Nam tam hệ cùng một gốc tự miền Thiên Sơn di cư dần xuống nước Tàu. Viêm vào trước Tàu vào sau. (Việt Lý tr.52…)

Về điểm này không có chủ trương nào chống đối rõ rệt, vì những chủ trương tương tự chỉ khác về tiểu tiết. Thí dụ người thì cho là Mán Miêu phải đuổi dân Bản Thổ miền Dương Tử, Động Đình Hồ để chiếm đất, người thì cho là Miêu với Tam Miêu là một (Hirth và Eickstedt), người khác chối như hai ông Lăng và Nhuế (xem chi tiết 2 trang 70- 71, Wiens). Nhưng về ý kiến cho rằng Miêu (Mán, Thái, Viêm) xuất hiện theo nguồn sông Dương Tử đi đến đất Thục hiện nay thì nói chung có thể là đồng ý. Cho nên lấy về đại cương mà bàn thì những chủ trương này không nghịch với việc chia Nam tam hệ ra Tạng, Viêm, Hoa hay lối chia Viêm Việt ra Anhđônê, Mon-khmer, Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt (Việt lý tr.77). Trong hai lối chia này yếu tố Viêm nổi trượt. Ông Eberhard cũng nhiều lần nhận rằng Việt là yếu tố nổi nhất trong nhóm Austronesian, trong đó có cả Thái, Dao, Đản (cũng thuộc Dao). Còn Liêu thì ông cho thuộc Austroasiatic da đen, cũng gọi là Khương, hay là Tibeto Burman (Wiens 39). Hiện nay bên Tàu còn nhiều người ở vùng Vân Nam. “Under the Yueh (Việt) group, the Austronesian elements are preponderants. The Yueh are the relatives of the Yao and Tan (Đản) but mixed with the T’sai or Chuang that had settled among them” (Wiens 41) và “In the ancient times the Yueh peoples were culturally the highest among the Austronesians” (Wiens 39). Đời xưa dân Việt nổi nhất về văn hóa trong nhóm người Austronesians. Tôi nhấn mạnh điểm này vì giáo sư Wiens hay nói đến Thái ở nhiều chỗ lẽ ra phải nói Việt, vì hầu hết các học giả công nhận là Việt nổi hơn về văn hóa nên quên xếp Thái dưới Việt, nhưng cho là về chính trị thì Thái hơn. “Although culturally lumped under the term Yueh, they (Thái) were set off some what from the Yueh of Tung Ou (Đông Âu) and Min in Fu Chien and Che Chiang” (Wiens 130) (Mân ở Phúc Kiến và Chiết Giang). Tại sao Thái lại được coi là nổi hơn Việt về chính trị thì sau sẽ rõ. Ở đây chỉ cần ghi nhận là trong các sắc dân cư ngụ miền Nam nước Tàu thì Việt là sắc dân nắm phần chủ chốt văn hóa. Vì thế mới hỏi Việt Hoa ai đã đặt nền tảng trước hết cho văn hóa Viễn Đông là Nho giáo?

Theo quan niệm thông thường thì không ai khác ngoài Tàu, đó là điều chắc chắn đến độ không ai đặt thành vấn đề. Nhưng theo Việt Nho thì dân có công đầu lại là Viêm Việt. Trong Wiens (55) có nói là nền văn hóa sớm nhất ở mạn Trung nước Tàu xuất hiện ở Tứ Xuyên (ngọn sông Dương Tử) cùng một trật hay còn đi trước cả văn hóa Hán tộc cư ngụ trên sông Hoàng Hà. Ông Eberhard gọi văn hóa này là Ba còn ông Từ Tùng Thạch thì gọi là Thục Sơn văn hóa bao gồm đất Ba (Việt Giang lưu vực nhân dân, 1939 tr.14). The earliest cultural center of South China appears to be in Ssu Chu’an at a time contemporary with or even preceding the first appareance of Han Chinese culture in the Yellow River walley. (Wiens 55) Cũng trong Việt Lý đã nói Hán tộc còn nấn ná lại ở Cam Túc, thì Miêu tộc đã theo sông Dương Tử vào nước Tàu trước. Chặng đầu tiên mà họ gặp là miền Ba như Eberhard hay là Ba Thục như Từ Tùng Thạch thì chỉ là tiểu tiết, ta sẽ vượt qua bằng gọi là Ba Thục. Ba Thục là một trong ba miền có điều kiện cho sự phát triển văn hóa, tức sản xuất thặng dư và được tích luỹ. Nước Tàu xưa có được ba miền như thế là Ba Thục, rồi đồng bằng Dương Tử gọi là Kinh Sở và sau là Hoàng Hà. Trong ba miền này thì Hoàng Hà đứng riêng ra về phía Bắc, còn Ba Thục với Kinh Sở thuộc phía Nam, và hầu chắc Thục với Dương Tử tức miền của Kinh Sở hay Kinh Man cùng một gốc gọi bằng nhiều tên như Miêu, Man, Mân, Môn hay Cửu Lê, Bách Việt, Thái v.v… Lấy về huyền sử mà bàn thì miền Bắc là Hoàng Hà thuộc Hoàng Đế, còn miền Nam thuộc Thần Nông (gồm cả Toại Nhân và Phục Hy). Có Hoàng Đế hay Thần Nông chăng thì không thành vấn đề, chúng ta chỉ cần tên hai nhân vật thần thoại đã đủ để chỉ hai thực thể, hai loại tinh thần một gọi là du mục ưa võ lực, đề cao yếu tố nam, ưa dùng những số chẵn, vật tổ thú. Ngược lại là Thần Nông đi với nông nghiệp, nam nữ phân quyền nên nữ được nhiều quyền hơn, thong dong hơn bên Bắc, lại ưa số lẻ, vật biểu chim… Hỏi rằng Việt hay Hoa ai sáng lập ra Nho giáo cũng là hỏi rằng hai tinh thần nông nghiệp và du mục cái nào xuất hiện ở nước Tàu trước?
                       III. BA GIAI TẦNG THÔNG GIAO
     Muốn trả lời câu hỏi trên chúng ta có thể xét theo nhiều phương thức. Trước hết hãy theo chân các nhà xã hội học xét qua ba mấu chốt trong việc trao đổi là đàn bà, khí dụng và văn tự (dans toute société communcation s’opère au moins à trois niveaux:

Communication des femmes

Communication des biens et des services

Communication des messages)

1. Đàn bà 

Trong ba tiêu mục thì đàn bà là giai tầng cao nhất, nổi nhất vì hai điểm kia thuộc về vật thể, còn đây thuộc nhân vị. Nó còn biểu lộ trình độ văn minh cao hơn. Truyền thuyết cho rằng Hoàng Đế đã cưới vợ Thục Sơn cho con là Chiêm Ích (chữ hán) (Chan-Yi) đẻ ra con đầu lòng là Đế Cốc (B.C 2435-2369). (Wiens 56) Con của Chiêm Ích cũng lấy vợ Thục Sơn đẻ ra Chuyên Húc sau làm vua nước Kinh Man (Sở). Phải coi vụ này là một huyền sử vì còn xảy ra rất nhiều lần. Đế Minh tuần thú phương Nam lấy Vụ Tiên, Mục Vương xuống Nam lấy Thịnh Cơ. Còn việc Triệu Đà lấy vợ Việt và cổ động cho quan quân lấy từng vạn vợ Việt thì đã thuộc lịch sử rồi. Theo huyền sử thì như trên đã nói lấy vợ đâu thì đấy kể là có văn minh cao hơn. Vua rợ Hồ lấy được Chiêu Quân thì thỏa mãn hơn vì coi là cao trọng hơn. Vua Chàm lấy được Huyền Trân công chúa cũng coi là việc trọng, có đổi đất cũng đáng giá. Sự kiện đó biểu lộ sự hùng mạnh, văn hóa cao hơn. Vậy vợ Thục Sơn có thể là một biểu lộ nền văn hóa Thục Sơn cao hơn. Truyền thuyết nói rằng một trong Tam Hoàng là Nhân Hoàng đã chia nước ra chín châu và đóng đô ở Trung cung còn các anh em cai trị xung quanh. Trung cung được đoán là Ba Thục vẫn được kể là chúa trùm ở miền Nam và văn hóa được cho là đã đạt độ cao rất sớm. (Wiens 56) Vì số 9 là yếu tố quan trọng chứng tỏ văn hóa Nho giáo đã đạt đến cơ cấu cho nên nói Nhân Hoàng chia nước ra 9 châu thì có nghĩa là Ba Thục đã đạt đợt cao trứơc Hoàng Hà. Cũng phải nói như thế về Kinh Dịch, vì Kinh Dịch đi với Nhân Hoàng tức Phục Hy. Vì thế ta có thể kết luận lấy vợ Thục Sơn biểu lộ sự truy nhận văn hóa Thục Sơn cao hơn.

Thực ra việc lấy vợ còn một ý nghĩa khác thuộc chính trị, coi đó như con đường xâm nhập chiếm đoạt. Gả Huyền Trân cho vua Chàm là cốt mở thêm đất vào hai châu Ô Ri. Đế Minh lấy Vụ Tiên để làm vua Ngũ Lĩnh. Triệu Đà lấy vợ Việt để đặt cơ sở chính trị vững hơn. Trong chiều hướng này tên Chiêm Ích có thể là một khẩu hiệu: Chiêm có nghĩa thấm nhập, còn Ích là lần lần. Và khẩu hiệu này đã được hiện thực. Tuy vậy mục tiêu chính trị không đi ngược yếu tố văn hóa, hơn thế nữa còn có thể kiện chứng ở chỗ là người ta chỉ dùng việc lấy vợ làm lối đi cho chính trị là khi bên vợ vì lý do văn hóa hay kinh tế phải hơn hay ít ra ngang bằng, vì nếu sút hơn thì không giấu được mưu lược. Vì thế việc các vua Bắc phương lấy vợ Nam phương cũng là một lý do để người ta nghĩ rằng văn hóa phương Nam đã đi trước trong lúc ấy. Triệu Đà sinh quán tại nước Lỗ, tổ của văn hóa Hán thế mà khi làm vua tại Nam Việt thì từ bỏ thói tục Bắc Phương để sống theo phong tục Nam Việt. (Wiens 136) Lấy vợ Việt thì phải có lý do gì. Giả sử một toàn quyền Pháp lấy vợ Việt rồi ăn trầu để búi tóc, dùng toàn người Việt thì sẽ thấy rõ. Thường người ta cho đó là ngón đòn ngoại giao, nhưng ngoại giao chỉ có giới hạn, ngoài ra phải có trình độ văn hóa cao, nếu không hơn thì phải có một số nét nào đó đáng chấp nhận không những cho mình mà còn cho cả đoàn tuỳ tòng của mình, như Triệu Đà không những lấy vợ Việt mà còn tích cực cổ động cho quân đội Tàu lấy gái Việt.

Đọc lịch sử thế giới ta thấy một trường hợp khác đó là Alexandre Đại Đế đã từ lâu bỏ dần lối sống Hy Lạp để thâu hóa lối sống của Ba Tư. Sự thay đổi này phải giải nghĩa phần lớn bằng sự trội hơn của nền văn hóa sở tại, ít ra đối với ý nghĩ người chấp nhận là Alexandre, là Triệu Đà. Sự kiện này xảy ra nhiều lần trên mảnh đất Viễn Đông nơi mà nhà cai trị lại chấp nhận văn hóa của người bị trị như trường hợp Mông Mãn. (Wiens 81) Những sự kiện này rất đáng chú ý vì nó đưa ta đến một sự kiện khác lớn lao hơn là các đợt xâm lăng đều bị văn hóa người Tàu cải hóa. Ở nơi khác thì nhà cai trị chuyển hóa người bị trị, ở đây thì người bị trị chuyển hóa nhà cai trị. Đó là một hiện tượng có thể chứng minh cho sự trổi vượt về văn hóa của Phương Nam.

2. Khí dụng 

Từ hơn một thế kỷ nay thì khí dụng đã trở thành tiêu chuẩn để ghi mốc văn minh làm ra nhữhg chặng cổ thạch rồi tân thạch, và sau đó đến đồ đồng đen… Đồ đồng xuất hiện ở đâu trước thì đấy cũng là dấu hiệu văn hóa. Vậy mà các nhà nghiên cứu cho rằng đồ đồng xuất hiện ở phương Nam trứơc và người ta thường lấy trống đồng làm tang vật. “The Thai developed a bronze culture before the northerners did.” (Wiens 131) Trong Thiên Vũ Cống có nó đến đồng bằng Dương Tử như là miền cung cấp đồng duy nhất mà người Hán tộc biết đến. Từ Tùng Thạch cho rằng trống đồng được sáng tạo do dân Lĩnh Nam tên là Xung (chữ hán) (chữ này có thấy trong tự vị Khang Hy) đó là một tên khác để gọi Thái sống trong tỉnh Quảng Đông Quảng Tây. Trống gặp được ở các nơi khác (mạn Bắc) đều bé hơn và mới hơn. (Wiens 131).

Tằm tang

Nghề dệt cũng như cao hơn một độ là nghề tằm tang chứng tỏ một bước khá cao của văn minh. Vậy câu hỏi nghề tằm tang do đâu? Eicksted gắn liền miền Bắc với lúa mạch, đoàn cừu, chiên và vách đất với dâu và lụa, tác giả không có ý chủ trương là nghề tằm tang xuất phát từ miền Bắc, nhưng chỉ nhận xét là có nhiều. Hình như chưa có học giả nào chủ trương phương Bắc là nơi phát xuất của tằm tang. Trái lại nếu căn cứ theo dạng tự và huyền thoại thì có thể kết luận do miền Nam. Vì chữ Man (chữ hán) chỉ toàn dân miền Nam kép bởi bộ trùng (chữ hán), nhiều học giả cho là do nghề nuôi tằm (trùng) mà viết với bộ trùng như vậy, và chữ trùng này thêm vào là do miền Nam chứ trước kia miền Bắc không viết với bộ trùng. (Wiens 35) Trong quyển “Việt giang lưu vực nhân dân” ông Từ Thục Thạch kê khai ra bốn nét văn hóa của Thục Sơn thì nét 2 là sản xuất ra tằm tang (Wiens 60). Huyền sử nói Phục Hy đã lập ra phép cấy dâu nuôi tằm, vì thế sách Hoàng Đế nội kinh nói khi Hoàng Đế chặt đầu Si Vưu rồi thì thần tằm tang dâng lụa cho ông. Vậy là nghề dệt cũng như nghề tằm tang hầu chắc phát xuất ở Thục Sơn trước.

3. Văn tự 

Bây giờ nói đến văn tự cũng là nói đến yếu tố tập trung văn hóa hơn hết, ai nắm được thì nhất định thắng. Đó là một điều thật ở bất cứ đâu huống chi đối với Viễn Đông thì chữ Nho có một sức thôi miên kỳ lạ như nhiều học giả nhận xét. Cho nên về các đời sau Hán tộc đã thắng thế thì các nhà nghiên cứu (Wiens 121) cho là “nhờ chữ Nho”, vì cùng một chữ viết mà mỗi miền nói tiếng khác vẫn đọc và hiểu được, dụng cụ viết lại là những vật quanh mình dễ kiếm, thế mà lại chở theo một nền triết lý sâu xa với những văn thơ sáng lạn đầy sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn đó không nuốt trôi cách tàn bạo nhưng lôi kéo “nạn nhân” bằng sức thôi miên… Chính nhờ đó mà văn hóa Hán tộc đã có một tiềm lực hồi sinh và bền vững vô địch. Ông Eicksted cho đó là nền văn hóa mạnh nhất mà thế giới thấy được, đến nỗi nó cứ tiến dần một cách quyết liệt nhưng êm đềm và phần lớn cách kín đáo ngấm ngầm (Wiens 121). Vậy bây giờ ta hỏi Bắc hay Nam đã tìm ra chữ trước? Nếu kể từ đời Thương trở xuống thì rõ ràng là của phương Bắc. Nhưng trước nữa thì chỉ còn có huyền thoại. Và tuy huyền thoại cho là công của Hoàng Đế nhưng huyền thoại còn thêm là Hoàng Đế giao cho Thương Hiệt trông coi. Nhưng cũng theo huyền thoại thì trước đó còn một đợt văn tự manh nha gọi là kết thằng gắn liền với việc sáng tác Kinh Dịch là do Nhân Hoàng thuộc Thục Sơn. Vì thế khởi nguyên chữ viết phải là do phương Nam, không những thế phương Nam còn tiến thêm một đợt nữa là đợt viết chữ theo dấu “chân chim”. Chim là vật biểu của Viêm Việt nên chữ theo lối chân chim có thể giải nghĩa là chữ theo văn hóa của những người có vật biểu chim. Vì thế khi Hoàng Đế cướp được chính quyền của Si Vưu thì trao cho nhân tài miền có vật biểu chim để hoàn bị chữ viết và người đó gọi là Thương Hiệt. Hiệt là chim bay cao. Thương là phương Đông. Hai chữ ấy có thể bao hàm ý nghĩa là người hoàn thành chữ viết thuộc văn minh Đông Nam. Đó chỉ là lấy đại cương mà bàn. Vì khó còn thể biết đích xác hơn. Nhưng ta có thể nghĩ rằng ở phương Nam đã có rất nhiều người thử lập ra chữ Nho do ý chí muốn vượt qua lối chữ kết thằng quá nghèo nàn về khả năng ghi chép. Vì thế ở nhiều thị tộc chắc có những thử thách, những lối văn tự ít nhất ở độ thai nghén. Công của Hoàng Đế cũng như sau này của Tần Thuỷ Hoàng chỉ là “thống nhất” văn tự tức là bắt theo một lối nào nhất định. Rồi nhờ nắm được chính quyền nên cũng nắm luôn được quyền văn tự, tức là thâu vào tay mình tất cả công lao sáng tạo của rất nhiều người (rất nhiều dân gian như việc tác sách) nhưng trước kia còn nằm tản mác. Cho nên khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất văn tự thì nhiều nơi ở miền Nam chống lại bằng “duy trì” chữ của riêng nước mình. Hầu chắc chữ Nôm ta nằm trong trường hợp ấy, nó có nghĩa là “chữ Nam” đọc trại ra Nôm. Đọc trại vì trong Kinh Thi rất nhiều chữ Nam phải đọc là Nâm cho hợp vận. Như thế chữ Nôm đã có lâu đời. Người ta nhận ra dấu vết đời Nhân Diên, Sĩ Nhiếp, nhưng có thể đoán còn trên nữa. Sau này gần một ngàn năm Bắc thuộc quên đi, khi độc lập mới làm sống lại nên đã có quá nhiều đổi thay do quên sót cũng như do các biến chuyển khác, nên không lấy lại được chính chữ Việt xưa.

Bây giờ xét gồm cả ba giai tầng thông giao thì ta thấy rất có thể kết luận là Thục Sơn đã đặt viên đá đầu tiên trước Hoàng Hà. Chính ông Từ Tùng Thạch cũng phải nhận rằng rất có thể Hoàng Hà là cái chồi của gốc Thục Sơn. “Hanam Yellow River culture may be an offshoot of the Shu shan culture”. (Wiens 60) Kết luận như thế rất hợp hoàn cảnh tức là nước Tàu Hán lúc đó chỉ là một mảnh đất nhỏ xíu bên cạnh những trung tâm văn hóa khác có thể là 8 hay 6 tuỳ lối chia nhưng chiếm hầu trọn nước Tàu “There remains only a minimal region in which could be inserted a compact Han Coinese settlement” (Wiens 44). Như thế việc coi Nho giáo là của Tàu chỉ là thói quen thường nghiệm thiếu nghiên cứu tận tường, còn khi nghiên cứu nghiêm chỉnh thì nhiều học giả cho là Thục Sơn có thể đi trước, ngay trong một số học giả Trung Hoa đã bác ý đó như ông Từ Tùng Thạch cũng có lúc cho là Hoàng Hà có thể chỉ là chi nhánh của Thục Sơn!
Trong : Triết Lý Cái Đình

Từ Vũ và Ban biên tập NVA chân thành cảm ơn © anviet.net và DungLac.net, đã cho xử dụng những tác phẩm vô cùng giá trị của cố Giáo Sư Kim Định

Bottom of Form
NEWVIETART.COM 
Email: newvietart@yahoo.com

Copyright © 2004-2008 Newvietart. All rights reserved. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

015004 LĂNG KÍNH LƯỢNG TỬ LUẬN LUẬT QUÂN BÌNH VÀ TRIẾT LÝ ÐẠI HÒA Thái Đông A

013001a NHẬP MÔN

013001a    NGƯỜI VIỆT, TIẾNG VIỆT, ĐẤT NƯỚC VIỆT Một con người chưa hiểu biết về gốc gác của mình chưa thể là con người có văn hóa. Cũng n...